Người xứ Nghệ
Nhớ thầy Nguyễn Tài Cẩn
Đến bây giờ tôi vẫn còn lưu email đầu tiên thầy gửi trả lời lời mời, đúng hơn là lời đề nghị xin được thầy quan tâm cộng tác và giúp đỡ tạp chí Văn hóa Nghệ An. Thầy nói: Sẽ cộng tác với VHNA, vì đã mấy chục năm nay, viết bài cho nhiều tạp chí, nhiều báo, ở trong nước cũng như ở ngoài nước mà chưa bao giờ viết cho tạp chí của quê hương. Rồi thầy hứa, kể từ nay, nếu viết được bài gì thầy cũng cho VHNA đăng trước đã.
Và thầy đã làm như thế trong nhiều năm qua, kể cả bài viết “Một số vấn-đề trong các văn-bản in Nôm” cho Hội thảo về chữ Nôm ở trường Đại học Temple (Mỹ). Bài cuối cùng thầy cho chúng tôi in, và có lẽ cũng là bài cuối cùng trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của thầy là bài Chữ Nôm đã hiện diện vào thời kỳ Quốc đô dời ra Thăng Long. Tôi biết, cho chúng tôi in rồi thầy mới để cho Diễn đàn đăng bài này. Tôi nghĩ, qua từng bài viết, thầy đã thực sự nghĩ nhiều, quan tâm nhiều đến quê nhà và văn hóa quê nhà. Trước lúc ngã bệnh không lâu, năm ngoái, thầy còn gửi về cho chúng tôi bài viết ngắn góp ý về các câu đối ở Khu di tích Kim Liên mà thầy được đọc trên một bài viết của một cán bộ quản lý di sản của ngành văn hóa Nghệ An. Thầy lo, nếu cứ để sai như vậy thì mọi người sẽ hiểu sai về tiền nhân, về quê hương xứ Nghệ của mình.
Còn nhớ, dịp đầu năm kia (2009), khi về thăm quê, thầy đã vào Tạp chí Văn hóa Nghệ An thăm anh chị em chúng tôi và thể theo đề nghị của chúng tôi, thầy đã có một buổi nói chuyện gần 3 giờ đồng hồ liên tục. Tôi, thay mặt anh chị em trong cơ quan và bạn bè đã đề đạt nhiều vấn đề nhờ thầy giải thích, chỉ bảo. Thầy đã trả lời gọn gàng, khúc chiết tất cả, từ những vấn đề có ý nghĩa học thuật, thông tin khoa học đến cả những câu hỏi có tính riêng tư. Đến bây giờ chúng tôi vẫn còn lưu được băng ghi hình buổi nói chuyện hôm đó. Thỉnh thoảng tôi xem lại băng này và mỗi lần lại sáng ra một vấn đề mới, ý mới mách bảo cho tạp chí Văn hóa Nghệ An phải làm. Cách đây 3 năm, khi chuẩn bị làm số Tết, thầy còn viết thư về gợi ý, thực chất là bày cho tôi cách làm báo Tết thế nào cho hấp dẫn, thu hút được nhiều người tham gia viết và đọc. Tôi không học ngành ngôn ngữ, cũng phải là người làm nghiên cứu khoa học, càng không phải là ngôn ngữ học, chỉ làm báo nghiệp dư do duyên nghiệp đưa đẩy nhưng những chỉ bảo của thầy thật đáng ngàn vàng và nhớ mãi.
Bây giờ thầy đã đi xa, xa thật rồi, xa mãi...làm cho nỗi băn khoăn ân hận với thầy lại càng lớn, day dứt hơn trong tôi. Hôm thầy về Vinh, tôi bố trí thầy nghỉ ở khách sạn. Sau khi ghi hình phỏng vấn xong, tôi định nghỉ lại với thầy vì lo thầy tuổi cao, nhỡ đêm hôm có việc gì. Thế nhưng thầy lại bảo, tối nay mình thức viết bài cho Văn hóa Nghệ An, Thắng cứ về đi kẻo các con chờ. Mãi hôm sau, vô tình tôi mới biết ở Sài Gòn, Hoàng Dũng và các anh là học trò thường ở lại với thầy. Tôi ân hận và nghĩ là may mà thầy khỏe mạnh.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Về bài thơ Lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Thống kê truy cập
114528612
2268
2291
2885
215308
0
114528612