Cuộc sống quanh ta

Lê Lựu - Nguyễn Minh Châu - đồng cảm và im lặng

  LTG: Các nhà văn Việt Nam, đặc biệt những người đã qua các cuộc chiến tranh vệ quốc thường có tình cảm khá chặt chẽ và khăng khít với nhau. Ngoài những đồng cảm về văn chương, ở họ, dường như còn có những đồng cảm về thời cuộc, về đời sống xã hội, những dằn vặt lo lắng về con người. Trong số những nhà văn như thế, ít ai biết đến tình cảm và những biểu hiện sâu sắc giữa Lê Lựu và Nguyễn Minh Châu. Là người sinh sau thế hệ các ông, bằng những hiểu biết thông qua tiếp xúc và cảm nhận tình cảm của hai người dành cho văn chương và cuộc sống, tôi viết lên những suy nghĩ của mình về hai nhà văn.

Báo giới dường như nhắc quá nhiều đến cặp bài trùng nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Trần Đăng Khoa mà ít ai nói đến mối quan hệ sâu sắc giữa Lê Lựu và Nguyễn Minh Châu. Trong thực tế đời sống, những lúc còn lại một mình trong im lặng, thường Lê Lựu nhớ và nghĩ nhiều đến một nhà văn đàn anh là Nguyễn Minh Châu. Điều này, chỉ những ai thật tinh ý gần gũi ông mới thấy rõ. Đó cũng là một trong những nét riêng đặc trưng của Lê Lựu.

Quan hệ của nhà văn Lê Lựu với  nhà văn Nguyễn Minh Châu khá đặc biệt. Lê Lựu rất kính trọng nhà văn đàn anh cả về sáng tác và nhân cách sống. Đã nhiều lần tôi được Lê Lựu nói chuyện về Nguyễn Minh Châu, ông không nói theo cách nhận xét bình phẩm con người hay tác phẩm hoặc tác phong ăn ở sinh hoạt mà ông nói đến những gì xa hơn, sâu sắc của những khách văn chương trước cuộc đời. Lê Lựu nói đại ý rằng ngòi bút Nguyễn Minh Châu là ngòi bút hiện thực. Ông chưa bao giờ khoan nhượng trước cái xấu, cái ác và ngòi bút ông, ở một phía nào đó đã tuyên chiến, xung phong đương đầu trực diện với nó, phơi nó ra một cách đầy ý thức. Ông bảo vệ cái thiện vốn đôi khi ngu ngơ, yếu ớt và đầy sơ hở trước cái ác, cái xấu  lúc nào cũng mưu mô quỷ quyệt quá chừng. Những sáng tác đặc sắc của Nguyễn Minh Châu phải là ở thời kỳ sau này với những: “Khách ở quê ra”, “Phiên chợ Giát”, “Bức tranh”, “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”  mới biểu hiện rõ ràng nhất tài năng văn chương của ông. Phiên chợ Giát hôm nay đâu đó vẫn còn lão Khúng, vẫn là những ông bà nông dân khu Bốn với bản tính lương thiện của mình, họ bè bạn với những con trâu, con bò, bè bạn với cái cầy, lưỡi cuốc trên đồng đất của mình, vật lộn mưu sinh với đói nghèo truyền kiếp và lương thiện. Chao ôi, nhân vật của Nguyễn Minh Châu lương thiện lắm, sự lương thiện nguyên sinh sẽ không bao giờ cái xấu, các ác vùi dập được. Các nhân vật nông dân của nhà văn đã chứng minh như thế. Chợ Giát hôm nay vẫn họp phiên, vẫn vá víu những rách lành, vẫn lam lũ những trâu bò, những thân phận mà ông đã nhìn thấy từ trước đó, chỉ ông là đã đi xa…

