Văn hóa và đời sống

Thương hiệu Văn hóa Nghệ An được tạo nên từ đâu?

Tôi là một bạn đọc “khó tính” nhưng trung thành với tạp chí Văn hóa Nghệ An (VHNA). Tôi tự cho mình là cựu độc giả của tạp chí, vì gần như tuổi của tap chí bao nhiêu thì tôi đọc bấy nhiêu. Thi thoảng, tôi có viết cho VHNA nhưng không phải là cây bút chuyên nghiệp. Trong “thư viện” tại gia của tôi, các số VHNA gần như đủ. Là bạn đọc của nhiều tờ báo/tạp chí, nhưng ít có tờ báo/tạp chí nào tôi lại lưu trữ một cách công phu, đầy đủ, nghiêm túc như VHNA.

Có người biết chuyện tôi lưu trữ tạp chí VHNA, hỏi vì sao lại giữ đều các số của một tờ tạp chí địa phương như vậy? Tôi bảo: “Hỏi thì phải trả lời, nhưng trả lời chắc gì đã hiểu, hiểu rồi chắc gì đã tin, tin chắc gì đã theo. Ngắn gọn, nói như ngạn ngữ Nga, “về sở thích thì không nên tranh cãi”. Tôi thích nó vì nó có thương hiệu”. Vậy thôi! Tôi nói thêm: “Tôi khuyên, nếu muốn thay đổi tư duy, muốn biết chuyện ta, Tây, chuyện Tàu một cách thật sự, không nịnh bợ, khuôn mẫu, muốn góp ích cho Tổ quốc và Nhân dân, thì nên đọc VHNA”. Tóm lại, muốn “lớn lên” thì tìm các tờ báo có thương hiệu mà đọc, và nếu có viết thì cũng cố gắng viết cho những tờ báo như thế”.

Rất có thể một tờ báo là thương hiệu với người này nhưng không với người khác. Chuyệnrất bình thường. Nhưng khi tôi tâm sự với những ai đọc VHNA thì thấy họ đều tấm tắc khen mặt này, mặt khác. Điều quan trọng là khi nói “thương hiệu” hay không phải “thương hiệu” thì phải có cơ sở, tức là “cái lý có chân”. Có thể cơ sở đưa ra chưa hoàn toàn thuyết phục tất cả mọi người, nhưng chí ít qua đó cho thấy người nói có quan điểm riêng, trí tuệ, bản lĩnh, không ăn theo nói leo.

Tôi đồng quan điểm với nhiều ý kiến cho rằng VHNA là một tờ báo có thương hiệu. Với tôi, thương hiệu đó được tạo bởi những dấu ấn, tố chất sau:

Thứ nhất, đem lại tinh thần, nguồn nhựa sống, sinh khí cho người đọc. Mọi tờ báo/tạp chíphản ánh tiếng nói của Nhân dân và của Đảng Cộng sản Việt Nam (Trung ương và địa phương) đều phải tuân thủ tôn chỉ, mục đích của một tờ báo cách mạng; phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm rường cột, đi đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. VHNA không ngoại lệ, nhưng tuân thủ theo cách riêng của mình, không rập khuôn máy móc, tầm chương trích cú. Các bài viết không cần dẫn nhiều kinh điển, nhưng lại thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng.

Đọc VHNA ngộ thêm một điều là thương hiệu không phải ở bề nổi mà ở “bề chìm”; không phải ở những gì “đao to búa lớn” mà ở cả những “đao nhỏ, búa nhỏ”; không phải ở tên tuổi, ở chỗ dán nhãn, dán tem, ở học hàm, học vị của người đứng đầu tờ báo, mà ở ngay chiều sâu thẳm của từng dòng viết, bài viết, từng câu chữ, từ ngữ. Chính trị của VHNA là kiểu “chính trị vào giữa dân gian” như lời dạy của Bác Hồ từ tháng 10-1947 trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc.

Không có những bài dài lê thê dẫn nguồn theo kiểu sao chép, nhưng nội dung lại rỗng, VHNA “chọc” thẳng vào suy nghĩ của mỗi người, khơi dậy trách nhiệm, bổn phận tư cách làm người, làm cán bộ, đảng viên trước vận nước. VHNA đem lại tinh thần, nguồn nhựa sống, sinh khí cho người đọc, chứ không đem lại số lượng kiểu xô bồ, “đếm dòng lấy tiền”, viết lấy được. VHNA buộc người đọc phải suy nghĩ, trăn trở, có khi hổ thẹn vì thấy “nhân vật” kém trong bài viết có khi chính là mình.

