Diễn đàn

Kinh tế di sản – Một động lực tăng trưởng mới

Không thể phủ nhận, so với thời kỳ trước đổi mới (1986), Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong tăng trưởng, cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận một thực tế rằng chúng ta vẫn là một nước nghèo về quy mô GDP quốc gia (2018: 241,434 tỷ USD; xếp thứ 47/190 quốc gia)[1]. Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, bình quân đầu người đứng 138/188 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ ngang bằng GDP bình quân đầu người của Malaysia cách đây 20 năm, của Thái Lan cách đây 15 năm và Indonesia cách đây 10 năm[2].

“Vấn đề cấp bách và đáng lo ngại hiện nay là các động lực tăng trưởng hiện đã tới hạn và đang suy giảm năng lượng nội sinh. Một số khu vực tăng trưởng chạm trần và khó có khả năng tăng thêm”[3].

Và “Một câu hỏi lớn là trong khi các động lực tăng trưởng cũ như giá nhân công rẻ, dựa nhiều vào tăng tín dụng, xuất khẩu sản phẩm thô đều đã "tới hạn" thì Việt Nam sẽ dựa vào những động lực mới nào để duy trì đà chạy cho "đoàn tàu" tăng trưởng kinh tế?[4]

Những trăn trở này đã đồng thời trở thành ý nguyện của Chính phủ khi trong nhiều diễn đàn Thủ tướng đã đề nghị tìm động lực tăng trưởng mới cho đất nước[5].

“Phải cố gắng tìm ra động lực phát triển mới tốt hơn. Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập sâu, biện pháp phải là phát triển khoa học công nghệ, tìm giá trị gia tăng cao rất quan trọng. Còn nếu không tìm giá trị gia tăng thì chúng ta sẽ luẩn quẩn mãi”[6].

THẾ NÀO LÀ MỘT ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI?

Trước hết, cần nhận diện động lực tăng trưởng mới từ đâu tới và phải đáp ứng yêu cầu gì?

Trong khi các khái niệm về nền Kinh tế số; Công nghiệp 4.0; Big data; Internet vạn vật (IoT); Platform; Blockchain (dù hiểu theo nghĩa động lực hay phương tiện) cũng còn có khoảng cách rất xa (với những nền tảng nêu trên, Việt Nam có điểm yếu khi không có ưu thế là nơi khởi nguồn hay phát kiến) thì những thế mạnh sẵn có, kế bên (có thể chuyển hoá thành động lực tăng trưởng mới) chúng ta lại đang tâm bỏ phí.

Với một quốc gia như Việt Nam, động lực tăng trưởng mới trước hết phải là vấn đề của gần 100 triệu dân, không phải chỉ thuộc về một nhóm nhỏ.

Có thể khơi mào tranh luận không dứt, nhưng theo chúng tôi, cái được gọi là động lực tăng trưởng mới tối thiểu phải đáp ứng các yêu cầu sau: (1) Có nhu cầu thị trường sản phẩm; (2) Có năng lực thúc đẩy cảm hứng cộng đồng; (3) Các thành phần kinh tế đều có thể tham gia; (4) Tạo ra ưu thế cạnh tranh với nền kinh tế khác; (5) Có nguồn tài nguyên tương ứng sẵn có hoặc khả thi; (6) Có dư địa cho sáng tạo sản phẩm; (7) Tính phổ quát, đại chúng; (8) Có giải pháp thực tiễn gắn với công nghệ của thời đại mới.

Để tạo ra động lực tăng trưởng mới không thể chỉ bằng một bài viết. Điều quan trọng hơn việc hoàn chỉnh một khái niệm còn gây tranh cãi là chuyển hoá vào thực tiễn của đời sống và gọi tên những thành tựu chưa định danh nhưng đã tồn tại trên thực tế.

Và đây chính là một đề tài của Nhóm nghiên cứu người Việt tại University of Cincinnati (tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ) thuộc Liên danh MQL và Các đối tác đang triển khai áp dụng tại Nghệ An và một số địa phương của Việt Nam và kỳ vọng tạo nên những ảnh hưởng với tư cách một phát kiến trên phạm vi toàn cầu.

