Đất Nghệ

Làng quê yêu dấu

(VHNA): Nhà văn Nguyễn Đức Thọ người xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An sinh 27/07/1955 mất 13/03/2001 được đánh giá là một nhà văn có tài có tâm. Những trang viết của anh gắn liên với hai vùng đất, Xứ Nghệ quê hương anh và Xứ Đồng Nai miền đông Nam bộ nơi anh dạy học và viết văn. Anh mất đi để lai 9 tập văn xuôi gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký thơ và kịch bản phim. Văn của anh nổi tiếng với những dòng bút ký sông động tình người tình đất được tập hợp trong các tập “Nhân chứng thiên nhiên”, “ Hồi ức làng tre”.  Đặc biệt trong văn của anh đậm đặc một chất Nghệ chất quê hương, nơi đã sinh ra anh. Nhân dịp 10 năm ngày mất của anh, xin giới thiệu một bài ký mà anh đã viết dành cho quê hương Nghệ An yêu quý.

                                                                                                      

Tôi theo cha mẹ đi xa làng từ nhỏ. Lâu lâu mới có dịp về thăm quê, lần nào về, tôi cũng có cảm giác không muốn rời xa nơi ấy nữa…

       Nơi ấy có bến sông lũ trẻ tắm, những đêm trăng mùa hè sáng trưng như ban ngày. Nơi ấy có mùa kéo mật, tiếng che gỗ nghiến mía râm ran lũy tre già, vòng tròn con trâu quay xung quanh tưởng chừng như bất tận. Nơi ấy có tiếng rao của chị hàng nước hến ngọt lịm từ tuổi thơ đến mãi bây giờ. Nơi ấy có mùi rươi thơm nức mũi, và tôi đã từng hào hứng mang theo những chai mắm rươi lên tàu hỏa, lên máy bay ra Bắc vào Nam làm quà biếu cho bạn bè. Chút quà quê, Khi họ ăn ngon miệng, khen nức nở, không hiểu sao lòng dạ cứ sướng rân: "Đặc sản làng tôi đấy, ngày xưa bà nội tôi muối rươi còn ngon hơn thế nhiều. Tiếc rằng bà tôi đã mất rồi."

        Con sông Lam mùa lụt mỗi năm lại vặn mình, tự ý làm những cuộc sắp đặt "thương hải biến nhi tang điền" như người xưa vẫn nói. Bến sông đã lở, chợ Tràng đã lở, mái đình cây đa giếng nước cũng đã lở xuống sông, làng tôi dời vào trong đê. Bãi bồi mênh mông, tuổi thơ tôi chạy chơi mỏi cẳng, giờ đây chỉ còn là những luống cà, luống đậu mọc loe hoe ven mép nước sóng vỗ ì oạp Có thể nói dòng sông đã cuốn làng trôi vào dĩ vãng nhưng người đi xa vẫn còn nguyên vẹn một làng quê yêu dấu trong tâm tưởng. Biết làm thế nào, con sông bên lở bên bồi làng tôi không may ở vào bên lở!

