Diễn đàn
Thế giới 2022: Bước tiếp con đường gập ghềnh
Người di cư tập trung ở biên giới Belrarus-Ba Lan, Ảnh: Reuters
2021: Một năm đầy bất ổn
Từ khóa gây ám ảnh nhất đối với nhân loại trong năm qua vẫn là Covid-19. Đến cuối năm 2021, toàn thế giới có 183 triệu ca nhiễm và khoảng 5, 41 triệu ca tử vong và con số đó chưa có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí những làn sóng dịch mới lại bùng phát, các biến chủng mới liên tục được phát hiện. Đại dịch covid-19 đang ngày càng cho thấy mức độ tác động toàn diện, rộng lớn và khó lường của nó trên toàn cầu. Trong năm qua, hàng tỷ người trên thế giới đã rơi vào cảnh bị cô lập vì dịch bệnh. Họ không thể đi làm, không thể gặp gỡ; học sinh không thể đến trường; các hoạt động vốn được xem là nhu cầu bình thường trước đây giờ trở thành xa xỉ. Covid-19 đã chi phối toàn bộ đời sống con người, làm thay đổi các mối quan hệ ở nhiều cấp độ khác nhau và thay đổi cục diện thế giới. Về kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, sản xuất đình đốn, tăng trưởng kinh tế sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phá sản, giá cả tăng cao,… Trong báo cáo về Triển vọng kinh tế thế giới công bố gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% (báo cáo tháng 7/2021 dự báo 6%), tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển cũng giảm xuống mức 5,2%. Lạm phát ở các nền kinh tế phát triển đạt 2,8% (cao hơn so với mức 2,4% trong báo cáo tháng 7/2021).
Đại dịch cũng đã tác động sâu sắc đến mối quan hệ giữa các quốc gia thông qua những hoạt động viện trợ, liên kết chống dịch và đặc biệt là chiến lược “Ngoại giao vaccine”. Điều này ít nhiều đã và đang làm thay đổi, định hình lại các mối quan hệ, tầm ảnh hưởng của nước lớn. Khi Joe Biden lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, chính sách với Trung Quốc không có dấu hiệu bớt rắn như một số người từng kỳ vọng. Bạo loạn đồi Capitol và các vấn đề trong phòng chống Covid-19 khiến Mỹ mất điểm trong mắt cộng đồng quốc tế. Người ta thấy một nước Mỹ đầy chia rẽ, mâu thuẫn và do đó nghi ngờ vào khả năng lãnh đạo thế giới của quốc gia này. Những tưởng khi vị thế của Mỹ suy yếu, Trung Quốc sẽ tận dụng thời cơ để gia tăng tầm ảnh hưởng nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Nghi vấn về nguồn gốc virus Corona cũng như những lục đục, bất đồng nội bộ khiến Trung Quốc đánh mất sức mạnh mềm của mình. Quốc gia này cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và do đó trong cuộc chạy đua quyền lực, cạnh tranh tầm ảnh hưởng, cả Trung Quốc và Mỹ đều không đạt được kỳ vọng. Những thay đổi này có thể đưa thế giới bước vào một trật tự mới mà ở đó chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng vô chính phủ toàn cầu trên mọi lĩnh vực, từ an ninh quốc tế đến thương mại cũng như quản lý dịch bệnh; sẽ không còn hình thức “một siêu nhiều cường” như trước hoặc có sự thay đổi tương quan, vị trí của các “siêu” và “cường” trong trật tự đó.
Các trạm xăng tại Anh liên tục treo biển hết hàng trong khi người dân phải xếp hàng dài chờ đợi mua nhiên liệu, Ảnh: Reuters
Năm 2021 cũng là năm thế giới đứng trước cuộc khủng hoảng năng lượng khi mà giá dầu tăng vọt, tình trạng thiếu hụt năng lượng xảy ra nghiêm trọng ở nhiều quốc gia. Giá khí đốt tại Mỹ tăng 180% và giá xăng tăng gấp đôi; giá khí đốt tại châu Âu tăng 500% so với đầu năm. Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Cùng với dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng năng lượng là rất nhiều những rạn nứt, chia rẽ, bất ổn khác diễn ra trong đời sống chính trị quốc tế.
