Những góc nhìn Văn hoá

Gửi các nhà hoạt động chính trị(*)

The most fatal error that ever happened in the wordl was the separation of political and ethical science.

Sai lầm nguy hại nhất xảy ra từ trước tới nay trên thế gian là sự chia ly khoa học chính trị và khoa học đạo đức.

                                                                                                                                        Shelly

Trong lời kêu gọi nhân dân lao động của mình tôi đã phát biểu ý tưởng về việc những người lao động muốn thoát khỏi áp bức thì cần phải chấm dứt sống như họ đang sống, tức là đấu tranh với đồng loại vì lợi ích cá nhân của mình, mà phải sống theo nguyên tắc của kinh Phúc Âm – “đối xử với người như ta muốn người đối xử với ta”.

Cái phương sách mà tôi kiến nghị ấy, như tôi chờ đợi, đã gây ra một phán xét hay nói đúng hơn một phán quyết thống nhất ở nhiều người thuộc những trào lưu đối lập với nhau nhất.

“Không tưởng, không thực tế. Muốn giải phóng những người đang đau khổ vì áp bức và bạo lực mà lại chờ khi nào tất cả họ đều trở nên đức hạnh có nghĩa là thừa nhận cái ác hiện hữu, tự buộc mình không hành động”.

Vì thế tôi muốn được nói thêm đôi lời về việc vì sao tôi lại cho rằng ý tưởng ấy không thiếu tính thực tế đến mức như người ta tưởng mà ngược lại, nó xứng đáng được để ý đến nhiều hơn tất cả các phương sách khác, mà những người có học đưa ra nhằm cải tiến chế độ xã hội – và hướng mấy lời này tới những ai chân thành, không trên lời nói mà trên việc làm, mong muốn phụng sự đồng loại.

Đấy, với những người như thế tôi muốn phát biểu.

I

Những lý tưởng về đời sống xã hội hướng dẫn hoạt động của con người không ngừng đổi thay và cùng với chúng cả nếp sống của loài người cũng đổi thay. Đã có thời lý tưởng đời sống xã hội là sự tự do hoàn toàn của các cá thể, và khi ấy tùy theo sức mình những người này ăn thịt những người khác theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Rồi đến thời khi mà sức mạnh của một người trở thành lý tưởng xã hội, và tất cả mọi người đều thần thánh hóa những người cầm quyền và không chỉ hào hứng, mà còn sung sướng quy phục họ - Ai Cập, La Mã. “Morituri te salutant”(1)Sau đó loài người đã nhận thức được một lý tưởng tổ chức xã hội, mà với nó quyền lực được thừa nhận đã không phải vì nó mà vì sự sắp xếp có trật tự đời sống của mọi người. Những hình thức thử nghiệm lý tưởng ấy một thời là đế chế toàn thế giới, rồi giáo hội toàn thế giới liên kết và lãnh đạo các quốc gia khác nhau, sau đó xuất hiện lý tưởng về chính thể đại diện, rồi về chế độ cộng hòa với phổ thông hay không phổ thông đầu phiếu. Bây giờ thì nhiều người cho rằng có thể thực hiện được lý tưởng ấy bằng một chế độ kinh tế, mà trong đó tất cả các công cụ lao động không còn là sở hữu tư nhân nữa, mà là tài sản của toàn dân..

