Nhìn ra thế giới

Thế giới do Mỹ tạo ra (Kỳ 3)

THẾ GIỚI MÀ MỸ TẠO RA

MỈA MAI LÀ, sự pha trộn lạ kỳ của các tính chất, mà những người Mỹ biểu lộ, không phải tất cả chúng là đáng khâm phục, không phải tất cả chúng là cao thượng, và không phải tất cả chúng là các nét hiển nhiên của khả năng lãnh đạo, đã lại là một loại tài sản kỳ lạ đối với chính sách đối ngoại Mỹ.

 Bởi vì trong khi đúng rằng Hoa Kỳ đã là một tác nhân hùng mạnh, dẫu không thể tiên đoán được và thường không cố ý, của sự thay đổi trên thế giới, tính nước đôi của người dân Mỹ cũng như sự thiếu tự giác của họ, một cách nghịch lý lại khiến cho sức mạnh kinh hoàng của họ ít đe dọa hơn như nó có thể. Những người Mỹ sẽ đáng sợ hơn nếu giả như họ đã có một kế hoạch. Sự rất phân tâm của họ, sự ao ước rõ rệt của họ để giữ bản thân họ xa khỏi thế giới mà dẫu họ định hình nó với sức mạnh của mình, khiến họ trở thành một đồng minh thường gây thất vọng, một kẻ địch gây nhầm lẫn, nhưng cũng trở thành một kẻ bá chủ ít áp đặt hơn, ít gây hoảng sợ hơn.

Các tính chất này đã tỏ ra là không thể thiếu được hơm sáu thập kỷ trước khi Hoa Kỳ đặt nền móng chính cho trật tự thế giới tự do của ngày nay bằng việc thắt chặt sự liên minh kinh tế và chiến lược của nó với Châu Âu. Bây giờ khi Châu Âu được cho là passé (quá khứ) và chúng ta đã bước vào “Thế kỷ Á châu”, dễ để quên rằng thế giới mà chúng ta biết hôm nay – trật tự chính trị, kinh tế, và chiến lược mà trong đó bản thân Châu Á thịnh vượng – đã được sinh ra trên đống tro tàn của Châu Âu sau Chiến tranh Thế giới II. Và nó đã được sinh ra chỉ bởi vì Hoa Kỳ đã cung cấp một lời giải mới cho vấn đề không thể giải nổi của Châu Âu.

Sau giữa thế kỷ mười chín, các cường quốc Âu châu đã rơi vào một hội chứng bi thảm, mà từ đó họ đã không có khả năng tự giải thoát mình. Đã có quá nhiều cường quốc hùng mạnh và tham vọng ở quá gần nhau để có thể cung cấp cho bất kỳ nước nào trong số đó một mức độ an ninh. Sự cân bằng quyền lực Âu châu đã hoạt động trong những quãng thời gian, nhưng nó cũng đã thất bại một cách định kỳ và thảm hại. Giữa 1850 và 1945, Pháp và Đức (hay Phổ trong thí dụ đầu tiên) đã lao vào chiến tranh ba lần – năm 1870, 1914 và 1940. Nga và Đức đã lâm chiến hai lần. Anh và Pháp đã cùng nhau đánh Nga một lần. Giữa các cuộc chiến tranh lớn này đã có nhiều cuộc chiến tranh gần khi căng thẳng gia tăng, đặc biệt ở vùng Balkan nhưng cũng trong cả việc phân chia lợi lộc thuộc địa ở Châu Phi và Đông Á. Ngay cả khi cân bằng quyền lực Âu châu đã thành công gìn giữ hòa bình, đã là thông qua sự đe dọa liên tục của chiến tranh, sự điều chuyển các hạm đội đến các vùng nước tranh chấp, sự đe dọa động viên các lực lượng trên mặt đất trong các cuộc khủng hoảng. Châu Âu đã trở thành bãi chiến trường của sự tranh đua địa chính trị giữa các cường quốc lớn được trang bị vũ trang mạnh, không có cách nào để chấm dứt chu trình không an toàn. Tất cả những điều này đã xảy ra bất chấp một nền văn hóa và nền văn minh Âu châu chung, một nền kinh tế Âu châu ngày càng hội nhập và lệ thuộc lẫn nhau, và các quan hệ huyết thống giữa một số gia tộc cai trị.

Hoa Kỳ bước vào, một cách miễn cưỡng. Thậm chí sau Chiến tranh Thế giới II, hầu hết những người Mỹ đã chẳng bao giờ có ý định trở thành một cường quốc toàn cầu. Duy trì hòa bình thế giới, hầu hết được tưởng tượng một cách mơ hồ, bằng cách nào đó sẽ là công việc của Liên Hợp Quốc. Khi chiến tranh chấm dứt, chính quyền Truman đã toan tính rút lui qua đại dương, mau chóng giải ngũ các lực lượng vũ trang, cắt giảm ngân sách quốc phòng, và thiết lập Châu Âu như một “lực lượng thứ ba” độc lập, có khả năng tự nó đương đầu với Liên Xô. Đó đã chính là mục đích ban đầu của Kế hoạch Marshall và các nỗ lực khác nhằm khích lệ niềm tin đã bị tan vỡ của Châu Âu, xây dựng lại nền kinh tế đã bị tàn phá của họ, và biến các kẻ thù một thời thành một thực thể Âu châu thống nhất. Tuy vậy, những người Âu châu đã không quan tâm đến việc trở thành một lực lượng thứ ba, và, như đã mau chóng trở nên rõ ràng, họ cũng chẳng có khả năng tự mình làm việc đó. Họ đã muốn “quân Mỹ” đóng “giữa họ và Hồng Quân” và để kìm hãm một nước Đức hồi sinh.10 Liên minh NATO đã thực sự là một ý tưởng của Châu Âu hơn là ý tưởng của Mỹ, “một lời mời làm đế quốc,” mà những người Mỹ đã miễn cưỡng chấp nhận chỉ khi đã trở nên rõ ràng là kế hoạch ban đầu của họ là vô vọng.11

George Kennan đã phản đối ý tưởng về NATO hay bất cứ sự hiện diện Mỹ mở rộng nào ở Châu Âu. Ông đã sợ những người Mỹ “không phù hợp, hoặc về mặt thể chế, hay về mặt tính khí, để trở thành một cường quốc đế quốc theo cách cao quý”, và ông ưa thích hơn để tước bỏ “bản thân chúng ta dần dần khỏi trách nhiệm cơ bản đối với an ninh của Tây Âu”.12 Thế mà chính xác là những sự hạn chế và sự lưỡng lự ấy của những người Mỹ đã là cái khiến cho họ trở thành một nhà lãnh đạo hấp dẫn đến vậy của “đế chế” xuyên đại tây dương. Với phiên bản đế chế Soviet nắm giữ ở Phương Đông, thì cường quốc lớn ngang qua đại dương, xa cả về mặt địa lý lẫn về mặt xúc cảm, tỏ ra đối với những người Âu châu như là dues ex machine (cỗ máy thần kỳ) hoàn hảo để giải quyết nan đề của họ. Hoa Kỳ đủ xa về mặt địa lý để là một bá chủ ít đe dọa hơn, và không có kẻ thù nào trên các đường biên giới riêng của nó, nó đủ an toàn trong nước để duy trì số đông lực lượng vũ trang đóng thường trực ở xa hàng ngàn dặm. Cũng đã có ích rằng Mỹ là một nền dân chủ, không chỉ bởi vì những người Mỹ chia sẻ các giá trị chung với những người Anh và Pháp, mà cũng bởi vì, như sử gia John Lewis Gaddis đã lưu ý, phong cách làm việc của họ với các đồng minh đã có một chất lượng dân chủ mà cho phép các cường quốc yếu hơn một sự tự trị rất không đế quốc.13

Hoa Kỳ đã đóng một vai trò cốt yếu tương tự ở Đông Á sau Chiến tranh Thế giới II. Cả ở đó nữa, chiến tranh quy mô lớn giữa các cường quốc lân bang đã trở nên thường xuyên vào cuối thế kỷ mười chín. Nhật và Trung Quốc đã đánh nhau nhiều lần giữa 1895 và 1945, với sự tổn thất hàng chục triệu sinh mạng, hầu hết là người Trung Quốc. Nhật và Nga đã đánh nhau hai lần. Triều Tiên được dùng như bãi chiến trường cho nhiều cuộc xung đột, và tất nhiên nội chiến ở Triều Tiên đã lôi cuốn Hoa Kỳ và Trung Quốc vào. Việc Hoa Kỳ đảm nhận vai trò an ninh thường trực trong vùng đã không chấm dứt được chiến tranh – bản thân Hoa Kỳ đã tham gia cả chiến tranh Triều Tiên lẫn chiến tranh Việt Nam – nhưng nó đã chấm dứt một chu trình chiến tranh giữa các cường quốc lớn của khu vực. Quan hệ an ninh mật thiết của Mỹ với Nhật Bản đã phản chiếu vai trò mà Mỹ đóng tại Đức. Cường quốc hung hăng nhất khu vực bị đặt ra ngoài công việc xâm lược, năng lực khổng lồ của người dân của nó, thay vào đó, được hướng vào tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ, và thương mại thế giới.

Thật đáng suy ngẫm về những vấn đề địa chính trị lớn này mà Hoa Kỳ đã giải quyết sau 1945, vì giả như họ đã không giải quyết, thì ngày nay thế giới sẽ nhìn hoàn toàn khác đi. Các mối quan hệ chiến lược mà người Mỹ tạo ra ở Châu Âu và Châu Á đã trở thành các cột trụ của trật tự thế giới tự do trong Chiến tranh Lạnh, các động cơ của nền kinh tế thế giới, và sự đảm bảo chủ yếu chống lại các cuộc chiến tranh thế giới và các xung đột giữa các cường quốc lớn mà đã gây tai họa cho thế giới trong một thế kỷ. Theo thời gian trật tự khai phóng tự kiềm chế được xây dựng xung quanh sự lãnh đạo của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh đã tỏ ra quá mạnh, về mặt kinh tế, quân sự và chính trị, đối với đối thủ cạnh tranh chính của nó, Liên Xô, và các nỗ lực riêng của Liên Xô để thiết lập trật tự cộng sản toàn cầu. Trật tự Mỹ đã trở thành trật tự thế giới áp đảo. Các nước chư hầu trước đây của Moscow đã háo hức gia nhập “Phương Tây”, khiến cho việc nở rộ của trật tự thế giới tự do mà chúng ta hưởng ngày nay là có thể.

 

ĐÃ CHẲNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI về diễn biến rẽ ngoặt này của các sự kiện. Không mệnh trời thần thánh hay mục đích luận tiến bộ nào, không phép biện chứng Hegelian mở ra nào đã đòi hỏi rằng chủ nghĩa khai phóng (tự do–liberalism) chiến thắng sau Chiến tranh Thế giới II. Những người sống trong thế giới đáng chú ý này thường giả thiết rằng cả sự bùng nổ toàn cầu của dân chủ và trật tự kinh tế tự do của thương mại tự do và các thị trường tự do, mà đã mang lại sự thịnh vượng trong hơn sáu mươi năm vừa qua này, đã đơn giản là một giai đoạn tự nhiên trong sự tiến bộ hướng lên của loài người. Chúng ta thích tin rằng chiến thắng của dân chủ là chiến thắng của một tư tưởng và chiến thắng của chủ nghĩa tư bản thị trường là chiến thắng của một hệ thống tốt hơn, và cả hai là không thể đảo ngược được.

Đó là một ý nghĩ dễ chịu, nhưng lịch sử cho biết một câu chuyện khác. Tiến bộ dân chủ và kinh tế tự do đã bị và có thể bị đảo ngược và bỏ dở. Các nền dân chủ cổ ở Hy Lạp và các nền cộng hòa ở Rome và Venice tất cả đã sụp đổ bởi các lực lượng hùng mạnh hơn hoặc thông qua sự tự sụp đổ của chúng. Trật tự kinh tế tự do đang tiến hóa của cuối thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi đã sụp đổ trong các năm 1920 và 1930. Tư tưởng hay hơn không nhất thiết thắng chỉ bởi vì nó là tư tưởng hay hơn. Nó đòi hỏi các cường quốc bênh vực nó.

Hãy xem xét những thăng trầm của dân chủ chỉ trong hai thế kỷ qua. Từ thời gian cách mạng Mỹ đến gần cuối thế kỷ mười chín, đã chẳng bao giờ có nhiều hơn năm nước trên thế giới mà đã có thể gọi là các nền dân chủ. Cơn gió ngắn của các cuộc cách mạng khai phóng và lập hiến ở Châu Âu năm 1848 đã bị dập tắt. Nhưng trong cuối thế kỷ mười chín đã có một sự tăng tiến. Vào năm 1900 đã có một tá nền dân chủ trên thế giới, một sự tăng trưởng gây kinh ngạc đến mức những người đương thời đã tin rằng một cuộc cách mạng dân chủ sắp quét ngang hành tinh. Rồi Chiến tranh Thế giới I và chiến thắng của Vương quốc Anh, Pháp và Hoa Kỳ đã đến. Các chính phủ dân chủ nhú lên khắp Châu Âu, ở các cường quốc bị đánh bại là Đức, Áo, và Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman, tại Phần Lan, Ba Lan và Hy Lạp, và rồi cả ở Mỹ Latin nữa. Vào năm 1920, với số các nền dân chủ đột ngột tăng gấp đôi, sử gia James Bryce, cùng với nhiều người khác, đã tự hỏi phải chăng “xu hướng tới dân chủ” này đã không là sự thăng giáng tạm thời mà là “một xu thế tự nhiên, do quy luật chung về tiến bộ xã hội”.14 Như nhà kinh tế học Anh J. A. Hobson muộn hơn đã nhớ lại, “dân chủ đã tiến bộ như vậy ở hầu hết các nước trên thế giới để được coi là mục tiêu tự nhiên của sự tiến hóa chính trị. Ngay cả những người không tin nó cũng tin nó là không thể tránh khỏi”.15

  Trong tiến trình của các năm 1920 và 1930, tuy vậy, xu hướng đã chuyển theo chiều hướng khác – “một làn song ngược”, như Samuel P. Huntington đã gọi nó. Nó bắt đầu với sự tiếp quản phát xít của Mussolini ở Ý năm 1922. Rồi các nền dân chủ mới sinh ở Lithuania, Ba Lan, Latvia, và Estonia sụp đổ. Sau đó đến sự nổi lên của Hitler và bọn Nazi ở Đức vào đầu các năm 1930 và sự tiếp quản bằng võ lực của chúng ở Áo và sau đó ở Czechoslovakia. Nền dân chủ Hy Lạp sụp đổ năm 1936, và nền dân chủ Tây Ban Nha rơi vào tay Franco và chế độ phát xít trong cùng năm đó. Các cuộc đảo chính quân sự đã lật đổ các chính phủ dân chủ ở Bồ Đào Nha, Brazil, Uruguay và Argentina. Nền dân chủ Nhật Bản trở thành façade (mặt tiền) cho sự cai trị quân sự trong các năm 1930. Ngang qua ba lục địa, các nền dân chủ mong manh đã nhường đường cho các lực lượng độc đoán khai thác những tính dễ tổn thương của hệ thống dân chủ, trong khi các nền dân chủ khác bị suy thoái kinh tế dày vò. Cũng đã có tác động lan tỏa – thành công của chủ nghĩa phát xít ở một nước đã tăng cường các phong trào tương tự ở nơi khác. Những kẻ phát xít ở Tây Ban Nha nhận được sự giúp đỡ quân sự từ các chế độ phát xít ở Đức và Ý. Vào năm 1939, trước Chiến tranh Thế giới II, số các nền dân chủ đã sụt xuống không nhiều hơn một tá. Tất cả những sự gia tăng dân chủ của bốn mươi năm trước đã bị quét sạch.

Giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới I đã cho thấy không chỉ rằng những sự gia tăng dân chủ có thể bị đảo ngược mà rằng dân chủ đã không luôn luôn thắng sự cạnh tranh của các tư tưởng. Đã không chỉ là, nền dân chủ bị lật đổ. Như Hobson đã nhận xét, chính tư tưởng dân chủ đã “mất tín nhiệm”.16 Hào quang về tính không thể tránh được của nó đã tiêu tan. Rất nhiều người đã không tin dân chủ là hình thức tốt hơn của chính phủ.

