Đất Nghệ

Hà Tĩnh - Vùng đất trọng yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước

1. Thư tịch Hán Nôm ghi chép về vùng đất Hà Tĩnh

Địa danh hành chính tỉnh Hà Tĩnh được xuất hiện trong sử sách vào năm Tân Mão niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831), sau cuộc cải cách hành chính trong cả nước của vua Nguyễn Thánh Tổ.

Khi Minh Mệnh lên ngôi vào năm 1820, bước đầu đã có những cải cách hành chính ở cấp trung ương, như: thành lập Cơ mật viện, Đô sát viện, Tôn nhân phủ, chỉnh đốn lục Bộ, định lại hệ thống quan chế, cơ cấu lại tổ chức các cơ quan, khôi phục khoa thi và đã từng bước thực hiện cải cách hành chính. Điểm nhấn trong cải cách hành chính của vua Minh Mệnh là, năm 1831 thực hiện cuộc cải cách hành chính ở Bắc Hà thành lập 18 tỉnh[1] và năm 1832 tiếp tục tiến hành cải cách ở Nam Hà thành lập 12 tỉnh (không kể phủ Thừa Thiên)[2]. Như vậy, đến thời vua Minh Mệnh thì bỏ các dinh, trấn mà thành lập các tỉnh; đất nước được chia làm 30 tỉnh(không kể phủ Thừa Thiên)[3], đặt các quan Tổng đốc, Tuần phủ, Bố Chính sứ, Án sátLãnh binh để trông coi.Tỉnh Hà Tĩnh được hình thành trong cuộc cải cách này của vua Minh Mệnh với hệ thống quản lý mới, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước Đại Nam nói chung, của từng tỉnh nói riêng.