Cho dù những lý tưởng ấy có khác nhau đến đâu, sự đưa chúng vào đời sống luôn luôn tất yếu đòi hỏi quyền lực, tức là một sức mạnh cưỡng chế, bắt buộc mọi người thi hành những luật đã lập. Cũng cái đó bây giờ được trù định.
Người ta trù định rằng sự thực hiện phúc lợi lớn nhất cho mọi người sẽ đạt được bằng cách một số người (theo học thuyết Trung Hoa những người đức hạnh nhất, theo học thuyết Âu châu những người được suy tôn hay được dân bầu) sau khi nắm được quyền lực, sẽ thiết lập và duy trì những thể chế mà với chúng sẽ đạt được sự bảo đảm lớn nhất có thể có cho mọi công dân, ngăn ngừa mọi sự xâm hại lao động, tự do và cuộc sống của nhau. Không chỉ những người coi tổ chức nhà nước là điều kiện thiết yếu cho cuộc sống con người, mà cả các nhà cách mạng và các nhà xã hội chủ nghĩa, mặc dù họ cho rằng cần phải thay đổi chế độ nhà nước hiện hữu, cũng công nhận quyền lực, tức là quyền và khả năng của một số người cưỡng chế những người khác thi hành luật pháp thực định, là điều kiện không thể thiếu cho sự dàn xếp ổn thỏa xã hội.
Từ ngàn xưa đã là thế, giờ đây cũng thế. Song những người bằng vũ lực bị cưỡng chế tuân phục những thể chế nhất định không phải lúc nào cũng xem những thể chế ấy là tốt nhất, họ nổi loạn chống lại những người cầm quyền, lật đổ những người ấy, thiết lập thay thế những thể chế cũ những thể chế mới của mình mà theo họ sẽ bảo đảm lợi ích lớn hơn cho mọi người. Nhưng vì những người cầm quyền luôn luôn bị sự cầm quyền ấy làm hư hỏng và thường sử dụng quyền lực vì lợi ích chung thì ít hơn còn vì lợi ích riêng của mình thì nhiều hơn, cho nên chính quyền mới luôn luôn chẳng khác gì chính quyền cũ và nhiều khi còn bất công hơn.
Tình hình là thế, mỗi khi những người khởi loạn chiến thắng chính quyền hiện hành. Còn khi chiến thắng thuộc về chính quyền hiện hành thì để bảo vệ mình nó luôn luôn tăng cường những phương tiện phòng ngự và lại càng bóp chặt hơn tự do của các công dân của nó.
Tình hình luôn luôn là thế cả trong thời cổ đại lẫn sang thời mới, và cũng cái đó đã diễn ra với sức giáo huấn đặc biệt trong suốt thế kỷ XIX trong thế giới châu Âu của chúng ta. Trong nửa đầu của thế kỷ này những cuộc cách mạng đa số đã thành công, nhưng những chính quyền mới thay thế chính quyền cũ: Napoléon I, Charles X, Napoléon III đã không tăng thêm tự do cho các công dân. Sang nửa sau của thế kỷ, sau năm 1848, thì tất cả các nỗ lực cách mạng đều bị các chính phủ đàn áp, có điều do những cuộc cách mạng cũ và mới ấy mà các chính phủ càng ngày càng lo che chắn mình hơn và nhờ những sáng chế kỹ thuật của thế kỷ vừa qua – những sáng chế đã đem lại cho con người một quyền lực chưa từng có đối với thiên nhiên và đối với nhau – họ đã ngày càng tăng cường quyền lực của mình và đến cuối thế kỷ trước thì đã phát triển nó đến mức sự đấu tranh của nhân dân chống lại họ trở nên bất khả. Các chính phủ đã nắm vào tay mình không chỉ những của cải rất lớn thu từ dân, không chỉ những quân đội có kỷ luật, được tuyển mộ khéo léo, mà còn tất cả các phương tiện tinh thần tác động tới quần chúng: sự chỉ huy báo chí, tôn giáo và, cái chính, giáo dục. Và những phương tiện ấy được tổ chức chặt chẽ và mạnh mẽ đến nỗi từ năm 1848 đến nay ở châu Âu không có một cuộc cách mạng nào thành công.
II
Hiện tượng này hoàn toàn mới và là thuộc tính chỉ của thời đại chúng ta. Xưa kia cho dù Néron, hay Thành Cát Tư Hãn, hay Carlus Đại đế có hùng mạnh đến đâu, họ vẫn không thể đàn áp được những cuộc khởi nghĩa ở những vùng ngoại vi của các lãnh thổ của họ và lại càng không thể lãnh đạo hoạt động tinh thần của các thần dân: sự học hành, nền giáo dục, đời sống tôn giáo của họ. Bây giờ thì tất cả mọi phương tiện cho sự lãnh đạo ấy đã có trong tay chính phủ.
Không chỉ mặt đường lát đá giăm nện thay thế cho đá sỏi trước đây trên các đường phố Paris đã làm cho những chiến lũy trên các đường phố ấy trở nên bất khả thi trong các cuộc cách mạng ở Paris, những “tiến bộ” như thế trong vòng nửa sau thế kỷ XIX đã xuất hiện trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước. Cảnh sát mật, gián điệp, sự mua chuộc báo chí, đường sắt, điện tín, điện thoại, nhiếp ảnh, nhà tù, thành lũy, của cải khổng lồ, nền giáo dục thế hệ trẻ, và cái chính là quân đội – tất cả đều nằm trong tay chính phủ.
Và tất cả đều được tổ chức chặt chẽ đến mức ngay những người cai trị bất tài nhất, đần độn nhất cũng gần như vô thức, chỉ theo bản năng tự vệ không bao giờ để cho có những chuẩn bị nghiêm túc cho khởi loạn và họ chẳng cần cố gắng gì mà vẫn luôn luôn đè bẹp mọi mưu toan nổi loạn công khai, mà những người cách mạng lạc hậu với thời đại đôi khi vẫn tiến hành và bằng cách ấy chỉ làm tăng thêm quyền lực của các chính phủ.
