Nhìn ra thế giới

Nhật Bản kiên định trước đe dọa của Trung Quốc

 

Tại Trung Quốc, những cuộc biểu tình bạo động chống Nhật đã bước sang ngày thứ tư. Tòa đại sứ Nhật, hàng quán Nhật bị tấn công, kiều dân bị hành hung, hàng trăm xí nghiệp đóng cửa vì lý do an ninh. Để gia tăng áp lực chiến tranh tâm lý, Trung Quốc đưa 11 tàu hải giám cải biến từ tàu quân sự cùng với hơn 1.000 tàu đánh cá kéo ra quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư Đài. Trong khi đó, tại Nhật Bản, từ chính phủ, đối lập, cho đến người dân bình thường, kể cả cộng đồng Hoa kiều vẫn không có dấu hiệu bị kích động.

Tình hình căng thẳng thấy rõ tại vùng biển Senkaku/Điếu ngư. Hải quân Nhật tăng cường vòng đai phòng thủ chung quanh vùng tranh chấp trong khi truyền thông hai nước đều loan tin khoảng 1.000 tàu cá Trung Quốc đang tiến đến vùng xung khắc. Tuần duyên Nhật Bản, sáng nay 18/09/2012, cho biết, Trung Quốc đã điều 11 tàu « chính phủ » đến sát « hải phận của đảo Uotsuri ». Những sự kiện làm tăng thêm nguy cơ xảy ra va chạm giữa đôi bên như vào năm 2010, khi một tàu đánh cá của Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên của cảnh sát biển Nhật Bản gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa hai lân bang có cùng chung biển Hoa Đông.

Khác với Trung Quốc, tại Nhật không có thông tin về những cuộc xuống đường, đốt phá bài Hoa. Hư thực như thế nào ? Lý do ra sao ? Từ Tokyo, giáo sư Vũ Đăng Khuê phân tích :

« Vụ Senkaku bắt đầu từ khi chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào gặp thủ trướng Nhật Noda tại Thượng đỉnh Apec có cảnh cáo rằng, không nên quốc hữu hóa (đảo), nhưng ông Noda vẫn làm. Từ ngày hôm sau, bắt đầu có những phản ứng mà chúng ta thấy trên TV liên tục từ ngày này sang ngày kia, tấn công vào những cơ sở làm ăn của người Nhật tại Trung Quốc. Tại Nhật, có hai dư luận thấy rõ : Chính quyền, đối lập và quần chúng. Nói về chính giới thì đảng cầm quyền tuần này bầu chủ tịch mới. Đảng đối lập cũng có bầu cử nội bộ và tất cả những người ra ứng cử đều có nhận định cứng rắn không để mất (đảo) hay nhượng bộ trước bất cứ hình thức đòi hỏi vô lý và ngang ngược của Trung Quốc.

Về phần dân chúng, họ không có phản ứng, nói xin lỗi , là côn đồ hay khủng bố... cộng đồng người Hoa ». 

Với một lực lượng hải quân hùng mạnh và tân tiến, Tokyo đã triển khai một hệ thống phòng thủ phòng ngừa bất trắc. Tuy bị trói buộc vì hiến pháp hòa bình, quân đội Nhật đã có một quá trình tác chiến trên biển và bỏ xa Trung Quốc về công nghiệp hải quân. Trước đệ nhị thế chiến, các hạm đội, các hàng không mẫu hạm của Nhật đã từng gây điêu đứng cho Hoa Kỳ, trong khi đến ngày nay, Trung Quốc tự mình vẫn chưa canh tân xong một hàng không mẫu hạm cũ mua lại của Ukraina.

Rất có thể đây là một trong nhiều lý do giúp cho Nhật Bản kiên quyết bên trong và trầm tĩnh bên ngoài như phong cách của một Samurai kiếm đạo truyền thống trước giờ giao đấu./.

Nguồn: rfi

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529234

Hôm nay

2281

Hôm qua

2334

Tuần này

21507

Tháng này

215930

Tháng qua

0

Tất cả

114529234