Cuộc sống quanh ta

Hiền tài

 

Ông cha ta đã rất sáng suốt khi dùng chữ “Hiền tài” để chỉ một số người được xem là có tài năng, đỗ đạt cao và có công trạng đối với đất nước. Trên tấm bia đề danh Tiến sĩ đầu tiên dựng ở Văn miếu Hà nội hiện nay, có khắc một câu rất nổi tiếng đánh giá về tầm quan trọng của người tài: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Chỉ có 9 chữ, nhưng câu nói trên thể hiện cả một quan điểm, một triết lí hết sức đúng đắn của Nhà nước phong kiến đối với sứ mạng quản lí, xây dựng đất nước. Một quốc gia, một dân tộc muốn phát triển trở thành giàu mạnh, nhất thiết phải có nhân tài, vì đó là “nguyên khí”. Nhưng nhân tài đó có là nguyên khí hay không thì trước hết họ phải là những người có phẩm chất đạo đức cao đẹp, phải là những “hiền nhân”. Bởi lẽ lịch sử nước ta cũng như thế giới đã chứng kiến có một số người tài, thậm chí là thiên tài, nhưng họ đã gây nên cho đồng bào, nhân loại bao nhiêu đau khổ, chết chóc, chỉ vì những kẻ này rất có tài năng, song thiếu đi cái “hiền”, tức là phẩm chất đạo đức, nhân cách, mà tiêu chí hàng đầu là tài năng đó phải đem lại lợi ích cho nhân dân, đồng loại. Nếu thiếu mất cái “hiền” thì tài càng cao bao nhiêu càng gây nên nguy hại cho xã hội lớn bấy nhiêu.

Tài năng được ươm mầm đa dạng trong quần chúng. Do những điều kiện cụ thể của bản thân,gia đình và xã hội, tài năng đó được nuôi dưỡng, vun bón và bộc lộ ra bên ngoài, ở từng con người cụ thể, mọi người biết đến, mà ta thường gọi là nhân tài. Ví như qua các cuộc thi, qua hoạt động học tập, lao động sản xuất... Song những nhân tài đó có phải là “nguyên khí” của đất nước không, thì con phụ thuộc vào điều kiện thứ hai cực kì quan trọng, có tính tiên quyết sau đây. Đó là xã hội, mà cụ thể là Nhà nước cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người tài thực hiện được hoài bảo, nguyện vọng đem tài năng của họ cống hiến cho nhân dân đất nước. Lịch sử nước ta qua hàng ngàn năm nay cho thấy, hầu hết nhân tài đều có phẩm chất cơ bản là muốn cống hiến cho đời: “Phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ), nghĩa là phải có thành quả cụ thể và được xã hội thừa nhận. Song điều kiện tiên quyết thứ hai này đang còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Và đây chính là một tồn tại lớn, làm chậm sự phát triển của đất nước.