Xem ra phương sách duy nhất để chiến thắng chính phủ bây giờ là làm sao cho quân đội, được hợp thành từ những người bình dân, nhận thức được tính phi nghĩa, tàn ác và cái hại đối với họ của chính phủ và không ủng hộ nó nữa. Nhưng cả về phương diện này các chính phủ, hiểu quá rõ ràng sức mạnh chính của họ là quân đội, cũng biết tổ chức tốt việc bổ sung quân số và thắt chặt kỷ luật đến nỗi không sự tuyên truyền nào trong dân chúng có thể bứt quân đội ra khỏi tay chính phủ. Không một ai, bất cứ chính kiến của người ấy ra sao, đang ở trong quân đội và chịu sự luyện tập thôi miên gọi là kỷ luật quân đội mà lại có thể vừa đứng trong đội ngũ vừa không làm theo mệnh lệnh, cũng như không ai có thể không nhắm mắt lại trước cú đánh. Những cậu bé tuổi hai mươi được tuyển mộ vào quân ngũ, vốn được giáo dục theo tinh thần giáo hội hẹp hòi hay tinh thần duy vật chủ nghĩa kết hợp với chủ nghĩa ái quốc sai trái, lại càng không thể chối từ quân dịch, chẳng khác nào trẻ con không thể không phục tùng khi người lớn sai chúng đến trường học. Đã nhập ngũ, những người thanh niên ấy, cho dù họ có những quan điểm gì đi nữa, do ảnh hưởng của kỷ luật được rèn rũa nhiều thế kỷ, chỉ trong vòng một năm tất yếu hóa thành những công cụ ngoan ngoãn của chính quyền. Nếu có những trường hợp hi hữu – một trong hàng vạn người – từ chối quân dịch, thì đó là những người thuộc các giáo phái ly khai, họ hành xử theo những xác tín tôn giáo không được chính phủ công nhận. Thành thử thời nay trong thế giới châu Âu, chỉ cần chính phủ muốn giữ lấy quyền lực (mà nó không thể không muốn, bởi vì sự hủy tiêu quyền lực tất yếu kéo theo sự tử vong của những người cầm quyền) thì không một cuộc khởi loạn nghiêm túc nào có thể được tổ chức mà giả sử có tổ chức được một cái gì đó tương tự, thì nó cũng sẽ luôn luôn bị đàn áp và sẽ không để lại một hậu quả nào khác, ngoài cái chết của nhiều con người nhẹ dạ, còn quyền lực của chính phủ thì lại gia tăng. Phái cách mạng, phái xã hội chủ nghĩa lấy những truyền thống lạc hậu làm kim chỉ nam cho hành động và sa đà trong đấu tranh, mà sự đấu tranh ấy đã trở thành một nghề nhất định cho một số người, có thể không nhận thấy điều đó, nhưng tất cả những ai quan sát các sự kiện lịch sử bằng con mắt tự do đều không thể không thấy.
Hiện tượng này hoàn toàn mới, và vì vậy cả hoạt động của những người mong muốn thay đổi chế độ hiện hữu cũng phải thích ứng với cái hiện trạng mới ấy của chính quyền trong thế giới châu Âu.
III
Cuộc đấu tranh ngàn đời giữa chính quyền và nhân dân ban đầu dẫn đến sự thay thế một chính quyền này bằng chính quyền khác, rồi chính quyền khác ấy bằng chính quyền thứ ba, v.v… Song từ nửa sau thế kỷ trước trong thế giới châu Âu của chúng ta, nhờ những cải tiến kỹ thuật của thời đại, quyền lực của các chính phủ hiện hữu được che chắn bằng những bức tường bảo vệ kiên cố đến nỗi sự đấu tranh với nó bằng vũ lực đã trở nên bất khả. Và chính quyền càng trở nên hùng mạnh và hùng mạnh hơn, thì lại càng bộc lộ rõ hơn tính không có cớ sở của mình: càng ngày càng trở nên hiển nhiên hơn cái mâu thuẫn nội tại giữa khái niệm chính quyền như là quyền lực công chính và sự bạo hành tạo nên bản chất của mọi chính quyền; trở nên hiển nhiên cái thực tại, ấy là chính quyền, để trở thành công chính lẽ ra phải nằm trong tay những người xứng đáng nhất, lại thường hằng rơi vào tay những kẻ thấp kém nhất, bởi vì những người xứng đáng, do chính bản chất bạo hành, bản chất cưỡng bức đồng loại của chính quyền không thể mong muốn chấp chính và vì vậy không thể tìm kiếm và giữ lấy chính quyền.
Mâu thuẫn này hiển nhiên đến mức tưởng chừng mọi người luôn luôn phải nhận thấy nó. Thế nhưng cái bài trí trang trọng của mọi chính quyền, nỗi sợ mà nó gây nên và sức ỳ của truyền thống đã có sức mạnh đến nỗi cần phải hàng thế kỷ, hàng thiên niên kỷ trôi qua, trước khi loài người hiểu được sự sai lầm của mình. Chỉ trong thời gian gần đây nhiều người mới bắt đầu ngộ ra rằng bất chấp toàn bộ dáng vẻ trịnh trọng mà chính quyền thời nào cũng khoác lên mình, bản chất của nó là đe dọa tước đoạt sở hữu, tự do và cuộc sống của con người và biến những đe dọa ấy thành hiện thực, vì thế mà những người như các quân vương, hoàng đế, bộ trưởng, chánh án, v.v… - những kẻ dành cả đời mình cho những công việc như thế không vì nguyên nhân nào khác ngoài mong muốn giữ lấy địa vị ưu đãi của mình – những người ấy không chỉ không thể là những người xứng đáng, mà bao giờ cũng là những kẻ thấp kém nhất, mà đã vốn là thế thì họ không thể trợ giúp cho lợi ích của loài người bằng quyền lực của mình mà ngược lại, đã và đang là một trong những nguyên nhân chủ yếu của mọi tai họa xã hội của nhân loại. Và do đó nếu trước đây chính quyền khiến dân chúng ngưỡng mộ và trung thành, thì giờ đây nó chỉ gây ra trong phần lớn hơn và tốt hơn của nhân loại không chỉ sự thờ ơ, mà còn nhiều khi sự khinh bỉ và căm thù. Cái phần được khai trí hơn ấy của loài người giờ đây đã nhận thức được rằng toàn bộ bài trí sang trọng mà chính quyền bao bọc lấy mình không là cái gì khác mà là cái áo đỏ và quần gấp nếp của tên đao phủ làm cho hắn nổi trội hơn những kẻ cai ngục khác vì hắn đã nhận lấy cái công việc vô luân nhất và ghê tởm nhất: hành quyết người.
