Hát ví Nghệ Tĩnh là một lối ca hát bình dân, cũng như lối hát trống quân, hát quan họ, hát sa mạc ngoài Bắc, hay như lối hát duyên nghĩa, hò giã gạo, hò mái nhì, hát đối trong Nam.
Hát ví Nghệ Tĩnh là một lối ca hát bình dân, cũng như lối hát trống quân, hát quan họ, hát sa mạc ngoài Bắc, hay như lối hát duyên nghĩa, hò giã gạo, hò mái nhì, hát đối trong Nam.
Hiện nay không rõ tục hát ví ở Nghệ Tĩnh có từ lúc nào, nhưng cũng đã lâu đời lắm, từ thời Tây - Sơn, hát ví đã thịnh hành. Những câu hát ví còn truyền lại đến nay, nhiều câu đã biến thành ca dao và có những ý nghĩa cổ kính, hoặc có câu dùng những chữ rất xưa.
Xét đến hai chữ “hát ví”, có người nghĩ đến chữ “tỷ” trong Kinh Thi (1) của Trung Quốc, vì phần nhiều các câu hát ví đều lấy một vật hay một sự việc khác để ví với ý kiến định bày tỏ.
Ví dụ:
Mình em như con cá thả trong thùng,
Ai khéo nơm thì được, ai vẫy vùng thì thôi.
Người con gái tự ví mình với con cá, ai khéo léo thì được đẹp duyên, nhược bằng hung hăng thì không được.
Trước răng (sao) sau rứa (vậy) mới đành,
Trước thì săn như chỉn (chỉ) sau lại mành như tơ.
Lấy việc xe sợi mà ví với tình yêu, khi thì thắm thiết như sợi chỉ săn, khi lại lơi lỏng như sợi tơ.
Thương ai rồi lại nhớ ai,
Mặt em buồn rười rượi như nương khoai mới trồng.
Nương khoai lang khi mới trồng xong, trong một vài ngày lá bị héo hết, đem cái vẻ rũ rượi ấy để ví với vẻ mặt buồn trong khi thương nhớ.
Đôi ta như cúc với khuy,
Như kim với chỉn (chỉ), bỏ đi sao đành?
Lấy cúc (nút) áo với khuy áo, cây kim với sợi chỉ để ví với mối tình keo sơn gắn bó, không thể chia rẽ được.
Nhiều khi vật ví dụ thành ra như một điều dẫn chứng. Nhưng không phải trong cáo câu hát ví chỉ dùng lối ví von ấy, mà cũng có lối miêu tả hay kể chuyện nữa:
Cây cao bóng ngả tứ bề,
Tiếng tăm anh chịu, em về tay ai!
Bắc thang lên hái ngọn trầu vàng,
Hỏi thăm chị Xã (2): nộp cheo làng mấy quan? (3)
Đêm nằm nghe con vạc tác canh,
Con thằn lằn (thạch sùng) khắc mõ, em thương anh nhiều bề.
Đêm năm canh nằm dựa án tiền,
Nửa lo gia sự, nửa phiền lòng em.
Tục hát ví trước đây rất thịnh hành, chẳng những bình dân ca hát mà đến cả lớp nho sĩ cũng ham chuộng.
Hát lên ta nhởi, ta chơi,
Mấy khi đèn hạnh soi nơi quyển vàng.
Những câu hát ví còn truyền lại, được các bà mẹ già trong những đêm khuya thanh vắng hay những buổi trưa hè oi ả, hoặc qua tiếng rào rạt của tiết mưa ngâu, mỗi lần bồng con, bồng cháu lên lòng, cất tiếng hát lên bằng điệu hát ru em, nghe như một niềm nhớ thương từ nghìn xưa vọng lại.
Cực lòng mẹ lắm con ơi,
Một con chim chích, biết mấy nơi đan lồng (4)
Trăng in, nguyệt dọi (soi) mái đình,
Chén thề son chưa cạn, ngãi chung tình đã quên (5).
Đã buồn gió lại thổi thêm,
Đã chua như dấm lại nêm sơn trà(6).
Từ Cách mạng Tháng Tám tới nay, nhân dân Nghệ Tĩnh không hát ví nữa, nhưng trong những khi làm việc, thỉnh thoảng họ ngừng tay cất tiếng hát lên một vài câu lại thấy trong lòng nhẹ nhàng, phấn khởi. Ngày nay nhân dân đã có những hình thức văn nghệ khác, phong phú hơn, để biểu diễn tư tưởng và tình cảm, nhưng những câu hát ví còn truyền lại vẫn như một kỷ niệm êm đẹp của thời đã qua.
