Khách mời văn hóa

Chương trình kinh tế - xã hội miền Tây sẽ tạo ra nguồn năng lượng mới cho văn hoá các dân tộc thiểu số phát triển


VHNA: Nhân dịp Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ nhất  tổ chức tại T.P Vinh vào trung tuần tháng 12 năm 2009, tạp chí Văn hoá Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Cao Đăng Vĩnh- Tỉnh uỷ viên, Giám đốc sở VH,TT&DL Nghệ An về việc gìn giữ, phát huy truyền thống và bản sắc văn hoá, xây dựng đời sống văn hoá ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 Thưa ông, Đảng và nhà nước ta luôn đề cao và thực hiện đoàn kết đại dân tộc, đã có nhiều chính sách cụ thể nhằm giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần và vật chất. Tuy nhiên, so với khu vực đô thị và đồng bằng thì đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn khá nhiều khó khăn, vất vả, mức sống vẫn còn thấp. Từ thực tiễn ở Nghệ An, ông có thể trao đổi thêm về vấn đề này?

Đại đoàn kết dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng và nhà nước ta. Chính nhờ chính sách này mà khối đoàn kết dân tộc liên tục được củng cố, sức mạnh dân tộc được phát huy một cách cao độ và là điều kiện có nghĩa tiên quyết cho hành trình phát triển của dân tộc Việt nam ta trong hơn nửa thế kỷ qua. Đồng bào các dân tộc thiểu số trên cả nước trong suốt hành trình cách mạng vừa qua đã có rất nhiều đóng góp và đóng góp hết sức quan trọng và to lớn. Điều đó chắc mọi người đã rõ. Để củng cố khối đoàn kết dân tộc và tri ân đồng bào, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu việt nhằm  tạo điều kiện cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều chương trình, dự án phát triển đã được thực hiện ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể nói, với sự nỗ lực của đồng bào cùng với các chính sách đầu tư phát triển đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước cũng như ở tỉnh ta đã được cải thiện và nâng cao một bước đáng kể.

Tuy nhiên, so với khu vực đô thị, đồng bằng thì đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi nhìn chung còn có nhiều khó khăn vất vả hơn, mức sống còn thấp hơn. Đó là tình hình chung của cả nước và tôi thấy Nghệ An cũng đang ở trong tình trạng chung đó.

Khó khăn nhất đối với đồng bào hiện nay là gì?

Theo tôi thì đồng bào hiện nay đang có nhiều khó khăn. Khó khăn nhất theo tôi nghĩ vẫn là cái đi lại, cái học hành của con em và cái ăn. Những khó khăn này là rất lớn nhưng vẫn có thể khắc phục được một khi chúng ta có nền tảng kinh tế phát triển mạnh. Nhưng có một cái khó có thể khó trông thấy nhưng rất khó khắc phục đó là làm sao nâng cao được đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào. Nói nâng cao có nghĩa là phải phát triển trên cái nền tảng đã có của đồng bào, tức là trên cơ sở văn hoá các tộc người thì đồng bào, với sự giúp sức của chính quyền và các cơ quan, tổ chức chuyên môn phải tìm ra cách để tiếp cận với cái mới, hình thành nên những giá trị mới của chính mình nhằm làm phong phú và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của mình. Tôi xin lấy ví dụ: Ở Nghệ An chúng ta có tộc người Ơđu. Đây là tộc người duy nhất còn lại ở Nghệ An. Do các điều kiện lịch sử, kinh tế - xã hội mà tộc người này đã bị đồng hoá rất sâu sắc bởi văn hoá của người Thái và người Khmú. Hiện diện văn hoá tộc người của họ còn lại hết sức mờ nhạt. Cả tộc ngưòi mà nay chỉ còn nhớ được khoảng gần 100 từ tiếng mẹ đẻ của mình là báo hiệu một nguy cơ vô cùng tàn khốc. Làm gì, làm như thế nào để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của người Ơđu là một baì toán vô cùng khó đối với đồng bào và đối với các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn.