      Ở làng tôi còn một người bác ruột đã ngoài tám mươi. Ông là người kiên trì bám quê nhất dòng họ. Chỉ bằng nghề thuốc Đông y gia truyền mà ông nuôi đủ chín người con phương trưởng. Các anh chị sống ở Thủ đô cũng có ở Vinh cũng có nhưng ông chỉ muốn ở làng không muốn theo người con nào cả. Thời trai trẻ, ông đã có những chuyến tha phương tìm kế sinh nhai khắp xứ Đông Dương nhưng rồi lại vội trở về làng. Chúng tôi đùa ông là người có nhiều cơ hội trở thành Việt kiều nhưng không đủ dũng khí xa rời cây đa bến nước sân đình. ông chỉ cười khẩy, nụ cười thường thấy trên môi những vị túc nho. Giữa thời đại điện tử này, lời ông nói vẫn chen câu chữ Thánh hiền; 
- Không có cái chữ Nho là không thành nhân tính. Các anh xem ông cha ta bao đời vẫn trọng cái đạo Nho. Để mất chữ Nho coi chừng mất hết lẽ đời. 
     Lúc trà dư tửu hậu, ông phản ứng chúng tôi bằng thái độ coi thường những kẻ vọng ngoại. Theo ông người Việt có đầy đủ phẩm chất cao quí mà tạo hóa ban phát, người nào cũng có thể làm nên danh phận nếu biết chăm lo học hành làm ăn. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, một đời bác tôi vẫn cắt thuốc bằng chiếc dao cầu rèn đầu thế kỷ XIX do ông nội để lại, lưỡi dao đã mòn vẹt như một vành trăng khuyết, vẫn chiếc mai rùa đã ngã màu thời gian trắng bạc. Và trên tủ thuốc các ô thảo dược vẫn được ghi chú bằng thứ chữ Nho chân phương viết bằng bút lông với thứ mực mài cẩn thận trong nghiên đá. ông có thể làm giàu, rất giàu bằng tài năng và uy tín nghề nghiệp nhưng ông không dám. Vì giống như con chim bị đạn sợ làn cây cong, trong đời có ba lần đổi tiền thì ba lần gặp rắc rối, bị tạm giữ, bị khám nhà, bị nghi ngờ là thành phần có khả năng trở thành tư sản. Khổ vậy, ở một làng quê nghèo khó, có khả năng làm giàu cũng là một cái tội. ông cứ dạy con cháu nhất nghệ tinh nhất thân vinh nhưng tôi biết không ít lần ông từng nuốt âm thầm cái nhục vào trong dạ.

          Tôi về quê, ông thường dành thì giờ không tiếp bệnh nhân đưa đi chơi khắp làng. Càng đi càng thấy mừng cho ông, người làng gặp trên đường đều chào bác tôi rất cung kính. Bao nhiêu năm làm thuốc dù đời chìm khuất trong góc làng hẻo lánh nhưng tiếng tăm nghề nghiệp của ông đã bay xa khắp nơi. Bệnh nhân của ông có người là quan chức cao cấp từ Hà Nội đưa xe con về tận nơi đón ông đi bắt mạch bốc thuốc, có cả ông Tây bà đầm tìm đến mang theo phiên dịch, có cả diễn viên điện ảnh nổi tiếng dĩ nhiên ở cái làng quê này còn ai chưa một lần uống thuốc của ông. Tiếng lành đồn xa, mỗi khi ông ra Bắc vào Nam thăm con cháu, ghé qua nhà ai là trong chốc lát đã có người chìa tay xin nhờ ông bắt mạch kê đơn Thật đáng tiếc con cháu thế hệ chúng tôi chẳng ai có thiên hướng nối nghiệp. Tất cả sau bao năm lo ăn học xong, lao ra chốn thị thành, tất cả cố tìm cách chui vào biên chế Nhà nước để thành công chức hưởng lương ba cọc ba đồng. Một thế hệ coi như không hề biết đến nhữ Nho và những bài thuốc gia truyền có thể cứu nhân độ thế… Chao ôi, nếu cho tôi làm lại cuộc đời, có lẽ tôi sẽ học chữ Nho và làm một ông lang vườn. Chắc chắn cuộc sống sẽ an nhiên và tự tại hơn là làm một nhà văn bất tài như hiện tại, luôn bị ám ảnh về một thiên chức quá xa vời, luôn bị dằn vặt bởi những điều mình viết ra không thấu đáo bằng những điều mình nghĩ, luôn bị mặc cảm muốn tồn tại thì viết còn phải biết lách. Cứ lách, lách mãi thành quen, thành tật, thành bệnh khi nào không biết nữa. Có gì buồn hơn khi mình đọc lại mình, đọc lại những trang văn chẳng thể tất nhân tình mà luôn làm ra vẻ cao đạo ưu thời mẫn thế…

