Diễn đàn

Đôi điều ngộ nhận về Phan Yên báo và Gia Định báo

Gia Định báo và Phan Yên báo là hai trong bốn tờ báo, tạp chí chữ Quốc Ngữ đầu tiên ra đời ở Nam Kỳ vào những năm cuối thế kỷ 19 cùng với Nam Kỳ và Thông loại khóa trình. So với hai tờ báo sau, Gia Định báo và Phan Yên báo được nói đến nhiều hơn, song về thời gian ra đời và chấm dứt cũng như người phụ trách của hai tờ báo này vẫn còn những điều chưa thống nhất. Bài viết này xin cung cấp một số tư liệu nhằm làm sáng tỏ thêm về vấn đề người phụ trách haychủ bút của hai tờ báo từng được nói đến nhiều này.

1. Phan Yên báo

Từ trước đến nay, gần như tất cả những người viết về Phan Yên báo đều khẳng định rằng “người sáng lập và làm chủ bút Phan Yên báo là Diệp Văn Cương” (trừ một tác giả có ý kiến khác - chúng tôi sẽ nói cụ thể hơn dưới đây). Khẳng định này phổ biến đến như Lê Nguyễn viết trên “Văn hóa Nghệ An” ngày 04/3/2018: “Ông Diệp Văn Cương thì hầu như ai cũng biết tiếng, là người chủ trương tờ Phan Yên Báo những năm 1898-1899.”[i]

Nhưng, trong bài viết “Ai là người sáng lập và làm chủ bút Phan Yên báo[ii] chúng tôi đã cung cấp những tư liệu đủ cơ sở để tin rằng Diệp Văn Cương không phải là người sáng lập và làm chủ bút Phan Yên báo. Tuy nhiên, sau khi bài viết này được công bố, ngày 01/8/2021, một bài viết với tiêu đề “Diệp Văn Cương - Diệp Văn Kỳ: Cha và con cùng làm báo” đăng trên báo “Kinh tế đô thị”[iii] vẫn nhắc lại khẳng định của nhiều người trước đó rằng Diệp Văn Cương có bút danh Cuồng Sĩ là chủ bút báo Phan Yên: “Đầu tiên ông cộng tác với Gia Định báo và tiếp đó ông làm Chủ nhiệm Phan Yên báo.”

Đáng chú ý, trong bài viết (xem chú thích 2), chúng tôi còn cung cấp một số cứ liệu cho thấy ông Diệp Văn Cương không phải mất năm 1929 như nhiều người nói từ trước đến nay. Ông lâm bệnh và mất đột ngột vào tháng 5 năm 1918. Vì thế ông cũng không thể còn dạy học vào năm 1919 như cố học giả Vương Hồng Sển từng viết trong sách “Sài Gòn năm xưa[iv] nữa.

Trong số những người từng viết về Phan Yên báo chỉ có tác giả Trần Nhật Vy cho rằng Diệp Văn Cương không phải là người sáng lập và làm chủ bút báo Phan Yên. Tại trang 6, trong cuốn sách “Báo Quốc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19”, do Nhà Xuất bản Trẻ xuất bản năm 2015, Trần Nhật Vy đã viết: “Hay nhiều tài liệu trước nay cứ lặp đi lặp lại là Phan Yên Báo do ông Diệp Văn Cương làm chủ nhiệm. Không, ông Cương không liên quan gì đến tờ Phan Yên Báo, vì khi tờ báo này ra đời, ông còn là một thông ngôn tùng sự ở Vĩnh Long! Ông Cương không thể ba đầu sáu tay mà ở Vĩnh Long có thể điều hành tờ báo hằng tuần ở Sài Gòn trong điều kiện giao thông và thông tin của thế kỷ 19[v].

