Nhìn ra thế giới

Xuất bản tuyển tập thơ Việt Nam TK 11- TK19 bằng tiếng Ba Lan

Sau gần hai năm làm việc, các dịch giả Lâm Quang Mỹ và Paweł Kubiak đã hoàn thành bản dịch và xuất bản “Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 19″ bằng tiếng Ba Lan. Tập sách gồm những áng thơ trong một giai đoạn lịch sử hào hùng và chói lọi của nhân dân ta, đã chiến đấu kiên cường chống ngoại xâm để giữ vững nền độc lập  Tổ quốc và bảo vệ bản sắc dân tộc, đặc biệt là ngôn ngữ Việt.

28 tác giả tiêu biểu cho nền thơ nước Việt Nam trong nhiều thế kỉ. Mở đầu là giọng thơ sang sảng, hùng hồn của Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) trong bài „Sông núi nước Nam” được xem là Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta. Tiếp đến là những tuyệt tác của các tác giả quen thuộc với mỗi người Việt Nam: Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, và cả những nhà thơ vì hoàn cảnh nào đó ít đươc nhắc đến, nhưng ánh sáng thi ca trong các tác phẩm của họ vẫn chói lòa bao thế kỉ nay, như Mãn Giác Thiền sư, Đạo Hạnh Thiền sư, Trần Quang Khải, Huyền Quang Thiền sư, Trần Nhân Tông, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Ức, Nguyễn Tự Thành, Lê Cảnh Tuân, Lê Hữu Trác, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Trần Thiện Chánh…
Trong thời gian tiến hành dịch tuyển tập này, các dịch giả đã gửi những bài thơ đã được dịch đăng rải rác trên các báo và tạp chí văn hóa nghệ thuật của Ba Lan để thăm dò dư luận và đã được bạn đọc đóng góp nhiều ý kiến bổ ích và khích lệ.
Ông Andrzej Grabowski, nhà thơ, chủ tịch Chi hội Nhà văn Ba Lan ở Kraków, trưởng ban tổ chức Liên hoan Thơ Quốc tế Galicja hàng năm, tổng biên tập báo “Tia lửa”, trong  “Tiểu luận ngắn về những điều vĩnh cửu”  đã viết:
“Người châu Âu chúng ta biết gì về văn học, đặc biệt là về thơ Việt Nam?
Người Ba Lan chúng tôi do dày dạn kinh nghiệm trong lịch sử chống ngoại xâm của mình, chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ quyền bảo vệ những giá trị đích thực của dân tộc Việt Nam, đó là quyền thiêng liêng và vĩnh cửu. 
Càng làm quen với những người bạn Việt Nam, tôi càng nhận thâý rằng  mối quan hệ giữa chúng ta được thắt chặt bởi thế giới quan giống nhau như: nhạy cảm với thiên nhiên, lòng yêu cái đẹp, tôn trọng những giá trị mà thiếu chúng con người không thể phát triển được, lòng yêu nước hơn cuộc sống của mình, sự hiến dâng cho gia đình, kính trọng  nền văn hóa và lịch sử đất nước. Có nước nào trên thế giới có các vị tướng lĩnh – người bảo vệ Tổ quốc lại làm thơ?...
… Cần quảng bá cho thế giới rằng, sự tinh tế của thi ca là một trong những đặc tính có giá trị hiếm thấy giữa các dân tộc của những người có trách nhiệm với dân tộc mình. Ví dụ như vị tướng LÝ THƯỜNG KIỆT hay hoàng tử TRẦN QUANG KHẢI, nhà vua TRẦN NHÂN TÔNG, một trong những nhà lãnh đạo và anh hùng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam là tác giả của hai tập thơ. Có thể những Người vĩ đại ấy đã mang lại chiến thắng vì họ có trí tưởng tượng lớn lao đồng thời biết dự đoán và nhìn thấy trước nhiều hơn những người khác…Có thể đưa ra rất nhiều ví dụ, nhưng đối với những người cha của nền thi ca, những nhà lãnh đạo thiên tài, sau vài thế kỉ, sẽ được những người kế tục của họ sẽ nhắc đến. Vì quan trọng nhất là những gì khởi thủy, nhắc đến nó là chúng ta tìm về cội nguồn. Không có gì tạo ra trong không khí, tự nhiên được sinh ra. Và giờ đây tôi lại nhớ đến bài thơ rất xưa của ĐẠO HẠNH THIỀN SƯ, nhà thơ sống trước đây một ngàn năm như sau:
Có” và “không” 
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì ?
Người dịch: (Huyền Quang tam tổ)
Phải chăng là chưa đến lúc để đề cao một Dân tộc đã có những nhà thơ như vậy trước đây nhiều thế kỉ ?! Một câu hỏi có tính hoa mỹ. Cố gắng tiếp cận với triết học của cội nguồn thơ Viêt Nam, luôn luôn dừng lại với cái đẹp và sự thông minh của nó, tôi lặng yên để nhiều lần nhận rõ chân lý vĩnh cửu rằng sự khiêm nhường và đức kiên nhẫn không bao giờ làm hại ai trong cuộc sống.
Dân Ba Lan, trong suốt quá trình lịch sử gian khó của mình, đã không ngừng buộc phải chiến đấu giành tự do cho dân tộc. Dân tộc Việt Nam cũng đã luôn luôn buộc phải đấu tranh chống lại sự thèm muốn của những láng giềng hiếu chiến. Điều từng trải đó của hai dân tộc Ba Lan và Việt Nam rất giống nhau.
“Từ có vũ trụ, đã có giang san.” Ông quan thời Trần  TRƯƠNG HÁN SIÊU từ thế kỉ 14 đã viết như vậy trong bài “Bạch Đằng giang phú”. Và nữa: “Quả là trời đất cho nơi hiểm trở, cũng nhờ nhân tài giữ cuộc trị an”. Với sự thán phục, tôi xin nghiêng mình trước nền thơ cổ điển Việt Nam, đặc biệt làm tôi quan tâm là giai đoạn khởi thủy của nó, trong đó con người được gieo trồng vào thiên nhiên, hòa vào nó làm một và qua đó càng hiểu rõ thêm số phận của con người tự do. Tôi nhận thấy rằng đây gần như là sự mở đầu cho cuộc thảo luận về thơ thế giới, trong đó có nhiều điều đáng nói, nhưng cũng có nhiều điều để chia sẻ. Nền thơ này (thơ cổ điển Việt Nam – chú thích của người dịch)  không ngừng được thử thách, khám phá và được đặt đúng vị trí của mình trên thế giới.”
Cuốn sách do nhà xuất bản IBIS của tạp chí Thơ Ngày Nay phát hành. 
Nguồn: Tạp chí Quê Việt
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503476

Hôm nay

2198

Hôm qua

2332

Tuần này

2946

Tháng này

220869

Tháng qua

120308

Tất cả

114503476