DI SẢN LÀ “GÁNH NẶNG” HAY “ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN”?

Tính đến nay, Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Mật độ và số lượng di tích nhiều nhất ở 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ chiếm khoảng 70% di tích của Việt Nam. Trong số di tích quốc gia có 105 di tích quốc gia đặc biệt và 8 di sản thế giới.

Riêng Nghệ An, trên toàn tỉnh hiện có 2.602 di tích - danh thắng, với 471 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 144 di tích quốc gia, 322 di tích xếp hạng cấp tỉnh; trong tương lai sẽ không dừng lại ở con số này.

Thế nhưng có một điều rất khó lý giải tại Nghệ An cũng như nhiều nơi khác trên lãnh thổ Việt Nam đó là cái nghèo luôn gắn với các vùng đất giàu truyền thống. Tại sao lại như vậy?

Có nhiều lý do, song tựu trung luôn tồn tại một nghịch lý ở những địa phương này, di sản trên thực tế thay vì trở thành động lực cho phát triển lại trở thành gánh nặng của kinh tế và xã hội; Và điệp khúc kêu cứu, xin tiền đã kéo dài nhiều thập kỷ chưa biết khi nào kết thúc.

Điều này hoàn toàn trái ngược với thế giới, chính xác hơn là với các nước phát triển. Tại các quốc gia này phát triển kinh tế dựa trên “Sản nghiệp văn hóa” hay còn gọi là “Kinh tế di sản” luôn đóng vai trò trọng yếu, làm nền tảng, tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác;

Thực tiễn đã cho thấy khi nhận thức được về những thành tựu của thế giới, sớm hay muộn Việt Nam cũng sẽ làm được.

VỀ NHỮNG NGHỊCH LÝ TRONG DU LỊCH

“Đứng thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch trong 136 nền du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh (theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF) nhưng ở hạng mục “Hạ tầng dịch vụ du lịch”, VN tụt xuống tận vị trí 113”.[7]

Bên cạnh sự thành công luôn tồn tại những nghịch lý. Bảng xếp hạng 10 quốc gia hàng đầu trong năm 2017 (Top 10) của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) về số lượng khách, doanh thu và chi tiêu/đầu khách quốc tế sẽ là minh chứng rõ nhất về những vấn đề này, về những mục tiêu mà du lịch đang hướng tới[8]. Cụ thể:

Mặc dù là quốc gia thu hút số lượng khách du lịch cao nhất (86,9 triệu) nhưng doanh thu về du lịch của Pháp (60,7 tỷ USD) lại chỉ xếp thứ 3, chỉ bằng khoảng 1/3 doanh thu của Mỹ (210,7 tỷ USD) - nước chỉ đứng thứ 3 về lượng khách tới tham quan (76,9 triệu). Hay điển hình về một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, nếu xét về lượt khách tham quan (35,4 triệu), Thái Lan chỉ xếp ở vị trí số 10 nhưng về doanh thu, Thái Lan được xếp ở vị trí số 4 (57 tỷ USD), cao hơn rất nhiều so với Trung Quốc, nước có lưu lượng khách quốc tế tham quan gần gấp đôi Thái Lan (60,7 triệu) chỉ đứng ở vị trí số 8 (32,6 tỷ USD).

Câu hỏi được đặt ra là vì sao lại có nghịch lý như trên?

Du lịch văn hóa là một tác nhân dẫn đến tăng hiệu quả du lịch, điển hình tại Mỹ. Một nghiên cứu quốc gia về du lịch văn hóa và di sản tại Mỹ năm 2009 cho thấy rằng 78% các du khách của Mỹ tham gia vào các hoạt động văn hóa và/hoặc di sản khi đi du lịch, lên đến 118,3 triệu du khách người lớn mỗi năm. Du lịch văn hóa sử dụng trung bình 994 USD mỗi chuyến đi so với chỉ 611 USD cho du khách du lịch giải trí khác và đóng góp khoảng hơn 192 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ.