Tra tìm trong các tư liệu Hán Nôm thì vùng đất Hà Tĩnh đã tồn tại ngay từ khi các vua Hùng dựng nước. Theo Đại Nam nhất thống chí, bộ sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn địa lí các tỉnh đã ghi như sau: "Núi Thiên Cầm ở địa phận thôn Thiện Trị xã Kỳ La huyện Cẩm Xuyên, phía đông giáp biển, phía tây liền với núi Ngọc Tiên thôn Thái Vân. Tương truyền, vua Hùng Vương đi chơi phương Nam, nghe không trung có tiếng véo von, nên gọi là núi Thiên Cầm (đàn trời). Theo Sử ký thì cuối đời Trần, cha con Hồ Quí Ly bị quân Minh đánh bại, chạy đến Kỳ La, muốn chạy vào Tân Bình (tức Quảng Bình), có phụ lão nói: chỗ này còn gọi là Ki Lê (trói họ Lê), có núi Thiên Cầm (trời bắt), đấy là triệu chứng không tốt, xin đừng lưu lại ở đây. Nhưng cha con Hồ Quí Ly không nghe, sau quả nhiên bị bắt ở đây, nên lại gọi là núi Thiên Cầm (trời bắt)"[4]. Cũng chi tiết này sách Đồng Khánh địa dư chí do quan chức các tỉnh biên soạn theo sắc chỉ của vua Đồng Khánhvềđịa lý của các tỉnh trong cả nước những năm 1886-1888 ghi như sau: "Núi Thiên Cầm ở bờ biển xã Kỳ La tổng Vân Tản, về bên trái tấn cửa Nhượng, phía đông liền với biển lớn, phía nam nhìn sang núi Tượng Sơn. Phía đông núi có vòm thông vào bụng núi. Tục truyền, khi vua Hùng Vương đi tuần du phương Nam, khi đến đây nghe tiếng sáo trời, cho nên đặt tên là Thiên Cầm (đàn trời). Về sau Hồ Quí Ly thua chạy đến đây, bị quân Mimh bắt, nên lại gọi là núi Thiên Cầm (trời bắt)"[5]. Những ghi chép trong hai bộ địa chí lớn của nước nhà, tuy có những chi tiết dị biệt, nhưng cho thấy vùng đất Hà Tĩnh ngày nay từ thuở Hùng Vương dựng nước đã được coi là vùng đất địa linh.
Trải theo hàng ngàn năm lịch sử, diên cách địa giới vùng đất Hà Tĩnh nhiều lần thay đổi. Theo chú thích trong bộ Đại Việt sử kí toàn thư, thời kỳ Kinh Dương Vương và Hùng Vương, vùng đất Hà Tĩnh xưa thuộc quận Cửu Đức[6]. Theo chú trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1380 - 1442) ghi thì vùng đất Hà Tĩnh xưa có diên cách như sau "Nghệ An là đất của quận Cửu Chân thời Hán, đất quận Cửu Đức thời Tấn, thời Tùy là đất quận Nhật Nam, đời Đường là đất Hoan Châu và Diễn Châu. Thời Đinh - Lê vẫn gọi là Hoan Châu. Năm Thiên Thành thứ 3 (1030) đời vua Lý Thái Tông đổi Hoan Châu ra Nghệ An (tên Nghệ An bắt đầu có từ đây). Năm Long Khánh thứ 2 (1374) đời vua Trần Duệ Tông đổi Diễn Châu thành Diễn Châu lộ, đổi Hoan Châu thành các lộ Nghệ An Nam, Bắc, Trung. Năm Quang Thái thứ 10 (1397) đời vua Trần Thuận Tông đổi Nghệ An làm trấn Lâm An, đổi Diễn Châu thành trấn Lộ Giang. Thời thuộc Minh là hai phủ Diễn Châu và Nghệ An. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông hợp cả Hoan, Diễn làm Nghệ An thừa tuyên. Thời Tây Sơn đổi gọi Trung Đô, lại gọi là trấn Nghĩa An. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) lấy 9 phủ ... đặt làm tỉnh Nghệ An, lấy 2 phủ Đức Thọ và Hà Hoa đặt làm tỉnh Hà Tĩnh"[7]. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép về diên cách vùng đất Hà Tĩnh được ghi cụ thể như sau: "Xưa là đất Việt Thường thị, đời Tấn thuộc Tượng quận, đời Hán là quận Nhật Nam, đầu đời Đường là Minh Châu và Minh Trí, sau sát nhập vào huyện Việt Thường thuộc Châu Hoan (xem Nghệ An tỉnh chí). Nước ta thời Tiền Lê là châu Thạch Hà; thời Trần là châu Nhật Nam; thời thuộc Minh là Tĩnh Châu; thời Lê gọi là phủ Hà Hoa thuộc xứ Nghệ An lãnh hai huyện Thạch Hà và Kỳ Anh; bản triều vẫn theo như thế; năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) lấy hai phủ Đức Thọ và Hà Hoa thuộc Nghệ An đặt làm tỉnh Hà Tĩnh ở dưới quyền Tổng đốc An - Tĩnh; năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) đặt thêm huyện Hoa Xuyên (nay là Cẩm Xuyên); năm Tự Đức thứ 6 (1853) bỏ tỉnh đem phủ Đức Thọ lệ vào tỉnh Nghệ An và đổi phủ Hà Thanh (tức Hà Hoa) làm đạo Hà Tĩnh, đặt một quản đạo kiêm lý huyện Thạch Hà và huyện Cẩm Xuyên, hạt huyện Kỳ Anh và lệ tỉnh Nghệ An; năm Tự Đức thứ 17 (1864) đứng riêng làm một đạo, đặt một chánh quản đạo và một phó quản đạo, vẫn ở dưới quyền Tổng đốc An - Tĩnh, lãnh 3 huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh"[8]. Và theo sách Đại Nam thực lục thì vào năm Ất Hợi niên hiệu Tự Đức thứ 29 (tháng 12 năm 1875) đạo Hà Tĩnh đổi lại làm tỉnh Hà Tĩnh[9].