Tục hát ví ngày nay không còn nữa, nhưng trước đây, suốt một thời gian dài đến mấy trăm năm, hát ví đã là một món văn nghệ của nhân dân. Nó đã nói lên tình cảm, ý chí của nhiều người, nó đã tác động rất nhiều đến đời sống của nhân dân, nó đã góp phần vào trong việc làm cho tiếng nói của dân tộc thêm phong phú. Hát ví cũng là một phần trong cái kho tàng những vốn cũ của dân tộc.
Hát ví là một hình thức sinh hoạt văn nghệ của nhân dân
Ở nông thôn Nghệ Tĩnh trước đây không mấy người là không biết hát ví. Nếu không biết kể chuyện, đặt câu thì người ta hát theo câu hát cũ, nếu không biết cất điệu, uốn giọng thì người ta hát đệm theo người khác. Cũng có những người không biết hát thì họ đi nghe người khác hát, theo dõi từng câu, từng ý, từng cách lấy điệu, tìm lời, từng giọng hát để thưởng thức.
Hát ví là một lối hát đối đáp, các câu hát đều sáng tác ngay tại trận, người hát vừa cất giọng hát, vừa suy nghĩ để lựa chữ, tìm vần. Nhưng cũng có khi, nhất là trong lúc làm việc, người ta cũng hát lại những câu hát cũ.
Người dân quê, sau những ngày làm việc vất vả, hát ví đối với họ cũng là một nhu cầu để giải trí, hoặc để động viên nhau phấn khởi làm việc.
Lắng tai nghe tiếng em đàn,
Bằng ai bưng chén ngọc đổ vào gan lạnh lùng.
Câu hát trên nói lên tác động của hát ví. Khi có người cất tiếng hát làm rung động lòng mọi người, dầu đang lạnh lẽo cũng thấy ấm áp lên như uống chén rượu ngon.
Do cái tác dụng của hát ví như vậy, nên hễ ở đâu có công việc lao động là có hát ví, ở đâu có điều kiện tập trung là người ta tổ chức những điều kiện tập trung là người ta tổ chức những cuộc hát ví. Hát ví đã được dùng trong việc động viên mọi người lao động sản xuất, hoặc để giải trí cho mọi người sau những ngày lao động vất vả, như tục hát phường vải ở Nam Đàn (Nghệ An), tục hát phường chiếu ở Can Lộc (Hà Tĩnh), tục hát vá lưới ở các cửa biển, tục hát phường buôn ở các vùng kẻ chợ, tục hát phường cấy ở nông thôn trong các vụ gặt cấy. Con trai con gái cũng nhân những cuộc hát ấy mà kén chọn lứa đôi.
Hát ví hồi ấy có tính chất như một nhu cầu của quần chúng, lớp thanh niên, thanh nữ thích hát ví để trao đổi tình duyên, để đua tài ăn nói, mà những người già cả cũng thích nghe hát ví:
Trèo lên cây chuối cao tàu,
Vừa đôi (vừa lứa đôi) thì lấy, ham giàu mần chi (làm gì)?
Ham giàu răng lại (sao lại) mần chi?
Trâu cày, rọng (ruộng) cấy, có khi thuê phường.
Thuê phường đây có nghĩa là để được nghe hát ví, để cửa nhà cùng được vui vẻ như hôm nay mà mọi người đang ngồi hát và nghe tiếng hát ở đây.
Người dân quê Nghệ Tĩnh đã dùng hát ví để phô diễn mọi trạng thái của tâm hồn họ.
Khi than thở về một mối tình bị chia cách thì họ hát:
Chim bay về núi túi (tối) rồi,
Gửi thư, thư chậm, gửi lời, lời quên!
Khi muốn nhắc lại một mối tình xưa thì họ hát:
Nghe tin em đã có con bồng,
Anh cho riêng đồng bạc, đúc chiếc vòng cháu đeo (mang).
Khi cần nói lên một ý chí vững mạnh thì học hát:
Hoa tàn, bướm hãy còn xinh,
Chợ tan mặc chợ, quán với đình cứ nghiêm.
Khi mỉa mai một người nào thì họ hát:
Hoa thơm mất nhụy đi rồi,
Về tô màu thuốc lại, bán cho người đường xa
Trong các cuộc hát ví, ngoài những câu hò hẹn, tỏ tình, than thở, người ta chú ý nhất là việc thử thách nhau về sự lanh trí, về tài lanh mồm, lanh miệng.
Nếu người hát có ít nhiều học thức thì họ hỏi nhau trong sử sách hoặc dùng lối chơi chữ để thách thức nhau.
