Người xứ Nghệ

Thầy đã hướng nghiệp cho chúng tôi

                                              Gs Nguyễn Tài Cẩn nhận hoa do Chủ nhiệm khoa Văn, ĐH Vinh tặng

Tháng 9 năm 1969, tôi từ Quảng Bình ra nhập học khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lúc đó chưa phân thành lớp văn hay ngôn ngữ riêng. Mới vào trường, vào khoa Ngữ-văn, là vào theo cảm tính vậy, chứ chúng tôi đã ý thức được rõ văn, ngữ là thế nào đâu. Một buổi chiều, ban lãnh đạo khoa mời cả lớp chúng tôi nghe nói chuyện.

Đúng 14 giờ, chúng tôi đã ngồi ngay ngắn trên những hàng ghế cũ kĩ của lớp học gần văn phòng khoa, ngày đó sơ tán tại làng La Cả (Hà Đông). Môt lát sau, chúng tôi thấy một thầy giáo dáng gầy nhưng nhanh nhẹn, đôi mắt sáng, bước vào. Thầy nhìn thẳng vào tất cả chúng tôi và bắt đầu nói. Cánh tay cùng với người thầy dướn thẳng về phía trước.  Chúng tôi bị hút hồn theo cử chỉ và lời nói của Thầy. Thầy nói đến vai trò của ngôn ngữ, của tiếng Việt. Thầy nói hay đến nỗi, chúng tôi nghe xong, phấn khích và đồng loạt 30 cánh tay xung phong sang học lớp ngôn ngữ. Người có sức lôi cuốn những thế hệ sinh viên đầu tiên đến với ngành Ngôn ngữ học, với tiếng Việt một cách say mê, hấp dẫn đó chính là giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Chúng tôi hồi ấy là những sinh viên lớp ngữ 4, tức khóa thứ 4 chuyên ngành ngôn ngữ, còn thầy ở vào tuổi 44.

 Đã hơn bốn chục năm nhưng cái buổi đầu tiên ấy vẫn còn như in trong tâm trí tôi, và có lẽ là cả các bạn bè tôi nữa. Và sau ngày đó, trong cuộc đời sinh viên, cả khi ra trường rồi, tôi còn may mắn có những kỉ niệm thật sâu sắc về Thầy.

Tôi nhớ, môn Tiếng Việt thực hành là do Thầy dạy. Phương pháp dạy học mà thầy để lại cho chúng tôi là hỏi - đáp làm sao cho cụ thể, sinh động. Một hôm, chúng tôi học Lỗi về thanh điệu, khi vào lớp, thầy hỏi lớp ta có ai người khu bốn không. Cả lớp nói có ạ. Và tôi được chỉ định đứng dậy lên bảng. Thầy bảo: Hãy đọc và viết họ và tên chị lên bảng! Tôi đọc và viết: Đổ Thị Kim Liên. Cả lớp cười ồ. Tôi chẳng hiểu họ cười gì, vì sao lại cười. Thế rồi, Thầy đã phân tích và sửa lại cho tôi đọc là Đỗ (dấu ngã, nâng cao giọng cuối âm tiết chứ không đi xuống cuối âm tiết thành Đổ, phải viết dấu ngã chứ không phải dấu hỏi. Tôi ớ người ra. Suốt thời gian dài ở quê, tôi đều viết như vậy. Thầy giáo lớp 10 của tôi cũng viết như vậy, có ai nói là tôi phát âm sai hay viết dấu thanh điệu sai đâu. Bài học đầu tiên khi mới vào trường đại học của tôi là như vậy.

