Khách mời văn hóa
Hy vọng mọi người sẽ nỗ lực để tạo nên một tầm vóc mới của ngành VH, TT & DL
VHNA: Năm 2009 đã đi qua và năm 2010 đang đến. Năm Canh Dần 2010 là năm có nhiều sự kiện trọng đại và là năm có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và đại hội Đảng bộ Nghệ An lần thứ XVI. Năm 2010 sẽ là năm nhiều bộn bề đối với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng. Nhân dịp này, tạp chí Văn hoá Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Cao Đăng Vĩnh – Giám đốc sở VH, TT & DL Nghệ An. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thưa ông giám đốc, ông có nhận định như thế nào về hoạt động và kết quả hoạt động của ngành Văn hoá, Thể thao & Du lịch trong năm vừa qua?
Có thể nói năm vừa qua đối với ngành VH, TT & DL là vừa hành quân vừa xếp hang. Có nghĩa là vừa tiếp tục ổn định tổ chức vừa hoạt động. Ngành vừa hợp nhất lại, chúng ta phải không chỉ là ổn định từng bộ phận mà cái chính là sắp xếp lại trong một hệ thống hoàn chỉnh, tạo nên các mối liên hệ hữu cơ chặt chẽ, thống nhất giữa các bộ phận nhằm tạo nên sự hoạt động đồng bộ và có hiệu quả cao đối với các bộ phận và toàn bộ hệ thống của ngành. Ngành của chúng ta hiện nay là đa lĩnh vực, bao gồm văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình. Tnh một lĩnh vực cũng đã có nhiều chuyên môn hẹp như lĩnh vực văn hoá thì có bảo tồn bảo tàng, nghệ thuật, thư viện, điện ảnh, văn hoá cơ sở…Sang đến lĩnh vực thể thao cũng vậy, có đến hàng mấy chục môn khác nhau…Để gắn kết các lĩnh vực này lại với nhau thực sự là không dễ. Vì vậy, để làm được việc này phải có thời gian. Thế nhưng công việc không đợi thời gian. Ngay từ đầu chúng ta đã phải làm việc với công suất cao vì công việc nhiều, cấp bách, thậm chí có những việc phức tạp và khó. Từ năm 2009 chúng ta đã phải làm rất nhiều việc cho năm 2010. Thế nhưng, cho đến nay, về cơ bản chúng ta đã ổn định được bộ máy tổ chức, giữa các bộ phận đã có các mối liên kết khá chặt chẽ và tạo được tiếng nói chung, hiệu quả chung.
Việc thứ hai, theo tôi là quan trọng, là chúng ta vẫn duy trì và phát triển nâng cao đời sống văn hoá, thể thao ở cơ sở. Các thiết chế văn hoá, thể thao được củng cố trên tất cả các phương diện của nó, từ tổ chức bộ máy, nhân lực, cơ chế hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị đến kế hoạch, nội dung và chương trình hoạt động. Nhờ đó các phong trào văn hoá, thể dục thể thao ở cơ sở không những được duy trì mà còn phát triển ngày càng sâu rộng hơn. Các lễ hội được phục hồi, các câu lạc bộ được phát triển và duy trì hoạt động thường xuyên với nội dung phong phú. Trong năm qua chúng ta đã hoàn thành tổ chức đại hội thể dục thể thao cấp xã và cấp huyện, chuẩn bị cho đại hội TDTT toàn tỉnh vào năm 2010. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã trở thành nền tảng cho sự phát triển đời sống văn hoá tinh thần của xã hội. Các sinh hoạt văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở được duy trì thường xuyên. Nhờ đó có thể nói đời sống văn hoá của các cộng đồng dân cư có phần phong phú hơn, đa dạng hơn. Quan hệ cộng đồng cởi mở hơn và qua đó góp phần nâng cao tính dân chủ trong các quan hệ xã hội. Tổng kết 20 năm xây dựng làng văn hoá vừa qua đã khẳng định điều đó.