Nếu người hát có ít nhiều học thức thì họ hỏi nhau trong sử sách hoặc dùng lối chơ chữ để thách thức nhau:
-Ai xô (đẩy) ông Tể mà ông Tể Ngã? (7)
Ai lôi (kéo) ông Phàn mà ông Phàn Trì (níu lại)?
Chàng mà đối được, gái nữ nhi theo về.
- Ai đạp ông Cô mà ông Cô Trúc (đổ)? (8)
Ai đơm vua Vũ mà vua Vũ vương (vướng)?
Anh đà đối được, hỏi nường tính răng (định thế nào)?
-Về thì em cũng muốn về,
Sợ rồi thầy mẹ: tê tề (kia kìa) người mô (9) (người nào)?
-Cô Xuân đi chợ Hạ,
Mùa cá thu về, chợ hãy còn đông (10)
Trai nam nhi đối được, gái má hồng xin theo.
Nhưng những câu đối đáp giữa những người bình dân với nhau có phần lanh lẹn và thắm thiết hơn, có nhiều sinh khí hơn, tỏ ra nó gần với sự sống hàng ngày của nhân dân:
- Bây giờ hỏi thật chú cày:
Một trăm gánh ló (lúa) được mấy tay mấy gồi?
- Hai tay úp lại một bàn,
Một trăm gánh ló (lúa) được sáu ngàn tư tay (11)
- Anh muốn hỏi em một lời:
Mặt trời ở đó (đấy), trốc (đầu) trời ở mô (ở đâu)?
Những câu đối đáp trên đây lấy ngay trong sự hoạt động hàng ngày như việc gặt lúa, việc nhổ mạ, việc đi chợ, việc thắc mắc về cái tiếng “mặt trời”, v.v… Có khi người ta hỏi chọc nhau về nghề nghiệp hay về một nhược điểm nào đó. Một anh làm nghề đánh cá, trong cuộc hát ví, cô bạn gái đã hỏi một cách mỉa mai đối với cái nghề của anh:
- Mẹ cha cái kiếp lao đao!
Năm canh cứ lặn dưới rào (khúc sông) cả năm.
Nghề đánh cá phải lặn lội dưới sông, dưới nước thâu đêm, kể ra nói đó là một cái kiếp lao đao, mà lại thêm hai tiếng chửi (mẹ cha) lên đầu thì cũng là mỉa mai thật. Nhưng anh này đã lấy câu ngôn ngữ “ai dò rốn biển mà tường đáy sông” để đáp lại:
- Anh đây huấn chỉ đế vương (12)
Phải dò dún (rốn) bể (biển) cho tường đáy sông.
Một cô kia còn chít khăn trắng (đang có tang) mà đã đi hát ví, bị bên trai hỏi:
- Khăn trắng còn để trên đầu,
Vội gì nghiêng nón, mở trầu ai ăn?
Cô ta đã trả lời một cách cứng cỏi:
- Khăn trắng rồi khăn lại thâm (13)
Bạc vàng dễ kiếm, bạn tri âm khó tìm.
Một cô khác gặp cảnh muộn màng đã bị bên trai hỏi một cách xoi mói:
- Em lấy chồng đi kẻo thế gian đày (dày vò).
Của chất bằng núi, không tày (bằng) chút con.
Nhưng cô đã trả lời láu lỉnh:
- Lấy chồng kẻ trước người sau.
Phải (đâu có phải) trồng khoai, trỉa độ (đậu)
Chi mà trồng mau (gấp) cho được nhiều?
Ngày xưa người con gái nào đi lấy chồng mà sau đó lại trở về nhà cha mẹ thì người ta coi như đó là chuyện đáng chê cười. Một cô con gái bị chồng bỏ, trong cuộc hát, bên trai hỏi:
- Em lấy chồng rồi sao lại tái sở hồi gia(14)
Không biết vì em sinh sự (gây chuyện) hay tại con người ta bạc tình? (15)
Tuy câu hỏi bề ngoài có vẻ bình thường, nhưng trong trường hợp này hỏi vì ai mà phải trở về là một cách chế nhạo hóm hỉnh. Nhưng cô đã bình tĩnh trả lời:
- Em lấy chồng đã ba năm nay vô tự,
Chồng cho mấy chữ hồi gia (16)
Giừ (bây giờ) gặp nhau đây,
Hỏi cậu Nho có mộ (cầu đến), tuy cộ (cũ) người ta mà mới mình.
Câu trả lời thật là láu lỉnh, bên trai có ý bảo ngầm cô là đồ cũ, nhưng cô nói chỉ cũ với người chống trước của cô thôi, còn đối với anh thì vẫn là mới chán.
