Người xứ Nghệ

Hoàng Ngọc Hiến – nhà phê bình triết luận

Thế là anh Hoàng Ngọc Hiến đã ra đi, để lại niềm thương tiếc cho đông đảo nhà văn và trí thức Việt Nam hiện nay mà anh vốn là người bạn, người anh, người thầy và đồng nghiệp. Anh là người sống rất khoa học, chăm lo thể thao thường xuyên, tôi vẫn nghĩ rằng anh chưa đi sớm thế. Mấy năm gần đây thấy anh có vẻ già đi, nhưng tư duy của anh chưa hề có dấu hiệu gì lão hoá cả. Anh là nhà giáo, nhà phê bình, nhà dịch thuật, nhà triết luận. Người như anh không có nhiều. Nhiều cuộc hội thảo mời được anh tham gia là một thành công.

Tôi quen biết anh Hoàng Ngọc Hiến đã gần nửa thế kỉ nay, kể từ ngày vào dạy trường Đại học sư phạm Vinh. Anh là người nghiêm túc đồng thời là người hay đùa tếu, vui nhộn. Tôi nghĩ, những người lao động trí óc thật sự sáng tạo lúc nào cũng cần sự vui nhộn như một cách để tháo thoát khỏi những lề thói, công thức, giáo điều cứng nhắc trong tư tưởng. Anh Hiến cũng thế. Khi còn ở trường Vinh, chúng tôi bao giờ cũng hưởng ứng với các trò đùa của anh. Bây giờ ngồi viết những dòng này, hình ảnh anh với giọng nói, nụ cười, ánh mắt chế giễu vẫn còn hiện lên sắc nét, sống động. Cuộc đời học thuật của anh đại thể có thể chia làm ba đoạn. Đoạn làm giảng viên đại học sư phạm Vinh (1964 – 1973), anh là chuyên gia về văn học xô viết, đặc biệt là Mayakovski, Gorki. Đoạn chủ nhiệm khoa rồi giảng viên trường viết văn Nguyễn Du (1974 – 1993) chủ yếu là nghiên cứu thể loại văn học và phê bình văn học. Với cương vị là người phụ trách và giảng viên anh đã thổi luồng tư tưởng đổi mới vào cho các nhà văn học viên. Với tư cách nhà phê bình anh cổ vũ các thành tựu văn học đổi mới. Đoạn sau khi rời trường viết văn Nguyễn Du (từ 1994) anh thiên về nghiên cứu văn hoá, triết học và văn hoá so sánh. Ở đoạn này anh có hoài bão nêu ra, giải đáp một số vấn đề căn cốt cho đời sống văn hoá đương đại. Đoạn nào anh cũng có những đóng góp và giai thoại đáng nhớ. Riêng về lĩnh vực phê bình văn học anh có những dấu ấn mà người ta không thể quên.

Hoàng Ngọc Hiến xuất thân từ nhà giáo cấp 3, sau khi bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Nga, anh trở thành nhà nghiên cứu văn học, sau khi về hưu anh dần dần chuyển sang nghiên cứu triết học, văn hoá, so sánh văn hoá. Anh xuất hiện lần đầu trên văn đàn với bài viết Triết lí Truyện Kiều viết trong dịp kỉ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du (1965), đăng Tạp chí Văn học số tháng 2 năm 1966, trong đó anh đối lập triết lí thể hiện bằng khái niệm (trí tuệ của trí tuệ) với triết lí thể hiện trong hình tượng (trí tuệ của trái tim), cho thấy bài viết của Hoàng Ngọc Hiến có một khái niệm lí thuyết làm cốt lõi. Cốt lõi lí thuyết của bài ấy là quan niệm Hình tượng văn học bao giờ cũng rộng hơn tư tưởng, một quan niệm mới của Liên xô đầu những năm 60. Từ đó cho đến cuối đời, bài viết của anh bao giờ cũng dựa vào một khái niệm lí thuyết nào đó. Có thể anh không ham trích dẫn nguồn lí thuyết mà anh dùng, song bài viết nào cũng lấy một khái niệm lí thuyết có nguồn gốc hẳn hoi làm cơ sở. Tư duy triết luận khiến anh xa lạ với lối phê bình theo ấn tượng. Đó là nét đặc sắc của anh trong phê bình khiến anh ngày càng đi sâu vào triết lí, văn hoá.