Ngày 15/8, Kabul nhanh chóng thất thủ, lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát đất nước Afghanistan, Mỹ chính thức rút hết quân khỏi mảnh đất này. Cuộc xung đột kéo dài 20 năm ở đây đi đến hồi kết nhưng điều chúng ta nhìn thấy không gì khác là những cuộc tháo chạy, là sự hoang tàn và một tương lai đầy bất trắc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm trực tuyến, Ảnh: AFP
Ngày 16/9, Mỹ, Anh, Úc tuyên bố đạt được thỏa thuận đối tác 3 bên AUKUS. Sau đó, Úc bất ngờ hủy hợp đồng mua tàu ngầm đã ký với Pháp trị giá 40 tỷ USD, chuyển sang đóng 8 tàu ngầm công nghệ Mỹ - Anh. Những động thái này đã làm tan vỡ niềm tin và đẩy mối quan hệ giữa các bên đi vào căng thẳng.
Vấn đề Đài Loan cũng nóng trở lại từ đầu tháng 10 khi Trung Quốc điều khoảng 150 máy bay quân sự tiếp cận vùng trời ngoài khơi hòn đảo này. Trong khi đó, động thái của Mỹ về sự việc được cho là không rõ ràng. Cùng với đó, những cuộc biểu tình, bạo động, bất ổn chính trị vẫn diễn ra nhiều nơi mà có thể kể đến như: biểu tình tại Malaysia chống quân đội đảo chính dẫn đến hơn 500 người chết và hàng nghìn người bị giam giữ; biểu tình và bất ổn tại Haiti sau vụ ám sát Tổng thống; biểu tình phản đối đảo chính quân sự tại Sudan khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và hơn 170 người bị thương; bất ổn chính trị tại Romania, Nam Phi,…
Dịch bệnh, thiên tai và bất ổn chính trị đã khiến tình trạng đói nghèo và mất an ninh lương thực trở nên đáng lo ngại trong năm 2021. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết nhiều quốc gia phải đối diện với nạn đói trầm trọng hơn trong năm nay, tiêu biểu có thể kể đến như: Ethiopia, Haiti, AfghanistanSyria, Nam Sudan, Yemen,... Theo thống kê của tổ chức Oxfarm, có khoảng 155 triệu người trên khắp thế giới đang sống trong tình trạng khủng hoảng do mất an ninh lương thực hoặc tồi tệ hơn và mỗi phút lại có 11 người chết vì đói, khát, suy dinh dưỡng.
Và, những dòng người tị nạn vẫn rồng rắn kéo nhau, bất chấp hiểm nguy, đi tìm kiếm một cuộc sống mới mà họ nghĩ rằng sẽ tốt đẹp hơn. Hàng nghìn người mắc kẹt tại khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan, 27 người đã bỏ mạng khi vượt qua eo biển Manche, nhưng các quốc gia thì vẫn đang mải nghi kỵ, đổ lỗi cho nhau. Cuộc khủng hoảng di cư một lần nữa lại là liều thuốc thử cho không chỉ châu Âu mà cho toàn thế giới, xoáy vào lương tâm chúng ta vô vàn câu hỏi cần được trả lời.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, bất ổn, tình hình thế giới cũng lóe lên hy vọng khi những liên kết được nối lại, những căng thẳng dịu đi giữa các quốc gia. Tạm gác lại bất đồng, các nước đã sẵn sàng ngồi lại đối thoại để tìm giải pháp cho những vấn đề chung; cam kết viện trợ các nước nghèo trang thiết bị, vật tư y tế và vaccine để phòng chống covid-19. Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cũng đạt được thỏa thuận Glasgow. Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, đây là “lần đầu tiên có một thỏa thuận quốc tế về việc giảm sử dụng than và một lộ trình hạn chế ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C”.
Thị trường thế giới cũng đã có những dấu hiệu phục hồi. Các đường bay, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… được nối lại sau một thời gian đóng băng và lao đao vì Covid.
2022: Sẽ còn nhiều gập ghềnh
Những ngày cuối năm 2021 mở ra cho ta nhiều hy vọng nhưng chúng ta đều biết con đường phía trước vẫn sẽ còn rất nhiều thử thách, chông gai.