Cũng có khi cuộc đối đáp đi đến châm biếm nhau một cách ngộ nghĩnh. Một cô con gái đẹp, tự ví mình như quả khế chua, ai thấy cũng thèm rỏ dãi, nhưng lại ở trong chùa là chỗ cấm địa, không phải ai cũng đến hái được:
- Em như trấy (quả) khế trong chùa,
Ông đi qua, bà đi lại, chộ (thấy) của chua cũng sèm (thèm).
Nhưng cậu con trai đã chế diễu lại ngay:
- Em như trấy khế trong chùa,
Cho anh, anh không lấy,
Bán cho anh, anh không mua
Vì chưng thằng Cu (17) anh hắn dại, chộ (thấy) của chua hắn sèm (thèm).
Và cũng có khi đi đến chửi nhau. Một cô con gái không thích người con trai cứ theo dõi mình mãi, bèn hát:
- Mồ cha, mả mẹ anh đây,
Mà đêm anh viếng, mà ngày anh thăm?
Thì anh kia cũng đem cao tổ, thượng tằng ra chửi lại:
- Đường cái anh đi thẳng băng,
Anh có đi lên cao tổ, thượng tằng nhà em mô?
Nhưng thường thường thì những câu đối đáp là để người ta tìm hiểu nhau hơn.
- Ra đi cầm quạt che trăng,
Ở nhà mẹ dặn mần răng (thế nào) em mồ (nào)?
Người con gái không cần trả lời thẳng vào câu hỏi, chỉ đáp lại một cách bóng bẩy, nhưng duyên dáng vô cùng:
- Ra đi mẹ đã dặn rồi:
Khi đi thì một, về đôi (18) mẹ mừng.
Hát ví là một lối văn nghệ của nhân dân, nhưng ở Nghệ Tĩnh xưa kia một số nhà nho hoặc xuất thân từ tầng lớp nhân dân lao động, hoặc thời còn hàn vi, đã đi hát ví, và đã đem những kiến thức tư tưởng của nho giáo vào trong một số câu hát ví […]
Ngày nay, phân biệt các câu hát ví còn truyền lại, câu nào là của nhân dân, câu nào là của nhà nho cũng khó mà chính xác được. Có một số câu hát ví trước là của nhân dân đã bị nhà nho chữa đi, hoặc một số câu hát ví của nhà nho nếu có giá trị thì nhân dân cũng đã uốn nắn lại để cho hợp với cảm xúc của nhân dân.
Ngày nay người dân quê Nghệ Tĩnh, mỗi lần nhắc lại chuyện hát ví xưa kia, hoặc ngâm nga một vài câu hát ví cũ còn truyền lại, họ vẫn còn thấy có nhiều điểm gần gũi với tâm hồn họ.
Văn thể hát ví
Trong nền văn học của dân gian, hát ví cũng có một địa vị không thể chối cãi được. Những câu hát ví còn được truyền lại đến bây giờ, đã được mọi người đọc lên, hát lên trong những khi có một niềm cảm xúc mới, và còn truyền được tình cảm với mọi người xung quanh, thì chính là vì nó có hàm súc ít nhiều ý nghĩa về văn học. Ý nghĩa văn học đây lại được cấu tạo lên từ tình cảm và ý nghĩ của nhân dân qua sự sinh hoạt lao động cần cù, và cũng đã được sàng lọc qua nhiều người, nhiều thế hệ. Vì vậy, hát ví cũng có những đặc điểm để chứng minh rằng nó cũng như phong dao, tục ngữ đã có một địa vị trong văn học. Chúng ta cũng thấy rằng trong văn chương Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng chịu ảnh hưởng nhiều về cách đặt câu, dùng chữ và âm điệu của hát ví.
Những câu hát ví thường đặt theo lối “trên sáu chữ, dưới tám chữ” (tức là lối thượng lục hạ bát). Những người dân quê trong khi sáng tác các câu hát ví, họ không nhất thiết tuân theo quy luật ấy. Có lẽ đó cũng là một biểu hiện của tâm hồn phóng khoáng của họ. Tùy theo từng lúc, từng cảm hứng, họ tìm cách bày tỏ cho đủ ý và cho có âm điệu, còn về số chữ nhiều hay ít thì không nhất thiết. Thường thường là trên sáu chữ, dưới tám chữ:
Vội vàng ôm áo ra đi,
Khi đi không thẹn bằng khi trở về.
Bạn về có nhớ ta không,
Hay là như quạt mùa đông xếp rồi (19)?
