Văn hóa và đời sống
Văn hóa Nghệ An - chọn khác để tồn tại
Cán bộ, phóng viên Tạp chí VHNA chụp hình lưu niệm cùng nhà phê bình Đặng Tiến (thứ 5, trái sang) tại Đêm giao lưu về Trịnh Công Sơn. Ảnh Trần Hoài
Trong 15 năm tồn tại và phát triển của Văn hóa Nghệ An, tôi may mắn được đồng hành hơn 1/3 chặng đường. Dù không có mặt từ những ngày đầu, dù khoảng thời gian gắn bó không dài nhưng có lẽ đủ để tôi hiểu Văn hóa Nghệ An. Chính vì hiểu nên mới yêu và lựa chọn gắn bó đến tận hôm nay dẫu rằng bước chân vào đây là biết trước có muôn vàn khó khăn, thiệt thòi.
Yêu những gì hoàn thiện, thành công, giàu sang, đẹp đẽ thì rất dễ còn yêu một điều gì đó còn khiếm khuyết, khó khăn, còn có những thứ khiến “chưa thuận mắt thuận tai” thì chẳng dễ dàng gì. Đó là tâm lý chung của con người. Đó cũng là điều dễ hiểu trong một xã hội dùng vật chất để làm thước đo, một xã hội mà con người ta vẫn miệt mài chạy theo những vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài mà ít quan tâm đến bản chất, đến giá trị cốt lõi bên trong.
Yêu Văn hóa Nghệ An chính là yêu một điều khó khăn như thế. VHNA không có cơ sở vật chất hoành tráng (nếu không muốn nói là phải thuê những căn nhà nhỏ bé làm trụ sở suốt 15 năm), không có thu nhập cao, không có chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Văn hóa Nghệ An là một môi trường làm việc căng thẳng, đầy áp lực bài vở và nhiều khi còn là sự khắt khe đến tột cùng của lãnh đạo, ban biên tập. Không chỉ vậy, VHNA còn vốn không được lòng cấp trên, những người quản lý và thậm chí cả những cơ quan báo chí khác bởi những khác biệt về giá trị theo đuổi. Chính điều đó đã mang đến một nét riêng, khác biệt cho VHNA mà ai đã hiểu rồi thì sẽ yêu, rất yêu.
Làm báo thời nay dễ thì thật dễ mà khó cũng thật khó. Làm chỉ để chạy theo tin tức, câu view với những bài viết hời hợt, giật gân thì dễ; làm chỉ với mục đích tuyên truyền những gì đã được giao cho thì dễ, còn làm cho được một tờ báo/tạp chí chất lượng, công tâm, nói lên được những tiếng nói của nhân dân, của trí thức, có tác động làm thay đổi nhận thức của xã hội thì cực kỳ khó. Giữa một môi trường với rất nhiều tờ báo, tạp chí có tiềm lực về kinh tế, được hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa thì tờ tạp chí địa phương nhỏ bé như VHNA tạo chỗ đứng bằng cách nào? Tất cả nằm ở hai từ: Mới và Khác.
VHNA luôn tiếp cận các thông tin, sự kiện diễn ra với góc nhìn đa chiều, với một tư duy mới mẻ. Chính nhờ vậy mà các bài viết luôn độc đáo, sâu sắc, không thể trộn lẫn. Những bài đăng tải trên VHNA luôn là bài viết người đọc khó có thể tìm thấy ở một trang nào khác trước đó. Tại đây không chấp nhận những tư duy cũ mòn, những bài viết chỉ nói theo số đông, không có tính phát hiện, không có góc nhìn mới lạ. Chính bởi luôn tìm kiếm điều mới và khác trong tư duy, trong góc nhìn mà VHNA không ngại phản biện các quan điểm vốn được số đông chấp nhận, dám đào sâu tận cùng những nội dung chưa rõ ràng, dám nói thẳng, nói thật cho dù điều đó khiến không ít người khó chịu. Chính vì thế nên dẫu là tờ tạp chí nhỏ nhưng yêu cầu chất lượng bài của VHNA lại rất cao, rất khó. Điều này không chỉ gây áp lực đối với đội ngũ phóng viên mà còn cả với các cộng tác viên.