 
      Có một dịp ông bác đưa tôi ghé vào thăm nhà thờ họ Trần mới được trùng tu lại năm 1973, ngay khi vừa ký kết Hiệp định Paris. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên ở làng tôi được trùng tu sau chiến tranh nhưng được bảo vệ cẩn mật vì từ sau năm 1985, trong nhà thờ này có lưu giữ pho tượng quý Ngài Lê khôi, vị danh tướng thời Hậu Lê, chú ruột Vua Lê Thái tổ (Lê Lợi). Lê Khôi là một võ tướng lừng danh, từng bắt sống tướng giặc nhà Minh Thôi Tụ ở trận Xương Giang năm 1427, từng diệt thổ tù châu Thạch Lâm Bế Khắc Thiệu tạo phản năm 1430, từng bắt sống vua Chiêm Thành Bi  cai năm 1444. Ngài là một trong những bậc khai quốc công thần từ thuở Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa, tam triều tam trấn (ba triều vua trấn giữ ba miền biên ải), được phong chức Thái uý, tước Tán Quận công, gia phong Chiêu Trưng đại vương và xếp vào hàng điển lễ quốc tế. Ngài mất trên đường chinh phạt phương Nam trở về, hiện còn lăng miếu ở cửa biển Nam Giới thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Nhà Lê cũng lập đền thờ Ngài tại làng tôi. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của nhà sử học Phan Huy Chú có ghi rõ: "Đền Vũ Mục (tên thuỵ của Lê Khôi) ở xã Trào Khẩu, huyện Hưng Nguyên, phủ Nghệ An." Về sau do lũ lụt sông Lam đổi dòng, đền bị sạt lở, dân làng rước tượng Ngài về thờ ở đền Voi Đá dưới chân núi Khánh Sơn, hàng năm vẫn cúng bái rất trọng vọng vì Ngài còn là vị thành hoàng của làng tôi. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đi kinh lý phương nam ghé thăm đền có làm bài thơ chữ nôm điếu Lê Khôi, ý lời cực kỳ thống thiết:

"Tể tướng bếp tàn mai lạnh vạc 

Tướng quân doanh vắng liễu chau mày" 
(Hồng Đức quốc âm thi tập) 
Và trong bài thơ Minh Lương viết bằng chữ Hán, nhà vua cũng đã không tiếc lời ca ngợi hai vị đại thần văn võ Nguyễn Trãi và Lê Khôi: 
"Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo 
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh" 
(Quỳnh uyển cửu ca thi tập) 
(Tâm hồn ức Trai sáng tựa sao Khuê, bụng dạ Lê Khôi sắp đặt sẵn giáp binh thế trận). 
        Chính nhà bác học Lê Quí Đôn trong sách Kiên văn tiểu lục phần Tài phẩm, đã phải thốt lên rằng: "Câu thơ không xưng tụng tướng khác mà chỉ xưng tụng Lê Khôi thì công lao danh tướng có thể nào tưởng tượng được!" 