Lâu nay chúng ta vẫn thường nói đến mức độ hưởng thụ văn hoá của nhóm cư dân này hay của địa phương nọ. Điều đó không sai nhưng tôi cho rằng, về cơ bản đó là định lượng nhiều hơn định tính. Vấn đề đặt ra là hưởng thụ văn hoá nào? Của ai? Hưởng thụ như thế nào? Đã từng tồn tại trong nhiều năm một cách nói, hay là một khái niệm là đưa văn hoá về cơ sở, đưa văn hoá về cho đồng bào. Đành rằng là có chuyện đó thật,và đó là một cách làm có ý nghĩa nhân văn. Điều đó về động cơ mục đích là đúng, là không sai nhưng về nguyên lý sinh tồn văn hoá có lẽ là cần thiết phải thay đổi lại cách nghĩ và cách làm để cho bản năng, các giá trị truyền thống và có ý nghĩa bản sắc của các tộc người, các dân tộc có điều kiện bộc lộ và phát triển, phát huy trong bối cảnh mới, điều kiện mới, đủ sức lựa chọn và thu nạp những yếu tố mới từ các nền văn hoá khác trong cuộc giao lưu ngày càng sâu rộng và quyết liệt.

Trở lại vấn đề, thưa ông, ông có thể nói cụ thể hơn về đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An hiện nay?

Quả thực đây là một vấn đề lớn và phải có điều tra kỹ càng mới hy vọng có được những nhận định xác đáng. Mấy chục năm vừa qua, đặc biệt là hơn một thập kỷ trở lại đây, đời sống mọi mặt nói chung, đời sống văn hoá tinh thần nói riêng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nghệ An có rất nhiều chuyển biến rõ nét và đan xen giữa các mặt thuận và nghịch, tốt và không tốt. Mặt được có thể thấy rõ ràng là cùng với đời sống vật chất được cải thiện, đời sống văn hoá của bà con ở các bản mường đã phong phú hơn, sinh động hơn, đa dạng hơn; Sinh hoạt văn hoá văn nghệ, thể dục, thể thao sôi nổi hơn. Hầu như bản mường nào cũng có các đội văn nghệ, các đội bóng đá, bóng chuyền, có các phương tiện nghe nhìn, nắm được nhiều thông tin hơn. Công tác giáo dục phát triển đã góp phần nâng cao dân trí và từ đó đã làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trên nhiều phương diện của đời sống văn hoá tinh thần. Đa số đồng bào đã tự ý thức được đâu là những giá trị đích thực, cần giữ gìn, phát huy, đâu là những tập tục lạc hậu cần hạn chế và xoá bỏ. So với nhiều năm trước, tính tự giác, tự tôn về văn hoá tộc người của đồng bào cao hơn trước rất nhiều. Ngày nay, chị em phụ nữ cảm thấy tự hào khi mặc chiếc váy của dân tộc mình ở bất cứ đâu. Họ cũng không còn tự ti khi sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp như trước kia nữa. Trong xu thế chung, trong những năm qua, trên lĩnh vực văn hoá tinh thần, đồng bào các dân tộc đã có nhiều tiếp xúc giao lưu văn hoá hơn, không chỉ với văn hoá của các tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt nam mà cả với các nền văn hoá khác trên thế giới, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.  Đó chỉ là một vài ví dụ để chứng minh rằng đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến, khởi sắc.

Nhưng  ngược lại, cũng cần phải thấy rằng vẫn còn nhiều biểu hiện không tốt mới nảy sinh hoặc có chiều hướng gia tăng  trong các cộng đồng như tệ nạn ma tuý, mại dâm; Hoặc do tự ti cùng với thiếu tỉnh táo chọn lựa nên có một bộ phận thanh thiếu niên còn xa rời truyền thống văn hoá dân tộc để hấp thu văn hoá ngoại lai một cách vô lối. Họ không hề biết hát một câu dân ca nào của dân tộc mình nhưng lại có thể hát “bồi” các bài hát tiếng Anh.

Tỉnh Nghệ An chúng ta đang triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội khu vực miền tây - địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với chương trình này, theo ông sẽ tác động như thế nào đến đời sống mọi mặt của đồng bào?