Chúng tôi đồng ý với tác giả Trần Nhật Vy rằng: “Không, ông Cương không liên quan gì đến tờ Phan Yên Báo”. Nhưng không biết ông dựa vào nguồn nào để khẳng định: “khi tờ báo này ra đời, ông còn là một thông ngôn tùng sự ở Vĩnh Long!”? Qua các Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ được đăng trong Gia Định báo và báo Nam Kỳ, chúng tôi thấy vào năm 1893, ông Diệp Văn Cương là “thơ ký thí sai” được bổ đi làm việc ở Bến Tre (xem ảnh 1). Song tháng 11/1893, ông đã được “lên bậc thông ngôn hạng ba, ngạch Tây” (xem ảnh 2).

Ảnh 1 (chụp lại từ GĐB ra ngày 5/9/1893)

Ảnh 2 (chụp lại từ GĐB ra ngày 28/11/1893)

Còn từ năm 1894 trở đi, Diệp Văn Cương làm thông ngôn ở dinh Hiệp lý (Sài Gòn). Năm 1897, ông cộng tác với báo Nam Kỳ và có bài đăng trong 3 số của báo này. Trong thời gian báo Phan Yên ra đời và đình bản Diệp Văn Cương là thông ngôn hạng nhì, ngạch Tây và được Thống đốc Nam Kỳ cử tham gia một số Hội đồng, như trong hai ảnh 3 và 4 dưới đây.

Ảnh 3 (chụp lại từ GĐB, ra ngày 28/11/1898)

Ảnh 4 (chụp lại từ báo Nam kỳ, số 99/1899)

Những Nghị định trên cho thấy trong thời gian báo Phan Yên ra đời và bị đình bản, ông Diệp Văn Cương không phải “là một thông ngôn tùng sự ở Vĩnh Long!” như Trần Nhật Vy khẳng định.

2. Gia định báo (GĐB)

2.1. Những người phụ trách GĐB

Trong thời gian tồn tại khoảng 44 năm, GĐB có nhiều người phụ trách hay làm chủ bút. Theo Lê Nguyễn (xem chú thích 1) và các tác giả sách “Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam”[vi] những người sau đây từng phụ trách hay làm chủ bút GĐB:

“- Từ 4.1865 đến 9.1869: Ernest Potteaux

- Từ 9.1869 đến 1872 (hay 1873): Trương Vĩnh Ký

- Từ 1872 (hay 1873) đến 1881: J. Bonet

- Từ 1881 đến 1897: Trương Minh Ký

- Từ 1897 đến 1908: Nguyễn Văn Giàu

- Từ 1908 đến 1909: Diệp Văn Cương.”

Một số người khác, trong đó có Huỳnh Văn Tòng, cho rằng Huỳnh Tịnh Của cũng có thời gian làm chủ bút GĐB[vii]. Từ điển “Dictionnaire de bio bibliographie generale ancienneet moderne de l'Indochine française” cũng viết: “Huỳnh Tịnh Của phụ trách biên tập GĐB”[viii]. Song, các nguồn này đều không cho biết ông phụ trách việc biên tập trong thời gian nào.

Nhưng, đọc 424 số GĐB phát hành trong thời gian từ năm 1866-1906 trên ngân hàng dữ liệu của Thư viện Quốc gia Pháp[ix], chúng tôi chỉ thấy có tên của những người sau đây được ghi là phụ trách GĐB hoặc ghi phía dưới trang thường ghi tên người phụ trách tờ báo (theo số báo hiện có):

TT

Tên người phụ trách

Thời gian phụ trách

1

Ernest Potteaux

Lần 1: Từ 15/4/1865-16/9/1869

Lần 2: Từ 1/12/1883-14/4/1891

2

Trương Vĩnh Ký

24/9/1869-1871

3

G. Janneau

Số 28 (1/12/1869)

3

Jean Bonet[x]

1/5/1874

4

Huc F

Số 19 (9/7/1881)

5

Boscq[xi]

Số 16 (21/4/1891)

Kể từ số 17 ra ngày 28/4/1891 trở đi (tức 224 số trong 424 số báo), báo không ghi tên người phụ trách ở các trang thường được ghi như trước, mà chỉ ghi nơi in báo ở trang cuối cùng. Không biết có phải vì lý do này mà tên các ông Nguyễn Văn Giàu, Diệp Văn Cương và Huỳnh Tịnh Của (có thể cả Trương Minh Ký) mà nhiều người nhắc đến không được ghi trên báo như trước đó?

