Khách mời văn hóa

Gs Đỗ Huy: Hồ Chí Minh là một trí thức lớn hoạt động thực tiễn(kỳ cuối)

...
Sa sút về văn hóa là do trình độ tổ chức xã hội yếu kém
Trong bối cảnh hiện nay, theo GS thì giới trí thức nước ta cần học tập và làm theo những phẩm chất nào nhất của Hồ Chí Minh?
Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh hội tụ trí thông minh của một nhà minh triết, lòng dũng cảm phi thường của một anh hùng, ý chí mạnh mẽ của một nhà đạo đức, tài năng của nhà nghệ sĩ, sự mềm dẻo và khôn khéo của một nhà ngoại giao, sự kiên định của người cộng sản và lòng khoan dung vô bờ của một người mẹ hiền.

Anh hỏi chúng ta nên làm theo những phẩm chất nào ở Hồ Chí Minh? Câu trả lời không dễ, bởi vì tuỳ công việc của mỗi người, tuỳ trình độ của mỗi người, tuỳ hoàn cảnh của mỗi người, chúng ta coi tấm gương nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ và giáo dục. Tôi nghĩ rằng, Hồ Chí Minh là một vĩ nhân, có rất nhiều phẩm chất của một vĩ nhân mà ta muốn làm theo cũng rất khó, đấy là chưa nói đến không thể. Tôi nghĩ, mỗi người, trước hết cần "Cần kiệm liêm chính", yêu nước chân thành và lao động sáng tạo hết khả năng của mình là cách học tập và làm theo Bác Hồ tốt nhất, hiệu quả nhất.
Theo GS trí thức của nước ta cần thể hiện vai trò của mình với dân tộc như thế nào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay?
 Bây giờ, đã vào thời kỳ đổi mới, nhưng đổi mới lại đẻ ra rất nhiều quyền lực. Quyền lực chính trị, quyền lực của đồng tiền, quyền lực thế hệ. Trong xã hội, sự phân tầng rất nhanh, đơn giá cho nhiều sản phẩm của người lao động trí óc rất rẻ, địa vị xã hội của họ không được những chuẩn mực bảo hộ đúng đắn. Tôi đơn cử: một giáo sư, một viện sĩ sản xuất một cuốn sách từ 5 năm đến 10 năm, đưa đến nhà xuất bản, khi sách ra, họ được tiền nhuận bút 10% theo giá bìa và số lượng in. Cuốn sách nào cũng in với số lượng rất ít, tiền nhuận bút vô cùng ít ỏi. Các trí thức muốn phục vụ Tổ quốc cũng khó.
Theo ý tôi, hiện nay trong xã hội Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực vô chuẩn tạo ra tình trạng thiếu công bằng, quy luật giá trị của thị trường bị vi phạm nghiêm trọng. Chúng ta chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cái cơ chế này tồn tại còn lâu dài nhưng hệ thống lý luận về nó, công cụ hành chính điều chỉnh nó đang có chỗ bất cập, chưa hoàn thiện. Tôi nghĩ, hãy tập trung giới trí thức có năng lực lý luận và thực tiễn xây dựng cho được một hệ thống lý luận phát triển đất nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đủ sức thuyết phục là một công việc lớn hiện nay.
Phản biện với mục đích xây dựng có phải là yêu nước, là có trách nhiệm với đất nước không?
Rõ ràng xã hội của chúng ta đang có rất nhiều vấn đề cần phải bàn, phải phản biện để làm rõ những cản trở, những mâu thuẫn, những vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy xã hội tiến lên. Những vấn đề đó có liên quan trực tiếp đến vấn đề tôi vừa trình bày ở trên. Đó là xây dựng nội dung lý luận có tính thuyết phục về lộ trình phát triển cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với thực tiễn ở nước ta. Tích tụ ruộng đất cho sản xuất lớn trong nông nghiệp theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào? Vì sao đất đai nhà nước quản lý mà lại lộn xộn và khiếu kiện như vậy? Vì sao sự phân tầng xã hội ta lại nhanh và sâu đến như vậy? Những vấn đề ngân hàng, tài chính, môi trường, công nghiệp hoá, hiện đại hoá… phạm vi phản biện xã hội đến đâu? Phản biện xã hội có trách nhiệm rồi có thể thực hiện được không? Rất nhiều vấn đề lý luận, mục tiêu thì tốt đẹp nhưng thực hiện được trong thực tế là rất khó. Tôi nghĩ rằng cần thiết phải phản biện xã hội để thiết lập cho được một số hệ chuẩn cơ bản làm cho xã hội ổn định, sinh thành và phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó phải thiết lập được hệ thống hữu hiệu khắc phục rủi ro, đề phòng khủng hoảng, ngăn chặn cái dốt, cái xấu, cái ác.