Theo tôi,  chương trình này sẽ là tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến đời sống mọi mặt của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta, là điều kiện thuận lợi để đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần và vật chất.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, với chương trình này, nhất định chúng ta sẽ tạo nên một không gian mới, bối cảnh mới cho văn hoá các cộng đồng dân tộc thiểu số. Giao lưu kinh tế sẽ tăng nhanh với cường độ ngày càng lớn, đối tượng giao lưu ngày càng nhiều. Vấn đề đặt ra là cần phải tỉnh táo trong cuộc giao lưu này để tiếp thu những giá trị ngoại sinh để làm phong phú thêm đời sống văn hoá của chính mình chứ đừng để văn hoá ngoại lai lấn át văn hoá bản địa. Tôi xin nói một ví dụ: Liệu chừng những ngôi nhà sàn của đồng bào rồi đây sẽ ra sao khi mà những con đường lớn, những công trình lớn sẽ về đến tận bản, khi mà người thành thị và người miền xuôi, kể cả người nước ngoài cứ nằng nặc muốn mua? Tiền lệ chảy máu nhà sàn đang cảnh báo chúng ta điều đó. Rồi nữa, đến lúc đó thì đồng bào các dân tộc sẽ giữ gìn tiếng nói của mình như thế nào? Ăn mang trang phục như thế nào? Rất nhiều vấn đề, rất nhiều tình huống đặt ra để ngay từ bây giờ chúng ta đã phải nghĩ đến để cùng với đồng bào các dân tộc tìm cách ứng xử hợp lý nhất để vừa bảo tồn được truyền thống và bản sắc của mình vừa chọn lọc, tiếp thu được những cái hay của thiên hạ.

Cái khó nhất đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển và hội nhập hiện nay là gì?

Trong quá trình phát triển và hội nhập hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta có nhiều cái khó chứ không phải là một, hai. Nếu nói là cái khó nhất thì cũng có thể có các ý kiến khác nhau. Theo tôi, cái khó nhất bên cạnh nền tảng kinh tế kém phát triển là mặt bằng dân trí còn thấp. Dân trí là vấn đề, là yếu tố hàng đầu đảm bảo cho quá trình phát triển của bất cứ cộng đồng nào. Muốn vậy phải bằng nhiều cách và mọi cách phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, là xoá bỏ các tập tục lạc hậu.

Trong qúa trình phát triển hiện nay, cụ thể là công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thị trường hoá và hội nhập quốc tế, liệu sẽ tác động đến các giá trị truyền thống và bản sắc văn hoá của các cộng đồng tộc người như thế nào? Cái được là gì? Và cái gì có thể biến thành nguy cơ đối với truyền thống và bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số?

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thị trường hoá và hội nhập quốc tế là các mặt của một quá trình phát triển. Ở các nước khác, có thể có những giai đoạn, có những bước đi tuần tự khác nước ta. Riêng ở nước ta cả mấy quá trình này đều cùng “rơi” vào cùng một thời điểm. Điều đó tác động và tạo nên hiệu ứng rất sâu sắc đến đời sống văn hoá của cộng đồng dân tộc Việt Nam chứ không riêng gì các dân tộc thiểu số. Tôi nghĩ trong lịch sử chưa từng có một cuộc va chạm, tác động nào lớn như vậy đối với văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá các dân tộc thiểu số nói riêng. Tôi nghĩ, hãy bắt đầu từ một con người để hình dung một nền văn hoá. Trước khi công nghiệp hoá, hiện đại hoá, con người ấy là nông dân, nhiều lắm là thợ thủ công. Trước khi thị trường hoá, người nông dân ấy chỉ biết đến cái chợ làng, chợ bản là nhiều nhất. Trước khi hội nhập người nông dân ấy chủ yếu chỉ biết người trong làng, trong bản, giao tiếp chủ yếu bằng tiếng mẹ đẻ, cùng lắm là tiếng Kinh. Còn nay thì buộc anh phải khác rất nhiều mới phù hợp được với cung cách làm ăn mới, quan hệ xã hội mới. Cả một nền văn hoá cũng phải có sự thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển mới của nhân loại. Vậy là buộc anh phải có những nhận thức mới về thế giới và xã hội, phải có những điều chỉnh cần thiết trong nhiều tập tục, tập quán.

Nếu nói về cái được thì tôi cho rằng quá trình phát triển này đã tạo ra năng lượng mới cho các nền văn hoá để giúp cho nó sáng tạo ra các giá trị mới. Tất nhiên điều này chỉ xảy ra khi chủ thể của các nền văn hoá đó tự ý thức được chân giá trị và xác định được mục tiêu vận động và phát triển nền văn hoá của mình. Năng lượng mới của các nền văn hoá được hình thành và tích hợp từ các nguồn năng lượng nội sinh và năng lượng ngoại sinh trong qúa trình vận động và giao lưu, tiếp biến.

