Khách mời văn hóa

Quyền lực chính trị và văn hoá chính trị với sự phát triển đất nước ta hiện nay

VHNA: Toàn Đảng ta đang thực hiện NQĐH XI và nhất là TW 4, khóa XI và các NQ khác của Đảng. Nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị, cải cách thể chế đồng bộ với đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng và khó khăn. Trong đó việc xây dựng văn hóa chính trị khi sử dụng quyền lực chính trị có ý nghĩa nền tảng để tạo động lực thực hiện  đổi mới và phát triển tạo lập nền văn minh chính trị dân chủ pháp quyền. Nhân dịp này, VHNA đã có cuộc trao đổi với  tiến sĩ HỒ BÁ THÂM, nguyên Vụ trưởng, giám đốc chi nhánh NXB Chính trị quốc gia tại Tp Cần Thơ, Trưởng Ban Triết học và Khoa học chính trị, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM về một số nội dung có liên quan nói trên. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Quyền lực chính trị, thể chế chính trị và văn hóa chính trị

PV: Chính trị là quyền lực lãnh đạo và quản lý xã hội, hiểu một cách đơn giản như vậy có được không, thưa anh?Mà sử dụng quyền lực này thì thường dẫn tới những kết quả, hệ quả gì?

TS. HBT: Chính trị có thể hiểu nôm na như vậy. Nhưng trong thực tế hiện nay, việc sử dụng quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước đang đặt ra nhiều vấn đề nóng, cấp bách phải nghiên cứu, giải đáp, và cần hiểu căn cơ, thấu đáo hơn về chính trị, văn hóa chính trị. Cho nên ta cần nhìn nhận toàn diện hơn, chính xác hơn, vì chính trị là quan hệ giữa các giai cấp, cộng đồng, dân tộc, quốc gia cũng như giữa công dân và nhà nước. Việc tạo dựng và sử dụng quyền lực nhà nước là trung tâm của chính trị, đời sống chính trị. Mà sử dụng quyền lực chính trị ấy bao giờ cũng gắn với năng lực, trách nhiệm, quyền và lợi ích. Nhưng quyền lực nhà nước chỉ là quyền lực đại diện cho một giai cấp nào đó hay đa số nhân dân. Đó là bản chất, là gốc và nền tảng của chính trị…

Nếu quyền lực nhà nước mà đi ngược lại quyền lực, quyền lợi giai cấp, quốc gia, và nhân dân thì chính là sự suy thoái một phần hay cơ bản quyền lực nhà nước và cũng là phản văn hóa (văn hóa theo nghĩa chân -thiện -ích- mỹ). Mà điều này (quan liêu, lạm dụng, ích lỷ, vụ lợi) khi hành động sử dụng quyền lực người cầm quyền hay “quên”, một “sự quên” cực kỳ tai họa!!  Ngược lại, nếu sử dụng quyền lực chính trị đúng qui luật và hợp lòng dân thì sẽ tạo động lực cho sự phát triển, tiến bộ, nhân văn.

 PV: Vậy, mối tương quan giữa văn hoá và chính trị như thế nào? Chính trị có phải là một thành tố văn hoá? Nó đứng trên, đứng dưới hay song song tồn tại với văn hoá? Hay các kết quả nó tạo ra mà phù hợp với quy luật và đáp ứng nhu cầu của con người, và xã hội, tức là các giá trị tiến bộ, mới là văn hoá? Vai trò văn hóa chính trị có tác dụng gì trong việc sử dụng quyền lực lãnh đạo, quản lý?

