Người xứ Nghệ

Nguyễn Tài Cẩn - con đường từ ngôn ngữ đến văn hóa

VHNA: Nguyễn Tài Cẩn sinh 1926 ở Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An trong một gia đình Nho học. Thuở thiếu thời ông học tại Quốc học Vinh, Quốc học Huế và tham gia Cách mạng từ 1946 và trải qua các công tác: Trưởng phòng giáo dục khu 4 (1953-1954); Chuyên gia tiếng Việt tại ĐHTHQG Leningratd (1955-1960); Chủ nhiệm bộ môn ngôn ngữ học ĐHTH Hà Nội (1961-1971)... Bảo vệ luận án Phó tiến sĩ Ngữ văn ở Liên Xô 1960. Giáo sư thỉnh giảng các Đại học Paris 7 (Pháp), và Đại học Cornell (Mỹ). Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2000.Phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2008.

Bài này đã đăng trên VHNA, nay xin đăng lại để thêm một lần nhớ về thầy.

Năm 1970, khi từ khu sơ tán về Hà Nội, tôi được học dịch Việt - Nga với thầy Butstrov, một dịch giả người Nga, một nhà Hán học. Khi giảng bài, thỉnh thoảng thầy lại chen vào một vài câu tiếng Việt giọng Nghệ khiến cả lớp bò ra cười. Ban đầu thầy ngơ ngác không hiểu, sau hiểu ra thầy bảo mình vốn là học trò tiếng Việt Nguyễn Tài Cẩn mà! Tôi nghe tên ông từ dạo ấy. Rồi biết ông lấy vợ, người Liên Xô, tôi lại càng phục. Thuở ấy, hôn nhân với người nước ngoài, kể cả nước XHCN anh em còn chưa được “tháo khoán”, nên chuyện đó được coi là động trời. Ngoài áp lực của đạo đức xã hội, đương sự đôi khi còn bị nhiều sức ép khác. Nguyễn Tài Cẩn đã bỏ tất cả để giữ lấy sự lựa chọn của mình, bà N.Stankievictch và ngữ học. Và may hơn nữa (để khỏi phải có một lựa chọn nữa, biết đâu đấy) là vợ ông cũng là một nhà ngữ học tài ba.

Vào đầu những năm 80, tôi có dịp gặp ông bà Nguyễn Tài Cẩn nhiều lần, bởi ông tham gia Hội đồng biên tập của Etudes Vietnamiennes, cố vấn những vấn đề ngôn ngữ của tạp chí. Bấy giờ cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt của ông được dư luận bàn tán sôi nổi. Tôi phải viết một đọc sách cho bản chí của mình. Nguyễn Tài Cẩn lúc ấy ở chợ Trời. Đến nhà ông phải vượt qua một rừng các rổ rá, thúng mẹt, bao tải đựng trăm thứ bà rằn. Hà sự? Bao giờ ông cũng hỏi tôi một câu như vậy, sau khi đã cẩn thận khóa cổng. Còn bà thì lặng lẽ chào tôi, rồi lui vào phòng trong, tay vẫn không rời cuốn sách còn để mở.

Trò chuyện với Nguyễn Tài Cẩn, tôi thấy ông là người hết sức thận trọng, nhất là khi đụng đến các vấn đề chuyên môn hoặc những nhận xét về người khác. Vậy mà nhiệm vụ nhà báo của tôi lại là cứ phải thóc mách, nên đôi khi chúng tôi rơi vào thế làm bất tiện cho nhau. Tôi nhớ bấy giờ Ký hiệu học còn hết sức lạ ở Việt Nam, chỉ một vài nhà ngữ học là đã có dịp làm quen. Thấy có hội thảo về Ký hiệu học văn học do một nhà nghiên cứu nọ chủ trì, tôi hỏi khéo Nguyễn Tài Cẩn, rằng một người không biết gì về ngữ học cấu trúc như ông ta liệu có thể hiểu được (để mà ứng dụng) ký hiệu học vào nghiên cứu văn học không? Cảnh giác, Nguyễn Tài Cẩn chỉ ậm ừ không trả lời. Lần khác, tôi đến đặt ông một bài viết về chữ Nôm. Ông giới thiệu sang anh Trần Nghĩa, bấy giờ là Viện trưởng Viện Hán - Nôm. Tôi không chịu. Ông bảo nếu vậy, ông chỉ nhận khi đứng chung tên với Trần Nghĩa. Nguyễn Tài Cẩn hầu như không nói chuyện gì ngoài chuyên môn của mình. Về điều này, ông giống Từ Chi. Biết 10 nói 1 chứ không như ai biết 1 nói 10. Sự thận trọng thái quá đó ở ông, gần như một bản năng thứ hai. Phải chăng ông muốn tránh mọi thứ nhiễu để được yên thân làm khoa học? Tuy nhiên, điều mà tôi muốn nhấn ở Nguyễn Tài Cẩn là ông dám và biết dừng (tri chỉ), thậm chí chối từ, không chỉ ở trong đời sống mà, quan trọng hơn, cả trong khoa học.