Việc thứ ba, cũng trong năm qua, chúng ta đã duy trì tốt và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, thể thao chuyên nghiệp. Tại các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của chúng ta đã giành được nhiều thành tích cao. Vở diễn Lời Người lời của nước non của Nhà hát dân ca đã được mời biểu diễn ở mấy chục tỉnh đã phần nào chứng tỏ trình độ nghệ thuật chuyên nghiệp của chúng ta. Trên lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp chúng ta cũng đã giành được nhiều thành tích nổi bật. Đội bóng đá Sông Lam Nghệ An của chúng ta đã lần đầu tiên trở lại tốp ba sau bảy tám năm long đong. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi mà trong năm vừa qua đội bóng gặp rất nhiều khó khăn cả về lực lượng cầu thủ cũng như tài chính. Các vận động viên các bộ môn thể thao khác của chúng ta tham gia SEGAME đã giành được thành tích rất đáng khích lệ với 4 huy chương bạc và 1 huy chương vàng.
Việc thứ tư, theo tôi là chúng ta đã tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, các công trình văn hoá. Trong đó quan trọng nhất là dự án Bản tồn tôn tạo di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch. Dự án này cơ bản sẽ hoàn thành các hạng mục chính để kịp thời phục vụ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhưng chúng tôi được biết là so với kế hoạch thì vẫn còn nhiều dự án được, hay là bị đánh giá triển khai thực hiện chậm?
Có điều đó thật, nhưng là giai đoạn trước, còn về sau chúng ta đã cải tiến cách làm và tăng tốc nên cơ bản các công trình sẽ về đích đúng thời hạn. Tôi lấy ví dụ như dự án thư viện tỉnh là công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – hà Nội chẳng hạn. Thời kỳ đầu công nhận tiến độ triển khai thực hiện chậm, thậm chí sợ không hoàn thành trong năm 2010 nhưng nay thì có thể yên tâm, chắc chắn chúng ta sẽ về đích đúng hẹn. Rồi công trình tôn tạo ở khu di tích Kim Liên đã nói ở trên cũng vậy. Lúng túng và chậm nhưng chắc chắn là sẽ kịp phục vụ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Hồ. Các dự án khác cũng vậy. Chúng ta đã rất cố gắng để hoàn thành đúng tiến độ.
Vậy theo ông tại sao lại có tình trạng hậm trễ trong thời gian trước đây?
Có cả nguyên nhân chủ quan và có cả nguyên nhân khách quan. Chủ quan là vì chúng ta chưa quen việc xây dựng cơ bản, chưa quen lập và thực hiện các dự án. Đội ngũ các bộ để làm việc này nói chung là tay ngang chưa quen việc nên không tránh khỏi lúng túng, chậm chạp. Cái chậm ở đây còn có nguyên nhân ở tính đặc thù của các dự án nữa. Cũng là một công trình, một hạng mục nhưng vì là công trình văn hoá nên chúng ta phải qua nhiều khâu thẩm định hơn. Ví như sửa chữa một di tích, cũng là một ngôi nhà, nhưng vì là di tích nên phải qua thẩm định của nhiều cơ quan quản lý khác so với ngôi nhà thông thường khác. Và, khách quan mà nói thì các khâu thủ tục quá nhiều, và rối, và chậm. Có những hồ sơ phải lưu tại các cơ quan thẩm định hàng tháng trời.
Thưa ông, chúng ta có thể trở lại với những đánh gía về hoạt động của ngành năm vừa rồi?
Trở lại với công việc của ngành năm vừa qua, tôi thấy trên lĩnh vực du lịch chúng ta cũng đã có nhiều cố gắng. Trên lĩnh vực này, tôi nghĩ là chúng ta cũng đã nỗ lực rất lớn và thể hiện tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Trong tình thế khó khăn vì ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, dự báo đúng khả năng sụt giảm nhu cầu du lịch của cả khách quốc tế và khách nội địa, chúng ta đã sớm thống nhất chủ trương kích cầu và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Ngoài ra chúng ta còn chủ động và tích cực quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều phương thức khác nhau như tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch ở Thái Lan, tham gia hội nghị xúc tiến du lịch, hội chợ du lịch ở Vân Nam Trung Quốc, quảng bá du lịch trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Nhờ đó, lượng khách vào Nghệ An vẫn giữ bằng năm trước, doanh thu có phần tăng hơn. Đó là một thành công lớn của tỉnh ta trong năm vừa qua, của cộng đồng các doanh nghiệp du lịch và chúng ta vui mừng bổi có sự đóng góp của ngành trong thành công chung đó.
