Văn hoá học đường

Vai trò của hiệu trưởng trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở TP Vinh

Tại thời điểm cuối tháng 5/2012, thành phố Vinh có 54/102 (52,94%) trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó ngành học mầm non đạt 20/41 (48,78%), cấp tiểu học đạt 24/29 (82,76%), cấp trung học cơ sở đạt 07/23 (30,43%) và cấp trung học phổ thông đạt 3/9 (33,33%); ngoài ra còn có 08 trường tiểu học và 01 trường mầm non đạt chuẩn mức độ 2.

Để có được kết quả nêu trên, các ngành, các cấp, đặc biệt là các phường, xã và các nhà trường của Vinh đã phải lăn lộn liên tục suốt 16 năm qua - từ năm học 1995-1996 đến nay. Để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, khá nhiều vấn đề được đặt ra: cán bộ quản lý nhà trường, đội ngũ giáo viên, xã hội hoá giáo dục, hoạt động của nhà trường, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Trong những năm vừa qua, điều khó nhất vẫn là vấn đề cơ sở vật chất và thiết bị. Thực tế, để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đòi hỏi phải có kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị. Nhưng quan trọng hơn là làm sao để có nguồn kinh phí ấy. Không phải cứ địa phương có tiềm lực về kinh tế là nhà trường nơi đó có kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị của mình. Xã Hưng Lộc, Phường Quang Trung đâu dồi dào về ngân sách, nhưng 100% số trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở đây đã đạt chuẩn quốc gia. Bí quyết của sự thành công, không có gì cao xa, mà chính là tinh thần trách nhiệm cộng với cách tham mưu của lãnh đạo, của Hiệu trưởng các nhà trường. Tôi nhớ mãi một sự việc xẩy ra khi tôi còn công tác ở Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Cô giáo Lê Thị Hoài An, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Dũng 1 lên gặp tôi xin đừng tham mưu công nhận trường của cô là Trường Tiên tiến xuất sắc dù UBND thành phố Vinh đã đề nghị. Theo cô, cơ sở vật chất của trường cô còn chưa đạt yêu cầu, nếu được công nhận Trường Tiên tiến xuất sắc, phường nghĩ thế là được rồi và sẽ không đầu tư thêm. Không được công nhận Trường tiên tiến xuất sắc, kèm theo, cô sẽ không được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Biết thế nhưng cô không thể để như thế được - không thể để trường và bản thâm mình có danh hiệu thi đua cao mà các cháu lại phải khổ. Lần đó, tôi phải về trường xem lại thực tế, kết quả là tôi đã làm theo ý cô. Sau đó một thời gian, gặp tôi cô vui mừng báo tin: “Nhờ anh mà trường em thay đổi hẳn”. Tôi nói với cô: “Trường Mầm non Hưng Dũng 1 đâu phải nhờ tôi, mà chính là nhờ cái tâm sáng của Hiệu trưởng”.

Cũng bằng nhiệt tâm của mình, Hiệu trưởng và tập thể lãnh đạo Trường Tiểu học Hưng Lộc đã “tìm” được và “mang” về cho nhà trường một cảnh quan khá đẹp, một môi trường thực sự mô phạm. Theo cô Phan Thị Hồng Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Lộc: không thể cái gì mình cũng yêu cầu xã. Trong tham mưu, phải tính toán rõ. Cái gì đề nghị xã làm, cái gì đề nghị xã đồng ý chủ trương, còn thực hiện chính là nhà trường. Ví dụ như xây dựng cảnh quan, môi trường sư phạm trong trường, chỉ cần xã thống nhất chủ trương là đủ. Còn trường vận động các lực lượng, vận động nhân dân và cha mẹ học sinh, vận động cả tập thể giáo viên trong trường cùng làm.

Song, so với các địa phương trong tỉnh, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của thành phố Vinh trong những năm gần đây bao giờ cũng thấp thua nhiều huyện, thị xã. Tại thời điểm 31/8/2011, Vinh (51,00%) lại tụt thêm một bậc, đứng thứ 8, sau Cửa Lò (86,36%), Diễn Châu (65,83%), Quỳ Châu (60,53%), Yên Thành (56,91%), Đô Lương (55,56%), Quỳnh Lưu (55,10%), Con Cuông 53,06%). Ngày 24/02/2012, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Vinh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/ThU về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012-2015 và những năm tiếp theo. Trong phần đánh giá tình hình, Nghị quyết chỉ rõ “tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia còn chậm”.