Tất nhiên đó là chúng ta nói theo chiều thuận. Còn có cả chiều nghịch nữa. Nếu như trong quá trình đó mà các các cộng đồng dân tộc thiểu số không tỉnh táo thì rất dễ bị choáng ngợp bởi các giá trị ngoại lai, tự ti văn hoá dân tộc dẫn đến tiếp thu thụ động, thiếu chọn lọc và dẫn đến làm phai nhạt dần truyền thống và bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Đây là điều rất dễ xảy ra nếu thiếu bản lĩnh, thiếu sự hướng dẫn. Và vì vậy, mỗi một cộng đồng dân tộc, tộc người rất cần có một đội ngũ trí thức tiên tiến làm người tiên phong trong cuộc vận động văn hoá của dân tộc mình.

Trở lại vấn đề, tôi thấy kinh nghiệm lịch sử đã chứng minh rằng, nếu muốn tồn tại và phát triển trong thế giới hiện đại và năng động hiện nay thì các cộng đồng, các tộc người, các dân tộc phải bảo tồn được truyền thống và bản sắc của mình.

Vậy có cần thiết xác lập một nguyên tắc ứng xử cho văn hoá các cộng đồng thiểu số, thậm chí là cả văn hoá của người Kinh là dân tộc đa số nữa hay không trong qúa trình phát triển và hội nhập?

Điều đó là rất cần và thực tế chúng ta cũng đã làm rồi đó thôi. Không gì khác đó là hệ thống luật pháp về lĩnh vực văn hoá, thể dục, thể thao, kể cả du lịch nữa. Rồi các luật khác nữa, hầu như cũng luật nào, dù ít hay nhiều đều có những điều khoản, chi tiết quy định liên quan đến văn hoá, đến các mối quan hệ xã hội, đến định hướng giá trị của cộng đồng, của xã hội.

Theo cá nhân ông thì nội dung  cơ bản của  nguyên tắc đó là gì?

Đó phải là tinh thần tự giác và tự tôn dân tộc, văn hoá dân tộc. Từ trong sâu thẳm tâm hồn và nhận thức của mọi người phải trân trọng, đề cao và yêu tha thiết văn hoá của dân tộc mình thì mới có thể nói đến các nguyên tắc ứng xử với văn hoá được. Không nhận thức được vấn đề này thì không có một chế tài nào có thể kiểm soát được vì đây là văn hoá, cái thiêng liêng nhất của cả một tộc người, một dân tộc, cái tồn tại trước, và có thể trên cả pháp luật vì có những giá trị không thể luật hoá được.

Vậy chúng ta cần xác định vị trí và vai trò của ngành Văn hoá, Thể thao & Du lịch như ở vị trí nào trong sự nghiệp văn hoá hiện nay của đồng bào các dân tộc thiểu số?

Trước hết cần phải nhắc lại là cả nước, bất kể địa phương nào, cộng đồng nào, tộc người nào cũng cùng nhau hướng tới và thực hiện công cuộc xây dựng một nền văn hoá Việt nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An cũng đang thực hiện nhiệm vụ đó. Mỗi một khu vực, một địa phương, mỗi cộng đồng, tộc người có các đặc điểm và truyền thống văn hoá có thể khác nhau nên nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể có thể không giống nhau, điều kiện thực hiện cũng không giống nhau. Bởi vậy ngành văn hoá là đội quân chuyên nghiệp tiên phong và là nòng cốt làm hạt nhân của công cuộc đó. Họ phải là người tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, là người cỗ vũ, hướng dẫn và cùng đồng bào  thực hiện các phong trào văn hoá, thể thao, xác lập các giá trị mới, tiến bộ để làm phong phú và sâu sắc hơn đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào. 

Trong những năm qua ngành văn hoá, Thể thao & Du lịch đã có những hoạt động nổi bật nào đối với đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi?

