Văn hoá học đường

Tục con trai vào chùa tu của người Khmer Nam Bộ dưới góc nhìn giáo dục

Người Khmer Nam Bộ đa phần theo Phật giáo Nam Tông. Ảnh hưởng của giáo lý nhà Phật đối với dòng đời của họ thấm sâu trên nhiều phương diện. Xuất phát từ niềm tin, tín ngưỡng tâm linh nên hình ảnh ngôi Chùa, Phật, Sư sãi trong tâm thức dân tộc rất quan trọng.

Từ buổi bình minh, khi Phật giáo Nam Tông ăn sâu, lan tỏa vào cộng đồng thì tập tục “con trai vào Chùa tu” của người Khmer Nam Bộ cũng đã ra đời từ đó. Tập tục thể hiện tín ngưỡng, truyền thống văn hóa sâu sắc - đi tu nhằm thụ hưởng những huyền vi Phật pháp để tu nhân thành người hoàn thiện trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội.

Trên tổng thể, trong các tôn giáo có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Bộ từ xưa đến nay dường như chưa có một tôn giáo nào có sự quy định “con trai lớn lên phải vào chùa tu” như thế, ngay cả trong đạo Phật nói chung cũng không có quy định này (?!). Có chăng chỉ mang tính cá biệt, cá nhân, hoặc chứa đựng một ý nghĩa khác, hoặc đi tu để trút bỏ phiền muộn nhân thế, chưa trở thành một tập tục.

Chính từ nét đặc thù trên, ngoài việc nghiên cứu hiện tượng “Tập tục con trai vào chùa tu” của người Khmer dưới góc độ tôn giáo cũng cần tiếp cận ở phương diện giáo dục học, để thấy rõ tiến trình phát triển lịch sử - văn hoá của cộng đồng dân tộc. Trong giới hạn, người viết không đi tìm nguồn gốc hình thành tập tục, hay tuần tự “bước hành trình” của người con trai từ nhà đến chùa, mà chỉ xét bản chất, ý nghĩa của hiện tượng (tập tục) trong vai trò giáo dục tri thức, đạo đức, nhân cách cho mỗi cá thể con người trong đời sống cá nhân và cộng đồng; xem xét mối tương quan về nội dung, phương pháp giáo dục của tập tục với đặc trưng nội dung, hình thức, quan niệm trong nền giáo dục hiện nay.

Đề cập vấn đề văn hoá dân tộc không thể không nói đến truyền thống dân tộc, đó là những giá trị quy tồn xã hội, ổn định - phát triển theo chiều dài lịch sử; giá trị được đúc kết thành khuôn thước thể hiện dưới dạng phong tục, luật tục, có sự thống nhất chung của cộng đồng. Nói đến truyền thống của cộng đồng dân tộc Việt Nam dù có những nét khác nhau, chung quy, đó là sự hiếu kính, coi trọng đạo đức, tri thức - lòng nhân ái, yêu chuộng cái đẹp, cái cao cả... Để đạt được những giá trị nhân văn đó, đòi hỏi mỗi cá nhân phải tắm mình trong một, hay nhiều phương pháp giáo dục chuyên biệt. Tuỳ vào giai đoạn lịch sử, dân tộc, đặc trưng vùng, miền có những đặc trưng riêng.

Phương pháp giáo dục bằng hình thức “con trai vào chùa tu” xuất phát từ giai thoại mang đậm giá trị nhân văn, tôn giáo: có một người con trong gia đình (Khmer), cha mất sớm, mẹ mưu sinh bằng nghề đi săn bắt thú. Thấy việc làm của mẹ sát sinh nhiều muôn vật, gây nhiều oan nghiệp, người con đã lén trốn mẹ lên chùa tu, mong rửa sạch nghiệp chướng cho mẹ. Khi bà chết, dù tội lỗi nặng nề nhưng vẫn không bị báo oán, vì đức hạnh của người con đã hoá giải tội nghiệp cho mẹ...

