Bồi hồi xúc động, tôi muốn ôn lại cùng bạn bè đồng nghiệp một số kỉ niệm không thể nào quên về thầy.
Suốt mấy chục năm qua, tôi đã tiếp nhận từ thầy biết bao kiến thức khoa học, không chỉ trên lớp trong những giờ thầy giảng bài mà cả trong những lần tiếp xúc cá nhân ở bất cứ đâu được gặp thầy. Ngoài kiến thức ngôn ngữ học còn cả những kinh nghiệm sống và làm việc nữa, mà những thứ này thì không có trong các giáo trình hay công trình nghiên cứu khoa học của người.
Trước hết, có thể nói tôi đến với ngôn ngữ học xuất phát từ một lời chê của thầy. Năm 1960, sau khi bảo vệ luận án Phó tiến sĩ Ngôn ngữ học ở Nga, thầy Cẩn về làm Chủ nhiệm Tổ Ngôn ngữ học Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lúc đó thầy như một ngôi sao sáng về chuyên môn, tạo ra một bước ngoặt mới trong sự phát triển của ngành ngôn ngữ học và Việt ngữ học ở Việt Nam. Chính thầy, cùng vơi các giáo sư Lê Văn Thiêm, Giáo sư Hoàng Tụy ở Khoa Toán đưa ra chủ trương sinh viên làm khóa luận từ năm thứ ba và luận văn tốt nghiệp năm thứ tư. Khóa chúng tôi (1962-1966), ngôn ngữ học chưa phải là một ngành đào tạo riêng. Ba năm đầu vẫn học chung cả Văn lẫn Ngữ, chỉ đến năm thứ 4, mới tách ra các ban riêng: Văn học Việt Nam, Văn học Trung Quốc, Văn học Nga, Văn học Pháp và Ngôn ngữ học. Tôi chọn ngôn ngữ học sau một lần được tiếp xúc riêng với thầy ở Phòng cánh gà, Hội trường Mễ Trì. Tôi còn nhớ như in buổi đó. Thầy hỏi tôi kết quả học tập các môn ra sao. Tôi hãnh diện “khoe” với thấy là tất cả các môn học tôi đều được điểm tối đa (5 điểm), chỉ một số ít môn là 4 điểm và chắc mẩm sẽ được thầy khen, dù chỉ là khen động viên. Thật bất ngờ, không những thầy không khen mà còn bảo: Học như thế chỉ chứng tỏ em chưa thực sự say mê môn nào. Thực tình, lúc đó tôi hơi hẫng. Chỉ sau này tôi mới hiểu hết ý thầy: tôi khi đó chỉ mới là một đứa “con ngoan, trò giởi” thế thôi chứ chưa có chí hướng gì, mà vào đời thì phải có chí hướng rõ ràng. Khi đã hiểu ra, tôi chọn ngôn ngữ học, theo thầy.
Cái may mắn của tôi so với nhiều anh chị khác trong lớp là sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở khoa Ngữ Văn, được sinh hoạt cùng bộ môn với thầy suốt mấy chục năm. Ở bậc đại học, không phải bây giờ mà ngay những năm 70 của thế kỉ trước các thầy đã rất quan tâm đến vấn đề phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Chỉ giảng dạy tốt nếu nghiên cứu tốt, chỉ nghiên cứu tốt nếu có phương pháp tốt. Sự tiến bộ của khoa học tùy thuộc vào sự tiến bộ của phương pháp. Chân lí đó dường như ai cũng thấm nhuần và người ta say sưa tìm tòi lí thuyết mới, phương pháp mới trong nghiên cứu khoa học. Trong xu hướng đúng đắn đó, không phải không có người hời hợt, chạy theo cái mới, chạy theo thời thượng nên kết quả đích thực chẳng có là bao. Có lần thầy khuyên tôi rất chí lí: Để sản xuất ra lương thực, ai chẳng biết máy cày thì tiến bộ hơn con trâu đi trước cái cày đi sau, mà dùng trâu cày thì tiến bộ hơn chỉ dùng cuốc; dùng cuốc chắc chắn tiến bộ hơn phương pháp chọc lỗ bỏ hạt. Ấy thế nhưng muốn mua máy cày thì phải có tiền, có máy cày rồi thì không phải chỗ nào cũng dùng được máy cày, nếu không có trâu thì phải dùng cuốc, không có cuốc thì phải chọc lỗ. Nếu cứ chờ phương pháp tốt mới sản xuất thì chết đói là cái chắc. Tôi ngộ được ý thấy. Điều quan trọng là phải xác định được mục đích nghiên cứu. Khi đã xác định được mục đích rồi thì phải huy động tất cả phương tiện bản thân mình có và bắt tay vào hành động thì chắc chắn sẽ có thành quả không nhiều thì ít. Học gắn với thực hành luôn. Nếu chỉ chạy theo cái mới, cái thời thượng nhiều khi chỉ viển vông, xôi hỏng bỏng không.
