Khách mời văn hóa

TSKH Phan Hồng Giang: Điều khiến nhiều người rầu lòng nhất là sự xuống cấp của đạo đức xã hội

TSKH. Phan Hồng Giang

VHNA: Văn hóa và giáo dục là hai môi trường, hai không gian quan trọng bậc nhất của đời sống xã hội. Con nguời sinh ra, trưởng thành trong đó và quyết định đạo đức mà họ là chủ thể. Nhân Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa XI vừa ra Nghị quyết 4 về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", VHNA đã đón TSKH Phan Hồng Giang làm khách và cùng trao đổi về những vấn đề xã hội đáng quan tâm từ cách tiếp cận về văn hóa và giáo dục.

PV: Thưa ông, xin được bắt đầu từ nghề nghiệp nghiên cứu văn học của ông. Ông thấy đời sống văn học của nước ta hiện nay như thế nào, từ sáng tác văn chương đến lý luận phê bình?

TSKH Phan Hồng Giang (PHG): Để trả lời tương đối đầy đủ câu hỏi này của anh có lẽ phải cần tới vài ba luận án tiến sĩ thứ thiệt. Tôi chỉ có thể trả lời vắn tắt.

Đời sống văn học ở nước ta hiện nay theo cảm nhận của riêng tôi, khá phong phú, đa dạng nhưng cũng không quá nhộn nhịp sôi động bởi không có sự xuất hiện của nhiều tên tuổi nổi bật hay sự chú ý đặc biệt của đông đảo độc giả dành cho văn học. Hình như cuộc mưu sinh tất bật khắp nơi hôm nay cùng với sự xuất hiện của nhiều phương tiện nghe nhìn hấp dẫn khác đã khiến số lượng người đọc sách văn học giảm đến mức thê lương: Với số dân gần 90 triệu, trung bình mỗi đầu sách văn chương chỉ được in ra phổ biến là trên dưới 1000 bản. Văn chương thưa vắng người đọc khác nào... bóng đá trước khán đài lơ thơ người xem?!

Nếu hình dung bức tranh toàn cảnh văn học nước nhà như một "hội chợ" triển lãm thì đi vào những khu vực cụ thể có thể thấy các "quầy" thơ trẻ, văn xuôi trẻ, văn học mạng... có vẻ tấp nập ồn ào, nhưng lại chưa có nhiều sản phẩm "bắt mắt", "hữu dụng" hứa hẹn còn lưu lại lâu dài.

Sự tham gia khá sốt sắng của các "quầy" văn chương (?) thủ công nghiệp dư, -nhất là trong thể loại thơ, - thực ra, ngoài tình yêu văn chương thái quá thể hiện bằng số lượng đáng nể, thì cũng không có gì nhiều để nói. Văn thơ dở thì chỉ còn nước là chính tác giả cùng vợ con bạn bè thân quý gật gù thưởng thức. Như hàng xấu vụng về thì không ai mua dùng.

"Quầy" hải ngoại cũng khá đông vui với các cây bút không còn mãi nhâm nhi nỗi buồn xa xứ hay gậm nhấm mối thù xưa hận cũ...

"Quầy" các bậc cao niên - ngoại ngũ tuần "tri thiên mệnh", lục tuần "nhi nhĩ thuận" hay "thất thập cổ lai hy" và cao hơn nữa... thì thoạt trông có vẻ "đìu hiu" nhưng ngắm nghía kỹ lại hóa ra hầu hết toàn là "đặc sản", là thứ rượu chưng cất nhiều năm, càng để lâu càng đậm đà hương vị của các quan sát chiêm nghiệm sâu xa chuyện nhân tình thế thái, xới xáo những trầm tích văn hóa...

Đặc biệt có sự hiện diện của cả các "quầy" mà chủ nhân của chúng có thể nói - theo nghĩa đen - là "đội mồ sống dậy", chiếm vị thế trang trọng trong cuộc "quần anh tụ hội" giả tưởng hôm nay.

"Quầy" lý luận phê bình khá lâu trước đây thường tự hào với thiên chức làm "cái roi" quất cho "con ngựa văn chương" lồng lên (?) nay lại tỏ ra khá vắng vẻ khiêm nhường vào vai các học giả đeo mục kỉnh trầm tư, theo đuổi các thao tác lý luận này nọ...

(Tôi không nhắc đến những cái tên cụ thể nào; người trong giới đọc những giòng trên có thể tự tin mà đoán tiếp ra điều tôi muốn nói, trong khi nếu tôi tự kể thì các bạn sẽ cho là vừa thừa, vừa thiếu !).