Thứ hai, dám viết, dám đăng, dám chịu trách nhiệm. Đọc một ngàn từ của VHNA có khi còn chất hơn nhiều so với vài ngàn từ đâu đó. Có nhiều điều trong cuộc sống quanh ta, nhưng không phải báo nào cũng dám viết, dám đăng. VHNA là số ít trong làng báo làm được điều cái gì cần đăng, cái gì không đăng.

Thương hiệu được tạo nên bởi đội ngũ những người cầm bút. Theo tôi được biết, nhiều người viết cho VHNA không phải là tay phải, chuyên nghiệp gì đâu, mà là “tay trái”, nhà báo không thẻ. Tôi chắc chắn rằng nhiều người viết cho VHNA không được học bài bản trong trường lớp viết báo gì đâu, mà họ học từ cuộc sống, từ nhân dân, từ thực tiễn, từ lịch sử. Cái chuyên nghiệp của họ không phải là chuyên nghiệp báo chí mà là chuyên nghiệp mắt sáng, lòng trong, bút sắc, trách nhiệm mỗi khi lướt phím.

Một cách nhìn khi đánh giá thương hiệu của VHNA là những người viết dấn thân, dám viết, dám chịu trách nhiệm với bài viết của mình. Một cách nhìn khác lại cho rằng các tác giả gửi tâm huyết, trí tuệ, bản lĩnh và trách nhiệm vào mỗi dòng, mỗi câu, mỗi từ của bài viết. Cách nhìn nào cũng có cái lý của nó. Gộp cả hai là đúng nhất.

Cán bộ, phóng viên Tạp chí VHNA cùng các cộng tác viên Hà Nội về huyện Thanh Chương (Nghệ An) viếng mộ cố GS Nguyễn Tài Cẩn

Nói “dám” là một cách tiếp cận. Thực ra, chẳng có gì gọi là “dám” hay không “dám” ở đây cả. Nó là mấy chữ a, b, c theo cách nói của Bác Hồ thôi mà. Tức là những chuyện “thường ngày ở huyện”, có gì mà dám hay không dám. Bởi tất cả đều là sự thật, được phơi bày rõ rệt. Không dám là hỏng, không xứng danh làm báo, viết báo. Còn dám là chuyện thường. Ngay cái lý sự đó cũng làm cho VHNA có thương hiệu rồi.

Cái thương hiệu của VHNA chính là không chỉ ca ngợi “người tốt, việc tốt”, mà chỉ rõ “người kém, việc kém, người xấu, việc xấu” một cách khoa học, có cơ sở lý luận và thực tiễn chặt chẽ, lôgic. Cách viết đó đem lại cho độc giả một giá trị lớn, bền vững, một niềm tin. Thực sự, đó là cách truyền cảm hứng cho người đọc, cho xã hội. Viết kiểu “phò chính trừ tà”, khen chê theo cách của VHNA nhẹ nhàng, nhưng thâm thúy, sâu sắc, mang chở hàm lượng văn hóa.

Các mục “Văn hóa và đời sống”, “khách mời của tạp chí”, “những góc nhìn văn hóa”, “cửa sổ văn hóa”, v.v..., không chỉ thương hiệu ở tên gọi những mục đó, mà quan trọng hơn là chất lượng các bài viết trong mục. Cùng một chủ đề, chẳng hạn viết về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những ngày kỷ niệm, sự kiện chính trị lớn gần như báo nào cũng có. Nhưng đọc VHNA có cái gì hấp dẫn, lôi cuốn, không lên gân lên cốt, không kể lể vòng vo, không xu nịnh a dua, không chung chung trừu tượng. Chính tính giáo dục tư tưởng chính trị không nằm ở những từ chính trị sáo rỗng, đã làm cho VHNA có thương hiệu.

Cứ đọc, cứ suy, cứ ngẫm thì sẽ thấy rõ điều đó!

Người viết dám viết, biết viết. Tổng Biên tập dám đăng, “chịu” đăng. Sự gặp gỡ giữa đội ngũ cộng tác viên với người đứng đầu tờ báo “không sư, không sĩ” là sự gặp gỡ của những quan điểm, cách nghĩ, cách làm, cách dấn thân, cách thể hiện báo chí vì sự nghiệp chung của Đảng và dân tộc, vì một Việt Nam phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Điều đó thật sự thu hút độc giả, làm thành thương hiệu.