Nhận thức được thái độ như thế đối với mình càng ngày càng lan rộng trong dân chúng, chính quyền trong thời đại chúng ta đã không còn dựa vào những yếu tố tinh thần: sự suy tôn, sự bình chọn của nhân dân hay của các thánh nhân, mà duy trì mình chỉ bằng bạo lực. Duy trì mình chỉ bằng bạo lực, chính quyền càng ngày càng mất đi sự tín nhiệm của dân chúng. Mất tín nhiệm, nó buộc phải can thiệp ngày một nhiều hơn vào mọi biểu hiện của đời sống nhân dân, làm gia tăng sự bất mãn đối với nó.
IV
Chính quyền đã trở nên không thể đánh đổ và nó duy trì mình đã không bằng những cơ sở tinh thần hữu lý như sự suy tôn, bình chọn, đại diện mà chỉ bằng vũ lực. Còn nhân dân thì đã không còn tin vào chính quyền và không còn tôn trọng nó nữa, mà chỉ phục tùng nó bởi vì không làm khác được.
Và như vậy, từ giữa thế kỷ trước, từ thời điểm, khi mà chính quyền cùng một lúc vừa trở nên không thể đánh đổ vừa mất đi sự biện minh cho mình và uy tín của mình trong nhân dân, thì trong nhân gian bắt đầu xuất hiện học thuyết nói rằng tự do – không phải cái tự do huyễn hoặc mà những người chủ trương bạo lực rao giảng, khi họ khẳng định rằng một người vì sợ bị trừng phạt mà thi hành mệnh lệnh của những người khác vẫn là người tự do, mà là cái tự do duy nhất và chân chính, mà nội dung của nó là mỗi người và mọi người đều có thể sống và hành động theo nhận thức của mình: đóng thuế hay không đóng thuế, đi lính hay không đi lính, hữu hảo hay thù địch với dân tộc láng giềng – cái tự do đích thực ấy không thể dung hợp với bất cứ quyền lực nào của những người này đối với những người khác.
Theo học thuyết ấy thì quyền lực không phải là cái gì đó thần thánh và vĩ đại, như trước kia người ta nghĩ, cũng không phải là điều kiện thiết yếu của đời sống xã hội, mà chỉ là hậu quả của sự bạo hành thô lỗ của một số người đối với những người khác. Dẫu quyền lực có ở trong tay Louis XVI hay ủy ban cứu trợ xã hội, chế độ đốc chính hay chế độ tổng tài, Napoléon hay Louis XVIII, trong tay một hoàng đế, một tổng thống, một thiên tử hay một thủ tướng, ở đâu có quyền lực của những người này đối với những người kia thì sẽ đều không có tự do, mà chỉ có sự người áp bức người. Và vì thế mà quyền lực phải bị hủy bỏ.
Nhưng hủy bỏ nó bằng cách nào? Và bằng cách nào, sau khi đã hủy bỏ quyền lực, thu xếp để cho không còn giới cầm quyền mà loài người không trở về với trạng thái man rợ của sự bạo hành ngỗ ngược chống lại nhau?
Tất cả những người vô chính phủ, như những người rao giảng học thuyết này được gọi, trả lời câu hỏi thứ nhất, đều hoàn toàn nhất trí với nhau nói rằng để cho chính quyền bị triệt tiêu thực sự, nó phải bị triệt tiêu không bằng sức mạnh, mà bằng nhận thức của ocn người về sự vô ích và có hại của quyền lực. Còn đối với câu thứ hai: một xã hội không có chính quyền phải được tổ chức thế nào? Thì những người vô chính phủ trả lời khác nhau.
Người Anh tên là Godwin, sống vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, và người Pháp tên là Proudhon, sống vào giữa thế kỷ trước, trả lời câu hỏi thứ nhất, nói rằng để triệt tiêu quyền lực, một sự nhận thức của mọi người về việc lợi ích chung (Godwin) và công lý (Proudhon) bị quyền lực vi phạm đã là đủ, và nếu quảng bá trong dân chúng niềm tin sắt đá rằng lợi ích chungcông lý chỉ có thể được thực hiện nếu không có chính quyền thì chính quyền tự nó sẽ tiêu vong.
Trả lời câu hỏi thứ hai: bằng cách nào không còn chính quyền mà vẫn bảo đảm được sự sắp xếp ổn thỏa xã hội, thì Godwin lẫn Proudhon đều nói rằng loài người được hướng đạo bằng nhận thức về lợi ích chung – theo Godwin – và công lý – theo Proudhon – một cách tự nhiên sẽ tìm ra những hình thức sinh hoạt hợp lý, công bằng và có lợi cho mọi người.
Những người vô chính phủ khác, như Bakunin và Kropotkin, thì mặc dù cũng công nhận ý thức của quần chúng về sự có hại của quyền lực và về sự không thích hợp của nó với tiến bộ của nhân loại là một phương cách tiêu diệt quyền lực, song vẫn xem cách mạng là điều khả dĩ và thậm chí cần thiết và quyến nghị chuẩn bị loài người làm cách mạng. Còn đối với câu hỏi thứ hai thì họ trả lời rằng chỉ cần hủy bỏ tổ chức nhà nước và chế độ sở hữu thì nhân quần một cách tự nhiên sẽ hòa hợp với nhau và tìm ra những điều kiện hợp lý, tự do và có lợi cho mọi người.
Người Đức Max Stirner và nhà văn Mỹ Tucker, giống như những người khác, cũng trả lời gần như thế câu hỏi về những phương sách xóa bỏ quyền lực. Cả hai người đều cho rằng nếu mà loài người hiểu được rằng lợi ích cá nhân của từng người là kim chỉ nam đầy đủ và chính đáng cho hành xử của mọi người và chính quyền chỉ cản trở sự biểu hiện đúng mức của cái khởi nguyên hướng đạo ấy trong đời sống loài người, thì chính quyền tự nó sẽ tiêu vong cả do sự không tuân lệnh và cái chính, Tucker nói, do sự không can dự vào nó. Còn giải đáp của họ cho câu hỏi thứ hai thì tựu trung là loài người, được giải phóng khỏi sự mê tín chính quyền và khỏi quan niệm về việc không thể không có chính quyền, sẽ tự tạo ra những hình thức đời sống xã hội đúng đắn và có lợi cho từng người.