Các chính phủ phát xít trông mạnh hơn, năng động và hiệu quả hơn, và có khả năng hơn để làm yên lòng trong những thời kỳ hỗn loạn. Chúng cũng hấp dẫn mạnh với tình cảm dân tộc chủ nghĩa. Nhiều yếu điểm của nền dân chủ Weimar ở Đức và của các nền dân chủ mong manh và ngắn ngủi ở Ý và Tây Ban Nha đã khiến cho nhân dân họ dễ bị ảnh hưởng bởi những lời kêu gọi của Hitler, Mussolini, và Franco, hệt như sự yếu kém của nền dân chủ Nga trong các năm 1990 đã khiến cho chính phủ độc đoán hơn của Vladimir Putin hấp dẫn hơn đối với nhiều người Nga – chí ít trong một thời gian. Hóa ra là, những con người khao khát không chỉ quyền tự do, sự tự trị, quyền lợi cá nhân, và sự công nhận. Đặc biệt trong những thời kỳ khó khăn, họ cũng khát khao sự an toàn, trật tự, và một ý thức thuộc về cái gì đó lớn hơn bản thân họ, cái gì đó áp đảo sự tự trị và quyền lợi cá nhân – mà các chế độ chuyên quyền thường làm tốt hơn các nền dân chủ. Người ta thường cũng hay theo những kẻ thắng. Trong các năm 1920 và 1930 các nước tư bản chủ nghĩa dân chủ trông yếu khi so sánh với các chế độ phát xít bề ngoài mạnh mẽ hay với Liên Xô của Stalin.

Đã cần đến một cuộc chiến tranh khác và một chiến thắng khác của các nền dân chủ đồng minh (và Liên Xô) đối với các chính phủ phát xít để đảo ngược xu hướng một lần nữa. Hoa Kỳ đã áp đặt nền dân chủ thông qua võ lực và sự chiếm đóng dài ở Tây Đức, Ý, Nhật Bản, Áo, và Nam Triều Tiên. Với thắng lợi của các nền dân chủ, và sự mất uy tín của chủ nghĩa phát xít, nhiều nước khác đã làm theo. Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cả hai đã chuyển theo hướng dân chủ, cũng như Brazil, Argentina, Peru, Ecuador, Venezuela, và Colombia. Một số quốc gia mới sinh, khi Châu Âu bỏ các thuộc địa của mình, cũng đã thử với chính phủ dân chủ, thí dụ nổi bật nhất là Ấn Độ. Vào năm 1950 số các nền dân chủ đã tăng lên giữa hai mươi lăm và ba mươi, đại diện cho gần 40 phần trăm dân số thế giới.

Đấy đã là chiến thắng của một tư tưởng hay chiến thắng của vũ khí, đã là sản phẩm của một sự tiến hóa con người không thể tránh khỏi hay, như Huntington đã nhận xét muộn hơn, là sản phẩm của “các sự kiện rời rạc về mặt lịch sử”?17 Bằng chứng gợi ý cái sau, vì hóa ra là, ngay cả làn sóng lớn về dân chủ sau Chiến tranh Thế giới II cũng đã không phải là không thể đảo ngược được. Một “làn sóng ngược” khác đã tràn từ cuối các năm 1950 qua đầu các năm 1970. Peru, Brazil, Argentina, Bolivia, Chile, Uruguay, Ecuador, Nam Triều Tiên, Philippines, Đài Loan, Pakistan, Indonesia, và Hy Lạp tất cả đã quay lại dưới sự cai trị độc đoán. Ở Châu Phi, Nigeria đã là trường hợp nổi bật nhất giữa các quốc gia mới được phi thực dân hóa nơi dân chủ đã thất bại. Vào năm 1975, hơn ba tá chính phủ quanh thế giới đã do đảo chính quân sự dựng lên.18

   Vả lại, làn sóng ngược này đã xảy ra trong một thời kỳ tăng trưởng đáng kể về GDP toàn cầu. Làn sóng lớn nhất trong nền kinh tế toàn cầu xảy ra giữa 1950 và 1975, và nó chậm đi đáng kể sau đó. Như thế trong khi nhiều nước hơn đã chuyển vào pha phát triển kinh tế mà các nhà chính trị học coi là thuận lợi nhất cho dân chủ, thì số của các nền dân chủ trên thế giới lại thực sự giảm. Ít người nói về tính không thể tránh được của dân chủ trong các năm 1970 hay thậm chí vào đầu các năm 1980. Muộn đến 1984, chính Huntington tin là đã đạt “các giới hạn của sự phát triển dân chủ trên thế giới”. Ông lưu ý đến “tính không dễ tiếp thu dân chủ của nhiều truyền thống văn hóa lớn” cũng như “sức mạnh đáng kể của các chính phủ phản dân chủ (nhất là Liên Xô)” như sự đóng góp cho tương lai mờ mịt của dân chủ.19

Thế nhưng sau đó, “làn sóng thứ ba” đến một cách bất ngờ. Từ cuối các năm 1970 đến đầu các năm 1990, số các nền dân chủ trên thế giới đã tăng lên một cách đáng ngạc nhiên 120, đại diện cho hơn nửa dân số thế giới. Và rất có thể là, Mùa Xuân Arab mà chúng ta đang chứng kiến là một sự tiếp tục của làn sóng thứ ba này, hay có lẽ thậm chí là một làn sóng thứ tư. Sự bùng nổ dân chủ bây giờ sắp bước vào thập niên thứ năm, sự mở rộng dài nhất và rộng nhất như vậy trong lịch sử. Tuy đã có sự tụt lui ở vài phần của Mỹ Latin và Liên Xô trước đây, nhưng còn phải chứng kiến một làn sóng đảo ngược.

Cái gì giải thích cho thành công kéo dài của sự dân chủ hóa trong phần tư cuối của thế kỷ thứ hai mươi? Đó không thể chỉ là sự tăng lên đều đặn của nền kinh tế toàn cầu và sự khát khao chung về tự do, tự trị, và sự thừa nhận. Đấy đã là những thành phần thiết yếu, nhưng chúng là không đủ. Hẳn là, những con người luôn luôn có một sự khát khao bẩm sinh về sự tự trị và sự thừa nhận, khi những ao ước này không bị các mối lo lắng khác và sự khát khao khác áp đảo. Và tăng trưởng kinh tế giữa 1950 và 1973 đã thậm chí lớn hơn các năm sau đó. Thế mà các sự khao khát của con người đã không và tăng trưởng kinh tế cũng đã chẳng ngăn cản một sự đảo chiều của xu hướng dân chủ trong các năm 1960 và đầu các năm 1970. Cho đến làn sóng thứ ba, nhiều quốc gia trên khắp thế giới đã nghiêng ngả tới và lui giữa nền dân chủ và chủ nghĩa độc đoán, theo cách có chu kỳ và hầu như có thể tiên đoán được. Điểm đáng chú ý về làn sóng thứ ba là, sự luân chuyển mang tính chu kỳ này giữa nền dân chủ và chế độ chuyên quyền đã bị gián đoạn. Các quốc gia đã chuyển vào một pha dân chủ, và đã ở lại đó. Nhưng vì sao?

Câu trả lời liên quan đến cấu hình của quyền lực và các tư tưởng trên thế giới. Bầu không khí quốc tế từ giữa các năm 1970 trở đi đã đơn giản thân thiện với các nền dân chủ hơn và thách thức đối với các chính phủ chuyên quyền hơn các thời kỳ quá khứ. Trong nghiên cứu của mình, Huntington đã nhắc đến các nhân tố như sự thay đổi trong giáo lý của Giáo Hội Công Giáo liên quan đến trật tự và cách mạng trong Công Đồng Vatican Thứ Hai (Second Vatican Council), Vatican II, mà đã có khuynh hướng làm yếu tính hợp pháp của các chính phủ chuyên quyền trong các nước Công giáo. Trong lúc đó, thành công và tính hấp dẫn ngày càng tăng của Cộng Đồng Châu Âu (EC) đã có ảnh hưởng lên chính sách đối nội của các quốc gia như Bồ Đào Nha, Hy Lạp, và Tây Ban Nha, những nước tìm kiếm lợi ích kinh tế từ tư cách thành viên trong EC và vì thế cảm thấy áp lực để tuân theo các tiêu chuẩn dân chủ của EC. Các tiêu chuẩn này ngày càng trở thành tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng chúng đã không xuất hiện từ không đâu, hay như sự tiến hóa tự nhiên của các loài. Như Huntington lưu ý, “Tính tỏa khắp của các tiêu chuẩn dân chủ đã dựa phần lớn vào sự cam kết đối với các tiêu chuẩn đó của nước hùng mạnh nhất trên thế giới”.20

Quả thực, Hoa Kỳ đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc khiến cho sự bùng nổ dân chủ là có thể. Điều này đã xảy ra không phải bởi vì những người Mỹ đã theo đuổi một chính sách nhất quán để thúc đẩy dân chủ trên khắp thế giới. Họ đã không có [chính sách như vậy]. Tại những thời kỳ khác nhau suốt Chiến tranh Lạnh, chính sách của Mỹ thường đã ủng hộ các chế độ độc tài như một phần của cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản, hay đơn giản vì sự dửng dưng. Nó thậm chí đã chấp thuận và đôi khi đã cổ vũ việc lật đổ các chế độ dân chủ được cho là không tin cậy – Mossadegh ở Iran năm 1953, Árbenz ở Guatemala năm 1954, và Allende ở Chile năm 1973. Đôi khi chính sách đối ngoại Mỹ đã hầu như thù địch với dân chủ. Richard Nixon đã coi nó là “không nhất thiết là hình thức tốt nhất của chính phủ cho các dân tộc ở Châu Á, Châu Phi, và Châu Mỹ Latin”.21

Khi Hoa Kỳ đã có ủng hộ dân chủ, thì nó cũng chẳng chỉ thuần túy từ lòng trung thành với nguyên lý. Thường đã là vì các lý do chiến lược. Các quan chức của chính quyền Reagan đã đi đến tin rằng các chính thể dân chủ có thể thực sự tốt hơn các nền chuyên chế, thí dụ, trong né tránh các cuộc nổi dậy cộng sản. Và thường chính là phản ứng đối với các đòi hỏi của dân chúng địa phương là cái đã buộc Hoa Kỳ phải đưa ra một lựa chọn, mà khác đi nó thích không lựa chọn gì cả, giữa ủng hộ một chế độ độc tài không được lòng dân, có lẽ đang nao núng và “đi theo phía nhân dân”. Ronald Reagan có lẽ đã thích ủng hộ chế độ độc tài của Ferdinand Marcos trong các năm 1980 hơn, giả như ông ta đã không phải đối mặt với “sức mạnh nhân dân” Filipino. Trong chỉ vài trường hợp – như sự xâm chiếm Panama năm 1989 của Goerge H. W. Bush, và sự can thiệp vào Haiti năm 1994 của Bill Clinton – Hoa Kỳ đã tìm kiếm sự thay đổi chế độ từ sự thành tâm với các nguyên lý dân chủ.

Tuy vậy, bắt đầu từ giữa các năm 1970, thiên hướng chung của Hoa Kỳ đã bắt đầu dịch chuyển theo cách nhìn phê phán hơn đối với chế độ độc tài. Quốc Hội Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi các nhà chủ trương nhân quyền, đã bắt đầu đặt điều kiện hay cắt viện trợ Mỹ cho các đồng minh độc đoán, mà đã có tác động làm yếu việc nắm giữ quyền lực của họ. Trong các Hòa ước Helsinki năm 1975, một sự dẫn chiếu đến các vấn đề quyền con người đã làm tăng sự chú ý lớn hơn đến sự nghiệp của các nhà bất đồng chính kiến và các đối thủ khác của chế độ độc tài trong khối Phương Đông. Tổng thống Jimmy Carter đã tập trung chú ý vào các thực hành quyền con người của Liên Xô cũng như vào các chính phủ cánh hữu ở Mỹ Latin và những nơi khác. Các hãng thông tin quốc tế Mỹ như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và Đài Châu Âu Tự Do/Đài Tự Do đã nhấn mạnh nhiều hơn đến dân chủ và nhân quyền trong chương trình của chúng. Chính quyền Reagan, sau việc thử đầu tiên để đẩy lùi chương trình nghị sự nhân quyền của Carter, cuối cùng lại đã theo nó và biến việc thúc đẩy dân chủ thành một phần của chính sách được tuyên bố của mình. Ngay cả trong thời kỳ này, chính sách của Mỹ còn xa mới nhất quán. Nhiều chế độ độc tài đồng minh, đặc biệt ở Trung Đông, đã không chỉ được dung thứ mà còn được ủng hộ tích cực bằng viện trợ kinh tế và quân sự Mỹ. Nhưng kết quả thuần của sự chuyển dịch chính sách Mỹ, cùng với các nỗ lực của Châu Âu, đã là đáng kể.

Làn sóng thứ ba bắt đầu ở Bồ Đào Nha năm 1974, nơi “Cách mạng Hoa cẩm chướng” đã chấm dứt chế độ độc tài dài nửa thế kỷ. Như chuyên gia dân chủ Larry Diamond lưu ý, cuộc cách mạng này đã không chỉ xảy ra. Hoa Kỳ và các nền dân chủ Âu châu đã đóng một vai trò then chốt, tiến hành “đầu tư mạnh… để ủng hộ các đảng dân chủ”.22 Hơn một thập kỷ rưỡi tiếp theo, Hoa Kỳ đã sử dụng các công cụ khác nhau, kể cả can thiệp quân sự trực tiếp, để trợ giúp những sự chuyển đổi dân chủ và ngăn chặn việc làm xói mòn các nền dân chủ mong manh đang tồn tại trên khắp thế giới. Carter đã đe dọa can thiệp quân sự vào Cộng hòa Dominic khi tổng thống nắm quyền đã lâu từ chối từ bỏ quyền lực. Việc Reagan xâm chiếm Grenada năm 1983 đã phục hồi chính phủ dân chủ sau một cuộc đảo chính quân sự. Năm 1986 tại Phillipine, Hoa Kỳ đã đe dọa hành động quân sự để ngăn chặn Marcos hủy bỏ bằng vũ lực một cuộc bầu cử mà ông ta đã thua. Việc Bush xâm chiếm Panama năm 1989 đã mang lại nền dân chủ sau khi nhà quân sự mạnh tay Manuel Noriega đã hủy bỏ các cuộc bầu cử ở quốc gia của ông ta. Suốt cả giai đoạn này, Hoa Kỳ cũng đã sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn các cuộc đảo chính quân sự ở Honduras, Bolivia, El Salvador, Peru, và Nam Triều Tiên. Ở các nơi khác nó thúc giục các tổng thống đừng kéo dài thời gian giữ chức quá các giới hạn hiến định. Nhìn chung Huntington đã ước lượng rằng trong tiến trình của khoảng một thập kỷ rưỡi, sự ủng hộ của Hoa Kỳ đã là “thiết yếu đối với sự dân chủ hóa ở Cộng hòa Dominic, Grenada, El Salvador, Guatemala, Honduras, Uruguay, Peru, Ecuador, Panama, và Philippine” và đã là “một nhân tố đóng góp cho dân chủ hóa ở Bồ Đào Nha, Chile, Ba Lan, Hàn Quốc, Bolivia, và Đài Loan”.23

Nhiều sự phát triển cả toàn cầu lẫn địa phương đã giúp tạo ra xu hướng dân chủ hóa của cuối các năm 1970 và các năm 1980, và đã có thể có một làn sóng dân chủ cho dù Hoa Kỳ đã không có ảnh hưởng đến vậy. Câu hỏi là, liệu làn sóng đã có lớn và kéo dài đến vậy hay không. Các vùng ổn định của dân chủ ở Châu Âu và Nhật Bản tỏ ra là các nam châm mạnh mẽ. Thị trường tự do khai phóng và hệ thống thương mại tự do ngày càng vượt qua các nền kinh tế trì trệ của khối cộng sản, đặc biệt vào buổi bình minh của cách mạng thông tin. Chủ nghĩa tích cực lớn hơn của Hoa Kỳ, cùng với các nền dân chủ thành công khác, đã giúp xây dựng một sự đồng thuận rộng rãi, nếu không phải là phổ quát, đồng tình hơn với các hình thức dân chủ của chính phủ và ít thân thiện với các chính phủ chuyên quyền.

