Khách mời văn hóa

Cần tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, chân thành với nhau

 "...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suythì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minhkhông đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết..." Cách đây sáu trăm năm nguyên lý này đã được Thân Nhân Trung đúc kết và khẳng định. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều đó.

Trong lịch sử Việt nam hiện đại, Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá đúng vai trò quan trọng và sự đóng góp to lớn  của giới trí thức đối với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Cá biệt có thể có những những sai lầm cục bộ, ở chỗ này chỗ khác, lúc này lúc khác, nhưng tôn trọng, đánh giá đúng vai trò, vị trí, sự đóng góp của giới trí thức, tạo nhiều điều kiện thuận để phát triển đội ngũ trí thức là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. 

Nhân dịp Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa X ra nghị quyết về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước", tạp chí Văn hóa Nghệ An  đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Xuân Lương – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, Chủ tịch Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật Nghệ An(Nay là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc và miền núi chính phủ) một số vấn đề về trí thức nhìn từ thực tiễn Nghệ An. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung cơ bản của cuộc trao đổi này.

Chúng tôi thấy rằng trí thức là một khái niệm có rất nhiều cách hiểu khác nhau, hoặc thiên về phẩm chất trí tuệ, hoặc thiên về bản lĩnh hoặc vai trò khai sáng của tầng lớp này. Vậy quan niệm của ông về khái niệm trí thức?

Ông Hoàng Xuân Lương: Đây là một khái niệm mà theo tôi có thể có nhiều cách hiểu, cách quan niệm khác nhau vì không chỉ là bản thân giới trí thức  mang trong mình nhiều phẩm chất đặc thù mà còn phụ thuộc vào chính bản thân của từng người, từng tổ chức với các mối liên hệ tương quan với giới trí thức mà có các nhận thức có thể không hoàn toàn giống nhau về tầng lớp này. Đó là chưa nói tới tính lịch sử cụ thể của các cách hiểu, các nhận thức về khái niệm này.

Theo tôi hiểu, trí thức là những người lao động trí óc có trình độ học vấn cao về một lĩnh vực chuyên môn nào đó; Có phương pháp tư duy độc lập, có năng lực sáng tạo ra các sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị kinh tế – xã hội cao; Có lòng tự trọng, có khát vọng tự do, dân chủ và công bằng, luôn hướng tới các giá trị chân thiện mỹ.

Vậy phẩm chất tiêu biểu, phẩm chất đặc thù của trí thức là gì?

Ông Hoàng Xuân Lương: Có thể nói cả ba phẩm chất trên đều là những phẩm chất tiêu biểu của giới trí thức. Đó là những dấu hiệu cơ bản để chúng ta định danh trí thức. Tuy nhiên có thể nhấn mạnh: Trí thức là những người có trình độ chuyên môn sâu, rất tự trọng, có bản lĩnh, không luồn cúi. Vì vậy mà trong cuộc sống rất dễ bị những người khác, nhất là cán bộ quản lý đánh giá là kiêu, là ngang bướng, là mất đoàn kết…

Có khoảng cách nào không giữa trí thức và người lao động trí óc?

Ông Hoàng Xuân Lương: Có chứ. Có nhiều là đằng khác. Lao động trí óc thì nhiều còn trí thức thì ít hơn, ít hơn nhiều. Trí thức phảI gắn liền với sáng tạo, không phảI lao động trí óc nào cũng là sáng tạo cả. Điều đáng nói nữa là trí thức phảI là người có bản lĩnh, có chính kiến, không chỉ là bản lĩnh, là chính kiến khoa học mà cả về nhân cách, về nhân sinh quan, về các vấn đề chính trị xã hội. Trí thức phảI là người quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng,của đất nước và nhân loại. Trí thức phải là người tạo nên những phẩm chất mới của cộng đồng, của xã hội. Không ai khác chính trí thức đã đi đầu sáng tạo nên thời đại tin học, nên thể giới phẳng đấy chứ.

Theo ông, trí thức Việt Nam có đặc điểm nào không?

Ông Hoàng Xuân Lương: Theo tôi nghĩ, trí thức ở tất cả các nước đều có những phẩm chất chung. Có thể xem đó là mẫu số chung. Tuy nhiên, trí thức ở các nước khác nhau, thậm chí các châu lục khác nhau còn những đặc điểm riêng, như là tử số của một phân số. Các đặc điểm chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa… của các dân tộc quy định các đặc điểm này.