Lựu im lặng, những ngày cuối cùng của Nguyễn Minh Châu Lê Lựu hay đến trò chuyện với ông anh. Trong cuộc sống đã có lúc Lê Lựu làm phật ý ông anh hoặc chưa hiểu hết ý ông anh như việc khi Lê Lựu làm trưởng ban Văn xuôi của tạp chí Văn nghệ Quân đội bắt gặp một truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Minh Châu đã định cho in ngay. Với linh cảm riêng của mình, Nguyễn Minh Châu yêu cầu lấy lại thiên truyện đó, Lê Lựu giở ngay bài nông dân chủ nghĩa em in em chịu cả, cứ coi như anh không biết gì. Đây anh cứ ngồi đây, em sẽ viết một lá thư rồi lát nữa để vào hộp thư của anh. Lá thư có nội dung rằng anh đi công tác xa, em thấy cái truyện hay quá lên em đã trình in mà không xin phép tác giả, như thế mọi chuỵên em phải chịu trách nhiệm. Ông anh, tức nhà văn Nguyễn Minh Châu nhìn cậu em bướng bỉnh thủng thẳng: “Cậu chịu trách nhiệm thế chó nào được” và bỏ đi mặc Lựu ta ngơ ngác. Văn chương là thế. Cuộc sống là thế. Những nhà văn có nhân cách sống với nhau đôi khi rất khác thường.

Hôm tôi làm phim chân dung về nhà văn Nguyễn Minh Châu có xin phép đến phỏng vấn Lê Lựu, Nhà văn bảo tôi: “Ai chứ bác Châu thì cậu cứ đến đây. Mà này, cậu nên phỏng vấn Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh, thằng Đỉnh nó  biết nhiều về bác Châu đấy. Bác Châu gần Nam Cao lắm. Ơi giời ơi cái thằng như tao lại cứ sống nhăn nhở mãi mà bác Châu mất sớm thế. Bác ấy là một tài năng văn xuôi của Việt Nam không dễ thời nào cũng có đâu”. Hôm ấy, tôi đến, Lê Lựu đã chỉnh tề lắm. Tất nhiên là ngắm đi ngắm lại mấy cái caravat đỏ đặc sỡ và hớn hở cười trong gương. Lê Lựu bảo: “Gượm gượm một tý cho tao trải cái tóc” và ông xoa xoa tay vuốt những lọn tóc xoăn vô tổ chức trên cái đầu bò đầu bướu. Hồn nhiên trước ống quay và diễn rất có nghề nhưng khi nói về bậc đàn anh của mình có không ít đoạn ông rất trầm xuống. Ông bảo đã từng đi chiến dịch với nhà văn Nguyễn Minh Châu, đi cắp tráp học thầy. Vào chiến trường, đi bám sát các trận đánh, bám sát dân công, bộ đội hành quân. Lê Lựu hớn hở ghi ghi chép chép đặc kín các quyển sổ mà chẳng thấy thầy động tĩnh gì. Nhiều ngày, nhiều chuyến đi diễn ra liên miên ở Trường Sơn như thế. Lê Lựu ngạc nhiên thắc mắc nhưng không dám hỏi, lại càng không dám giục thầy ghi chép. Không ít lúc, thầy Châu cứ khìn khịt ngủ trên võng, mặc kệ nhưng ồn ào đang diễn ra ở xung quanh. Thế mà thật lạ lùng, khi trở về, những gì Lê Lựu ghi chép cẩn thận lại không đưa được vào các tác phẩm một cách sống động. Nó rời rông rổng, nhăn nhở cười gã phù thuỷ non tay quyết và còn lạ lùng hơn nữa khi những gì ghi chép tỉ mỉ ở trong sổ của mình không biết bằng cách nào lại vào những trang văn của bậc đàn anh nhuần nhuỵ sâu sắc và ám ảnh. Lê Lựu phục sát đất tài năng của ông anh.

Cho đến lúc ấy tôi mới vỡ lẽ thêm ông rất hiểu Nguyễn Minh Châu. Có nhà văn đã hiểu nhau là hiểu rất sâu. Trong các sáng tác, Lê Lựu và Nguyễn Minh Châu gần nhau ở cái cách mô tả người nông dân trong chiến tranh và hòa bình sau này. Người nông dân của Nguyễn Minh Châu là người nông dân lam lũ  khu bốn còn người nông dân của Lê Lựu và người nông dân châu thổ sông Hồng. Cái sự gần nhau nhất trong hai giọng văn không thể lẫn được vào nhau này là trong tác phẩm là hai ông đã thời sự hóa những vấn đề thuộc về vĩnh cửu và vĩnh cửu  hóa những vấn đề thuộc về thời sự mà các nhà văn khác không nhìn ra, có thể nhìn ra nhưng không có cách nào đưa vào văn chương được. Đó là khả năng đọc đời sống đến tận tầng bản chất cuối cùng của nó của các ông, những bậc tài danh trong văn chương nhưng lận đận khù khờ trong cuộc sống. Ông luôn tuân thủ nguyên tắc viết phải thật, sự thật vừa là đeo đuổi vừa là ám ảnh một đời cầm bút. Thế mà sự thật dường như ngày càng khó nắm bắt thì phải. Nó là cái quái quỷ gì thế nhỉ? Chỉ biết là nó rất đau đớn, rất khổ tâm, dằn vặt  hai nhà văn suốt cuộc đời. Nguyễn Minh Châu dường như sớm ngộ ra điều đó hơn ông em. Có lần ông anh bảo: “Này, xem ra trí nhớ của Lựu có vấn đề. Các sáng tác của cậu ấy mà, cứ như  là có vấn đề gì về trí nhớ. Phải cố mà nhớ lấy, nắm bắt lấy chứ, ai lại thế”. Ông em nhăn nhở cười: “Anh ạ, chả có vấn đề gì sất. Trí nhớ của em rất tốt, gõ vào kêu coong coong đây này”. “Đấy, cậu hỏng là thế đấy, trí nhớ mà kêu như chuông thế là bỏ mẹ rồi Lựu ơi”.

