Văn hóa và đời sống
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Nghệ An - 20 năm nhìn lại
Nhiều sinh hoạt văn hóa của của đồng bào được tổ chức trong Đêm hội Sắc Xuân được tổ chức hàng năm tại miền Tây Nghê An. Ảnh Trang Đoan
Tháng 4 năm 2000, Nghệ An tổ chức lễ phát động triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên phạm vi toàn tỉnh. Từ đó đến nay đã 20 năm trôi qua. 20 năm là một chặng đường tuy không dài nhưng có lẽ đủ để chúng ta đánh giá về hiệu quả của một chương trình, một phong trào. 20 năm đủ để chúng ta nhìn ra được căn cốt vấn đề cũng như những hạn chế nhất thiết phải điều chỉnh để tìm ra hướng đi đúng, phù hợp hơn trong tương lai.
Có thể nói, trong 20 năm qua phong trào TDĐKXDĐSVH tại Nghệ An ít nhiều được lan tỏa trong cộng đồng, tạo nên những bước chuyển về đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Trước hết, việc đầu tư, hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cho các địa phương gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn. Các thiết chế văn hóa, thể thao đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân, giúp họ có nơi để vui chơi, sinh hoạt, hội họp thuận lợi. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 290 công trình được hỗ trợ đầu tư, xây dựng, trong đó có 182 nhà văn hóa và 108 sân vận động; 20/21 huyện, thành, thị có trung tâm văn hóa -thể thao; 458/460 xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa -thể thao (con số này vào năm 2000 là 100/469 xã); 3636/3804 (95,5%) thôn, bản có nhà văn hóa -sân thể thao (con số này năm 2000 là 3.697/5.859 =63%). Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã mang lại nhiều chuyển biến cho đời sống người dân mà tiêu biểu là công tác xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ 19,75% (năm 2001) đã giảm xuống còn khoảng 3% (cuối năm 2020). Trong 20 năm qua, kinh tế Nghệ An có những bước chuyển rõ nét, GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 44,01 triệu đồng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 18 cả nước. Đời sống đồng bào các huyện miền núi phía Tây được cải thiện rõ rệt, khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền phần nào được thu hẹp. Trong 20 năm, toàn tỉnh đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, nhiều phong trào cũng được triển khai mạnh mẽ ở cơ sở nhằm lan tỏa tinh thần đoàn kết, gắn bó, chia sẻ trong cộng đồng; nhân rộng việc tốt và những nghĩa cử cao đẹp. Tiêu biểu có thể kể đến một số kết quả như: vận động được hơn 263,047 tỷ đồng, tặng hơn 31.706 sổtiết kiệm cho người có công; hỗ trợ xây mới 3.724 nhà, sửa chữa 8.128 nhà tình nghĩa; Đoàn thanh niên cơ sở duy trì 216 câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội, 34 nhóm bạn giúp bạn, 42 đội Kỹ năng sống; 30/35 đơn vị cơ sở Đoàn duy trì mô hình“Bát cháo tình thương”cho bệnh nhân nghèo;…
Trọng tâm của phong trào TDĐKXDĐSVH là việc xây dựng, công nhận và phát huy các danh hiệu văn hóa. Công tác này đã được tích cực triển khai và thu lại nhiều kết quả. Mặc dù việc công nhận danh hiệu còn có những bất cập song có thể nói điều này ít nhiều có những tác động tích cực đến người dân cũng như các địa phương mà rõ nét nhất là lan tỏa tinh thần thi đua, xây dựng đời sống văn hóa trong từng gia đình, thôn, xóm. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 689.177/815.418 gia đình văn hóa(84.5%); 3.670/5.886 làng, bản, khối phố văn hóa (62.3%); 119 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóanông thôn mới” (28,9%); 05 “Phường, Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; 1.774 cơ quan, đơn vị được công nhận “Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa”; 776 dòng họ được công nhận “Dòng họ văn hóa”; 30 xã có thành tích xuất sắc trong phong trào TDĐKXDĐSVH.