Diamond và những người khác đã lưu ý, quan trọng đến thế nào rằng các “tiêu chuẩn dân chủ toàn cầu” này được “phản ánh trong các định chế và các thỏa ước khu vực và quốc tế như chưa từng bao giờ”.24 Các tiêu chuẩn đó đã có tác động lên các quá trình chính trị nội bộ của các nước, khiến cho trở nên khó hơn đối với những kẻ độc đoán để vượt qua các cơn bão chính trị và kinh tế và dễ hơn cho các phong trào dân chủ để nhận được tính chính đáng. Nhưng “các tiêu chuẩn” cũng tạm thời. Trong các năm 1930 các quốc gia định hình xu hướng là các chế độ độc tài phát xít. Trong các năm 1950 và 1960 các biến thể của chủ nghĩa xã hội đã thịnh hành. Nhưng từ các năm 1970 cho đến gần đây, Hoa Kỳ và vài cường quốc dân chủ khác xác định xu hướng thời trang. Họ thúc đẩy các nguyên lý dân chủ – một số người có thể nói chúng được áp đặt lên họ – và đã cấy chúng vào các định chế và thỏa ước quốc tế.

Cũng quan trọng ngang thế là vai trò mà Hoa Kỳ đã đóng trong ngăn chặn sự thụt lùi khỏi nền dân chủ nơi nó vừa mới bám rễ. Có lẽ sự đóng góp quan trọng nhất của Hoa Kỳ đã đơn giản là ngăn chặn các cuộc đảo chính quân sự chống lại các chính phủ dân chủ non nớt. Theo một nghĩa nào đấy, Hoa Kỳ đã can thiệp vào cái đã có thể là một chu kỳ tự nhiên, ngăn chặn các quốc gia, mà thông thường đã có thể “đáng” ở trong pha chuyên chế, để khỏi phải theo hình mẫu bình thường. Đã không phải là Hoa Kỳ xuất khẩu dân chủ sang mọi nơi. Thường xuyên hơn, nó đã đóng vai của người bắt bóng trong cánh đồng lúa mạch (the catcher in the rye*), ngăn cản các nền dân chủ non trẻ rơi xuống từ vách đá – ở những nơi như Phillippine, Columbia, và Panama. Điều này đã giúp cho làn sóng thứ ba một độ rộng và độ dài hiếm có.

Cuối cùng, đã là sự sụp đổ của Liên Xô và với nó là sự sụp đổ của các chính phủ cộng sản khắp Đông Âu và sự thiết lập các chế độ dân chủ. Hoa Kỳ đã đóng vai trò gì trong đẩy nhanh sự sụp đổ của hệ thống Soviet sẽ luôn luôn là chủ đề tranh cãi. Không nghi ngờ gì, nó đã đóng vai trò nào đó, cả trong kiềm chế đế chế Soviet về mặt quân sự lẫn trong vượt trội nó về mặt kinh tế và công nghệ. Sự quay lại nền dân chủ khắp Đông Âu trước hết cũng chẳng phải là việc làm của Mỹ. Nhân dân các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây đã khao khát từ lâu được giải phóng khỏi Liên Xô, mà cũng đã có nghĩa là giải phóng khỏi chủ nghĩa cộng sản. Họ đã muốn gia nhập vào phần còn lại của Châu Âu, phần chào mời mô hình kinh tế và xã hội thậm chí còn hấp dẫn hơn mô hình của Hoa Kỳ. Rằng họ đồng loạt chọn các hình thức dân chủ cho chính phủ, tuy vậy, đã không đơn giản là mong ước đối với tự do hay an nhàn sung túc. Nó cũng phản ánh mong muốn của các dân tộc Đông và Trung Âu để đặt bản thân họ dưới cái ô an ninh Mỹ. Các vấn đề chiến lược, kinh tế , chính trị, và ý thức hệ như thế đã không thể tách khỏi nhau. Các quốc gia muốn tham gia NATO, và muộn hơn Liên minh Âu Châu, đã biết rằng họ chẳng có cơ hội nào nếu không trương ra được giấy chứng nhận dân chủ. Những chuyển đổi dân chủ này, mà đã biến làn sóng thứ ba thành một sóng thần dân chủ, đã không nhất thiết xuất hiện giả như thế giới đã được cấu hình khác đi. Sự thật rằng một Tây Âu dân chủ, thống nhất, và thịnh vượng đã ở đó như một nam châm hút các láng giềng phương đông của nó, đã là do hành động của Mỹ sau Chiến tranh Thế giới II.

Cấu hình của quyền lực và các tư tưởng trong bất kể hệ thống quốc tế nào luôn luôn tác động đến hình thức chính phủ của các quốc gia bên trong hệ thống đó. Đối sánh số phận của các phong trào dân chủ vào cuối thế kỷ thứ hai mươi với số phận của các cuộc cách mạng tự do quét ngang Châu Âu năm 1848. Bắt đầu ở Pháp, Mùa Xuân của các Dân Tộc, như nó được biết đến với tên gọi ấy, đã bao gồm các nhà cải cách khai phóng và những người theo chủ nghĩa hợp hiến, các nhà dân tộc chủ nghĩa, và các đại diện của tầng lớp trung lưu đang lên, cũng như các công nhân cấp tiến và những người theo chủ nghĩa xã hội. Chỉ trong mấy tuần lễ họ đã lật đổ các ông vua và hoàng tử, đã làm lung lay các ngai vàng từ Đức và Ý, ở Pháp và Ba Lan, ở Áo và Hungary, và Rumani. Cuối cùng, tuy vậy, các phong trào tự do đã thất bại, một phần do thiếu sự cố kết, nhưng một phần bởi vì họ bị đè bẹp bằng vũ lực bởi các thế lực chuyên quyền. Quân đội Phổ đã giúp đánh bại các phong trào khai phóng ở các công quốc Đức. Sa hoàng đã lệnh cho quân của ông tiến vào Rumani và Hungary. Hàng chục ngàn người phản đối đã bị giết trên các đường phố Âu châu. Lưỡi kiếm đã mạnh hơn ngòi bút.

Đã quan trọng là, các cường quốc tự do hơn, Anh và Pháp, đã chấp nhận một tư thế trung lập suốt quá trình lên men tự do, cho dù cách mạng của riêng nước Pháp đã châm ngòi và gây cảm hứng cho phong trào toàn–Âu châu. Chế độ quân chủ và quý tộc Anh đã sợ chủ nghĩa cấp tiến ở trong nước. Cả Pháp và Anh đã quan tâm hơn đến việc duy trì hòa bình giữa các cường quốc lớn hơn là giúp đỡ cho các đồng chí theo chủ nghĩa tự do. Sự duy trì cân bằng Âu châu giữa năm cường quốc lớn đã có lợi cho các lực lượng phản cách mạng ở mọi nơi, và Mùa Xuân của các Dân Tộc đã bị đàn áp.25 Vì thế, trong nhiều thập kỷ các lực lượng phản động ở Châu Âu đã được tăng cường chống lại các lực lượng của chủ nghĩa khai phóng [tự do].

Các học giả đã suy đoán, Châu Âu và thế giới đã có thể tiến hóa khác đi thế nào nếu giả như các cuộc cách mạng 1848 đã thành công – đặc biệt, lịch sử Đức đã có thể diễn tiến khác đi thế nào nếu giả như sự thống nhất quốc gia đã đạt được dưới sự che chở của một hệ thống tự do, đại nghị hơn là bởi Bismarck, “Thủ tướng Thép”, người đã thống nhất quốc gia bằng chiến tranh sử dụng sức mạnh to lớn của quân đội Phổ bảo thủ dẫn đầu bởi triều đình Hohenzollern. Như sử gia A. J. P. Taylor đã nhận xét, lịch sử đã đến một điểm rẽ trong năm 1848, nhưng Đức “đã không rẽ”.26 Những người Đức đã có thể học được một bài học khác từ bài học mà Bismarck đã dạy, rằng “các vấn đề lớn của thời đại không được quyết định bởi các bài phát biểu và các quyết định đa số… mà bằng máu và sắt thép”?27 Thế nhưng hệ thống quốc tế của ngày đó đã không được cấu hình theo cách để cổ vũ cho sự thay đổi tự do và dân chủ. Cân bằng Âu châu về quyền lực trong thế kỷ mười chín đã không tỏ ra có lợi cho dân chủ, và như thế, không ngạc nhiên, dân chủ đã không thắng lợi, ở bất cứ đâu.28

 Chúng ta cũng có thể suy đoán, thế giới ngày nay đã có thể tiến hóa khác đi thế nào nếu không có vai trò của Hoa Kỳ trong định hình một môi trường quốc tế thuận lợi cho dân chủ, và nó có thể tiến hóa thế nào nếu giả như Hoa Kỳ không còn đủ mạnh để đóng vai trò đó. Những sự chuyển đổi dân chủ không phải là chắc chắn xảy ra, ngay cả ở nơi các điều kiện có thể đã chín muồi. Các quốc gia có thể dịch chuyển vào vùng quá độ – về mặt kinh tế, xã hội, và chính trị – nơi xác suất để chuyển theo hướng dân chủ tăng hay giảm. Nhưng những ảnh hưởng nước ngoài, thường bởi các cường quốc lớn thống trị, thường là các chất xúc tác quyết định sự thay đổi đi theo hướng nào. Các cường quốc chuyên quyền mạnh sẵn sàng ủng hộ các lực lượng bảo thủ chống lại các phong trào tự do có thể xóa bỏ cái mà khác đi đã có thể là một sự tiến hóa đến dân chủ, hệt như các quốc gia dân chủ hùng mạnh có thể giúp các lực lượng tự do mà, để tự chúng, có thể đã thất bại. Trong các năm 1980 như trong các năm 1848, các phong trào tự do đã nổi lên vì các lý do riêng của chúng ở các nước khác nhau, nhưng sự thành công hay thất bại của chúng đã bị ảnh hưởng bởi cân bằng quyền lực ở mức quốc tế. Trong thời đại Mỹ, cân bằng đã nói chung thuận lợi cho dân chủ, mà giúp giải thích vì sao các cuộc cách mạng tự do của thời đại muộn hơn đó đã thành công. Giả như Hoa Kỳ đã không hùng mạnh đến vậy, chắc đã có ít sự chuyển đổi hơn, và những cuộc đã xảy ra có thể đã không sống lâu. Nó đã có thể có nghĩa là một làn sóng thứ ba nông hơn và dễ đảo ngược hơn.28

Phản ứng của Hoa Kỳ đối với sự sôi sục mới đây trong thế giới Arab là một thí dụ tốt về những người Mỹ có thể ảnh hưởng ra sao lên xu hướng đến dân chủ ngay cả hoàn toàn không có kế hoạch hay ý định để làm vậy. Từ 2004 đến 2010, Hoa Kỳ đã tăng vừa phải áp lực lên các nhà nước Arab để tiến hành các cải cách chính trị ôn hòa, mặc dù nỗ lực đã là yếu ớt và thất thường. Khi một người bán hàng rong Tunisian tự thiêu và đã châm ngòi cho phong trào rộng khắp vùng, tuy vậy, trong vòng mấy tuần Hoa Kỳ thấy mình rút sự ủng hộ các đồng minh lâu đời như Hosni Mubarak của Ai Cập, và sau đó, trong một hành động bốc đồng về chủ nghĩa nhân đạo, đã sử dụng vũ lực để ngăn chặn Qaddafi khỏi việc tàn sát những người Liby ở Benghazi. Hoa Kỳ đã không bắt tay để quyết tâm đẩy các nhà độc tài này khỏi chức vụ, nhưng trong cả hai trường hợp đã cảm thấy buộc phải đứng về phía nhân dân đang la hét đòi cách chức họ. Một khi các quyết định bất ngờ này được đưa ra, quyền lực Mỹ trở thành một nhân tố quyết định định hình môi trường khu vực và quốc tế mà trong đó sự rối loạn chính trị Arab diễn ra. Ở Libya, Pháp và Anh đã dẫn đầu, nhưng chẳng nước nào đã có thể lôi kéo sự ủng hộ quốc tế hoặc đã dùng vũ lực một cách hiệu quả mà không có Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã làm ít hơn nhiều mức nó đã có thể, nhưng cái nó đã làm là cái tạo ra toàn bộ sự khác biệt. Giả như Hoa Kỳ đã yếu hơn, có ảnh hưởng trong hệ thống quốc tế không lớn hơn Nga và Trung Quốc, thì không chắc là các nhà độc tài trong khu vực đã phải đối mặt nhiều áp lực đến vậy và buộc phải nhường đường hay bị lật đổ.

Mỉa mai, nhưng không phải không bình thường, rằng những người Mỹ, đã giúp lật đổ các nhà độc tài ở Trung Đông, là không chắc chắn họ cảm thấy ra sao về cái gì sẽ tiếp theo. Thắng lợi không thể tránh khỏi của các đảng Islamist ở vài nhà nước Arab có lẽ sẽ đưa các chính phủ lên nắm quyền mà sẽ ít phù hợp hơn với một số lợi ích của Mỹ so với các chế độ độc tài trước kia. Đó không phải là lần đầu tiên. Hoa Kỳ đã giúp lật đổ Marcos ở Phillippine chỉ để có chính phủ dân chủ hậu–Marcos đuổi Hoa Kỳ khỏi các căn cứ không quân và hải quân Filipino. Ở châu Mỹ Latin, Châu Á, và những nơi khác, các nền dân chủ đã thường tỏ ra là các đồng minh ít tin cậy hơn trong một số khía cạnh so với các chế độ độc tài mà chúng thay thế. Các chế độ độc tài mà Mỹ lật đổ cũng đã chẳng luôn luôn được thay bằng các nền dân chủ. Hoa Kỳ đã rút lại sự ủng hộ đối với Sah của Iran năm 1979 chỉ để thấy một nền chính trị thần quyền Islamic, phi dân chủ, chống Mỹ một cách độc địa thế chỗ của ông – một sự cố mà nhiều người lo có thể lặp lại trong sự rối loạn hiện thời ở Trung Đông.

Sự lan truyền rộng của các chính phủ dân chủ, tuy nhiên, đã là một thuộc tính cốt yếu của trật tự thế giới Mỹ. Dù phải hy sinh các lợi ích cụ thể, thì việc đạt được các lợi ích rộng hơn của Mỹ trong một thế giới hòa bình hơn và một hệ thống kinh tế mở hơn đã bù lại. Có thể chứng minh được là thật, rằng các nền dân chủ hiếm khi tiến hành chiến tranh với các nền dân chủ khác và rằng các chế độ tự do về chính trị có nhiều khả năng hơn để ủng hộ các hệ thống kinh tế tự do. Thông thường lợi ích lâu dài của Mỹ trong trật tự thế giới tự do vượt quá các lợi ích khác, hẹp hơn và tạm thời. Hoa Kỳ có thể mất một đồng minh Ai Cập nhưng vẫn có được một trật tự thế giới lành mạnh hơn. Đó có lẽ là lý do vì sao những người Mỹ đôi khi chọn để ủng hộ các phong trào dân chủ, và đôi khi chỉ các phong trào dân chủ công khai, ngay cả khi các lợi ích trực tiếp của họ có thể chống lại nó. Và chính sự ưa thích riêng đặc biệt Mỹ, xung cảm thường không tính toán để ủng hộ những người dương ngọn cờ dân chủ, là cái đã đóng một phần quan trọng đến vậy trong tạo ra và duy trì các mức lạ thường của dân chủ hóa trong trật tự thế giới hiện thời. Dù đúng hay không đúng, như những người Mỹ tin, rằng dân chủ là hình thức tốt nhất của chính phủ và là hình thức hợp pháp duy nhất của chính phủ cho tất cả mọi người ở mọi nơi, sự lan rộng của dân chủ trong các thập kỷ vừa qua đã không thể có khả năng mà không có những người Mỹ tin điều đó và đôi khi hành động theo niềm tin đó.

 

CÓ THỂ KỂ CÂU CHUYỆN TƯƠNG TỰ về việc thiết lập trật tự kinh tế tự do hiện thời. Một nhận thức chung ngày nay là, hệ thống thị trường tự do quốc tế đơn thuần là một giai đoạn tự nhiên trong sự tiến hóa của nền kinh tế toàn cầu. Các lực lượng của toàn cầu hóa, các cuộc cách mạng về truyền thông và công nghệ, sự tương thuộc ngày càng tăng giữa các quốc gia và dân tộc, đã tạo ra một hệ thống mà cả là không thể tránh khỏi lẫn là tự–duy trì.

