Khách mời văn hóa

Tinh thần dân tộc là động lực lớn của đất nước

VHNA: Nhân kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, VHNA đã mời PGs, Ts Phạm Xanh - giảng viên khoa Lịch sử Đại học KHXH & Nhân Văn Hà Nội làm khách. VHNA trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi này tới quý bạn đọc.

PV: Tại thời điểm này, bối cảnh này của đất nước và tình hình chính trị thế giới, nhìn lại cuộc Cách mạng Tháng Tám và sự kiện ra đời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông có nhận định như thế nào về ý nghĩa và tầm vóc của nó?

Ông Phạm Xanh (PX): Vấn đề ông đặt ra thật thú vị. Có thể khái quát như sau: Ở những thời điểm khác nhau, địa vị khác nhau và đặc biệt những thế hệ khác nhau đều có thể có những nhận định không giống nhau về ý nghĩa và tầm vóc của cuộc Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự khác nhau là mức độ đậm nhạt, nhưng giống nhau ở một điểm là họ đều thừa nhận cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã lật nhào ách đô hộ của ngoại bang, thành lập nền cộng hòa dân chủ. Từ ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, trong bối cảnh đất nước và tình hình thế giới hiện nay, ta có thể nhấn mạnh thêm rằng cuộc Cách mạng Tháng Tám không chỉ mang lại nền độc lập dân tộc, mà hơn thế nữa, còn là thống nhất Tổ quốc, còn là chủ quyền quốc gia và còn là người dân được làm chủ quốc gia độc lập này.
PV: Ông có thể nói thêm về ý nghĩa nhân văn của cuộc cách mạng này?
Ông PX: Cuộc Cách mạng Tháng Tám không chỉ giải phóng đất nước khỏi ách ngoại xâm, mà còn giải phóng con người, từ thân phận nô lệ trở thành người tự do và hơn thế nữa thành người làm chủ vận mạng mình, đất nước mình. Dưới thời phong kiến và thời thực dân, cái mà “Tạo hóa ban cho con người là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” đã bị chà đạp, đã bị tước đoạt, thì với cuộc cách mạng này họ bắt đầu có tất cả. Một năng lượng lớn của con người lâu nay bị ức chế, bây giờ đã được giải phóng. Ý nghĩa nhân văn sâu xa của cuộc cách mạng chính là ở đó.
PV: Theo ông thì động lực nào, lực lượng nào đã tạo nên sức mạnh cho cuộc cách mạng? Ông cắt nghĩa thế nào về sự kiện cướp chính quyền ở Hà Nội khi lực lượng vũ trang của Việt Minh chưa kịp có mặt và việc cướp chính quyền ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) do một nhóm thanh niên trí thức yêu nước thực hiện trước khi có sự chỉ đạo của Việt Minh?
Ông PX: Nói đến động lực tạo nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, không ai không nghĩ tới chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc hay chủ nghĩa dân tộc, như Hồ Chí Minh đã từng biểu lộ “chủ nghĩa dân tộc luôn là động lực lớn của đất nước”. Vì thế, không một lực lượng riêng lẻ nào, mà là sức mạnh của toàn dân tộc, không phân biệt đảng phái, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, già trẻ, trai gái, nam nữ như Cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh chủ trương, đã tạo nên sức mạnh to lớn cho cuộc cách mạng. Có thể nói, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam được kết tinh trong quá trình đấu tranh và thăng hoa trong những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Trên nền tảng đó, ta có thể lấy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc hay chủ nghĩa dân tộc để cắt nghĩa cho bất kỳ một nơi nào đó giành được chính quyền sớm trước khi những điều kiện lịch sử đã chín muồi. Vả lại, phong trào dân tộc Việt Nam lại được định hướng bởi Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua các Nghị quyết, các Chỉ thị. Liên quan đến chớp thời cơ, giành chính quyền về tay trong Cách mạng Tháng Tám, Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” là một ví dụ sáng chói.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của tầng lớp trí thức trong Cách mạng Tháng Tám và những năm đầu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo?