DI SẢN VÀ NHỮNG THÁCH THỨC ĐẾN TỪ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Theo kế hoạch dự kiến, Việt Nam sẽ thu hút 18 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2019, tăng 16% so với năm 2018. Trong năm 2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng trưởng 19%, năm 2017 tăng 29%. Các năm trước tăng trưởng khách luôn ở mức rất cao, năm 2019 tiếp tục đặt ra kế hoạch tăng cao là bài toán không hề đơn giản”[9]; Hơn thế, tăng trưởng về số lượng, đối với ngành du lịch không hẳn là một tin tốt.

Không khó nhận ra du lịch tại Việt Nam đang “xài chùa” nền tảng di sản, chưa kết hợp với di sản để tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế, dẫn đến di sản vẫn là gánh nặng còn du lịch thì du khách “một đi không trở lại”. Hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng và hằng năm, di sản luôn đứng trước những thách thức đến từ du lịch:

(1) Không thu hút được khách đến; (2) Khách đến đông nhưng hạ tầng tiếp đón không tương xứng; (3) Khách đến và không quay trở lại; (4) Khách đến nhưng không có sản phẩm để tiêu thụ; (5) Khách đến đông, thu nhập thấp không đủ cân đối đầu tư; (6) Đầu tư nhiều, chất lượng cao song vắng khách;(7) Khách chỉ đến theo mùa; (8) Du khách đến đông nhưng chất lượng khách thấp/ Cạn kiệt tài nguyên; (9) Du lịch phát triển/ Song cộng đồng dân cư không được hưởng lợi.

Thành công từ du lịch di sản phải vượt qua 09 thách thức nêu trên, được cấu thành dưới 5 trạng thái chủ yếu, một là thu hút được nhiều khách du lịch, hai là có doanh thu về du lịch cao, ba là không thu hút quá nhiều du khách nhưng lại có doanh thu lớn, bốn là duy trì sự ổn định về tốc độ tăng trưởng và năm là du lịch bền vững tức cân bằng và tối ưu hóa các trạng thái nêu trên, biểu hiện rõ nét thông qua việc bảo tồn được tài nguyên du lịch và lượng khách quay trở lại ngày một nhiều hơn. Mà tài nguyên du lịch trước hết sẽ đến từ di sản (thiên nhiên và xã hội).

DI SẢN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ

“Bảo tồn di sản đem lại nhiều giá trị: văn hóa, thẩm mỹ, giáo dục, môi trường, xã hội, lịch sử cùng nhiều giá trị khác. Và một giá trị của bảo tồn di sản được nhắc đến nhiều hơn trong thời gian gần đây là giá trị kinh tế. Trong nhiều năm, giá trị kinh tế thường được xem là quá nông cạn và thấp kém đối với ý nghĩa của tài nguyên lịch sử để có thể đem ra thảo luận nghiêm túc.

Thậm chí ngày nay vẫn còn những người làm bảo tồn di sản tuyệt đối hóa chối bỏ những tính toán và quan điểm ủng hộ bảo tồn dựa trên lý lẽ kinh tế, cho rằng chúng hạ thấp và xúc phạm tầm quan trọng và những giá trị siêu hình, không đo đếm được của di sản lịch sử nhân loại. Nếu xét trong quãng thời gian dài, những ý kiến như trên đương nhiên hợp lý. Qua thời gian, những giá trị còn lại của bảo tồn di sản trở nên quan trọng hơn giá trị kinh tế. Tuy nhiên, xét trong giai đoạn ngắn hơn, những đối tượng có sức ảnh hưởng lớn nhất đến những gì xảy ra với tài nguyên di sản của chúng ta – chủ nhân công trình, các chính trị gia, các ngân hàng và nhà đầu tư – chắc chắn có quan tâm đến khía cạnh kinh tế của những công trình di sản.

 

       Một kinh nghiệm của phát triển di sản điển hình là Pokémon, franchise nổi tiếng của đất nước Nhật Bản. Khởi nguồn từ trò chơi điện tử, sản phẩm phái sinh của thương hiệu này đã đem tới doanh thu lên tới 90 tỉ USD, trở thành thương hiệu truyền thông (media franchise) bán chạy nhất mọi thời đại. Các sản phẩm phái sinh bao gồm truyện tranh, phim ảnh, đồ chơi, lá bài và các dịch vụ giải trí tại gia.

