Những góc nhìn Văn hoá

Thư gửi một người Ấn Độ

 

 Mọi thứ tồn tại như là Một, song loài người gọi cái Một ấy bằng những tên khác nhau.

 

Kinh Vệ Đà

 

 Thiên Chúa là tình yêu; ai sống trong tình yêu, người ấy sống trong Thiên Chúa và Thiên Chúa sống trong nó.

Thư thứ nhất của thánh Ioann

 

 

 Thượng Đế là chỉnh thể; chúng ta chỉ là những thành phần của chỉnh thể ấy.

Học thuyết kinh Vệ Đà do Vivekananda trình bày

 

 

 I

Đừng tìm kiếm sự yên bình, ngơi nghỉ trong cõi trần thế sản sinh ra rặt những ưu tư và dục vọng, vì nếu ngươi sẽ tìm kiếm nơi ấy, ngươi sẽ bị lôi qua hoang mạc của thế sự xa lạ với ta. Khi người cảm thấy chân mình vướng mắc trong dây dợ bùng nhùng của sự đời thì ngươi hãy biết rằng ngươi đã đi chệch con đường mà ta vẫy gọi ngươi tới đó, vì ta đã đặt ngươi trên con đường rộng, dễ đi, phủ đầy hoa và cho ngươi ánh sáng mà ngươi luôn luôn có thể đi theo và không bao giờ vấp ngã.

Krishna, P.212

 

 

 

 

 

Tôi đã nhận được thư của ngài cùng hai số tạp chí. Cả thư lẫn tạp chí đều kỳ thú cao độ đối với tôi bởi vì cái hiện tượng người áp bức người và, nảy sinh từ đó, việc người làm hư hỏng người, số ít làm hư hỏng số đông, vốn luôn luôn làm tôi quan tâm và gần đây càng khiến tôi bận tâm đặc biệt. Tôi sẽ cố gắng phát biểu với ngài những gì tôi suy nghĩ về vấn đề này nói chung và nói riêng về những nguyên nhân mà do chúng đã xảy ra và đang tiếp tục xảy ra những tai họa khủng khiếp được nói đến trong thư của ngài và trong những số tạp chí Ấn Độ mà ngài đã gửi cho tôi.

 

Những nguyên nhân dẫn đến một hiện tượng kỳ lạ, đó là đa phần dân chúng cần lao ngoan ngoãn phục tùng một nhóm người vô công rồi nghề sở hữu không chỉ lao động mà còn cả cuộc sống của đa số - những nguyên nhân ấy luôn luôn là thống nhất ở khắp mọi nơi, cả ở những nơi mà những kẻ áp bức và người bị áp bức thuộc về một dân tộc cũng như ở những nơi mà, như đang diễn ra ở Ấn Độ và nhiều nước khác, những kẻ áp bức và người bị áp bức thuộc về những dân tộc khác nhau. Ở Ấn Độ điều này đặc biệt kỳ lạ, vì nơi đây hơn 200 triệu nhân dân được phú bẩm những sức mạnh tinh thần cũng như thể chất cao cường lại sống dưới quyền một nhóm người ít ỏi, hoàn toàn xa lạ với họ và về phương diện tôn giáo – đạo đức thì đứng thấp hơn đến mức không thể so sánh với những người mà họ cai trị. Những nguyên nhân ấy, như có thể thấy từ thư của ngài cà từ những bài in trong Free Hindustan và từ những tác phẩm rất kỳ thú của nhà văn Ấn Độ Swami Vivekananda và những tác giả khác, trùng hợp với những nguyên nhân gây nên tai họa của tất cả mọi dân tộc trong thời đại ngày nay, đó là sự thiếu vắng một học thuyết tôn giáo phù hợp với lý trí, có khả năng làm sáng tỏ như nhau cho mọi người ý nghĩa sự tồn tại của họ, đồng thời xác định cái luật tối cao phải hướng dẫn những hành vi của họ; cả cái này lẫn cái kia đã bị thay thế bởi những luận điểm rất đỗi khả nghi của một tôn giáo lầm lạc và một khoa học lầm lạc, với những kết luận vô đạo đức, được gọi là văn minh, rút ra từ đấy.

Như thấy được từ thư của ngài và từ những bài viết không chỉ trong Free Hindustan mà còn từ toàn bộ sách báo chính trị Ấn Độ thời mới, đa số những người lãnh đạo dư luận của dân tộc ngài đã không còn dành một ý nghĩa nào cho các giáo thuyết mà dân tộc Ấn Độ đã và đang tuyên tín và chỉ nhìn thấy khả năng giải phóng dân tộc ấy khỏi ách thống trị mà nó đương chịu đựng duy nhất ở sự tiếp thụ những hình thức tổ chức xã hội phản tôn giáo và vô đạo đức sâu sắc mà hiện giờ dân tộc Anh và các dân tộc ngụy Kitô giáo khác đang sống trong đó. Không một cái gì cho thấy hiển nhiên ở những người đang lãnh đạo nhân dân Ấn Độ một sự thiếu vắng hoàn toàn tâm thức tôn giáo như là chủ trương giáo dục cho nhân dân Ấn Độ tiếp thụ những hình thức đời sống của các dân tộc châu Âu. Trong khi ấy thì chính ở sự thiếu vắng tâm thức tôn giáo ấy và từ đó thiếu vắng kim chỉ nam cho hành động - mà đây là sự thiếu vắng chung cho tất cả các dân tộc cả phương Tây lẫn phương Đông, - tiềm ẩn nguyên nhân chính, nếu không duy nhất của việc dân tộc Ấn Độ bị người Anh nô dịch.

