Khách mời văn hóa

Phó giáo sư Văn Như Cương:Điều nguy hiểm nhất hiện nay của nền giáo dục Việt Nam là hầu hết cái gì cũng giống như cũ, thậm chí là rất cũ

VHNA: Giáo dục là quốc sách. Điều đó cha ông chúng ta đã nói nhiều. Ngày nay chúng ta nói càng nhiều hơn. Thế nhưng đã mấy chục năm nay nền giáo dục của chúng ta vẫn dẫm chân tại chỗ, nếu không nói là bị tụt hậu.  Quốc sách nhưng chưa có sách hay! Phải chăng đó là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng lạc hậu của nền giáo dục Việt Nam hiện nay? VHNA đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Văn Như Cương về vấn đề này.

 

PV:Theo ông, vấn đề nguy hiểm nhất hiện nay của nền giáo dục VN là gì?
Văn Như Cương (VNC). Điều nguy hiểm nhất hiện nay của nền giáo dục VN là hầu hết cái gì cũng giống như cũ, thậm chí là rất cũ. Trong một xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ như Việt Nam thì một nền giáo dục dẫm chân tại chỗ là một nền giáo dục bị bại liệt…, nó cản trở sự tiến lên của xã hội. Cách quản lí giáo dục cũ kĩ, quan điểm và triết lí về giáo dục cũ kĩ, hệ thống giáo dục cũ kĩ, chương trình cũ kĩ, cách dạy cách học cũ kĩ…, đó là những thứ đang làm cho nền Giáo dục chúng ta chết dần chết mòn.
 Gần đây nghị quyết của Đại hội đảng XI đã khẳng định phải “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”. Quyết định đó là đúng đắn vì muốn tiến lên thì phải xóa bỏ cái cũ kĩ, cái trì trệ, cái lạc hậu của giáo dục, và hơn thế phải đổi mới căn bản và toàn diện, tức là không chỉ đổi mới nửa vời, hình thức, cầm chừng, vụn vặt... Làm được sự đổi mới này quả thật là khó khăn, đòi hỏi các nhà quản lí giáo dục phải hiểu biết sâu về giáo dục, phải có năng lực cao, có tầm nhìn rộng, và lao tâm khổ tứ làm việc hết mình… 
PV: Đâu là nguồn gốc của những sự trì trệ đó trong giáo dục?
VNC: Nguồn gốc của những điều tệ hại trên đây bắt nguồn từ nhiều phía, nhiều mặt khác nhau. Nhưng có lẽ điều quan trọng là do sự quan tâm của những người đứng đầu đất nước. Chúng ta được nghe nhiều lần rằng “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đó là một chân lí, không chỉ Đảng ta nói, lãnh tụ ta nói, mà tất cả các nước, ai cũng biết như thế và cũng nói như thế. Nhưng cố nhiên, chỉ nói không mà thôi thì khẩu hiệu vẫn chỉ là khẩu hiệu.
Ngoài ra phải kể đến năng lực của các nhà quản lí giáo dục từ cấp cao nhất trở xuống. Hơn một năm sau Đại hội Đảng lần XI, chúng ta chưa rõ việc “đổi mới căn bản và toàn diện” sẽ tiến hành ra sao, với kế hoạch, tiến độ như thế nào? Các quan chức cao cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo suốt ngày chỉ “loay hoay” đổi mới những điều vụn vặt, chắp vá theo kiểu “sai đâu sửa đấy”. Nào là bỏ thi Tốt nghiệp theo cụm trường, nào là bỏ chấm chéo, nào là thêm khối thi vào ĐH, thêm địa điểm thi, bỏ Thanh tra ủy quyền, nào là khôi phục việc tuyển thẳng vào ĐH, CĐ… Nói như vậy để thấy rằng đội ngũ các nhà quản lí giáo dục của ta còn chưa xứng tầm đề thực hiện cái quyết định đúng đắn về đổi mới giáo dục…
 PV: Trong giáo dục hiện đại, vai trò của người thầy có gì khác trước?
VNC: Khi chế độ xã hội thay đổi thì vai trò của mỗi tầng lớp người của xã hội cũng có những thay đổi nhất định. Giai cấp công nhân trước cách mạng là những người bị trị thì nay trở thành giai cấp lãnh đạo. Tầng lớp nông dân từ vai trò tá điền bị bóc lột thậm tệ đã trở thành người chủ ruộng đất… Giới doanh nghiệp, thương nghiệp từ sau thời kì đổi mới đã từ bỏ ấn tượng “con buôn” để có một vị trí đáng nể trong sự nghiệp làm cho dân giàu nước mạnh…
