Đất Nghệ
Tục cưới hỏi của người Thái (khảo sát ở huyện Tương Dương - Nghệ An)
Từ xa xưa, người Thái huyện Tương Dương, con trai con gái đến tuổi thành niên được chủ động tìm chọn bạn đời của mình. Qua thời kỳ tìm hiểu, chàng trai nào chọn được bạn tình của mình rồi thì tiến hành chiếc xáo (đính ước), hai người bạn tình trao kỷ vật cho nhau. Kỷ vật chàng trai trao cho cô gái thường là một vòng tay bằng bạc hoặc cái nhẫn, cô gái trao lại tấm khăn hoặc vật trang sức cho chàng trai. Chàng trai đem vật đính ước đó về nhà thưa với bố mẹ mình để lo chuyện hôn nhân.
Nhằm góp phần tìm hiểu về đặc trưng văn hóa của tộc người Thái Tương Dương, chúng tôi xin cung cấp tư liệu về tục cưới hỏi của họ qua khảo sát, nghiên cứu ở nhóm Tày Mười, Hàng Tổng thuộc ngành Thái trắng ở huyện Tương Dương (Nghệ An).
1. Lễ thăm hỏi (dám xáo): Sau khi con trai thông báo đã chọn được bạn tình trăm năm. Bố mẹ chàng trai nhờ người đến thǎm nhà gái để ướm lời xem có thuận chiều không. Nếu nhà gái tỏ ý thuận thì nhà trai nhờ ông mối, bà mối đem trầu cau đến chính thức ngỏ lời. Nếu nhà gái nhận trầu cau thì nhà trai tiến hành lễ ăn hỏi.
Nguyên tắc chọn ông mối hay bà mối là người có uy tín, hiểu biết về các nghi lễ, nói năng lưu loát và đều quan trọng nhất là có đủ cả vợ và chồng, không chọn người góa bụa, con cái hiền lành và thành đạt trong cuộc sống. Ông mối, bà mối có trách nhiệm cùng với nhà trai lo toan chuyện cưới xin và đại diện cho nhà trai hiệp thương với nhà gái những vấn đề liên quan đến việc cưới xin. Người Thái gọi ông mối, bà mối là “Ạnh lạm”, “Mễ lạm” có vai trò như cha mẹ đẻ, quyết định các vấn đề quan trọng trong suốt cuộc đời của hai vợ chồng.
Lễ vật ǎn hỏi gồm trầu, cau, hoa quả, bánh kẹo, bánh chưng (khẩu tồm), rượu cần, rượu siêu...mỗi thứ 2 cái. Lễ hỏi thường tổ chức vào ban đêm, tham gia lễ ăn hỏi lễ hỏi thường tổ chức vào ban đêm. Tham gia lễ thăm hỏi phải có đầy đủ 4 trai, bốn gái nam thanh nữ tú, ông bà mối, cha mẹ chàng tải và một số anh em họ hàng nội ngoại của chàng trai, số người tham gia phải là con số chẵn. Kể từ đây, chàng trai, cô gái được phép đi lại với nhau, được gia đình hai bên coi như con cái trong nhà. Sau lần thăm hỏi đầu tiên, nhà trai chọn ngày tốt (thường là phải trùng với ngày thăm hỏi đầu tiên) tiến hành 6 cuộc thăm hỏi gọi là “Phạc hóng”, lễ vật cũng giống như lễ thăm hỏi ban đầu, số lượng tăng dần theo bội số của 2, đầu tiên là “dám xóng” (lễ vật mỗi thứ đều 2 cái), “dám xỉ” (mọi lễ vật đều có 4 cái),....cuối cùng là “dám xíp xóng” (lễ vật mang theo mỗi thứ mười hai cái). Ngày nay, nghi lễ này được giảm đi rất nhiều.
2. Lễ ra mắt dâu, rể (ọc nà pợ, nà khướu) hay còn gọi là lễ “kín lầu xút hóng phạc”: Đây là nghi lễ có ý nghĩ thông báo kết thúc giai đoạn thăm hỏi và chính thức ra mắt cô dâu, chú rể.