II

Hỡi các người, những kẻ trông thấy rặt tai họa trên đầu mình và dưới chân mình và cả bên phải, cả bên trái mình! Các người sẽ mãi mãi là câu đố cho chính các người, chừng nào các người chưa trở nên khiêm nhường và vui tươi như trẻ thơ. Khi ấy các người sẽ thừa nhận ta và khi đã nhận ra ta ở trong mình, các người sẽ điều khiển các thế giới và, nhìn từ đại vũ trụ bên trong mình ra tiểu vũ trụ bên ngoài mình, các người sẽ ban phước lành cho hết thảy những gì tồn tại và sẽ biết rằng tất cả đều tốt đẹp cả bên trong và bên ngoài các người.

Krishna P.164

 

 

 

 

 

Để làm sáng rõ tư tưởng của tôi, cần phải bắt đầu từ xa một chút.

 

Loài người đã sống hàng triệu năm, hay dù chỉ hàng vạn năm trước đây thế nào, chúng ta không biết và không thể (và xin mạnh dạn nói, cũng không cần) biết; nhưng điều chúng ta biết chắc chắn, đó là nhân loại, từ khi ta biết một cái gì đó về nó, luôn luôn sống thành những tập hợp gia đình, thị tộc, dân tộc, mà ở đó đa phần ngoan ngoãn và sẵn lòng, xem đó là cái tất yếu không thể tránh khỏi, phục tùng bạo lực của một hay một vài cá nhân, một thiểu số ít ỏi nhất. Một thể chế đời sống như thế, với thiên hình vạn trạng sự kiện và con người, đã được thể hiện như nhau ở tất cả các dân tộc, mà về đời sống xưa kia của họ chúng ta được biết một cái gì đó. Và một thể chế đời sống như thế càng xa xưa thì càng được cả những người cầm quyền lẫn những người dưới quyền xem là một điều kiện không thể thiếu cho khả năng chung sống hòa thuận giữa người với người.

Cái đó đã diễn ra khắp nơi.

Nhưng, mặc dù thể chế đời sống ấy ở những hình thức bên ngoài đã tiếp diễn nhiều thế kỷ và giờ đây vẫn tiếp diễn, cũng từ rất lâu, cách thời đại chúng ta hàng ngàn năm, giữa cái thể chế đời sống được duy trì bằng bạo lực ấy, trong những thời kỳ khác nhau và giữa những dân tộc khác nhau, đã được phát biểu một tư tưởng chung, nó nói rằng trong mọi con người riêng lẻ đều sống và biểu hiện một bản nguyên tinh thần chung, bản nguyên ấy mang lại sự sống cho tất cả những gì tồn tại và nó luôn luôn hướng tới sự thống hợp với tất cả những gì cùng bản chất với nó và thực hiện sự thống hợp ấy bằng tình yêu. Tư tưởng này dưới những hình thức khác nhau được diễn đạt với độ hoàn chỉnh và sáng rõ khác nhau trong những thời đại và ở những địa điểm khác nhau. Nó được thể hiện cả trong đạo Bàlamôn, cả trong đạo Do Thái, cả trong đạo Mazdée (hoặc học thuyết của Zoroastre), cả trong đạo Phật, cả trong Đạo giáo, cả trong Khổng giáo, cả trong trước tác của các nhà khắc kỷ Hy Lạp và La Mã, cả trong đạo Kitô, cả trong đạo Hồi. Chỉ một sự việc là tư tưởng ấy luôn luôn được phát biểu đồng nhất giữa những dân tộc khác nhau nhất và trong những thời đại cũng khác nhau, chỉ một cái đó đã cho thấy rằng tư tưởng này thuộc về bản chất của con người và chứa đựng chân lý. Nhưng chân lý ấy đã được tuyên cáo giữa một nhân loại luôn luôn xem sự liên kết người với người thành những xã hội là khả dĩ chỉ bằng cách người này sử dụng bạo lực đối với người kia, vả lại trong thời đầu sau khi xuất hiện chân lý ấy lại được diễn đạt một cách rời rạc và mơ hồ đến nỗi mọi người mặc dù thừa nhận nó một cách trừu tượng, song đã không thể chấp nhận nó như là kim chỉ nam quy định hành động. Vả lại, với tất cả những hình thức hiển lộ của chân lý ấy, cùng với quá trình hiển lộ giữa một thể chế đời sống loài người đặt trên cơ sở bạo lực, đã xảy ra một điều, cụ thể là những người thu lợi từ quyền lực, cảm thấy việc loài người thừa nhận chân lý ấy có hại cho địa vị của họ, một phần hữu thức, một phần vô thức đã xuyên tạc chân lý ấy bằng mọi cách mà họ có thể làm, chụp lên nó những bổ sung và những kiến giải xa lạ nhất với nó và, ngoài ra, còn bằng bạo lực trực tiếp cản trở sự truyền bá nó. Thành thử cái chân lý phù hợp với bản chất của con người nói rằng cuộc sống của nó phải được dẫn đường chỉ lối bởi cái bản nguyên tinh thần vốn là nền móng của nhân sinh và biểu hiện bằng tình yêu, chân lý ấy để đi vào tâm thức con người đã, ngoài sự được diễn đạt không rõ, còn phải đấu tranh với những sự xuyên tạc vô tình và hữu ý và với những hành động bạo lực trực tiếp, bằng trừng phạt và những truy bức cưỡng ép mọi người công nhận cách hiểu luật tôn giáo mà giới cầm quyền đưa ra, mặc dù nó trái ngược với chân lý đã được khai mở. Sự xuyên tạc và làm mờ tối đi như vậy cái chân lý còn chưa được làm sáng rõ hoàn toàn đã diễn ra mọi nơi: cả trong Khổng giáo, cả trong Đạo giáo, cả trong Phật giáo, cả trong đạo Kitô, cả trong đạo Hồi, cả trong đạo Bàlamôn của các bạn.