Phản biện xã hội có trách nhiệm trong lúc này chính là thể hiện lòng yêu nước tích cực. Hãy phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc để những phản biện có ý nghĩa tích cực, đẩy xã hội tiến lên.
 Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được phát động hơn 4 năm. Chúng tôi thấy sự hưởng ứng rất rộng rãi và sôi nổi. Với tư cách một chuyên gia nghiên cứu về Hồ Chí Minh, theo ông, cuộc vận động đã đem lại những hiệu quả xã hội như thế nào? Nó đã có những tác động đến đời sống của đất nước ra sao?
Điểm nổi bật trong tấm gương và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là các quan hệ đạo đức mới phải gắn với khoa học và pháp luật. Nên tập trung vào tiêu điểm những giá trị đạo đức dựa trên khoa học và pháp luật để học tập, giáo dục và làm theo. Khoa học, pháp luật sẽ giúp chúng ta hiểu đúng đắn và nên làm theo nhân cách phẩm chất đạo đức nào ở Hồ Chí Minh. Gắn việc học tập và làm theo tấm gương cũng như tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với những cơ sở khoa học và chuẩn mực pháp luật, người học tập và làm theo sẽ có ý thức tự chủ và tự giác rõ ràng hơn.
Cơ chế đạo đức do Bác thiết lập trong thời kỳ quan liêu, bao cấp khi chuyển sang cơ chế thị trường, dù là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đã biến đổi và biến dạng rất nhiều và rất mau chóng. Nó đã làm lỏng lẻo, lay chuyển, khỏa lấp rất nhiều quan hệ đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội. Sự phân tầng xã hội rất mau và rất sâu làm đảo lộn rất nhiều quan hệ đạo đức tốt đẹp do Bác Hồ xây dựng trước đây. Nhiều người tốt, người lao động trung thực bị cái xấu, cái ác lừa đảo, tấn công trở thành bi kịch. Lối sống thực dụng đang gia tăng mạnh mẽ. Nhiều quan hệ xã hội hiện nay đang được bôi trơn bằng tiền bạc. Sự huênh hoang về những giá trị vật chất đang lấn át những giá trị tinh thần… Trước tình hình như vậy, cần phải học tập và làm theo những tư tưởng và tấm gương đạo đức tốt đẹp của Bác trên cơ sở khoa học và pháp luật. Tôi thấy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua dù ít hay nhiều đã khơi dậy được tính thiện trong cộng đồng, hướng mọi người đến những điều tốt đẹp và qua đó ngăn chặn được phần nào tình trạng suy thoái đạo đức xã hội, nhất là trong cán bộ, đảng viên.
Theo GS thì đời sống văn hoá nước nhà hiện nay đang có những vấn đề, những biểu hiện nào là đáng lo ngại, đáng chấn chỉnh, điều chỉnh nhất? Căn nguyên của tình trạng sa sút, bất cập đó là gì? Và chúng ta phải bắt đầu từ đâu để "căn chỉnh” lại nền văn hoá của chúng ta?
Nền văn hoá mà chúng ta đang xây dựng là một nền văn hoá của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó cùng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo thành một chỉnh thể hữu cơ của thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Nó vừa là sản phẩm vừa là động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó phát triển và tồn tại suốt thời kỳ đổi mới trong thể chế kinh tế thị trường.
Kể từ năm Bính Dần (1986) đến nay nền văn hoá này đã trải qua 2 Giáp Dần, 5 kỳ đại hội Đảng. Mỗi kỳ đại hội Đảng nó lại được đổi mới cho sát với thực tiễn của nền kinh tế thị trường hơn. Tuy nhiên, thực tiễn hơn hai thập kỷ qua đã cho người ta nhận thấy rằng rất nhiều vấn đề về văn hoá cần phải quan tâm hơn nữa thì thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mới trở thành một chỉnh thể phát triển nhịp nhàng. Các làn sóng xuất khẩu, đầu tư, tin học, các quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá diễn ra cấp tập đẩy nền văn hoá tiến tới hiện đại trong khi đó chưa có một cơ chế tổng thể đủ mạnh để gìn giữ những giá trị truyền thống. Rõ ràng, căn nguyên nhãn tiền là ta phát triển những giá trị hiện đại mà không có cơ chế đủ mạnh gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống. Ta