Mặt khác, vì không đọc được “Nghị định ngày 20/9/1908 do Thống đốc Nam Kỳ Outrey ban hành đăng trong “Tập san hành chánh Nam Kỳ” (Bulletin administratif de la Cochinchine) năm 1908, trang 2864” mà ông Lê Văn Cẩn nêu ra trên Tạp chí Bách khoa, số 416, năm 1974 (mà các tác giả sau này dẫn lại), nên chúng tôi không dám khẳng định điều ông viết: “trước ngày 21/5/1908, việc chủ biên tờ Gia Định báo do ông Nguyễn Văn Giàu đảm trách và kể từ ngày 21/5/1908, việc biên tập được giao cho ông Diệp Văn Cương”.

Tuy nhiên, có một thực tế là những người phụ trách GĐB có ghi tên trong danh sách trên đây đều là thông ngôn phục vụ trong bộ máy của chính quyền Nam Kỳ. Vì thế, vốn là hai thông ngôn hạng nhất và hạng nhì, ngạch Tây lúc bấy giờ, rất có thể Diệp Văn Cương và Nguyễn Văn Giàu cũng là những người phụ trách GĐB vào những năm cuối của tờ báo. Còn về ông Trương Minh Ký, chúng tôi cũng không tìm thấy số GĐB nào có ghi Trương Minh Ký là người phụ trách, cũng như không biết có Nghị định nào giao cho ông phụ trách tờ báo này không?

Thông tin về những người phụ trách được ghi trong GĐB trên đây cho thấy trong khoảng 44 năm lưu hành, GĐB có nhiều người phụ trách, với những khoảng thời gian khác nhau. Trong số những người này Ernest Potteaux, thông ngôn hạng nhất của soái phủ Nam Kỳ là người có thời gian phụ trách lâu nhất (gần 12 năm), mà lần thứ hai là từ ngày 1/12/1883 đến ngày 14/4/1891 (ít nhất, theo số báo mà Thư viện Quốc gia Pháp còn lưu giữ được). Điều này cho thấy rằng viết như một số người: “Trương Minh Ký phụ trách GĐB trong thời gian từ năm 1881 đến năm 1897” là thiếu chính xác.

Còn Trương Vĩnh ký chỉ phụ trách trong thời gian khoảng 3 năm (1869-1871), với tổng cộng 68 số báo (năm 1869: 16 số, năm 1870: 33 số và năm 1871:19 số), trong đó có số 28 (ra ngày 1/12/1869) do G. Janneau phụ trách. Như vậy khó có thể nói Trương Vĩnh Ký là người có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của GĐB, như nhiều người khẳng định. Mặt khác, GĐB là tờ báo chính thức của chính quyền, nội dung phải tuân theo chủ trương của chính quyền và bị kiểm duyệt trước khi in nên người chủ bút khó có thể làm khác (Xem thêm chú thích 11). Nội dung của nhiều số báo GĐB trước khi Trương Vĩnh Ký phụ trách cũng không kém phần phong phú so với các số GĐB khi Trương Vĩnh Ký phụ trách. Còn nội dung các số GĐB sau khi Trương Vĩnh Ký không phụ trách, có nhiều số phong phú và có số trang nhiều hơn.

2.2. Phụ lục về những người Pháp phụ trách GĐB

Dưới đây là một số thông tin về những người Pháp từng phụ trách GĐB mà chúng tôi sưu tầm được từ nguồn ở chú thích 8 và từ trang mạng của Thư viện Quốc gia Pháp.