III

Bàn tay ta đã gieo cấy tình yêu khắp nơi, mời chào tất cả những ai muốn nhận lấy nó. Phúc hạnh đã được ban cho tất cả những đứa con của ta, nhưng nhiều khi do mù lòa chúng không nhìn thấy nó. Chỉ ít người thấu thị những tặng phẩm sung mãn nằm dưới chân họ, nhưng đông hơn rất nhiều là những kẻ mà trong sự nông nổi tự mãn quay lưng lại với chúng và than khóc rằng họ không có cái mà ta đã cho họ. Nhiều người trong họ phủ nhận không chỉ những tặng phẩm của ta, mà còn cả chính ta. Chính ta, nguồn cội của tất cả mọi điều thiện hảo, người tạo ra sự sống của họ.

 

 

 Hãy dừng lại, dù chỉ trong khoảnh khắc hãy bước ra khỏi cái vòng lăng xăng và cuộc giao tranh của thế gian, và ta sẽ trang hoàng cho cuộc sống của người bằng tình yêu và niềm vui, bởi vì tình yêu là ánh sáng của tâm hồn. Ở đâu có tình yêu, nơi ấy có sự mãn nguyện và tĩnh tâm, mà ở đâu có sự mãn nguyện và tĩnh tâm, thì nơi ấy có ta.

Krishna, P.163 – 164

Quyết tâm của người không mắc tội là làm sao không gây buồn đau cho những kẻ khác, mặc dù thông qua cái đó người ấy có thể nhận được một quyền năng lớn.

Quyết tâm của người không mắc tội là không làm điều ác cho những ai đã làm điều ác cho nó.

Nếu con người bắt phải đau khổ ngay những ai vô cớ thù ghét anh ta thì anh ta cuối cùng sẽ hứng lấy nỗi buồn không thể tiêu tan.

Hình phạt cho những người làm điều ác là làm cái thiện lớn cho họ và bằng cách ấy khiến họ phải xấu hổ vì những việc làm của mình.

Có lợi ích gì trong sự thông thái của một người không cố gắng giải thoát đồng loại khỏi khổ đau được như là nó đã cố gắng giải thoát mình.

Ai buổi sáng muốn làm ác cho người khác, thì chiều tối cái ác sẽ viếng thăm nó.

 

 

  Cái này diễn ra khắp nơi. Khắp nơi người ta không gạt bỏ hay bác bỏ chân lý nói rằng tình yêu là tình cảm đức lý cao nhất, nhưng ở mọi nơi nó bị gắn kết khéo léo vô cùng với vô lượng những điều giả dối thiên hình vạn trạng bóp méo nó đến mức từ sự thừa nhận tình yêu là tình cảm đức lý cao nhất không còn lại cái gì ngoài từ ngữ. Con người được nhồi sọ rằng tình cảm đức lý cao nhất ấy chỉ áp dụng được trong đời sống cá nhân, chỉ thích hợp, có thể nói, cho sinh hoạt thường nhật tại gia, còn trong đời sống xã hội thì được quan niệm rằng vì lợi ích của đa số người cần phải đấu tranh chống lại những kẻ ác bằng đủ kiểu bạo lực, bằng những nhà tù, những cuộc hành quyết, những cuộc chiến tranh, những hành vi đi ngược trực tiếp với tình cảm yêu thương dù yếu ớt nhất. Mặc dù lý trí lành mạnh nói rằng nếu một số người có thể quyết định, vì lợi ích được giả định của nhiều người cần phải bắt một số người khác chịu đủ mọi thứ bạo lực thì những người khác ấy cũng có thể quyết định y như vậy đối với những kẻ bắt họ chịu bạo lực; mặc dù những người thầy vĩ đại của các tôn giáo – cả đạo Bàlamôn, cả đạo Phật và đặc biệt đạo Kitô, thấy trước sự xuyên tạc định luật về tình yêu, đã chỉ ra trực tiếp cái điều kiện không thể thiếu của tình yêu: chịu đựng mọi bạc đãi, mọi xúc phạm, mọi bạo lực mà không chống lại cái ác bằng cái ác, loài người vẫn tiếp tục công nhận những thứ không thể dung hợp: tính phúc hạnh của tình yêu và đồng thời cả sự lấy ác trả ác trực tiếp mâu thuẫn với tình yêu. Và những học thuyết như thế, bất chấp mâu thuẫn lộ liễu chứa đựng bên trong chúng, đã ăn sâu đến nỗi ai ai cũng cho tình yêu là đại phúc đại hạnh, nhưng đồng thời cũng thừa nhận cả cái thể chế đời sống đặt trên bạo lực bao gồm không chỉ sự ngược đãi mà còn cả sự tước đoạt sự sống của người bởi người.

Loài người rất lâu sống trong cái mâu thuẫn lộ liễu ấy mà không nhận ra nó. Nhưng đã đến lúc khi mà mâu thuẫn ấy bắt đầu với tần số ngày một gia tăng làm kinh ngạc những người biết suy nghĩ thuộc các dân tộc khác nhau. Và chân lý cổ xưa nói rằng sự giúp đỡ và thương yêu nhau chứ không phải ngược đãi và chém giết nhau là căn tính của loài người càng ngày càng trở nên sáng tỏ, và loài người càng ngày càng ít có thể tin vào những kiến giải hư trá mà bằng chúng người ta cố biện minh cho sự rời bỏ chân lý.