Quy mô như một đám cưới nhỏ (vì thế người ta quen gọi là cưới nhỏ), mọi chi phí đều do nhà trai lo liệu. Thành phần tham gia, bao gồm: Bố mẹ, anh chị, ông bà nội ngoại, anh em họ hàng và bạn bè của chàng trai khoảng trên 10 người, phải đi đủ đôi. Lễ vật thường là 1 con lợn khoảng 3 yến (mú xám), chum rượu cần 2 người khiêng (hám lầu), ngoài ra còn có 2 vò rượu xiêu, cơm lam, ống cá ướp chua, cùng với trầu, cau và vỏ chay, bạc nén để trao trước cho nhà gái, gọi là “khường chiệt” (ý nghĩa như tiền đặt cọc). Nhà gái mời lúng tá (ông ngoại, anh em trai của mẹ vợ) đến dự lễ dạm hỏi và nói chuyện với nhà trai. Nhà gái cũng có vò rượu cần đưa ra đáp lễ gọi là “lầu tọp đoong”.
Tại lễ “xut hóng phạc”, ông mối thay mặt nhà trai thưa chuyện, ông ngoại (hoặc ông cậu) thay mặt bố mẹ cô gái tiếp chuyện và bằng lòng sẽ cho cưới, định đồ dẫn cưới và định cả ngày cho chàng trai sang ở rể (ngày nay tục ở rể dã được bãi bỏ).
Tục ở rể thường (ở rể tạm thời): Chú rể ở cho đến ngày cưới thì thôi, thường là mười lăm ngày, bởi vì ngày cưới cũng không xa. Đây là tục ở rể của con nhà giàu, ở cho có lệ. Có nơi chàng rể không sang ở mà cho “côn hươn” (người làm trong nhà) sang ở rể thay.
Ở rể định ngày: khoảng vài ba năm, việc này do nhà gái định. Đây là những chàng rể ít tiền của, phải ở làm công để thế của, chàng rể này được coi như con trai trong gia đình.
Ở rể lâu dài: tục ở rể này không định kỳ. Đây là những chàng rể nghèo, ở để làm công cho cha mẹ vợ và cũng để nhà gái thử thách khả năng lao động, thử thách khả năng cáng đáng mọi công việc trong gia đình. Dù là chàng trai nào, khi ở rể cũng không được ăn cơm cùng mâm với mẹ vợ và các chị dâu, chị gái, em dâu, em gái trong gia đình vợ. Khi chưa được chính thức là chồng cô gái, chàng rể phải ngủ riêng ở gian ngoài.
3. Lễ cưới: Lễ cưới gồm có các bước sau:
- Mời cưới, người Thái có tục mời cưới rất đáng trân trọng: Nhà trai nhờ ông mối và một người trong gia đình và đại diện nhà gái đem theo trầu, cau đến từng gia đình họ hàng nhà trai, nhà gái mời đến dự tiệc cưới, việc này diễn ra gần 1 tháng bởi phải “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, không để sót nhà nào, dù gần hay xa. Ngày nay đồng bào Thái cũng có thói quen sử dụng thiệp mời để mời anh em họ hàng hai bên trai gái đến dự đám cưới thay cho việc đi mời như ngày xưa.
- Lễ nạp đồ dẫn cưới (phạc cả húa): Thành phần tham gia gồm bố hoặc mẹ, anh em chú rể do ông mối dẫn đầu. Lễ vật mang theo phải y như lời đã hứa trong ngày ăn hỏi, thường là 5 ném bạc, một hoặc hai trâu đứng, 3 chum rượu cần, từ 1 đến 2 con lợn, hai thúng nếp, 40 ống cơm lam, 40 bánh nếp gói theo kiểu hình sừng trâu (khẩu tồm hấu quai), 1 cái niễng, một đoạn chân chài, cùng với dăm vò rượu xiêu và khoảng một thúng cau trầu. Tùy theo thời gian ở rể mà số đồ dẫn cưới nói trên có thể bớt nhiều hay ít.