 PV: Văn học đương đại của chúng ta đã có những tác phẩm lớn và những nhà văn, nhà thơ lớn chưa? Có tác phẩm nào, tác giả nào thực sự lớn mà chúng ta chưa nhận ra hoặc cố tình không công nhận là lớn?

 PHG: Xin nói ngay là để hạ bút đánh giá tác phẩm văn học này "lớn", tác phẩm kia "bé" cần có những tiêu chí cụ thể đại để là về nội dung đề cập, hình thức biểu đạt, về cảm hứng nghệ thuật hay đặc sắc ngôn từ, về hiệu quả xã hội khách quan và chủ quan, về sự tiếp nhận mang tính đặc thù tương đối ở mỗi người ... Mà tất cả những tiêu chí trên, tiếc thay (hay may thay?) lại rất khác biệt - thậm chí còn trái ngược nhau ! - ở những người đọc, những nhóm người đọc cụ thể. Vậy nên tôi cũng xin khất không vội trả lời đạt mức được coi là rõ ràng cho câu hỏi này ngay bây giờ vì quả thật không muốn vô tình (?) gây ra những tranh cãi có thể căng thẳng mà vô bổ khi xuất phát điểm của các đánh giá cụ thể lại hứa hẹn sẽ cách xa nhau quá nhiều! Tôi nghĩ mình có thể sẽ quay lại chủ đề này vào một dịp khác thích hợp hơn chăng?

Tôi chỉ có thể nói ngay một điều rằng, dưới góc nhìn của tôi, văn học đương đại của ta đã và đang có những tác phẩm lớn cùng các tác giả lớn.

 PV: Điều khác biệt lớn nhất, căn bản nhất của văn học thời hôm nay so với mấy chục năm trước là gì? Cái khác đó có là một điều kiện để chúng ta hy vọng có những tác giả và tác phẩm lớn?

 PHG: Nếu đem so văn học ngày nay với cách đây vài chục năm thì điều khác biệt lớn nhất nằm ở bối cảnh xã hội mà từ đó văn học đã sản sinh ra: những đổi mới đáng kể diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, nhìn từ sâu xa, đã phần nào góp phần cởi bỏ những bao cấp nặng nề về tư tưởng. Đặc biệt, sự giao lưu, hội nhập quốc tế mang tính tất yếu về nhiều mặt đem lại những thay đổi to lớn trong đời sống xã hội. Từ dòng suối nhỏ chúng ta đã bơi ra biển lớn và học cách hòa nhập tích cực vào nếp cảm. nếp nghĩ và hành vi của nhân loại tiến bộ. Dân trí ngày càng được nâng lên. Tinh thần tư duy khoa học đã dần thay thế cho thói quen tự ràng buộc mình bằng những định đề tiên nghiệm (a priori), con người trở nên khoan dung hơn trước những biểu hiện khác biệt của đồng loại, ngày càng bộc lộ mạnh mẽ hơn nhu cầu được làm chủ chính cuộc đời mình, làm chủ xã hội của những người công dân...

Từ đây, nói riêng về lĩnh vực văn học nghệ thuật, có thể thấy người viết đã có ý thức rõ ràng hơn về sự thực thi quyền tự do trong sáng tác gắn với trách nhiệm chân chính của người công dân. Các cấp quản lý đã tỏ ra thoáng đạt cởi mở hơn và những người viết cũng dần tự cởi bỏ nỗi sợ hãi vô hình bị ai đó xét nét săm soi những cái gọi là "biểu tượng hai mặt", "ám chỉ ẩn dụ" mà từ đó - như trước đây - có thể bị quy chụp những tội lỗi nặng nề, khó tự bào chữa... Đông đảo người đọc, dưới góc độ tư tưởng-nghệ thuật, cũng tỏ ra nghiêm khắc hơn khi tiếp nhận các tác phẩm văn học; họ sẵn sàng ngoảnh mặt làm ngơ đối với những cuốn sách dễ dãi, nhạt nhòa hay nhảm nhí...

Nói gọn lại, một xã hội với trình độ tự ý thức cao đang xuất hiện và - như một tất yếu lịch sử - dần thay thế xã hội thụ động, quen bị áp đặt, bao cấp. Bên cạnh sự hiện diện của tài năng văn chương, đây chính là điều kiện tiên quyết để chúng ta hy vọng về sự xuất hiện ngày một nhiều hơn những tác giả và tác phẩm lớn.