1. POTTEAUX (Ernest) là Thông ngôn chính tại Soái phủ Nam Kỳ, thơ ký phòng thông ngôn (interprète du Gouvernement, secrétaire-interprète). Ông có các tác phẩm:

-      Lịch Annam thuộc về sáu tỉnh Nam kỳ, Saigon, Bản in nhà nước, 1869

-      Annuaire de la Cochinchine pour l’année 1879, Saigon, Imprimerie de gouvernemnet 1879

2. JANNEAU (Jean-Gustave): Sinh tại Parthenay năm 1843. Mất tại Phnôm Pênh (Campuchia) ngày 21 tháng 6 năm 1872. Là nhà Đông phương học. Ông học tại trường Cao đẳng Niort, sau đó tham gia quân ngũ và đến Nam Kỳ năm 1864. Ba năm sau, ông phụ trách trường Thông ngôn ở Sài Gòn và dành hết tâm sức cho việc học tiếng Campuchia và tiếng Pali. Năm 1870 ông được cử sang Campuchia, làm thanh tra danh dự về các vấn đề bản xứ.

Ông đã để lại nhiều bản thảo trong đó có các công trình ngôn ngữ học có giá trị, song không may bị tản mát sau khi ông qua đời. Ông đã đăng nhiều bài báo trên tờ Gia Định Báo.

Tác phẩm của Janneau (Jean-Gustave), gồm:

-  Etude de l'alphabet cambodgien,Saïgon, br., 1869.

-  Vocabulaire khmer-français et français-khmer (Manuscrit).

-  Rapport de l'étude de la langue annamite vulgaire (Bull. Soc. études indoch., 1er sem. 1884).

-  Manuel pratique de la langue cambodgienne. Saïgon, Impr. nationale, in-8, lithogr., 1870.

-  Œuvres de G. Jeanneau, réimprimées au Collège des Stagiaires. Saïgon, 1877.

-  De l'étude pratique de la langue annamite (Bull. Soc. des Études indochinoises, c. p. 187. Saïgon, 1883).

-  Essai sur l'origine de la langue annamite (Bull. Soc. des Études indochinoises, T. I, 1883. Saïgon, 1884.

-  Œuvres de G. Jeanneau, réimprimées à l'Impr. du Protectorat. Pnom-Penh, 1889, in-4.

-  Luc-Van Tien, poème populaire annamite, trad. pour la première fois en caractères latins. Paris, A. Challamel, in-8, 2e édit., accompagnéede notes et pl., 1912.

-  HAMY (E.-T.), Notes sur les travaux de M. Jeanneau relatifs à l'anthropologie du Cambodge. Paris, Hennuyer, br. in-8, 1873 (Extr, Bull. Soc. anthrop. de Paris, 14 juillet 1872).

-  Note sur un produit végétal indigène très voisin de la gutta et du caoutchouc (Bull, du Comité agricole et indust. de la Cochinchine, T. III, septembre 1870). - Sur quelques productions végétales employées dans le pays commeliège,- Note concernant le stick lac et la cochenille.

-  Le marchand d'huile (Rey. indochinoise, août 1913). Les Pages indochinoises (5 septembre 1913).

-  Cam et Tarn, conte annamite (Rev. indoch., nov.-déc. 1913),

-  Deux rapports militairesdu général VO-DI-DƯƠNG (trad.) (Rev. indoch., fé vr. 1914).

-  Le Cambodge d'autrefois (Rev. indoch., mars, avril, mai 1914).

3. HUC (Francois-Marie): Là thông ngôn hạng nhì tại soái phủ Nam Kỳ ở Sài Gòn (Theo “Annuaire de la Cochinchine Pour L’annee 1880”, Saigon, Imprimerie du Gouvernement. 1880, p.128).

4. BOSCQ (Jean-Cyprien): Sinh tại Castets (Landes), ngày 16 tháng 9 năm 1861. Là thông ngôn hạng nhứttại soái phủ Nam Kỳ ở Sài Gòn. Ông đến Nam Kỳ năm 1885 và vào học trường Thông ngôn ở Sài Gòn ngày 26 tháng 9 năm 1885. Ông được bổ nhiệm làm thông ngôn hạng 4 tiếng An Nam và chữ Hán vào ngày 26 tháng 9 năm 1887, được thăng lên thông ngôn hạng nhất vào ngày 8 tháng 2 năm 1899. Ông đã sáng tác nhiều sách kinh điển được sử dụng phổ biến trong các trường học bản xứ Đông Dương, chủ yếu ở Nam Kỳ.