Không bàn đến tính chất thực hư giai thoại mà tìm giá trị của giai thoại. Từ truyền thống hiếu kính, tôn trọng giá trị đạo đức nên việc ra đời, tồn tại một giai thoại để đáp ứng yêu cầu giáo dục xã hội hoàn toàn hợp đạo, đời.

Xưa, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng ý thức về giáo dục tri thức, cái đẹp, cái thẩm mỹ của người Khmer Nam Bộ đã sớm hình thành. Do điều kiện xã hội hợp cùng quan niệm tâm linh tôn giáo, họ nhận ra rằng, ngôi Chùa là nơi tựu trung giá trị cao đẹp của cuộc sống, của Phật pháp, gắn liền với việc giáo huấn nghiêm túc, không gian giáo dục thanh khiết... Vì lẽ đó nên ngôi Chùa sớm trở thành “ngôi trường” quan trọng đầu tiên đảm trách chức năng giáo dục trí (ở một giới hạn nào đó của nền giáo dục cổ điển – Phật học) - chân - thiện - mỹ cho nam thanh niên Khmer. Vấn đề chọn Chùa là hoàn toàn phù hợp giữa quan niệm tôn giáo và quan niệm giáo dục. Sớm nhận thức được điều này, chứng tỏ rằng người Khmer Nam Bộ đã quan tâm vấn đề giáo dục từ rất sớm – một hình thức giáo dục tuy sơ khai nhưng có nhiều giá trị : giáo dục giáo lý tôn giáo gắn liền với giáo dục trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ, giáo dục kỹ năng sống.

Dù là tập tục quy định “con trai lớn lên phải vào chùa tu”, nhưng không phải vì thế mà môi trường giáo dục nơi Chùa lỏng lẻo, “vào, ra” tuỳ tiện, người đến tuổi (thường là 12 tuổi, hoặc có thể sớm hơn) muốn vào tu phải trải qua một vài thử thách nhằm rèn luyện tính kiên nhẫn, chịu đựng gian khổ mới được chấp nhận. Người đi tu phải thực hiện nghiêm giới luật, nội quy nơi Chùa, giáo lý Phật pháp, đặc biệt, phải luôn nghe theo lời dạy bảo của “thầy” - Trụ trì và các Sư sãi, Chư tăng. Qua đó thấy rằng, phương pháp giáo dục ở Chùa luôn phù hợp với một nhu cầu nhất định của cộng đồng - xã hội là nhằm đào tạo con người có đầy đủ nhân cách đạo đức, con người biết tuân thủ những quy định, sống vì con người, con người hài hoà với những mối quan hệ đa dạng, không tồn tại một cái riêng rẽ mang sắc thái cá nhân tự phát, ích kỷ. Sở dĩ thực hiện được điều đó, vì hoàn cảnh sống, môi trường sống, học tập trong Chùa đã làm cho những người đi “tu – học” cảm thụ được vấn đề “cái đẹp, cái chân lý” của Phật pháp và từ người trực tiếp giáo dục - sự gương mẫu, khiến họ tiến bước xa hơn là tự giáo dục ở chính bản thân mình - nét đẹp tương quan với giáo dục hiện đại => quá trình giáo dục và tự giáo dục.