Vào những thời xa xưa, phương sách chính dùng để biện minh cho việc sử dụng bạo lực không thể dung hợp với tình yêu là thừa nhận những quyền đặc biệt, siêu nhiên ở những người được gọi là những đế vương, những Sa hoàng, Sultan, Raja, Shah và những nguyên thủ quốc gia tương tự. Nhưng loài người càng sống lâu hơn, thì niềm tin vào những đặc quyền được thần thánh ban cho của vua chúa càng suy giảm. Niềm tin ấy suy giảm ở mức như nhau và hầu như cùng một lúc cả trong thế giới Kitô giáo, cả trong thế giới Bàlamôn giáo, cả trong thế giới Phật giáo, cả trong thế giới Khổng giáo và trong thời gian gần đây đã suy yếu đến mức không còn có thể làm căn cứ biện minh như xưa kia cho những hành vi đi ngược một cách lộ liễu với cả lý trí lành mạnh và cả tình cảm tôn giáo chân chính. Nhân quần ngày một thấy rõ hơn và giờ đây đa phần đã thấy rõ hoàn toàn tính vô nghĩa và vô luân của việc đặt ý chí của mình xuống dưới ý chí của những người giống hệt như họ, nhưng lại đòi hỏi ở họ những hành vi đi ngược lại không chỉ lợi ích, mà còn ý thức đạo đức của họ. Và vì vậy tưởng chừng là điều tự nhiên đối với nhân quần, một khi đã mất niềm tin vào quyền lực thần thánh, được tôn giáo nâng đỡ của các loại chính quyền, thì tự giải phóng khỏi sự phục tùng chính quyền ấy. Nhưng đáng tiếc, không chỉ các đế vương, xưa kia được xem là những sinh linh siêu nhiên, một mình hưởng mọi lợi ích của sự thống trị các dân tộc, mà khắp nơi, do sự tồn tại của những nhân vật siêu nhiên ấy, trong những triều đại của họ đã hình thành những tầng lớp người ngày một đông hơn nương tựa vào họ và sống bằng lao động của dân dưới hình thức trị dân. Và chính những người ấy đã lo sao cho, đồng hành với quá trình suy yếu của hình thức lừa bịp cũ, mang tính tôn giáo và khẳng định tính siêu nhiên được thần thánh ấn định của quyền lực vua chúa, mọc lên một hình thức lừa bịp mới có khả năng thay thế hình thức cũ và cũng như nó tiếp tục giam hãm các dân tộc (nhân dân) trong cảnh làm nô lệ cho một số ít người cầm quyền.

IV

Các con có muốn biết trái tim của các con phải được dẫn dắt bởi cái gì không? Hãy từ bỏ những ước vọng và khát vọng nhằm vào những gì nhỏ mọn và trống rỗng. Hãy vứt bỏ những ý tưởng ngu tối của các con về hạnh phúc, về khôn ngoan, về những ước muốn rỗng tuếch và khiên cưỡng. Hãy vứt bỏ tất cả cái đó, và các con sẽ hiểu biết tình yêu.

 

 

 

 

 

 

 

 

Đừng là những kẻ hãm hại chính mình. Hãy vươn tới cái Tôi chân chính của các con, hãy nâng mình lên tới nó và khi ấy các con sẽ không còn sợ một cái gì nữa.

 

 

 

 

 

 

 

 

Thay vì cho những biện minh xưa cũ, lỗi thời của tôn giáo xuất hiện những biện minh mới. Những biện minh này cũng không có căn cứ như những biện minh trước kia, nhưng chúng còn mới, thành thử tính vô căn cứ của chúng còn chưa thể được đa số ý thức ngay lập tức, vả lại giới cầm quyền truyền bá và ủng hộ chúng khéo léo đến nỗi nhiều người cho chúng là không thể bác bỏ, trong đó có cả những người chịu thiệt thòi, khổ đau vì những thứ mà chính họ biện minh. Những biện minh mới ấy giờ được gọi là khoa học. Dưới từ “khoa học” người ta hiểu cũng cái mà trước đây được hiểu dưới từ “tôn giáo”, cụ thể là cũng như xưa kia hết thảy những gì được gọi là tôn giáo chỉ vì nó được gọi là tôn giáo, đều luôn luôn là chân lý không thể hồ nghi, thì giờ đây cũng hệt như thế, tất cả những gì được gọi là khoa học chỉ vì nó được gọi là khoa học, cũng luôn luôn là chân lý không thể hồ nghi. Trong trường hợp cụ thể này sự biện minh cho bạo lực đã trở nên lỗi thời của tôn giáo mà cốt lõi là thừa nhận tính đặc biệt, tính siêu nhiên của những người cầm quyền được thần thánh ban quyền (“không có quyền lực nào mà lại không từ Thượng Đế”), - lối biện minh ấy được thay thế bằng kiểu biện minh khoa học, mà cốt lõi, thứ nhất, ở quan điểm cho rằng sự tồn tại muôn đời giữa loài người của hiện tượng những người này dùng bạo lực chống lại những người khác chứng minh rằng cái bạo lực ấy phải luôn luôn tồn tại. Chính ở đây, tức là ở luận điểm cho rằng loài người không được sống theo lý trí và lương tâm mà phải theo cái mà xưa nay vẫn diễn ra giữa họ - chính ở đây hàm chứa cái mà “khoa học” gọi là “quy luật lịch sử”. Còn luận điểm “khoa học” thứ hai biện minh cho bạo lực thì nói rằng, vì giữa các thực vật và động vật vẫn luôn luôn diễn ra cuộc đấu tranh vì sinh tồn, bao giờ cũng kết thúc bằng sự sống sót của những sinh vật thích ứng tốt nhất, cho nên cũng cuộc đấu tranh ấy phải diễn ra giữa loài người, giữa những sinh linh được ban tặng trí tuệ và năng lực yêu thương là những thuộc tính vắng mặt ở những sinh vật tuân phục quy luật đấu tranh và lựa chọn. Đây là một biện minh “khoa học” khác cho bạo lực.