Thường thì những người ra quyết định ủng hộ bảo tồn di sản dựa trên những lý lẽ kinh tế hơn là những yếu tố còn lại, dù chúng có quan trọng hơn. Do đó, ngày càng nhiều tổ chức bảo tồn di sản chọn kinh tế làm nội dung nghiên cứu.

Europa Nostra, liên minh các nhóm bảo tồn di sản châu Âu, trong một tài liệu mang tên Cultural Heritage Counts for Europe đã ghi chú: “Di sản văn hóa mang lại nhiều lợi ích cho châu Âu ngày nay”. Nhiều lợi ích trong số đó thuộc về kinh tế.

Tại tiểu bang Virginia, một nghiên cứu đã so sánh sự tương phản trong hình thức chi tiêu giữa khách du lịch di sản với những khách không tham gia các hoạt động liên quan đến di sản. Họ nhận thấy rằng khách du lịch di sản lưu trú lâu hơn, viếng thăm các địa điểm nhiều hơn gấp hai lần, và do đó, chi tiêu nhiều hơn 2,5 lần trong một chuyến đi so với những dạng khách khác.

Edward Glaeser, một trong những nhà tư tưởng hàng đầu trong kinh tế học đô thị, đã phỏng đoán rằng giá trị của đất đô thị tăng lên cùng với "mức độ thú vị" của nơi đó” (Donovan D. Rypkema) [10].

“Một nghiên cứu gần đây đã sử dụng dữ liệu từ các giao dịch bất động sản thật ở Hong Kong. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đất của các cửa hàng bán lẻ gần công trình kiến trúc nổi tiếng đã được trùng tu thì đắt hơn 15% so với các cửa hàng ở nơi khác. Lợi tức tăng thêm này lan tỏa trong một phạm vi lên đến 350 mét tính từ các công trình tâm điểm.” (Martin Rama)[11]

Tại Việt Nam, vẫn còn đó tập quán coi bảo tồn di sản là trách nhiệm của nhà nước. Nguồn đầu tư cho bảo tồn vẫn trông chờ vào ngân sách. Nếu không có gì thay đổi, di sản vẫn sẽ là gánh nặng của nhà nước và cộng đồng.

NHỮNG KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KINH TẾ DI SẢN

Những kinh nghiệm trong nước và quốc tế rất hữu ích cho địa phương. Việc phản biện cho thấy rõ các khiếm khuyết trong hệ thống cần phải hoàn thiện, những công việc cần phải triển khai và trên hết cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm và áp dụng phương thức quản trị mang lại hiệu quả mà không lệ thuộc vào NSNN.

 

       Có thể kể tới thành phố Bilbao (Tây Ban Nha) như một minh chứng điển hình về tạo tác nhân làm biến đổi vùng:Từ một thành phố hầu như bị lãng quên; Thế nhưng đã có sự thay đổi, bắt đầu từ lễ khánh thành Bảo tàng Guggenheim Bilbao vào năm 1997, số lượng các khách du lịch ngày càng tăng, đạt trên 615.000 du khách trong năm 2009; năm 2012 số lượng du khách đạt tới 1 triệu (gấp khoảng 3 lần dân cư tại chỗ).

Đồng thời cũng cho thấy chìa khóa thành công nằm ở hành động thực tiễn và nhấn mạnh sáng kiến cộng đồng, cùng tham gia, gắn với trách nhiệm và quyền lợi. Cụ thể:

(1) Tạo ra các tác nhân làm biến đổi vùng; (2) Cộng đồng cùng tham gia; (3) Thuyết phục các cấp chính quyền ủng hộ; (4) Triển khai dự án với sự hỗ trợ của các chuyên gia; (5) Mỗi di sản “một” quần cư, mỗi quần cư “một” sản phẩm; (6) Tích hợp chức năng, tích hợp giá trị; (7) Mỗi di sản “một” phong cách, mỗi sản phẩm “một” chuyên gia; (8) Chương trình hoạt động phải liên tục như dòng chảy; (9) Giá trị gia tăng đến từ môi trường, thẩm mỹ; (10) Thay đổi và thích ứng không ngừng (tùy duyên và bất biến); (11) xã hội quyết định thành công; (12) Đầu tiên là văn hóa và cuối cùng là con người.