Một anh bạn vong niên của tôi (cũng là bạn không vong niên của ông) kể Nguyễn Tài Cẩn đã nhiều lần từ chối chức vụ. Lần đầu Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, ông giới thiệu Hoàng Tuệ. Lần hai, Viện trưởng Viện Hán Nôm, ông lại từ chối. Nguyễn Tài Cẩn cho rằng người khác ngồi vào các chức vụ ấy thì “thuận” hơn ông mọi nhẽ và nếu ông không nhận thì “được việc” hơn (cho mình và cũng là cho người). Mỗi lần đứng trước các quyết định như vậy, Nguyễn Tài Cẩn đều “hỏi ý kiến” bạn ông để củng cố thêm “cái việc đã rồi” của mình. Sau cùng là chức Phó Chủ nhiệm UBKHXH. Lần này bạn ông nói: - Không nên nhận. + Nhưng mình sợ rằng tam ba bận như vậy, người ta sẽ nói mình làm cao. - Nhưng nếu anh nhận thì người ta sẽ nói là hai lần trước anh chê thấp!.

Sống trong xã hội khó vậy đấy. Thế này cũng không được, thế kia cũng không được. Bàn tay thì nhỏ mà miệng thế thì lớn. Thôi thì hãy tự mình quyết định, dẫu ngậm cảnh một mình mình biết một mình mình hay cũng đành.

Nguyễn Tài Cẩn xuất hiện lần đầu trên thị trường đọc với tư cách là một nhà ngữ pháp học. Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Mà sóng gió nổi lên từ chỗ tiếng Việt là một ngôn ngữ không biến hình. Bởi vậy, việc xác định từ loại là khởi điểm của những khởi điểm. Cuốn Từ loại danh từ tiếng Việt hiện đại (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975), thoát thai từ luận án phó tiến sĩ bảo vệ ở Liên Xô của ông năm 1959, bước đầu lãnh nhận công việc này. Từ quan điểm cấu trúc, Nguyễn Tài Cẩn đưa ra một mô hình lý tưởng của ngữ danh từ để rồi trên cơ sở đó có thể phân loại các danh từ:

Tất cả ba các con mèo đen ấy

    1      2   3     4      5     6    7

trong đó:

1. tất cả đại từ số lượng

2. ba từ chỉ số lượng

3. các từ chỉ bổ sung

4. con từ chỉ loại

5. mèo danh từ trung tâm

6. đen từ miêu tả

7. ấy đại từ chỉ định

Các yếu tố này nằm trong một trật tự nghiêm ngặt bao giờ cũng bắt đầu bằng 1 và kết thúc bằng 7.

Vì là mô hình lý tưởng nên trong thực hành ngôn ngữ sẽ không có trường hợp nào gồm đủ cả 7 yếu tố kể trên. Và, dĩ nhiên, cũng còn có chỗ mà mô hình ấy chưa bao hàm hết. Ví dụ, nếu thay con mèo bằng áo dài thì định ngữ miêu tả có thể dài dài như đen (màu sắc), lụa (vật liệu), cổ đứng (kiểu dáng), thêu (cách làm)... Vì thế, vấn đề ở đây là các yếu tố này được phát ngôn ra theo một trật tự nào? Hoặc, theo Cao Xuân Hạo, danh từ trung tâm trong ngữ đoạn này không phải là mèo mà là con, bởi lẽ, mèo xét cho cùng, chỉ là bổ nghĩa cho con (con mèo, con chó, con trâu)...