Thế nhưng lịch sử cho chúng ta biết rằng, cũng chẳng có gì là không thể tránh khỏi về một nền kinh tế quốc tế tự do cả. Một thị trường tự do, nền kinh tế toàn cầu tự do thương mại không chỉ đơn giản ra đời. Nó là một sự lựa chọn, và nó cũng là một sự áp đặt. Như nhà khoa học chính trị Robert Gilpin đã nhận xét, “Một nền kinh tế quốc tế tự do không thể hình thành và được duy trì, trừ phi nó có đằng sau mình (các) quốc gia hùng mạnh nhất trong hệ thống”.30 Những đổi mới công nghệ và các xu hướng xã hội có thể ủng hộ và củng cố một trật tự như vậy, nếu nhân dân muốn nó được củng cố. Nhưng nhân dân và các quốc gia phải muốn nó, và đặc biệt nhất là các quốc gia với sức mạnh lớn nhất – các quốc gia áp đảo – phải muốn nó. Vì các quốc gia hiếm khi làm bất cứ điều gì bất hòa căn bản với các lợi ích sống còn nhất của họ, các cường quốc nổi trội phải tin rằng một trật tự kinh tế tự do quốc tế là công cụ tốt nhất để tăng sự giàu có và sức mạnh của họ.

Lẽ phải thông thường ngày nay là, trật tự kinh tế tự do là vì lợi ích của mọi người và tất cả các quốc gia có vị thế quyền lực sẽ ủng hộ nó. Như một vấn đề lịch sử, tuy vậy, gần như cái ngược lại đã đúng. Vài quốc gia hùng mạnh đã từng cảm thấy phúc lợi của họ gắn mật thiết với một nền kinh tế quốc tế tự do thương mại và đã có ý chí và sức mạnh để tạo ra và duy trì nó. Quả thực, trong thời hiện đại của các quốc gia–dân tộc, đã chỉ có hai: Anh trong thế kỷ mười chín và Hoa Kỳ trong thế kỷ hai mươi.31 Các cường quốc lớn và bá chủ khác của các thế kỷ gần đây – Ottoman và Tây Ban Nha của Philip II trong thế kỷ thứ mười sáu, Pháp trong thế kỷ mười bảy và mười tám, Đức trong thế kỷ mười chín và hai mươi, và Liên Xô – đã có ít, nếu có hề có, lợi ích trong các thị trường tự do, dự do thương mại, và trật tự kinh tế tự do. Không ngạc nhiên, chẳng cường quốc nào trong các cường quốc này đã từng thử rạo ra một trật tự như vậy.

Nền kinh tế thị trường tự do toàn cầu mà chúng ta biết ngày nay đã được cường quốc Anh tạo ra trong thế kỷ mười chín, và khi Anh loạng choạng giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, trật tự kinh tế tự do đó đã không được chuyển tiếp một cách trơn tru cho một nhóm mới của những người ủng hộ. Nó đã sụp đổ. Cường quốc duy nhất đã có thể có năng lực, lợi ích, và mong muốn để duy trì thị trường tự do toàn cầu trong các năm giữa hai cuộc chiến tranh đã là Hoa Kỳ, nhưng những người Mỹ đã không quan tâm đến việc đóng vai trò ấy trong các năm 1920 và 1930. Chỉ đến khi Hoa Kỳ đảm nhận nhiệm vụ tạo ra và duy trì trật tự kinh tế tự do sau Chiến tranh Thế giới II, thì nó mới đứng vững, và khi đó cũng chỉ ở những phần của thế giới không bị Liên Xô hay Trung Quốc kiểm soát. Trật tự kinh tế tự do là một sự lựa chọn, không phải là sản phẩm không thể tránh khỏi của sự tiến hóa.

Trong trường hợp của cả Anh và Hoa Kỳ, một trật tự bị áp đảo bởi các thị trường tự do và thương mại tự do phản ánh các đặc trưng và các nhu cầu đặc biệt của hai cường quốc khác thường – cả hai đều là các quốc gia công nghiệp tiên tiến, dân chủ, tư bản chủ nghĩa; và cả hai, một cách cốt yếu, đều là các cường quốc “đảo” với hải quân vượt trội. Ngay cả Anh và Hoa Kỳ đã không luôn luôn ưu ái một hệ thống thương mại tự do. Anh đã là một cường quốc trọng thương (mercantilist) từ thế kỷ thứ mười bảy đến đầu thế kỷ mười chín. Cả hai quốc gia đã trải qua các thời kỳ dài của chủ nghĩa bảo hộ trước khi đón nhận thương mại tự do. Nhưng ở đỉnh điểm của quyền lực của họ – Anh vào giữa thế kỷ mười chín, Hoa Kỳ trong thế kỷ hai mươi – cả hai quốc gia đã có khả năng nhất để kiếm lợi từ các thị trường mở và thương mại tự do. Các ngành công nghiệp của họ đã thống trị. Các nền kinh tế năng động của họ đã hưởng lợi từ xuất khẩu hàng hóa và vốn. Hải quân hùng mạnh của họ kiểm soát các đại dương và thống trị các tuyến đường thương mại, trong khi các đối thủ cạnh tranh của họ thường đã là các cường quốc đất liền lệ thuộc vào họ để giữ các làn đường mở.

Hai tính chất này, thống trị các đại dương và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, đã biến Anh và Hoa Kỳ thành cha đẻ của nền kinh tế được toàn cầu hóa hiện nay. Vì không chỉ duy nhất các nước này đã hưởng lợi từ một hệ thống kinh tế mở trong đó họ đã áp đảo, mà họ cũng đã có lợi ích sâu sắc trong sự phát triển kinh tế của các quốc gia và dân tộc khác. Các nhà tư bản không thể kiếm lợi nhuận ở nước ngoài từ những người chẳng có nhu cầu cũng không có khả năng chi trả hàng hóa của họ. Cả Anh và Hoa Kỳ đã có một động cơ tư lợi, có sức thuyết phục mạnh mẽ để giúp các dân tộc khác, và thậm chí chịu những hy sinh tạm thời nhân danh họ, vì mục tiêu dài hạn để tạo ra các thị trường béo bở cho xuất khẩu và đầu tư. Điều này còn đúng hơn đối với Hoa Kỳ so với Anh, bởi vì nước Anh khi đến pha này của sự phát triển vẫn còn chiếm các lục địa mênh mông. Hoa Kỳ đã là, theo tiếng lóng Marxist, một nền kinh tế “thực dân mới” được hưởng các lợi thế của sự thống trị và sự tiếp cận các thị trường mở mà không phải chịu các gánh nặng, các chi phí, và các hạn chế của việc thực sự duy trì các thuộc địa. Giải pháp Mỹ, được áp dụng tốt nhất trong Kế hoạch Marsall và ở Nhật Bản, đã là giúp đỡ các nền kinh tế hậu chiến của Châu Âu và Châu Á đứng lại trên đôi chân của mình. Những người Mỹ “đã cung cấp các hàng hóa công cộng cần thiết cho sự họat động của các thị trường thế giới hiệu quả bởi vì đã là có lợi cho họ để làm vậy”.32

 Đã rất thuận lợi là, các lợi ích kinh tế của Mỹ được pha trộn hết sức trơn tru với chiến lược an ninh toàn cầu ưa chuộng của họ. Bằng cách làm sống lại các nền kinh tế của Châu Âu và Nhật Bản, Hoa Kỳ đã tăng cường cả hai như các bức tường thành chống lại Liên Xô mà không có một sự cam kết quá mức của các lực lượng Mỹ. Đó đã là một giải pháp tư bản chủ nghĩa hoàn hảo cho một vấn đề chiến lược cũng như kinh tế.

Kết quả phụ của ứng xử về cơ bản có tính tư lợi này đã là một thời kỳ của tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa từng có, không chỉ ở Phương Tây xuyên Đại Tây dương, mà cả thế giới đang phát triển nữa. Như John Kenneth Galbraith một lần đã nhận xét, “Kinh nghiệm của các quốc gia về phúc lợi là cực kỳ ngắn. Gần như tất cả mọi người, suốt lịch sử, đã rất nghèo”.33 Trong giai đoạn bá quyền Mỹ, nền kinh tế toàn cầu đã tạo ra một kỷ nguyên thịnh vượng lớn nhất và kéo dài nhất trong lịch sử. Giữa năm 1950 và 2000, tăng trưởng GDP hàng năm của toàn thế giới đã là 3,9 phần trăm, so với 1,6 phần trăm giữa 1820 và 1950 và một ước lượng 0,3 phần trăm giữa 1500 và 1820. Sự thịnh vượng tăng lên này cũng đã được phân phối một cách rộng rãi hơn trên thế giới so với quá khứ. Thậm chí vào cuối thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi, khi các cường quốc thuộc địa Anh và Âu châu khác đã đầu tư và buôn bán với các đế chế thuộc địa ngày càng tăng của họ, những người hưởng lợi chính của tăng trưởng kinh tế đã là những người Âu châu. Đối với nhân dân của Ấn Độ, Trung Quốc, và phần còn lại của Châu Á trong thời kỳ của chủ nghĩa thực dân Anh và Âu châu, tỷ lệ tăng trưởng đã rất thấp (0,03 phần trăm giữa 1820 và 1870; 0,97 phần trăm giữa 1870 và 1913; 0,9 phần trăm giữa 1913 và 1950). Tuy vậy, sau 1950 tốc độ tăng trưởng ở Châu Á đã sánh được hay vượt các mức tăng trưởng ở Châu Âu và Hoa Kỳ (5,18 phần trăm giữa 1950 và 1973; 5,46 phần trăm giữa 1973 và 1998).34 Chỉ riêng giữa 1980 và 2002, thương mại thế giới đã tăng hơn ba lần.35

Kết quả đã là một sự cải thiện đầy kịch tính về điều kiện kinh tế của các dân tộc không–Âu châu. Như kinh tế gia Paul Colier đã lưu ý, thế giới vào lúc đầu của kỷ nguyên thịnh vượng này đại thể đã được phân chia giữa một tỷ người giàu và năm tỷ người nghèo, với tuyệt đại đa số người nghèo sống ở ngoài thế giới xuyên Đại Tây dương.36 Vào đầu thế kỷ thứ hai mươi mốt, bốn tỷ của những người nghèo đó đã bắt đầu leo lên đường của họ để ra khỏi nghèo khổ. Thời kỳ này của sự thịnh vượng toàn cầu đã làm lợi cho số khổng lồ những người nghèo của thế giới và đã tạo ra các cường quốc kinh tế đang lên như Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, và Nam Phi, ở các phần của thế giới mà một thời đã được biết phần lớn là nghèo. Hoa Kỳ đã không chịu trách nhiệm trực tiếp về sự bùng phát này của tăng trưởng kinh tế. Các chính sách quốc gia được thực hiện bởi Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc và bởi các chính phủ ở các nước khác, cũng như công việc nặng nhọc và các kỹ năng khởi nghiệp kinh doanh của nhân dân họ, đã tạo ra sự thịnh vượng mới. Nhưng những thành công kinh tế này xảy ra bên trong một môi trường tổng thể mà đã thuận lợi cho các nỗ lực như vậy, một hệ thống quốc tế tương đối yên bình mà trong đó thương mại ngày càng tự do và an toàn, và trong đó cường quốc áp đảo đã có quyền lợi ích kỷ trong tăng trưởng kinh tế của các quốc gia khác.

Đã không nhất thiết phải theo cách này. Liên Xô chắc chắn đã không có lợi ích trong các thị trường tự do, và Trung Quốc cũng đã chẳng có trước khi nó quay sang chủ nghĩa tư bản vào cuối các năm 1970. Các cường quốc lục địa thiếu năng lực hải quân lớn, nhìn chung có khuynh hướng ưu ái các thị trường đóng mà họ có thể thống trị với lục quân ưu việt của họ. Đế chế Trung Hoa thực ra đã tự đóng mình đối với ngoại thương trong hàng thế kỷ, cho đến khi các cường quốc phương Tây buộc nó phải mở. Nhưng ngay cả các cường quốc lục địa hiện đại Âu châu cũng đã thường xuyên tìm kiếm các trật tự kinh tế đóng. Đó đã là mục đích của Napoléon, với Hệ thống Lục địa của ông, mà đã nhắm tới việc bắt nước Anh, cường quốc đảo, quỳ gối bằng cách biến lục địa Âu châu thành một hệ thống thương mại đóng. Đã là mục đích nhất quán của Đức, từ cuối thế kỷ mười chín đến thời của Hitler, để chính phục và kiểm soát các lãnh thổ ở Đông Âu và Pháp mà từ đó nó có thể bòn rút nguyên liệu và lao động. Ngay cả Nhật Bản đế quốc, tuy là một cường quốc đảo với hải quân áp đảo, đã tìm cách thiết lập một khu vực kinh tế Á châu đóng, cái gọi là Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á, mà nó có thể thống trị và từ đó nó có thể loại trừ các cường quốc lớn khác.

Trong các năm sau Chiến tranh Thế giới II, nhiều quốc gia trong thế giới đang phát triển đã không chọn mô hình thị trường tư bản chủ nghĩa, một phần bởi vì họ đã không tin họ có thể cạnh tranh một cách hiệu quả với các cường quốc tư bản thống trị. Của cải gia tăng của thế giới đã không giải quyết vấn đề về bất bình đẳng thu nhập tăng lên ở bên trong và giữa các quốc gia. Ngược lại, nó thường đã làm trầm trọng vấn đề. Như thế, thị trường tự do, nền kinh tế thương mại tự do đã không được chấp nhận một cách sẵn lòng và với thái độ biết ơn ở mọi nơi. Những người Mỹ, và trước họ là những người Anh, đã có thể tin rằng thị trường tự do, hệ thống thương mại tự do mang lại cho các quốc gia đang phát triển cơ hội để trở nên giàu hơn. Nhưng như một học giả đã nhận xét, “các cơ hội” đó tuy nhiên thường phải được “áp đặt lên các đối tác không tự nguyện … Thương mại tự do là chính sách của kẻ mạnh”.37

  Những người Mỹ nói chung tin rằng thị trường tự do phải luôn luôn thắng bất cứ lựa chọn khả dĩ nào khác đơn giản bởi vì nó tốt hơn. Thực ra, chủ nghĩa tư bản cũng có thể bị thua. Một cách định kỳ nó tự làm mất uy tín với các chu kỳ hưng thịnh bột phát và sụp đổ đường như không thể tránh khỏi. Các nghiệp chủ tư bản tìm những cách thông minh để đánh cược hệ thống, đôi khi làm cho bản thân hệ thống sụp đổ. Trong các năm 1920 và 1930, nhiều người ở Châu Âu, và thậm chí một số ở Hoa Kỳ, đã phân xử, như Marx đã tiên đoán, rằng chủ nghĩa tư bản tất phải tự hủy hoại mình. Trong các năm 1970, kỷ nguyên của giá dầu cao và đình lạm, các mô hình chủ nghĩa nhà nước khác nhau, giống như mô hình của Nhật Bản, đã có vẻ thành công hơn. Ngày nay, khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn và Đại Suy thoái, kết hợp với khủng hoảng tài chính trong Liên Minh Châu Âu, EU, đã lại gây ra những nghi ngờ trên khắp thế giới và đã dẫn nhiều người đi hỏi liệu mô hình Trung Quốc với sự dính líu mạnh của nhà nước có thể đáng ưa hơn hay không.

Đôi khi ý tưởng hay hơn không thắng ngay cả khi nó rõ ràng là hay hơn. Đó đã là bài học của đầu thế kỷ hai mươi. Thập niên trước Chiến tranh Thế giới I đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế ở Châu Âu tăng lên mức đáng chú ý 5 phần trăm một năm với tư cách “siêu cường duy nhất” về hải quân của ngày đó, nước Anh, đã mở rộng đầu tư và thương mại cả ở Lục địa và khắp thế giới. “Toàn cầu hóa” được kích thích bởi hai sáng chế mới, điện tín không dây và tàu thủy hơi nước chạy ngang đại dương, đã là một điều thần kỳ đối với người dân cuối thế kỷ mười chín cũng nhiều như sự toàn cầu hóa được dẫn dắt về mặt công nghệ hiện nay đối với chúng ta. Và nó đã có tác động kích thích tương tự lên nền kinh tế toàn cầu. John Maynard Keynes đã gọi nó là một “Eldorado kinh tế”, và một lúc, như ông đã nhận xét, sự hưng thịnh bột phát (boom) kinh tế quốc tế đáng chú ý này đã không bị phá vỡ bởi “các dự án và chính trị của chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa đế quốc, của sự tranh đua chủng tộc và văn hóa, của những sự độc quyền, những sự hạn chế, và sự loại trừ”.38

 Nhưng rồi, đột ngột, nó bị phá vỡ. Đầu tiên là Chiến tranh Thế giới I, với hàng chục triệu thương vong và phí tổn khổng lồ, làm tê liệt quốc gia. Rồi đến sự chuyển hướng sang các nền kinh tế do nhà nước thống trị ở các nước phát xít và Liên Xô. Các chế độ độc tài mới kế vị các nền dân chủ thất bại trong các năm ngay sau chiến tranh đã chấp nhận các nền kinh tế thời chiến trong thời bình. Cọng rơm cuối cùng [làm gãy lưng lạc đà – giọt nước tràn ly] đến trong các năm 1920, với sự thay đổi từ thương mại tự do sang theo hướng chủ nghĩa bảo hộ thuế quan cao giữa các nền kinh tế tiên tiến và suy thoái toàn cầu kéo dài kế tiếp. Chiến tranh Thế giới I và các chính sách kinh tế và thương mại thời hậu chiến đã hủy hoại trật tự kinh tế tự do của Châu Âu.