Trở lại vấn đề, tôi thấy trí thức Việt Nam đa số xuất thân từ nông dân, công nhân nên rất gắn bó với đất nước, quê hương, có tinh thần yêu nước, gắn bó với nhân dân lao động. Đọc lại lịch sử Việt Nam chúng ta thấy rất rõ điều này. Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế…và rất nhiều người khác là những tấm gương trí thức kiên trung yêu nước. Có thể có cách thể hiện tình yêu nước khác nhau, quan điểm, đường lối chính trị xã hội không giống nhau giữa các nhà trí thức nhưng hầu như không có trí thức Việt Nam phản nước.

Và đặc điểm của trí thức Nghệ An?

Ông Hoàng Xuân Lương: Trí thức Nghệ An nếu đặt trong bối cảnh trí thức Việt Nam là đại đồng tiểu dị, cũng có những nét riêng, có thể nhận ra. Tôi nhận thấy trí thức Nghệ An rất cương trực, dũng cảm xả thân vì nghĩa lớn. Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ, Hồ Sỹ Đống là những tấm gương tiêu biểu.

Nhận thức của ông về đóng góp của trí thức Nghệ An đối với quê hương, đất nước?

Ông Hoàng Xuân Lương: TôI nghĩ rằng, nhân dân Nghệ An có quyền tự hào vì trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, thuộc lĩnh vực nào trí thức Nghệ An cũng có đóng góp rất lớn, rất hiệu quả, rất tiêu biểu đối với đất nước. Hãy thử nhìn lại TK XX đầy biến động của đất nước, chúng ta sẽ thấy những tên tuổi lớn, rất lớn như Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh…và rất nhiều, nhiều lắm trí thức Nghệ An đã có rất nhiều cống hiến cho đất nước.

Ông đề cao và kính trọng ai nhất trong số các nhà trí thức nghệ An, xưa và nay?

Ông Hoàng Xuân Lương: Đó là chủ tịch Hồ Chí Minh. ở Người đã hội đủ tất cả những phẩm chất tiêu biểu của trí thức, hơn thế, còn là người đã tạo nên một chân dung mới với một phẩm chất mới cho cả một đất nước, là đại biểu xứng đáng của một nền văn hoá tương lai. Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh có nhiều yếu tố, nhiều giá trị mang tầm phổ quát toàn nhân loại, như nghiên cứu và tìm ra con đường đi đến độc lập dân tộc cho các nước thuộc địa, hay tư tưởng về văn hoá chẳng hạn.

Nếu cần có một danh sách đề cử 10 trí thức Nghệ An, xưa và nay, tiêu biểu nhất, danh sách của ông sẽ có những ai?

Ông Hoàng Xuân Lương: Đây là một công việc quá khó đối với tôi, và chắc là không chỉ riêng tôi. Nghệ An chúng ta từ trước đến nay có rất nhiều bậc trí thức tài cao chí lớn, không chỉ thông tuệ mà còn tràn đầy dũng khí và bản lĩnh lo toan việc dân, việc nước. Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Nguyễn Đức Đạt, Hồ Sỹ Đống, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trường Tộ, Tạ Quang Bửu, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai... Mỗi người một dấu ấn tài năng và tính cách nhưng ai cũng xứng đáng là những tấm gương đẹp để hậu thế noi theo.Theo tôi, có lẽ mỗi chúng ta nên để lại trong lòng mình những thần tượng của mình.

Ông có bình luận gì về ý kiến cho rằng người tài của xứ Nghệ chỉ có thể thành danh và cống hiến nhiều cho đất nước, và quê hương khi đi ra khỏi xứ Nghệ?

