Khách mời văn hóa

Cửa Lò, đô thị thân thiện của những người thân thiện

VHNA: Chuẩn bị bước vào mùa du lịch biển hè 2011, VHNA đã được đón ông Hoàng Đức Cường - Bí thư Thị ủy Cửa Lò làm khách tháng 4. Cùng hướng tới Cửa Lò, cùng quan tâm trăn trở về du lịch của Cửa Lò, chủ và khách đã có cuộc trò chuyện thật cởi mở.

 
Pv: Thưa ông, ông đã gắn bó với Tx Cửa Lò từ ngày thành lập đến nay?
Ông Hoàng Đức Cường (HĐC): Đúng vậy. Tôi đã làm việc ở Cửa Lò suốt 17 năm qua, từ khi thành lập Tx đến nay. Nếu nói đúng hơn tôi gắn bó với vùng đất này từ khi mới được sinh ra. Tôi quê ở Nghi Lộc, ở xã Phúc Thọ, ngay ở phía Nam thị xã này. Và rồi chắc hẳn là tất cả thời gian còn lại tôi cũng sẽ gắn bó với Cửa Lò.
Pv: Đã từng nhiều năm gắn bó với Cửa Lò, với tư cách một công dân Cửa lò, ông có so sánh gì về Cửa lò của mình hôm nay với ngày hôm qua?
HĐC: Cửa lò xưa kia là một bãi biển dài, hoang vắng, nằm giữa Cửa Hội và Cửa Lò, dài ước chừng gần 10 cây số. Ngăn hai đầu Bắc, Nam là hai dãy núi Hồng Lĩnh và Đại Vạc. Chắn giữ phía Đông là đảo Song Ngư và đảo Mắt. Phong cảnh hữu tình. Đó là nói về địa lý tự nhiên. Còn về địa lý nhân văn, Cửa Lò nằm ở khu vực trung tâm của vùng văn hoá xứ Nghệ/Nghệ Tĩnh. Nói qua như vậy để biết về vị thế của Cửa Lò về nhiều phương diện khác nhau khi nhìn, nghĩ và đánh giá về cửa Lò từ cách tư duy, cách nhìn từ du lịch.
Người Pháp biết đến Cửa Lò rất sớm, và họ đánh giá cao tiềm năng du lịch của Cửa lò. Từ năm 1907, người Pháp đã có nghị định số ...về việc xây dựng những cơ sở đầu tiên về du lịch ở đây. Thế nhưng, do các điều kiện lịch sử khác nhau, nhất là chiến tranh triền miên, kinh tế chậm phát triển, lại thêm tư duy ‘đóng cửa” cho nên về cơ bản Cửa lò vẫn “ngủ đông” dài suốt gần một thế kỷ, từ khi người Pháp phát hiện ra cho đến cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
Là con em vùng đất này, tôi thấy Cửa Lò của chúng tôi, như cô nàng Lọ Lem của anh em nhà Grim, đã trưởng thành rất nhanh trong khoảng 20 năm qua. Anh thấy đó, từ một bãi cát gần như hoang vắng với một vài xóm chài lẻ loi, Cửa Lò nay đã trở thành một đô thị, trẻ trung, duyên dáng, hấp dẫn...
pv: Là một đô thị mới xây dựng rõ ràng là trẻ rồi.
NvC: Không hẳn thế. Tôi không nghĩ thế. Cái chất trẻ nó nằm trước hết trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách phát triển của đô thị này. Một tầm nhìn trẻ - đó là điều đáng nói trước tiên. Có tầm nhìn trẻ thì nó mới ít bị cũ kỹ đi theo thời gian và thời cuộc. So sánh không chỉ là khập khiểng mà còn là điều tế nhị và có khi là cấm kỵ trong cuộc sống hiện nay. Thế nhưng, anh có thể thấy, có nhiều cái mới đã già từ khi mới ra đời đấy thôi.
Pv: Tôi đồng tình với cách nghĩ của ông. Vậy ông có thể chứng minh cái chất trẻ của Cửa Lò như thế nào?