Có người hiểu tại sao một tờ tạp chí địa phương làm nên thương hiệu quốc gia. Có người không hiểu, tò mò tại sao một tờ báo địa phương lại thu hút được nhiều cây bút không chuyên nhưng có tên tuổi trong và cả ngoài nước như vậy? Từ tò mò đến hiểu. Từ hiểu đến thấm. Từ thấm đến thích. Từ thích đến say. Thế là tờ tạp chí thành thương hiệu không chỉ cho những bạn đọc gắn bó với VHNA từ đầu, mà dần dần lôi cuốn nhiều người khác cùng đọc.

Phải nói thêm thương hiệu của bất cứ cái gì, trong đó có báo chí không nằm ở nhuận bút. Theo tôi được biết, VHNA là một trong số ít tờ báo trả nhuận bút thấp. Nhiều bài viết tim óc đăng ở VHNA nhuận bút chỉ bằng một phần hai, thậm chí chưa được một nửa so với nơi khác. Đây có lẽ cũng là một lý do “kỳ quái” tạo nên thương hiệu của VHNA chăng? Bạn đọc biết điều này chắc cảm thông lắm với người viết. Họ cầm trên tay tờ tạp chí không đầy một trăm trang, hình thức trình bày bình thường, không màu mè trau chuốt. Một tờ tạp chí không có vẻ bề ngoài hoành tráng, nhưng hoàn toàn không sơ sài bên trong. Người đọc đã tìm được những điều lung linh trong mỗi bài viết.

Thương hiệu của VHNA nằm ở nguồn thông tin được sử dụng, chắt lọc, phân tích, cắt nghĩa qua các cây bút tâm huyết, say mê, trách nhiệm.

Tổng Biên tập, những cán bộ biên tập, cho đến đội ngũ cộng tác viên với điểm xuất phát từ cái lòng vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào. Họ đã để lại những trang viết có ích cho đời, cho xã hội, cho sự nghiệp đổi mới vì hạnh phúc của nhân dân.

Những ai thật sự đau đáu vì nước, vì dân, thẩm thấu được từng con chữ sẽ hiều vì sao VHNA, một tờ báo địa phương lại lan rộng ra cả nước, thậm chí một số bạn bè nước ngoài cũng thích. VHNA có thương hiệu bởi lẽ, để phục vụ sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh có hiệu quả, tờ báo có cách thể hiện riêng của mình. Bản sắc kết hợp với bản lĩnh. Tính thực tiễn kết hợp với tính khoa hoc. Tính chiến đấu kết hợp với tính Đảng. Kịp thời và hiệu quả. Những điều đó cắt nghĩa hai từ “thương hiệu” của VHNA.

Thương hiệu không phải tự mình tôn mình, tự mình khen mình, không phải “mèo khen mèo dài đuôi”. Thương hiệu là do độc giả đánh giá, ghi nhận. Là một độc giả, khi trò chuyện với nhiều bạn đọc khác, tôi thấy mọi người có cái nhìn, cách đánh giá có nhiều quan điểm tương đồng, giống nhau, trên cái nền, mẫu số chung là tạp chí VHNA có thương hiệu.

Website vanhoanghean.com.vn có nhiều người truy cập (bình quân 45.000 lượt/ngày, có ngày gần 100.000 lượt truy cập), nhiều người đọc, nhiều người khen, nhiều người học được, thu nhận được ở VHNA những giá trị về tư tưởng, về cái tâm, cái tầm, về phong cách làm báo, về tính chuyên nghiệp, về chất văn hóa Nghệ. Chỉ riêng “Đất và người xứ Nghệ”, “Xứ Nghệ ngày nay” đã đem lại cho bạn đọc nguồn cảm hứng vô tận bởi chất “Văn hóa Nghệ An”, thể hiện được lòng ước ao của quần chúng nhân dân, thổi vào lòng người đọc niềm vui, niềm tin, niềm tự hào xứ Nghệ và sự khát khao cống hiến không chỉ cho quê hương mà cho cả đất nước, cho dân tộc. Không phải chỉ dân xứ Nghệ thích, mà người Việt Nam cơ bản thích VHNA.

 Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để cho VHNA trở thành một tờ báo có thương hiệu.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114496448

Hôm nay

2230

Hôm qua

2310

Tuần này

21229

Tháng này

213841

Tháng qua

120308

Tất cả

114496448