Cái hay của VHNA là vẫn luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị được giao nhưng vẫn luôn tìm được một cách thể hiện rất khác, mới mẻ và hấp dẫn để không bị rơi vào lối tuyên truyền chung chung, cũ mòn như rất nhiều tờ báo, tạp chí khác cùng thời. Với quan điểm, nhìn nhận thấu đáo, đúng bản chất về Văn hóa, tạp chí đã mở ra nhiều chuyên mục phù hợp, hấp dẫn như: Góc nhìn văn hóa, Cửa sổ Văn hóa, Diễn đàn Văn hóa, Văn hóa học đường,… để từ đó có thể bình luận rất nhiều vấn đề xã hội nổi cộm, những vấn đề không chỉ trong nước mà còn của quốc tế có tác động sâu sắc đến môi trường Việt Nam. Chính nhờ vậy, khi cầm cuốn tạp chí VHNA trong tay, độc giả được tiếp cận với một khối lượng lớn kiến thức, trên đầy đủ các lĩnh vực mà bài nào cũng mới mẻ, hấp dẫn, đầy tính phát hiện.
Để làm được điều đó, đội ngũ những người làm việc tại Tạp chí, đặc biệt là người đứng đầu đã phải luôn trăn trở, đấu tranh để giữ vững được quan điểm, đường hướng của mình. Bởi, lựa chọn một con đường mới và khác là lựa chọn con đường lắm chông gai. Ở đó luôn đòi hỏi những người theo đuổi không chỉ có trí tuệ mà còn phải có bản lĩnh vững vàng. Thực tế cho thấy 15 năm qua, VHNA đã chịu đựng không ít thăng trầm, sóng gió. Những người làm việc đã trải qua rất nhiều gian khó và cả đắng cay, thiệt thòi.
Tuy nhiên, hạnh phúc lớn nhất của VHNA là những nỗ lực đó đã được đón nhận. Tạp chí có được chỗ đứng của mình trong lòng độc giả, đặc biệt là đội ngũ trí thức trên khắp cả nước và cả những người Việt ở nước ngoài. Thương hiệu VHNA đã được khẳng định, trang điện tử của tạp chí luôn có lượng truy cập rất cao, hàng chục ngàn lượt mỗi ngày. Với lượng truy cập đó nếu làm quảng cáo thì VHNA sẽ có thu nhập không hề nhỏ và thực tế nhiều bên đã liên hệ hợp tác song tạp chí vẫn từ chối. Tất cả những gì mà VHNA chú trọng, tập trung 100% tâm huyết và sức lực là chuyên môn, là những giá trị có thể tạo ra để đóng góp cho xã hội. VHNA đã chọn cách đó để tồn tại, để tạo chỗ đứng của mình trong lòng độc giả. Đó cũng là một cái khác đến mức khó hiểu của Tạp chí trong mắt rất nhiều người.
Theo quy hoạch báo chí, cuối cùng chặng đường ấy của VHNA cũng phải dừng lại. Điều đó thực sự là một mất mát, một nỗi hụt hẫng lớn của những cán bộ, phóng viên, nhân viên ở đây và cả của một bộ phận độc giả. Những gì VHNA theo đuổi, khát khao đã phải dừng lại nhưng chắc chắn cái tư duy mới và khác ấy ít nhiều thời gian qua cũng đã phần nào ngấm sâu và tác động tới những cán bộ, phóng viên, cộng tác viên và một bộ phận độc giả. Chính vì thế nó sẽ tiếp tục được nhân lên ở những môi trường mới. Tôi tin vào điều đó bởi, đơn giản, những gì tốt đẹp, những giá trị đích thực thì luôn ham hố sống, mãnh liệt sống dẫu cuộc đời có tìm đủ mọi phương cách để ngăn cản nó, kìm hãm nó.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Nếu không còn..."thần tượng"?
Thống kê truy cập
114528489
2145
2291
2762
215185
0
114528489