HĐC: Cái chất trẻ, trước hết phải hướng đến một tầm nhìn phát triển. Cửa Lò có quy hoạch không gian hợp lý và có thể đáp ứng sự phát triển ổn định trong dài lâu, trước sự thúc bách của nhịp phát triển của thời đại. Hãy dành không gian cho tương lai. Đó là tầm nhìn trẻ. Cửa Lò gắn liền với biển và luôn khao khát hướng ra biển. Đó cũng là tầm nhìn trẻ. Trong chiến lược phát triển, Cửa Lò trân trọng cội nguồn lịch sử và di sản văn hoá, hướng tới tương lai từ những giá trị của quá khứ, tôi nghĩ, đó cũng biểu thị một tầm nhìn trẻ. Cái chất trẻ của Cửa Lò còn có thể nhìn thấy ở kiến trúc, ở cách tổ chức không gian và lối sống đô thị của mình. Nhưng tôi quan tâm nhất đến cái chất trẻ tồn tại trong con người, trong mỗi cư dân, trong nhận thức, trong phẩm chất văn hoá, trong lối sống của người Cửa Lò. Phải làm sao cho người Cửa Lò trẻ trung trong nhận thức, trong lối sống, nếp sống, đáp ứng được vai trò chủ nhân của một đô thị trẻ, hơn nữa lại là đô thị du lịch.
Pv: Vậy trong mười mấy năm qua chúng ta đã kịp hình thành được một cộng đồng cư dân mới, những thị dân của một đô thị trẻ?
HĐC: Trên đường hình thành, Cửa Lò đã bắt đầu có một cộng đồng thị dân của mình, tôi nghĩ là như vậy.
Pv: Theo ông thì thị dân Cửa Lò đã và sẽ có những đặc điểm gì?
HĐC: Ngoài những đặc tính chung của thị dân, người Cửa Lò phải có những đặc tính riêng phù hợp với các điều kiện và yêu cầu như: 1. Phải là người Nghệ với những đặc trưng nổi bật về tính cách của người Nghệ. 2. Phải có những phẩm chất và tính cách đáp ứng yêu cầu môi trường đô thị du lịch. Điều đó có nghĩa là cộng đồng cư dân của chúng tôi phải có học vấn, tri thức, có khả năng thích ứng cao với sự phát triển nhanh của thị xã từ kinh tế đến xã hội.
Pv: Vậy trong những năm qua thị xã đã làm những gì trong quá trình hình thành một cộng đồng thị dân?
NvC: Phát triển giáo dục, nâng cao dân trí đồng thời với giáo dục, rèn luyện để hình thành nếp sống văn hóa, văn minh thị thành.
Pv: Ông có thể cho biết thêm những thông tin cụ thể?
HĐC: Tôi xin đưa ra một vài con số để các anh tham khảo: Hiện nay tất cả các phường xã đều có hệ thống các trường phổ thông từ bậc học mầm non cho đến tiểu học, trung học cơ sở và toàn thị xã đã có 2 trường THPT, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 1 trường trung học chuyên nghiệp, 1 Trường CĐ Thương mại – Du lịch và 1 trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân. Nếu buổi đầu thành lập thị xã khó có thể tìm được đủ số người tốt nghiệp cấp 3 để đủ tiêu chuẩn nhập ngũ thì ngày nay cơ bản hầu hết thanh niên của chúng tôi đều tốt nghiệp THPT. Từ nhiều năm nay chúng tôi chủ trương tạo mọi điều kiện để thu hút toàn bộ con em của mình trong độ tuổi đến trường, từ mầm non cho đến trung học phổ thông.
Pv: Vậy làm gì để hình thành nếp sống và nếp sống văn minh đô thị?
HĐC: Đây là công việc khó khăn, dài lâu, và là kết quả của rất nhiều hình thức giáo dục, rèn luyện, vận động khác nhau. Tuy nhiên chúng tôi thường xuyên chú trọng việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình, đơn vị văn hóa, hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng sống, giao tiếp, kinh doanh cho các tầng lớp nhân dân. Đây là một việc rất khó, phải kiên trì, phải dài lâu. Không thể bổng chốc mà người nông dân, hay ngư dân có thể trở thành thị dân. Đời sống kinh tế, đúng hơn là sinh hoạt kinh tế mới là