Trăm năm gương bể (vỡ) khó hàn,
Chỉn (chỉ) đít (đứt) khó nối, người ngoan khó tìm.
Nhưng có khi không đủ để diễn tả thì họ thêm chữ vào. Hoặc thêm vào câu trên:
Tiếc cơn (cây) lọng vàng mà đem che nải chuối xanh (20)
Tiếc con chim phượng đậu cành tre khô!
Ra về đường trẹ (rẽ) nỏ lẹ (chả lẽ) ngó theo (trông theo).
Bằng ai cắt rọt (ruột) mà treo lên cành!
Hoặc họ thêm vào câu dưới:
Quen hơi, mến tiếng đi rồi,
Một ngày không kháp (gặp) bạn, dạ bồi hồi nhớ thương.
Có khi họ thêm vào cả hai câu:
Không chi (gì) vui bằng hội trường thi,
Không chi buồn bằng bạn lấy chồng đi không chờ.
Thắp đèn lên cho rạng nhà thờ
Kẻo ông bà bên ngoại nói không ăn nhờ chi rể con (21).
Có khi họ bớt một chữ ở câu trên, nếu thừa:
Chờ phượng với ơ qui!
Dần dần đội phượng để ta đi cho đồng đoàn.
Cách đặt hai câu như thế gọi là hát câu đơn, nếu hát bốn câu hoặc sáu câu một lúc thì gọi là hát “chồng đấu”:
Đồn đây có tiếng cờ cao.
Ta là Lưu Nguyễn ước ao chơi cờ (22)
Lập ra ta đánh vài giờ,
Hoành xe, pháo, mã, coi thử (xem thử) cờ ai cao.
Ngoài ra còn có một lối đặt câu khác nữa mà họ gọi là “hát câu trắc” “hát ví bẻ” hay “ví tiểu thuyết”. Họ thêm vào trên hai câu lục bát một câu bằng vần:
Một đấu gạo, năm bảy đấu khoai ngô,
Thiếp chúc chàng về cho đến kinh đô,
Lúc giừ (bây giờ) đây phân chia đôi ngả, Hán với Hồ ta biệt nhau.
Hoặc họ thêm vào hai câu bằng vần:
Người ta sang sông, em cũng sang sông,
Người ta sang sông thành được vợ chồng,
Em sang không rồi lại xách nón về không,
Trước là thẹn thùng với bầu bạn, sau luống (uổng) công ông chèo đò.
Hoặc họ thêm vào một câu trắc:
Trai nên trai, không thiếu chi vợ,
Chợ nên chợ, không thiếu chi đình,
Ba quân thiên hạ (23), chứ phải chắc (riêng) chi (gì) mình mà lo!
Hoặc họ thêm vào một câu trắc, một câu bằng:
Nghe tin anh đau đầu chưa khá,
Em băng rừng bẻ lá qua xông,
Ở làm sao cho đành (xứng đáng) đạo vợ chồng,
Giọt mồ hôi có nhỏ (chảy) gặp trận gió đông tan liền.
Có khi họ thêm vào ba câu bằng, một câu trắc:
Khi xưa em nói không thương anh thì thôi,
Sau em nói em thương anh rồi.
Anh về làm một cấy (cái) nhà to, một cấy (cái) nhà nhỏ,
Một cấy (cái) nhà to, mùng (màn) che sáo (mành mành) bỏ,
Một cấy (cái) nhà nhỏ, gian trong, buồng ngoài,
Đến bây giờ em lại nghe ai,
Để mùng hư, sáo gãy, mèn (mè) sai đàng mèn.
Lối này có lẽ là thai nghén của lối song thất lục bát, hoặc là biến thể của lối ấy, vì mỗi câu hát này, có khi kể đầy đủ một câu chuyện xẩy ra, có bố cục hẳn hoi, nên người ta gọi là ví tiểu thuyết. Câu thì tả cái cảnh ly biệt của đôi trai gái yêu nhau nay kẻ về kinh đô, người ở lại làng, tiễn nhau một ít khoai, gạo để ăn đường. Câu thì nói lên cái tình cảnh của người con gái muộn màng, theo bầu bạn đi xuôi về ngược, nhưng người ta thành vợ chồng, còn cô thì sang sông rồi lại xách nón về không. Câu thì kể cái tình vợ chồng chăm sóc cho nhau khi đau yếu, dẫu phải băng rừng lội suối cũng không quản khó nhọc. Câu thì nói lên nỗi thất vọng của một người con trai được người yêu nhận lời về chuẩn bị nhà cửa, giường chiếu để chở người yêu về sum họp, nhưng không ngờ người yêu đã bội ước.