Tất cả các học thuyết ấy đều hoàn toàn đúng ở cái điểm là nếu chính quyền phải bị triệt tiêu, thì cái đó chỉ thực hiện được tuyệt không phải bằng vũ lực, bởi lẽ một chính quyền tiêu diệt một chính quyền khác sẽ ở lại như là chính quyền, mà chỉ bằng sự làm bừng sáng trong loài người ý thức nói rằng mọi quyền lực đều vô ích và có hại và con người không được phục tùng nó cũng như can dự nó. Chân lý này là không thể bác bỏ: quyền lực chỉ có thể bị xóa bỏ bằng ý thức hữu trí của con người. Nhưng ý thức ấy phải căn cứ vào đâu? Những người vô chính phủ cho rằng ý thức ấy có thể căn cứ vào những minh giải về phúc lợi chung, về công lý, tiến bộ hay về lợi ích cá nhân của con người. Nhưng, chưa nói đến chuyện những căn cứ ấy không đồng thuận, ngay những giới thuyết về phục lợi chung, về công lý, về tiến bộ hay lợi ích cá nhân cũng được người ta hiểu một cách vô cùng đa dạng. Vì thế không thể giả định rằng chính những người không đồng thuận với nhau và hiểu một cách khác nhau những nguyên lý mà vì chúng họ đối đầu với quyền lực, lại có thể tiêu diệt được cái quyền lực được thiết lập vững chắc đến thế và che chắn mình diệu nghệ đến thế. Còn cái giả thiết nói rằng những minh giải về phúc lợi chung, về công lý hay quy luật tiến bộ có thể là đủ để cho loài người, đã thoát khỏi quyền lực nhưng không có một lý do nào để hy sinh lợi ích của cá nhân mình cho lợi ích chung, hòa hợp lại với nhau và tìm ra những điều kiện công bằng, không xâm hại tự do của nhau – giả thiết ấy thì lại càng thiếu căn cứ. Còn cái thuyết duy lợi – vị kỷ của Max Stirner và Tucker khẳng định rằng chỉ cần mỗi người theo đuổi lợi ích cá nhân của mình thì ắt sẽ thiết lập được những quan hệ công bằng giữa mọi người – thuyết ấy không chỉ võ đoán, mà còn đi ngược lại hoàn toàn với những gì đã và đang diễn ra trong thực tại.
Thành thử học thuyết vô chính phủ, thừa nhận đúng đắn công cụ tinh thần là phương tiện duy nhất để triệt tiêu quyền lực, đồng thời do thế giới quan phi tôn giáo duy vật chủ nghĩa của mình lại không có được cái công cụ tinh thần ấy và tự giới hạn mình bằng những giả định và ước mơ, tạo điều kiện cho những người chủ trương quyền lực căn cứ vào tính không đúng đắn của những phương tiện được kiến nghị để thực hiện học thuyết mà phủ nhận những cơ sở đúng đắn của chính học thuyết.
Cái công cụ tinh thần ấy thì lại chỉ có một và nó được loài người biết đến từ lâu, nó đã luôn luôn chiến thắng quyền lực và luôn luôn đem lại cho những người sử dụng công cụ ấy một tự do đầy đủ và không gì có thể tước bỏ. Công cụ ấy chỉ có một: đó là một nhân sinh quan tôn giáo, mà với nó con người coi cuộc sống trần gian của mình chỉ là một biểu hiện cục bộ của toàn bộ sự sống, liên kết cuộc sống của mình với sự sống bất tận và, nhận thấy cái phúc cao nhất của mình trong sự tuân thủ những quy luật của sự sống bất tận ấy, coi sự thực hiện những quy luật ấy là điều mang tính bắt buộc đối với mình nhiều hơn là sự thực hiện bất kỳ luật pháp nào của loài người.
Chỉ có thế giới quan tôn giáo ấy, liên kết mọi người trong một nhận thức như nhau về cuộc sống – một nhận thức không thể dung hợp với sự phục tùng quyền lực hay can dự vào nó – mới thực sự triệt tiêu quyền lực.
Và chỉ có thế giới quan ấy sẽ tạo điều kiện cho loài người không cần đến chính quyền nào mà vẫn hòa hợp thành những hình thức đời sống xã hội hợp lý và công bằng.
Và lạ thay, chỉ sau khi loài người bị chính cuộc sống dẫn đến nhận thức rằng chính quyền hiện hữu là không thể đánh đổ và trong thời đại ngày nay không thể đánh đổ nó bằng vũ lực, thì người ta mới ngộ ra cái chân lý hiển nhiên đến nực cười, ấy là quyền lực và toàn bộ cái ác mà nó gây ra thực ra chỉ là hậu quả cuộc sống tồi tệ của con người và vì vậy để xóa bỏ quyền lực với toàn bộ cái ác mà nó sản sinh cần có đời sống thiện lương của con người.
Người ta bắt đầu hiểu điều đó; và giờ đây họ sẽ còn phải hiểu thêm một điều nữa, đó là để có cuộc sống thiện lương của con người, chỉ có một phương sách: tuyên tín và thi hành cái học thuyết tôn giáo gần gũi và dễ hiểu đối với đa số loài người.
Chỉ bằng cách tuyên tín và thi hành học thuyết tôn giáo ấy loài người mới có thể đạt tới cái lý tưởng mà giờ đây đã hình thành trong tâm thức của họ và họ đang hướng tới nó.
Còn mọi nỗ lực khác nhằm hủy tiêu chính quyền và thu xếp cuộc sống thiện lương không có chính quyền cho mọi người chỉ là sự lãng phí công sức và không đưa đến gần, mà chỉ đẩy xa loài người khỏi cái đích mà họ hướng tới(1).