Vậy còn có điều gì mà chúng ta làm chưa tốt, hay là chưa hoàn thành?
Tôi nghĩ rằng hoạt động văn hoá, thể thao, và du lịch, kể cả phong trào cũng như chuyên nghiệp, đúng hơn là đánh giá về các hoạt động này, cần phải có một cái nhìn toàn diện, tổng quan,, cả về thời gian và không gian. Để tạo nên được những thành tích, thành tựu chứ chưa nói đến điều to tát là giá trị thì cũng đã phải mất rất nhiều thời gian. Để có một đội bóng mạnh chúng ta phải mất hàng chục năm, thêm được vài cm nhảy cao phải kiên trì rèn luyện nhiều năm liền, viết được một ca khúc chứ chưa nói đến nhạc không lời cũng phải mất chưa biết đến bao nhiêu năm trời, mà lại còn phụ thuộc vào năng khiếu và cả may mắn nữa. Rất rõ ràng là để có được một đô thị du lịch Cửa Lò thì chúng ta cũng phải xây dựng suốt hơn 20 năm nay. Tôi nói điều này có nghĩa là muốn mọi người cùng chia sẻ một cách nhìn, một cách đánh gía về các lĩnh vực công việc của ngành.
Trở lại với công việc của ngành trong năm vừa rồi khi nói về những việc làm chưa tốt, hay chưa hoàn thành, tôi lại thấy cần vận dụng cách nhìn nói trên khi đánh giá. Hoạt động trên các lĩnh vực này cần nhìn nó trong sự vận động phát triển, không nên cắt khúc, cắt đoạn ra vì làm như vậy sẽ phiến diện. Tuy nhiên, theo cảm nhận cá nhân của tôi thì chúng ta vẫn còn thiếu những tác phẩm, những trình văn hoá nghệ thuật lớn tiêu biểu và có giá trị cao, đáp ứng ở mức độ cao nhu cầu của công chúng, của lịch sử. Tôi ví dụ: Năm nay, năm 2010, chúng ta kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng cho dến hiện nay, ngoài dự án tôn tạo di tích ra chúng ta chưa có những công trình lớn nào về Người. Một chương trình âm nhạc với những tác phẩm lớn, rồi những công trình nghiên cứu, những tác phẩm mỹ thuật về Người chẳng hạn. Rồi cũng năm nay là chẵn 70 năm ngày mất của Đại chí sĩ Phan Bội Châu nhưng chúng ta vẫn chưa hoàn thành các công trình tưởng nieemj và tôn vinh Cụ. Và có một việc tôi thấy chúng ta chưa làm tốt đó là thiếu các công trình nghiên cứu một cách nghiêm túc, công phu, có chất lượng cao về đời sống văn hoá đương đại hôm nay. Có làm tốt điều này thì mới biết, mới hiểu được nhân dân, hiểu được xã hội đang cần gì ở chúng ta. Có thể nói là chúng ta còn chưa chú trọng công tác nghiên cứu. Mặc dù là cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp nhưng theo tôi chúng ta cần đẩy mạnh hơ nữa công tác nghiên cứu. Tất nhiên là khó vì chúng ta còn thiếu quá nhiều cán bộ có tư duy nghiên cứu khoa học.
Năm mới 2010 đang đến. Đây là một năm có nhiều sự kiện trọng đại đối cả nước và đối với tỉnh ta. Trách nhiệm của ngành VH, TT & DL sẽ rất lớn, rất nặng nề. Ông có thể cho biết đại cương về kế hoạch công tác của ngành ta trong năm tới?
Năm 2010, đúng như anh nói, sẽ là năm có rất nhiều sự kiện trọng đại. Đó là kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, 80 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh, 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, 980 năm danh xưng Nghệ Anv.v.v.. Cũng trong năm tới sẽ tiến hành đại hội Đảng các cấp. Để tổ chức tốt các hoạt động nói trên là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi đã xác định rõ trách nhiệm của ngành mình là phải tham gia phối hợp tổ chức thật tốt các hoạt động nói trên. Cụ thể, thứ nhất, là phải khẩn trương hoàn thành và hoàn thành tốt các công trình, các dự án phục vụ cho các hoạt động nói trên; Thứ hai, phải tích cực tham gia tuyên truyền sâu rộng về các sự kiện này trong toàn xã hội; Thứ ba là phải xây dựng kế hoạch chi tiết, khoa học cho các sự kiện, các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao nhất là các hoạt động, sự kiện có ý nghĩa văn hoá như Lễ hôi Làng Sen chẳng hạn. Thứ tư là phải nỗ lực nâng cao chất lượng các hoạt động sự nghiệp và nâng cao chất lượng quản lý của ngành. Tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng đời sống văn hoá cơ sở. Thứ năm là phải tăng cường các hoạt động chiều sâu, các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo. Có nghiên cứu và sáng tạo mới tạo nên giá trị mới, mới hình thành và nâng cao tính chất chuyên nghiệp của ngành.