Ông PX: Nét đặc trưng của tầng lớp trí thức là hiểu biết nhiều, sáng tạo, nhạy bén trước thời cuộc và có khả năng định hướng phát triển cho nhân loại trên nhiều quy mô khác nhau. Ở Việt Nam chúng ta, tầng lớp trí thức, cả cựu học lẫn tân học, là tầng lớp đã lựa chọn, tiếp nhận và đưa vào trong cuộc sống những khuynh hướng tư tưởng cứu nước khác nhau, từ dân chủ tư sản đến dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trí thức Việt Nam đã có mặt cùng với Hồ Chí Minh ngay từ buổi đầu truyền bá tư tưởng cứu nước mới, từ thời dựng Đảng, và đã xả thân cho lý tưởng đó. Cuối cùng được biểu hiện sáng chói trong những ngày Cách mạng Tháng Tám và những năm đầu chung tay xây dựng nước Việt Nam mới. Thực tiễn cuộc cách mạng cho thấy đội ngũ trí thức đã tự giác và nhiệt thành yêu nước ngay từ đầu và là một lực lượng tiên phong của cuộc cách mạng. Hầu hết các trí thức lớn của nước nhà hồi đó đều ủng hộ và tham gia cuộc Cách mạng Tháng Tám, tham gia xây dựng nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Họ là trí tuệ tiêu biểu của lực lượng cách mạng và có đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước.
PV: Điều gì đã thúc đẩy họ nhiệt thành và tự giác đến với cách mạng?
Ông PX: Câu trả lời đúng nhất vẫn là họ xuất phát từ tinh thần dân tộc, từ chủ nghĩa yêu nước. Và, vì họ nhận biết được xu hướng vận động của thời đại và biết được cuộc cách mạng này do Hồ Chí Minh, một bậc đại trí, đại nhân lãnh đạo. Biết bao nhiêu cuộc phỏng vấn các trí thức, thậm chí cả các nhà tư sản, họ đều có những điều bộc bạch chung nhất đó. Khát vọng độc lập cho dân tộc, tự do cho con người mà họ ấp ủ trùng khớp với mục đích của phong trào cách mạng do Hồ Chí Minh khởi xướng và lãnh đạo đã trở thành những động lực lớn lao đưa họ đến với cách mạng và tham gia nhiệt thành vào công cuộc lớn lao đó.
PV: Nhận định của ông lúc này về vai trò của Hồ Chí Minh trong thời kỳ đó? Phẩm chất của bậc Minh quân, bậc quân tử hay là phẩm chất văn hoá, nhân văn của Hồ Chí Minh đã tập hợp được các lực lượng dân tộc nói chung và tầng lớp trí thức nói riêng?
Ông PX: Lịch sử đã chứng minh vai trò của cá nhân trong sự vận động và phát triển xã hội là vô cùng quan trọng, đặc biệt là những cá nhân có uy tín cao, tuyệt đối trước quần chúng nhân dân như Hồ Chí Minh. Dưới thời Pháp thuộc, Chính quyền đô hộ đã bưng bít thông tin, xuyên tạc và bóp méo thông tin, đặc biệt những thông tin không có lợi cho chúng. Nhưng người Việt Nam chúng ta hành động theo một phương châm thông minh: “Kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta”. Vì thế, người ta đã bí mật tìm hiểu những người mà kẻ thù vu cáo, đưa họ ra xét xử và đày đọa họ trong các nhà tù. Dần dần, người Việt Nam, đặc biệt những người trăn trở với vận nước, mà chủ yếu là trí thức, nhận ra những hình ảnh trung thực của những nhà cách mạng, trong đó có Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Họ là những người thiết tha yêu nước, đã