Nhưng đau lòng thay, pho tượng vị danh tướng Lê Khôi lại đang cởi trần và ở trọ trong nhà thờ họ Trần làng tôi. Đúng hơn là Ngài đang lánh nạn, trốn tránh con mắt tham lam của bọn người xấu. Thời gian đó cơn sốt xuất khẩu trầm hương bỗng ập tới. Có tin đồn pho tượng Ngài được người xưa tạc bằng gỗ trầm hương, mấy vị quan xã bàn nhau đem Ngài bán cho ông ngoại thương, ngã giá tương đương hai tấn lạc. Thế là bắt đầu có người lén lút đến đền thờ Voi Đá viếng thăm Ngài, họ dùng đục khoét luôn một ngón bàn tay phải và đem cái ngón tay ấy đi thử chất lượng trầm. Và may mắn thay chẳng thấy ông ngoại thương nào trở lại cho nên Ngài chưa bị qui đổi thành lạc xuất khẩu. Sau đó là chuỗi ngày Ngài ở không yên ổn vì đám con buôn đồ cổ dòm ngó liên tục. ông tộc trưởng họ Trần nóng ruột bàn với người cháu làm phó chủ tịch xã đem quang thúng xin thỉnh Ngài về trú tạm trong nhà thờ họ để tiện bảo vệ cẩn mật. 
           Thật đáng buồn, pho tượng quý tạc Ngài Lê Khôi có gương mặt quắc thước uy nghi nhưng phải chịu cởi trần vì đã bị lột mất lớp áo. Tôi lấy làm thắc mắc ông bác lắc đầu nói chỉ vừa đủ nghe: 
- Hơn ba mươi năm nay, đình chùa miếu mạo quê ta có ai chăm sóc cúng tế đâu. Lớp chúng tôi đã già cả, lớp sau hình như không ai biết cách phải làm gì để giữ gìn di sản của cha ông. Có thể nói cán bộ ở làng ở xã chỉ biết nghe theo trên rồi bắt dân làm hoặc ngăn cản không cho dân làm mà thôi. Họ sợ cấp trên hơn cả sợ thần thánh Dù sao pho tượng Ngài Chiêu trưng Lê Khôi còn may mắn có ông tộc trưởng họ Trần cất giấu, ngôi đền Vua Lê nơi thờ cúng chín đời vua nhà Hậu Lê đã bị huỷ hoại hoàn toàn. Đây là di tích văn hoá được xếp hạng từ năm 1954. Trận lụt năm Giáp Ngọ khủng khiếp khiến đê 42 bị vỡ ngay bên hữu khuôn viên khu đền nhưng với lối kiến trúc chắc chắn ngôi đền hầu như vẫn đứng trụ vững trước thiên tai. Đến thời chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ thì bom đã làm ngôi đền sụp xuống. Dân làng không ai dám tơ hào một viên gạch, một viên ngói của đền. Ai cũng nghĩ hết chiến tranh Nhà nước sẽ có cách khôi phục lại. Thời gian trôi xã cho xây Trạm xá, xây trụ sở, xây hội trường ngay trên nền cũ đền xưa. Cột kèo gạch ngói bắt đầu mất hết. Bao thứ vật liệu từ ngôi đền cổ được tận dụng để làm các công trình khác, thậm chí những cột đền rỗng ruột bị đem ra đồng làm cống thoát nước. Bao nhiêu tượng quý văn võ bá quan và tượng Phật từ những ngôi chùa quanh vùng được quy tập vào ngôi chùa Mụ ở cánh đồng Dăm Hào cạnh nghĩa trang của làng. Mỗi lần về quê tảo mộ, tôi đều vào chùa Mụ thắp hương trước một kho tượng mà không khỏi đau lòng vì cảnh tang thương. Nhiều pho tượng bị cụt đầu cụt tay, bị cháy nham nhở Sự linh thiêng vẫn ám ảnh tôi, chụp ảnh mấy lần nhưng về rửa để viết một bài báo kêu cứu nhưng vẫn không có hình. Nghe nói hồi trước có người còn cả gan chẻ tượng ra làm củi đốt lửa ngồi sưởi mùa đông. Bác tôi bảo dân làng tìm được một viên ngói có in dấu một bàn tay khổng lồ. Chao ôi, có thể lắm, ngôi đền Vua Lê đã được những con người phi thường tạo dựng nên. Trong các cuốn sử của các học giả