nhân tố chính quyết định điều này. Nếu còn đi cày thì dù cho ở trong căn hộ cao cấp nhất, người nông dân vẫn là họ - người nông dân. Do đó, sự vận động của nền kinh tế của chúng tôi trong những năm qua theo hướng thị trường hóa, đô thị hóa, lấy thương mại, dịch vụ du lịch làm chính và chủ động đưa người dân tham gia vào các hoạt động đó đã trở thành tác nhân quan trọng để giúp họ từng bước trở thành thị dân. Nếu tiếp xúc với người dân Cửa Lò hôm nay các anh có thể thấy điều đó, cái chất phố đã khá rõ ràng bên cạnh chất làng. Những hộ kinh doanh ở Cửa Lò hôm nay chính là những thợ cày thợ cấy hôm qua. Họ trở nên tháo vát và năng động hơn nhiều trong môi trường đô thị. Họ đã tỏ ra khá nhạy bén trong làm ăn. Xe điện bây giờ chạy khắp thị xã là do người dân năng động với thị trường mà có. Và cái cách mà họ mời khách, cũng đã khác trước rất nhiều. Thị trường và môi trường đô thị đang thúc giục hình thành nhân cách thị dân trong lòng họ.
Pv: Theo ông thị dân Cửa Lò có đặc điểm tính cách gì?
HĐC: Họ vẫn là người NGhệ, người Nghi Lộc, thật thà, chất phác, nhân văn, có thông minh nhưng chưa đủ tinh tế và uyển chuyển bởi vẫn có chút thô vụng trong giao tiếp, “chặt to kho mặn” trong trong cung cách làm ăn và ứng xử.
Pv: Vậy phải làm sao để phát huy mặt mạnh và khắc phục điểm yếu?
HĐC: Theo tôi, quan trọng nhất là phải làm cho mọi người tự biết về mình. Và rồi từ trong cuộc sống họ sẽ tự biết điều chỉnh như thế nào. Tôi nói như vậy không có nghĩa là phó mặc cho xã hội tự vận động mà chúng ta phải có các biện pháp định hướng cho một mô hình nhân cách, một lối sống, nếp sống phù hợp với môi trường đô thị của Cửa Lò.
Pv: Ông có thể xác định “tọa độ”, hay là vị trí, vị thế của Cửa Lò trong đoàn tàu NGhệ An?
HĐC: Một câu hỏi khó. Dẫu sao thì vẫn phải trả lời. Đây chính là câu hỏi lớn mà trong nhiều năm qua chúng tôi đã và đang tìm lời giải đúng. Chúng tôi nghĩ, Cửa Lò là của cả tỉnh NGhệ An chứ không riêng gì của người Cửa Lò. Cửa Lò là một bộ phận quan trọng của NGhệ An về nhiều phương diện, từ chính trị đến an ninh quốc phòng, từ kinh tế đến văn hóa…Cửa Lò là một diện mạo văn hóa của nGhệ An trong con mắt thiên hạ. Cửa Lò là đầu tàu kinh tế du lịch của NGhệ An. Cửa Lò là nơi tiếp xúc giao lưu của người Nghệ với thế giới ngoài Nghệ, và vì vậy cũng có thể coi là một trường học ngoại khóa của Nghệ An trong cơ chế thị trường.
Pv: Đó là thì tương lai?
HĐC: Trong tương lai phải là vậy. Và bây giờ cơ bản đã như vậy. Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm, khi Thị xã được thành lập được mấy năm. Ông Hồ Xuân Hùng – chủ tịch tỉnh hồi đó đã nhận định rằng việc thành lập thị xã là có lợi rất lớn cho tỉnh về nhiều mặt. Bây giờ ngẫm lại tôi thấy điều đó là chính xác.
Pv: Vậy một tầm nhìn về Cửa Lò từ hôm nay là gì?