tìm trăm phương nghìn kế phát động tinh thần dân tộc rộng lớn và khi có điều kiện, phát động nhân dân vùng lên làm cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay mình. Trong Hồ Chí Minh, tổng hòa những gì tinh túy nhất của một chính khách, một lãnh tụ. Là một lãnh tụ cách mạng, ở Hồ Chí Minh có cái đầu lạnh, tỉnh táo để lựa chọn và đưa những quyết định sáng suốt tạo nên những bước ngoặt lịch sử, nhưng đồng thời có trái tim nhân ái xoa dịu những nỗi đau của đồng loại, khỏa lấp những khát vọng chính đáng của con người. Sự kết hợp hài hòa những phẩm chất của một bậc Minh quân và phẩm chất nhân văn trong con người Hồ Chí Minh đã chinh phục trái tim khối óc của toàn dân đất Việt, đặc biệt một tầng lớp “khó tính” là trí thức và Người đã tập hợp họ lại trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi nhất có tên là Mặt trận Việt Minh. Mặt trận đó có vai trò to lớn trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và hoạch định sự ra đời và tồn tại của nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam.
 PV: Trong Cách mạng Tháng Tám và hơn một năm sau, cho đến ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), thế nước chênh vênh như ngàn cân treo sợi tóc nhưng Hồ Chí Minh đã vững tay chèo, cùng với các đồng chí, cộng sự, cùng đồng bào cả nước vượt qua được những thử thách cam go, éo le nhất. Bây giờ, sau hơn 60 năm, nhìn lại, theo ông, đâu là dấu ấn rõ ràng và sâu sắc nhất của Hồ Chí Minh trong những năm tháng này?
Ông PX: Trong những tháng năm thế nước như ông nói là chênh vênh như ngàn cân treo sợi tóc đó, không có một lãnh tụ như Hồ Chí Minh chèo lái, thì con thuyền cách mạng chúng ta khó có thể vượt qua thác ghềnh, cập bến vinh quang. Sáu mươi sáu năm sau nhìn lại, những dấu ấn Hồ Chí Minh tạc vào những tháng năm đó càng sâu đậm hơn bao giờ hết ở trí tuệ mẫn tiệp, ở sự kết hợp hài hòa xu thế vận động của thế giới và khát vọng độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc và ở sự quyết đoán trong việc ra quyết định và chịu trách nhiệm với nó… Việc ký Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 và chuyến thăm nước Pháp, mà thực chất là đi tìm hòa bình tại sào huyệt thực dân, chính là những quyết định sáng suốt nhất để cho chúng ta có thời gian chuẩn bị mọi điều kiện có thể cho cuộc kháng chiến chống Pháp không thể tránh khỏi. Những quyết định đó đã tạo ra cú sốc lớn: kẻ thù la ó, những người kiên quyết chống Pháp hoài nghi, nhân dân đang chao đảo… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trấn an bằng một tuyên bố: “Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”. Tầm vóc vĩ đại của Hồ Chí Minh được biểu hiện sáng chói trong quyết định sáng suốt và táo bạo đó.
PV: Sự vĩ đại của Hồ chí Minh là ở chỗ đó, bằng trí tuệ, ý chí và những phẩm chất văn hoá của mình, Người tạo nên những dấu ấn xoay chuyển tình thế của dân tộc. Qua trường hợp Hồ Chí Minh ông có nhận thức như thế nào về phẩm chất và vai trò của lãnh tụ?