 TS.HBT:  Văn hóa rộng hơn chính trị nhiều lắm. Theo nghĩa rộng nhất (văn hóa là cái nhân tạo) thì chính trị cũng như là kinh tế và là một lĩnh vực của văn hóa. Nhưng theo nghĩa hẹp, thì chính trị và văn hóa không phải là một, khi chính trị (quyền lực chính trị) như một hiện tượng khách quan/khách thể, song khi ta (chủ thể) sử dụng nó, thì ý thức, hiểu biết, thái độ, cách thức, mục đích, lợi ích sử dụng nó thì đó là văn hóa chính trị. Mà cái chủ quan này ở con người, cụ thể là người cầm quyền hay công dân/ nhân dân sử dụng quyền lực chính trị có thể đúng hay không đúng, lợi hay bất lợi thì có thể làm cho quyền lực trở nên chính đáng, có văn hóa, có đạo đức hay tha hóa quyền lực, phản văn hóa, phi đạo đức. Theo nghĩa trên  thì chính trị chính đáng, có văn hóa, có đạo đức là các kết quả mà nó tạo ra phù hợp với quy luật và đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội. Như thế thì chính  trị và văn hóa, đạo đức ở đây là một. Nhưng cần nhớ rằng sự tương tác giữa chính trị và văn hoá chính trị, văn hóa đạo đức thường được thể hiện rất mâu thuẫn, rất  là phức tạp.

Như đã nói, khi mà chính trị/ quyền lực chính trị đứng trên văn hóa, đứng ngoài văn hóa, hay trái với văn hóa thì nó suy thoái. Xét về mục đích thì văn hóa, đạo đức cao hơn chính trị và cùng tồn tại với chính trị, và chính trị như vậy là song hành song cùng với văn hoá. Nhưng văn hóa nào, nó như thế nào, tiến bộ hay lạc hậu? Trong nhà nước pháp quyền thì hiến pháp, luật pháp (hay là cơ sở của văn hóa pháp quyền, đạo đức pháp quyền) cao hơn quyền lực nhà nước, quyền lực đảng phái. Nếu ngược lại, thì thành nhà nước đảng quyền, nhà nước toàn trị, trở thành nhà nước phi văn hóa, phi đạo đức, phi pháp quyền dân chủ (dù có thể mức độ rất khác nhau). Lực cản, lực phá và tại họa ấy đối với lợi ích dân tộc - quốc gia và sự phát triển bền vững sẽ bị de dọa nghiêm trọng.

Cần chú ý rằng, trong văn hóa chính trị thì quan trọng nhất là văn hóa quyền lực. Nhưng văn hóa chính trị có thể tiến bộ, hợp thời và cũng có lạc hậu, sai lệch. Nên văn hóa chính trị tác động đến chính trị, cũng dẫn đến những kết quả, hệ quả, thấp cao, xấu tốt khác nhau về chính trị và qua chính trị đến các mặt khác của đòi sống xã hội… Sức mạnh chính trị là tập trung sức mạnh của kinh tế. Nhưng quyền lực chính tri, quyền lực kinh tế là quyền lực cứng, còn quyền lực văn hóa là quyền lực mềm. Nếu quyền lực chính trị kết tinh được cả quyền lực văn hóa thì nó có sức mạnh cấp số nhân, sáng suốt, minh bạch, trong sạch và mang tính nhân văn cao.

PV: Nhà nước là sự hiện diện, là phương tiện, là công cụ hay là mục tiêu của của một nền chính trị? Biểu hiện cao nhất của chính trị là gì? Quan hệ giữa chính trị và thể chế chính trị?Người đại diện của chính trị trong các cộng đồng xã hội, dân tộc - quốc gia là ai?

TS.HBT: Nhà nước là công cụ, phương tiện quan trọng bậc nhất của nền chính trị và của xã hội nói chung. Nó cũng là một lĩnh vực, nơi thể hiện tập trung bản chất của chế độ chính trị (có dân chủ hay không dân chủ, có đạo đức hay không đạo đức).

Biểu hiện cao nhất của chính trị là dân chủ, chẳng hạn ở nước ta, thể hiện ra ở chỗ nó tồn tại vì/ phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân như là sứ mệnh và mục đích của nó. Nói cách khác quyền và lợi ích của  tổ quốc và của nhân dân phải được phát huy cao nhất. Nhà nước nói chung, có thể là một nhà nước có đạo đức ít hay nhiều, hoặc là phi đạo đức. Nhà nước pháp quyền thì pháp quyền là cao nhất, chi phối nhưng pháp quyền cũng không tách rời lĩnh vực đạo đức, vì nó bao giờ cũng gắn với hành vi của con người, nhất là những người hoạt động trong hệ thống đó, đại diện của nó.