Trước khi văn học định ra những mỹ từ pháp, người dân quê Nghệ Tĩnh cũng đã dùng nó trong hát ví từ lâu rồi. Chúng ta thử so sánh mười bốn lối mỹ từ pháp mà người ta thường hay dùng để thấy thêm tính chất phong phú của hát ví:
Lối dùng điển:
Đêm đêm thức nhấp mơ màng,
Chộ (thấy) hoàng lương chiêm mộng (24), thiếp sầu chàng ngẩn ngơ.
Lối tỷ lệ:
Đôi ta như đá với dao,
Năng (chăm) mài thì sắc, năng chào thì quen.
Lối ám tỉ:
Không ai cho gáo nước cho đỡ thương,
Đến bây giờ cây xanh, lá tốt lại lập lường bẻ bông (25).
Mang bầu chịu tiếng thị phi,
Rượu thì ai uống, bầu thì em mang (26)
Lối hoán dụ:
Ô hô! Ba tiếng nhập quan,
Anh hùng bảy thước, không ngoan hết rồi!
Lối tá âm:
Vì sương cho núi bạc đầu,
Vì tình em bạc nên sầu lòng anh (27).
Lối hợp loại:
Hoa tàn bướm hãy còn xinh,
Chợ tan mặc chợ, quán với đinh cứ nghiêm.
Công anh xe bả uốn cần,
Vì chưng trời động, con cá lần ra khơi.
Lối hội ý:
Sao trên trời thiếu chiếc lẻ đôi,
Cá vực sâu ngàn trượng, bạn có thấu lời cho không?
Lối miêu tả:
Thấy người yểu điệu đi qua,
Trùng triềng mắt phượng cho ta say tình.
Lối ngoa ngữ:
Sóng xao bầy vịt ướt lông,
Rùa kêu, đá nổi, thiếp không bỏ chàng (28).
Lối thậm xưng:
Thương em rọt (ruột) thót tận da (29),
Người ngoài không biết tưởng là đói cơm.
Lối tiểu đối:
Muối mười năm còn mặn,
Gừng chín tháng còn cay.
Đôi ta đã tình nặng, nghĩa dày,
Dầu có xa nhau đi nữa, ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.
Lối đảo ngữ:
Cột sắt, kiến leo răng (sao) mòn,
Con tò vò xây ổ (tổ), xây răng tròn mà xây?
Nếp dẻo, nỏ hết (chẳng đủ) láng giềng (hàng xóm) đổi,
Gạo trổi (gạo tốt), nỏ hết láng giềng đong,
Hoa thơm, nỏ hết bướm ong dập dìu (đi lại nhiều) (30).
Lối ngũ ngữ:
Đồn đây có đôi chim quy (31),
Thường thường gáy mãi, ai đòi (đuổi) đi mất rồi?
Đồn đây có đôi chim hồng(32),
Thường thường gáy mãi, não nùng xót xa.
Lối điệp ngữ:
Ra về nước mắt như mưa,
Đành duyên, đành phận, mà chưa đành lòng.
Trong mỗi câu hát ví, chỉ vào khoảng từ mười bốn chữ, đến ba mươi chữ, nhiều nhất là bốn mươi chữ, nhưng nó đã nói lên được một cách gọn gàng, dứt khoát một ý nghĩ, một cảm xúc hay một sự việc, một phong cảnh.
Em về kẻo thầy em dức (mắng), kẻo mẹ em la (van),
Trận đòn oan em chịu, anh ở xa biết gì.
Đó thật là cái lo lắng của người thiếu nữ phản ánh sự nghiêm khắc của gia đình, đồng thời cũng nói lên sự quyến luyến của người con trai. […]
Nếu đem so sánh hát ví Nghệ Tĩnh với các lối hát trong Nam hay ngoài Bắc, thì mỗi nơi một vẻ, khác hẳn nhau. Đối với các lối hát ở ngài Bắc thì hát ví kém phần chải chuốt và tình tứ:
Anh về cưa ván cho dày,
Bắc cầu sông Cái cho thầy mẹ sang,
Thầy mẹ sang, em cũng theo sang,
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo(33)
Đối với các lối hát trong Nam thì hát ví kém vẻ kiểu cách, bóng bẩy:
Anh về têm một trăm miếng trầu cho tinh tuyết,
Bỏ vào hộp thiếc, khay cẩn xà cừ.
Để em vòng tay vô thưa với thầy, với mẹ: gả chừ cho anh(34)
Hát ví Nghệ Tĩnh có cái giọng chắc nịch, nghe réo rắt như tiếng thác đổ, thiết tha như có một sức nặng của tình cảm từ trên cao dội xuống:
Có chắc như lời, có hẳn như lời ?(35)
Con dao vàng chọc huyết, miệng khấn trời ta uống chung(36)
Đôi ta đã trót lời thề,
Đã giao lời hẹn, ai về mặc ai.