Từ những ghi chép của sử sách, về cơ bản đều thống nhất ghi nhận, vùng đất Hà Tĩnh trong lịch sử đã tồn tại từ ngày Hùng Vương dựng nước, với nhiều tên gọi khác nhau như Cửu Đức, Cửu Chân, Hoan Châu, Nghệ An và cuối cùng là Hà Tĩnh; cũng có những địa danh nổi tiếng như Thiên Cầm được coi là đất “địa linh” đi vào sử sách ngay từ buổi đầu dựng nước của cư dân người Việt.
Tỉnh Hà Tĩnh được thành lập trong cuộc cải cách hành chính ở Bắc Hà năm 1831 của vua Minh Mệnh là sự kiện quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển vùng đất Hà Tĩnh. Sách Đại Nam thực lục ghi nhận khi mới thành lập tỉnh, Hà Tĩnh cũng vào loại tỉnh vừa chứ không phải loại tỉnh nhỏ: "Chia định địa hạt các tỉnh: Quảng Bình thống trị 1 phủ ... Quảng Trị thống trị 2 phủ ... Nghệ An thống trị 9 phủ ... Hà Tĩnh thống trị 2 phủ là Hà Hoa, Đức Thọ; gồm 6 huyện là Thạch Hà, Kỳ Hoa, Hương Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn"[10]. Điều này chứng tỏ vùng đất Hà Tĩnh vào thời điểm này (1831), đã hội đủ các điều kiện về địa lý để thành một đơn vị hành chính độc lập. Lịch sử hình thành và phát triển, những thay đổi về tên gọi hành chính vùng đất Hà Tĩnh là phù hợp với qui luật phát triển, trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhập tách và tách nhập của Hà Tĩnh (kể cả sau này cũng vậy: từ năm 1976-1991, Hà Tĩnh nhập vào Nghệ An gọi là tỉnh Nghệ Tĩnh; năm 1991, tỉnh Hà Tĩnh lại tách khỏi tỉnh Nghệ Tĩnh) và để rồi Hà Tĩnh tự khẳng định mình trong sự phát triển của dân tộc trong một quốc gia thống nhất.
2. Hà Tĩnh vùng đất trọng yếu trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc
Theo các sách thiên văn học của người xưa, vùng đất phía nam chỉ toàn bộ đất Giao Chỉ, Giao Châu và thuộc sao Dực sao Chẩn, mà vùng đất Hà Tĩnh lại thuộc khu vực này. Thiên văn học chia bầu trời làm tứ phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; mỗi phương gồm 7 chùm sao, chúng ta thường gọi là nhị thập bát tú (28 chùm sao). Bảy chòm sao hợp lại thành một phương trời và được biểu tượng bằng một con vật có màu sắc theo sự phối thuộc của Ngũ hành. Sao Dực sao Chẩn thuộc về phương Nam cùng năm sao nữa là: Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, có biểu tượng con phượng đỏ (phượng các). Nói theo thiên văn thì sao Dực sao Chẩn nằm ở phương Nam liền kề với sao Thuần Vỹ[11], còn nói theo địa lý ngày nay thì là giữa vĩ tuyến 12 và 13.
Kể từ khi dựng nước, vùng đất Hà Tĩnh từng được Hùng Vương đến thăm; thời kỳ Bắc thuộc và thời kỳ quốc gia Đại Việt từng là vùng đất “phiên trấn” hay “phên dậu” của đất nước. Bởi nơi đây từng là một vị trí trọng yếu về quân sự và kinh tế của Bắc bộ và Bắc Trung bộ, sách Lịch sử Việt Nam ghi: "Từ Hoan Châu (Nghệ - Tĩnh có đường bộ vượt qua dãy Hoành Sơn vào Chămpa (Trung Trung bộ), có đường bộ vượt đèo Vụ Ồn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) sang đất Lục Chân Lạp cho tới Viên Chăn ... Trên mặt biển thuyền bè buôn bán tấp nập... Miền núi châu Hoan có chợ họp đều kỳ, 10 ngày một lần"[12]. Từ vị trí trọng yếu này, mà vùng đất Hà Tĩnh xưa đã được coi như là căn cứ địa vững chắc trong các cuộc khởi nghĩa kháng chiến chống lại các cuộc xâm lăng của bên ngoài để xây dựng và phát triển quốc gia Đại Việt - Việt Nam.