Ta thấy người đại diện cho chính trị trong các cộng đồng xã hội, dân tộc - quốc gia chính là đảng cầm quyền nhưng nhà nước trong xã hội ta thì toàn bộ quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân, nhân dân chủ thể của quyền lực ấy. Trong nhà nước dân chủ pháp quyền thì nhân dân bầu ra những người tiêu biểu đại diện cho mình, tức nhân dân ủy quyền cho họ-họ là các nhà chính trị, từ đó họ tổ chức ra bộ máy nhà nước. Vấn đề là làm sao họ đại diện được  quyền, lợi ích, lương tri và tinh hoa dân tộc.

Quyền lực chính trị và thể chế của nó tạo nên nền chính trị hay hệ thống chính trị. Quyền lực chính trị được thể hiện ra ở hình thức, hình thái của nó là thể chế chính tri và tác động đến xã hội, con người thông qua thể chế của nó. Cho nên, thường người ta đánh giá quyền lực chính trị thông quan thể chế. Giữa thể chế, cơ chế chính trị và quyền lực chính trị có thể thống nhất và có thể mâu thuẫn, lệch pha, qui định nhân quả lẫn nhau (kiểu quan hệ nội dung- hình thức) trong một môi trường văn hóa và tương quan lực lượng nhất định. Nếu thể chế chính trị có mặt không thích hợp, lạc hậu hay lệch pha thì phải đổi mới, cải cách thể chế vì chính thể chế, cơ chế tác động đến quyền lực chính trị và trực tiếp qui định hành vi con người, dù con người đề ra nó vận hành nó. Từ đó nhìn vào hành xử của  con người vận hành quyền lực chính trị, thể chế chính trị mà đánh giá thể chế chính trị, vì chúng có quan hệ nhân quả với nhau. Cho nên khi tìm nguyên nhân tham nhũng, suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên hiện nay thì cần thì tìm nguyên nhân cả trong thể chế và trong sự tu dưỡng của họ như thế nào.

Việc tạo lập thể chế quyền lực chính trị, vận hành, thực hiện nó ở nước ta hiện nay vẫn thấy bộc lộ những non kém, lệch lạc như lạm quyền, độc quyền và cả thiểu quyền. Có nguyên nhân cả người thực hiện và nguyên nhân thể chế, cả mặt lịch sử và mặt hiện thời.

Thời kỳ mới và những đòi hỏi về thể chế chính trị và văn hóa chính trị

PV. Mọi người đều biết, dân tộc ta đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng để bảo vệ chủ quyền và độc lập và khôi phục suy thoái kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Có gì cần cảnh báo? Nền văn hoá chính trị của chúng ta cần phải làm gì, bổ sung những phẩm chất gì để hướng tới mục tiêu giữ nước, phát triển đất nước trong bối cảnh mới?

 TS.HBT: Mỗi dân tộc có một nền văn hoá, một truyền thống văn hoá; Mỗi quốc gia có mỗi truyền thống chính trị mang dấu ấn văn hoá của dân tộc - quốc gia đó rát cần phát huy những mặt tốt, hợp thời. Nhưng sự hình thành nền chính trị và văn hóa chính trị ngày nay phải đặt nó trong sự tác động của xu thế toần cầu hóa và hội nhập, tiếp thu, tiếp biến nên văn minh chính trị nhân loại.

Nhìn từ lịch sử và thực tiễn Việt Nam, chúng ta nhận thấy đặc điểm chính là dựng nước và giữ nước, nhưng chỉ thành công khi dựa trên nền tảng văn hóa yêu nước, thương dân, dựa vào dân, đoàn kết một lòng vì sự nghiệp chung. Ở đó có điểm gặp nhau, đồng thuận giữa văn hoá và chính trị, nhà cầm quyền và nhân dân. Nhưng khi ta thấy có lúc nào đó, do sai lầm, lạc hậu, nên có độ chênh và thậm chí đối nghịch giữa chính trị và văn hoá, giữa nhà cầm quyền và nhân dân, nếu không kịp thời điều chỉnh, hậu quả là suy thoái chính trị và thường là “mở đường” cho ngoại xâm và mất nước... Những năm cuối của nhà Lê là vậy. Đó là những bài học về văn hóa chính trị, văn hóa quyền lực. Suy thoái văn hóa chính trị, cái nền tảng tinh thần, sinh khí của chính trị thì chính trị và đất nước khủng hoảng, suy thoái.