Xuất phát từ giai thoại đi tu báo hiếu cha mẹ, nhưng điều chính yếu và ý nghĩa bao hàm nhất không phải là tu trở thành Phật mà tu để thành người. Quan niệm này chảy dọc theo suốt lịch sử của tập tục; tu - giáo dục cho thanh niên có đủ tư cách đạo đức, kiến thức nhất định về cuộc sống, lòng thương người thương dân tộc, biết kiên nhẫn và vượt lên hoàn cảnh, không phạm phải những điều sai lầm, tội lỗi. Từ yêu cầu cấp thiết đó, việc xây dựng một hệ thống bài học, nội dung giáo dục vừa đảm bảo được nhu cầu xã hội vừa mang đậm ý nghĩa tôn giáo là hết sức quan trọng và cần thiết. Với đặc trưng giáo lý Phật giáo Nam Tông, sự thông thái của các nhà Sư, đã hoàn thành một “bài học vỡ lòng” hợp “đạo, đời”, mà người thanh niên nào mới nhập tu cũng phải thuộc lòng, thực hiện trước thực tế hàng ngày. “Bài học vỡ lòng” thể hiện qua mười giới điều căn bản: 1. Không sát sinh, 2. Không trộm cắp, 3. Không tà dâm, 4. Không nói dối, 5. Không uống rượu, 6. Không ăn ngoài bữa, 7. Không xem múa hát, 8. Không dùng đồ trang sức, 9.Không chiếm ghế cao và giường êm, 10. Không đụng đến vàng bạc.

Trong mối tương quan với giáo dục hiện đại, có thể quy 10 điều trên về hai hướng sau:

 - Nội dung giáo dục - rèn luyện đạo đức, lòng nhân ái, tính trung thực và tôn trọng con người. Thể hiện qua: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không chiếm ghế cao và giường êm, không dụng đến vàng bạc.

- Nội dung giáo dục - rèn luyện tính cách con người có khả năng chịu đựng hoàn cảnh, chịu đựng thách thức giữa hai mặt cuộc sống, hoặc một sự ràng buộc không một lý do nào. Thể hiện qua: Không uống rượu, không ăn ngoài bữa, không xem múa hát, không dùng đồ trang sức, không chiếm ghế cao và giường êm, không đụng đến vàng bạc.

So sánh sự tương thích giữa nền giáo dục cổ điển (chùa) và hiện đại (trường) thì “bài học vỡ lòng” này ở một chừng mực nhất định, bước đầu giải quyết được 3 trong 5 nhiệm vụ của giáo dục hiện đại: Giáo dục trí tuệ, Giáo dục đạo đức, Giáo dục thẩm mỹ.

Tuy phương pháp, nội dung giáo dục xuất phát từ tín ngưỡng tôn giáo nhưng không rơi vào khuynh hướng “triết lý vĩnh cửu”, “duy tâm chủ quan”, “siêu hình”. Con đường giáo dục và nhận thức chân lý không đặt nặng vấn đề “thế giới siêu nhiên” mà luôn có sự hài hoà giữa con đường nhận thức tôn giáo và nhận thức xã hội. Ở đây, có thể nhận thấy rằng, phương pháp giáo dục đề cao tính kỷ luật tinh thần thông qua rèn luyện, giá trị giáo dục tập trung vào hành vi kỷ luật, nhưng hệ thống kỷ luật không nhất mực cứng nhắc, nhất thành bất biến, mà luôn có chỗ của sự tha thứ khi lầm lỗi. Với mục tiêu giáo dục nhân cách - chân, thiện, mỹ nên vì một lý do nào đó người thanh niên vào tu chưa đạt đến mức độ toàn thiện của giáo điều mà phạm phải hành vi cấm thì luôn có sự dìu dắt theo phương pháp “lấy đức phục nhân” => mối quan hệ giữa người dạy và người học => quá trình giáo dục có tính chất cá biệt (đối tượng giáo dục cá biệt) => mục đích nhằm đạt đến sự hoàn thiện ở cá nhân. Chính cách thức giáo dục đó, khi làm tròn nghĩa vụ “tu – học” nơi Chùa trở về đời sống thực tại, người thanh niên rất được xã hội trọng dụng, tin tưởng. Ảnh hưởng dễ thấy nhất của vấn đề được thể hiện rõ trong đời sống cá nhân - khi đến tuổi lấy chồng, phụ nữ Khmer thường chọn người nào đã qua quá trình rèn luyện, tu học ở Chùa, bởi những người này đã biết cách xây dựng một lối sống tốt đẹp cho gia đình và dòng họ – xã hội.