Tiếp nhà trai có bố mẹ cô dâu, các chức sắc trong dòng tộc nhà gái. Nhà gái cũng mở rượu cần, mổ lợn và hông xôi để đãi nhà trai. Tuyệt đối không mổ trâu hoặc bò ngày này, vì người Thái quan niệm làm như vậy thì vợ chồng mới cưới sẽ gặp khó khăn. Trong ngày nạp đồ dẫn cưới, hai bên định ngày cưới. Ngày đó phải là ngày chẵn, tháng chẵn và đặc biệt tránh ngày mất của bố mẹ, ông bà. Đám cưới của người Thái được tổ chức tại hai nơi: Nhà gái (trước), nhà trai (sau).
Đám cưới tại nhà gái (thường tổ chức vào buổi chiều, tối): Trước ngày cưới vài ngày, nhà trai cho người đến nhà gái sửa sang lại nhà cửa. Đến ngày cưới, ông mối, bố đẻ chú rể và khoảng 20 người gồm bốn chàng trai, bốn cô gái, bốn ông bà già (trong đó có ông bà mối) và một số người gánh gạo, khiêng lợn (lợn sống, khoảng 8 yến trở lên), rượu cần, rượu xiêu, dụng cụ nấu nướng, bánh sừng trâu, trầu, cau, vỏ chay… đến nhà gái. Ông mối trình với nhà gái các lễ vật đem đến, rồi nhà trai tự mổ lợn, hông xôi, làm thức ăn để bày cỗ mời họ hàng nhà gái. Phía nhà gái (nếu có khả năng) cũng mổ lợn, hông xôi, làm thức ăn và đưa rượu nhà ra đáp lễ.
Các mâm cúng tổ tiên trong đám cưới cổ truyền của người Thái phải có thủ lợn, thịt lợn luộc và món canh chuối, xôi. Khi cỗ bàn đã soạn xong (thường là 8 hoặc 12 mâm) được bày trước bàn thờ để báo cáo tổ tiên, sau đó hai họ ăn uống vui vẻ. Trong khi nhà gái ăn uống, nhà trai cử người thường xuyên tiếp tế xôi, thức ăn cho các mâm.
Kết thúc tiệc mặn buổi chiều, buổi tối tổ chức uống rượu cần, phải uống hết số rượu cần nhà trai đem đến, rượu nhà gái đáp lễ và số rượu họ hàng đem đến mừng đám cưới. Trong tiệc rượu cần trai gái hai bên thi nhau hát xuối, lăm, nhôn đối đáp thâu đêm. Tiệc rượu kết thúc, ông mối đại diện cho nhà trai ngỏ lời xin ngày, giờ đón dâu. Tục đón dâu được tiến hành ba bước:
Trước hết là rước rể - “xổng bảo”: Đó là tục đưa chú rể đến nhà gái để đón dâu. Đi đầu là ông mối cầm ô đen che đầu, sau là chú rể lưng đeo kiếm, tay cầm cây sáp đỏ được che bởi chiếc phễu nhỏ làm bằng lá chuối tươi. Tiếp sau là phù rể, anh chị em họ hàng thân thích của chú rể. Khi đoàn rước rể đến bản, nhà gái cho người ra đón bằng cách dăng dây chặn đường lại, ba lần như vậy, và hỏi lý do bằng hát nhuôn. Ông mối thay đoàn rước rể hát nhuôn đáp lại, nói lý do mình đến đây, nhà gái mới cất dây cho qua. Dây thứ nhất gọi là “xái nhuôn”, dây thứ hai “xái ngân- dây bạc”, dây thứ ba “xái kăm- dây vàng”, đoàn rước rể cũng phải hát, nếu không hát thì phải đưa ra một ít tiền. Số tiền này nhà gái giữ lại, đợi đến lúc đưa dâu về thì lấy ra mừng lại rể trước mặt nhà trai. Đây là một hình thức sinh hoạt văn nghệ để thử tài cho vui trong ngày cưới, đồng thời cũng nói lên rằng, trên con đường đi đến hạnh phúc trăm năm của đôi trai gái phải vượt qua nhiều thử thách cam go trong cuộc sống để có ngày hạnh phúc thực sự.