Trước hết, đặc điểm tâm lí con người nói chung là có tính đố kị, nghĩa là không muốn cho người khác vượt hơn mình, trong đó có mặt tài năng. Nhưng khác với một số mặt như tiền bạc, danh vọng. . ., tài năng không phải là thứ có thể ban phát, hễ muốn là được, làm sao ai cũng có thể ngang hoặc vượt Anhxtanh, Louis Pasteur, Niutơn, Sêchpia, Lê Quí Đôn, Khổng Tử... Vì thế người tài thường bị những kẻ ghen tị dèm pha, cản trở, không cho họ phát huy, nhất là những kẻ đó lại là đối tượng có địa vị, nắm quyền lực. Bởi thế ông cha ta đã đúc kết thành câu châm ngôn: “Tài mệnh tương đố”, “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Dưới chế độ phong kiến để tránh được tình trạng nói trên, người ta chỉ biết trông mong vào sự anh minh của các vua, chúa. Một là che chở, bảo vệ họ khỏi sự bức hại của những kẻ “ghen tài” và hai là sử dụng, cho họ làm việc để thể hiện và phát huy tài năng. Trịnh Sâm (1739-1782) là vị chúa mà lịch sử đang còn những đánh giá thế này thế khác, nhưng về mặt sử dụng người tài thì ông là một tấm gương đáng học tập. Ví như đối với nhà bác học Lê Quí Đôn, đương thời là một thần đồng, đỗ Bảng nhãn cao nhất nước, mà trong suốt 200 năm chưa có một ai thi đỗ, tài năng văn chương, chữ nghĩa thể hiện ở các tác phẩm khoa học khá đồ sộ của ông, cả đến một số trí thức của Trung Quốc cũng phải thán phục. . . Song thời gian đầu do thấy nhiều triều thần ghen tị, chúa cả nghe chưa sử dụng hết tài năng, nên ông xin nghỉ việc về nhà. Nhưng khi Trịnh Sâm vừa lên ngôi (1767) đã cho vời ông ra phong chức, sử dụng. Đến năm 1775 xảy ra vụ đánh tráo bài thi giữa Lê Quí Kiệt, con Lê Quí Đôn với một thí sinh khác là Đinh Thời Trung, nhiều quan lại trong triều đòi trị tội ông thật nặng . Chúa Trịnh Sâm không nghe lời gièm pha, mà đã bảo vệ và thể hiện sự tin tưởng đối với người tài bằng cách chuyển ông từ chức Bồi tụng sang chức Hành đô ngự sử, là chức quan nhị phẩm triều đình, có quyền can gián vua, chúa và thanh tra quan lại trong cả nước. Những bài thơ của Nhật Nam nguyên chủ, tứcTrịnh Sâm, khắc trên vách đá một số hang động là thắng cảnh ở Thanh Hóa, nhân chuyến chúa tuần hành về địa phương này vào cuối năm 1770 đầu năm 1771, đều thấy ghi người “Phụng tả” (được chúa sai viết chữ) là Cao Bác. Theo luật lệ phong kiến, người được vua, chúa sai làm nhiệm vụ“Phụng tả” phải cung kính ghi rõ họ tên, chức vụ bằng chữ nhỏ xuống dưới. Việc chỉ viết hai chữ “ Cao Bác”, tỏ ra cao ngạo, nhưng vẫn được Trịnh Sâm chấp nhận, chứng tỏ người phụng tả là Lê Quí Đôn, nhân vật có tài năng được chúa trọng vọng. Thời gian này Lê Quí Đôn đang công cán ở Thanh Hóa, nên đã được Trịnh Sâm vời đi theo để cùng xướng họa và viết thơ của chúa khắc lên vách đá để lại cho hậu thế ? Chính trong thời gian chúa Trịnh Sâm còn tại vị, nhờ được ưu ái, trọng dụng, nên Lê Quí Đôn đã biên soạn được một loạt tác phẩm quan trọng như Toàn Việt thi lục năm Cảnh Hưng 29 (1768), Thư kinh diễn nghĩa năm Cảnh Hưng 33 (1772), Vân đài loại ngữ năm Quí Tị, triều Cảnh Hưng (1773), Phủ biên tạp lục năm Cảnh Hưng 37 (1776), Bắc sứ thông lục năm Cảnh Hưng 41 (1780), Âm chất văn chú năm Cảnh Hưng 42 (1781) . . . Danh nhân Ngô Thì Sĩ ( 1726- 1780), quê huyện Thanh Oai Hà Nội, đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Bính Tuất ,triều Cảnh Hưng ( 1766). Ông là người văn chương nổi tiếng, đỗ đầu cả ba khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình và có nhiều tác phẩm thơ văn để lại .Thời gian ông được cử vào chấm thi Hương ở Nghệ An, có kẻ tố cáo, nên bị bãi hết chức tước, đuổi về nhà. Nhưng chỉ ít lâu sau, chúa Trịnh Sâm vào Nghệ An được đọc các trước tác thơ văn của ông mới hiểu ông là nhân tài ,nên cho vời trở lại giữ chức vụ trong triều. Nhờ thế Ngô Thì Sĩ đã sáng tác được nhiều thơ phú có giá trị để lại cho đời, đặc biệt là cuốn :” Đại Việt sử ký tục biên “ chép nối bộ sử “ Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên, từ sau thời Lê Sơ ( đầu thế kỷXVI) đến hết thời Lê Trung Hưng( cuối thế kỷ XVIII).

Nhân vật lịch sử Ninh Tốn ( 1743- 1790), quê ở Tam Điệp Ninh Bình , buổi đầu mới đỗ Hương Cống ,chỉ giữ chức Huấn đạo huyên Yên Mô.Năm Canh Dần triều Cảnh Hưng ( 1770), chúa Trịnh Sâm tuần hành vào Thanh Hoa, đến thăm thắng cảnh Vân Lỗi Sơn ở huyện Nga Sơn. Nhà chúa được đọc bài thơ của Ninh Tốn ca ngợi cảnh đẹp của núi này, tỏ ra quí mến tài văn chuơng của ông Ninh, nhất là thán phục hai câu sau trong bài thơ đó:

"...Hoa thụ các kim cổ

               Thuỷ thạch tự mang nhàn..."