* *
*
Cho đến giọng hát cũng vậy, ngoài Bắc có cái giọng ấm áp khêu gợi, vui vẻ như tiếng chim hót, nỉ non như tiếng tơ, tiếng trúc, trong Nam có cái giọng êm ả như nước triều dâng, xa xôi, trầm bổng như tiếng chuông chùa, còn giọng hát ví Nghệ Tĩnh thì thiết tha như tiếng suối chảy, man mác, trầm trầm như tiếng thông reo.
Những cuộc hát có tổ chức là phải có hai bên nam nữ đối đáp với nhau. Hát một mình hoặc gọi là hát ngâm thì chỉ hát trong lúc làm việc như đang cấy gặt, hoặc đang chèo thuyền,
Mỗi bên hát phải có hai người, một người bẻ chuyện (tức là đặt câu hát) và cất giọng, và một người hát theo để đỡ giọng, mỗi lúc ngân giọng thì đệm thêm cho ấm. Người theo cũng phải biết hát, phải nghe nhanh để cất tiếng kịp người kia, và hai người phải hợp giọng với nhau, như cùng là giọng kim hoặc cùng là giọng thổ. Khi hát người ta thường cầm một cái quạt để cho giọng hát trong những khi ngân nghe êm ái hơn.
Khi cất tiếng hát thì họ bắt đầu bằng mấy tiếng gọi như “ơ là ai ơi”, “ơ là bạn ơi!”, “ơ là anh ơi!”. Cũng có người quá kiểu cách thì bắt đầu bằng những tiếng gọi cầu kỳ hơn: “ơ là ngãi người thương ơi!”, “ơ là tình nương ơi!”. Ở một vài vùng thì có lối hát sau mỗi câu lại đèo thêm cái đuôi: “rứa đó bạn nờ!” nghĩa là: như vậy đó bạn ạ.
Nhưng thường thường thì họ lấy một tiếng “ơ”, “như” hay “nị” để cất giọng rồi hát thẳng vào câu. Lối thêm tiếng gọi ấy cũng tùy theo thói quen từng nơi, hoặc có khi là thói quen của từng người. Nhiều người hát thường thêm những tiếng đệm như: “thì, mà, nội, nựa, lúc bây giờ, v.v…”.
Ví dụ:
Ơ là bạn ơi! Một sông hồ dễ ệ… (thì) mấy (ơ) cầu (ờ). Một mình em (na) hồ dễ, (thì) ăn (ơ) trầu mấy (ờ) ai.
(Nhự) chim bay (ơ) về núi (i) (thì) túi (ơ) rồi,
Gưởi thư (na) thư chậm (ự), (thì) gưởi lời (i à) quên (ư).
Giọng hát cũng tùy theo từng nơi, từng cảnh mà thay đổi khác nhau. Giọng hát trong lúc trèo núi thì lên bổng xuống trầm, cắt ra từng quãng nghe nặng chình chịch để nhịp với hơi thở. Giọng hát trong lúc chèo đò thì ngân nga, nhẹ nhàng, theo từng quãng mà ngắt câu cho nhịp với tiếng vỗ nước của mái chèo. Giọng hát ở vùng biển thì gằn gọc, chói chang, như cố ý vượt tiếng ồn ào của sóng vỗ. Giọng hát ở đồng bằng thì nhẹ nhàng lưu loát, so với giọng hát đò đưa thì kém phần tình tứ, nhưng lại thanh lịch hơn giọng hát ở vùng núi và vùng biển. Còn giọng hát của những em bé chăn trâu thì nghe ơi ới như tiếng gọi nhau.
Mỗi lần lắng nghe một câu hát ví, người ta có cảm giác như cả một chuỗi âm ba ấy là một dòng suối đương chảy, mà những chữ, những trong câu hát chỉ là những hòn đá nhấp nhô ở giữa dòng.
Chú thích:
(*): Nguồn: Sách Hát ví Nghệ Tĩnh - Nguyễn Chung Anh - Nhà xb Văn Sử Địa - Hà Nội - 1959. Có lược bớt một số trích dẫn các câu hát ví.
(1) Kinh Thi là tập sách chép phong dao xưa của Trung Quốc. Các câu phong dao đó chia làm ba loại: phú là tả thẳng vào sự việc, tỉ là lấy sự vật để ví với điều muốn nói, hứng là nhân vào một việc gì mà nêu lên.