Khi đoàn rước rể đến chân cầu thang thì mẹ vợ đã chuẩn bị sẵn một chậu nước sạch trong đó có bỏ vài đồng bạc trắng. Mẹ vợ đi xuống chân cầu thang lấy gáo múc nước dội lên chân chú rể. Dội xong bà lấy các đồng bạc trong chậu trao cho chú rể lên cầu thang, đi vào nhà trước sự tiếp đón vui mừng của nhà gái.
Tiếp đến, tục lễ tơ hồng (xú vắn pợ) ở nhà gái: Lễ tơ hồng gồm hai mâm, một mâm có xôi, thịt gà, hai quả trứng luộc, vài đốt mía; một mâm gồm các tư trang cho cô dâu, một vò rượu nhỏ đã cắm sẵn hai cần, trên mỗi cần có buộc những sợi dây đay trắng (tượng trưng cho bộ râu của ông già và thắp hai dây nến nhỏ). Các thứ đó được đặt sẵn trước cửa buồng phía gian trong của ngôi nhà sàn.
Ngồi trước mâm lễ là chú rể, phù rể, cô dâu và phù dâu. Ông mối đọc bài văn cúng, cúng xong thì hai họ nhà trai và nhà gái đến ngồi xung quanh, họ nối tiếp nhau buộc vào cổ tay cô dâu và chú rể những sợi dây đỏ hoặc đen tết vào nhau và chúc mừng hai người mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn thịnh vượng, suốt đời gắn bó với nhau. Cặp vợ chồng mới cưới tuyệt đối không được cắt những sợi chỉ đó với bất cứ lý do nào, trừ khi chúng tự đứt. Buộc chỉ cổ tay xong, ông mối mời hai vợ chồng người cùng ăn và uống rượu cần, tuy nhiên là hai người chỉ ăn uống cho có lệ. Ăn uống xong, đến đeo vòng cổ, hoa tai và vấn tóc cho cô dâu thành một búi trên đỉnh đầu rồi cài trâm vào để giữ lại. Đó là kiểu búi tóc cho các cô gái đã có chồng theo phong tục của người Thái. Tục lễ tơ hồng kết thúc, bữa cỗ bắt đầu. Phí tổn về ăn uống trong buổi lễ chủ yếu là do của nhà trai.
Ông mối buộc chỉ cổ tay cho cô dau, chú rể
Cuối cùng là lễ đưa và đón dâu: Trước khi đưa dâu, nhà gái chuẩn bị những tư trang của cô dâu do cô tự làm lấy như gối mới, nệm mới, chăn mới… bao nhiêu cũng được, song ít nhất cũng phải có một đôi đệm, một đôi gối, một chiếc chăn để tặng cha mẹ chồng. Nếu có anh cả, anh hai đã lập gia đình, mà nàng dâu có khả năng tự may sắm được nhiều cũng phải tặng như vậy. Những đồ tư trang ấy đem ra trình diện cho chú rể và nhà trai thấy. Có một việc mà người mẹ không bao giờ quên, đó là dặn dò con gái những lời ân cần, tỉ mỉ trước khi về làm dâu con nhà chồng. Trước khi nàng dâu ra khỏi căn buồng của mình, ông mối đại diện cho nhà trai và chàng rể, nói những lời ca ngợi công ơn của bố mẹ vợ đã sinh và nuôi người con gái người để làm dâu nhà mình và sẽ tạo ra dòng giống cho dòng họ sau này, rồi bảo ông bố bưng đĩa trầu xin đón dâu. Còn chàng rể phải tự tay mình đeo cho mẹ vợ một vòng cổ, một hoặc vài vòng tay bằng bạc, biếu một vò rượu, một đĩa trầu, dăm cuộn vải tơ tằm, với hàm ý biết ơn công mẹ vợ nuôi nấng vợ mình.