Ông Hoàng Xuân Lương: Tôi cho rằng đây là một thực tế. Và không chỉ bây giờ mới có. Hiện tượng này đã có từ rất lâu rồi. Nó có nhiều nguyên nhân. Sâu xa là yếu tố địa chính trị, địa văn hóa, trực tiếp là điều kiện kinh tế xã hội. Nghệ An, xét đến cùng, từ trong lịch sử cho đến hiện nay, chưa bao giờ là trung tâm chính trị kinh tế của cả nước. Mặt khác, Nghệ An là vùng đất khó khăn về kinh tế. Muốn thành tài, thể hiện và phát huy được tài năng cũng phải có điều kiện, môi trường thuận lợi và phù hợp. Lại còn có thời cơ nữa. Tôi nghĩ không chỉ Nghệ An mà ở các tỉnh lẻ, nhất là các địa phương ở xa các trung tâm có tầm quốc gia, như kinh đô, thủ đô chẳng hạn, cũng không nằm ngoài tình trạng này. PhảI ở các trung tâm mới có điều kiện thuận lợi để hình thành những nhân vật lớn,những sáng tạo lớn. Và phải ở đó mới có những điều kiện, những thời cơ lớn để có phạm vi lan tỏa lớn các ảnh hưởng của các tài năng, các sáng tạo. Câu tục ngữ “cáI khó bó cáI khôn” có thể giảI thích thỏa đáng tình trạng này. Có một điều tôI xin khẳng định rằng,không phải vì sự nghèo khó, gian khổ của mảnh đất quê hương này mà người tài Nghệ An phảI ra đi. Họ ra đI, trước hết là để học thành tài và để thể hiện cái tài, để thực hiện chí thành danh, thành tài và cống hiến cho đất nước. Trước đây cũng vậy, nay càng vậy.

Nhìn từ một hướng khác, chúng ta thấy rằng, người Nghệ An dù đi đâu, ở đâu, cũng một lòng hướng về quê hương. Họ đã làm rạng rỡ quê hương và cống hiến nhiều cho quê hương bằng nhiều cách khác nhau.

 Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh thời đại mới, chúng ta phảI tập trung tạo môI trường làm việc tốt cho đội ngũ trí thức vì chính đây là nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển. Phải thu hút, tập hợp được trí tuệ, tình cảm của đội ngũ trí thức nghệ An với quê hương Nghệ An. Đó là nhiệm vụ của các cấp ủy và chính quyền, của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An.

Chúng ta nên giảI thích hiện tượng khá nhiều người có trình độ học vấn cao ở tỉnh ta thoát ly hoạt động chuyên môn sang làm công tác quản lý? Liệu điều đó đem lại thiệt thòi cho ai nhất?

Ông Hoàng Xuân Lương: Rất tiếc, đây cũng là một hiện tượng có thật.

Nếu những người có kiến thức chuyên môn sâu đồng thời có kiến thức quản lý sẽ rất tuyệt vời. Tất nhiên, đây là hai lĩnh vực, hai hoạt động khác nhau. Không phảI giỏi chuyên môn là quản lý giỏi và ngược lại. Quan trọng nhất đối với người lãnh đạo, quản lý là tập hợp được đội ngũ chuyên gia, là tầm nhìn chiến lượcđể tập hợp các nhà chuyên môn giải  quyết. Vì vậy, khi bố trí một chuyên gia giỏi làm công tác quản lý phảI rất cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng nếu không sẽ phảI đổi một chuyên gia giỏi lấy một nhà quản lý tồi.

Thiệt cho ai ư? Chắc chắn là thiệt kép, cả hai. Cá nhân những chuyên gia chuyên môn đó và xã hội.

Ông có suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa trí thức và quyền lực?

Ông Hoàng Xuân Lương: TôI cho rằng, từ xưa đến nay, trí thức cơ bản không gắn liền với quyền lực. Có những trí  thức có quyền lực, gắn liền với quyền lực, thì hoặc là sẽ đóng góp rất lớn cho cộng đồng, cho đất nước nếu họ có đường lối chính trị sáng suốt và đúng đắn. Ngược lại, sẽ là tai họa lớn nếu là những người có đường lối chính trị sai lầm hoặc phản động. Nhìn chung, trí thức là những người sáng tạo để đóng góp vào kho tàng trí tuệ của dân tộc và nhân loại. Trí thức có thể giúp ích củng cố quyền lực nhưng quyền lực thì không tạo ra trí thức. Khi nói về mối quan hệ này tôi lại nghĩ đến mối lương duyên giữa Nguyễn Huệ – Quang Trung với La sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Có lẽ nên xem đó là một bài học mẫu mực về ứng xử với nhau giữa quyền lực và trí thức. Cần có một sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, chân thành với nhau.

Trở lại với trí thức Nghệ An hiện nay, ông có thể có một phác họa về đội ngũ này của chúng ta?