Bài học là, trong khi những tiến bộ công nghệ – các cuộc cách mạng truyền thông và giao thông, và các yếu tố khác – có thể tạo thuận tiện cho thương mại tự do hơn và các thị trường tự do hơn, nhưng không đảm bảo chúng, cũng chẳng cung cấp sự bảo vệ tin cậy chống lại ý chí của các quốc gia hùng mạnh hoặc chống lại sự điên rồ của con người. Nhiều quốc gia có thể hưởng lợi từ trật tự kinh tế tự do và muốn thấy nó được duy trì. Nhưng như Chiến tranh Thế giới I đã chứng minh, các quốc gia có các lợi ích khác bên cạnh lợi ích kinh tế.

Tất nhiên, các cuộc chiến tranh giữa các cường quốc lớn đã luôn luôn là chất xúc tác cho sự thay đổi hệ thống quốc tế, xóa sạch các trật tự thế giới cũ và sinh ra một cách đẫm máu các trật tự thế giới mới. Chúng cũng tàn phá các nền kinh tế toàn cầu, định hình lại các tiêu chuẩn và các ý thức hệ, và biến đổi cách tư duy của người dân, cách họ sống, và cái họ tin. Đấy là kết quả của các cuộc chiến tranh Napoleonic và hai cuộc chiến tranh thế giới, mà đã không chỉ định hình lại hệ thống quốc tế mà còn tạo ra các cuộc cách mạng ở Nga và Trung Quốc mà các cuộc cách mạng ấy cũng định hình thế giới một cách đáng kể như vậy. Thậm chí các cuộc xung đột hạn chế hơn giữa các cường quốc lớn cũng có thể làm thay đổi bản chất của hệ thống quốc tế một cách căn bản: Chiến tranh Pháp–Phổ đã sinh ra một nước Đức mới, thống nhất, với tất cả di sản cho tương lai của hòa bình Âu châu; chiến tranh Nga–Nhật đã báo trước sự đến của Nhật Bản với tư cách một cường quốc lớn có khả năng thống trị Đông Á, với tất cả di sản cho tương lai của hòa bình trong khu vực đó của thế giới.

Nhiều người tin rằng các cuộc chiến tranh giữa các cường quốc lớn là không còn có thể nữa. Nền hòa bình giữa các cường quốc lớn, điều đặc trưng cho kỷ nguyên thống trị Mỹ, không phải là một sự giải lao tạm thời mà là điều kiện lâu bền thường xuyên mới của nhân loại, là một pha tiếp theo trong sự thăng tiến của các loài mà không thể đảo ngược được. Lý luận hòa bình dân chủ cho rằng bởi vì các nền dân chủ hiếm khi tiến hành chiến tranh với các nền dân chủ khác, sự mở rộng của nền dân chủ hạn chế về căn bản khả năng chiến tranh. Nhiều người tin rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cũng ngăn cản chiến tranh: các quốc gia buôn bán với nhau và phụ thuộc vào sự thịnh vượng của nhau không có khuyến khích (incentive) để đánh nhau. Nếu nguyên nhân chính của chiến tranh trong suốt lịch sử đã là chiến đấu để kiểm soát lãnh thổ, ngày nay nhiều người cho rằng chiếm hữu lãnh thổ là không quan trọng bằng chiếm hữu thị trường và công nghệ. Vì thế tạo sao các quốc gia lại chiến đấu vì lãnh thổ?

Một số người thậm chí còn cho rằng con người đã từ bỏ khuynh hướng bạo lực mang tính lịch sử của họ. Họ đã được “xã hội hóa” để ưa thích hòa hình và phi bạo lực. Nhà tâm lý học tiến hóa Steven Pinker, nhận thấy sự giảm đột ngột số người chết từ các cuộc chiến tranh, xung đột sắc tộc, và đảo chính quân sự từ 1945, lập luận rằng tính vô nhân đạo truyền thống của con người đối với con người đã “giảm xuống một cách đột ngột”. Người dân có sự thấu cảm lớn hơn đối với nhau; họ đã học được rằng hợp tác hòa bình là đáng công hơn xung đột và tranh đua; họ đặt một giá trị cao hơn lên cuộc sống.39 Với tất cả các đặc trưng tăng cường lẫn nhau này của thế giới hiện đại, không ngạc nhiên là các nhà khoa học chính trị đã kết luận rằng chiến tranh giữa các cường quốc dẫn đầu không chỉ là không chắc xảy ra mà “đúng là không thể tưởng tượng nổi”.40

Đúng là một lý lẽ quyến rũ. Những người Mỹ, những người Âu châu và những đứa con khác của thời Khai Minh có khuynh hướng tin lịch sử có một chiều hướng, tiến bộ hướng lên, hoặc theo đường thẳng, hoặc như một sản phẩm biện chứng, vì loài người học để kiểm soát và định hình cả thế giới tự nhiên lẫn bản chất con người. Các triết gia của thời Khai Minh ba thế kỷ trước đã tiên đoán lý tính sẽ dần dần chiến thắng bản năng thú tính của con người. Trong lĩnh vực quốc tế, họ đã coi sự vươn lên của các cộng hòa thương mại như thuốc giải độc cuối cùng cho chiến tranh. Thương mại gia tăng giữa các quốc gia, họ đã tin, sẽ làm mềm những cách cư xử và thuần hóa các xung lực lại giống (atavistic), hung bạo của con người. Họ đã hướng tới một ngày khi các quốc gia được cai quản bằng các luật và các định chế dựa trên lý tính.

Thời hoàng kim của cách tư duy này cách đây hầu như chính xác một thế kỷ. “Ngày của các quốc gia đang qua đi”, các lãnh tụ tiến bộ đã tuyên bố vào buổi bình minh của thế kỷ hai mươi. “Các nhu cầu của thương mại” đã “mạnh hơn ý chí của các quốc gia”.41 Nhà văn tiểu luận Anh Norman Angell, trong cuốn sách năm 1910 của mình, cuốn The Great Illusion (Ảo tưởng Lớn), đã lưu ý rằng mục tiêu của chiến tranh đã luôn luôn là chiếm lãnh thổ, nhưng trong kỷ nguyên thương mại, hiện đại, sự giàu có dựa vào “tín dụng và hợp đồng thương mại”, chứ không phải vào sự kiểm soát đất đai. Chiến tranh giữa các quốc gia tiên tiến sẽ tiêu diệt cả kẻ xâm lược lẫn nạn nhân. Thậm chí kẻ xâm chiếm không thể hưởng lợi từ các vùng đất bị tiêu hao, các ngành công nghiệp bị tàn phá. Vì thế chiến tranh giữa các cường quốc lớn sẽ là tột độ của sự phi lý. Trong một thế giới ngày càng dân chủ và thương mại, cả nhân dân lẫn các chủ ngân hàng sẽ không cho phép nó (xảy ra).42

Hai triệu bản của cuốn sách của Angell đã được bán một thế kỷ trước, và đã không chỉ những người theo chủ nghĩa hòa bình đã thấy lý lẽ biện hộ có tính thuyết phục. Winston Churchill, với tư cách một thành viên trẻ của Quốc hội, đã cho rằng “các cường quốc mà đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau, gắn bó với các Nhà nước khác bởi thương mại” sẽ chẳng bao giờ “đe dọa sự thanh bình của thế giới hiện đại”. Như đối với những người Đức, “Vì sao, họ là giữa các khách hàng thật tốt nhất của chúng ta, và, nếu giả như bất cứ thứ gì xảy ra đối với họ, tôi không biết chúng ta sẽ làm gì ở đất nước này cho thị trường”.43 Vào buổi rạng đông của thế kỷ hai mươi, ngay cả Theodore Roosevelt đã tin chiến tranh “giữa các cường quốc văn minh [đã] trở nên ít và ít thường xuyên hơn” nhờ “sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng và sự phức tạp của các mối quan hệ chính trị và kinh tế quốc tế”.44

Khi đó đã có các lý do khác cho sự hy vọng. Nhiều người đã tin rằng vũ khí hiện đại đã trở nên tàn phá hết sức và chiến tranh hiện đại khủng khiếp hết sức đến mức các quốc gia sẽ chẳng bao giờ lựa chọn đánh nhau.45 Các cường quốc lớn của thế giới đã “bớt thôi thúc tâm lý cho chiến tranh”.46 Điện tín không dây, tàu khách vượt đại dương, mạng lưới đường sắt mênh mông đã cho phép người dân của các quốc gia khác nhau học hỏi nhiều hơn về nhau. Chủ nghĩa dân tộc và tính bài ngoại đã nhường đường cho ý thức toàn thế giới. Buổi rạng đông của thế kỷ hai mươi cũng chứng kiến sự nở rộ của các hiệp ước quốc tế và các hội nghị hòa bình. Hàng tá thỏa ước trọng tài phân xử đã được ký mà theo đó các quốc gia hứa sẽ đệ trình các tranh chấp lên các tòa án thay cho việc tiến hành chiến tranh. Các hội nghị hòa bình ở Hague đã tạo ra các thỏa ước về giới hạn các loại vũ khí và các phương pháp chính trị nhất định bị coi là vô nhân đạo – ném bom các thành phố từ các khí cầu zeppelin, chẳng hạn, và việc sử dụng hơi cay (mustard gas).

Cái đã cho trọng lượng như vậy cho tất cả các lý lẽ ủng hộ một nền hòa bình mới và vĩnh viễn đã là sự thực rằng vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ hai mươi, đã không có chiến tranh nào giữa các cường quốc lớn trong gần bốn thập niên.47 Đối với những người còn nhớ chiến tranh gần như liên tục giữa các cường quốc lớn của các thế kỷ trước, thì đấy đã là một kỷ nguyên hòa bình dài đáng kinh ngạc. Thay cho coi nó như một khoảng giữa chuyển tiếp, người ta lại tự nhiên đi coi nó như một tình trạng lâu dài. Cái gì đó đã thay đổi căn bản. Loài người đã tiến hóa và đã đạt một trạng thái ổn định mới.

Bây giờ chúng ta biết đánh giá này, mà đã có vẻ hết sức đúng đắn lúc đó, đã sai lầm. Sự bùng nổ của Chiến tranh Thế giới I, cuộc chiến tranh chết chóc và tàn phá nhất trong lịch sử, chỉ bốn năm sau cuốn sách bán chạy nhất của Angell, tiết lộ sự thất bại của trí tưởng tượng của toàn bộ một thế hệ. Họ đã đơn giản không có khả năng để tưởng tượng rằng các lãnh tụ quốc gia có thể ứng xử phi lý, rằng họ có thể hy sinh các lợi ích kinh tế, thậm chí làm phá sản các thỏa ước của họ, ngoài một sự kết hợp của tham vọng và nỗi sợ, rằng họ có thể coi lãnh thổ như một mục tiêu xứng đáng của chiến tranh, rằng họ có thể sử dụng tất cả các vũ khí khủng khiếp sẵn có để cho họ tùy ý sử dụng mà không cần suy đi tính lại – vi phạm các thỏa ước quốc tế vừa ráo mực – và rằng trong tất cả những việc này, họ có đằng sau họ sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân bị kích động bởi một sự tự hào dân tộc rất không theo chủ nghĩa toàn thế giới (uncosmopolitan).

Ngày nay chúng ta bị thiếu tương tự về sức tưởng tượng. Lại lần nữa lẽ phải thông thường là, xung đột cường quốc lớn là “không thể tưởng tượng nổi”. Thậm chí các lý lẽ cũng hệt như cũ: sự phục thuộc lẫn nhau về kinh tế, toàn cầu hóa, sự không thích hợp của lãnh thổ, sự mở rộng của dân chủ, sự tàn phá không thể tưởng tượng nổi của chiến tranh trong thời đại nguyên tử, lòng tin rằng các quốc gia và các dân tộc đã được “xã hội hóa” để ủng hộ hòa bình hơn chiến tranh, rằng họ đánh giá cuộc sống nhiều hơn và đồng cảm hơn với những người khác – tất cả những thứ này khiến cho chiến tranh giữa các cường quốc lớn là phi lý và vì thế là không thể. Và, thêm sức cho các lý lẽ này, một lần nữa, lại là nền hòa bình dài mà chúng ta đã được hưởng, sáu thập niên đáng chú ý mà không có xung đột giữa các cường quốc lớn.

Thế nhưng chúng ta có ít lý do bào chữa hơn các bậc tiền bối của chúng ta để tin rằng loài người đã đạt trình độ mới về khai minh. Những người lạc quan của đầu thế kỷ hai mươi đã không chứng kiến hai cuộc chiến tranh thế giới, các cuộc diệt chủng, những cảnh khủng khiếp khác của thời đại được cho là tiên tiến của chúng ta. Họ đã không chứng kiến sự nổi lên của Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc (Nazism) và Chủ nghĩa Phát xít. Còn chúng ta đã thấy tất cả, và về mặt lịch sử, khá gần đây. Mới chỉ bảy thập niên trước Hoa Kỳ đã đánh nhau với Nhật Bản đế quốc, Đức Nazi, và Ý phát xít. Mới chỉ đúng ba mươi năm trước, khi Henry Kisinger yêu cầu những người Mỹ tự thích nghi mình với thực tế lâu bền của cường quốc Soviet, với hàng ngàn đầu đạn hạt nhân của nó nhắm vào các thành phố Mỹ và Âu châu và hàng ngàn đầu đạn hạt nhân Mỹ nhắm vào Nga. Thế kỷ hai mươi đã là thế kỷ đẫm máu nhất trong toàn bộ lịch sử, và chúng ta chỉ mới bước vào thế kỷ hai mươi mốt mười hai năm. Còn chưa chín muồi để chúng ta kết luận, sau mười ngàn năm chiến tranh, rằng vài thập niên và một số đổi mới công nghệ sẽ thay đổi bản chất con người và bản chất của các mối quan hệ quốc tế.

Người ta đúng để chỉ ra sự mở rộng dân chủ và hệ thống kinh tế thị trường tự do, tự do thương mại như các nhân tố quan trọng trong duy trì hòa bình giữa các cường quốc lớn. Nơi họ sai là ở sự tin vào các điều kiện này hoặc là đủ hay là tự duy trì. Thực ra, đấy đúng hơn là các hệ quả của nền hòa bình tuyệt vời chứ không phải là nguyên nhân. Năm 1914, dân chủ và sự thịnh vượng đã không chấm dứt được chiến tranh nước lớn, mà ngược lại chiến tranh nước lớn chắc chắn đã giúp chấm dứt dân chủ và sự thịnh vượng.

Pinker lần theo dấu vết của sự giảm số người chết do chiến tranh cho đến 1945, thời điểm chỉ ngẫu nhiên là ngày sinh của trật tự thế giới Mỹ. Sự trùng nhau khiến ông ta quên, nhưng không nhất thiết làm chúng ta quên. Sức mạnh của Hoa Kỳ đã là nhân tố lớn nhất trong duy trì hòa bình giữa các cường quốc lớn. Nó cũng là một nhân tố lớn trong sự mở rộng dân chủ và trong việc tạo ra và duy trì trật tự kinh tế tự do. Nhưng vai trò quan trọng nhất của Mỹ đã là để làm nản chí và ngăn cản các khuynh hướng bình thường của các cường quốc khác trong hệ thống để tranh đua và tranh giành với nhau theo những cách mà về mặt lịch sử đã dẫn đến chiến tranh.