 PV: Văn học là một thành tố cốt lõi của văn hóa. Từ góc nhìn văn học, ông thấy sự vận động văn hóa của nước ta trong giai đoạn vừa qua có những vấn đề, những đặc điểm nào đáng chú ý nhất?

 PHG: Văn học, một lĩnh vực quan trọng của nghệ thuật nói chung, thường được coi là cái chắt lọc, cái tinh hoa của một nền văn hóa. Cho nên nếu chúng ta quan niệm rằng điều cốt lõi nhất của văn hóa là ở đạo đức, lối sống, nếp sống của mọi người trong xã hội thì xem ra khó có thể kỳ vọng gì nhiều ở văn học trong vai trò một tác nhân đáng kể vào sự "vận động văn hóa" mà anh vừa nêu ra.

 Nhiều vấn đề, nhiều đặc điểm của sự vận động ấy chắc chắn sẽ được hiển lộ rõ hơn dưới những góc nhìn khác ngoài văn học. Nhìn dưới góc độ xã hội học chẳng hạn, chúng ta sẽ không gặp khó để nhận ra rằng: chính những bất cập trong hệ thống chính trị (mà Nghị quyết TƯ 4 vừa nêu rõ), những khuyết tật trong thể chế kinh tế thị trường, những hệ quả tiêu cực của giao lưu hội nhập quốc tế... đã làm méo mó tai hại đến thế nào cho diện mạo đạo đức, lối sống, nếp sống của cả xã hội, khiến không một ai trong chúng ta có thể yên lòng trước hiện trạng khá nhốn nháo của đời sống văn hóa hôm nay. 

 PV: Ông có thấy đời sống văn hóa của chúng ta bây giờ có điều gì đáng ái ngại không?

PHG: Điều khiến nhiều người rầu lòng nhất hôm nay là những biểu hiện nhan nhản quanh ta về sự xuống cấp của đạo đức xã hội: làm giàu bất chính bằng tham nhũng và kinh doanh gian lận, khoét sâu thêm không thương tiếc cái hố cách biệt giầu nghèo; thói dối trá, đạo đức giả, nói một đằng làm một nẻo trở thành trâng tráo, công khai; bạo lực không hiếm khi trở thành thói quen ứng xử của nhiều người trong gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội; thói hợm hĩnh khoe của xài như phá cả núi tiền kiếm dễ, không mảy may động lòng khi bao đồng bào bên cạnh còn chật vật chạy ăn từng bữa; những giá trị truyền thống của Chân-Thiện-Mỹ bị phai nhạt, dần nhường chỗ cho Tiền bạc - Quyền lực - Danh vị lên ngôi; không ít nơi trước đây vốn là chốn thiêng liêng như đền chùa miếu mạo nay bỗng chốc thành nơi dậy mùi kim tiền, mê tín quàng xiên, mua thần bán thánh...

Khó có thể kể hết những điều bức xúc, dù kẻ xấu gây ra bao giờ cũng chỉ là số ít. Tất cả gần như diễn ra trước sự vô cảm của một số người này và sự phản kháng bất lực của một số người khác... 

PV: Vậy vấn đề con người? Phẩm chất người Việt ta trong mấy chục năm qua có gì biến chuyển không? Nếu có thì theo ông có điều gì là thuận, điều gì là không thuận?

 PHG: Không thể nói về một con người nào đó chung chung. "Bách nhân bách tính" - các cụ xưa đã dạy. Có người cơ bản là tốt và, ngược lại, cũng có người cơ bản là xấu. Nói về sự chuyển biến trong phẩm chất người Việt ta trong mấy chục năm qua đôi khi dễ khiến ta gợi nhớ tới câu chuyện hài "Thầy bói xem voi". Khó có thể có ngay những nghiên cứu định lượng. Đành tạm bằng lòng với những kết luận thiên về định tính.

Nếu nhìn một cách tổng thể về hiện trạng văn hóa đạo đức của xã hội, từ kỳ vọng rất cao của chúng ta dành cho vai trò, vị trí của văn hóa đối với sự nghiệp thiết lập một xã hội "dân chủ, công bằng, văn minh", chúng ta dễ đồng thuận với cách đánh giá không vui.

Tin vào sự tồn tại vĩnh cửu của những giá trị văn hóa cao đẹp - vốn là bản năng tự vệ bảo đảm cho sự tồn vong của cả dân tộc, chúng ta có thể yên tâm khẳng định về xu hướng đổi thay theo chiều hướng tích cực trong phẩm chất của người Việt; cái xấu phải dần chịu lùi bước, cái tốt đẹp phải giành lại chỗ đứng của mình.