Điểm biện minh khoa học thứ ba, chính yếu nhất và đáng tiếc cũng phổ biến nhất, thực ra là cái luận điểm tôn giáo cổ xưa nhất, chỉ được biến hóa một chút, nó nói rằng vì trong đời sống xã hội vẫn tất yếu không thể tránh khỏi sự dùng bạo lực chống lại một số người vì lợi ích của nhiều người, cho nên dù tình thương yêu giữa người với người có đáng mong muốn đến đâu, song bạo lực dẫu sao vẫn là cái không thể thiếu được. Sự khác nhau giữa lối biện minh cho bạo lực của ngụy khoa học và lối biện minh của ngụy tôn giáo chỉ ở chỗ với câu hỏi, vì sao chính những người này, chứ không phải những người khác, có quyền quyết định ai là những người mà chống lại họ có thể và cần phải sử dụng bạo lực, khoa học giờ đây trả lời đã không như tôn giáo xưa kia: rằng những quyết định ấy là đúng đắn không phải vì chúng được ban hành bởi những người có quyền lực siêu nhiên, mà bởi vì chúng thể hiện ý chí của nhân dân, ý chí ấy dưới chế độ cai trị theo nguyên tắc dân cử thì được phản ánh trong mọi quyết định và hành vi của những ai trong giờ phút này đang cầm quyền.

Những biện minh khoa học cho bạo lực là như thế. Chúng không chỉ vô căn cứ, mà còn vô nghĩa trực tiếp, nhưng chúng cần cho những người chiếm giữ địa vị ưu đãi đến mức họ tin mù quáng vào chúng, cũng như xưa kia người ta tin vào sự thụ thai trong trinh tiết, và cũng truyền bá niềm tin ấy một cách tự tin như thế.

Còn cái đa số bất hạnh, bị cuộc sống lao khổ đè bẹp thì bị lóa mắt bởi những “chân lý khoa học” được truyền đạt cho họ một cách trịnh trọng đến nỗi dưới sự ám thị mới ấy họ tiếp nhận, tựa như xưa kia đã tiếp nhận những biện minh ngụy tôn giáo, tất cả những điều nhảm nhí của khoa học như là chân lý thiêng liêng và tiếp tục một cách nô lệ phục tùng những người cầm quyền mới của mình, cũng tàn bạo như xưa, song chỉ đông hơn xưa một chút.

V

Ta là ai? Ta là cái mà con vẫn tìm kiếm từ thuở cặp mắt trẻ thơ của con ngỡ ngàng nhìn ra thế giới mà những giới hạn của nó che khuất khỏi con sự sống chân chính. Ta là cái mà con trong thâm tâm từng cầu nguyện có được, cái con từng đòi hỏi, như đòi hỏi quyền ra đời của mình mặc dù không biết đó là cái gì. Ta là cái đã nằm sâu trong tim con hàng thế kỷ, hàng thiên niên kỷ. Đôi khi ta nằm trong con, buồn rầu vì con không nhận ra ta. Đôi khi ta ngửng đầu, mở mắt, dang tay kêu gọi con, lúc nhỏ nhẹ lúc lớn tiếng đòi con phải vùng lên chống lại những xiềng xích sắt thép của đất gò con xuống cát bụi.

 

 

 

 

 

 

 

 

Điều vừa nói đã và đang diễn ra trong thế giới Kitô giáo. Một thời đã tưởng có thể hi vọng rằng trong thế giới Bàlamôn giáo, Phật giáo và Khổng giáo mênh mông sẽ không có chỗ cho cái mê tín khoa học thời thượng ấy, và người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Ấn Độ, sau khi ngộ ra tính bất chính của những lừa bịp tôn giáo biện hộ cho bạo lực, sẽ chuyển thẳng sang nhận thức về quy luật tình yêu phù hợp với bản tính con người và được những người thầy vĩ đại của phương Đông tuyên cáo mạnh mẽ đến thế; nhưng té ra sự mê tín khoa học, thay thế cho mê tín tôn giáo, đã và đang lan truyền ngày một rộng sang cả các dân tộc phương Đông. Nó đã chiếm lĩnh với sức mạnh đặc biệt cả một quốc gia cực Đông – Nhật Bản và xem ra không chỉ những thủ lĩnh mà cả đa phần dân tộc ấy, chuẩn bị cho người Nhật những tai họa lớn nhất; đã chiếm lĩnh cả Trung Quốc với 400 triệu dân và cả nước Ấn Độ 200 triệu dân của ngài, hoặc ít nhất là đa số những người mà, cũng như ngài, xem mình là những thủ lĩnh của các dân tộc ấy.

Trong tạp chí của mình ngài đặt một đề từ như thể một nguyên tắc cơ bản phải hướng dẫn hoạt động của dân tộc của ngài: Resistance to agression is not simply justifiable, but imperative; not resistance hurst both Altruism and Egoism (Sự chống xâm lược không chỉ là chính đáng mà còn là bắt buộc; sự không chống cự có hại như nhau cả cho chủ nghĩa vị tha lẫn chủ nghĩa vị kỷ).