Sự trường tồn và phát triển của dân tộc VN là kết quả cao nhất của sự tương tác, tương hợp, tương sinh giữa văn hoá và chính trị, giữa nhân dân và giới cầm quyền. Đó là là điều tiên quyết và hệ trọng.

Thực tế văn hóa sử dụng quyền lực, hay văn hóa quyền lực có nhiều điều cần cảnh báo.

Chẳng hạn, ở không ít địa phương, khi xảy ra khiếu kiện đất đai, khiếu kiện về ô nhiềm môi trường diễn ra nhiều hơn thì có hiện tượng quan liêu, lạm quyền, hách dịch, cưỡng bức dân vô lối, đổi lỗi xấu cho dân, hoặc cho “lực lượng thù địch” (như vụ Tiễn Lãng, văn Giang…).  Chúng ta tế nhị ngoại giao với nước ngoài nhưng không hay ít tế nhị với nhân dân, nội giao bị xem nhẹ. Hoặc việc xây dựng và thực hiện các dự án ở cả cấp trung ương và địa phương, bộ ngành không những kém về mặt tính khoa học, tính dân chủ, tính hiệu quả, và cả mất cảnh giác, hoặc thờ ơ với cả những kẻ trục lợi từ bên trong và cả từ bên ngoài. Hoặc tệ tham nhũng, lãng phí còn xảy ra nghiêm trọng và xử lý chưa nghiêm…. Những hiện tương nói trên nếu tiếp tục kéo dài, kết quả là càng mất lòng dân, rất đáng báo động. Nếu không sớm khắc phục cơ bản thì nguy cơ từ bên trong này (xuất phát từ suy thoái quyền lực, tư tưởng chính trị, đạo đức ở một phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức quyền) đáng sợ hơn nhiều so với nguy cơ từ bên ngoài.

PV:Những đòi hỏi cần thiết nhất về phẩm chất văn hoá của một nền chính trị hiện đại là gì? Và yêu cầu về phẩm chất của các đại diện của nền chính trị? Điều kiện tiên quyết để xây dựng và phẩm chất đó là gì? Tại sao?

 Khi chúng ta thực hành một xã hội và nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân thì cần nhà nước này, nói rộng ra nền chính trị này, văn hóa chính trị này và cả cán bộ, viên chức, nhân viên của hệ thống này phải như thế nào? Tôi có một bài tham luận tại hội thảo thực hiện nghị quyết TW 4, (do Ban Tổ chức TW, Tạp chí Cộng sản, Thành ủy TPHCM, đồng tổ chức), bản tham luận đó có tiêu dề “Thể chế nào phòng, chống được tham nhũng”? Có lẽ đó cũng là các yêu cầu, phẩm chất đặc trưng của một nền chính trị hiện đại có văn hóa cao. Có 9 nội dung: 1)- Là thể chế mà ở đó toàn bộ quyền lực thật sự thuộc về nhân dân, quyền lực công cộng của đa số đúng thực chất. Các cơ quan đại diện và quản lý hành chánh, tư pháp của nhà nước và các tổ chức xã hội thực sự đại biểu trung thành cho quyền và lợi ích của nhân dân. 2)- Là thể chế mà các chủ thể quyền lực rõ ràng, các chủ thể có tính độc lập, tính trách nhiệm cao, gắn trách nhiệm với lợi ích rõ ràng. Nghĩa là các chủ thể kinh tế phài có tư cách pháp nhân xét từ góc độ sỡ hữu và quyền hoạt động kinh doanh. Các chủ thể chính trị-hành chính có tư cách pháp nhân, tự chịu trách nhiệm và dễ dàng qui trách nhiệm.3)- Là thể chế mà quyền lực có sự cân bằng, bình đẳng tương đối, trong đó không có quyền lực nào là cao nhất và tuyệt đối. Đó là quyền lực bị giới hạn và bị kiểm soát, bị giám sát… Quyền lực bị giới hạn, có giám sát, kiểm soát (bên trong và bên ngoài) thực sự thì không hay ít có tham nhũng tràn lan, nghiêm trọng. 4)- Là thể chế mà quyền lực dân chủ thật sự của nhân dân được đảm bảo và  phát huy cao độ. Cơ chế phản biện, giám sát xã hội, giải trình được thực thi.  5)- Là thể chế minh bạch, công khai, không che giấu thông tin, cơ hội phát triển. Do đó, cán bộ công chức  không giám  dấm dúi,  tự tung tự tác và người dân cũng khó mà tranh thủ hối lộ để có lợi ích riêng cho mình. 6)- Là thể chế mà các thủ tục hành chính đơn giản, nhất quán, liên thông, nhất là ở các lĩnh vực nhạy cảm  liên quan với tài sản lớn qua đó công chức có động lực phục vụ nhân dân, cơ quan công quyền như là cửa hàng dịch vụ và nhân dân là khách hàng, là “thượng đế”.7)- Là thể chế cơ chế cạnh tranh lành mạnh, không có cơ chế bao cấp, xin cho… các doanh nghiệp dù công hay tư trong lĩnh vực kinh doanh cũng cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Các cơ quan và cán bộ công quyền cũng cạnh tranh và thi đua bằng tài năng, uy tín và hiệu qủa công việc thực tế chứ chủ yếu không phải là băng cấp, danh vị hình thức, hay bằng các mối quan hệ. 8)- Là thể chế năng động, có khả năng tạo nên động lực huy động được đa số nhân dân chống tham nhũng và có cơ chế, chế tài bảo vệ, tôn vinh  được người chống tham nhũng, những người “có cơ hội…” mà không tham nhũng. 9)- Là thể chế mà ở đó nguyên tắc tối cao nhất không phải là chỉ thị, pháp lệnh… mà là hiến pháp. Thể chế này chủ yếu là nhà nước vì nhân dân, phục vụ nhân dân, nhà nước trong lòng dân mang tính tôn dân và là công bộ phục vụ nhân dân…