Tác phẩm của Boscq Jean-Cypien gồm:

-  Tétanos des nouveau-nés. Plaies, morsure de serpents, traitement. Saïgon, Claude et Cie, in-8, 1897.

-  Code de justice militaire, in-8. Saïgon, Impr. coloniale, 1890.

-  Tracts et Rapports. Saïgon, Impr. nouvelle, in-8, 1893.

-  Premier livre de lecture. Saïgon, Claude, in-8, 18.5.

-  Chants populaires et proverbes annamites (Bull. Soc. Et. indoch., 2e fasc. 1898).

-  Chants populaires annamites (traduits par J.-C. Boscg). Revue d'Asie, Paris, 1902.

-  Morale et Leçons de choses. Saïgon, Claude, in-8, 1903.

-  Notions d'hygiène à l'usage des Annamites. Saïgon, Claude, in-8, 1903.

-  Y phuong Tien Dung. Saïgon, Claude, in-8, 1903.

-  Manuel franco-annamite de conversations usuelles, Saïgon, Impr. nouvelle, 1906.

-  L'assistancemédicale en Cochinchine. La léproserie de Culao-Rong (Depêche coloniale, 6 mars 1909).

                                                                                            


[i] /component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/12275-gia-dinh-bao-to-bao-viet-ngu-dau-tien

[ii]- https://nghiencuulichsu.com/2021/06/07/ai-la-nguoi-sang-la%CC%A3p-va-lam-chu%CC%89-but-phan-yen-bao/

- https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/ai-la-nguo-i-sa-ng-la-p-va-la-m-chu-nhie-m-phan-yen-ba-o-mot-trong-4-to-bao-dau-tien-bang-chu-quoc-ngu-106562.html

[iii] https://kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-diep-van-cuong-diep-van-ky-cha-va-con-cung-lam-bao-429390.html

[iv]Vương Hồng Sển, Sài gòn năm xưa, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2018 (https://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nmnqnqn0n31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1)

[v] http://www.baovinhlong.com.vn/van-hoa-giai-tri/202106/doc-sach-bao-quac-ngu-o-sai-gon-cuoi-the-ky-19--3062930/

[vi] https://zingnews.vn/cuoi-the-ky-19-to-bao-viet-ngu-dau-tien-o-viet-nam-ra-doi-tai-nam-ky-post1097038.html

[vii] Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khỏi thủy đến 1945, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 2000

[viii] Antoine Brébion (1857-1917), Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l’Indochine Francaise, Paris Société d’éditions Géographiques, Maritimes et Coloniales 17, Rue Jacob (VIe), 1935, tr. 197

[ix] https://gallica.bnf.fr/accueil/en/content/accueil-en?mode=desktop

[x] Trần Nhật Vy cho rằng “Bonet còn làm chánh tổng tài của báo cho tới những năm 1881”.

[xi] Tên của Boscq đã bị viết nhầm thành Boseq trong đoạn trích này: “Trên báo Lục Tỉnh Tân Văn số 522 ngày 7 Mars 1918 viết “từ khi có báo văn chương quấc âm đến nay, chánh phủ hằng buộc các báo quán phải phiên dịch những bài đam trình cho phòng kiểm duyệt xem xét, thật rất tốn kém vô cùng. Nay quan Nguyên soái mới định rằng các báo quốc âm không cần gì phải phiên dịch các bài, miển là đem các bài đến trình trước cho ông Boseq xem thì đủ. Chánh phủ mà trí cử ông Boseq để kiểm duyệt các báo thiệt rất xứng đáng lắm, vì ngài thông thạo tiếng Annam và hiểu biết phong tục xứ nầy.” (https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/s-t-u-v/tran-nhat-vy/nhan-150-nam-gia-dhinh-bao-ra-doi-nha-bao-huynh-tinh-cua).

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114517291

Hôm nay

2241

Hôm qua

2397

Tuần này

2638

Tháng này

215230

Tháng qua

121009

Tất cả

114517291