Khó để đo lường các sự kiện không xảy ra, để phỏng đoán cái gì đã có thể nổ ra giả như Hoa Kỳ đã không đóng vai trò mà nó đã đóng trong sáu mươi lăm năm vừa qua. Chỉ dẫn duy nhất mà chúng ta có là lịch sử và một sự hiểu biết chung về cách các cường quốc thường ứng xử. Chúng ta biết, chẳng hạn, Châu Âu và Châu Á đã trông thế nào trước khi Hoa Kỳ bước vào bức tranh và đã làm thay đổi các phương trình quyền lực ở cả hai khu vực. Nước Đức sau khi thất bại trong Chiến tranh Thế giới I, đã tìm cách tái vũ trang, để lấy lại các lãnh thổ bị mất và danh dự bị mất, để bảo vệ mình chống lại các kẻ thù trước kia, để tái lập mình như một cường quốc. Từ cuối thế kỷ mười chín trở đi, Nhật Bản đã tìm kiếm sự bá chủ khu vực và đã thèm thuồng lãnh thổ ở lục địa Á châu. Nhưng khi quyền lực Mỹ đã được thêm vào các phương trình quyền lực này sau Chiến tranh Thế giới II, thì cả hai quốc gia đã hướng đến các con đường hoàn toàn khác, như các quốc gia lân cận họ. Giả như biến số Mỹ đã thiếu [trong các phương trình này], thì kết quả sẽ đã khác đi.

Sức mạnh Mỹ cũng đã định hình ứng xử Soviet trong suốt Chiến tranh Lạnh. Phạm vi của tầm với Soviet vào Châu Âu đã được xác định bởi cách bố trí lực lượng Mỹ vào cuối Chiến tranh Thế giới II, chứ không phải bởi sự khiêm tốn của các tham vọng Soviet. Các mưu toan Soviet ở Berlin từ 1948 đến 1961, giả như chúng đã không vấp phải sự đe dọa ngấm ngầm và công khai của lực lượng Mỹ, đã có thể thay đổi tình hình ở Đức một cách sâu sắc. Sự thiếu hung hăng Soviet ở Châu Âu sau đó, cũng như ở Trung Đông và Vịnh Persian, đã là một đáp ứng lại với các đường đỏ do Hoa Kỳ và các đồng minh của nó vẽ ra. Ngay cả ngày nay, khoảng cách lớn tiếp tục về sức mạnh giữa Hoa Kỳ và các cường quốc khác có khuynh hướng làm nản chí sự kình địch tranh đua và cản trở những cố gắng để xác lập quyền bá chủ khu vực bằng vũ lực.

Không chỉ là, sức mạnh Mỹ là hết sức áp đảo. Hoa Kỳ cũng có được một khả năng độc nhất và chưa từng có để giành được sự chấp nhận quốc tế về quyền lực của mình. Trong khía cạnh này, nó vi phạm hầu như mọi lý luận về quan hệ quốc tế. Ta có thể kỳ vọng rằng các quốc gia khác, đối mặt với kẻ khổng lồ này giữa họ, sẽ kéo bè kéo cánh và tìm cách cùng nhau hủy diệt nó, làm yếu nó, hay chí ít cắt bớt một cách nghiêm trọng khả năng của nó để sử dụng quyền lực. Đó là cái mà logic và hầu hết lịch sử tiên đoán. Đại Liên Minh của các cường quốc Âu châu đã cùng nhau chống lại sức mạnh lớn của nước Pháp của Louise XIV vào cuối thế kỷ mười bảy, và sau đó để chống lại Napoléon vào đầu thế kỷ mười chín; sự Hòa Hoãn Tay Ba (Triple Entente) của Anh, Pháp, và Nga, bất chấp lịch sử thù hằn dài giữa chúng, đã xuất hiện như một sự phản ứng với sự tăng lên của sức mạnh Đức vào đầu thế kỷ hai mươi; và liên minh của các cường quốc xuất hiện để chiến đấu chống lại Hitler; và trong Chiến tranh Lạnh một liên minh của các nền dân chủ tiên tiến đã cân bằng, kiềm chế, và cuối cùng đã hủy Liên Xô. Hai ngàn năm trăm năm trước, sự nổi lên của Persia (Ba Tư) đã khiến các thị quốc Hy Lạp đến Athens xin trợ giúp, và sau đó sự nổi lên của Athens đã khiến các thị quốc Hy Lạp khác chạy gấp đến Sparta. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết một cách sâu sắc về lịch sử dài và nhất quán này, biết nhiều đến mức trong hai thập kỷ họ đã vất vả làm việc để tích lũy sức mạnh một cách yên lặng để tránh phản ứng tương tự, và chỉ với các kết quả ô hợp.

Thế nhưng Hoa Kỳ, quốc gia đã nắm và sử dụng quyền lực so với phần còn lại của thế giới còn lớn hơn các quốc gia đã muốn là bá chủ trong quá khứ, lại đã không khích lệ sự nổi lên của một liên minh nhắm tới cân bằng chống lại nó. Ngược lại, sự gia tăng của sự thống trị quân sự Mỹ trong các năm 1980 và 1990 đã đi cùng với sự giảm đáng kể về năng lực quân sự cả ở Châu Âu lẫn ở Liên Xô trước kia. Khi sức mạnh Mỹ đã tăng, hầu như tất cả các cường quốc thế giới khác đã giảm quy mô quân sự của họ. Như thế Hoa Kỳ cũng đã coi thường cái mà các nhà lý luận quan hệ quốc tế gọi là “nan đề an ninh–security dilemma”. Theo lý thuyết này, khi một quốc gia phát triển các lực lượng của mình, cho dù vì các mục đích phòng vệ, thì các cường quốc khác cảm thấy cũng buộc phải phát triển lực lượng quân sự của mình, để tự bảo vệ mình. Thế nhưng bất chấp sự phát triển vũ khí của Reagan, Mikhail Gorbachev đã khẩn khoản vì hòa bình và đã bắt đầu giảm sức mạnh Soviet, và nước Nga đã giải trừ quân bị mạnh trong các năm 1990.48 Châu Âu đã giải trừ quân bị đều đặn trong các thập niên gần đây khi sức mạnh quân sự Mỹ đã tăng lên. Và ngay cả sự phát triển vũ khí của Trung Quốc trong phần lớn của hai mươi lăm năm qua đã được thúc đẩy bởi nhịp điệu tăng trưởng kinh tế của nó, bởi các nỗ lực để “thống nhất” Đài Loan vào Hoa lục, và bởi sự thay đổi nhận thức về các lợi ích toàn cầu của nó hơn là bởi nhu cầu đáp lại cụ thể đối với sự gia tăng của các năng lực Mỹ, tuy việc này đã bắt đầu thay đổi trong các năm gần đây.

Thật đáng chú ý, thậm chí đáng kinh ngạc, rằng siêu cường Mỹ, mặc dù tất cả các sai sót của nó, các thái quá của nó, và những thất bại của nó, lại được hầu hết thế giới chấp nhận và tha thứ đến mức độ như vậy. Thực vậy, cường quốc Mỹ đã được nhiều hơn là sự tha thứ. Các quốc gia khác đã tiếp tay nó, đã cổ võ nó, đã tham gia cùng nó, và, với tần suất đáng ngạc nhiên, đã hợp pháp hóa nó trong các định chế đa phương như NATO và Liên Hợp Quốc, cũng như trong các liên minh ít hình thức hơn. Từ khía cạnh lịch sử, điều này là độc nhất. Các quốc gia đã luôn luôn hoan nghênh sự can thiệp của một cường quốc nước ngoài để giúp họ trong cuộc chiến đấu của riêng họ. Nhưng cái Hoa Kỳ thường được hưởng khi sử dụng vũ lực là cái gì đó khác: một sự chấp nhận rộng rãi thậm chí bởi cả các quốc gia không có lợi ích sống còn trực tiếp nào bị đe dọa. Cuộc chiến tranh do Mỹ lãnh đạo chống Slobodan Milosevic năm 1999 đã được sự ủng hộ của hầu hết những người Âu châu, những người tin rằng họ có quyền lợi gì đó trong sự rối loạn Balkan. Nó cũng được sự ủng hộ của những người Nhật, những người Úc, và những người khác những người thực sự không có quyền lợi nào, mà sự ủng hộ của họ xuất phát từ những quan tâm nhân đạo, nhưng, rất quan trọng, cũng từ niềm tin chung rằng có thể tin Hoa Kỳ để dùng sức mạnh của nó cho các mục đích có thể chấp nhận được.

Sự thực là, khi Hoa Kỳ tham gia chiến tranh, nó hiếm khi đi một mình. Trong chiến tranh Triều Tiên, tham gia cùng các lực lượng Mỹ là các lực lượng của Vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Australia, Pháp, Hy Lạp, Colombia, Thailand, Philippines, Bỉ, New Zealand, Hà Lan, và Luxembourg. Trong cuộc chiến tranh không được lòng dân ở Việt Nam, những người Mỹ đã có các lực lượng hoạt động với những năng lực khác nhau bên cạnh họ từ Australia, New Zealand, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Philippines, Thailand, và Tây Ban Nha. Và tập quán vẫn được duy trì sau Chiến tranh Lạnh. Trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, tham gia cùng quân đội Mỹ là lực lượng của các nước Anh, Saudi Arabia, Syria, Ai Cập, Pháp, Morocco, Kuwait, Oman, Pakistan, Canada, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar, Bangladesh, Italy, Australia, Hà Lan, Niger, Thụy Điển, Argentina, Senegal, Tây Ban Nha, Bahrain, Bỉ, Ba Lan, Nam Triều Tiên, Czechoslovakia, Hy Lạp, Đan Mạch, New Zealand, Hungary, và Na Uy. Nhiều quốc gia đã thực sự bực mình khi Hoa Kỳ ban đầu đã xâm chiếm Afghanistan năm 2001 mà không kêu gọi nhóm liên minh thông thường, nhưng cuối cùng hơn bốn mươi quốc gia đã tham gia vào nỗ lực này. Sự kỳ vọng về mức ủng hộ toàn cầu này đối với can thiệp quân sự của Mỹ là lớn đến mức trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, những người Mỹ đã bị sốc và bị bối rối khi chỉ có ba mươi tám quốc gia đã tham gia hoặc vào cuộc xâm lấn, hay vào sự chiếm đóng Iraq sau chiến tranh. Đã hầu như không thể chịu nổi để thấy các đồng minh dân chủ như Pháp hay Đức khước từ sự tán thành của họ.

Sự thực rằng những người Mỹ muốn sự tán đồng này, tự nó là quan trọng. Họ muốn nó như một cách để làm thanh thản lương tâm của họ và tái khẳng định công lý của sự quyết định dùng vũ lực của họ. Mức độ chấp thuân quốc tế nào đó cho họ sự tự tin lớn hơn rằng họ hành động vì các lợi ích của thế giới chứ không đơn giản là ích kỷ. Nó cũng có nghĩa rằng bản thân họ không chịu hoàn toàn gánh nặng một mình. Không ngạc nhiên rằng những người Mỹ muốn sự phê chuẩn này. Lạ hơn là, các quốc gia khác thừa nhận nó thường xuyên đến vậy. Họ sẵn sàng thừa nhận rằng Hoa Kỳ quả thực tiến hành các hành động phục vụ các lợi ích của những người khác – phục vụ trật tự thế giới.

Có ít sự tương tự lịch sử đối với tình trạng này. Không quốc gia nào trong các thế kỷ gần đây lại được hưởng một sự chấp thuận rộng như vậy cho việc sử dụng quyền lực của mình. Thí dụ gần nhất có thể là việc Anh dùng hải quân của mình để hạn chế buôn bán nô lệ trong các năm 1830, nhưng ngay cả việc đó cũng chỉ được chấp nhận một cách hằn học bởi các cường quốc hải quân khác, như Pháp, mà đã coi hành động đó như một sự khẳng định quyền bá chủ hải quân và kinh tế của Anh. (Và tất nhiên, Hoa Kỳ, quốc gia chiếm hữu nô lệ, đã chẳng hề phê chuẩn). Trong một thế giới đa cực thuộc loại đã tồn tại trước Chiến tranh Thế giới II, bất cứ việc sử dụng quyền lực nào bởi một trong những quốc gia dẫn đầu đã được các quốc gia khác coi là sự đe dọa – một mưu toan để làm biến đổi sự cân bằng tế nhị hiện hành. Trong trật tự do Mỹ áp đảo, với thứ bậc rõ ràng và không thể thách thức của nó, việc Mỹ sử dụng quyền lực là ít đe dọa hơn bởi vì nói chung nó được dùng để khẳng định sự bất cân bằng hiện tồn.

Sự chấp nhận rộng rãi quyền lực Mỹ không được lẫn lộn với việc chịu đựng vô vọng sự vượt trội của Hoa Kỳ. Cũng đã có cả việc đó nữa. Các quốc gia đôi khi đã chấp nhận quyền lực Mỹ bởi vì họ có ít sự lựa chọn. Những người Âu châu, kể cả nữ thủ tướng Anh thân Mỹ Margaret Thatcher, đã không chấp thuận, chẳng hạn, sự can thiệp của Mỹ vào Grenada năm 1983, nhưng đã chẳng có gì mà họ có thể làm để ngăn chặn nó, cho nên họ ghi nhận những sự bất bình của mình và để cho nó trôi qua. Các quốc gia khác không làm được mấy khi Hoa Kỳ quyết định sử dụng hành động quân sự mà không có sự chấp thuận của họ, trừ phi họ sẵn sàng kiềm chế sức mạnh Mỹ theo cách tích cực nào đấy, mà cách đó đòi hỏi sự thay đổi đột ngột toàn bộ nền kinh tế của họ theo hướng chi tiêu quân sự. Nhưng hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia tiên tiến nhất, đơn giản không cảm thấy bị đe dọa đủ bởi sức mạnh to lớn của Mỹ, ngay cả khi họ thấy nó không bị kiềm chế và liều lĩnh, để biện hộ cho việc chi tiêu lớn cho các lực lượng quân sự riêng của họ.

Đấy là một hiện tượng mới trong công việc quốc tế. Ngay cả khi Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động quân sự mà những người khác coi là không được biện minh và phi pháp, việc này đã không dẫn đến việc rút sự ủng hộ quyền lực Mỹ nói chung. Hành động năm 2011 ở Libya đã là một thí dụ hàng đầu. Chỉ vài năm sau sự ồn ào toàn cầu về việc Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq, và với binh lính Mỹ vẫn tiến hành cuộc chiến tranh không được lòng dân ấy, nhiều quốc gia, dẫn đầu bởi Pháp và Anh, thậm chí cả các nhà nước Arab, đã cầu khẩn Hoa Kỳ triển khai sức mạnh quân sự của mình, lại để lật đổ một kẻ thống trị Muslim nữa trong một nước Arab. Rất nhiều quốc gia đã ủng hộ việc Hoa Kỳ sử dụng võ lực ở Libya đến mức hai quốc gia chắc chắn đã không ưa để thấy sức mạnh Mỹ lại được phô trương – Nga và Trung Quốc – đã cảm thấy họ không có lựa chọn nào ngoài việc ưng thuận sự mong muốn thịnh hành để Hoa Kỳ lại lần nữa rút gươm của mình ra.

Người ta không thể trách Moscow hay Bắc Kinh vì họ là những người ủng hộ bất hạnh và miễn cưỡng của hành động quân sự Mỹ, ở Libya và những nơi khác. Chẳng quốc gia nào trong hai cường quốc lớn này đã có bao giờ được hưởng sự ủng hộ quốc tế tương tự cho việc sử dụng vũ lực của họ. Khi Nga tiến hành chiến tranh, nó tiến hành một mình, chí ít kể từ Chiến tranh Thế giới II. Không có cuộc bỏ phiếu nào ở Liên Hiệp Quốc hay ở bất cứ tổ chức đa phương nào khác phê chuẩn việc Moscow sử dụng vũ lực. Khi Nga đưa binh lính của mình vào Georgia năm 2008, ngay cả phiên bản NATO của riêng nó, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, đã không đưa ra sự chấp thuận. Khi những người Soviet can thiệp vào Afghanistan năm 1979, họ đã vào mà không có sự tham gia của binh lính Ba Lan hay của các nước thành viên Hiệp ước Warsaw khác bên cạnh họ. Mỉa mai thay, khi các lính Ba Lan cuối cùng đã đi chiến đấu ở Afghanistan gần hai thập niên sau, họ đã sát cánh cùng binh lính Mỹ.

Khi Trung Quốc can thiệp vào Triều Tiên năm 1950, nó cũng đã tiến hành một mình. Nó đã không sử dụng vũ lực kể từ khi lại nổi lên với tư cách một cường quốc lớn, nhưng nó có nhận được sự chấp thuận nếu nó đã sử dụng? Ngày nay, ngay cả khi Trung Quốc cử vài tàu cho các nỗ lực chống cướp biển cách xa bờ biển châu Phi, nó gây nên sự lo ngại giữa các cường quốc địa phương, như Ấn Độ. Các nhà chiến lược Trung Quốc đôi khi lấy làm lạ về cách Hoa Kỳ có thể xoay xở được. Như nhà tư tưởng chiến lược Diêm Học Thông (Yan Xuetong) diễn đạt, những người Mỹ đã tạo ra “một hệ thống bá chủ được định chế hóa” bằng cách “thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế” phù hợp với các nguyên lý ứng xử Mỹ. Một khi các tiêu chuẩn này được “đa số các nước chấp nhận”, thì quyền bá chủ Mỹ trở nên được “hợp pháp hóa”.49 Nhưng cái người Trung Quốc thấy thực sự khó chịu là quy mô của các liên minh quân sự của Mỹ, vì, như Điêm Học Thông nhận xét, “Mỹ có hơn 50 liên minh quân sự chính thức, trong khi Trung Quốc chẳng có liên minh nào”.50 Điều này cho Hoa Kỳ một lợi thế khổng lồ.