V
Đấy là điều mà tôi muốn nói với các bạn, những người không thỏa mãn với lối sống ích kỷ mà chân thành mong muốn bằng mọi sức lực của mình phục vụ những người anh em của mình. Nếu các bạn đang tham gia hay muốn tham gia hoạt động nhà nước để bằng cách ấy phục vụ nhân dân thì các bạn hãy suy nghĩ một chút, mọi chính phủ tự duy trì bằng quyền lực là cái gì? Chỉ cần đặt ra cho mình câu hỏi ấy, thì các bạn sẽ không thể không nhận thấy rằng không có một chính phủ nào mà lại không thực hành, không chuẩn bị thực hành và không dựa vào bạo lực, cướp bóc, giết người.
Nhà văn Mỹ Thoreau ít được biết đến, trong một khảo luận bàn về việc vì sao con người có trách nhiệm không tuân phục chính phủ của mình, thuật lại chuyện ông đã từ chối không nộp 1 dollar thuế cho chính phủ Mỹ như thế nào; ông giải thích đã từ chối làm việc ấy vì không muốn bằng một dollar của mình dính dáng vào những việc làm của một chính phủ cho phép chế độ nô lệ đối với người da đen. Chẳng phải cũng thái độ như thế đối với chính phủ của mình có thể và phải có ở, tôi không nói đến người Nga nữa, mà ở người công dân của quốc gia tiên tiến nhất châu Mỹ với những hành vi của nó ở Cuba, ở Philipin, với chính sách của nó đối với người da đen, người Hoa, hay ở người công dân nước Anh với thuốc phiện và những người boer của nó, ở người Pháp với chủ nghĩa quân phiệt khủng khiếp của nó?
Vì vậy một con người chân thành mong muốn phụng sự nhân loại, chỉ cần anh ta ý thức thật nghiêm túc mọi chính phủ đều là cái gì, thì sẽ không thể tham gia hoạt động của chính phủ một cách nào khác ngoài vin vào cái luận điểm là mục đích biện hộ cho phương tiện.
Nhưng hoạt động ấy bao giờ cũng có hại cả cho những người mà vì họ nó được tiến hành, lẫn những người tiến hành nó.
Bởi lẽ sự việc rất đơn giản. Các vị muốn bằng phục tùng chính phủ và lợi dụng luật pháp của nó giành lấy từ nó nhiều tự do và quyền lợi hơn cho nhân dân. Nhưng tự do và quyền lợi của nhân dân luôn ở trong tương quan nghịch với quyền lực của chính phủ và của các giai cấp cầm quyền nói chung. Nhân dân càng có nhiều tự do và quyền hơn thì chính phủ càng có ít quyền lực hơn và ít lợi ích gắn bó với quyền lực. Các chính phủ biết cái đó và, nắm quyền lực trong tay, họ sẵn lòng cho phép mọi thứ phiếm đàm tự do chủ nghĩa và thậm chí cả một số biện pháp lặt vặt nới rộng tự do bào chữa cho quyền lực của họ, nhưng họ tức khắc chấm dứt bằng vũ lực mọi yêu cầu tự do, nếu chúng đe dọa không chỉ lợi ích mà ngay cả sự tồn tại của giới cầm quyền. Thành thử tất các các nỗ lực của các vị nhằm phục vụ nhân dân thông qua chính quyền hành pháp hay nghị viện sẽ chỉ dẫn các vị đến việc là các vị bằng hoạt động của mình sẽ làm tăng cường quyền lực của các giai cấp thống trị và, tùy theo mức độ thành tâm của mình, sẽ dự phần cái quyền lực ấy một cách hữu thức hay vô thức. Tình hình là như thế đối với những người muốn phục vụ nhân dân thông qua các thiết chế nhà nước hiện hành.
Còn nếu các vị thuộc số những người chân thành mong muốn phục vụ nhân dân bằng hoạt động cách mạng xã hội chủ nghĩa, thì chưa nói về cái đích bé mọn của sự no đủ vật chất không bao giờ thỏa mãn bất cứ một ai, mà các vị hướng tới, xin các vị hãy nghĩ một chút cả về những phương tiện mà các vị dùng để đạt đích ấy. Những phương tiện ấy, thứ nhất, bất lương, bởi vì chúng bao gồm cả sự dối trá, lừa bịp, cưỡng bức, giết người; thứ hai và là cái chính, những phương tiện ấy không trong trường hợp nào đạt đích. Sức mạnh và sự thận trọng của các chính phủ bảo vệ sự tồn tại của mình trong thời đại ngày nay to lớn đến mức không một mưu mẹo, một trò lừa hay một biện pháp tàn bạo nào có thể không nói lật đổ, mà chỉ làm lung lay chúng. Tất cả mọi nỗ lực cách mạng giờ đây chỉ cung cấp cho các chính phủ những lý lẽ mới biện minh cho bạo lực của họ và chỉ làm tăng thêm sự hùng cường của họ.
Nhưng nếu giả định cả cái không thể có, tức là cách mạng trong thời đại ngày nay thành công, thì thứ nhất, tại sao lại nghĩ rằng trái ngược với những gì vẫn thường xuyên xảy ra, một quyền lực đã tiêu hủy quyền lực khác, sẽ gia tăng tự do của mọi người và sẽ trở nên công chính hơn cái quyền lực đã bị tiêu hủy? Và thứ hai nếu mà, trái với lý trí lành mạnh và kinh nghiệm, vẫn giả thiết rằng cái quyền lực đã tiêu diệt quyền lực cũ ấy sẽ để cho loài người tự do thiết lập những điều kiện sống mà họ xem là hữu ích hơn cả cho họ thì vẫn không có một cơ sở nào để nghĩ rằng những con người xưa nay vẫn sống một cuộc sống vị kỉ, sẽ thiết lập được giữa mình những điều kiện sống tốt hơn trước.
Cứ để cho nữ hoàng của những người Dagomée ban hành một hiến pháp tự do nhất và thậm chí bằng quyền lực của mình thực hiện sự công hữu hóa các công cụ lao động – cái biện pháp mà theo ý kiến của các nhà xã hội chủ nghĩa sẽ cứu thoát nhân loại khỏi mọi tai họa – song nữ hoàng cùng với các bộ trưởng và tướng soái của bà ta vẫn phải có quyền lực để cho hiến pháp được thi hành và các công cụ lao động không bị những bàn tay tư nhân chiếm đoạt. Nhưng nếu dân của bà vẫn là những người Dagomée với thế giới quan của họ thì rõ ràng, mặc dù đã dưới hình thức khác, nhưng sự bạo hành của những người Dagomée này đối với những người Dagomée kia cũng vẫn sẽ là bạo lực chẳng khác gì không có hiến pháp và không có sự công hữu hóa các công cụ lao động. Trước khi thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa, cần làm sao cho dân Dagomée mất thích thú đổ máu để tế thần. Đối với người châu Âu cũng hệt như thế.
Để cho người với người có thể sống cuộc sống chung mà không áp bức nhau, cần có không phải những thiết chế được duy trì bằng vũ lực, mà một trạng thái tinh thần mà với nó những con người theo xác tín của mình, chứ không phải vì bị cưỡng chế, sẽ đối xử với những người khác như họ muốn người khác đối xử với họ. Và những người như thế có. Họ có ở những cộng đồng Kitô giáo ở Mỹ, ở Nga, ở Canada. Những người như thế quả thật không cần đến luật pháp được duy trì bằng vũ lực mà vẫn sống một cuộc sống chung, không áp bức nhau.