Dĩ nhiên, bất kỳ một mô hình khoa học nào đều có thể bị (hoặc được) bổ sung và sửa đổi. Và mô hình trên, tôi nghĩ, cũng không là ngoại lệ. Điều đáng lưu ý ở đây là nó đã trình ra một cách làm, một phương pháp nghiên cứu. Và các nhà khoa học sau ông (ở ta gọi là nghiên cứu viên mà chữ viên trong đó tôi cứ muốn hiểu là tròn), có thể dùng nó như một công cụ để nghiên cứu và miêu tả các từ loại khác trong tiếng Việt và các ngôn ngữ của những tộc người khác cư trú trên giải đất Việt Nam.

Từ cuốn thứ nhất đến cuốn thứ hai, Ngữ pháp tiếng Việt, tiếng, từ ghép, đoản ngữ (Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1975), là một tiếp bước tự nhiên. ở công trình này, Nguyễn Tài Cẩn đã chứng minh được trong tiếng Việt âm tiết là hình vị và cũng là từ. Dĩ nhiên, đây là những từ đơn chiếm toàn bộ vốn từ vựng cơ bản. Ông gọi thứ “tam vị nhất thể” này là tiếng. Từ đặc điểm tiếng này, người ta có thể nhận diện dễ dàng từ ghép (từ song tiết trở lên), từ láy, đoản ngữ. Hơn nữa, đặc điểm tiếng này còn chi phối và tạo ra nhiều đặc sắc của tiếng Việt làm cơ sở cho những trò chơi chữ, chơi câu đối, chơi thơ kỹ thuật (Thuận nghịch độc...). Mặc dù có nhiều người đề cập đến đặc điểm này, nhưng, theo Cao Xuân Hạo trong Tiếng Việt, văn Việt, người Việt (Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2001), người “phát hiện” ra nó là Nguyễn Tài Cẩn, người “anh cả” của ngành ngữ học Việt Nam.

Như vậy, trong lĩnh vực ngữ pháp, Nguyễn Tài Cẩn đã xây được những Trấn ba đình ở các huyệt chủ chốt gây sóng gió. Và, với phương pháp nghiên cứu cấu trúc này, ông là người đầu tiên. Nhưng cấu trúc thì hữu hạn và, nếu đã nắm được thủ pháp nghiên cứu thì bất kỳ một nghiên cứu viên nào cũng có thể giải quyết được những gì còn lại. Bởi thế, Nguyễn Tài Cẩn đã dừng đúng lúc và đúng chỗ để chuyển sang một lĩnh vực ngữ học khác còn là mảnh đất trinh và muốn phá hoang nó, ngoài phương pháp cấu trúc, đòi hỏi một vốn văn hóa chung rộng rãi. Đó là Ngữ âm học lịch sử tiếng Việt.

Diễn biến của ngữ âm tiếng Việt trong lịch sử còn lưu dấu tích không nhiều trong các văn bản nôm. Nhưng người ta có thể nghiên cứu nó từ một cạnh khía khác bất ngờ với khá nhiều người là cách đọc Hán - Việt. Trong quá trình tiếp xúc trực tiếp và dài lâu, tiếng Hán đã để lại những ảnh hưởng to lớn, trong đó có cách đọc chữ Hán theo kiểu Việt. Thực ra, cách đọc riêng này hình thành từ thế kỷ VIII - IX dưới ách đô hộ nhà Đường. Sau đó Việt Nam giành được độc lập và không còn tiếp xúc trực tiếp với tiếng Hán nữa, nên bảo lưu Đường âm. Và từ đây, người Việt học tiếng Hán như một tử ngữ. Trong khi đó, ở Trung Hoa, ngữ âm tiếng Hán không ngừng thay đổi và trở nên khác xa với Đường âm. Như vậy, cách đọc Hán - Việt của Việt Nam chẳng những lưu giữ ngữ âm tiếng Việt thời ấy, mà còn giữ luôn cả ngữ âm lịch sử tiếng Hán theo quy luật văn hóa bảo lưu ngoại biên. Với tri thức quảng bác, Nguyễn Tài Cẩn có thể so sánh cách đọc Hán - Việt với các phương ngữ Nam Trung Hoa (vốn là đất Bách Việt cũ), hoặc cách đọc chữ Hán của Nhật Bản và Triều Tiên. Bởi vậy, trong cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán-Việt (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1979), chúng ta không chỉ bắt gặp những phát hiện lý thú, bất ngờ mà cả một chùm đảo chìm được làm nổi. Và, từ cách đọc Hán - Việt, Nguyễn Tài Cẩn là người có thẩm quyền hơn ai hết để giảng dạy Lịch sử ngữ âm tiếng Việt (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995). Và từ đó, viết lịch sử tiếng Việt.