HĐC: Nếu nhìn xa một tý, Cửa Lò là một đô thị du lịch trong khu đô thị mới Vinh – Cửa Lò, là một trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung bộ. Nếu nhìn gần hơn thì Cửa Lò phải trở thành đô thị loại 2, là đô thị du lịch biển, đô thị văn hóa tiêu biểu của xứ Nghệ, đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ, và muốn vậy cần phấn đấu xây dựng Cửa Lò là đô thị có môi trường tốt nhất nước, cả về sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn, có hạ tầng đồng bộ và tầng bước hiện đại. Đó không chỉ là nhiệm vụ của người dân Cửa Lò mà phải là nhiệm vụ của tỉnh Nghệ An.
Pv: Nếu thế, các ông đã định hướng cơ cấu nền kinh tế của thị xã như thế nào trong tương lai gần?
HĐC: Là đô thị du lịch biển thì đương nhiên là ưu tiên phát triển kinh tế du lịch. Chúng tôi đã xác định kinh tế du lịch phải chiếm tỷ trọng từ 60% - 65%, 30-35% là công nghiệp, xây dựng…nông nghiệp chỉ còn lại khoảng 3 -5%. Nông nghiệp, ngư nghiệp tuy không chiếm tỷ trọng cao, thậm chí hiệu quả kinh tế không cao, nhưng phải tồn tại Ngoài ý nghĩa kinh tế, nó còn có nghĩa văn hóa nữa. Nó cần được nhìn nhận như là một dạng tài nguyên du lịch. Nhân đây tôi cũng xin thông báo để các anh rõ tốc độ tăng trưởng kinh tế của Cửa Lò suốt hàng chục năm qua luôn đạt trên 19-20%. Đó là những con số hấp dẫn và đáng trân trọng.
Pv: Vậy trong tư duy chiến lược phát triển của Cửa Lò các ông quan tâm những vấn đề nào nhất?
HĐC: Có thể nói là một phần câu hỏi này tôi đã trả lời trong câu chuyện từ lúc nãy rồi. Đó là vấn đề con người. Vấn đề hàng đầu là phải có một cộng đồng thị dân Cửa Lò thông minh, hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ được, thể hiện được những phẩm chất văn hóa xứ Nghệ. Và điều thứ hai là văn hóa. Đến bây giờ, từ thực tiễn của Cửa Lò, tôi càng thấm thía nguyên lý văn hóa là nền tảng, là động lực và là mục tiêu của phát triển; đầu tư cho phát triển của Cửa Lò là đầu tư cho văn hóa. Du khách họ đến đây không chỉ có nhu cầu nghỉ dưỡng, tắm biển, thưởng thức các món hải sản mà họ muốn tìm hiểu, muốn khám phá những giá trị, những đặc điểm văn hóa ở đây. Họ không chỉ thích ăn mực nháy mà còn muốn biết cách thức câu mực và muốn tự mình câu mực nữa. Vậy thì sau Biển, chính văn hóa là tài nguyên du lịch, là sản phẩm du lịch của Cửa Lò chứ không gì khác. Muốn làm ăn, kinh doanh được ở Cửa Lò phải có văn hóa. Muốn cho khách vào nhà hàng của mình thì ông bà chủ phải giao tiếp, phải đối xử có văn hóa. Muốn cho khách đến với Cửa Lò thì cả thị xã này phải là một không gian văn hóa, từ cảnh quan môi trường cho đến mỗi một người dân, từ các di tích lịch sử văn hóa cho đến các cơ quan trường học…Cái phẩm chất văn hóa này phải được rèn luyện, hình thành và thể hiện trong bất cứ lĩnh vực nào, bất cứ ai. Điều thứ ba mà chúng tôi quan tâm là việc quy hoạch và tổ chức không gian cho đô thị Cửa Lò theo hướng hiện đại nhưng phải đảm bảo ổn định và bền vững. Phải có “của để dành” cho con cháu. Và trên hết, mọi sự thể hiện đều phải phục tùng nguyên tắc Cửa Lò phải là đô thị Du Lịch Biển văn minh, hiện đại của Nghệ An có tầm cỡ khu vực và quốc gia.
Pv: Trở lại câu chuyện cũ, khi chúng ta đang nói đến vị trí của Cửa lò trong tương quan với tỉnh Nghệ An. Thưa ông, về văn hóa, và du lịch, ông thấy, hay là nhận định như thế nào mối liên hệ giữa Cửa Lò với các địa phương khác trong tỉnh, trong vùng?