Trước hết phải kể đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan người Hoan Châu[13] vào thế kỷ thứ VIII[14]. Mai Thúc Loan sinh ra và lớn lên ở đất Hoan Châu, từ đất Hoan Châu, ông dựng cờ nghĩa và chiêu binh ứng mộ. Dựa vào lợi thế chiến lược đất Hoan Châu, Mai Thúc Loan đã liên kết với nước Chămpa ở phía Nam và Chân Lạp ở phía Tây để có thêm lực lượng chống lại nhà Đường. Nghĩa quân của Mai Thúc Loan tiến quân ra phía Bắc tiến đánh phủ thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay). Dưới sự chỉ huy của Mai Thúc Loan, mọi việc trong ngoài đâu vào đấy, thanh thế quân đội đại chấn, quần thần vui mừng đều xin ông lên ngôi báu. Mai Thúc Loan lên ngôi hoàng đế, tự cho mình thuộc về đức thủy, xưng Hắc Đế. Đó là năm Quí Sửu (713) mùa hạ tháng 4 vào đời Đường Huyền Tông niên hiệu Khai Nguyên thứ nhất vậy(15). Địa điểm trọng yếu mà Mai Thúc Loan chọn làm đại bản doanh là vùng núi rậm rạp nằm cạnh sông Lam ở khúc hiểm sâu, sách Lịch sử Việt Nam ghi: "Ông lấy Vệ Sơn làm nơi đóng đại bản doanh của nghĩa quân. Dọc bờ sông Lam, nghĩa quân đắp một chiến lũy dài hơn 1000 mét. Đấy là thành Vạn An nổi tiếng, có Rú Đụn (Hùng Sơn) làm chỗ dựa, phía trong núi là dải thung lũng rộng vài chục mẫu, dùng làm nơi trữ lương thực, vũ khí; phía ngoài núi nhiều đồn trại đóng ở cạnh sườn; chung quanh núi, sông Lam vây bọc như con hào thiên nhiên. Bao quanh khu trung tâm (Vệ Sơn), nghĩa quân xây dựng một hệ thống đồn trại nương tựa lẫn nhau. Biều Sơn hình quả bầu bảo vệ cánh tả, Liêu Sơn bảo vệ mặt trước, Ngọc Đái Sơn hình đai ngọc cạnh thành Vạn An là đồn tổng chỉ huy, thống lĩnh cả hai đạo quân thủy bộ. Mai Thúc Loan xưng đế và đóng đô ở thành Vạn An"[15]. Qua cách miêu tả trên, chúng ta thấy, nơi đây đúng là hiểm địa.
Vào năm 1409, vùng đất Hà Tĩnh lại được chứng minh là vùng đất của những bậc quân vương định đô. Sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi: "Con Nguyễn Cảnh Chân là Cảnh Dị, con Đặng Tất là Đặng Dung ... đem quân Thuận Hóa về Thanh Hóa, đón rước Nhập nội Thị trung Trần Quí Khoáng đến Nghệ An lên làm vua. Tháng 3, ngày 17, vua lên ngôi ở Chi La, đổi niên hiệu là Trùng Quang, lấy Nguyễn Súy làm Thái phó, Nguyễn Cảnh Dị làm Thái Bảo, Đặng Dung làm Đồng bình Chương sự"[16]. Đất Chi La tên của một huyện, sau đổi làm huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh) và vua Trùng Quang thời Hậu Trần ở ngôi 5 năm tại đất Chi La này. Còn cha con Đặng Tất và Đặng Dung, những người có công lớn giúp nhà Hậu Trần tiếp tục kháng Minh quyết liệt là người quê ở xã Tả Hạ huyện Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh).
Những năm đầu của thế kỷ XV, khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, vùng đất Hà Tĩnh và Nghệ An nhiều nơi là bản doanh của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Bấy giờ vua chấn chỉnh binh tượng, tiến quân bao vây thành Nghệ An. Quân sắp đi, vừa lúc có tin báo quân Minh sắp đặt voi ngựa, thuyền bè, tiến quân cả hai đường thủy bộ, định ngày mai sẽ tới. Vua chia hơn 1000 quân cho Lê Liệt đi đường tắt đống giữ huyện Đỗ Gia. Vua đích thân chỉ huy đại quân giữ chỗ hiểm yếu đợi chúng đến"[17]. Theo chú thích trong Đại Việt sử ký toàn thư, thì Đỗ Gia nay thuộc đất huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh, gần xã Linh Cảm của huyện này có làng Đỗ Xá, có lẽ là nơi đóng quân của Lê Liệt1.