Trong lúc đó thì vai trò, vị thế của người thầy giáo không có gì thay đổi lớn. Chức năng của người thầy giáo vẫn là truyền thụ kiến thức tới tầng lớp thanh thiếu niên, và vai trò của họ được xã hội và chính quyền tôn trọng. Điều đó nói lên rằng trong bất kì xã hội nào, chế độ nào - trừ các chế độ diệt chủng - giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng số một để làm cho xã hội văn minh hơn, tiến bộ hơn.
PV:Ông có nhận xét gì khi hệ thống các trường Đại học sư phạm trong cả nước đã chuyển sang mô hình đại học đa ngành. Từ chỗ đào tạo ra các nhà giáo thì bây giờ họ đào tạo cả kĩ sư trồng trọt và chăn nuôi, cả nghề maketing lẫn kế toán?!
VNC: Đó là điều mà tôi khó hiểu, mặc dầu không phải là tất cả các trường Đại học sư phạm đều chuyển sang Đại học đa ngành. Điều khó hiểu hơn là khá nhiều trường Cao đẳng Sư phạm ở các tỉnh tự nâng cấp lên thành Đại học, nhưng không phải là ĐHSP mà là đại học đa ngành. Số giáo viên CĐSP cũ trở thành giảng viên đại học (ngoài ra có bổ sung thêm một số ít giảng viên khác). Và đấy là hiện tượng mà người ta thường gọi một cách hài hước là “cơm chấm cơm”. Cũng không ngoa khi người ta gọi các trường đại học như vậy là trường phổ thông cấp bốn, thậm chí là cấp ba rưỡi. Có một quy luật luôn luôn đúng về mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, đó là quy luật tỉ lệ nghịch: số lượng càng tăng thì chất lượng càng giảm. Có lẽ đã đến lúc phải ngừng tăng số lượng các trường ĐH như thế để bước vào giai đoạn nâng cao chất lượng.
PV: Tôi có biết một thực tế hiện nay là đào tạo hệ tại chức và bậc cao học, thậm chí cả bậc tiến sĩ nữa, quá dễ dãi, chất lượng quá thấp, quá kém và có quá nhiều tiêu cực. Theo ông thì có nên tiếp tục tồn tại mô hình đào tạo này? Tại sao?
VNC: Mô hình đào tạo này nhằm đáp ứng yêu cầu về văn bằng của một số người. Một ông giám đốc Sở GD&ĐT nào đó còn một năm nữa sẽ về hưu. Tổ chức sẽ lựa chọn một trong vài ba người kế nhiệm ông. Ai trong số người đó có bằng cấp cao hơn thì cơ hội nhiều hơn, bởi vậy ai cũng cố gắng đi học để có cái bằng thạc sĩ, thạc sĩ gì cũng được, miễn là có, tiến sĩ thì lại càng tốt hơn nữa. Cái “chủ nghĩa lí lịch” ngày xưa đã lỗi thời, bây giờ phải là “chủ nghĩa văn bằng” mới có tác dụng trong khâu tuyển dụng. Vì thế mới sinh ra nạn bằng giả (nói đúng hơn là bằng thật, nhưng học thì giả và thi cũng giả).
Tôi rất mong rằng trong khâu tuyển dụng người làm việc, chủ nghĩa lí lịch hay chủ nghĩa văn bằng đều không có vị trí quan trọng, mà chỉ có chủ nghĩa năng lực và đạo đức. Ai tài hơn, ai tốt hơn thì được ưu tiên tuyển dụng hơn. Nếu như thế thì cái mô hình tại chức, từ xa… vẫn tồn tại nhưng để phục vụ yêu cầu của những người muốn học để biết nhiều hơn chứ không phải để leo cao hơn trong thang chức vụ.
 PV: Tôi biết là sẽ không có, hoàn toàn không có trong thực tiễn nhưng nếu có một trường đại học tư thục của mình ở Nghệ An thì ông sẽ lựa chọn mô hình đào tạo nào và sẽ ưu tiên lựa chọn ngành nghề đào tạo như thế nào?
VNC: Vâng, cái “Nếu” này rất to đây. Nếu tôi còn trẻ, nếu tôi có rất nhiều tiền, hoặc nếu tôi có các đại gia tài trợ… thì tôi sẽ mở một trường Đại học tư thục tại Nghệ An, quê hương tôi. Tôi chưa biết đặt tên trường là gì cho thích hợp và hấp dẫn, nhưng mục tiêu giáo dục của nhà trường là đào tạo những người có phẩm chất lãnh đạo cao.