Để thay đổi cho phù hợp với tình hình đời sống, mục tiêu giáo dục hiện đại “Giáo dục vì sự phát triển toàn diện ở mỗi con người”, nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục ở Chùa cũng đã thay đổi theo cho phù hợp, thích ứng với nhu cầu xã hội mới. Từ thực tiễn đó, giáo dục ở Chùa hiện nay tập trung giảng dạy thanh, thiếu niên đạt được một trình độ cao hơn về nhận thức luận tự nhiên và xã hội. Có thể lấy nhu cầu, mục đích của triết lý “Giáo dục vì sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân” trong mục tiêu chung nền giáo dục thế kỷ 21 khái quát sự thay đổi đó, xung quanh nội dung sau:

- Chùa thực hiện truyền dạy kiến thức chung, vững chắc, đạt chiều sâu ở một số lĩnh vực: triết học, giáo lý Phật pháp; con đường nhận thức luận giữa đạo và đời... như theo lời Phật dạy: “Dĩ bất biến ứng vạn biến” => lấy mục tiêu Đạo pháp - Dân tộc - CNXH làm lý tưởng duy nhất.

- Chùa giáo dục khả năng tư duy độc lập và phê phán trước những sự vật, hiện tượng bên ngoài => người học phản biện, chống lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, dân chủ trong đồng bào dân tộc.

- Chùa giáo dục cho người học hiểu biết chung về nhân loại, quốc gia và bản thân => tình hình chính trị xã hội, trong và ngoài nước.

- Chùa tiếp tục giáo dục đạo đức, lương tâm và trách nhiệm => quan hệ cộng đồng, quan hệ xã hội theo chiều hướng tích cực.

- Có kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng sống trong một thế giới đa dạng, rộng mở và biến động => sau thời kỳ mãn “tu – học” ở Chùa về lại cuộc sống đời thường người học gánh vác, giải quyết mọi vấn đề cuộc sống cho cá nhân, gia đình, xã hội .

Giải quyết tốt mục tiêu này, việc đào tạo đội ngũ giáo viên - Sư sãi, À cha được Chùa, Đảng - Nhà nước quan tâm. Hàng năm, Chùa phối hợp với chính quyền, trường học thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức Phật học, nắm vững tình hình chính trị, xã hội của đất nước; đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; kiến thức khoa học phổ thông: chương trình dạy tiếng Khmer - Pali, triết học, thơ ca, ngữ văn... để các vị Sư - thầy truyền dạy lại cho thanh niên, đáp ứng nhu cầu giáo dục con người mới cho xã hội mới. Hiện nay, nhiều nơi Chùa còn lồng ghép chương trình dạy song ngữ Việt - Khmer, chương trình bổ túc văn hoá, ngoài giờ học ở Chùa nhiều Chư tăng còn tranh thủ học thêm ngoại ngữ, tin học, âm nhạc truyền thống... để tiếp cận với khoa học, đời sống hội nhập.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp thu kiến thức, tìm hiểu văn hoá, văn minh, Đảng - Nhà nước cùng các vị Sư sãi, À cha tổ chức biên soạn sách giáo lý nhà Phật phục vụ cộng đồng, thanh thiếu niên “tu – học”. Dịch, biên soạn, biên khảo, in ấn nhiều tài liệu, sách, báo về các lĩnh vực đời sống xã hội, phổ biến trong vùng dân tộc, Chùa phục vụ Sư sãi, Chư tăng học tập, nghiên cứu, bà con lao động sản xuất.

Từ việc đổi mới phương pháp, nội dung giáo dục, dẫn đến sự đổi mới trong quy định về thời gian, độ tuổi vào Chùa tu của thanh niên, để dễ dàng tiếp thu tri thức, giáo lý nhà Phật; việc giảng dạy của Sư sãi, À cha đi vào chiều sâu. Nếu trước kia thanh, thiếu niên đến 12 tuổi (hoặc nhỏ hơn) vào Chùa “tu – học”, thì hiện nay ở độ tuổi này thanh, thiếu niên vào trường học, hoàn thành xong chương trình giáo dục phổ thông mới vào Chùa tu; hay vẫn theo học cao hơn và vào tu trong một thời gian nào đó thuận lợi để làm tròn nghi thức dòng đời.