    Nghĩa là :                              " Cây cỏ các loài đều có xưa và có nay

                                          Sông núi tự nó bận bịu và cũng tự nó nhàn nhã.

Đến khi trên đường trở về Thăng Long vào đầu năm Tân Mão ( 1771), chúa Trịnh Sâm liền cho vời Ninh Tốn tới gặp và sai làm thêm một bài văn ca ngợi cảnh đẹp của núi Vân Lỗi, nhan đề là :” Vân Lỗi sơn kí “ khắc lên vách núi , rồi cho ông đi theo chúa về kinh sư nhận chức. Đến năm Mậu Tuất ,triều Cảnh Hưng ( 1778). Ninh Tốn thi đỗ Tiến sĩ và được giao một số chức vụ quan trọng trong triều . Sau khi nhà Lê Trịnh sụp đỗ, Ninh Tốn theo về với triều Tây Sơn và đựơc phong tới chức Binh bộ thượng thư.

 Trịnh Sâm cũng là người đầu tiên phát hiện và sử dụng tài năng của danh nhân Ngô Thì Nhậm (1746- 1803). Sử chép, khi ông Ngô mới đỗ Hương cống thì Tỉnh Hải Dương đang khuyết chân Phó hiến sát sứ .Triều đình đề cử một người có tên là La Thăng, nhưng chúa Trịnh Sâm không nghe , sai đưa các bài thi ra xem ai có tư tưởng , kế sách đúng đắn, có thể bình định được loạn lạc đang nổi lên ở tỉnh này. Nhà chúa thấy bài thi của Ngô Thì Nhậm có câu :” Đánh vào chỗ yếu ,bỏ ngõ chỗ mạnh. Chỗ yếu vỡ tất các chỗ khác cúng vỡ theo …”, bèn quyết định giao chức Hiến sát sứ Hải Dương cho Ngô Thì Nhậm. Sau đó ông Ngô đỗ Tiến sĩ và được chúa giao giữ nhiều chức vụ chủ yếu trong triều. Khi triều Lê Trịnh sụp đỗ , Ngô Thì Nhậm bị những kẻ phản loạn truy bức. Ông phải trốn tránh một thời gian và sau theo về với nhà Tây Sơn và đã đem tài năng văn chương, ngoại giao ,quân sự … của mình để góp phần đánh thắng quân Thanh xâm lược ,được vị anh hùng dân tộc Quang Trung đánh giá ngòi bút của ông Ngô bằng sức mạnh cả hai chục vạn quân thù!

Đặc biệt trường hợp Lương Giản, người Thanh Hóa đỗ Hương cống, đã can dự vào vụ cướp ngục giải thoát cho Thái tử Duy Vĩ vào năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771), bị chúa Trịnh Sâm khép tội tử hình, nhưng ông Lương trốn thoát. Song chỉ ít năm sau đó thấy Lương Giản có tài, chúa Trịnh Sâm chẳng những đã tha tội, mà còn cử làm sứ thần quan hệ với chúa Nguyễn và Nguyễn Nhạc Tây Sơn ở đàng Trong (1. Trịnh Sâm còn có ý kiến rất hay, cho rằng người tài như Ngô Thì Nhậm thường bị kẻ khác ghen ghét. Các vua, chúa phải biết bảo vệ, biết trọng dụng thì tài năng của họ mới được phát huy. Nhà chúa nói : “ Ta nuôi ngươi như nuôi tuấn mã. Tuấn mã hay đá, hay cắn làm người ghét, nhưng sức chạy ngàn dặm, nếu không có người cầm cương giỏi thì không chạy hết sức. Còn loại ngựa tồi thì mặc người sai khiến, ai mà chẳng yêu, nhưng ăn no mà nằm chuồng chỉ tốn rơm cỏ thôi!”(2). Ý kiến trên đây của một vị chúa phong kiến biết sử dụng người tài, có thể cho hậu thế chúng ta rút ra mấy nhận xét sau : Dân gian thường nói “ người tài lắm tật”, hoặc“lập dị”, thực ra là người tài thường có nét khác biệt về cá tính, cụ thể là họ không thích xu nịnh, luồn cúi trước những kẻ có quyền lực, biết tự đánh giá, nói thẳng ý kiến độc lập của bản thân, thờ ơ với những gì bên ngoài không liên quan đến điều họ đang suy nghĩ, nung nấu và xem việc được hoạt động, đem tài năng cống hiến là nguyện vọng cao cả nhất, là lẽ sống của bản thân... Họ mong mỏi có những bậc “minh chủ”, biết bỏ qua một số“tật” khác người thường nói trên, tin tưởng và cho họ được đem hết tài năng để thi thố.... Danh nhân lịch sử Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), thời Trần, hiệu là Giới Hiên, được lịch sử nước ta công nhận là nhân tài. Nhưng ông có bài thơ viết về mình, nên người ta cho rằng tự kiêu. Thậm chí còn có người qui kết là người tài có khuyết tật chung “tự kiêu” . Bài thơ đó bằng chữ Hán, dịch Nôm như sau:

                                   “Giới Hiên là của quí triều đình

                                     Chí lớn nuôi từ thuở thiếu sinh

                                     Tuổi mới hai mươi hàng Tiến sĩ

                                     Vừa tròn mười sáu đỗ thi Đình

                                     Hai mươi bốn tuổi làm quan Gián

                                     Hăm sáu đà đi sứ Yên Kinh (Bắc Kinh)”.

Đúng là Nguyễn Trung Ngạn thi đỗ Hoàng giáp mới 16 tuổi, trẻ nhất khoa thi, được chinh sử mệnh danh là thần đồng, 24 tuổi được phong chức Gián quan có quyền can gián vua, hạch tội các quan sai phạm, 26 tuổi làm chánh sứ sang bang giao với Trung Quốc. Đó là tài năng đích thực do ông đánh giá về bản thân, mà không hề chê bai, hạ thấp một ai, sao lại bảo là “tự kiêu”? Trạng nguyên Nguyễn Hiền thời Trần đỗ Trạng mới tuổi 12, trẻ nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, cũng bị qui là “tự kiêu”, khi ông trả lời vua rằng mình học giỏi là do tự học lấy, có chữ không hiểu thì hỏi nhà sư chùa làng. Trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi (1280-1350) có tài nhưng vì diện mạo không đẹp, nên bị nhà vua truất không cho đỗ Trạng. Ông đã làm bài phú “Ngọc tỉnh liên”, ngụ ví mình như sen trong giếng ngọc, để vua biết thực tài lấy đỗ, sử dụng. Như vậy những người tài có một phẩm chất là biết tự đánh giá về mình, mà xưa nay xã hội vẫn hiểu nhầm đó là tính khoe tài, kiêu căng! Như vậy người tài thường có những nét cá tính đặc biệt, khiến người khác hiểu nhầm và kẻ đố kị vin vào đó để cản trở họ phát huy tài năng. Những người được xem là “minh chủ” chấp nhận những nét cá tính của người tài, biết bảo vệ, tin tưởng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ phát huy tài năng và điều quan trọng là biết đem những thành quả do người tài tạo ra phục vụ cho lợi ích của dân tộc, đất nước. Một điều kiện hết sức quan trọng nữa trong việc bồi dưỡng, giáo dục, sử dụng nhân tài là phải bảo đảm cho họ được hoàn toàn tự do sáng tạo để làm ra sản phẩm cho xã hội. Tất cả những kiểu bày vẽ, chỉ giáo, uốn nắn theo ý chủ quan, đều làm thui dột tài năng, bắt người tài từ bỏ những gì độc đáo tạo nên taì năng của họ, để quay lại cái “bất tài” của người bình thường và trong thời đại hiện nay việc làm này là có tội, bởi rằng nếu không, những tài năng đó đã mang lại những thành quả, lợi ích cho nhân dân, đất nước và có thể cho toàn nhân loại. Đúng “hiền tài” là “nguyên khí” quốc gia. Song để chân lí trên trở thành hiện thực thì một mặt nhân tài phải là “hiền tài” và xã hội, nhà nước hiện đại phải trở thành những “minh chủ”, thông qua việc thực hiện các qui định bằng pháp luật về nhiệm vụ “phát hiện và sử dụng nhân tài”. Người tài được bảo vệ như loại tài sản quí của xã hội và việc ta quen gọi là “giáo dục”, “bồi dưỡng” nhân tài chỉ là tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho tài năng của họ hoàn toàn tự do phát huy, để cống hiến được nhiều cho lợi ích của nhân dân và sự phát triển xã hội.

.................................................................................................................

(1)                        Đại Việt sử kí tục biên (1676-1789)- UBKHXH Hà Nội 1991- Tr. 347,419,421.

(2)                        Trần Thị Băng Thanh – Ngô Thì Nhậm một tấm lòng tiền chưa viên thành – Tạp chí Hán Nôm số 3 (58)- Tr. 9.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114526916

Hôm nay

2114

Hôm qua

2454

Tuần này

21466

Tháng này

213612

Tháng qua

0

Tất cả

114526916