Tiếng Hán, sau khi Việt Nam giành được độc lập, vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng đến các nhà thơ Việt Nam sáng tác bằng cả Hán lẫn Nôm. Trong tác phẩm ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1988). Nguyễn Tài Cẩn đã nghiên cứu kỹ vốn từ vựng và thi pháp thơ Nguyễn Trung Ngạn để chứng minh thơ chữ Hán Việt Nam nói chung và thơ chữ Hán Nguyễn Trung Ngạn nói riêng vẫn có những điểm khác với thơ chữ Hán Trung Hoa. Và chính điều này đã có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của thơ chữ Nôm (ví dụ, thơ lục ngôn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm...), đặc biệt là cách gieo vần.

Vậy là, từ lĩnh vực ngôn ngữ, Nguyễn Tài Cẩn đã bước sang lĩnh vực Thi học (bộ phận chuyên nghiên cứu về thơ của Thi pháp học). Thoạt tiên, có lẽ, Nguyễn Tài Cẩn chỉ chú ý đến thơ như là một bằng chứng, một thứ vật liệu để nghiên cứu ngữ âm. Nhưng rồi để giải quyết được những vấn đề ngữ âm ấy, ông phải xử lý trước những vấn đề thơ, như cách gieo vần, câu thơ, luật thơ, câu đối... Và như vậy, vô hình trung, Nguyễn Tài Cẩn đã đụng đến những điểm mấu chốt của thi học. Và cũng vô tình như vậy, theo Đặng Tiến, ông là “người nghệ sĩ đặt nền móng đầu tiên và thiết yếu cho ngành thi học lịch đại, nói rộng thành nền thi pháp Việt Nam hiện đại”. (Đọc Một số chứng tích về ngôn ngữ văn tự và văn hóa của Nguyễn Tài Cẩn Tạp chí Văn học, N0 4, 2002).

Nhiều người nói Nguyễn Tài Cẩn tìm cách đối lại câu đối Da trắng vỗ bì bạch (mà hay chữ như Trạng Quỳnh cũng phải đánh bài chuồn!) bằng một vế rất chỉnh: Rừng sâu mưa lâm thâm, hoặc câu thách đối của cụ Nguyễn Khoa Vy Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế được ông đưa ra ba trường hợp mà đáp án có thể sa vào, nhưng trong mỗi trường hợp lại có vô số câu đáp, chỉ là có ý khoe tài. Họ cũng cho rằng việc Tìm hiểu kỹ xảo trong bài Vũ Trung Sơn Thủy của Thiệu Trị (Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998, 450 tr.) là lãng phí thời gian. Tôi không nghĩ như vậy. Câu đối là một hiện tượng dồn ép ngôn ngữ, một trận đồ chữ, nên hơn ở đâu hết nó làm rõ chức năng thơ của ngôn từ. Nguyễn Tài Cẩn chấp nhận thách đố của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (mà bao người không đối được Điểm đích đáng) và của cụ Nguyễn Khoa Vy là vì vậy.