Tôi còn nhớ câu chuyện hồi sinh viên chúng tôi: cả tổ góp tiền để làm một bữa liên hoan, và phân công nhau làm việc. Ai thạo đi chợ thì ra chợ mua các thứ, ai biết làm thịt gà thì làm, ai biết thái thịt bò thì thái, ai biết nhặt rau thì nhặt, ai biết rửa bát thì rửa… Một bạn hỏi: Thế người không biết làm một việc gì cả thì sao? Trả lời: thì đứng ra lãnh đạo chúng tôi làm!... Đó là chuyện ngày xưa, còn trong thời đại này muốn làm lãnh đạo thì phải học nhiều lắm, rất nhiều… Tại sao muốn làm nghề gì cũng phải học mà làm lãnh đạo thì có thể “vừa học vừa làm” hoặc “vừa làm vừa học”?
 Bởi vậy, một trường chuyên đào tạo các nhà lãnh đạo rất là cần thiết. Chắc chắn là chương trình học sẽ rất nặng, phải học nhiều ngoại ngữ để nói thông viết thạo nghe chuẩn, phải học nhiều thứ triết học cổ kim đông tây, phải học cách giao tiếp, học cách nghe cách nói, học cách ăn cách gói, phải học các môn khoa học và công nghệ cao siêu, phải biết các môn xã hội, văn chương thơ phú, phải học để hiểu các môn nghệ thuật tinh tế…, và cố nhiên phải học phương pháp lãnh đạo, phương pháp dùng người, phương pháp loại người…. Muốn vậy thời gian đào tạo phải dài, khoảng 8 năm. Vào học lúc 17 tuổi và 25 tuổi tốt nghiệp là vừa. Số lượng sinh viên không cần nhiều, mỗi năm cho ra trường khoảng 100 người. Và tất nhiên điều cuối cùng là học phí sẽ cực đắt….
Tôi không có nhiều cái “nếu” như trên nên tôi không có tham vọng mở một trường Đại học như thế. Tôi chỉ mong rằng có ai đó hoặc một nhóm nào đó làm được điều đó và làm thành công. Thế thì tuyệt vời biết bao, thậm chí trên cả tuyệt vời!
PV: Tại sao ông lại lựa chọn trường đào tạo lãnh đạo mà không đào tạo doanh nhân như ông Giản Tư Trung đã và đang làm?
VNC: Trường đào tạo doanh nhân cũng rất cần, nhưng những doanh nhân thành đạt chỉ làm cho gia đình họ hay công ty của họ giầu có lên mà thôi. Còn những nhà lãnh đạo xuất sắc thì có phạm vi ảnh hưởng là rộng rãi hơn nhiều. Một ông Chủ tịch tỉnh xuất sắc thì cả mấy triệu người dân trong tỉnh đều được lợi, một ông Bộ trưởng Giáo dục tài năng thì nền giáo dục đất nước sẽ đi lên và đất nước đó có thể “hóa rồng”…
PV: Ông chỉ nhận đào tạo riêng cho Nghệ An hay cả nước?
VNC: Chao ôi, anh cứ làm như tôi sẽ mở cái trường như thế thật. Đó là điều tôi mơ ước mà thôi. Tuy trường mở Nghệ An nhưng ai cũng có quyền học, ta không nên địa phương cục bộ. Dân Nghệ chúng ta có lắm người tài giỏi, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo tầm cỡ. Nếu được đào tạo một cách bài bản thì các nhã lãnh đạo như thế sẽ nhiều hơn và tốt hơn. 
PV: Từ thủ đô Hà Nội, ông nhìn về quê bằng cách nào? Cảm về quê như thế nào?
VNC: Bằng cách theo dõi tình hình qua báo chí, truyền thông, qua thông tin của bạn bè, người thân, và qua những chuyến về quê để quan sát trực tiếp. Cảm giác chung là dân Nghệ của ta vẫn còn khổ, đặc biệt là nông dân, có khá hơn trước nhưng vẫn còn khổ...
PV: Trở lại câu chuyện giáo dục, lâu nay chúng ta vẫn nói Nghệ An, hay là xứ Nghệ, là đất học. Ông có bao giờ so truyền thống này với tứ trấn quanh Thăng Long? Có cái gì, đặc điểm gì khác không trong cái cách học, trong truyền thống học tập của người xứ ta với xứ người?
VNC: Nói đến đất học thì còn nhiều nơi chứ không chỉ có xứ Nghệ. Còn có thể kể đến các đất học khác như Nam Định, Kinh Bắc, Phong Vân, Hưng Yên… Truyền thống học tập của xứ Nghệ là “học gạo”, có nghĩa là học để kiếm cơm, kiếm gạo, để có thể thoát đói giảm nghèo. Ngày xưa, thời phong kiến, học để thi cho đỗ, để làm quan, cùng lắm nếu không đỗ đạt cao thì làm ông thầy đồ. Xứ Nghệ ta lắm thầy đồ và do đó thường được gọi là Đồ Nghệ, không thấy có tên Đồ Thanh, Đồ Nam, Đồ Huế…Cố nhiên cách học đó đã lạc hậu, ngày nay các kiểu học vẹt, học thuộc lòng, học tủ, học nhồi, học nhét… đang bị lên án gay gắt. Bây giờ phải học một cách thông minh hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn, thực tế hơn và có hiệu quả hơn.