Liên tục trong nhiều thập kỷ qua, ngành VH, TT & DL đã có nhiều chương trình hoạt động nhằm mục đích nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống và bản sắc văn hoá các tộc người, xây dựng và phát triển nền văn hoá mới theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ những thập kỷ 50 - 60 thế kỷ trước chúng ta đã có các chương trình sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian các dân tộc thiểu số, thành lập đoàn văn công miền núi, thành lập báo miền tây, xuất bản nhiều sách khảo cứu, nghiên cứu về văn hoá các dân tộc thiểu số. Không quản khó khăn, các cán bộ của ngành đã về với đồng bào các dân tộc để xây dựng các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần quan trọng  cùng đồng bào đẩy lùi các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng đời sống văn hoá mới tiến bộ. Trong những năm gần đây, ngành đã có nhiều nỗ lực hơn trong công tác xây dựng đời sống văn hoá ở khu vực miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số. Chúng ta đã có thêm nhiều các công trình nghiên cứu công phu về văn hoá, văn học, nghệ thuật các dân tộc, hỗ trợ về vật chất và cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn đồng bào bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá tộc người. Nhờ vậy nhiều di tích lịch sử văn hoá và các lễ hội được phục sinh, các nghệ thuật truyền thống được bảo tồn, khai thác phát huy, tiếng nói và chữ viết các dân tộc tiếp tục được đẩy mạnh nghiên cứu và truyền dạy, nhiều mô hình văn hoá mới được hình thành trên cơ sở tôn trọng và phát huy các giá trị và bản sắc văn hoá của các tộc người. Và điều đáng nói nhất là đã góp sức cùng với ngành giáo dục và các cơ quan, các địa phương phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí, làm cho đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số phong phú và sinh động hơn, có điều kiện chủ động hơn trong giao lưu, hội nhập văn hoá.

Trong quá trình cùng cộng tác với đồng bào các dân tộc để phát triển sự nghiệp văn hoá, theo ông chúng ta rút ra được bài học nào quan trọng nhất?

Trong hơn nửa thế kỷ cùng gắn bó với cộng đồng các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng đời sống văn hoá, các thế  hệ cán bộ của ngành đã có nhiều đóng góp quan trọng và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Tuỳ từng lĩnh vực, lại tuỳ từng đối tượng cộng tác mà có thể có các kinh nghiệm khác nhau nhưng theo tôi có những kinh nghiệm đã trở thành nguyên tắc bất di bất dịch mà nếu vi phạm sẽ không những không đem lại kết quả mà rất có thể ngược lại, đổ vỡ và phản tác dụng. Đó là phải tôn trọng đồng bào, tôn trọng các nền văn hoá của các tộc người khác nhau, tôn trọng tính bình đẳng của các nền văn hoá và  tinh thần tự tôn văn hoá của các tộc người; Lấy thuyết phục hướng dẫn làm phương pháp chủ đạo, hướng đến động viên, khuyến khích và tập hợp đồng bào tự chủ động xây dựng đời sống văn hoá của chính mình.

Ông có thể cho biết trong thời gian tới ngành VH, TT &DL sẽ tập trung vào những công việc chính nào ở khu vực đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi?

Gần đây tỉnh ta đã có chương trình lớn phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền tây của tỉnh. Đây cũng chính là địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bởi vậy chương trình công tác của ngành VH, TT&DL phải gắn liền với chương trình lớn này của tỉnh, xem đây như một bộ phận của chiến lược phát triển này. Trong đề án của chương trình này đã nói khá rõ rồi. Ở đây tôi xin nhấn mạnh một số vấn đề, lĩnh vực cần được quan tâm. Đó là: Tập trung nhiều hơn cho công tác sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu kho tàng di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số để qua đó xác định lại lịch sử, các giá trị và bản sắc văn hoá của các tộc nguời, các dân tộc nhằm đẩy mạnh một cách có hiệu quả việc gìn giữ, phát huy truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc trong công cuộc xây dựng đời sống văn hoá đương đại. Tăng cường  nỗ lực huy động mọi nguồn lực để tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hoá ở miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung cán bộ quản lý và chuyên môn cho các huyện miền núi để góp phần thúc đẩy xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Nghiên cứu và triển khai việc khai thác các tài nguyên du lịch ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có du lịch cộng đồng. Để thực hiện được các công việc đó, theo tôi, ngành Văn hoá, Thể thao & Du lịch phải nỗ lực rất nhiều với trách nhiệm là người tham mưu, hướng dẫn và cộng tác, cùng đồng hành nhưng nguồn lực và sự thành công cơ bản là do chính đồng bào các dân tộc quyết định.

Xin cảm ơn ông!

                                                                                      Phan Văn Thắng

                                                                                         (Thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442764

Hôm nay

2278

Hôm qua

2299

Tuần này

2577

Tháng này

217938

Tháng qua

112676

Tất cả

114442764