(4) Ý nói một người con gái mà nhiều nơi muốn hỏi. Cũng có nghĩa là cuộc đời không tốt đẹp gì cả, chỉ một con chim nhỏ mà nhiều người đan lồng định bắt nhốt lại.
(5) Ánh trăng soi lên mái đình có cái vẻ hiu hắt, lạnh lùng khiến người ta nghĩ đến lời thề chưa phai mà tình đã nhạt.
(6) Sơn trà là một thứ quả chua dùng để nấu canh.
(7) Tể Ngã và Phàn Trì là học trò Khổng Tử.
(8) Cô Trúc là vua nước Cô-trúc, Vũ Vương là vua nhà Chu ở Trung Quốc.
(9) Muốn về theo anh, nhưng sợ thầy mẹ không bằng lòng.
(10) Lấy mấy chữ Xuân, Hạ, Thu, Đông ghép lại.
(11) Cách gặt lúa ở Nghệ Tĩnh, hễ gặt đầy trong nắm tay thì gọi là một “tay”, hai tay nhập lại một thì gọi là một “gồi”, bốn gồi kết lại với nhau thành một “lượm”, bốn lượm cột lại thành một “bó”, hai bó là một “gánh” (đây là gánh lúa tám có tám lượm, người yếu hoặc lúa nhiều hạt nặng quá thì gánh lúa sáu, nghĩa là sáu lượm). Mỗi gánh lúa có 32 gồi tức là 64 tay, một trăm gánh có 6.400 tay hoặc 3.200 gồi.
(12) Huấn chỉ đế vương là có lệnh của vua, ở đây có nghĩa là làm một nhiệm vụ quan trọng.
(13) Bây giờ có tang nhưng rồi sẽ hết tang, không có tang thì chít khăn thâm tức là khăn màu đen.
(14) Sao lại trở về nhà.
(15) Vì em chê chồng mà bỏ về, hay vì chồng em đuổi?
(16) Lấy chồng ba năm không có con, chồng ly dị. Luật phong kiến hồi xưa (luật Gia Long) quy định rằng người đàn bà lấy chồng ba năm mà không có con thì chồng có quyền ly dị vợ.
(17) Ở Nghệ Tĩnh có tục người nào sinh con trai đầu lòng thì gọi tên con là thằng Cu, nếu ông hay bà còn sống thì gọi là cháu, nếu cố còn sống thì gọi là chắt. Thằng Cu ở đây là đứa con trai, nhưng tiếng “cu” cũng có nghĩa là dương vật. Bên trai dùng thằng Cu để lỡm lại bên gái.
(18) Về đôi là về hai người, nghĩa là đã thành vợ chồng.
(19) Mùa đông không dùng quạt nữa, đây nói là rẻ rúng, quên rồi.
(20) Trong những buổi lễ người ta trang trí bằng những nải chuối xanh để trên bàn và có che lọng.
(21) Câu này có ý trách cái tình bạc bẽo của con rể.
(22) Lưu Thần, Nguyễn Triệu là hai người ở đời Tống bên Trung Quốc đi lạc vào núi Thiên - thai, gặp hai người con gái đẹp, kết thành vợ chồng.
(23) Ba quân thiên hạ nghĩa là mọi người trong thiên hạ.
(24) Hoàng lương chiêm mộng, là giấc mộng kê vàng. Ngày xưa có người chiêm bao thấy đời mình vinh hiển, công danh phú quý chẳng ai bằng, nhưng khi tỉnh dậy thì chỉ là một giấc mộng ngắn, thời gian chưa đủ chín nồi kê.
(25) Lập lường là rắp tâm. Câu này có ý nói khi gian khổ thì không nhìn đến, nay khá giả thì lại định chiếm lấy.
(26 Chỉ chịu tiếng tăm mà không được hưởng.
(27) Mượn chữ bạc là trắng để nói cái tình bạc bẽo của bạn.
(28) Lông vịt không ướt được, rùa không kêu được, đá không nổi được.
(29) Thương nhớ đến thắt ruột lại.
(30) Ý nói người con gái đẹp chẳng đủ gả trong làng xóm, còn đâu mà gả cho người xa.
(31) (32) Chim quy, chim hồng là chỉ người con gái đẹp.
(33) Ca dao ở Bắc bộ
(34) Hò duyên nghĩa ở Quảng Trị.
(35) Có chắc chắn như lời đã nói hay không?
(36) Ngày xưa có tục uống máu ăn thề. Đây có nghĩa là nếu nhất định thì chúng ta sẽ cùng thề với nhau.
212
2303
212
219177
121009
114521238