PV: Ông có cảm giác như thế nào khi về dự lễ kỷ niệm 50 năm Đại học Sư phạm Vinh khi mà trường không còn tên cũ, khi mà bên cạnh khoa toán của các ông năm xưa lại có thêm các ngành mới xa lạ với trường sư phạm?
VNC: Hôm đó tôi về dự lễ kỉ niêm 50 năm trường ĐHSP Vinh chứ không phải ĐH Vinh. Cũng không thấy hụt hẫng gì lắm. Chỉ băn khoăn là nhiều trường ĐHSP không bị “đa ngành hóa” như ĐHSP Vinh, ví dụ ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Huế, ĐHSP TPHCM,… Có lẽ là do một đặc thù nào đó của thành phố Vinh, hoặc là do ngẫu hứng của một nhà lãnh đạo nào đó… 
PV: Tôi may mắn được có mặt cùng ông trong một lần đi dạo phố đêm ở thành Nghệ An (Vinh) trong dịp đó. Hôm đó rất đông các thế hệ sinh viên, nhất là các bạn trẻ mới vào trường đã đến chúc mừng ông với lòng ngưỡng mộ chân thành. Họ không được học ông, họ và ông gần như là người xa lạ, vậy phẩm chất nào của ông đã hấp dẫn họ? Một nhà giáo hay một trí thức, một nhà sư phạm hay một nhà hoạt động văn hoá, và xã hội?
VNC: Tôi làm việc ở trường ĐHSP Vinh từ những ngày đầu tiên (năm 1959) khi trường mới thành lập, khi tôi mới 22 tuổi, và sau đó 15 năm (năm 1974) tôi mới ra Hà Nội. Trường ĐHSP Vinh là nơi tôi có rất nhiều kỉ niệm đẹp đẽ và là nơi chắp cánh cho tôi trưởng thành. Mỗi lần về thăm trường tôi rất xúc động khi được các bạn sinh viên đón tiếp nồng nhiệt, rất vui tuy rằng cũng mệt vì phải kí tên lưu niệm và chụp ảnh chung đến hàng tiếng đồng hồ. Tôi cũng không rõ lắm vì sao tôi được hâm mộ như thế. Có lẽ là do các giai thoại về tôi, do những bài thơ “gàn” của tôi cứ được kể lại, đọc lại năm này qua năm khác, cũng có thể vì bộ râu khác thường của tôi nữa. Cố nhiên cũng vì truyền thống tôn sư trọng đạo của dân ta. Giảng dạy 15 năm ở Vinh, tôi có rất nhiều học trò, sau khi tốt nghiệp họ đều trở thành giáo viên Toán của các trường trung học ở Nghệ Tĩnh, và sinh viên ĐH Vinh phần lớn là học trò của họ. Nhiều em sinh viên nói với tôi: "Thầy giáo dạy em là học trò của thầy, và thầy giáo em hay kể chuyện về thầy lắm”. 
PV: Với tư cách một nhà sư phạm, một trí thức, ông sẽ nói với các bạn sinh viên của trường đại học (sư phạm) Vinh những điều gì?
VNC: Trước đây khi còn ở ĐHSP Vinh, tôi thường nói với sinh viên của tôi, những nhà giáo tương lai, như thế này: Mỗi nghề đều có một đối tượng mà mình tiếp xúc hàng ngày để làm việc. Đối tượng của bác sĩ là bệnh nhân, của bác sĩ thú y là bò, dê, heo, ngựa…, của kĩ sư hải sản là tôm tép, cá mú…, của kĩ sư xây dựng là gạch đá vôi vữa…., của nhà thiên văn là những ngôi sao xa xăm, của nhà toán học là những phương trình khô khan…. Còn của chúng ta, những thầy cô giáo, là những thanh thiếu niên đang ở độ tuổi đẹp như trăng rằm. Có gì vui hơn thế trong nghề nghiệp của chúng ta? Có gì quan trọng hơn thế trong nghề nghiệp chúng ta?
 Cuối cùng là một lời khuyên, đúng hơn là một lời tâm sự, với các nhà giáo: Hãy làm việc và cư xử sao cho ta không cảm thấy ngượng ngùng khi có người gọi ta bằng THầY! 
PV: Chân thành cảm ơn ông. Kính chúc ông vui, khỏe để cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục nước nhà!
              Phan Văn Thắng (thực hiện)


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528495

Hôm nay

2151

Hôm qua

2291

Tuần này

2768

Tháng này

215191

Tháng qua

0

Tất cả

114528495