Thành phố Vinh là một trong hai địa phương được Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chọn làm điểm trực tiếp chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia sớm nhất trong tỉnh (từ năm học 1995-1996). Năm học 1997-1998, cả Nghệ An có 3 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia thì 02 trường là của Vinh. Điều kiện kinh tế-xã hội và sự phát triển về giáo dục của Vinh liệu có khó hơn Quỳ Châu, Con Cuông? Câu trả lời chắc chắn là không, bởi vì với hai tiêu chí nói trên, Vinh đứng đầu so với các huyện, thị xã là điều không phải bàn cãi. Thế thì vì sao tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của Vinh còn chậm?

Theo ông Thái Khắc Tân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Vinh: Công tác quản lý nhà trường; đội ngũ giáo viên; công tác xã hội hoá giáo dục; hoạt động và chất lượng giáo dục của các nhà trường không còn là sức cản trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia - bởi nếu xét riêng 4 nội dung đó thì gần như trường nào cũng đạt chuẩn. Khó nhất là điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị trường học. Nguyên nhân của tình hình này là do các phường, xã chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho nhà trường.

Một cán bộ lãnh đạo Phòng cho biết, kết thúc năm học 2007-2008, Vinh có 23 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia và con số đó vẫn giữ nguyên trong suốt 4 năm qua cho đến tận bây giờ. Theo cán bộ lãnh đạo này, các trường tiểu học còn lại của Vinh chưa đạt chuẩn quốc gia không phải vì thiếu phòng học, càng không phải vì thiếu thiết bị dạy và học vì thiết bị dạy và học đều được cấp đủ theo chuẩn tối thiểu mà là do cảnh quan khuôn viên nhà trường, là môi trường sư phạm của nhà trường (các yêu cầu xanh, sạch, đẹp, yên tĩnh, thoáng mát; đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh: có nguồn nước sạch, có khu vệ sinh, có hệ thống cống rãnh thoát nước, có tường hoặc hàng rào cây xanh, ….) chưa đạt yêu cầu. Và, khi không đạt những yêu cầu này sẽ kéo theo không thể đạt yêu cầu về giáo dục toàn diện. Mà những yêu cầu này hoàn toàn không cần nhiều tiền như xây dựng phòng học, xây dựng phòng chức năng. Nguyên nhân cơ bản, không có gì khác ngoài vai trò của lãnh đạo nhà trường mà đứng đầu là Hiệu trưởng. Nếu Hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường năng nổ, có tâm, chắc chắn chính quyền, nhân dân địa phương sẽ ủng hộ; chắc chắn các bậc cha mẹ học sinh sẽ không tiếc công, tiếc của đóng góp để xây dựng nơi học của chính con em mình.    

Cũng chính quyền đó, nhân dân và cha mẹ học sinh đó, nhưng với Hiệu trưởng khác nhau thì kết quả đến với nhà trường khác nhau. Ở Cửa Nam, cùng một phường, nhưng Trường Tiểu học Cửa Nam 1 đã đạt chuẩn quốc gia từ năm học 2001-2002, còn Trường Tiểu học Cửa Nam 2, cho đến nay vẫn chưa đạt chuẩn. Đợt lũ năm 2010, trong lúc tác nghiệp, chúng tôi đã ghé vào Trường Tiểu học Cửa Nam 2. Hạ tuần tháng 5 vừa rồi lại có dịp quay trở lại đây. Chưa tìm hiểu kỹ nên không dám nói về chất lượng giáo dục của nhà trường; nhưng nhìn từ bên ngoài, cơ ngơi và cảnh quan của Trường đã thay đổi hẳn. Có được thay đổi nhanh chóng đó, theo nhiều người nhận định, nguyên nhân quan trọng là hai năm nay Trường có Hiệu trưởng mới.

Từ thực tiễn ở TP Vinh, có thể nói rằng vai trò của lãnh đạo và hiệu trưởng nhà trường, vấn đề  tổ chức và cán bộ là yếu tố hết sức quan trọng đối với toàn bộ hoạt động giáo dục hiện nay của các địa phương. Nếu chủ quan hoặc không khách quan trong công tác cán bộ sẽ đem lại hậu quả đáng tiếc của cả nền giáo dục.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441424

Hôm nay

2141

Hôm qua

2283

Tuần này

21328

Tháng này

216598

Tháng qua

112676

Tất cả

114441424