Công cuộc Đổi mới toàn diện ngày càng mạnh mẽ sâu sắc đang diễn ra vừa là hệ quả, vừa là điều kiện tiên quyết để dẫn tới những đổi thay nói trên.

Con người Việt Nam trong mong muốn của chúng ta là con người khao khát thoát khỏi sự hiểu biết hạn hẹp kém cỏi, vươn lên nắm bắt kiến thức khoa học - công nghệ, kiến thức sản xuất - kinh doanh để có thể bộc lộ rõ rệt năng lực cá nhân bằng cách làm ra ngày càng nhiều hơn của cải vật chất - tinh thần, làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình mình và góp phần làm giàu cho đất nước.

Con người Việt Nam đang ngày càng là con người có ý thức làm chủ vận mệnh của bản thân mình, tham gia làm chủ thực sự đất nước, thoát khỏi thân phận "thần dân" luôn trông đợi vào sự "cầm tay chỉ việc" của các "quan trên". Từ vị thế "vô ngã" hòa tan trong "tập thể" vô diện mạo, con người Việt Nam ngày càng nhận ra bản ngã riêng, ý thức rõ ràng về năng lực sáng tạo của mình, biết loại bỏ dần các khiếm khuyết của cá nhân mình, hướng về sự hoàn thiện.

Con ngườì Việt Nam, trên cơ sở thừa nhận hệ giá trị chung, có thái độ khoan dung hơn trước sự dị biệt trong sự hiểu biết, trong quyền lợi và niềm tin của những người khác, để biết nhìn cùng về một hướng, chung tay góp sức đưa dân tộc sớm thoát khỏi cái nhục tụt hậu, đói nghèo.

Con người Việt Nam không còn tự thỏa mãn với cái thú "ta tắm ao ta", không chỉ quẩn quanh trong xó bếp vườn nhà mà còn biết quan tâm đến muôn mặt hiện tình đất nước; không chỉ là công dân của đất nước mình mà còn là "công dân toàn cầu" cùng mọi người trên Trái đất này ghé vai gánh vác lo toan những vấn đề chung - từ chống khủng bố, loại trừ thảm họa hạt nhân đến chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến xóa bỏ dịch bệnh, đói nghèo, bảo vệ môi trường...

Con người Việt Nam biết làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống, biết tìm sự thanh thản hài lòng không phải trước tiên là trong sự thừa thãi tiện nghi vật chất mà là ở tình thương với gia đình và đồng loại, ở niềm tin vào Sức mạnh toàn năng của cái Thiện, ở tình yêu nghệ thuật và cái đẹp, ở sự hòa đồng với thiên nhiên...

Để những phẩm chất tốt đẹp trên đây có thể trở thành nét chủ đạo, chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trong con người Việt Nam nói chung chắc chắn còn phải vượt qua vô vàn lực cản níu kéo từ di sản của quá khứ-phong kiến-tiểu nông-nô lệ cũng như từ những bất cập trong môi trường xã hội hôm nay.

 PV: Chúng tôi vẫn thường nghe một số người nói tình hình phức tạp về văn hóa xã hội chủ yếu là do cơ chế thị trường, do giao lưu văn hóa với bên ngoài thiếu chọn lọc. Điều đó có đúng không, thưa ông?

 PHG: Nhận định đó đúng nhưng chưa đủ, còn phiến diện. Tác động tiêu cực từ cơ chế thị trường là có và có nhiều là đàng khác. Nhưng cần phải nói thêm là để phát triển mạnh mẽ sức sản xuất xã hội, nhân loại cho tới nay chưa nghĩ ra phương thức nào thông minh, hữu hiệu hơn là vận hành cơ chế thị trường với sự điều tiết chừng mực, khôn ngoan của nhà nước. Tác động tiêu cực từ cơ chế thị trường phải nói cho đúng là từ "mặt trái" của nó, khi mà một nhà nước nào đó vì lý do kém hiểu biết, tham nhũng và tư lợi nên không thể điều tiết được nó một cách hiệu quả, khiến bản năng hoang dã tham lam của thị trường càng được dịp tác oai tác quái.

Xin nhớ rằng các nước được coi là có nền tảng văn hóa đạo đức xã hội tương đối hoàn thiện chính là các nước có nền kinh tế thị trường phát triển lành mạnh như các nước Bắc Âu, như Canada, Đức, Áo, Thụy Sĩ..., gần ta hơn là Nhật Bản, là quốc đảo Singapore...