Trong tương lai, tập tục “con trai vào Chùa tu” càng được phát huy, phát triển, bảo tồn giá trị truyền thống văn hoá, tín ngưỡng tâm linh. Và cũng trong thời kỳ hội nhập toàn diện hiện nay, với tinh thần “dung hợp”, hài hoà giữa “người và người”, “người và xã hội” thì phương pháp, nội dung giáo dục ở Chùa cho thanh, thiếu vẫn còn thay đổi theo một hướng mới => khoa học, văn minh, phát dương quang đại tinh thần cao cả của Phật học; lấy lý tưởng phấn đấu, yêu cầu chính đáng, hiện thực, hài hòa giữa vật chất và ý thức (văn hóa, ý thức hệ...) của người “tu – học" làm con đường hướng tới  => cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, “nhà nhà hạnh phúc, ấm no; đất nước thịnh trị  hoà bình...”. Đó là những điều mà các Cao tăng, chức sắc tôn giáo ở Chùa luôn mong muốn, đã, đang và sẽ thực hiện; để Phật - Chùa tiếp tục trở thành “linh hồn” dân tộc; Sư sãi - Chư tăng là biểu tượng dân tộc; tập tục “con trai vào Chùa tu” mãi mãi là truyền thống văn hoá - lịch sử giàu ý nghĩa nhân văn, nét đặc thù riêng của dân tộc...

Vì tập tục giàu giá trị nhân văn, ý nghĩa tôn giáo, có sức ảnh hưởng sâu sắc về nhiều mặt trong hệ thống cấu trúc đời sống cộng đồng nên rất cần sự quan tâm hơn nữa từ Đảng, Nhà nước trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Phối hợp, tăng cường đào tạo một đội ngũ giáo viên - Sư sãi, Chư tăng có trình độ chuyên môn cao về một hay nhiều lĩnh vực đời sống xã hội (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), đảm nhận tốt việc truyền thụ kiến thức cho người học. Phối hợp, thiết lập một chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo hoàn chỉnh - chương trình kiến thức chuẩn áp dụng chung cho việc “tu – học” của thanh, thiếu niên ở các Chùa, thay vì phải dạy theo một nội dung, phương pháp “tự phát” như hiện nay. Vai trò của Chùa đối với dòng đời của người Khmer Nam Bộ rất quan trọng – “sống” ở chùa, “chết” cũng về Chùa, cộng với tập tục “con trai vào Chùa tu”, vì vậy, chúng ta có thể nghiên cứu xây dựng Chùa trở thành một ngôi trường giáo dục chính quy thật sự ở vùng còn khó khăn, làm hạn chế việc nghỉ học của con em Khmer, giáo dục xóa mù chữ ở hai loại hình ngôn ngữ Việt – Khmer cho các đối tượng, hoặc hỗ trợ gia đình nghèo không có điều kiện cho con em đi học.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một hệ thống giáo dục nghề phổ thông ở những Chùa trọng điểm, đào tạo nghề cho con em lở dở hành trình học, hoặc không có điều kiện học tiếp. Sau khi hoàn thành khoá “tu –học” thanh, thiếu niên về lại đời thường cũng có nghề nghiệp, tự lo cho đời sống cá nhân, gia đình.

Nhưng, xây dựng một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh khi lấy Chùa làm trung tâm cũng nên tính đến những vấn đề về truyền thống văn hoá, tâm linh, tránh tình trạng thiết lập được mục tiêu này thì lo tái tạo lại giá trị (mục tiêu) khác.../.

                                                                                                                                                                                                                                                       

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443524

Hôm nay

282

Hôm qua

2333

Tuần này

21337

Tháng này

218698

Tháng qua

112676

Tất cả

114443524