thời phong kiến, không có cuốn nào không nhắc tới ngôi đền này Các đời vua nhà Nguyễn đi tuần giá ra Bắc, khi qua đò chợ Tràng, việc đầu tiên là vua phải xuống kiệu vào đền Vua Lê dâng hương, ngôi đền còn gắn với lịch sử từ ngày có Đảng, nhiều cuộc họp quan trọng của lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã được tổ chức ở đây, thời chống Pháp chống Mỹ mỗi khi thanh niên lên đường tòng quân giết giặc đều tập trung ở sân đền và xuất phát ra chiến trường Còn với riêng tôi lúc lên năm tuổi, tôi níu váy bà nội, theo bà băng qua Dăm Phủ, đi ngang qua mộ ông nội, nghe bà khấn xin ông phù hộ con cháu, rồi trèo qua đê rụt rè bước vào sân đền Vua Lê. Đó là ngày đầu tiên tôi đi học, ngày tựu trường của đời tôi bắt đầu ở nơi thiêng liêng nhất của làng tôi. Thế mà dấu tích bây giờ chỉ còn hai cột quyết cổng bị ngập vào trong thân đê, hai mỏm hoa văn đang cố ngoi lên minh chứng một thời hào hùng oanh liệt của lịch sử nhà LêTheo đường đê tôi lần lên núi Nghĩa Liệt người làng tôi vẫn quen gọi là núi Thành vì trên núi có một khu thành cổ rất rộng lớn. Đây là di tích nổi bật nhất ở Nghệ An. Núi nằm sát bên sông, soi bóng xuống ngã ba Tam Soa nơi sông La đổ vào sông Lam. Thời nhà Trần, tướng giặc nhà Minh Trương Phụ cho xây thành này thật kiên cố nhằm chống chọi với vua Trùng Quang lúc ấy đã rút lui về bên kia sông. Sách Đại Việt sử ký toàn thư  bản Kỷ Quyển IX Kỷ Hậu Trần của Ngô Sỹ Liên ghi: "Năm Quý t
ỵ Trùng Quang thứ V (1413), mùa Hạ, tháng Tư, bọn Trương Phụ nhà Minh đánh vào Nghệ An, vua chạy vào châu Hoá, sai Đài quan Nguyễn Biểu làm sứ cầu phong, mang sản vật địa phương đến ra mắt. Trương Phụ giữ lại không cho về, Biểu tức giận mắng Phụ rằng; "Trong bụng thì mưu đánh lấy nước, bên ngoài giả làm quân nhân nghĩa. Đã hứa lập con cháu nhà Trần, lại đặt quận huyện để cai trị. Không chỉ cướp vàng bạc châu báu lại còn giết hại dân lành. Thật là quân giặc tàn ngược!" Phụ giận lắm, bèn đem giết đi." Người làng tôi ai cũng biết giai thoại ăn cỗ đầu người của vị đại sứ Nguyễn Biểu, ông bị giặc đem trói dưới chân cầu để nước thuỷ triều lên dìm chết. Trước khi chết vẫn còn cố kẹp hòn đá vào chân viết vào cột cầu ngày giờ mình tuẫn tiết. Tôi nghĩ nếu có cuốn lịch sử ngoại giao Việt Nam thì nên đưa tên vị đại sứ Nguyễn Biểu vào những trang đầu. Phải chăng chính cái chết của ông đã gợi cho người đời sau đặt tên núi là Nghĩa Liệt sơn.Mười hai năm sau, Lê Lợi đem quân thuỷ bộ vây thành Nghệ An (1425), đây là trận đánh quyết định đưa cuộc khởi nghĩa chống quân Minh tới thành công. Phải nói Trương Phụ đã huy động sức người xây thành rất kiên cố, phía Tây Bắc quay mặt vào núi hiểm trở, phía Đông Nam xây bằng gạch ống. Trên đỉnh là đại bản doanh hãy còn dấu tích bệ đất cắm cờ Bằng hai mũi giáp công đánh thành và đánh vào lòng người, vây chặt kết hợp gửi thư dụ hàng sau hơn một năm trời quân ta đã chiếm được thành Nghệ An (1426). Có thể nói đây là trận có ý nghĩa chiến lược đưa cuộc kháng chiến chống quân Minh tới thắng lợi hoàn toàn. Thanh Nghệ do tồn thập vạn binh( đất Thanh Nghệ đang còn mười vạn quân)