Vào thế kỷ XIX, ngay sau khi thành lập tỉnh Hà Tĩnh (1831), chính quyền tỉnh đã cho đắp thành Hà Tĩnh để củng cố vị trí chiến lược của tỉnh trong hệ thống quốc phòng chung của cả nước. Sách Đại Nam thực lục ghi: " Năm Quý Tỵ niên hiệu Minh Mệnh thứ 14 (1833), đắp thành đất tỉnh Hà Tĩnh (thành mở 4 cửa tiền, hậu, tả, hữu, mỗi mặt đều dài 140 trượng). Trước kia khi chia đặt tỉnh hạt; Tổng đốc, Tuần phủ cùng với Giám thành chọn được chỗ xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, địa thế cao ráo rộng rãi, phía trước có núi Cảm Sơn, lại có một dải sông dài chảy quanh phía trước, vòng sang bên tả, trên thông với sông Nại Giang, dưới thông ra cửa Luật. Đó là một khu đất đẹp"[18]. Cùng với việc đắp thành Hà Tĩnh, quan tỉnh Hà Tĩnh cũng nhận thức vị trí chiến lược quan trọng của dãy Hoành Sơn (Đèo Ngang), nên đã lập tức xây cửa ải trên núi Hoành Sơn. Sách Đại Nam thực lục cũng ghi: "Năm Quý Tỵ niên hiệu Minh Mệnh thứ 14 (1833), thiết lập cửa ải ở núi Hoành Sơn (Hoành Sơn trên liền núi cao dưới giáp biển lớn, ở khoảng tiếp giáp giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh). Cửa ải ở trên đỉnh núi, chung quanh xây tường bằng đá núi, dài 11 trượng 8 thước, cao 5 thước, đằng trước mở 1 cửa, bên tả bên hữu có tường ngăn, xây theo thế núi; bên tả dài 36 trượng, bên hữu dài 39 trượng; có chỗ cao 3, 4 thước, có chỗ cao 5, 6 thước. Trong dựng một trại lính 3 gian để làm chỗ biền binh đóng giữ"[19].
Hơn nữa, địa bàn Hà Tĩnh núi non hiểm trở, sông ngòi nhiều, trạm dịch lắm; dựa vào Đại Nam nhất thống chí, chúng tôi thống kê được ở tỉnh Hà Tĩnh thời Nguyễn có 27 núi, 14 sông suối khe, 5 trạm dịch; những địa danh này, thời đó thực sự là trọng yếu cho quân sự quốc phòng ở vùng này. Vào những năm cuối của thế kỷ XIX, phong trào kháng Pháp phát triển khắp nơi, sau khi vua Hàm Nghi ban dụ Cần Vương (tháng 7 năm 1885), ở Hà Tĩnh đã bùng nổ nhiều phong trào đấu tranh kháng Pháp, mà đại diện là phong trào Hương Khê do Phan Đình Phùng chỉ huy. Địa bàn chính của Nghĩa quân là Hương Khê (Hà Tĩnh), nhưng nghĩa quân hoạt động rộng khắp ở các tỉnh miền Trung (như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình). Phong trào Hương Khê kháng Pháp tồn tại trong 10 năm (1885 -1896), đây là phong trào khởi nghĩa có quy mô lớn nhất và kéo dài nhất trong phong trào Cần Vương,đã lập được nhiều chiến công và gây cho quân Pháp nhiều tổn thất nặng nề, cuộc khởi nghĩa đã huy động sự ủng hộ to lớn của nhân dân Hà Tĩnh và nhiều địa phương khác.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục là vùng đất trọng yếu của quốc gia, là giao điểm huyết mạch cho toàn quân toàn dân miền Bắc vào Nam đánh giặc giải phóng đất nước, mà trọng điểm là đất Ngã ba Đồng Lộc. Như mọi người đã biết: Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mọi nẻo đường chuyển quân từ Bắc đi vào Nam đều phải qua đây. Tại đây nhiều chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng vì bom đạn Mỹ. Đặc biệt sự hy sinh của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một biểu tượng đẹp về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam.
3. Hà Tĩnh vùng đất giàu nguồn lực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
Hà Tĩnh không những là vùng đất trọng yếu trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, mà còn là vùng đất giàu nguồn lực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nguồn lực trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến hai vấn đề: một là nguồn tài nguyên thiên nhiên, hai là nguồn nhân lực.
Về tài nguyên thiên nhiên, vùng đất Hà Tĩnh được ghi nhận không phải là vùng đất giàu có, nhưng cũng có nhiều thế mạnh riêng mà tỉnh khác không có được. Ở đây chúng tôi xin trích dẫn những ghi chép của sử sách để nói lên thế mạnh phát triển kinh tế địa phương.