Tình yêu là phương tiện duy nhất giải cứu mọi người khỏi tất cả những tai ương mà họ đang chịu đựng. Trong trường hợp này nó là phương tiện duy nhất giải phóng dân tộc ngài khỏi ách nô dịch. Tình yêu như là nền móng tôn giáo của đời sống loài người với sức mạnh và độ sáng rõ đặc biệt đã được tuyên cáo trong dân tộc của ngài từ thời thượng cổ. Tình yêu kết hợp với sự cho phép chống cự cái ác bằng bạo lực là một mâu thuẫn nội tại làm mất đi mọi ý nghĩa của nó. Thế nhưng ta thấy cái gì? Giữa thế kỷ XX ngài, một thành viên của một trong những dân tộc mộ đạo nhất, - ngài lại với tâm trạng thanh thản và tự tin vào sự được khai minh bởi khoa học và từ đấy vào lẽ phải không thể hồ nghi của mình, phủ nhận quy luật ấy, nhai lại – tôi xin lỗi – những điều nhảm nhí đến đáng kinh ngạc mà các ông thầy Âu châu của ngài, những kẻ bênh vực bạo lực, chống lại chân lý, ban đầu hầu hạ thần học, sau này hầu hạ khoa học, đã nhồi sọ cho ngài.

Ngài nói rằng sở dĩ người Anh đã nô dịch được và đang giam hãm trong nô dịch người Ấn Độ là vì người Ấn đã không chống cự và vẫn chưa chống cự đúng mực bằng sức mạnh.

Nhưng sự thể thì ngược lại hoàn toàn. Nếu người Anh đã nô dịch được người Ấn, thì chỉ vì người Ấn đã và đang thừa nhận bạo lực là nguyên tắc tổ chức xã hội chủ yếu và cơ bản. Vì nguyên tắc ấy mà họ từng phục tùng những tiểu vương của mình, vì nó mà họ từng đấu tranh với nhau, từng đấu tranh với người Âu, người Anh và giờ đây vẫn cố gắng đấu tranh với chúng.

Một công ty thương mại đã nô dịch một dân tộc 200 triệu người. Hãy nói điều này cho một người không mê tín, và anh ta sẽ không hiểu những lời nói ấy có nghĩa gì. Thế nào là 30 nghìn người không phải lực sĩ, mà nhiều phần hơn là những kẻ yếu ớt, kém cỏi đã nô dịch 200 triệu người hoạt bát, thông minh, tráng kiện, yêu thích tự do? Lẽ nào chỉ từ những con số ấy lại không rõ, là không phải người Anh, mà chính người Ấn đã nô dịch chính mình? Là người Ấn Độ mà lại than phiền rằng người Anh đã nô dịch họ thì chẳng khác nào những kẻ nát rượu than phiền rằng những người bán rượu sống chung với họ đã nô dịch họ. Bạn bảo họ có thể không uống, nhưng họ trả lời bạn rằng họ đã quen đến nỗi không uống không được, rằng với họ đã trở nên thiết yếu nạp năng lượng cho mình bằng rượu. Chẳng phải cũng điều này đang xảy ra với mọi người, với hàng triệu người đang phục tùng chỉ hàng nghìn hay hàng trăm người đồng tộc hoặc dị tộc?

Nếu người Ấn đã bị nô dịch bằng bạo lực thì chỉ vì chính họ đã và đang sống bằng bạo lực và không thừa nhận quy luật vĩnh cửu của tình yêu thích hợp với bản tính con người.

“Thật thảm hại và ngu tối kẻ nào kiếm tìm cái nó có nhưng lại không biết là mình có. Đúng, thật thảm hại và ngu tối người nào không biết phúc hạnh của tình yêu che chở mà ta đã cho nó” (Krishha).

Chỉ cần con người sống phù hợp với quy luật của tình yêu thân thuộc với trái tim nó và đã được khai mở cho nó, quy luật này bao hàm cả nguyên tắc không chống cự, và vì thế mà một cách tự nhiên không tham gia bất kỳ một hành vi bạo lực nào, thế thì không chỉ mấy trăm người sẽ không nô dịch được hàng triệu người, mà hàng triệu người cũng không nô dịch được một người. Đừng chống cự cái ác, song chính các bạn cũng đừng dây vào cái ác, đừng liên can những hành vi bao lực của chính quyền, của tòa án, của sưu thuế và cái chính của quân đội, thế thì không ai trên thế giới có thể nô dịch được các bạn.

IV

Hỡi những người bị giam cầm và khao khát tự do, tìm kiếm tự do, hãy tìm kiếm chỉ một tình yêu. Tình yêu là sự an bình ở trong chính nó, và là sự an bình đem lại sự mãn nguyện. Ta là chìa khóa mở cánh cửa vào xứ sở ít được mở ra ấy, mà chỉ ở đấy mới có sự mãn nguyện.

 

 

 

 

 

 

 

 

Với nhân loại trong thời đại ngày nay, nhân loại phương Đông cũng như phương Tây, đang diễn ra cái vẫn diễn ra với từng con người riêng lẻ, khi mà, từ lứa tuổi này bước sang lứa tuổi khác (nhi đồng thành thanh niên, thanh niên thành trung niên), nó mất đi cái kim chỉ nam cũ cho đời sống và do còn chưa làm sáng tỏ cho mình những nguyên tắc hành xử phù hợp với lứa tuổi mới, nó sống không được hướng dẫn bởi một cái gì và nghĩ ra đủ mọi hoạt động lăng xăng, đủ mọi lo toan, tiêu khiển, kích thích, mê hoặc bản thân chỉ hòng chúng che khuất khỏi chính nó tính tai ương và vô nghĩa của cuộc sống của nó. Tình trạng như thế có thể kéo dài.