Sau gần sáu trăm năm trôi qua khu di tích thành cổ trên núi đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Năm 1941, người Nhật cho khai thác quặng Măng-gan lộ thiên ở ngay cửa Nam. Hoà bình lập lại cuối những năm năm mươi, ta san ủi mặt bằng xây dựng nhà máy đường Sông Lam rồi nhà máy giấy. Toàn bộ dấu vết khu vực này bị xoá hoàn toàn. Hiện chỉ còn hai lũy đất chạy ngược lên đỉnh núi, đứng xa hàng chục cây số vẫn có thể nhìn rõ nhưng cũng bị đe doạ vì lâu lâu lại rộ lên việc khai thác quặng lộ thiên, hoặc đổ xô kéo nhau lên núi đào bới tìm cổ vật bởi những tin đồn mơ hồ có người mới tìm được một hũ đầy vàng nén

        Tôi đứng lặng trên núi Thành nhìn xuống dòng sông Lam đang uốn lượn như một dải lụa bạc. Làng quê yêu dấu của tôi có thay nhiều mái ngói hơn xưa nhưng cái nghèo hình như vẫn còn đó. Chuyện của làng quê vẫn là chuyện của muôn đời, chuyện làm ăn, chuyện lo cho con cháu học hành để ra đi muôn nơi kiếm sống, trốn tránh cái đói cái khổ. ở Biên Hòa hàng năm tôi vẫn làm phụ tá cho các cụ xa quê tổ chức họp hương làng mình. Thương lắm người làng tôi hăm hở tụ tập và ăn nói ồn ào, cái ồn ào cố hữu của bến chợ Tràng xưa vẫn còn trong âm sắc giọng nói làng tôi, khỏi cần dùng tới micro hay loa điện tử. Đi xa kẻ thành đạt nhờ học hành cũng có nhưng đa phần đám thanh niên đến họp làng đều là công nhân các khu công nghiệp. Các cháu lớn lên không có điều kiện học hành tới nơi tới chốn, ở nhà ruộng ít nghề phụ không có thế là rủ nhau vào Nam làm công nhân hoặc làm hợp đồng thời vụ cho các chủ trang trại. Ngày xưa đó là một làng quê hiếu học là đất văn vật thế mà nay di tích thì thành phế tích, con người thì thiếu thốn đủ thứ nên có ai nghĩ tới cái học nữa đâu…

 “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục

thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh 
Thuyền em lên thác xuống ghềnh 
Nước non là nghĩa là tình ai ơi"

 Câu hò của người lái đò sao bây giờ nghe thấy lòng mình cảm nhận khác ngày xưa, ngày xưa nghe thấy tình tứ thiết tha, còn nay nghe thấy như quặn đau từng khúc ruột. 


         Bao giờ trước lúc chia tay, tôi cũng thường ngồi lặng bên ông bác ruột và kín đáo ngắm ông ta đang đọc cuốn sách thuốc viết bằng chữ Nho. Hình như thế hệ chúng tôi không có được vẻ an nhiên tự tại ấy. Tôi thấy buồn cho mình, học đại học chỉ tham khảo vài chục tiết Cổ văn, rồi Nga văn, rồi Pháp văn mỗi thứ một tý, học mà chẳng biết lúc đó học để làm gì, gần đây thì theo lớp Anh Văn ban đêm và mơ hồ nghĩ như thế mới hợp với cơ chế thị trường không?

. Tôi chỉ là một con người của làng quê, nhưng không phải là người hoài cổ, vì tôi có thể hoà nhịp vào đời sống hiện tại. Nhưng mỗi khi nghĩ về làng quê của mình lại thấy xốn xang một nỗi buồn và tôi nghĩ đây cũng là nỗi buồn của thời hiện tại khi đất nước đang chuyển mình đi vào công nghiệp hóa  hiện đại hóa. Bao giờ thì làng quê yêu dấu của tôi mới hết đói nghèo và lũ trẻ đừng thất học? 

N.Đ.T 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521443

Hôm nay

2217

Hôm qua

2303

Tuần này

2217

Tháng này

219382

Tháng qua

121009

Tất cả

114521443