phát triển thị trường tự do ào ạt mà sung lực của định hướng xã hội chủ nghĩa lại chưa đủ mạnh. Đó là chưa nói tới một vấn đề quan trọng là chúng ta giải quyết vấn đề lợi ích tập thể, lợi ích cá nhân không nhất quán, thiếu cơ sở khoa học làm cho chủ nghĩa cá nhân phát triển rất mạnh trong nền văn hoá, sản sinh ra những lối sống thực dụng đề cao quá mức các giá trị vật chất, xem thường thậm chí không chú ý đến đạo đức, đến các giá trị tinh thần. Nền văn hoá tình nghĩa bị sa sút, nền văn hoá biết xấu hổ bị mai một. Các văn kiện của Đảng suốt 20 năm qua liên tục chỉ mặt, đặt tên cho những hiện tượng tham nhũng, sa sút lý tưởng… nhưng chúng vẫn còn đó!
Trong Di chúc, Bác đã chỉ rõ những hư hỏng trong xã hội và đề xuất một cuộc chiến đấu khổng lồ để chống lại những hư hỏng đó, để xây dựng những cái tốt đẹp trong nền văn hoá mới. Cuộc chiến đấu này phải dựa vào sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Theo Bác Hồ trong Di chúc, thì việc trước tiên là xây dựng và chỉnh đốn Đảng và việc đầu tiên là quan tâm đến các vấn đề con người. Con người đầu tiên Bác Hồ quan tâm đó là người cộng sản. Nếu người cộng sản mà đánh mất lý tưởng, sa sút về đạo đức thì không thể trở thành người lãnh đạo nền văn hoá mới mà sự thật, nhân dân cũng không cần những người như họ là người đầy tớ trung thành của mình.
Chúng ta thường hay nói tới một giải pháp để phát triển mạnh mẽ nền văn hoá là Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nhưng mà Đảng muốn lãnh đạo tốt nền văn hoá mới thì phải nâng cao năng lực lãnh đạo, phải chỉnh đốn phương pháp làm việc. Cũng như vậy, nhà nước muốn quản lý tốt nền văn hoá mới thì các quan chức của nhà nước phải trong sạch và bộ máy phải tổ chức có hiệu lực. Còn nhân dân không thể làm chủ tốt được nếu trình độ dân trí thấp và thiếu hiểu biết về pháp luật.
Trong Di chúc, Bác Hồ đã chỉ ra rằng, để xã hội có một nền văn hoá tốt đẹp thì đầu tiên phải là vấn đề con người. Ngoài vấn đề người cộng sản ra, chúng ta phải quan tâm đến đất đai cho nông dân, tiền lương và chỗ ở cho công nhân, việc làm và định hướng giá trị cho thanh niên, giải phóng tiềm năng sáng tạo của phụ nữ, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và người cao tuổi… Khi thực hiện tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá phải quan tâm quyết liệt đến tiến bộ và công bằng xã hội.
Rõ ràng là nguyên nhân căn bản của sự sa sút về văn hoá là do trình độ tổ chức xã hội của chúng ta yếu kém, hệ thống lý luận về phát triển xã hội theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ và nó chưa phản ánh được những vấn đề sâu xa của cuộc sống… Chúng ta chưa tổ chức và quản lý tốt nguồn lực con người, không quản lý tốt nguồn tài nguyên của đất nước, chưa hiểu hết và làm chủ được nguồn lực tài chính. Nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên, nguồn tài chính là linh hồn của một nền văn hoá. Làm chủ được nhân lực, tài nguyên, tài chính chúng ta có thể điều chỉnh được hầu hết các quan hệ văn hoá; chúng ta có thể gìn giữ các di sản quý hiếm và hiện đại hoá nền văn hoá, chúng ta có thể khắc phục được những yếu kém và nuôi dưỡng những cái tốt đẹp.
 Từ năm 1923 đã có người nói rằng, Hồ Chí Minh là đại diện của nền văn hoá của tương lai. Liệu bây giờ chúng ta có thể căn cứ vào những giá trị Hồ Chí Minh để sửa, và xây nền văn hoá của chúng ta?
Vâng, đúng là từ năm 1923, ông Menđenxtam - một nhà nghiên cứu văn hoá người Nga có tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc/ Hồ Chí Minh. Lúc đó, ông nhìn thấy trong nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh rất nhiều điểm mới lạ so với văn hoá phương Tây và ông cho rằng từ nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh toả ra một ánh sáng văn hoá của tương lai. Đó là một lời khen rất tuyệt vời về văn hoá giàu bản sắc Việt Nam. Thực tế lúc đó, Hồ Chí Minh là một nhân cách văn hoá Việt Nam hiện hữu chứ không phải là tương lai Việt Nam hay thế giới ngày mai mới xuất hiện những giá trị văn hoá ấy.