Song tựa như trong quá trình con người chuyển bước từ lứa tuổi này sang lứa tuổi khác tất yếu đến một lúc khi mà không thể tiếp tục sống trong sự nhộn nhạo và hưng phấn vô nghĩa như trước và con người phải nhận ra rằng nếu kim chỉ nam cũ cho đời sống đã không còn thích hợp nữa với nó thì cái đó không có nghĩa là phải sống mà không cần kim chỉ nam hữu lý nào cho đời sống mà chỉ có nghĩa là cần phải cố gắng làm sáng tỏ cho mình cái nhận thức về nhân sinh phù hợp với độ tuổi của mình và khi đã tỏ thì hành xử theo nhận thức ấy trong thời buổi mới của mình; cũng một thời buổi như thế phải đến cả với loài người luôn vận động và biến đổi.

Và tôi nghĩ thời buổi cho sự chuyển bước của nhân loại từ độ tuổi này sang độ tuổi kia giờ đây đã đến, giờ đây không theo nghĩa là nó đến đúng vào năm 1908 này, mà theo nghĩa là cái mâu thuẫn nội tại của đời sống loài người – mâu thuẫn giữa ý thức về tính đại phúc đại hạnh của quy luật tình yêu và thể chế đời sống dựa trên bạo lực không thể dung hợp với quy luật tình yêu, cái mâu thuẫn đã tạo ra một cuộc sống vô nghĩa, đầy phấn khích, nhộn nhạo và khổ đau kéo dài nhiều thế kỷ của nhân loại, - mâu thuẫn ấy trong thời đại của chúng ta đã trở nên gay cấn đến nỗi nó không thể tiếp diễn nữa và tất yếu phải được giải quyết, và giải quyết rõ ràng không có lợi cho quy luật bạo lực đã lỗi thời mà có lợi cho chân lý được nhân loại nhận thức từ thời cổ đại xa xưa nhất, chân lý ấy nói rằng quy luật của đời sống loài người là quy luật của tình yêu.

Sự thừa nhận chân lý ấy trong toàn bộ ý nghĩa của nó chỉ có thể có được khi mà loài người giải phóng mình hoàn toàn khỏi tất cả mọi mê tín dị đoan, cả tôn giáo lẫn khoa học, với những lý giải giả mạo, những luận điểm xuyên tạc chồng chéo lên nhau phát sinh từ đấy, mà bằng chúng chân lý cứu độ trong biết bao thế kỷ bị che khuất khỏi loài người.

Để cứu con tầu đương chìm, cần phải vứt đi những đồ dằn mà trước đây có thể một lúc nào đó đã là cần thiết nhưng giờ đây thì nguy hại cho nó. Cũng phải làm như thế với những mê tín tôn giáo và khoa học, che khuất khỏi loài người cái chân lý cứu độ. Để cho loài người có thể tiếp thụ chân lý một cách không mơ hồ như là họ hình dung nó trong tuổi ấu thơ của mình, và không phiến diện và tráo trở, như nó được các ông thầy tôn giáo và khoa học kiến giải cho họ, mà một cách tương ứng, tức là để cho nó trở thành luật tối cao của đời sống loài người – để có được cái đó, cần phải giải phóng hoàn toàn cái chân lý ấy khỏi tất cả, tất cả mọi mê tín dị đoan, cả ngụy tôn giáo lẫn ngụy khoa học, hiện giờ đang che khuất nó, một sự giải phóng không cục bộ, dè dặt, nể nang truyền thống cổ xưa và thói quen của dân chúng, tương tự như cái mà trong lĩnh vực tôn giáo thầy Nanak, người sáng lập đạo Xích ở nước các bạn, còn trong đạo Kitô thì Lüther và các nhà cải cách khác trong các tôn giáo khác đã làm, mà là sự giải phóng hoàn toàn chân lý tôn giáo khỏi tất cả mọi mê tín dị đoan, khỏi cả ngụy tôn giáo cổ xưa lẫn ngụy khoa học thời mới.

Chỉ cần loài người giải phóng mình khỏi niềm tin vào những Ormuzda, Brahma, Sabaoth và vào những hóa thân của họ thành những Krishna và Kitô, khỏi niềm tin vào thiên đường và địa ngục, vào thiên thần và quỷ dữ, vào những cuộc hóa kiếp và phục sinh, vào sự can thiệp của thần thánh vào cuộc sống ngoại giới cõi trần; cái chính, giải phóng mình khỏi sự công nhận tính không thể sai lầm của những kinh Vệ Đà, Thánh kinh, kinh Phúc Âm, Tam tạng, Koran, v.v…; và cũng hệt như thế, giải phóng mình khỏi tín ngưỡng mù quáng vào những thuyết khoa học về những nguyên tử nhỏ vô tận, những phân tử, những thế giới vĩ đại vô tận và cách xa vô tận, về những chuyển động và nguồn gốc phát sinh của chúng, về những lực khác nhau; khỏi niềm tin mù quáng vào tính bất khả hồ nghi của những quy luật khoa học giả mạo – những quy luật lịch sử, kinh tế, luật đấu tranh và sống sót, v.v… mà người ta bảo rằng chúng chi phối đời sống nhân loại – chỉ cần loài người giải phóng mình khỏi tình trạng chồng chất khủng khiếp của những bài tập rỗng tuếch cho những năng lực hạ đẳng của trí khôn và trí nhớ của con người được gọi là khoa học, khỏi tất cả những bộ môn không thể đếm hết của những khoa học lịch sử, nhân học, homilitic học, vi khuẩn học, luật học, vũ trụ học, quân sự và vô số, vô số khoa học khác – chỉ cần loài người tự trút khỏi mình gánh nặng nguy hại và làm ngu ấy, tức thì cái quy luật tình yêu giản dị, rõ ràng, khả dĩ với mọi người và giải quyết mọi vấn đề và mọi thắc mắc, thích hợp đến thế với loài người, tự nó sẽ trở nên rõ ràng và bắt buộc.