Về tình hình đại dịch Covid -19, biến thể Omicron đang khiến số ca nhiễm nhiều nước tăng nhanh song nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trở nặng, nghiêm trọng phải nhập viện thấp hơn so với biến thể Delta. Diễn biến dịch bệnh là khó lường và một điều chắc chắn là năm 2022 chúng ta sẽ còn phải tiếp tục đối mặt với đại dịch này. Tuy nhiên, những tín hiệu cho thấy thế giới đã có kinh nghiệm đủ để kiểm soát dịch bệnh và sẽ dần xem đây là một căn bệnh đặc hữu. Mỗi quốc gia sẽ chủ động sống chung an toàn và dần khôi phục lại nhịp sống bình thường.
Kinh tế thế giới năm 2022 sẽ từng bước phục hồi. Theo CEBR (Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Anh), tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ được nâng lên. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của 15 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2022 mở ra nhiều triển vọng trong hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao và nếu không giải quyết được sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế.
Bên cạnh đại dịch thì mối quan hệ Mỹ - Trung và cuộc chạy đua quyền lực giữa hai quốc gia này sẽ tạo nên những thay đổi quan trọng trên bàn cờ chính trị quốc tế. Những dấu hiệu hiện nay cho thấy trong tương lai chính quyền Biden sẽ duy trì chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Chúng ta sẽ tiếp tục thấy Mỹ gia tăng các liên kết, củng cố quan hệ với đồng minh để tăng cường ảnh hưởng, tạo đối trọng với Trung Quốc. 2022 là năm mà Trung Quốc và Mỹ đều có những sự kiện chính trị quan trọng: Mỹ tiến hành bầu cử giữa nhiệm kỳ và Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20. Các sự kiện này sẽ tác động mạnh mẽ đến hai nhà lãnh đạo cũng như mối quan hệ giữa hai bên. Nhìn chung, với những yếu tố trên, trong năm tới, quan hệ Mỹ - Trung sẽ không đi đến xung đột gay gắt nhưng cũng khó có động thái cải thiện theo hướng tích cực. Đó vẫn luôn là mối quan hệ dù không êm ấm nhưng khó lòng sụp đổ.
Thế giới 2022 vẫn sẽ đối mặt với bất ổn chính trị dai dẳng ở một số quốc gia, khu vực và tiếp tục giải quyết các tồn đọng từ năm 2021 mà tiêu biểu có thể kể đến là vấn đề Đài Loan, biển Đông, khủng hoảng chính trị tại Myanmar,…
Trong năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và do đó phải đối mặt với nhiều thiên tai và diễn biến thời tiết tiêu cực. Cùng với đó, bài toán về khủng hoảng di cư, đói nghèo, an ninh lương thực sẽ rất nan giải và cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế để tìm cách tháo gỡ.
2022 sẽ là năm chúng ta được thấy nhiều bước tiến vượt bậc trong khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, điều này đặt ra nhiều cảnh báo về vấn đề bảo mật thông tin, quyền con người, về đạo đức và cơ chế quản lý, kiểm soát để tránh xảy ra những xung đột, thao túng, thậm chí là chiến tranh và tội ác hủy diệt loài người.
Nhìn lại bức tranh 2021 và định hình bức tranh năm 2022, chúng ta có cơ sở để lạc quan song cũng cần luôn cẩn trọng và nỗ lực. Tình hình quốc tế luôn chuyển động và thay đổi khó lường nên mọi dự báo sẽ chỉ mang tính tương đối. Điều duy nhất ta có thể chắc chắn là không một điều gì trên cuộc đời này có thể chắc chắn và những chuẩn bị, hành động từ hôm nay sẽ quyết định tương lai. Thế giới sẽ nhìn lại những gì đã trải qua, sẽ chuẩn bị đầy đủ tâm thế để tự tin bước tiếp con đường phía trước dẫu biết sẽ còn lắm gập ghềnh.
tin tức liên quan
Videos
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Nghệ An đạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch Muay trẻ quốc gia năm 2023
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522521
253
2325
21295
220460
121009
114522521