Vậy lãnh đạo ngành đã xác định những giải pháp nào để thực hiện tốt những nhiệm vụ có thể nói là nặng nề của ngành trong năm 2010?
Chúng tôi đã xác định là phải kết hợp thật gắn bó hữu có giữa quản lý và hoạt động sự nghiệp để tạo nên hiệu quả chung thật tốt của ngành. Hoạt động chuyên môn nghiệp vụ tốt, chịu khó xây dựng phong rào ở cơ sở mà không tăng cường quản lý thì cũng không thể hy vọng có được một xã hội, một đời sống văn hoá phong phú và trong lành của xã hội. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh thực tiễn hiện nay. Chỉ cần lơ là một tý là các yếu tố phản văn hoá, hoặc là văn hoá ngoại lai không phù hợp vố văn hoá Việt tràn vào, xâm thực vào đời sống văn hoá cuả xã hội ta. Nó như vết dầu loang, lan rất nhanh và sẽ che phủ, ăn mòn các giá trị và truyền thống văn hoá Việt của chúng ta.
Thứ hai là tăng cường phối hợp hoạt động giữa các lĩnh vực, các đơn vị trong nghành, tạo nên nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của toàn ngành để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được giao. Cũng trên cơ sở phối hợp công việc này sẽ góp phần củng cố thêm mối quan hệ trong nội bộ ngành giữ các lĩnh vực, các đơn vị.
Thứ ba là khẩn trương nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn, nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động nghề nghiệp.
Thứ tư là tăng cường mở rộng hợp tác, phối hợp với các ngành bạn, với các địa phương bạn. Tranh thủ sự giúp đỡ hỗ trợ của Bộ VH,TT&DL và các cơ quan thuộc bộ để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành mà trực tiếp là tổ chức thành công các sự kiện lớn trong năm 2010.
Thực hiện những công việc lớn như vậy trong năm nay, theo ông khó nhất là gì?
Có lẽ là một cái nhìn toàn cảnh, đại cục từ tư duy nghề nghiệp. Hay nói cách khác là chúng ta rất cần một công trình sư, một tổng đạo diễn xây dựng các chương trình và để kết nối các chương trình này trong tổng thể một năm văn hoá. Tôi quan niệm tư duy quản lý phải khác với tư duy nghề nghiệp chuyên môn, khác với tư duy nghệ sỹ. Định hướng tư tưởng, nội dung tốt rồi, đúng rồi còn phải thể hiện tốt thông qua các hình tượng nghệ thuật, các biểu tượng văn hoá nữa.
Ông hy vọng gì ở năm 2010, nếu nhìn từ ngành ta?
Không phải chỉ năm nay, mà năm nào cũng vậy, tôi luôn nghĩ đến một tầm vóc văn hoá của ngành ta với tư cách là một hạt nhân, một đại diện của văn hoá xứ Nghệ, văn hoá Nghệ An trong thời đại ngày nay. Muốn vậy không gì khác, phải nỗ lực sáng tạo để có thành tựu, để tạo ra các giá trị và từ đó mới hy vọng có được một tầm vóc mới hơn, độc đáo hơn và cao hơn.
Tôi ngĩ những công việc, những thử thách của năm nay sẽ làm cho cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sỹ, vận động viên…của ngành sẽ tự vượt lên chính mình để xây dựng thành công một tầm vóc mới của ngành.
Xin cảm ơn ông giám đốc. Xin chúc ngành VH, TT & DL và các nhân ông một năm thành công.
Phan Thắng(Thực hiện)
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528549
Hôm nay
2205
Hôm qua
2291
Tuần này
2822
Tháng này
215245
Tháng qua
0
Tất cả
114528549