Các nước khác có được sự ủng hộ quốc tế khi họ sử dụng vũ lực: Pháp và Anh, chẳng hạn, ở Coote d’Ivoire, Sierra Leon, và Libya; Australia ở Đông Timor. Nhưng họ không là các cường quốc lớn và không sử dụng bất cứ thứ gì giống như loại sức mạnh quân sự mà Hoa Kỳ sử dụng. Hơn nữa, họ là một phần của câu lạc bộ dân chủ toàn cầu vẫn áp đảo, mà riêng mình nó đã có khả năng cho sự hợp pháp quốc tế nào đó cho hành động quân sự. Theo lệ thường, hoặc các quốc gia đã chiếm hữu sức mạnh to lớn nhưng có được sự chấp nhận quốc tế thấp cho việc sử dụng vũ lực của mình, hay nhận được sự chấp nhận quốc tế rộng rãi cho việc sử dụng vũ lực của họ nhưng đã tương đối ít sử dụng nó. Và điều đó có ý nghĩa. Vì sao các quốc gia yếu hơn cổ vũ các quốc gia mạnh nhất sử dụng sức mạnh của họ? Trong khía cạnh này Hoa Kỳ đã là một sự dị thường. Từ cuối Chiến tranh Thế giới II, nó đã giữ thế gần như độc quyền về sức mạnh quân sự được hợp pháp hóa, và nó vẫn có ngày nay.

Vì sao thế giới đã hết sức chấp nhận sức mạnh quân sự Mỹ? Không phải bởi vì sức mạnh đó đã được sử dụng hoặc một cách tằn tiện, hay một cách không sai lầm, hay luôn luôn phù hợp với luật quốc tế, hay thậm chí luôn luôn được tham vấn với các đồng minh. Một số người lý lẽ rằng hệ thống quốc tế do Hoa Kỳ thiết lập sau Chiến tranh Thế giới II đã dựa trên các quy tắc và các thể chế mà những người Mỹ ràng buộc mình cũng như những người khác. Theo lý thuyết này, các quốc gia khác có thể tin Hoa Kỳ tôn trọng các quy tắc này, nhất là các quy tắc điều chỉnh việc sử dụng vũ lực, và hoạt động bên trong các định chế như Liên Hiệp Quốc hay NATO. Việc này cho các quốc gia khác một mức độ tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ không lạm dụng quyền lực của mình.51

Tuy vậy, thực ra Hoa Kỳ đã không luôn luôn cảm thấy bị kiềm chế bởi hoặc các luật lệ hay các định chế, ngay cả bởi những cái do chính nó tạo ra. Từ việc lật đổ hay âm mưu lật đổ các chính phủ ở Iran, Guatemala, Cuba, đến Chiến tranh Việt Nam và sự can thiệp ở Cộng hòa Dominic, đến xâm chiếm Panama và chiến tranh Kosovo, Hoa Kỳ dưới thời các tổng thống cả dân chủ lẫn cộng hòa đã thường bất chấp hay bỏ qua các luật lệ và các định chế quốc tế, cả trong Chiến tranh Lạnh lẫn trong hai thập niên sau đó.

Những người Mỹ, tuy thường cam kết về nguyên tắc với chủ nghĩa đa phương, cũng đã chẳng cho phép mình bị bao vây nhiều bởi các đồng minh của họ hay bởi các định chế như Liên Hợp Quốc. Các lời răn của những Người Cha Lập quốc chống lại “các liên minh gây rối rắm” đã vang vọng suốt các thế kỷ, như chính sự nghi ngờ của Mỹ về các định chế quốc tế và bất cứ hạn chế được cảm nhận nào đối với quyền tự chủ của nó. Những điều này đã cung cấp một đối trọng với tình cảm Mỹ cho luật lệ và các định chế quốc tế. Hoa Kỳ, hơn nữa, với tư cách một quốc gia rất hùng mạnh, đã không sẵn sàng hơn các cường quốc hùng mạnh trong quá khứ để hoàn toàn bị kiềm chế bởi các quốc gia yếu hơn. Hoa Kỳ đã không do dự tiến hành chiến tranh Kosovo năm 1999, bất chấp việc không đạt được sự chấp thuận tại Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, hay để ném bom Iraq năm 1998, bất chấp những sự phản đối ồn ào từ các đồng minh gần gũi như Pháp. Ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, như một học giả đã nhận xét, cam kết khoa trương của Mỹ với “chủ nghĩa đa phương nói chung đã che dấu bản chất của chủ nghĩa đơn phương”.52 Như thường lệ, Hoa Kỳ đã tìm kiếm sự chấp thuận các hành động quân sự của nó chỉ khi nó tự tin là nó có thể nhận được, như khi Truman đã tìm kiếm sự cho phép của Liên Hiệp Quốcđối với sự can thiệp vào Triều Tiên trong khi Liên Xô đã tẩy chay Hội đồng Bảo An, hay khi George H. W. Bush đã tìm kiếm sự cho phép của Liên Hiệp Quốc đối với chiến tranh chống Iraq năm 1991 tại thời điểm ông ta biết Liên Xô, đã bị yếu đi và kiệt sức, sẽ chiều theo. Có bất cứ ai đi tin Bush đã sẽ kiềm chế hành động nếu giả như Liên Xô đã phản đối? Khi ông ta ra lệnh việc xâm chiếm Panama năm 1989 để loại bỏ Manuel Noriega, ông ta đã không nao núng trước sự thực rằng Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã lên án hành động như sự vi phạm luật pháp quốc tế, và Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ đã thông qua một nghị quyết lấy làm tiếc về việc đó, và Mỹ đã phải phủ quyết một dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đòi rút ngay lập tức các lực lượng Mỹ.

Thái độ đôi khi ngạo mạn này với các đồng minh và các định chế cũng hiển nhiên về các vấn đề kinh tế nữa. Khi Richard Nixon rút Hoa Kỳ khỏi bản vị (tiêu chuẩn) vàng năm 1971, như thế chấm dứt hệ thống Bretton Woods mà Hoa Kỳ đã nghĩ ra sau Chiến tranh Thế giới II, ông ta đã làm vậy mà không tham vấn ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Khó để tin phần còn lại của thế giới đã coi Hoa Kỳ như tuân thủ một cách nhất quán các quy tắc của các định chế quốc tế mà nó đã giúp tạo ra. Mặc dù những người Mỹ tự cho là khác đi, mặc dù họ là giữa những người ủng hộ chủ nghĩa hợp pháp nhất trên thế giới, trật tự mà họ duy trì đã chẳng bao giờ dựa nghiêm túc trên luật pháp, mà đúng hơn trên cảm nhận của người Mỹ về các lợi ích của họ và trên đánh giá của họ về cái đúng và sai.

Thế thì vì sao thế giới lại chấp nhận đến vậy? Cảm nhận về các động cơ và các mục tiêu Mỹ là một câu trả lời. Bất luận các nước khác có thể nói gì, nhiều người chấp nhận một cách ngầm định rằng khi Mỹ sử dụng vũ lực, hiếm khi nó theo đuổi chỉ riêng các lợi ích hẹp hòi mà cũng bảo vệ các nguyên lý của một trật tự mà các quốc gia tự do khác chia sẻ và từ đó họ được hưởng lợi. Thực ra, nhiều quốc gia đồng ý với Mỹ về định nghĩa của cái đúng và cái sai, cho dù đôi khi họ chê bai phương pháp xét xử của Mỹ. Các quốc gia khác cũng chẳng thể không thấy tính nước đôi mà với nó những người Mỹ sử dụng sức mạnh của mình. Chính sự miễn cưỡng rõ rệt của Mỹ trong nắm và sử dụng quyền lực, ác cảm rõ ràng của họ đối với các trách nhiệm thống trị những người khác – hơn là cam kết của họ đối với luật pháp và các định chế – là cái khiến cho Hoa Kỳ, đối với nhiều quốc gia, là một kẻ bá chủ có thể chịu đựng được dẫu thường bị lầm lạc. Một chừng mực nào đó của sự chấp thuận này chẳng liên quan gì đến cái những người Mỹ nói hay tin hoặc họ ứng xử ra sao. Nó đơn giản là vấn đề địa chính trị – sự thực rằng ngay cả trong thế giới hiện đại này của truyền thông và giao thông nhanh chóng, Hoa Kỳ, về mặt địa chính trị, vẫn là một đảo xa, xa các trung tâm của sự tranh đua cường quốc lớn. Các bãi chiến trường xung đột của thế giới trong hàng thế kỷ đã là ở Châu Âu, Châu Á và Trung Đông, nơi nhiều cường quốc có chung các láng giềng, tranh đua địa vị đứng đầu, và đã tham gia vào các chuỗi không bao giờ chấm dứt của sự ganh đua quân sự và chiến tranh. Hoa Kỳ, đơn độc trong số các cường quốc lớn thế giới, không là một phần của một khu vực như vậy. Nó là láng giềng của không cường quốc lớn nào (với các lời xin lỗi đối với Mexico và Canada). Nó đứng riêng ra. Chẳng quan trọng nó dính líu sâu đến thế nào vào các vùng tranh chấp nặng nề khác của thế giới, nó vẫn xa chúng, cả về mặt vật lý lẫn về mặt tinh thần. Như một kết quả, những người Âu châu, những người Châu Á, và những người khác ở Trung Đông luôn luôn đã lo lắng nhiều về cái các cường quốc láng giềng đang làm hơn là về sức mạnh Mỹ ở xa, bất chấp sức mạnh lớn hơn nhiều của nó. Và khi sức mạnh và ứng xử của một trong các cường quốc láng giềng đã làm tăng sự đe dọa, họ đã ngó tới Hoa Kỳ như một đối tác tự nhiên – thoải mái cả vì sức mạnh của nó cả vì sự xa cách của nó. Pháp và Anh đã quay sang nhờ Hoa Kỳ giúp đỡ chống Đức; Đức đã quay sang nhờ Hoa Kỳ giúp chống Liên Xô, Trung Quốc cũng thế; Trung Quốc và Triều Tiên đã quay sang nhờ Hoa Kỳ giúp chống Nhật; Nhật bản đã quay sang nhờ Hoa Kỳ giúp chống Trung Quốc; các nước Arab vùng Vịnh đã quay sang nhờ Hoa Kỳ giúp chống Iran hay Iraq – và luôn luôn bởi vì mối hăm dọa láng giềng trông có vẻ đe dọa hơn và bởi vì Hoa Kỳ thực sự có sức mạnh để giúp.53

Điều này chỉ ra lý do cuối cùng vì sao quyền lực Mỹ lại được dung thứ và thậm chí được hoan nghênh bởi nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Họ cần nó, hoặc chí ít họ cảm thấy họ có thể cần nó trong tương lai. Họ đã chấp nhận sức mạnh to lớn của Mỹ không phải trước hết từ tình cảm hay sự ngưỡng mộ mà từ lợi ích của bản thân họ. Họ đã muốn Hoa Kỳ trở nên hùng mạnh về quân sự và cũng cam kết về quân sự, cho dù điều đó có nghĩa là phải dung thứ cái mà nhiều người coi như việc sử dụng ngông cuồng sức mạnh quân sự ấy. Trong các năm 1960, khi các sinh viên Đức biểu tình trên đường phố chống lại chiến tranh Việt Nam, thủ tướng Đức đã ra hiệu thận trọng. Hoa Kỳ “đang chiến đấu ở đó vì các lý do của các hiệp ước và các nghĩa vụ long trọng”, ông nhận xét, và nếu những người Mỹ bỏ rơi đồng minh của mình ở Nam Việt Nam, thì những người Đức cũng có thể bị bỏ rơi một ngày nào đó. “Chung quy không thể tránh khỏi câu hỏi nếu nói chung người ta có thể tin Mỹ”.54 Năm 1968, sự phê phán chiến tranh Việt Nam tạm thời lặng đi sau cuộc xâm chiếm Soviet vào Tiệp Khắc (Czechoslovakia). Bất luận nỗi e sợ của họ là gì, và đã có nhiều nỗi lo âu như vậy, các đồng minh của Mỹ đã không đánh giá Hoa Kỳ như thế giả như nó đã không có khả năng và không sẵn sàng sử dụng vũ lực.

Sự chấp nhận chung này của sức mạnh Mỹ trong nhiều thập niên vừa qua đã là cốt yếu cho sự duy trì hòa bình giữa các cường quốc lớn. Những người muốn trở thành những kẻ thách thức trật tự quốc tế, thậm chí những người muốn trở thành những kẻ thách thức các trật tự khu vực ở Châu Âu, Châu Á, và Trung Đông, đều phải cân nhắc không chỉ sự thực về quân sự gây chết người của Mỹ mà cả sự ủng hộ mà nó có được từ đa số các quốc gia quan trọng nhất của thế giới. Ngoài việc đối mặt với sức mạnh quân sự Mỹ, kẻ thách thức khu vực có thể thấy mình bị cô lập về mặt ngoại giao và phải chịu những trừng phạt kinh tế và trừng phạt khác trong một hệ thống quốc tế, mà trong đó Hoa Kỳ có ảnh hưởng mạnh hơn cường quốc thách thức đó.

Đấy chắc chắn đã là sự bận tâm lớn của các lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt từ các sự kiện trên Quảng trường Thiên An Môn, khi Hoa Kỳ đã tổ chức một chế độ cô lập quốc tế và các trừng phạt kinh tế nhắm tới chính phủ Bắc Kinh. Nó đã tiết lộ, theo lời của các học giả Trung Quốc, sự tồn tại của một “thứ bậc quốc tế bị áp đảo bởi Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ của nó”. Đã có một “nhóm cường quốc lớn xung quanh Hoa Kỳ”, mà từ đó Trung Quốc là một “kẻ đứng ngoài”.55 Giả như Trung Quốc tiến hành hoạt động quân sự nào đấy, ngay cả trong vùng lân cận riêng của nó, nó không chỉ phải lo về các lực lượng Mỹ và các lực lượng của các cường quốc địa phương, mà nó có thể thấy mình phải đối mặt về mặt ngoại giao và kinh tế bởi một liên minh của các nền dân chủ tiên tiến và giàu có do Mỹ lãnh đạo.

Cứ như, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn quanh và cảm thấy một bức tường ngăn chặn do Mỹ xây dựng. Như Hồ Cẩm Đào diễn đạt vài năm trước đây, Hoa Kỳ đã “tăng cường việc triển khai quân sự của nó ở khu vực Châu Á–Thái Bình Dương, đã củng cố liên minh quân sự Mỹ–Nhật, đã tăng cường sự hợp tác chiến lược với Ấn Độ, đã cải thiện các mối quan hệ với Việt Nam, đã dụ dỗ Pakistan, đã thiết lập chính phủ thân Mỹ ở Afghanistan, đã tăng bán vũ khí cho Đài Loan, và vân vân. Họ đã mở rộng các tiền đồn và đã đặt các điểm áp lực lên chúng ta từ hướng đông, nam và tây”.56 Các nhà lãnh đạo Trung Quốc che giấu “một nỗi sợ thường trực về bị các cường quốc dẫn đầu, đặc biệt là Hoa Kỳ, chọn ra và nhắm tới” và một “sự lo âu sâu sắc cho sự sống sót của chế độ, gần như là một cảm giác bị bao vây”.57 Triển vọng về đội cảnh sát (posse comitatus) Mỹ toàn cầu này, và thực tế không thể chối cãi được của sức mạnh quân sự Mỹ, đã là cái gì đó để phải coi một cách nghiêm túc. Như các nhà nghiên cứu lịch sử cẩn trọng, những người Trung Quốc biết rõ số phận của Đức, Nhật Bản, và Liên Xô.