Đám cưới ở nhà trai ( đoong luống), được tiến hành vào ban ngày:
Tục đưa dâu. Thường là họ nhà gái tổ tức đưa dâu vào lúc sáng sớm, khi mặt trời chưa tỏ. Theo quan niệm của người Thái, đó là thời gian tốt nhất cho việc đưa dâu. Đi đầu đám đưa dâu là ông mối, tiếp theo là cô dâu và chú rể, phù dâu, phù rể và những người thân trong gia đình và bạn bè cô dâu. Bạn bè của cô dâu thường đi sau gùi của hồi môn cho cô dâu. Theo tập tục, cha mẹ cô dâu chỉ tiễn chân con gái ra khỏi cầu thang nhà rồi dừng lại, không được đi theo đoàn đưa dâu, nhưng thường tặng cho chú rể một nén bạc và một cuộn vải tơ tằm trước khi đoàn đưa dâu sắp ra khỏi nhà mình. Dù đường đến nhà chồng xa hay gần, đoàn đưa dâu cũng phải dừng lại nghỉ dọc đường. Nếu xa thì dừng lại ăn cơm, uống nước, nếu gần thì nghỉ chân chốc lát. Trong lúc đó, tại nhà trai đã mổ lợn, giết gà, hông xôi chuẩn bị bữa tiệc mặn.
Lễ đưa dâu
Khi đoàn đưa dâu về đến đầu bản, đoàn rước phải qua lễ mở cửa bản, gồm một chai rượu, một cơi trầu, với hàm ý báo cáo rằng từ nay cô gái sẽ là người thân của bản. Còn khi về đến nhà, chàng rể và nàng dâu phải nắm tay nhau đi lên cầu thang. Chàng rể đi phía ngoài, nàng dâu đi phía trong. Nàng dâu phải đi thụt lùi một chút, không được đi trước để tỏ ý đạo làm vợ phải theo chồng. Khi lên đến cầu thang bà mối múc nước trong một cái sanh đồng để rửa chân cho hai người, trong sanh cũng phải có vài đồng bạc trắng. Chàng rể rửa chân phải, nàng dâu rửa chân trái, với hàm ý là đuổi mọi tà ma, không cho chúng bám theo vết chân, quấy rối hạnh phúc của đôi trẻ. Rửa xong, bà mối cũng lấy mấy đồng bạc trắng đó tặng cho đôi trẻ. Đoàn đưa dâu bước vào nhà, được cả họ nhà trai đứng dậy đón tiếp nồng nhiệt, hai họ chào nhau. Họ nhà trai mời họ nhà gái ngồi lên phía trên, lúc này mẹ chồng cầm tay cô dâu dắt vào buồng dâu.
Tục cúng ma ở nhà trai (xú phí hươn): Nhà trai đặt trước bàn thờ một mâm lễ gồm một thủ lợn còn nguyên vẹn cùng với xôi, thịt, lòng, muối trắng, một chai rượu, một đĩa trầu cau… rồi lấy áo của cô dâu để lên mâm cỗ. Từ trong buồng dâu, ông mối dẫn cô dâu đến trước mâm lễ và đọc bài văn cúng, báo cho ma nhà (tổ tiên) biết là có con dâu, xin ma nhà chấp nhận là người của gia đình. Ông mối đọc xong, cô dâu lạy ba lạy rồi cầm lấy áo. Mâm lễ cúng ma nhà dành cho cô dâu ăn trước, tiếp đến là những người của họ nhà gái (tóm vắn). Ăn xong, cô dâu ngồi bên bếp lửa, lấy tay bệt vào “sâu hoọng” ý nói với ma nhà rằng, từ nay ta sẽ là người của nhà này. Họ hàng nhà trai và cả họ nhà gái mừng quà cho cô dâu và chú rể, kẻ cho tiền, người cho bạc nén, bạc trắng, quần áo, vải lụa… Ai cho gì cũng đều đặt trên mâm cỗ cúng ma nhà. Quà tặng cho chú rể của nhà gái có cả nén bạc là của “khưởng chiếc” mà nhà trai đã đưa đi khi lễ hỏi và cả số tiền khi nhà trai rước rể phải cho khi đi qua các dây “xái nhuôn”, “xái ngân”… để được lên nhà gái, nếu như trước đó nhà gái chưa đưa ra tặng lại.