Vì thế đối với những người thuộc xã hội Kitô giáo chúng ta chỉ có một hoạt động hữu lý và phù hợp với thời đại ngày nay: tuyên tín và truyền giảng bằng lới nói và việc làm cái học thuyết tôn giáo cao nhất mà chúng ta biết – học thuyết Kitô giáo, không phải cái học thuyết Kitô giáo quy phục chế độ đời sống hiện hữu và đòi hỏi ở con người chỉ sự thực hiện những nghi lễ bên ngoài hoặc thỏa mãn với niềm tin của mình và với sự rao giảng về công cuộc cứu chuộc, mà cái đạo Kitô sống động và gắn bó với đời sống, mà điều kiện tất yếu của nó không chỉ là không tham gia những công việc của chính phủ, mà còn là không tuân theo các đòi hỏi của nó, bởi vì những đòi hỏi ấy, từ thuế má và hải quan đến tòa án và quân đội, hết thảy đều đi ngược lại đạo Kitô chân chính.
Và nếu là thế thì rõ ràng hoạt động của những người mong muốn phụng sự đồng loại phải hướng đến không phải sự thiết lập những thể chế mới mà đến sự sửa đổi và hoàn thiện những thuộc tính của mình cũng như của những người khác.
Những người hành động trái với nguyên lý ấy thường nghĩ rằng cùng một lúc có thể hoàn thiện cả những hình thức sống, cả những thuộc tính và thế giới quan của con người. Nhưng khi suy nghĩ như thế, người ta mắc phải một sai lầm thường thấy – xem hệ quả là nguyên nhân và nguyên nhân là hệ quả hay là một hiện tượng song hành.
Sự sửa đổi những thuộc tính và thế giới quan của con người tất yếu kéo theo sự thay đổi những hình thức mà trong đó loài người đã sống; còn sự thay đổi những hình thức sống không những không trợ giúp cho sự sửa đổi các thuộc tính và thế giới quan của con người mà cản trở nhiều nhất sự sửa đổi ấy bởi vì hướng vào con đường sai lầm cả mối quan tâm lẫn hoạt động của loài người. Thay đổi những hình thức sống và hy vọng bằng cách ấy thay đổi cả những thuộc tính và thế giới quan của con người không khác nào bằng hết cách này đến cách khác xếp đi xếp lại những thanh củi ẩm trong lò, toan tính với một kiểu sắp xếp nhất định thì củi ẩm sẽ bén lửa. Nhưng chỉ củi khô mới bén lửa, bất cứ được sắp xếp như thế nào.
Sự lầm lạc này là hiển nhiên đến mức con người lẽ ra không thể mắc phải nó, nếu mà không có một nguyên nhân tạo điều kiện cho nó. Nguyên nhân ấy là sự sửa đổi những thuộc tính của con người phải bắt đầu từ bản thân mình và đòi hỏi nhiều đấu tranh và nhiều công sức, còn sự thay đổi những hình thức sinh hoạt của những người khác thì dễ làm, không cần đến tu dưỡng nội tại và lại có cái vẻ bề ngoài của một hoạt động rất quan trọng và đầy ắp ý nghĩa.
Đấy, tôi muốn cảnh báo các vị, những người thành tâm mong muốn phụng sự đồng loại bằng cả cuộc đời mình, khỏi sự lầm lạc ấy, chính nó là nguồn gốc của cái ác lớn nhất.
IV
“Nhưng chúng tôi không thể sống yên, chỉ tuyên tín và rao giảng đạo Kitô, khi chúng tôi thấy những đồng loại xung quanh mình khổ đau. Chúng tôi muốn phục vụ họ bằng hành động. Chúng tôi sẵn sàng dâng hiến công sức, thậm chí cả cuộc đời mình cho việc ấy”, người ta nói lại với niềm phẫn nộ ít nhiều thành thật.
Nhưng ai bảo các vị, tôi xin trả lời những người ấy, rằng các vị có sứ mệnh phục vụ đồng loại chỉ bằng cái phương thức mà các vị thấy là hữu ích và hữu hiệu nhất? Bởi vì cái điều mà các vị nói chỉ chứng tỏ các vị đã quyết trước rằng không thể phục vụ nhân loại bằng một cuộc sống hợp đạo, cuộc sống Kitô giáo và rằng sự phục vụ chân chính chỉ có thể là phục vụ bằng hoạt động chính trị và chỉ nó mới hấp dẫn các vị.
Nhưng xưa nay tất cả các nhà hoạt động chính trị đều nghĩ như thế và tất cả họ đều thù địch lẫn nhau, vì thế mà chắc chắn là không phải tất cả họ đều đúng. Sẽ là tuyệt vời, nếu mà mỗi người có thể phục vụ loài người bằng cách anh ta thích, nhưng rõ ràng không có cái đó, mà chỉ có một phương sách phụng sự nhân quần và cải thiện hoàn cảnh của họ. Và phương sách duy nhất ấy là tuyên tín và thực hành cái học thuyết, mà từ nó phát sinh cả nhiệm vụ nội tại hoàn thiện bản thân mình. Còn sự tự hoàn thiện của một tín đồ Kitô giáo chân chính, theo lẽ tự nhiên luôn luôn sống giữa đồng loại và không xa rời họ, thì bao giờ cũng là thiết lập những quan hệ ngày một tốt hơn, ngày một thân ái hơn giữa mình và những người khác. Sự thiết lập những quan hệ thân ái giữa người với người không thể không cải thiện tình cảnh chung của loài người, mặc dù con người không biết trước được những hình thức của sự cải thiện ấy.
Thực tình mà nói, khi ta phục vụ đồng loại bằng hoạt động chính phủ hay nghị viện hay hoạt động cách mạng, thì ta xác định trước được những kết quả ta muốn đạt tới mà đồng thời lại có thể tận hưởng tất cả các ưu điểm của cuộc sống vui thú, xa hoa, giành được địa vị hào nhoáng, sự tán thưởng của nhân quần và cả vinh quang lớn. Nếu đôi khi những người tham gia hoạt động này phải khổ đau, thì đây là những khả năng khổ đau mà, cũng như trong mọi cuộc đấu tranh, được đền bồi bằng khả năng thắng lợi. Trong hoạt động quân sự thì những đau khổ và thậm chí cái chết còn khả dĩ hơn, thế mà chỉ những người kém đạo đức nhất và ích kỷ nhất mới chọn nghề này.
Còn hoạt động tôn giáo thì, thứ nhất, không trưng bày cho ta những kết quả mà nó đạt được, thứ hai, hoạt động ấy đòi hỏi chối bỏ sự thành đạt nơi ngoại giới và không chỉ không đem lại vị trí hào nhoáng và danh tiếng, mà còn đẩy con người vào vị trí thấp kém nhất dưới con mắt của xã hội, bắt nó phải chịu đựng không chỉ sự khinh bỉ và lên án, mà cả những khổ đau tàn khốc nhất và thậm chí phải chết.
Chẳng hạn trong thời đại của nghĩa vụ quân sự phổ thông như ngày nay hoạt động tôn giáo khiến con người bị gọi đi phục vụ cho sự giết người phải chịu những hình phạt mà chính phủ ấn định cho sự từ chối quân dịch. Cho nên hoạt động tôn giáo là gian khổ, nhưng chỉ nó mới đem lại cho con người ý thức về tự do chân chính và niềm vững tin rằng nó làm cái cần phải làm.