VII

Hỡi các con, hãy nhìn những bông hoa dưới chân các con và đừng dẫm lên chúng. Hãy nhìn vào tình yêu thương giữa các con và đừng gạt bỏ nó.

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ có một trí tuệ tối cao, ưu việt hơn mọi trí tuệ của con người. Nó vừa xa vừa gần. Nó thẩm thấu tất cả các thế giới và đồng thời lại cao hơn chúng vô tận.

Ai nhận thấy mọi sự vật đều nằm trong thần linh tối cao và thần linh tối cao thẩm thấu mọi vật sống thì người ấy không thể có thái độ khinh thị đối với bất kỳ một vật sống nào.

Với ai tất cả những vật sống có tinh thần đều đồng nhất với sinh linh tối cao thì ở người ấy không thể có chỗ cho sự ngộ nhận hoặc buồn sầu. Những ai do vô minh mà trung thành chỉ với những nghi lễ tôn giáo, những người ấy sống trong bóng tối dày đặc, song những ai trung thành chỉ với những luận thuyết vô bổ, những người ấy sống trong bóng tối còn dày đặc hơn.

 

 

 

 

 

 

 

 

Đúng, ngày nay những người mong muốn thoát khỏi những tai ương đã phát triển tới cực độ do chính họ gây ra cho họ: người Ấn Độ ư, tìm kiếm sự giải phóng khỏi ách nô dịch của người Anh, hoặc bất kỳ một ai trong cuộc đấu tranh với những kẻ bạo hành, dù kẻ bạo hành ấy là người đồng tộc hay dị tộc với anh ta, trong cuộc đấu tranh của người da đen ư với những người Bắc Mỹ, hay của người Ba Tư, người Nga, người Thổ Nhĩ Kỳ với chính phủ Ba Tư, Nga, Thổ của họ - cả từng người riêng rẽ tìm kiếm phúc lợi to nhất cho mình cũng như tất cả mọi người đều cần đến không phải những giải thích và biện hộ mới cho những mê tín tôn giáo cũ, như ở nước của ngài những Vivekananda, Baba-Barati và trong đạo Kitô của chúng tôi vô số những người tương tự đã làm, những người ấy chỉ kiến giải lại, minh định lại cái đã không còn hữu dụng cho bất cứ một ai; và cái mọi người cần cũng không phải là vô số những khoa học về những đối tượng không chỉ không cần thiết cho ai cả, mà đa phần còn có hại (trong lĩnh vực tinh thần không có cái vô thưởng vô phạt, và cái gì không có ích thì bao giờ cũng có hại). Cái cần cho cả người Ấn Độ, cả người Anh, cả người Pháp, cả người Đức, cả người Nga không phải là những hiến pháp, những cuộc cách mạng, những hội nghị hoặc đại hội nào đó, hay những trò xảo trí mới, chế tác ra những tầu ngầm dưới nước, những máy bay trên trời, những công phá cực mạnh hay những tiện nghi mới đủ kiểu vì sự hưởng lạc của các giai cấp giàu có cầm quyền; và cũng không phải những trường học mới, những viện đại học giảng dạy vô số khoa học, không phải sự gia tăng số lượng sách báo, máy hát, điện ảnh, không phải những trò nhảm nhí ấu trĩ và đa phần đồi trụy được gọi là nghệ thuật, mà chỉ một điều: sự nhận thức cái chân lý giản dị, rõ ràng, vừa khớp với tâm thức của bất kỳ ai không bị làm ngu bởi những mê tín tôn giáo và khoa học, chân lý ấy nói rằng quy luật của đời sống con người là quy luật của tình yêu đem lại phúc hạnh cao nhất cho từng người riêng lẻ cũng như toàn thể loài người. Chỉ cần con người trong ý thức của mình tự giải phóng khỏi hàng núi những tín điều vô nghĩa đang che khuất chân lý khỏi mắt họ, thì tức khắc cái chân lý vĩnh hằng không thể hồ nghi và luôn luôn thân thuộc với mọi người ấy, thống nhất trong tất cả các tôn giáo lớn của nhân loại, tự nó sẽ tách khỏi hết thảy những tín điều ngụy tôn giáo vô nghĩa giờ đây đang che khuất nó. Và chân lý được tách bạch ấy sẽ ăn sâu vào tâm thức của loài người, và toàn bộ những tín điều vô nghĩa đang che khuất nó sẽ tan biến và đồng thời cũng sẽ tan biến toàn bộ cái ác đang làm khổ nhân loại.

“Hỡi các con, hãy hướng lên trên những cặp mắt bị làm mù của mình, và cả một thế giới tràn đầy niềm vui và tình yêu sẽ mở ra trước các con, một thế giới đầy ý nghĩa do minh triết của ta tạo nên và chỉ nó là hữu thực. Khi ấy các con sẽ được biết, tình yêu đã làm những gì với các con, tình yêu đã ban tặng các con những gì và muốn ở các con những gì” (Krishna).

 

                                                                              14 tháng Chạp 1908

                                                                               Phạm Vĩnh Cư dịch

 

 

 

Kinh Upanishad

 

Krishna, P.178

 

Krishna, P.167

 

Krishna, P.192

 

Krishna, P.177

 

Krishna, P.171

Sách Kural của Ấn Độ

Krishna, P.161

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529685

Hôm nay

2151

Hôm qua

2277

Tuần này

21958

Tháng này

216381

Tháng qua

0

Tất cả

114529685