Ông Hoàng Xuân Lương: Theo số liệu cuối tháng 3/08 thì hiện nay tỉnh ta có 57.720 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, chiếm 1,92% dân số của tỉnh. Trong đó có 25 tiến sỹ, bao gồm 3  ts kinh tế, 4 ts nông nghiệp, 2 ts về tài nguyên môI trường, 2 ts y khoa, 2 ts triết học, 12 ts về giáo dục, đào tạo; 1050 thạc sỹ nhưng chủ yếu là về giáo dục, đào tạo, 973 người. Ngoài ra trên địa bàn còn có 30 giáo sư, phó giáo sư, 99 ts thuộc Đại học Vinh và Cao đẳng sư phạm Nghệ An.  So với yêu cầu phát triển của nền kinh tế – xã hội, đội ngũ lao động trí óc của chúng ta còn ít về số lượng, chưa cao về trình độ học vấn, chuyên môn. Đó là chưa nói đến phần lớn những người có học vị, học hàm cao đều chủ yếu làm công tác giảng dạy và quản lý. Con số 29 người làm việc trong các cơ quan nghiên cứu là một vấn đề rất đáng quan tâm. Nhìn chung đội ngũ trí thức của chúng ta có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm công dân cao, có nhiều đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tỉnh nhà trong những năm qua. Tuy nhiên cũng có thể nói đội ngũ của chúng ta đang thiếu về số lượng, thiếu về đồng bộ cơ cấu ngành nghề, thiếu cân đối về về phân bố…nhất là thiếu nhiều các chuyên gia giỏi ở nhiều lĩnh vực, nhất là quản lý kinh tế, công nghệ cao…Bởi vậy tăng cường đội ngũ trí thức là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh ta hiện nay, và cả lâu dài nữa cũng vậy.

Trước mắt chúng ta sẽ làm gì để củng cố và tăng cường đội ngũ, cả về số lượng và chất lượng?

Ông Hoàng Xuân Lương: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua Đề án đào tạo cán bộ có trình độ cao nhằm đáp ứng cho thời kỳ hội nhập và phát triển sắp tới của tỉnh. Mục tiêu là tạo ra được đội ngũ quản lý, khoa học đầu ngành có kiến thức đáp ứng được sự phát triển của khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế.

Trước mắt hàng năm sẽ có các trung tâm bồi dưỡng ngoại ngữ, đưa cán bộ quản lý, cán bộ khoa học đI đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng ngoại ngữ  ở nước ngoài. Từ nay đến 2015cố gắng đào tạo ít nhất được 10 tiến sỹ, 50 thạc sỹ, bồi dưỡng ngoại ngữ cho 300 cán bộ ở nước ngoài.

Đồng thời, trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 rà  soát,đánh giá, sắp xếp lại các cơ chế chính sách đối với đội ngũ trí thức để làm cho cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọngcủa đội ngũ trí thức để từ đó xây dựng các chính sách thích hợp, tạo nhiều điều kiện thuận để trí thức sáng tạo và cống hiến.

Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, mà theo tôi, cần thường xuyên tạo các diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với trí thức thông qua các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của giới trí thức để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, các ý tưởng khoa học, các kiến nghị, đề xuất của trí thức. Và một việc rất cần thiết làm là tạo điều kiện cho giới trí thức tham gia tư vấn, phản biện các vấn đề về mục tiêu chiến lược, về các đề án, dự án cụ thể.

TôI tin là trong thực tiễn, giới trí thức sẽ có nhiều cách làm hay để tự phát triển đội ngũ của mình. Nếu vậy, đội ngũ trí thức của tỉnh ta sẽ  phát triển cả về số lượng và trình độ, bản lĩnh và nhân cách khoa học, sáng tạo và cống hiến.

Lao động của trí thức rất cần một môi trường khoa học, môi trường học thuật. Đó là một điều kiện cần có cho sáng tạo. Ông đánh như thé nào về môI trường này ở tỉnh ta hiện nay?