Và vì thế chỉ hoạt động ấy là thực sự hữu hiệu, bởi lẽ ngoài những mục tiêu cao nhất của mình nó đồng thời bằng cách tự nhiên nhất và đơn giản nhất đạt tới những kết quả mà các nhà hoạt động xã hội kiếm tìm bằng những phương sách giả tạo đến thế.
Thành thử, chỉ có một phương sách duy nhất để phục vụ loài người - đó là tự mình sống một cuộc sống tốt. Và phương sách này không chỉ không viển vông, như là những người thấy nó không có lợi cho mình nghĩ, mà ngược lại, viển vông tất cả các phương sách khác mà bằng chúng những người lãnh đạo quần chúng lôi kéo họ vào con đường sai trái, đi chệch con đường chân chính duy nhất.
VII
“Nhưng nếu là thế đi nữa, thì bao giờ sẽ có cái đó?” - những người ao ước trông thấy thật nhanh sự thực hiện lý tưởng nói.
Tất nhiên, sẽ là tốt hơn rất nhiều, nếu có thể làm được cái đó rất mau chóng, ngay tức khắc.
Sẽ là rất tốt, nếu mà có thể thật mau chóng, ngay tức khắc trồng được một khu rừng cây lá um tùm. Nhưng không làm được điều ấy, phải chờ cho các hạt nảy mầm, rồi từ mầm ra lá, ra thân non, sau đó cây cối mới lớn lên.
Có thể cắm nhiều cành cây xuống đất và trong thời gian ngắn cái đó sẽ giống như rừng, nhưng đó sẽ chỉ là sự giông giống tạm thời. Với sự thu xếp ổn thỏa xã hội loài người tình hình cũng như thế. Có thể thu xếp cho giông giống như sự ổn thỏa, như các chính phủ vẫn làm, song những thứ giông giống như thế chỉ đẩy ra xa khả năng có được sự thu xếp ổn thỏa thực sự. Chúng đẩy ra xa khả năng ấy vì, thứ nhất, chúng đánh lừa dân chúng, phô trương cho họ cái vẻ ngoài của sự thu xếp ổn thỏa ở nơi mà không có nó, thứ hai, bởi vì cái vẻ ngoài của sự thu xếp ổn thỏa ấy chỉ đạt được bằng quyền lực, mà quyền lực thì làm tha hóa cả những người cầm quyền lẫn những người dưới quyền và vì thế khiến cho sự thu xếp ổn thỏa thực sự trở nên ít có khả năng hơn.
Vì vậy những cố gắng thực hiện thật nhanh lý tưởng không chỉ không trợ giúp, mà lại cản trở nhiều nhất sự thực hiện thực sự lý tưởng ấy.
Cho nên sự giải quyết vấn đề, có thể mau chóng hay không thực hiện lý tưởng về sự thu xếp ổn thỏa, không có bạo lực, xã hội loài người, phụ thuộc vào việc có mau chóng hay không những người lãnh đạo quần chúng nhân dân thành tâm mong muốn những điều tốt đẹp cho họ ngộ ra rằng không cái gì đẩy loài người ra xa hơn khỏi sự thực hiện lý tưởng của nó như là những điều mà họ đang làm: cụ thể là nâng đỡ những mê tín dị đoan cũ hoặc phủ định mọi tôn giáo và dẫn dắt hoạt động của nhân dân vào việc phục vụ cho chính phủ, hay cho cách mạng, hay cho chủ nghĩa xã hội, hay cho khủng bố.
Chỉ cần sao cho những ai thành tâm mong muốn phụng sự đồng loại hiểu thấu toàn bộ tính vô bổ của tất cả các phương sách thu xếp phúc lợi cho loài người mà phái chủ trương nhà nước và phái chủ trương cách mạng đề xướng, chỉ cần sao cho những người ấy hiểu thấu rằng chỉ có một phương sách duy nhất giải thoát loài người khỏi những đau khổ của họ - ấy là chính họ phải thôi không sống cuộc sống vị kỷ đa thần giáo nữa, mà bắt đầu sống một cuộc sống Kitô giáo vì toàn nhân loại, và không cho, như hiện nay, là có thể và hợp pháp sử dụng bạo lực chống lại đồng loại, tham gia bạo lực ấy nhằm đạt những mục đích cá nhân của mình mà, ngược lại, trong đời sống luôn tuân thủ cái luật tôn giáo cơ bản và tối cao dạy ta hãy đối xử với người như ta muốn người đối xử với ta - thế thì những thể chế phi lý và tàn bạo mà trong đó chúng ta đương sống sẽ rất nhanh chóng bị hủy bỏ, và sẽ hình thành những thể chế mới, phù hợp với ý thức mới của loài người.
Chỉ cần suy nghĩ ít chút về việc biết bao sức lực tinh thần tuyệt vời hiện đang phung phí cho sự phục vụ cái nhà nước đã lỗi thời và bảo vệ nó khỏi cách mạng, biết bao sức trẻ nồng nhiệt phung phí cho những mưu toan cách mạng, những nỗ lực vô bổ đấu tranh chống lại nhà nước và cũng cho những mơ ước xã hội chủ nghĩa viển vông. Và tất cả chỉ để không những đẩy xa, mà còn biến thành bất khả sự thực hiện cái chân phúc mà tất cả mọi người đều khao khát. Thế sự sẽ ra sao, giả sử tất cả mọi người hiện đang phung phí sức mình một cách vô hiệu và nhiều khi có hại cho đồng loại đến thế, giả sử họ hướng tất cả chúng vào cái duy nhất có thể mang lại một đời sống xã hội thiện lương - vào sự hoàn thiện nội tại chính mình?
Loài người đã bao nhiêu lần kịp xây lên một tòa nhà mới từ vật liệu mới, vững chắc, nếu mà tất cả các nỗ lực đã và đang được tiêu phí cho sự chống đỡ tòa nhà cũ được dùng một cách cương quyết và thành tâm vào việc chuẩn bị vật liệu mới và dựng xây tòa nhà mới, ban đầu nó chắc chắn sẽ không thể lộng lẫy và tiện nghi cho một số phần tử đặc tuyển như nhà cũ, nhưng rõ ràng nó sẽ tiện lợi hơn cho cuộc sống của đa số và sẽ vững chắc hơn mà lại để lại đầy đủ khả năng cải tiến không chỉ cho những người đặc tuyển mà còn cho tất cả mọi người.
Cho nên tất cả những gì mà tôi đã nói ở đây có thể quy về một chân lý đơn giản nhất, ai ai cũng hiểu được và không thể bác bỏ - đó là để có cuộc sống thiện lương giữa người với người, từng người phải sống thiện lương.
Còn phương tiện tác động tới đời sống thiện lương của nhân quần thì chỉ có một: cuộc sống thiện lương của chính ta. Vì vậy mà cả hoạt động của những con người mong muốn giúp sức cho sự thiết lập đời sống thiện lương trong nhân loại có thể và cần phải chỉ là sự tự hoàn thiện - nhằm thực hiện cái mà trong kinh Phúc Âm được diễn đạt bằng những từ: “hãy trở nên hoàn thiện như Cha của chúng ta trên trời”.
 
                                                                                           [1903]
                                                                              Phạm Vĩnh Cư dịch


[1] . Từ sách: Lev Tolstoi, Đường sống, văn thư nghị luận chọn lọc, Nxb Tri thức, Hà Nội 2010
(1) “Những kẻ sắp phải chết kính chào Người” (La-tinh) – N.D.
(1) Xem bài viết của tôi về tôn giáo.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529686

Hôm nay

2152

Hôm qua

2277

Tuần này

21959

Tháng này

216382

Tháng qua

0

Tất cả

114529686