HĐC: Ở đầu câu chuyện tôi đã nói rồi. Cửa Lò có may mắn tọa lạc ở khu vực trung tâm của vùng văn hóa xứ Nghệ. Nếu vạch một đường compa ta sẽ thấy tp Vinh ở sát kề Cửa Lò. Kim Liên –Nam Đàn chỉ cách Cửa Lò khoảng 30 km, Tiên Điền, Uy Viễn/Nghi Xuân chưa đầy 10 km đường chim bay, đền Cuông cũng tương tự, chưa đầy 10 km…..Điều đó có nghĩa là Cửa Lò có nguồn tài nguyên du lịch ở ngoài Cửa Lò. Không phải của mình mà là của mình. Đó là một lợi thế rất lớn. Vấn đề là phải biết cách liên kết để biến các tài nguyên thành các sản phẩm có giá trị và hiệu quả cao.
Pv: Vậy chúng ta đã làm được gì nhiều để khai thác các nguồn tài nguyên này?
HĐC: Chúng tôi đã nhìn thấy vấn đề này, đã có cố gắng nhưng kết quả và hiệu quả chưa được như ý muốn. Vẫn còn quá ít khách đến Cửa Lò rồi lên Vinh, lên Kim Liên hay sang Tiên Điền, Ngã ba đồng Lộc và ngược lại. Điều này có lẽ bắt nguồn từ sự thiếu quyết tâm, thiếu quyết liệt của chúng tôi và các bên đối tác. Tôi thấy có hai vấn đề đặt ra ở đây. Đó là cần có sự chỉ đạo chung của tỉnh, cụ thể là của ngành du lịch để tạo ra sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương, các ngành; Thứ hai, cần có sự vào cuộc một cách chủ động của các doanh nghiệp du lich. Cơ quan nhà nước chỉ là định hướng, chỉ đạo và quản lý thôi. Không thể làm thay các doanh nghiệp được. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.
Pv: Có phải một phần vì vậy mà thời gian hoạt động du lịch của Cửa Lò rất ngắn, chỉ khoảng 3 – 4 tháng trong một năm?
HĐC: Tôi nghĩ là có nguyên nhân từ đó nhưng không phải là tất cả. Cái chính là do Cửa Lò ở vùng phía bắc nên có 2 mùa rõ rệt. Mùa hè nắng nóng và mùa đông giá rét. Mà đã là đi Cửa Lò, trước hết là đến với Biển. Bởi vậy có lẽ đó là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, nếu chúng ta có các sản phẩm, các loại hình du lịch phong phú và hấp dẫn hơn, mới lạ và độc đáo hơn thì chắc chắn là sẽ có cả khách mùa đông. Phải phát hiện cho ra và khai thác cho được lợi thế, sức mạnh của biển không chỉ vào mùa hè mà cả các mùa khác trong năm. Hãy đến với biển cả khi không được sà vào lòng biển. Tôi lấy ví dụ: Mùa xuân chúng ta cũng có thể có khách vãn cảnh chùa Ngư ở ngoài đảo Ngư nếu chúng ta biết cách khai thác tốt.
 Một điều nữa có thể thấy là chúng ta tiếp thị, quảng bá chưa nhiều, chưa tốt, hiệu quả chưa cao. Tôi tin chắc rằng từ ngay năm nay tình hình này sẽ được cải thiện một cách đáng kể. Đó là tôi chưa nói đến một nguyên nhân có tính chủ quan khác là do chúng ta chưa liên kết khai thác được các tiềm năng du lịch của các đại phương lân cận để mở rộng mùa du lịch của Cửa Lò.
Chúng tôi cũng đã có chủ trương phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người dân để mỗi người phải góp phần bảo vệ và làm đẹp hình ảnh của Cửa Lò trong nhận thức và tình cảm của du khách bằng và từ những việc nhỏ nhất như giữ vệ sinh chung, giao tiếp lịch sự, kinh doanh trung thực, đàng hoàng…Tiến hành quy hoạch và từng bước đưa các hoạt động dịch vụ du lịch vào sâu nội địa hơn và phải xây dựng các khu du lịch, thương mại đẳng cấp cao.