Sự kết hợp lạ thường của sức mạnh to lớn và sự chấp nhận toàn cầu đặc biệt của sức mạnh đó là nhân tố chính đã ngăn chặn chiến tranh giữa các cường quốc lớn. Chúng ta bị lóa mắt bởi dân chủ hóa, toàn cầu hóa, và sự phụ thuộc lẫn nhau, và tin các diễn biến mới này là những cái làm cho thế giới của chúng ta khác đến vậy. Nhưng các xu hướng này đã lên xuống thường xuyên trong hơn một thế kỷ, và chúng đã không ngăn cản được các cuộc chiến tranh thảm khốc trong quá khứ và không thể được dựa vào trong tương lai. Lý thuyết hòa bình dân chủ được khoe khoang khoác lác nhiều sẽ có sức thuyết phục hơn nếu giả như các cường quốc lớn thực sự đều là các nền dân chủ. Nó có thể giải thích vì sao Đức và Pháp đã không tiến hành chiến tranh, nhưng nó không giải thích vì sao Nga và Trung Quốc, hai cường quốc lớn chuyên quyền, hãy còn bị dính líu trong các xung đột với các cường quốc lớn khác. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã không ngăn cản hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ hai mươi, và ngay cả ngày nay các cường quốc lớn không thể được tin cậy để đặt cơ sở cho mọi quyết định về hòa bình và chiến tranh lên những cân nhắc kinh tế. Người ta có thể tưởng tượng Trung Quốc tấn công một Đài Loan có đầu óc độc lập bất chấp các hậu quả kinh tế khả dĩ. Các cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq và Afghanistan đã không chính xác là một mối lợi cho nền kinh tế Mỹ. Cả con người lẫn các quốc gia đều không sống chỉ bằng bánh mỳ. Chủ nghĩa dân tộc, danh dự, nỗi sợ, và những xúc cảm con người khác, cũng như những tính toán về quyền lực, định hình ứng xử của các quốc gia hệt như chúng định hình ứng xử của dân chúng những người sống trong quốc gia ấy.

Quan điểm chung rằng không thể có chiến tranh vì lãnh thổ, bởi vì lãnh thổ không còn quan trọng nữa trong thời đại được số hóa của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, cũng đáng nghi ngờ. Ta chỉ cần ngó tới sự triển khai quân sự của các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, và Pakistan để thấy, đối với họ, lãnh thổ quả thực rất quan trọng. Trung Quốc khăng khăng rằng việc khôi phục lại và bảo tồn “tính toàn vẹn lãnh thổ” của nó – bao gồm Tây Tạng, Hồng Kông, và Đài Loan – là “lợi ích cốt lõi”, cũng như sự kiểm soát các tài nguyên khoáng sản và các làn tàu biển ở Biển Đông. Các cuộc chiến tranh đã được tiến hành và có thể lại được tiến hành trên vùng biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Arunachal Pradesh, giữa Ấn Độ và Pakistan ở Kashmir, và trên các biên giới lãnh thổ của Georgia. Người Nga đòi hỏi Crimea ở Ukraina và Bắc Cực chắc sẽ là chủ đề tranh chấp trong tương lai. Vấn đề của một nước Kurdistan độc lập lôi kéo Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, và Syria vào các tranh chấp lãnh thổ. Và tất nhiên có tranh chấp lãnh thổ giữa Israel và Palestine, mà đã dẫn đến bốn cuộc chiến tranh trong quá khứ và có thể lại như thế.

Chúng ta có thể đặt lòng tin của mình vào vũ khí hạt nhân để duy trì hòa bình giữa các cường quốc lớn? Có những người nghĩ như vậy, và một số người thậm chí còn đã gợi ý vũ trang toàn bộ các quốc gia trên thế giới với vũ khí hạt nhân như một cách để đảm bảo hòa bình thế giới. Nhưng “hòa bình hạt nhân” có vẻ còn ít tin cậy hơn “hòa bình dân chủ”. Có thể tưởng tượng hai cường quốc hạt nhân tiến hành một cuộc chiến tranh quy ước nghiêm ngặt. Thực ra, chính xác là một cuộc chiến tranh như vậy mà cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đang chi tiêu hàng trăm tỷ đô la để chuẩn bị. Ấn Độ và Pakistan hàng ngày chuẩn bị một cuộc chiến tranh quy ước trên Kashmir, bất chấp các kho vũ khí hạt nhân của họ. Trong các thế kỷ mười bảy, mười tám, và mười chín, các cường quốc lớn đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh hạn chế vì các mục đích hạn chế mà không tìm cách hủy diệt lẫn nhau. Sự khủng khiếp của vũ khí hạt nhân cũng chẳng là một đảm bảo đáng tin cậy chống lại việc sử dụng chúng. Trong Chiến tranh Lạnh các nhà lãnh đạo thế giới đã nói thường xuyên về khả năng của chiến tranh hạt nhân hơn chúng ta có thể muốn nhớ. George C. Marshall khả kính đã nói về quan trọng thế nào để những người Soviet hiểu “rằng Hoa Kỳ sẽ thực sự sử dụng bom nguyên tử chống lại họ trong trường hợp chiến tranh”.58 Gần cuối Chiến tranh Triều Tiên, Dwight Eisenhower đã cảnh cáo một cách dứt khoát những người Trung Quốc rằng ông ta sẽ không bị “giới hạn bởi bất cứ thỏa thuận quân tử nào” liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, và ông đã bình luận cho các cố vấn riêng của ông ta rằng sự tập trung lớn của binh lính Trung Quốc trở thành “một mục tiêu tốt cho loại vũ khí này”.59 Kennedy đã dự tính triển vọng của chiến tranh hạt nhân trong khủng hoảng Berlin năm 1961 và trong khủng hoảng tên lửa Cuba năm tiếp theo. Và đấy mới chỉ là các lãnh đạo Mỹ. Khrushchev và Mao đã thường nói về chiến tranh hạt nhân mặc dù như một phiên bản cực đoan hơn của chiến tranh quy ước.

Điểm cốt yếu không phải là các yếu tố này là không quan trọng đối với hòa bình. Tất cả chúng đều đóng góp theo cách nào đó cho việc cản trở các cường quốc lớn khỏi tham gia chiến tranh. Nhưng chúng có đáng tin cậy khi thiếu thế trội của Mỹ, hay chúng hóa ra cũng bất lực trong ngăn chặn chiến tranh như chúng đã là năm 1914? Cách tốt nhất để đo lường liệu chúng ta đã đạt một thời đại mới của hòa bình là ứng xử của các quốc gia. Nếu giả như đúng là các quốc gia và các dân tộc đã được “xã hội hóa” để yêu hòa bình và ghét chiến tranh, thì các quốc gia trên thế giới đều giải trừ quân bị một cách có hệ thống. Nhưng họ đã không. Chỉ Châu Âu đang giải trừ quân bị. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, và Nhật Bản, cũng như rất đông các các cường quốc nhỏ hơn, bao gồm Brazil, Iran, và Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn sẵn sàng chi các món tiền lớn để chuẩn bị cho chiến tranh. Cái ngăn cản họ sử dụng những vũ khí đó chống lại nhau không phải là lương tâm hay thương mại, mà là sự phân bố quyền lực trên thế giới mà sự phân bố đó làm cho thành công là hết sức hiếm có khả năng. Giả như sự phân bố quyền lực thay đổi, giả như có sự dịch chuyển thực sự trong sự cân bằng quyền lực theo hướng bình đẳng lớn hơn, thì các cường quốc lớn và đang lên này có thể theo đuổi các chính sách tham vọng hơn bởi vì chiến tranh sẽ là một lựa chọn có thể thực hiện được.

Giai đoạn hòa bình mà chúng ta được hưởng chỉ dài hơn hai thập niên so với thời kỳ hòa bình đã kéo dài từ 1871 đến 1914.  Hai mươi năm thêm là không đủ cho chúng ta để kết luận rằng chúng ta đã rời khỏi lịch sử nhân loại để đi vào một thời đại mới của hòa bình vĩnh cửu. Thay vào đó, chúng ta phải ngó đến các hoàn cảnh đặc biệt mà khiến cho hòa bình là có thể, đến các nhân tố mà có thể thay đổi dễ dàng và gây ra sự tan vỡ của hòa bình, như đã xảy ra thường xuyên đến vậy suốt lịch sử.

 


 * Có một tiểu thuyết với tiêu đề The catcher in the Rye của J. D. Salinger (được dịch ra tiếng Việt là Bắt trẻ đồng xanh)

John Lewis Gaddis, The Long Peace: Inquiries into the History of the Cold War (Oxford, 1989), p. 65.

11. Xem John Lewis Gaddis, We Now Know: Rethinking Cold War History (Oxford, 1998), p. 49.

12. Gaddis, Long Peace, pp. 70, 63.

13. Gaddis, We Now Know, p. 43.

14. Được trích trong Samuel P. Huntington, The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century (Norman, Okla., 1993), p. 17.

15. Được trích trong John Keane, The Life and Death of Democracy (New York, 2009), p. 573.

16. Ibid.

17. Huntington, Third Wave, p. 40.

18. Ibid., p. 21.

19. Samuel P. Huntington, “Will More Countries Become Democratic?,” Political Science Quarterly 99 (Summer 1984); được trích trong Larry Diamond, The Spirit of Democracy (New York, 2009), p. 10.

20. Huntington, Third Wave, p. 47.

21. Odd Arne Westad, The Global Cold War: Third World Interventions and the Making of Our Times (Cambridge, U.K., 2009), p. 196.

22. Diamond, Spirit of Democracy, p. 5.

23. Huntington, Third Wave, p. 98.

24. Diamond, Spirit of Democracy, p. 13.

25. Mike Rapport, 1848: Year of Revolution (New York, 2009), p. 409.

26. A. J. P. Taylor, The Course of German History (1945; London, 2001), p. 71.

27. Rapport, 1848, pp. 401, 402.

28. Như Huntington đã chú giải những phát hiện của Jonathan Sunshine một cách dài dòng: “Những ảnh hưởng bên ngoài ở Châu Âu trước 1830 đã phản dân chủ một cách cơ bản và vì thế làm trì trệ sự dân chủ hóa. Giữa 1830 và 1930 … môi trường bên ngoài đã là trung lập … vì thế công cuộc dân chủ hóa đã tiếp diễn ở các nước khác nhau ít nhiều theo nhịp độ do sự phát triển kinh tế và xã hội đặt ra.” Huntington, Third Wave, p. 86.

29. Như Huntington đã nhận xét, “Sự thiếu vắng của Hoa Kỳ trong quá trình đã sẽ có nghĩa là những chuyển đổi sang nền dân chủ ít hơn và muộn hơn.” Ibid., p. 98.

30. Robert Gilpin, U.S. Power and the Multinational Corporation: The Political Economy of Foreign Direct Investment (New York, 1975), p. 85.

31. Trước giữa thế kỷ mười chín, Anh, giống các cường quốc thuộc địa khác, đã ưa thích hệ thống trọng thương của sự thuộc địa hóa và các thị trường đóng. Hoa Kỳ, từ cuối thế kỷ mười tám đến đầu thế kỷ mười chín, đã theo chủ nghĩa bảo hộ trong một nỗ lực để nuôi dưỡng các ngành kém phát triển.

32. Robert Gilpin, War and Change in World Politics (Cambridge, U.K., 1983), p. 139.

33. John Kenneth Galbraith, The Affuent Society (1958; New York, 1998), p. 1.

34. Angus Maddison, The World Economy, vol. 1, A Millennial Perspective, and vol. 2, Historical Statistics (Paris, 2007), 1:262 (sẵn có trên mạng tại http://www.keepeek.com/Digital-Asset-Management/oecd/development/the-worldeconomy_9789264022621-en; thâm nhập 2-12-2011). Các số liệu loại trừ Nhật Bản.

35. Ian Bremmer, The End of the Free Market: Who Wins the War Between States and Corporations? (New York, 2010), p. 19.

36. Paul Collier, The Bottom Billion: Why the Poorest Countries Are Failing and What Can Be Done About It (Oxford, 2007), pp. 3–8. (Oxford, 2007), pp. 3–8.

37. Gilpin, U.S. Power, pp. 85, 84.

38. John Maynard Keynes, The Economic Consequences of the Peace (New York, 1920), pp. 10, 12.

39. Steven Pinker, “Why Is There Peace?,” Greater Good: The Science of a Meaningful Life, April 1, 2009; http://greatergood.berkeley.edu/article/item/why_is_there_peace/. Ông trích dẫn công trình của James Payne, Robert Wright, và Peter Singer về chủ đề này.

40. Robert Jervis, “Theories of War in an Era of Leading-Power Peace,” American Political Science Review 96, no.1 (March 2002).

41. Robert Osgood, Ideals and Self-Interest in America’s Foreign Relations: The Great Transformation of the Twentieth Century (1953; Chicago, 1964), pp. 92–94.

42. Norman Angell, The Great Illusion: A Study of the Relation of Military Power in Nations to Their Economic and Social Advantage (New York and London, 1910).

43. Randolph S. Churchill, Winston Churchill: Young Statesman, 1901–1914 (Boston, 1967), pp. 101, 494.

44. Theodore Roosevelt, thông điệp hàng năm thứ hai cho Quốc Hội, December 2, 1902, được trích trong Strobe Talbott, The Great Experiment: The Story of Ancient Empires, Modern States, and the Quest for a Global Nation (New York, 2008), p. 138; Theodore Roosevelt, thông điệp hàng năm thứ nhất cho Quốc Hội, December 3, 1901, được trích trong James R. Holmes, Theodore Roosevelt and World Order: Police Power in International Relations (Dulles, Va.,2006), p. 69.

45. Theo Ivan Bloch, “tương lai của chiến tranh” đã “không phải là đánh nhau, mà là nạn đói, không phải là giết người mà là sự vỡ nợ của các quốc gia.” Donald Kagan, On the Origins of War and the Preservation of Peace (New York, 1996), p. 3.

46. Martin Gilbert, The First World War: A Complete History (New York, 2004), p. 12.

47. Cuộc chiến tranh giữa Nga và Nhật Bản năm 1904–5 bằng cách nào đó đã không được kể đến, vì hầu hết mọi người thời đó đã không thể hình dung nổi về một cường quốc không–Âu châu như một “cường quốc lớn.”

48. Một số người đã có thể lý lẽ rằng “thế lưỡng nan an ninh–security dilemma” ở giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong suốt phần lớn Chiến tranh Lạnh đã làm nảy sinh cuộc chạy đua vũ trang. Quả thực, trong mức độ nào đó khái niệm đã được tạo ra để mô tả tình trạng đó. Thế nhưng có lý do để nghi ngờ rằng động học của một sự tìm kiếm chung cho an ninh tạo ra sự bất an ninh chung đã từng thực sự có hiệu lực. Như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Harold Brown đã lưu ý một cách tài tình, chính sách Soviet đã có vẻ không thay đổi theo phản ứng với các hành động của Mỹ – “Khi chúng ta xây, họ xây. Khi chúng ta dừng, họ xây” – nhưng đã theo một logic chiến lược khác.

49. Yan Xuetong, Meiguo Baquan yu Zhongguo Anquan [Quyền Bá chủ Mỹ và An Ninh của Trung Quốc] (Tianjin,2000), p. 23.

50. Yan Xuetong, “How chína Can Defeat America,” New York Times, November 20, 2011.

51. Quan điểm này đã được diễn đạt khéo nhất bởi G. John Ikenberry trong rất nhiều sách và tiểu luận, kể cả trong Liberal Leviathan gần đây nhất.

52. Robert W. Tucker, “Alone or with Others: The Temptations of Post–Cold War Power,” Foreign Affairs, November/December 1999.

53. Về thảo luận hay nhất về thực tế địa chính trị này, xem William Wohlforth, “The Stability of a Unipolar World,” International Security 24 (Summer 1999).

54. Lundestad, United States and Western Europe, p. 160.

55. Yong Deng and Fei-Ling Wang, eds., chína Rising: Power and Motivation in chínese Foreign Policy (Lanham, Md., 2004), p. 10.

56. Andrew Nathan and Bruce Gilley, chína’s New Rulers (New York, 2003), p. 206.

57. Fei-Ling Wang, “Beijing’s Incentive Structure: The Pursuit of Preservation, Prosperity, and Power,” trong Deng and Wang, chína Rising, p. 22.

58. Robert J. Donovan, Tumultuous Years: The Presidency of Harry S Truman, 1949–1953 (Columbia, Mo., 1996), p. 100.

59. Ibid., pp. 52, 51.

Người dịch : Nguyễn Quang A

Nguồn: THE WORLD AMERICA MADE - ROBERT KAGAN - Alfred A. Knoff - NEW YORK 2012

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529235

Hôm nay

2282

Hôm qua

2334

Tuần này

21508

Tháng này

215931

Tháng qua

0

Tất cả

114529235