Nói đến thành tựu nổi bật nhất trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH trong 20 năm qua thì chắc chắn không thể không nói đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng. Mạng lưới di tích, danh thắng dày đặc, đa dạng với 2602 di tích - danh thắng, trong đó có 960 di sản văn hóa phi vật thể là một thách thức lớn đối với những người làm công tác văn hóa tại Nghệ An. Bảo tồn đã khó, phát huy được giá trị của các di tích càng khó hơn nhiều lần song về cơ bản, thời gian qua tỉnh Nghệ An nói chung, ngành văn hóa tỉnh nói riêng đã thực hiện khá tốt công tác này. Các di sản, đặc biệt di sản văn hóa phi vật thể ở miền xuôi cũng như miền núi không chỉ được gìn giữ, khôi phục mà còn phát huy tốt trong đời sống hôm nay mà tiêu biểu có thể kể đến dân ca Ví, Dặm hay những điệu múa, ẩm thực, lễ hội của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An được khai thác đưa vào du lịch, tạo dấu ấn với du khách. Công tác quản lý lễ hội, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan cũng được thực hiện tốt, mang lại nhiều thay đổi.
Nhìn vào những gì đã đề cập ở trên, chúng ta có thể thấy thành tựu của phong trào TDĐKXDĐSVH trong 20 năm qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhìn sâu vào các hoạt động chính của phong trào, vào những chương trình cụ thể được triển khai thì có thể thấy hiệu quả chưa cao. Nói cách khác những chuyển biến mà phong trào mang lại là chưa rõ nét.
Nghệ nhân Vũ Thị Quế dạy hát dân ca cho học sinh ở Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu
Điều đáng lẽ chúng ta phải được thấy và mong muốn được thấy nhất sau 20 năm triển khai thực hiện đó là một sự chuyển biến thực sự trong nhận thức của người dân thì chưa có. Sau 20 năm, đáng lẽ phong trào phải giúp cho người dân được tiếp cận nhiều giá trị mới, văn minh, tiến bộ; giúp cho những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp được giữ vững, đẩy lùi tệ nạn xã hội; hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp và nhân văn hơn nhưng thực tế lại không đạt đượcnhư mong muốn. Tình trạng suy thoái đạo đức, tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng; tỷ lệ ly hôn ngày càng cao,...khiến chúng ta không khỏi đặt câu hỏi về giá trị thực chất của những danh hiệu văn hóa được xem là trọng tâm của phong trào TDĐKXDĐSVH. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa được xây dựng rầm rộ nhưng lại khai thác sử dụng không hiệu quả, thậm chí nhiều nơi một số công trình bị bỏ hoang rất lãng phí. Với các huyện miền núi, mặc dù đã được quan tâm, đầu tư phát triển nhưng nhìn chung đời sống còn rất khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản trên địa bàn,...cũng còn đó không ít bất cập.
Tất cả những tồn tại đó buộc chúng ta phải nhìn lại và đặt câu hỏi tại sao? Tất nhiên câu trả lời của nó sẽ không phải là những lí do chung chung, năm nào cũng như năm nào vẫn được liệt kê trong các bản báo cáo. Đó phải là một câu trả lời trọng tâm, chỉ ra được căn nguyên vấn đề. Chúng ta cần xem phong trào đã thực chất chưa hay chỉ được triển khai một cách hình thức? Nó có đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân? Chúng ta đã lắng nghe dân, đã để dân thực sự là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động hay chưa? Tất cả những câu hỏi ấy, thiết nghĩ, những người có chức trách cần phải suy nghĩ và trả lời một cách nghiêm túc, thẳng thắn, thấu đáo.Chính vì thế, đã đến lúc chúng ta cần lắng nghe nhiều hơn những ý kiến thẳng thắn, đặc biệt từ nhân dân. Lắng nghe để thấu hiểu lòng dân và có những điều chỉnh phù hợp hơn, thực chất hơn bởi thực tế cuộc sống đã chứng minh chỉ những gì hợp với lòng dân mới có thể tồn tại một cách lâu dài.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528488
2144
2291
2761
215184
0
114528488