Nhìn lại nhiều bài phê bình của anh, dù phê bình tác phẩm của Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, truyện Tấm Cám, trường ca Đam Săn, kịch Ơđíp, truyện ngắn, tiểu thuyết của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng anh đều tập trung vào các giá trị nhân đạo, nhân bản, hiện thực, bản sắc dân tộc. Thiên hướng phê bình triết lí cua anh là rất rõ rệt. Khi đọc một tư tưởng nào Hoàng Ngọc Hiến cũng cố gắng thể hiện cách hiểu lại của riêng mình, giúp người đọc hiểu cụ thể thêm tư tưởng ấy. Chẳng hạn tư tưởng của Mác: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do cho mọi người.” được anh hiểu qua ước mong của nhân vật San trong Sống mòn của Nam Cao là “phát triển cho tận độ”cá tính của mình. Nhiều trường hợp anh phải đặt ra khái niệm để khái quát đặc điểm của đối tượng. Đó là trường hợp anh gọi đặc điểm của văn học của ta thời đó là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, nhiều người chạm nọc giẫy nẫy lên, phản bác lại anh, song khái niệm ấy đã nói được một tính chất khá phổ biến của nó, mặc dù sự lập luận trong bài viết có chỗ chưa giàu sức thuyết phục. Tiếp tục suy nghĩ về văn học cách mạng anh đưa ra lí thuyết “âm dương”, nghe có vẻ trái khoáy, song nghĩ kĩ, lại cũng có phần có lí của nó. Khi phê bình sáng tác của Tạ Duy Anh, muốn gọi tên cái khuynh hướng văn học mà sáng tác ấy tiêu biểu, anh không ngần ngại gọi đó là “văn học bước qua lời nguyền”. Tên gọi ấy có ý nghĩa như một biểu tượng cho khuynh hướng văn học muốn vượt qua các giới hạn cấm kị một thời. Nghiên cứu tình trạng học vấn không lấy gì làm sâu sắc của đông đảo trí thức Việt Nam Hoàng Ngọc Hiến lại gọi họ bằng khái niệm “trí thức bình dân”, ngẫm ra cũng đúng, bởi rất hiếm người có ý chí hoặc được tạo điều kiện để vươn lên thành những nhà tư tưởng và văn hoá có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Có thể khái quát ấy phù hợp với thực trạng của thời đại thiếu vắng những nhà văn hoá lớn như có người nhận xét. Như vậy, tìm khái niệm, cụ thể hóa khái niệm, đặt ra khái niệm mới, tên gọi mới để đóng đinh các hiện tượng văn học, văn hoá, giúp mọi người cùng nhớ và suy ngẫm là một thao tác phê bình rất thành công của Hoàng Ngọc Hiến. Có lần anh Hiến nói với tôi rằng đó là lối “phê bình định vị”, có thể không cần phải phân tích nhiều, không cần lắm lời, hoặc lời chỉ đóng vai trò diễn giải nhất định, công phu chủ yếu là đặt ra những cái tên có giá trị phân biệt, phân loại, xếp loại, làm cho hiện tượng được nói đến, một khi đã được cấp cho tên gọi rồi thì không cách gì chạy thoát khỏi cái tên đó.

Để mài sắc vốn liếng lí thuyết của mình, anh Hoàng Ngọc Hiến đọc rất nhiều sách, đọc kĩ, đọc rộng, đặc biệt là đọc những sách mà người cùng thời ít chú ý. Từ những năm 70 anh đã đọc Giải thích giấc mơ của Freud, lí thuyết thông tin, kí hiệu học, văn hoá trung cổ. Biết mình không sở trường về văn hoá Trung Hoa anh đã đọc Lisevich và các tác gia phương đông học xô viết, rồi sau này đọc F. Jullien, nghiên cứu văn hoá Việt Nam, anh bắt gặp khuynh hướng nghiên cứu so sánh văn hoá Đông Tây.  Có kiến thức rộng người ta mới thoát khỏi sự lệ thuộc vào một lí luận nào đó. Kiến thức rộng là nền tảng để anh Hoàng Ngọc Hiến có những nhận định sắc sảo về văn học và văn hoá, khác với mặt bằng chung.

Hoàng Ngọc Hiến không chỉ là nhà phê bình có tư tưởng độc lập, mà còn là nhà phê bình có nét tinh quái. Anh có lần nói với tôi, trong các bài phê bình của mình anh thường để hớ một vài chỗ nho nhỏ như là gài sẵn cái bẫy, hể ai bộp chộp vớ lấy để phê bình anh, thì sẽ bị anh quật lại với những lí lẽ đã chuẩn bị sẵn, như thế anh không bao giờ bị thua trắng. Không biết là anh nói đùa hay thật. Nhìn lại một vài cuộc tranh luận xung quanh bài vở của anh trên báo chí, hình như điều ấy là có thật. Dĩ nhiên nhiều trường hợp, lời lẽ của anh cũng khá mềm mỏng và nhã nhặn, không hề bốp chát, và các cuộc tranh luận kiểu ấy cũng chóng vánh kết thúc. Một chút tinh quái có lẽ là một cách tự vệ.

Nhưng anh Hoàng Ngọc Hiến không chỉ là nhà phê bình văn học. Trước lúc ra đi anh còn kịp để lại một di sản nghiên cứu văn hoá học, một “nhà triết luận văn hoá” rất sắc sảo và thiết thực đối với Việt Nam vừa mới xuất hiện trong trước tác của anh trong những năm gần đây(Xin xem phần I, Tác phẩm chọn lọc, nxb. Hội nhà văn, H., 2008). Tôi tin rằng với thời gian di sản nghiên cứu văn hoá này của anh sẽ được dư luận chú ý.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528614

Hôm nay

2270

Hôm qua

2291

Tuần này

2887

Tháng này

215310

Tháng qua

0

Tất cả

114528614