Một lần tôi hỏi thầy: Thầy nghiên cứu lúc nào mà xã hội vừa mới hô hào thầy đã có bài ngay? Thầy bảo: Nghiên cứu là việc thường ngày, chứ không phải chỉ khi nào có người yêu cầu thì mới đáp ứng. Tôi thưa lại: Nói thì dễ nhưng làm được như thầy nói là điều khó. Nghĩ ra được đề tài nghiên cứu đâu phải dễ. Nghĩ ra đề tài rồi thì cũng phải có nghị lực mới làm được, bởi đời một con người biết bao điều phải lo. Nhân đó, thầy bày cho tôi một mẹo: hãy luôn đặt mình vào trạng thái dang dở! Thầy lấy một hình ảnh rất cụ thể để minh họa: Có ai nỡ quét nửa cái nhà rồi để đấy không? Không! Dù mệt, ai cũng cố quét cho xong. Tôi nghĩ đến câu thơ : “Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở” và đã truyền lại cho sinh viên bài học của thầy: Nếu các nhà khoa học luôn có những căn nhà quét dở thì nghiên cứu khoa học sẽ trở thành việc thường ngày.
Ba điều kể trên, tôi nghĩ là tôi hiểu được ý thầy và đã thực hiện được phần nào lời khuyên bảo của thầy. Thời còn học phổ thông, các môn khoa học tự nhiên như Toán, Vật lí, Hóa học tôi đều học tốt và từng ước mơ theo học ngành vật lí nguyên tử ở đại học. Nhưng thế hệ chúng tôi, vào học đại học ngành nào là do tổ chức phân công. Tôi được cử đi thi để vào Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi cũng mê say triết học và văn chương lắm. Khóa luận năm thứ ba của tôi là về văn học. Sau khi gặp thầy Cẩn, tôi ngộ ra rằng bể học thì mênh mông, sức người thì có hạn. Tôi đã chuyên chú vào ngôn ngữ học và cuối đời cũng có được chút ít thành quả. Tôi cũng chú trong lí thuyết và phương pháp mới, thậm chí xuất bản một chuyên luận về “Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ”. Ấy thế nhưng tôi không chạy theo thời thượng mà luôn xác định rõ mục đích nghiên cứu và vận dụng những phương pháp thích hợp, vẫn theo đuổi những cái mà nhiều người không mấy quan tâm nữa. Và tôi cũng đã luôn đưa mình vào trạng thái dang dở như lời khuyên của thầy.
Có một điều tôi chưa thực hiện được như lời thầy dạy. Tôi rất kính phục tầm suy nghĩ chiến lược của thầy trong nghiên cứu khoa học. Thầy luôn luôn khuyên chúng tôi phải bám lấy thực tiễn Việt Nam, đi vào những vấn đề cụ thể của Việt Nam mới hi vọng có đóng góp gì cho khoa học. Bởi vì khoa học phát triển rất nhanh, lí thuyết này vừa ra đời thì lí thuyết kia đã tiếp nối. Trong điều kiện giao tiếp quốc tế còn hạn chế như ở Việt Nam, nhất là thời bao cấp, làm lí thuyết khó lắm, đánh đu với thiên hạ sao được. Toàn bộ sự nghiệp khoa học của thầy là một tấm gương theo hướng đó. Các sách của thầy rất ít khi nói về lí luận, thầy đi ngay vào những vấn đề cần nghiên cứu và tập trung giải quyết nó. Thầy thường khuyên học trò phải đi sâu vào tư liệu, tránh sa vào lí thuyết cao siêu. Một bạn đồng nghiệp của tôi bộc bạch: Đọc thầy Cẩn là để thán phục tài ba của thầy. Đọc những thầy khác như Nguyễn Kim Thản, Phan Ngọc,… ta còn học mót được đôi điều, chứ ở thầy Cẩn, nêu ra vấn đề gì thầy giải quyết triệt để vấn đề ấy. Thực ra, bất cứ vấn đề khoa học nào dù to hay nhỏ cũng đều phải được soi rọi bởi lí thuyết nào đó. Không có lí luận thì khó mà phát hiện ra ra vấn đề cần nghiên cứu. Phát hiện ra vấn đề rồi thì việc xác định mục đích nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu cũng cần có lí luận dẫn đường. Vì thế, tôi luôn khuyên sinh viên phải trau dồi lí luận, tôi cổ vũ đồng nghiệp dịch các tác phẩm nổi tiếng của thế giới để thầy trò cùng đọc cùng học. Nhìn bề ngoài thì dường như tôi khác với thầy. Nhưng không phải như vậy. Thầy ở tầm khác chúng ta. Với một khả năng ngoại ngữ uyên bác, giải quyết bất cứ vấn đề gì thầy cũng nắm được những vấn đề lí luận hiện đại của nó, tuy rất ít trình diễn trong các công trình của mình. Những người mới vào nghề như tờ giấy trắng, không học lí luận sẽ chẳng biết làm gì, hoặc chỉ làm vu vơ, chẳng ra ngô, chẳng ra khoai. Thế mới biết con đường khoa học thật lắm gian nan. Một đồng nghiệp tâm sự: một đời dùi mài học hỏi chuyên cần, đến lúc vỡ vạc ra được đôi điều, biết nên làm gì và làm thế nào thì tóc đã bạc, sức đã yếu…
Thầy Cẩn kính yêu! Thế là các thế hệ học trò mãi mãi không còn được gặp thầy nữa. Những gì thầy dạy chúng em sẽ ráng thực hiện. Giải quyết những vấn đề cụ thể của Việt Nam chắc chắn sẽ là mục tiêu của chúng em trên con đường ngôn ngữ học.
Hà Nội, ngày 16 tháng 2 năm 2011