Thứ nhất, về sản vật địa phương, sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Quán chúng thảo, sản vật ở hai huyện Thạch Hà và Kỳ Anh; ...; muối, sản vật ở hải phận xã Đình Hòe huyện Thạch Hà, xã Nhượng Bạn huyện Cẩm Xuyên và xã Vạn Áng huyện Kỳ Anh; thạch quyết minh (hay còn gọi là cửu khổng hoặc bào ngư), sản vật ở Hòn Én ngoài biển thuộc hải phận thôn Phác Môn huyện Kỳ Anh; hầu, sản vật ở hải phận huyện Thạch Hà; sò nghêu, sản vật ở giang phận xã Hà Hoàng huyện Thạch Hà, v.v..."[20]. Sách Đồng Khánh địa dư chí ghi chép về sản vật địa phương Hà Tĩnh như sau: "Sản vật trong đạo, đại để lúa hè nhiều, lúa thu ít. Cá, muối xuất ở hai cửa tấn Nhượng thuộc Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Trâu bò xuất ở các thôn Xuân Sơn, Vọng Liễu huyện Kỳ Anh. Cỏ tiên mao có nhiều ở núi Bảo Đài (thuộc Thạch Hà). Ốc cửu khổng (bào ngư), sản vật ở đảo Ô Tôn (núi sát biển thuộc huyện Kỳ Anh. Thạch Hà thì có cà cuống, vài ba thôn trồng mía. Các nơi khác như Đồng Môn có vải trắng, Trảo Nha có chiếu cói. Một số nơi có dệt vải ... Còn như khoai sắn thì như nơi nào cũng có"[21]. Ngoài ra, các sách địa chí còn ghi chép khá nhiều sản vật riêng của các huyện thuộc Hà Tĩnh, như: Thạch Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, v.v... Như vậy, bên cạnh những ghi chép về sản vật, cùng với chiều dài của biển, có thể gợi ý cho Hà Tĩnh hướng phát triển kinh tế biển như là một lợi thế.
Thứ hai, về di tích lịch sử, vùng đất Hà Tĩnh có nhiều khu di tích lịch sử, theo ghi chép của sử sách nơi đây có: đàn xã tắc (xã Trung Tiết), văn miếu (xã Đông Lỗ), chùa Hương Tích (trên núi Hồng Lĩnh); rồi các khu di tích của các dòng họ lớn, như: khu di tích Hải Thượng Lãn Ông, khu di tích Nguyễn Du, họ Nguyễn xã Trường Lộc huyện Can Lộc, vv... Đặc biệt là hệ thống làng nghề ở Hà Tĩnh khá nhiều, đây cũng là một lợi thế về kinh tế cho Hà Tĩnh.
Thứ ba, thiên nhiên ưu đãi, tiêu biểu là cảng biển nước sâu Vũng Áng; bãi biển Thiên Cầm, Xuân Thành, Chân Tiên; khu sinh thái Kẻ Gỗ và suối nước nóng Sơn Kim, vv...
Như vậy, cùng với các di tích lịch sử và nhưng địa danh thiên nhiên ưu đãi, tất cả sẽ tạo nên một lợi thế về kinh tế du lịch cho Hà Tĩnh.
Về nguồn nhân lực, vùng đất Hà Tĩnh được coi là vùng đất "nhân kiệt", sử sách từng coi đất vùng đất Nghệ - Tĩnh giống như đất Yên - Triệu (Trung Quốc), vì vùng đất này đã sản sinh ra nhiều con người tài giỏi, lỗi lạc trong lịch sử, và sử sách cũng từng ghi nhận đây là vùng đất “dục tú chung anh”. Sự thực lịch sử đã chứng minh, vùng đất Hà Tĩnh thời nào cũng có anh tài, như: vua Mai Hắc Đế, nhà sử học Sử Hy Nhan (đời nhà Trần), hai vị tướng Đặng TấtĐặng Dung, Phó sứ Bùi Cầm Hổ (thời Lê sơ), quê ngoại của danh y Hải Thượng lãn Ông Lê Hữu Trác (thời Lê Trung hưng), La Sơn phu tửNguyễn Thiếp (người thân cận của vua Quang Trung), nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, nhà thơ Nguyễn Công Trứ, nhà yêu nước Phan Đình Phùng, nhà sử học Trần Trọng Kim, các nhà cách mạng Trần PhúHà Huy Tập, nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn, nhà thơ Xuân DiệuHuy Cận, vv... Đây thực sự là những tinh hoa của Hà Tĩnh nói riêng và của đất nước nói chung. Đây là nguồn lực kiệt xuất, đã có những đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
4. Lời kết
Bài viết mang tính tổng quan các những sự kiện lịch sử xảy ra ở vùng đất Hà Tĩnh, những vùng đất trọng yếu của Hà Tĩnh trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc và nguồn lực của Hà Tĩnh, người viết bài này muốn chứng minh rằng: Hà Tĩnh đúng là vùng đất trọng yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc, Hà Tĩnh đúng là vùng đất “địa linh - nhân kiệt”.
Chúc mừng Hà Tĩnh tròn 180 năm xây dựng và phát triển. Chúc mừng Hà Tĩnh sẽ phát triển bền vững./.

* Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
[1] Đại Nam thực lục, tập 3 (bản dịch), Nxb. Giáo dục, 2001, tr.234.
[2] Đại Nam thực lục, tập 3 (bản dịch), Nxb. Giáo dục, 2001, tr.402.
[3] Về số lượng tỉnh của cả nước vào năm 1831 có nhiều tài liệu ghi khác nhau: Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb. KHXH.1971, tr.370, ghi: "Minh Mệnh lần lượt bãi bỏ các thành. Cả nước chia làm 29 tỉnh". Nhiều tài liệu khác ghi thời điểm này cả nước chia làm 31 tỉnh.
[4] Đại Nam nhất thống chí, tập 2 (bản dịch), Nxb. Thuận Hóa, 1997, tr. 93 - 94.
[5] Đồng Khánh địa dư chí, tập 2 (bản dịch), Nxb. Thế giới, 2002, tr. 1323.
[6] Đại Việt sử kí toàn thư, tập 1 (bản dịch), Nxb. KHXH, 1998, tr. 131.
[7] Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập 2 (bản dịch), Nxb. Văn học, 2001, tr. 553 - 554.
[8]Đại Nam nhất thống chí, tập 2 (bản dịch), Nxb. Thuận Hóa, 1997, tr. 85 - 86.
[9] Đại Nam thực lục, tập 8 (bản dịch), Nxb. Giáo dục, 2001, tr.163.
[10] Đại Nam thực lục, tập 3 (bản dịch), Nxb. Giáo dục, 2001, tr.234.
[11] Đại Nam nhất thống chí, tập 2 (bản dịch), Nxb. Thuận Hóa, 1997, tr. 85.
[12] Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb. KHXH.1971, tr.124.
[13] Về quê quán của Mai Thúc Loan, hiện các tài liệu ghi cũng khác nhau: Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb. KHXH.1971, tr.129, ghi: quê ở Mai Phụ, một làng chuyên làm muối ở miền ven biển Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh hiện nay. Sau mẹ ông dời nhà lên vùng Ngọc Trừng (huyện Nam Đàn ngày nay). Có tài liệu ghi: quê thôn Ngọc Trừng, Hoan Châu, nay thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An.
[14] Về thời điểm của cuộc khởi nghĩa, hiện cũng có nhiều cách hi chép khác nhau: Đại Việt sử kí toàn thư, tập 1 (bản dịch), Nxb. KHXH, 1998, tr. 190, ghi: vào năm Nhâm Tuất (722). Việt điện u linh tập in trong Tổng tập tiểu thuyết Hán văn Việt Nam, tập 1 (bản dịch), Nxb. Thế giới, tr.90 -91, ghi: vua lên ngôi năm Quí Sửu (713), ở ngôi 10 năm thì mất (722) .
[15] Việt điện u linh tập in trong Tổng tập tiểu thuyết Hán văn Việt Nam, tập 1 (bản dịch), Nxb. Thế giới, tr.90.
[16] Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2 (bản dịch), Nxb. KHXH, 1998, tr. 226.
[17] Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2 (bản dịch), Nxb. KHXH, 1998, tr. 252.
[18] Đại Nam thực lục, tập 3 (bản dịch), Nxb. Giáo dục, 2001, tr.477.
[19] Đại Nam thực lục, tập 3 (bản dịch), Nxb. Giáo dục, 2001, tr.505.
[20] Đại Nam nhất thống chí, tập 2 (bản dịch), Nxb. Thuận Hóa, 1997, tr. 114 - 115.
[21] Đồng Khánh địa dư chí, tập 2 (bản dịch), Nxb. Thế giới, 2002, tr. 1318.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521368

Hôm nay

2142

Hôm qua

2303

Tuần này

2142

Tháng này

219307

Tháng qua

121009

Tất cả

114521368