Tôi chưa bao giờ thấy Nhà văn Lê Lựu khóc nhưng tấm lòng mến yêu của tôi cảm nhận được không ít lần ông đã để những giọt nước mắt thân phận chảy vào trong. Lần này cũng vậy. Tôi biết ông nói về Nguyễn Minh Châu cũng chính là nói về thân phận những con người, thân phận những tài năng. Tại sao tài năng thường hay lận đận, khốn khổ trăm bề thậm chí như là bị đọa đày, thị phi quá thể. Hay là có ai khuất lấp hãm hại hiền tài. Hay là hễ có tài thì phải đương đầu với đố kỵ, mánh lới, dốt nát, ma qủy chăng. Cuộc đời Nguyễn Minh Châu và cuộc đời Lê Lựu có điều gì giống nhau không? Tôi tin là có vì một lẽ cả hai đều rất thiện, cả hai đều duy mỹ và cả hai đều sống chân ghét giả, căm thù giả dối, đặc biệt là đạo đức giả.  Lúc ấy, Nguyễn Minh Châu hỏi ông em mà như hỏi vào khoảng trống rằng tại sao có những người lính chỉ biết im lặng, cứ lầm lũi phát rẫy, đào hầm làm lán và đánh giặc, không hay nói, không thạo nói, chỉ biết đỏ mặt và ngượng, họ quen im lặng như đất cát, họ vô cùng đông đảo trong số anh em bộ đội mình, họ xuất thân từ đâu, họ cần gì. Không đợi ông em đang ngồi đuỗn ra trả lời, ông nói luôn, ấy là những người con ra đi từ làng quê bình dị và khiêm tốn. Họ từ đồng ruộng quê hương đến với với chiến tranh thoạt tiên còn xa lạ nhưng dần dà trở thành thân thuộc sau khi để lại cả một thời trai trẻ của mình. Đó chính là những xương những thịt làm nên cái cốt lõi, cái bắt đầu cho trí tưởng tượng của nhà văn.

Hôm ấy, Lê Lựu dành cho tôi và anh em phóng viên truyền hình gần một tiếng đồng hồ. Đối với truyền hình phải tính toán từng giây phút nhưng hôm đó tôi đã không ngắt lời ông, càng không đề nghị ông nói ngắn lại vì tôi cảm nhận ra tình cảm khác thường của ông với Nguyễn Minh Châu, thực ra ông nói về bác Châu để mà nói đến những thứ khác trong đời sống xã hội. Khi ấy, tôi bỗng bàng hoàng nhận ra một điều rằng, những con người, những nhà văn, những minh chứng thời đại như Nguyễn Thi, Thu Bồn, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, lớp đàn em như Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường… đang thưa dần, đang dần dà bị ông vạn năng lạnh lùng làm cái công việc của ông ấy mà thấy cái nhỏ nhoi của một kiếp người càng bỗng trỗi lên một tình cảm thật riêng, yêu thương, kính trọng và cả lực bất tòng tâm của lớp người trẻ chúng tôi thật khó bề cáng đáng những trọng trách cầm bút và làm người./.

Nguồn: phongdiep.net

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114526916

Hôm nay

2114

Hôm qua

2454

Tuần này

21466

Tháng này

213612

Tháng qua

0

Tất cả

114526916