Nhìn chung ở tầm vĩ mô là như vậy, còn về vi mô cần cụ thể hóa hơn nữa, và nhất là chú trọng hơn về mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, xây dựng cơ chế để quyền lực phải được phân lập, đảm bảo tính độc lập, không được vừa đá bóng vừa thổi còi, nó phải được giám sát, kiểm soat..; hoặc mọi thông tin phải công khai (trừ bí mật quốc gia), thực hiện chế độ trách nhiệm cá nhân và chế độ giải trình…

Phải chủ động vừa đổi mới thể chế chính trị vừa xây dựng văn hóa chính trị mới, thì mới thực sự có văn hóa trong sử dụng quyền lực. phải chủ động xây dựng văn minh chính trị hiện đại, một nền chính trị dân chủ pháp quyền, và cũng từ đó mới có CNXH. Điều kiện tiên quyết để có nền chính trị ấy phải xây dựng một đảng cầm quyền có văn hóa, văn minh. Có lẽ cuộc vận động chỉnh đốn, xây dựng Đảng hiện nay là khởi động theo xu hướng đó.

PV: Đảng ta, trong NQTW 4, khóa XI vừa rồi có nêu:  Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống..... Vậy có phải đó là sự xuống cấp về văn hóa của Đảng ta và của nền chính trị VN đương đại?Phải ngăn chặn và  đổi mới thế nào? Các giải pháp mà NQ TW 4 đề ra có phải là cứu cánh cho văn hóa chính trị VN hiện thời? Và có chắc chắn đảm bảo các phẩm chất văn hóa đã có, đang còn của Đảng, của bộ máy nhà nước, của các cán bộ đảng viên sẽ đảm bảo cho việc thực hiện thành công các nhóm giải pháp đó?

