Người xứ Nghệ

Vô cùng thương tiếc Thầy Nguyễn Tài Cẩn

Tin Thầy Nguyễn Tài Cẩn qua đời đến với tôi đêm qua, trên đường từ Lào Cai về. GS Nguyễn Văn Hiệp, Phó chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐHKH xã hội và nhân văn – ĐHQG Hà Nội, gọi điện cho tôi ngay khi vừa hay tin dữ.

Cả hai chúng tôi cùng lặng đi. Thầy đã 86 tuổi ta, nhưng có lẽ chẳng mấy ai trong anh em chúng tôi nghĩ Thầy sẽ ra đi. Có thể đó là tâm lý chung khi nghĩ về những người thân, nhất là về những người vẫn còn đang viết rất đều, rất nhiều, rất sắc như Thầy Cẩn. Cuối năm ngoái, Thầy vẫn còn gửi qua mail cho tôi mấy bài viết mới. Trong tôi vẫn thường trực một niềm tin mơ hồ, ngây thơ là Thầy sẽ thọ tròn thế kỷ như Thầy Trần Văn Giầu. Nhưng bây giờ thì Thầy đã đi rồi. Đi thật rồi. Bộ óc uyên bác của Thầy đã vĩnh viễn ngừng sáng tạo. Thế hệ chúng tôi cũng như mai sau đành chịu thiệt thòi vì kho trí tuệ khổng lồ ấy không còn mở cho đời nhận thêm một báu vật nào nữa.

Đối với tôi, Thầy là người có ảnh hưởng lớn nhất, quyết định nhất trong sự nghiệp khoa học. Cũng như nhiều anh em cùng lứa, tôi không dám mơ có được kiến thức sâu rộng, trí tuệ sắc sảo, tài năng hùng biện như Thầy. Đó là những thứ trời cho, và chắc vài thế hệ mới mong có được một người như vậy. Nhưng tôi học được ở Thầy lòng say mê và sự trọng thị đối với công việc. Dù là viết một quyển sách lớn hay một báo cáo để đọc trước cuộc sinh hoạt khoa học thường niên của bộ môn, bao giờ Thầy cũng hết sức nghiêm túc, chu toàn. Bao giờ công trình của Thầy cũng có tư liệu mới và thể hiện phương pháp tiếp cận mới. Thầy ghét nhất thói tư biện, lười biếng, qua loa. Chính vì vậy mà nhiều khoá luận của sinh viên có tư liệu mới, phát hiện mới cũng được Thầy quan tâm khảo cứu, thậm chí trích dẫn trong sách của mình.

Lúc còn ở Trường, đôi lúc nói chuyện với tôi, Thầy tỏ ý tiếc cho một số anh em đang có đà phát triển về khoa học hoặc đang làm những chuyên môn mà ngành rất cần, phải rẽ sang làm quản lý hay làm những công việc ở ngành nghề khác. Tôi hiểu đằng sau lời phàn nàn đó là sự lo lắng về việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và về tương lai của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam mà Thầy là một trong số ít người đặt nền móng. Thế rồi số phận trớ trêu, chính người được Thầy tâm sự về những lo lắng ấy lại cũng phải rẽ sang một con đường hoàn toàn xa lạ với chuyên môn của mình. Nhưng suốt từ khi tôi rẽ sang ngả khác đến giờ, không thấy Thầy nhắc nhở gì. Đôi lúc, Thầy còn động viên nữa. Tôi tự nhủ với lòng mình: Hoàn thành công việc rồi, cũng như anh lính hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi sẽ lại tập trung cho công việc chuyên môn mà thực ra suốt 9, 10 năm qua, tôi cũng chưa hề sao nhãng, mặc dù không có thời gian dành cho nó được nhiều.

Đó cũng là một cách trả ơn Thầy.


Vô cùng thương tiếc Thầy!


Ảnh: Con gái và các học trò đón Thầy tại sân bay Nội Bài lần về nước cuối cùng (2009)

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528613

Hôm nay

2269

Hôm qua

2291

Tuần này

2886

Tháng này

215309

Tháng qua

0

Tất cả

114528613