Bài thơ Vũ Trung Sơn Thủy tuy là trò chơi kỹ xảo, nhưng thật hấp dẫn đối với “thói quen nghề nghiệp” của nhà ngữ học. Một bài thơ mà có thể triển khai thành 256 bài. Điều này minh chứng cho một chân lý thơ phổ quát: thơ là sự quay trở về. Và sự biến hóa thiên hình vạn trạng này chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở chữ Hán là một ngôn ngữ 1) đơn âm (khoảng 1300 âm tiết = từ); 2) mỗi một từ rất nhiều nghĩa (30 nghĩa) nên kho đồng nghĩa rất lớn và 3) chữ xếp thành khối vuông (hoặc theo hình bát quái...), nên mỗi con chữ đều có nhiều trục ứng đối và liên kết với nhau thành một ma trận. Điều này thì không một ngôn ngữ đa âm tiết nào làm nổi. Tiếng Việt tuy không đa nghĩa và ít âm tiết (khoảng 6000) như chữ Hán, nhưng cũng là một ngôn ngữ đơn âm. Chúng ta cũng có các truyền thống khác như thuận nghịch đọc... Điều này gợi ý cho các nhà thơ Việt Nam hiện đại khai thác mỏ vàng này của tiếng Việt để hiện đại hóa thơ. Một trò chơi biến thành chuyện nghiêm túc, xưa nay, cũng là thường (như con chuột nhắt đỏ đen đẻ ra quả núi lý thuyết xác xuất), miễn là người chơi không phải là một con bạc mà có một đầu óc và một trái tim.

Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa (Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2001) cho thấy từ nghiên cứu ngôn ngữ đến nghiên cứu văn hóa chỉ là một bước. Nhưng cái bước quyết định ấy không phải ai cũng bước được. Để truy nguyên một tên gốc của trống đồng Đông Sơn, (về) tên gọi con rồng của người Việt, hoặc (về), cách đọc tước hiệu Bố Cái Đại Vương... phải có một tri thức liên ngành về ngôn ngữ học, dân tộc học, sử học. Nhưng chỉ một những cái tên ấy thôi sẽ mở ra lớp lớp những trầm tích văn hóa, và toàn cảnh một địa tầng tâm thức dân tộc...

Con đường khoa học của Nguyễn Tài Cẩn như vậy là đi từ ngữ pháp học, sang cách đọc Hán - Việt, ngữ âm học lịch sử, rồi lịch sử tiếng Việt, thi học và cuối cùng, văn hóa học. Ông đã xuất phát từ cái hữu hạn của các cấu trúc ngôn ngữ để đi đến cái vô cùng của văn hóa, hay nói khác là từ mã ngôn ngữ đến mã văn hóa. Có thể nói, ông đã tự khai phá cho mình một đường đi không chỉ cho Việt ngữ học. Trước đây, trong ngữ học cũng như trong nhiều khoa học xã hội và nhân văn khác, mỗi nhà nghiên cứu chiếm giữ một khúc do hoặc được phân công hoặc do tự khai thác. Và người ta an lòng sống trong và bằng mảnh ruộng phần trăm ấy của mình. Sự chiếm hữu lâu ngày mặc nhiên trở thành sở hữu nên mọi người tự dựng lên quanh mình những hàng rào “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Ai ngữ âm cứ ngữ âm cấm không được dở dương sang ngữ pháp. Nguyễn Tài Cẩn, bằng đường đi của mình, đã đã vạch rõ ai muốn thành công phải vượt qua những biên giới quân khu đó, bởi con người cũng như khoa học là toàn vẹn và thống nhất. Điều này không chỉ là phương pháp luận khoa học mà còn là phương pháp tư tưởng.