Ông PX: Theo tôi, vai trò của lãnh tụ là phải tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ, sâu sắc trong ký ức của nhân dân, của dân tộc bằng những quyết đoán chính xác và mạnh mẽ nhằm lãnh đạo đất nước vượt qua thác ghềnh để tồn tại và phát triển. Từ Cách mạng Tháng Tám cho đến nay, ở Việt Nam chúng ta chưa xuất hiện một lãnh tụ, một chính khách lớn như Hồ Chí Minh. Để trở thành một chính khách lớn, một lãnh tụ, ở Hồ Chí Minh hội đủ một trí tuệ mẫn tiệp và một nhân cách lớn, mang tầm văn hóa nhân loại. Với những phẩm chất quý báu đó, Hồ Chí Minh đã thu phục khối óc và trái tim không chỉ đồng bào trong nước, mà làm “tâm phục, khẩu phục” nhân loại, kể cả những lực lượng, những cá nhân ở bên kia chiến tuyến. Con người đó đã làm kẻ thù đã phải băn khoăn trong ứng xử, họ không thể hiểu được Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc hay theo chủ nghĩa cộng sản. Dù đứng ở phía nào ông vẫn là một chính khách được kính trọng ở tất cả các xã hội thuộc những hệ tư tưởng khác nhau nhất. Một chính khách lớn, một lãnh tụ phải là người như vậy. Tôi xin nói thêm một điều rằng những phẩm chất và bản lĩnh đó của bậc minh quân, của bậc lãnh tụ không phải tự dưng mà có mà chủ yếu là kết quả của một quá trình học tập, tu luyện kiên trì. Thế càng biết làm lãnh tụ là không dễ chút nào.
PV: Theo ông thì bài học sâu sắc nhất mà Cách mạng Tháng Tám và Chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những năm đầu mới thành lập để lại cho hôm nay là gì?
Ông PX: Có nhiều bài học mà Cách mạng Tháng Tám và Chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những năm đầu mới thành lập để lại cho hôm nay và mai sau. Nhưng theo tôi, sâu sắc nhất là phát huy tinh thần dân tộc đến độ thăng hoa trong giải phóng dân tộc và dựng xây chế độ mới; Nhạy bén đánh giá tình hình, nắm bắt trúng thời cơ và hành động mau lẹ; Một chính quyền được tổ chức theo nguyên tắc đại diện của tất cả những lực lượng tham gia vào phong trào giải phóng dân tộc; Một sự tôn trọng chân thành và một niềm tin sắt đá vào Nhân dân, trong đó có giới trí thức.
PV: Thế và lực của dân tộc Việt Nam đã khác nhiều những năm Hồ Chí Minh cùng đồng bào cả nước làm cách mạng giành độc lập và xây dựng chính quyền dân chủ cộng hòa cách đây hơn 60 năm nhưng vẫn còn những nguy cơ rất rõ ràng như xâm phạm chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ, như quan liêu, hách dịch, tham ô... Vậy chúng ta cần vận dụng những bài học từ cách mạng Tháng tám, từ Hồ Chí Minh như thế nào cho có hiệu quả nhất?
Ông PX: Đúng như ông đã nhận định, thế và lực của đất nước ta hiện nay đã khác xa so với thời ta mới giành được chính quyền. Ngày chúng ta giành được chính quyền và bắt tay xây dựng chính quyền mới, dân số khoảng 25 triệu, trong kho bạc chỉ còn mấy triệu đồng tiền rách, thù trong giặc ngoài đe dọa, chưa được một nước nào trên trái đất công nhận về ngoại giao, còn bây giờ thế và lực của ta đã thay đổi rất lớn, dù mạnh yếu có khác nhau, nhưng bài học lịch sử mà Cách mạng Tháng Tám để lại vẫn còn nguyên giá trị, vẫn còn rất thời sự. Đó là bằng mọi phương thức để tinh thần dân tộc thăng hoa, mà trước hết thực hiện bằng được, thực hiện đầy đủ và triệt để, những gì đã ghi trong Hiến pháp, tạo được niềm tin của nhân dân với chính phủ và những người lãnh đạo các cấp. Các quan chức phải thực sự là những “nô bộc của dân” bằng hành động đi đôi với lời nói, bằng làm gương trước quần chúng, chứ không phải là “quan cách mạng” như Bác Hồ đã nói trong bức thư gửi cho cán bộ và đồng bào Nghệ An sau Cách mạng Tháng Tám.
PV: Xin cảm ơn ông đã nhận lời làm khách và tham gia trả lời phỏng vấn của chúng tôi.
                                   VĨNH KHÁNH (thực hiện)


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444449

Hôm nay

258

Hôm qua

2333

Tuần này

258

Tháng này

219623

Tháng qua

112676

Tất cả

114444449