TS. HBT: Đúng, thực trạng đó là sự xuống cấp của văn hóa, trước hết là văn hóa chính trị. Sự suy thoái đó có nguồn gốc cũ từ văn hóa truyền thống tiểu nông, phong kiến lỗi thời, có từ tác động mặt trái kinh tế thị trường, từ lệch lạc của thể chế chính trị (gồm cả thể chế công tác cán bộ) và sự kém tu dưỡng của một bộ phận không nhỏ ấy. Tất nhiên, qua thời kỳ đổi mới thì văn hóa chính trị cũng có nhiều mặt đổi mới, bổ sung, phát triển, tiến bộ hơn trước, nhưng chưa căn bản vì thể chế chính trị của thời tập trung bao cấp còn chậm thay đổi, còn bấp cập, nhiều mặt lỗi thời, hoặc chưa tiên tiến, chưa ngang tầm. Trong khi đó, hiện nay bên cạnh sự phân hóa kinh tế lại bắt đầu có sự phân hóa về chính trị - xã hội, nên cần sáng suốt xử lý cho đúng, kịp thời, tránh bị động…

Đảng ta đang chủ trương đổi mới hệ thống chính trị, thể chế chính trị theo hướng dân chủ pháp quyền cho phù hợp đổi mới kinh tế, xây dựng nền dân chủ văn minh XHCN và đổi mới văn hóa, xây dựng nên văn hóa tiên tiến đậm đà, giàu bản sắc dân tộc, hội nhập quốc tế, phát triển bền vững. Hiến pháp 1992 đang được sữa đổi là một sự kiện cơ bản, rất quan trọng. Về mặt chỉnh đốn xây dựng Đảng, NQ TW 4 đã đưa ra hệ các giải pháp cả về mặt giáo dục và mặt thể chế (trực tiếp là thể chế công tác cán bộ). Nhưng đây là những đột phá mang tính mở đầu cho công cuộc đổi mới thể chế chính trị, xây dựng văn hóa chính trị nói trên. Thực ra cần cơ cấu lại hệ thống quyền lực chính trị, đổi mới toàn diện và căn cơ hơn về thể chế chính trị, hệ thống chính tri và văn hóa chính trị. Có lẽ yêu cầu phức tạp, nhạy cảm này còn đang nghiên cứu, đề xuất và ý kiến có thể khác nhau. Thận trọng, thực hiện từng bước nhưng phải cương quyết, không có lựa chọn nào khác. Từ đó mới có một nền dân chủ pháp quyền thật sự của dân do dân và vì dân. Đó mới là cứu cánh cho văn hóa chính trị, nền chính trị VN hiện thời. Còn thực hiện NQTW4 chỉ là một khâu then chốt, tiên quyết, mở đầu (giới hạn trong một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng).

Khi việc thực hiện NQTW 4, thì với những phẩm chất đã có của văn hóa chính trị, phẩm chất, năng lực chính trị của toàn đảng với đa số cán bộ đảng viên hiện nay, nếu biết dựa chắc vào nhân dân, gắn phê bình và tự phê bình thực chất với cải cách thể chế, phát huy các năng lực nội sinh, sẽ là điền kiện đảm bảo cho việc thực hiện thành công các nhóm giải pháp mà NQTW 4 nêu ra. “Thượng bất chính hạ tác loạn”. Vấn đề tiên quyết là phải sáng suốt, trong sạch, nghiêm minh, gương mẫu bắt đầu từ cấp trên, cấp cao nhất. Nhìn vào cách làm mới qua kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gần đây ta có thể tin như vậy. Tuy nhiên, công việc này còn lâu dài như một quá trình chiến thắng bản thân, đầy cam go, phức tạp, không thể lạc quan tếu.

Trước sức ép bên trong và bên ngoài, hệ thống chính trị, thể chế chính trị phải thực hiện một “lột xác” thế nào, tử chỉnh đốn, cải cách ra sao để tăng thêm chất lượng mới, tư duy, năng lực và phẩm chất mới, tạo nên hợp trội, sao cho thu phục nhân tâm, bồi dưỡng sức dân, “thêm bạn bớt thù”, hòa hợp dân tộc, đồng thuận xã hội cao hơn cao hơn, thu hút trí tuệ toàn dân và bạn bè quốc tế,  để đủ sức lãnh đạo nhân dân, cùng với họ vượt qua thách thức hiểm nghèo, tranh thủ cơ hội, thoát hiểm đúng lúc và phát triển lên trình độ mới, vững chắc hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ đã có những trao đổi thú vị đáng suy ngẫm…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114449757

Hôm nay

263

Hôm qua

2313

Tuần này

21302

Tháng này

216016

Tháng qua

120141

Tất cả

114449757