Như vậy, Nguyễn Tài Cẩn với tư cách con chim đầu ngành đã tạo ra được một “chiến lược nghiên cứu” có cơ hình thành môn đệ và trường phái. Có được điều này, tôi nghĩ một phần nhờ tài năng và sự định hướng tài năng của ông, phần khác nhờ đội ngũ đông đảo các nhà ngữ học Việt Nam. Trước đây, do có lúc đồng nhất các khoa học xã hội với chủ nghĩa duy vật lịch sử nên chúng ta ít gửi người đi nước ngoài đào tạo các chuyên ngành trên. Ngôn ngữ học thì ngược lại, vì người ta coi nó như là khoa học tự nhiên (không có giai cấp tính). Nhưng phần lớn các nhà du học ở Liên Xô và Đông âu về đều lấy cái khung lý thuyết ngữ học châu Âu áp vào tiếng Việt, nên kết quả chỉ là đóng góp thêm một ví dụ để minh họa cho cái phổ quát (hoặc tưởng là phổ quát). ít người như Nguyễn Tài Cẩn hoặc như Cao Xuân Hạo đã từ những đặc điểm riêng của tiếng Việt để chứng minh rằng cái lý thuyết ngôn ngữ phổ quát kia chỉ là trường hợp châu Âu tức bác bỏ thuyết lấy châu Âu làm trung tâm. Và, nếu Cao Xuân Hạo có nhiều đóng góp cho lý thuyết ngôn ngữ chung, đặc biệt là bộ môn âm vị học còn khá xa lạ với bạn đọc Việt Nam, thậm chí cả với các nhà ngữ học (xem Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Nxb Khoa học xã hội, 1991; Tiếng Việt - Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb Giáo dục, 1998; Âm vị học và tuyến tính, Nxb Đại học Quốc gia, 2001) thì Nguyễn Tài Cẩn có đóng góp lớn cho tiếng Việt và phương pháp nghiên cứu tiếng Việt. Chả thế mà Nguyễn Tài Cẩn thích người ta gọi mình là nhà Việt ngữ học hơn bất cứ một danh hiệu nào khác.

Nguyễn Tài Cẩn dường như có một người bạn thân là Trần Đình Hượu. Hượu, như người ta thường nói, khôn trong học thuật mà dại trong cuộc sống. Còn Cẩn, cũng như người ta thường nói, khôn cả đạo lẫn đời. Họ thân nhau, ngoài sự quý tài nhau, hẳn còn tìm thấy ở nhau cái chất mà mình thiếu: sự thơ dại ở Trần Đình Hượu và sự tinh nhạy ở Nguyễn Tài Cẩn. Nhưng, tôi nghĩ rằng, trong xã hội bao cấp, khôn trong đời sống cũng rất cần cho nhà khoa học, cũng là một thứ tài, nhất là khi người ta biết và dám chối từ. Và sau khi Trần Đình Hượu mất, Nguyễn Tài Cẩn hẳn cô đơn. Nhưng chỉ có “cô đơn toàn phần mới sinh năng lượng” nên ở phía trời Nga kia Nguyễn Tài Cẩn vẫn tiếp tục gửi về tập sách: Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872 mà Nxb Đại học Quốc gia sắp sửa in. Vả chăng, xét cho cùng, nhà khoa học chân chính nào mà chẳng cô đơn, nhất là khi anh ta đi trước đám đông không chỉ một bước như Nguyễn Tài Cẩn.


Tiểu sử

1926: 22 tháng 5, sinh tại Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An trong một gia đình có truyền thống Nho học, đỗ đạt. Thuở nhỏ học Quốc học Huế.

1946: Tham gia kháng chiến chống Pháp. Học Đại học kháng chiến.

1953-1954: Trưởng phòng chuyên môn khu giáo dục Liên khu Bốn.

1955-1960: Chuyên gia giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Leningrad. Bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ Ngữ văn (1960).

1961-1971: Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.

1971-1974: Biệt phái về Ban khoa giáo Trung ương về công tác Ngữ văn.

1975-1992: Về lại khoa Ngôn ngữ Đại học Tổng hợp Hà Nội.

1980: Được phong học hàm Giáo sư.

1998- ? : Dạy học tại Đại học Paris 7, nước Pháp.

1991: Dạy tại Đại học Corneo, Hoa Kỳ.

2000: Giải thưởng Hồ Chí Minh.

 

Tác phẩm

- Từ loại danh từ tiếng Việt hiện đại, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1960.

- Ngữ pháp tiếng Việt - Tiếng, từ gép, đoản ngữ, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1975, tái bản nhiều lần.

- Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1980, in lần 2 Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, 2000.

- Một số vấn đề chữ Nôm, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1985.

- Lịch sử ngữ âm tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo dục, 1995.

- ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nhà xuất bản Giáo dục, 1998.

- Tìm hiểu kỹ xảo trong bài Vũ Trung Sơn Thúy của Thiệu Trị, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1998.

- Một số chứng tích về ngôn ngữ văn tự và văn hóa, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, 2001.

- Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, 2002.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528614

Hôm nay

2270

Hôm qua

2291

Tuần này

2887

Tháng này

215310

Tháng qua

0

Tất cả

114528614