Giao lưu văn hóa cũng vậy. Ảnh hưởng từ bên ngoài vừa có mặt tốt mà cũng có cả mặt chưa tốt, chưa thích hợp. Điều quan trọng là ta phải có nội lực tốt, đủ mạnh, đủ tinh khôn để chọn lọc những gì là phù hợp với hệ giá trị mang tính truyền thống và hiện đại của chúng ta; vừa tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa tốt đẹp của cha ông. 

PV: Môi trường văn hóa đang có những điều bất ổn đã tác động tới phẩm chất văn hóa của mỗi người, của cả cộng đồng. Vậy môi trường giáo dục, một không gian văn hóa đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng thì sao?

 PHG: Phẩm chất văn hóa, hay nói khác đi là nhân cách của mỗi người hình thành trong môi trường của gia đình, của nhà trường và xã hội. Lứa tuổi đi học là lứa tuổi hình thành khá bền vững nhân cách con người cả cuộc đời sau này nên môi trường giáo dục đóng vai trò quan trọng.

Đáng tiếc là môi trường này còn quá nhiều bất cập - từ chương trình-sách giáo khoa đơn điệu nặng nề, coi nhẹ thực học mà quá thiên về lý thuyết cao xa đến phương pháp dạy "thầy đọc trò chép" nhàm tẻ nhồi nhét kiến thức, từ mục tiêu dường như "học chỉ để thi" đến vô số áp lực học tập "vị thành tích", "vị thi đua", "vị khen thưởng" này nọ khiến học sinh không mấy khi được hưởng thụ niềm vui đến trường, tuổi thơ hồn nhiên của các em bị phủ bóng mây u ám...

Điều đáng nói là sản phẩm-đầu ra của giáo dục còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khi rất nhiều em ra trường với đầy đủ bằng cấp chứng chỉ trong tay nhưng lại rất thiếu kỹ năng hành nghề, chưa nói đến chuyện nhiều em nhân cách bị méo mó vì tác động nhỡn tiền của các hoạt động nhuốm màu "thương mại hóa" của nhà trường và các thầy cô hay của chính bố mẹ mình thể hiện qua việc " dạy thêm, học thêm" hay qua các dịp lễ tết ...

Dù không ai phủ nhận những nỗ lực to lớn của ngành giáo dục nhưng hiệu quả tích cực thì còn chưa tương xứng với mong đợi. Khi không ít người lắm tiền hay cán bộ có chức quyền (kể cả trong ngành giáo dục !) sốt sắng gửi con cái mình - tài sản quý nhất của họ - ra nước ngoài hoặc chí ít là đến các trường quốc tế để được nhận một nền giáo dục khác thì hiện tượng gọi là "tỵ nạn giáo dục", "chảy máu ngoại tệ" này không nên để các cấp có trách nhiệm chặc lưỡi bỏ qua mà phải đi sâu tìm hiểu căn nguyên đặng tìm ra giải pháp hạn chế, khắc phục.

 PV: Theo ông thì điều kiện tiên quyết để khắc phục được sự lạc hậu của nền giáo dục của chúng ta hiện nay và xây dựng được một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại là gì?

 PHG: Theo tôi điều kiện tiên quyết là phải sớm xác lập một triết lý giáo dục đúng đắn, để xuất phát từ đó, có thể vạch ra được lộ trình và những cải cách cơ bản toàn diện trong lĩnh vực này sao cho các sản phẩm giáo dục-con người được tạo ra có khả năng sống hạnh phúc, hữu ích, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước ta hiện nay và mai sau.

Để làm được việc này, theo tôi, nhất thiết phải có sự vào cuộc nhanh nhậy, quyết liệt và dứt khoát của cấp lãnh đạo cao nhất ( như ta đã thấy chẳng hạn như là sự can thiệp kịp thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc giải quyết "sự cố" Tiên Lãng vừa qua !). Dù biết là các lãnh đạo cao nhất luôn có trăm công nghìn việc đối nội đối ngoại phải lo, nhưng tôi nghĩ rằng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực vốn được coi là một trong ba nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng XI vừa qua hoàn toàn xứng đáng được lãnh đạo dành cho mối quan tâm đặc biệt.

 PV: Xin chân thành cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của tạp chí chúng tôi. Chúc ông sức khỏe và có thêm nhiều trang viết mới./.

                                                                        PHAN VĂN THẮNG (Thực hiện)


(Bài đã đăng Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 218, ngày 10/4/2012)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528488

Hôm nay

2144

Hôm qua

2291

Tuần này

2761

Tháng này

215184

Tháng qua

0

Tất cả

114528488