Pv: Sắp tới các ông sẽ tổ chức khai thác đảo Ngư như thế nào?
HĐC: Để khai thác và khai thác có hiệu quả cao đảo NGư thì còn phải dài dài hơn một chút. Đây là tài nguyên vô cùng quan trọng của Cửa Lò. Sự phát triển của Cửa Lò trong tương lai là phải trông chờ vào đảo Ngư và đảo Mắt. Muốn vậy phải làm rất cẩn thận từ khâu định hướng phát triển cho đến quy hoạch. Khi bàn giao xong, chúng tôi sẽ kêu gọi các nhà đầu tư vào tiến hành khảo sát, lập quy hoạch chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Và sau đó sẽ đi vào xây dựng để biến đảo Ngư thành một điểm du lịch trọng tâm của Cửa Lò. Còn về phương hướng lựa chọn đầu tư, chúng tôi rất muốn có một đối tác có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để xây dựng nơi đây thành một khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, dịch vụ cao cấp và thể thao nước hấp dẫn.
Pv: Thưa ông, cách đây mấy tháng, tại Cửa Lò đã khởi công xây dựng cảng nước sâu. Liệu công trình này có ảnh hưởng đến quá trình sự phát triển và hoạt động của Cửa Lò với tư cách là một đô thị du lịch xanh, sạch, đẹp như các ông đang kêu gọi?
HĐC: Căn cứ vào các hồ sơ hiện có tôi thấy việc xây dựng cảng nước sâu không những không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của Cửa Lò. Hơn thế nó còn là một công trình hiện đại tạo nhiều điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nói chung của Tỉnh và du lịch nói riêng của Cửa Lò. Lúc đầu chúng tôi cũng có những băn khoăn nhất định nhưng các luận cứ khoa học đã thuyết phục được chúng tôi.
Pv: Thưa ông, nếu có thể được, xin ông cho biết sự chuẩn bị của thị xã cho mùa du lịch năm nay?
HĐC: Mục tiêu của chúng tôi là tạo nên sự hấp dẫn để hướng du khách về với mình. Muốn vậy chúng tôi chủ trương Cửa Lò phải Xanh, Sạch, Đẹp, Lịch sự, Thân thiện. Cụ thể là chúng tôi đã và đang làm cho bãi tắm thật sạch, tu sửa lại công viên bãi tắm cho thật xanh, sạch và đẹp; Chỉnh trang lại một số khu vực nội thị, làm thêm một số công trình phục vụ trực tiếp cho du lịch, nâng cấp hệ thống giao thông, điện…Tổ chức quản lý chặt chẽ để đảm bảo đón, phục vụ khách an toàn, trật tự; Giảm thiểu bán hàng rong; thực hiện niêm yết giá; Tổ chức tập huấn kỷ năng hoạt động kinh doanh du lịch, giao tiếp…Thiết lập các tuyến xe bus, taxi nội – ngoại thị. Và cuối cùng là tổ chức các sự kiện để thu hút khách du lịch. Nhưng chừng ấy vẫn là chưa đủ. Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã và đang tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân, trước hết là cán bộ, công chức viên chức của Cửa Lò phải thân thiện với du khách, với mọi người. Cửa Lò phải là một đô thị thân thiện, của những người thân thiện.
Pv: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi hôm nay. Xin chúc Cửa Lò ngày càng Xanh, Sạch, Đẹp, Hiện đại, Văn minh và Thân thiện, xứng đáng là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước../.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528552

Hôm nay

2208

Hôm qua

2291

Tuần này

2825

Tháng này

215248

Tháng qua

0

Tất cả

114528552