Tục chào họ nhà trai và liên hoan: Tộc trưởng họ nhà trai dẫn cô dâu đi chào họ, chào từng người một theo thứ bậc tuổi tác và quan hệ trên dưới trong dòng họ. Chào ai, ông trưởng tộc phải giới thiệu cho cô dâu biết rõ. Cô dâu phải vái chào và mời trầu từng người một.
Xong lễ chào họ của cô dâu, nhà trai bày soạn các mâm cỗ, mời hai họ cùng khách khứa ăn uống vui vẻ. Kết thúc tiệc mặn, nhà trai mở tiệc rượu cần, hát xuối, lăm, nhuôn và nhảy múa cồng chiêng (phỏn cồng, phỏn cóng) kéo dài hết buổi chiều. Mọi việc xong xuôi đâu đấy nhà gái mới xin phép ra về. Cô dâu và chú rể chỉ có được tự do trong không gian riêng của mình khi cha mẹ, ông mối, bà mối, họ hàng, khách khứa ra về.
4. Lễ tạ ơn ông mối và họ hàng: Sau đám cưới nhà trai, bố mẹ và chú rể, cô dâu đến nhà ông bà mối bày cỗ làm lễ tạ ơn. Khách mời là ông bà mối, một số anh em họ hàng, nam nữ thanh niên đã giúp nhà trai trong thời gian tiến hành lễ cưới. Sau này cứ đến ngày tết, cô dâu, chú rể phải đến nhà ông mối chúc tết và tạ ơn công lao của “bố mẹ đỡ đầu”.
5. Tục trả dấu chân (khưn hoi tín): tương tự như tục lại mặt của người Kinh. Sau khi cưới cũng khoảng từ 3 đến 7 ngày, đôi vợ chồng mới sắm lễ về thăm lại bố mẹ vợ, cúng ma nhà vợ. Lễ này không lớn, nhưng tối thiểu cũng phải có một con gà, một cỗ xôi, một chai rượu, ít quà bánh và trầu cau. Gọi là tục trở lại theo dấu chân để nhắc nhở cô dâu, nhất là chú rể không được quên công ơn của bố mẹ vợ.
Đó là những nét chung nhất, cơ bản nhất về đám cưới truyền thống người Thái ở huyện Tương Dương. Ngày nay, trong đám cưới của người Thái có nhiều đổi mới, cách tân nhưng những nét đẹp truyền thống và những nét đặc trưng trong đám cưới của người Thái vẫn được lưu truyền.
Tài liệu tham khảo:
1. Cuốn Người Mường ở Cửa Rào;
2. Địa chí Tương Dương (GS Ninh Viết Giao);
3. Các dân tộc thiểu số ở Nghê An ( TS. Nguyễn Đình Lộc).
tin tức liên quan
Videos
Bác Hồ với quê hương, quê hương với Bác Hồ
Ký ức trường xưa và chuyện di dời các ngôi trường
Hồi sinh trang phục truyền thống người Ơ Đu
Cầu đường sắt Yên Xuân
Hãy xây dựng gia đình dựa trên sự bình đẳng và tình yêu thương (Trò chuyện với nhà văn Hà Thủy Nguyên)
Thống kê truy cập
114521371
Hôm nay
2145
Hôm qua
2303
Tuần này
2145
Tháng này
219310
Tháng qua
121009
Tất cả
114521371