Từ năm 1923 cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh ngày càng được nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới yêu chuộng hơn. Thậm chí, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời được hơn 20 năm sau, năm 1990, tổ chức UNESCO còn tôn vinh Người là một nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam. Nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh có một năng lượng kế thừa và toả sáng những nhân cách văn hoá lỗi lạc trong lịch sử dân tộc Việt Nam tạo thành cả một thời đại mang tên mình.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, có nhiều nhà văn hoá là sản phẩm và mang dấu ấn của mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Nhà văn hoá Nguyễn Trãi, nhà văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà văn hoá Nguyễn Du đều là sản phẩm của thời đại mà các ông sống. Nhà văn hoá Hồ Chí Minh đánh dấu thời đại giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người của Việt Nam trong thế kỷ XX. Những di sản văn hoá của Người hiện thân của những phẩm giá dân tộc, rất giàu sức sống, đang toả sáng ở những năm đầu của thế kỷ XXI này.
Tôi nghĩ, lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam sẽ xuất hiện những nhà văn hoá mới kế thừa những giá trị của nhà văn hoá Hồ Chí Minh khi họ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ lịch sử mới của thời đại và dân tộc.
Nếu vậy thì, theo GS, chúng ta, nhà nước và mỗi người dân cần phải làm gì, đặc biệt là vai trò của giới trí thức trong công cuộc vĩ đại nhưng gian khó và phức tạp này?
Chúng ta đang sống trong một thế giới đa cực đầy biến động nhanh chóng. Việt Nam đang vươn lên để khoả lấp những mất mát của những năm dài chinh chiến, để sánh vai cùng với những cường quốc khác trên thế giới. Điểm bắt đầu vươn lên của chúng ta rất mệt nhọc và vô cùng khó khăn: ruộng đất manh mún, công nghiệp, nông nghiệp đều kém phát triển, cơ sở hạ tầng còn chắp vá. Một thập kỷ nữa chúng ta mới phấn đấu trở thành nước công nghiệp… Tôi nghĩ, hiện nay đất nước đang cần đến nhiều nhà trí thức để xây dựng nền kinh tế tri thức. Vấn đề chính như tôi đã trình bày là giải phóng tiềm năng của những nguồn lực. Làm thế nào để đào tạo và sử dụng tốt trí thức để xây dựng đất nước ta hiện nay không phải là dễ. Cơ sở vật chất để sáng tạo, điều kiện vật chất và tinh thần cùng với những quan hệ đồng sự trong lao động sáng tạo đều là những bài toán khó trong cơ chế thị trường đang từng ngày, từng ngày tạo ra sự phân tầng xã hội rất nguy hiểm.
Trong xã hội của chúng ta hiện nay, ngành sản xuất tinh thần còn chưa được chú ý thích đáng và đúng mức do đó nó ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát huy các tiềm năng lao động của trí thức. Có lẽ người trí thức hiện nay đang chờ nhu cầu của thị trường để sáng tạo và chờ những chính sách đột phá khả thi để sẵn sàng lao động.
Dù trong tình hình khó khăn và phức tạp như thế nào, tôi vẫn tin tưởng lòng yêu nước tuyệt vời và sức chịu đựng phi thường của người trí thức Việt Nam. Họ luôn gìn giữ phẩm giá cá nhân và phẩm giá dân tộc.
Bản chất của sự phát triển văn hoá là phát triển tự do của con người. Cụ Hồ Chí Minh nói rằng: Không có gì quý hơn độc lập tự do. C.Mác và Ph.Ăngghen cũng nói: “Phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Người trí thức Việt Nam có văn hoá là những người rất yêu tự do. Họ hướng đến những giá trị tự do do Cụ Hồ, C.Mác và Ph.Ăngghen đề xuất để lao động, để sáng tạo, để phục vụ Tổ quốc, để phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở Việt Nam./.
Phan Thắng(Thực hiện)


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528545

Hôm nay

2201

Hôm qua

2291

Tuần này

2818

Tháng này

215241

Tháng qua

0

Tất cả

114528545