Rồi lần khác, khi chúng tôi đã là sinh viên năm thứ tư, nhân kỉ niệm 20-11, có buổi tọa đàm giữa giáo viên và sinh viên năm cuối chuẩn bị ra trường. Hôm đó có Thầy đến dự. Có bạn mạnh dạn hỏi thầy: "Thưa thầy, thầy có thể cho chúng em biết, lí do gì giúp cho thầy trở thành một người giáo viên dạy giỏi, nghiên cứu sâu để chúng em có thể noi theo không ạ?". Thầy cười và nói: "Như các bạn biết đấy, bố tôi rất có ý thức khi đặt tên tôi. Ông đặt tên tôi là Nguyễn Tài Cẩn, nghĩa là cụ mong muốn tôi không chỉ tài mà còn cẩn thận. Để trở thành một người nghiên cứu giỏi, người đó không chỉ cần có tài mà còn phải cẩn thận, phải có đức tính kiên trì”. Chúng tôi nghe xong, mỗi đứa đều xuýt xoa, tự nhủ, mình chẳng là gì cũng phải, đã không có tài lại không cẩn thận, chịu khó. Từ đó trở đi, chúng tôi luôn tự nhắc mình: làm ngôn ngữ học nếu không tài thì ít ra thì cũng phải cẩn trọng, kiên trì, chịu khó.

Một kỷ niệm nữa, khi tôi đã ra trường, về dạy ở trường Đại học sư phạm Vinh. Hồi đó, sách vở còn khan hiếm, không có phương tiện photocopy như bây giờ, nhà trường tạo điều kiện cho cán bộ trẻ chúng tôi học thêm bằng cách hàng năm cấp công lệnh cho ra đọc sách ở Hà Nội 2 tháng. Tôi ra Hà Nội, tá túc nhà người em gái, có chồng là Trần Trí Dõi, học trò cưng của Thầy. Hồi đó, vợ chồng Dõi - Hới mới sinh cháu đầu lòng là Trần Hồng Hạnh. Một lần, tôi thấy Dõi ra nhà Thầy để làm việc về luận án. Lúc về Dõi khoe Thầy Cẩn gửi tặng cháu Hạnh hộp sữa bò. Tôi tròn xoe mắt. Vào thời bấy giờ, cả nước còn khó khăn, đói kém, thầy cô cũng đã cao tuổi, vậy mà Thầy vẫn nhớ đến cháu bé, gửi cho cháu hộp sữa. Nghe chuyện mà tôi thấy vô cùng cảm động.

Tốt nghiệp ra trường năm 1974, tôi về Đại học sư phạm Vinh dạy môn Ngữ pháp tiếng Việt. Gần 40 năm trong nghề, tôi thấy, với thời gian, có thể có những công trình khoa học mới về ngôn ngữ ra đời, nhưng xung quanh vấn đề về danh từ và đoản ngữ danh từ thì chưa có công trình nào vượt cuốn Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại của Thầy.

Đầu năm 2009, thầy về thăm quê ở Thanh Chương. Được tin, anh chị em sinh viên cũ sống và làm việc tại Nghệ An, các học viên Cao học, sinh viên khoa Ngữ Văn đã có buổi gặp mặt thầy ở trường Đại học Vinh. Buổi gặp gỡ tuy không dài, nhưng thầy vẫn dành thời gian nói về công việc nghiên cứu cuốn Tư liệu truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu. Nhờ nghe buổi nói chuyện, chúng tôi hiểu thêm phương pháp hệ thống mà thầy vận dụng trong việc đưa ra những kết luận về thời gian Nguyễn Du viết truyện Kiều. Rồi thầy nhiệt thành trao đổi về kinh nghiệm hướng dẫn NCS, về tổ chức nghiên cứu khoa học.... Phút chia tay thật cảm động, thầy ân cần hỏi từng người. Thật bất ngờ, Thầy vẫn nhớ tôi là chị vợ của Dõi. Tôi xúc động vô cùng vì đã mấy chục năm có dư mà thầy vẫn nhớ đến đứa trò nhỏ năm nào…

Nghe tin Thầy đi xa, vẫn biết đó là quy luật của tạo hóa nhưng tôi vẫn vô cùng bất ngờ bởi vẫn tin rằng những người như Thầy sẽ sống mãi…Cuộc đời này đang rất cần những người như Thầy!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528610

Hôm nay

2266

Hôm qua

2291

Tuần này

2883

Tháng này

215306

Tháng qua

0

Tất cả

114528610