Cuộc sống quanh ta

Văn hoá tuyên truyền

 Chúng ta rất trọng tuyên truyền, bất kỳ một chủ trương nào của Đảng và Nhà nước đều được tổ chức tuyên truyền khá rầm rộ. Thế nhưng việc tuyên truyền của ta hơn nửa thế kỷ qua không hề đổi mới, chỉ một bài lặp đi lặp lại năm này sang năm khác. Đó là một sự thật.

Chỉ cần đặt câu hỏi: Tuyên truyền thế nào, nội dung phải ra sao, hình thức phải thế nào cho mới mẻ và ấn tượng, lập tức không ít thì nhiều người ta cũng đã làm mới sự tuyên truyền. Nhưng không, không hề. Xuân thu nhị kỳ, đến hẹn lại lên, lại dựng pa-nô, treo khẩu hiệu qua loa đại khái, làm chiếu lệ cho xong, vậy thôi. Năm nay nhiệt liệt hoan nghênh, năm sau vẫn cứ nhiệt liệt hoan nghênh. Các tranh cổ động dù có thay mới thì vẫn lặp lại một phong cách vẽ vời cũ kĩ với nền đỏ chữ vàng, nửa thế kỷ nay vẫn nguyên xi như thế.

Đã thế lại vội vàng và cẩu thả. Rất nhiều pa-nô chỉ là sự tô quét lại pa nô cũ, có vẽ mới thì nếu không nguệch ngoạc cũng copy từ những tranh cổ động nơi khác, xứ khác. Khẩu hiệu viết sai chính tả kinh khủng, sai cả kiến thức lịch sử văn hóa sơ đẳng nhất. Ngay cả việc treo khẩu hiệu ở đâu, dựng pa-nô chỗ nào cũng không mấy quan tâm. Rất nhiều pa-nô xiêu vẹo, khẩu hiệu mất chữ, rơi đổ cũng không ai để ý. Nực cười có một pa-nô dựng ngược ở ngay cửa ra vào của một phòng văn hóa quận cả tuần lễ người ta mới phát hiện ra.

Việc Ban ATGT Sở giao thông Kiên Giang bóp méo nội dung tuyên truyền ATGT thành câu chuyện khiêu dâm hầu như ít ai lấy đó làm bài học về sự kém văn hóa trong tuyên truyền, người ta chỉ tặc lưỡi cho là sơ suất. Chính sự tặc lưỡi nhẹ tênh đó cùng với tư duy cũ kỹ, nông nổi, hời hợt đã làm phương hại đến các giá trị cần tuyên truyền. Gần đây, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia đã lên tiếng về các giá trị Hà Nội sẽ bị phá hỏng bởi chính văn hóa tuyên truyền cũ kỹ, thô lậu đó.

 

Ông nói về một cuộc trưng bày quá nghiệp dư ở tòa nhà bảo tàng hiện đại nhất vừa mới xây xong. Cuộc trưng bày vội vàng, chủ yếu để khỏa lấp các không gian rỗng, “vì không kịp chuẩn bị nội dung nên tạm lấp vào đó những cổ vật Thăng Long của những nhà sưu tầm tư nhân”.

Ông nói người ta không quan tâm đến hiệu quả tuyên truyền mà chỉ chăm chú đến cái gọi là cờ đèn kèn trống. Thậm chí ở một trung tâm văn hóa lớn lại có thể có “nhiều pa-nô câu chữ không đạt yêu cầu”, “đá nhau”. Trong khi đó, nhà 5D Hàm Long, nơi Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập thì “Bảo tàng Hà Nội lấy làm một trụ sở của mình suốt bao nhiêu năm nay”, còn căn hầm ngôi nhà 90 phố Thợ Nhuộm, nơi đồng chí Trần Phú viết Cương lĩnh “trở thành nơi để xe máy hàng ngày của cán bộ Ban Quản lý di tích”. Đó là một sự xúc phạm lịch sử, ông Nguyễn Văn Huy đã nói vậy và hoàn toàn đúng như vậy.

Bác Hồ rất quan tâm đến tuyên truyền, Người từng nhiều lần nhắc nhở: “Tuyên truyền phải thiết thực. Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền”. Điều Bác nhắc nhở chính là văn hóa tuyên truyền. Một khi kém văn hóa tuyên truyền, một khi tư duy tuyên truyền cũ kỹ, hời hợt, thì vô hình chung gây ra nhàm chán, phản cảm cho công chúng. Đó không phải là tuyên truyền mà là phản tuyên truyền. Còn như lợi dụng tuyên truyền để trục lợi thì đó là báo hại tuyên truyền, nguy hiểm vô cùng

              Nguồn quechoa.info

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114526506

Hôm nay

2158

Hôm qua

2297

Tuần này

21056

Tháng này

213202

Tháng qua

0

Tất cả

114526506