Ông Hoàng Xuân Lương: Không gian nghiên cứu khoa học đang còn chật hẹp, không khí học thuật thiếu lửa. Và điều kiện làm việc thiếu thốn. Tình trạng này là có thật. Vấn đề là do đâu. Tôi không phủ nhận những khó khăn của nền kinh tế tỉnh nhà đã ảnh hưởng đến điều kiện làm việc, đến chính sách đãI ngộ đối với trí thức. Rồi môi trường xã hội - nhân văn chưa phải tất cả đã là thuận lợi. Chúng ta vẫn chưa có được những diễn đàn dân chủ để đội ngũ trí thức được nói thẳng, nói thật. Thậm chí, có lúc, có nơi chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về trí thức làm cho không khí học thuật thiếu cởi mở. Cách đây không lâu, một vị Phó giáo sư khi đến chào để chuyển ra Hà Nội làm việc đã đưa cho tôi một tờ lịch trong đó có in lời của Lê Quý Đôn, đại ý: Một quốc gia có 5 nguy cơ là: Trẻ không trọng già/Trò không trọng thầy/Binh kiêu tướng thoái/Tham nhũng tràn lan/Sỹ phu ngoảnh mặt. Ông ấy đã gạch chân ở dòng cuối cùng. Tờ lịch của ông ấy cho đã làm tôI phảI suy nghĩ rất nhiều. Phải làm gì, làm như thế nào để giới trí thức cộng tác, không ngoảnh mặt làm ngơ?

Nhưng mặt khác, với tư cách là một người làm khoa học, tôi thấy hình như trong giới trí thức chúng ta, đã và đang có lúc nào đó, ở không ít ở ai đó, đang tự làm giảm đi nhiệt tình với khoa học. Xây dựng một môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi, một không khí học thuật cởi mở là trách nhiệm của chúng ta. Có vậy mới mong có được những sáng tạo có giá trị, đáp ứng được sự phát triển của khoa học và cuộc sống.

Chúng ta có thể giải thích như thế nào về tình trạng các trí thức đang ở các nơi khác, các sinh viên giỏi, xuất sắc của Nghệ An không muốn về quê làm việc?

Ông Hoàng Xuân Lương: Trong điều kiện thông tin hiện nay vấn đề quan trọng nhất là sự cống hiến về trí tụê, về chất xám. ở Hà Nội, TP Hồ chí Minh, ở nước ngoài hay ở Vinh  không quan trọng lắm. Cái chính là có đóng góp ý tưởng và công trình khoa học để xây dựng quê hương hay không. Cũng có thể ở xa nhưng lại hóa gần và cống hiến nhiều. Tất cả là ở tấm lòng.

Chính sách thu hút nhân tài của tỉnh ta là rất hay nhưng hình như trong thực hiện còn nhiêu khê, phức tạp và kết quả không được như ý muốn. Có phải vậy không thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Lương: Chính sách này của tỉnh ta là tốt, ưu việt, đó là điều cần khẳng định. Nhưng trong thực tiễn kinh tế – xã hội, với điều kiện cụ thể, chúng ta vẫn phải ưu tiên cho các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ. Điều đó đã quy định đến đối tượng thu hút nguồn nhân lực trình độ cao hiện nay của chúng ta.

Tôi cũng thấy trong việc thực hiện chính sách này trong thời gian vừa qua đây đó vẫn còn nhiêu khê, phiền hà. Để chính sách này có kết quả tốt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang chỉ đạo niêm yết công khai lĩnh vực, số lượng chỉ tiêu thu hút, công khai thủ tục quy trình tiếp nhận đối tượng này. Tôi tin là thời gian tới công việc này sẽ được thực hiện nghiêm túc hơn, kết quả tốt hơn.

Với chức trách của mình hiện nay, vừa làm công tác đảng, vừa làm công tác hội của giới trí thức tỉnh nhà, về vấn đề trí thức, nhìn từ hai phía, nếu có thể nói ngắn gọn trong một vài câu, ông sẽ nói những gì?

Ông Hoàng Xuân Lương: Đảng đối với trí thức cần Chân  thành, Tin tưởng, Dân chủ; Và trí thức thì cần  Đam mê, Sáng tạo, Cống hiến.

Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở và thân tình mà ông dành cho tạp chí Văn hóa Nghệ An. Kính chúc ông sức khỏe và thành công.

                                                                              Phan Văn Thắng(thực hiện)

 

                                                                          


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442943

Hôm nay

2139

Hôm qua

2318

Tuần này

2756

Tháng này

218117

Tháng qua

112676

Tất cả

114442943