 

       Hội An cũng là một ví dụ thành công của định hướng đưa di sản trở về với cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng.

KINH TẾ DI SẢN - ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI CHO ĐẤT NƯỚC

Kinh tế di sản (heritage economy) cần được hiểu như một hình thái phát triển dựa trên nền tảng các giá trị sẵn có (tự nhiên và xã hội); cần nhắc lại là những giá trị sẵn có, điều này không hẳn là trái ngược với kinh tế sáng tạo; 2 hình thái này luôn chuyển hoá vì các cải cách hay đổi mới (renew) không phải luôn luôn mang lại giá trị và ngược lại, những cái có giá trị đã được xác định (heritage) không phải luôn đại diện cho quá khứ.

Người ta thường nhắc đến mô hình phát triển kinh tế kiểu Anh - Mỹ như một trường phái khác với Châu Âu duy lý thiên về thay cũ đổi mới hoặc thủ cựu. Sự khác biệt là rất rõ, trong khi trường phái Anglo-Saxon luôn đề cao tính kế thừa và chuyển tiếp mà điển hình là hệ thống luật pháp tôn trọng tiền lệ (Thông luật được tạo ra như một loại hình di sản/ tham vấn cộng đồng/ khế ước xã hội) thì một Châu Âu duy lý lại đề cao hệ thống Dân luật (được viết ra theo hướng lập luận/ tạo ra bởi một nhóm xã hội/ tính tham vấn cộng đồng thấp).

Kết quả là sự phát triển kinh tế của một số quốc gia hiện đại mới nổi kế thừa hệ thống luật pháp theo hướng Thông luật đã có những thành tựu vượt trội so với một số quốc gia khác áp dụng hệ thống luật pháp mang tính duy lý mà Singapore là một ví dụ điển hình. (Nội dung này sẽ được chúng tôi trình bày trong khuôn khổ một bài viết khác).

Di sản theo nghĩa rộng, có trong mọi mặt của đời sống; Kinh tế số, Big data, Kinh tế sẻ chia (Uber, Grab), Internet kết nối vạn vật, sự khác biệt của sản phẩm, thương hiệu địa phương, giá trị sáng tạo, giá trị gia tăng cao cũng chính là các hình thái của kinh tế di sản. Vậy phải làm gì để kinh tế di sản chuyển hoá thành động lực tăng trưởng của một vùng, địa phương, quốc gia hay toàn cầu?

VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ, TRƯỚC MẮT

Để kinh tế di sản trở thành động lực tăng trưởng mới của đất nước sẽ còn rất nhiều việc phải làm; Trước hết, cần xác lập vị thế của kinh tế di sản thuộc nhóm nền tảng, hoàn thiện khung pháp lý và thực hiện một số bước đi ban đầu gồm (09) phần việc chủ yếu theo 3 giai đoạn (tuỳ theo điều kiện mỗi địa phương để ấn định):

Giai đoạn I: (1) Hoàn thành nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế di sản, áp dụng thí điểm cho một số khu vực di tích, di sản, bảo tàng tiêu biểu; (2) Triển khai áp dụng vào thực tiễn các giải pháp phát triển kinh tế di sản, thí điểm tại các khu vực thuận lợi trong xã hội hóa đầu tư; (3) Phát triển các dự án kinh tế di sản tại các phân vùng, địa phương, lựa chọn các di tích, di sản (cốt lõi) đang thu hút được khách kết hợp với các hoạt động đầu tư cho du lịch, các ngành kinh tế khác để gián tiếp đầu tư cho bảo tồn và khai thác di sản; (4) Triển khai lập các quy hoạch cho từng khu vực di sản trọng điểm để thu hút các nhà đầu tư gắn kết và đang tiến hành đầu tư tại địa điểm lựa chọn các Vùng di sản trọng tâm của từng phân vùng;

Giai đoạn II: (5) Nhân rộng mô hình: “mỗi di sản một quần cư”; “mỗi quần cư một sản phẩm”; “mỗi sản phẩm một cảnh quan”; “mỗi di sản một phong cách”; “mỗi sản phẩm một chuyên gia”; Và, “mỗi di sản một doanh nghiệp”; “mỗi doanh nghiệp một cộng đồng”; (6) Tiến hành liên kết nhóm di sản tương ứng với cộng đồng doanh nghiệp và dân cư sở tại; (7) Xác lập các cơ chế, chính sách theo các nhóm và từng di sản cụ thể; (8) Bàn giao di sản cho cộng đồng có trách nhiệm quản lý, khai thác;

Giai đoạn III: (9) từng bước thực hiện phần việc Xã hội hóa hoàn toàn công cuộc bảo tồn và đưa kinh tế di sản vào chương trình phát triển mang tính phổ thông.

Trong điều kiện hiện nay, thời của kinh tế số, công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ là phương tiện thuận lợi cho việc ứng dụng, khai thác các giá trị di sản cho phát triển kinh tế. Hy vọng rằng, Kinh tế di sản sẽ là động lực tăng trưởng mới, tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế, thay đổi vị thế địa phương và quốc gia, hướng tới phát triển bền vững với yếu tố cốt lõi là sự tham gia của cộng đồng.

Các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tìm các giải pháp phát triển kinh tế di sản của chính mình, thúc đẩy sáng kiến cộng đồng, tập hợp thành sức mạnh chuyển hoá thành động lực phát triển kinh tế của đất nước.

Trong đó, nâng cao năng lực nhận diện di sản, bao gồm hình thái, giá trị và phức hợp, theo hướng mở rộng khái niệm và loại hình bao gồm di sản truyền thống và di sản mới. Đồng thời, bảo tồn di sản đúng cách, làm tăng giá trị di sản, biến giá trị di sản thành sản phẩm có thể thương mại hóa sẽ là những giải pháp cốt lõi.


Master of Community Planning

DAAP - University of Cincinnati, OH 45221-0016, USA

[1] Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_qu%E1%BB%91c_gia_theo_GDP_(danh_ngh%C4%A9a)

[2] Nguồn: https://tuoitre.vn/gdp-dau-nguoi-viet-nam-moi-chi-bang-malaysia-cach-day-20-nam-20190130131444297.htm

[3] Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/37619102-tim-dong-luc-tang-truong-moi.html

[4] Nguồn: https://congthuong.vn/di-tim-dong-luc-tang-truong-moi-114088.html

[5] Nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-de-nghi-tim-dong-luc-tang-truong-moi-cho-dat-nuoc-853287.vov

[6] Nguồn: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/thu-tuong-phai-tim-dong-luc-phat-trien-moi-1337720.tpo

[7] Nguồn: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/khong-de-tui-tien-du-khach-nghi-ngoi-1043175.html

[8] Nguồn: https://www.e-unwto.org/doi/book/10.18111/9789284419876

[9] Nguồn: https://theleader.vn/ts-ha-van-sieu-du-lich-cua-chung-ta-con-qua-don-dieu-1556421753491.htm

[10] BẢO TỒN DI SẢN VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐỊA PHƯƠNG / Heritage Conservation and the Local Economy/ Tác giả: Donovan D. Rypkema là chủ tịch công ty Chiến lược Di sản Quốc tế (HIS) ở thủ đô Washington và là một thành viên trong ban giám đốc tạp chí Global Urban Development (Phát triển Đô thị Toàn cầu.

[11] Martin Rama là kinh tế gia trưởng khu vực Nam Á của Ngân hàng Thế giới.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441864

Hôm nay

2264

Hôm qua

2317

Tuần này

21768

Tháng này

217038

Tháng qua

112676

Tất cả

114441864