Khách mời văn hóa

"Sinh viên ngày nay nhiều người học đối phó, học chỉ để lấy điểm"

VHNA: Vấn đề dạy học môn ngữ văn trong trường ĐH và trường phổ thông đã được bàn thảo nhiều, song vẫn còn “ngổn ngang trăm mối”. Nhân dịp đầu năm học 2012 - 2013, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Đinh Trí Dũng, Trưởng khoa Ngữ văn trường ĐH Vinh về mối quan hệ giữa khâu đào tạo sinh viên ở trường đại học sư phạm và việc dạy văn ở trường phổ thông. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

Phóng viên (PV): Thưa ông, chúng tôi xin mở đầu câu chuyện bằng vấn đề chất lượng đầu vào của sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn hiện nay. Ông có nhận xét gì về tình hình giáo dục môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông qua việc đánh giá, tìm hiểu sinh viên Ngữ văn mới nhập trường, hoặc qua một số kênh thông tin khác?

PGS.TS Đinh Trí Dũng (ĐTD): Về vấn đề này, tôi và TS Đặng Lưu đã có đề cập trong bài: “Một số vướng mắc cần tháo gỡ trong đào tạo sư phạm Ngữ văn bậc đại học và dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông” đăng trên Tạp chí Giáo dục số 1/2012. Xin lấy những con số biết nói để minh chứng. Cách đây khoảng mươi năm, khi ngành Sư phạm đang ở thời hoàng kim, điểm chuẩn vào khoa Ngữ văn Đại học Vinh thường khoảng 24 đến 25 điểm, đứng vào tốp đầu của ngành đại học. Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội hồi đó có năm lấy điểm chuẩn đến 27 điểm. Còn năm nay, điểm chuẩn vào khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội là 22; khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh là 17,5; khoa Ngữ văn Đại học Vinh là 17; Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Huế là 16. Hiện nay nhiều em học sinh có năng lực ở phổ thông không còn thích vào các trường sư phạm. Các trường tốp đầu mà như thế thì các trường đại học yếu hơn, các trường mới mở không nói cũng đã rõ. Nhiều trường lấy chuẩn đầu vào sư phạm chỉ ngang điểm sàn. Mà ai cũng biết rằng đầu vào tuyển sinh là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng đầu ra. Cùng với sự giảm sút chất lượng đầu vào là sự thiếu hụt rất dễ nhận thấy ở các sinh viên sư phạm Ngữ văn mới vào trường trên nhiều phương diện của giáo dục phổ thông: khả năng tin học, ngoại ngữ; khả năng giao tiếp; khả năng thích ứng trước những thay đổi, khả năng tư duy sáng tạo. Điều này chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy cho ngành Giáo dục và cho xã hội nhiều năm sau này.

PV: Là một giảng viên có nhiều năm công tác, theo ông, so với các thế hệ sinh viên trước đây, bây giờ còn khoảng bao nhiêu % sinh viên sư phạm Ngữ văn học đêm học ngày, “mọt sách”, đam mê văn chương, miệt mài nghiên cứu, tìm tòi?

ĐTD: Tôi không thích từ “mọt sách” vì nó có thể gợi một nghĩa không hay: đó là kiểu học gạo, học nhồi nhét kiến thức, thiếu sáng tạo. Nhưng cũng phải nói rằng trong một thời kỳ dài trước đây, trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt hay thời kỳ đầu đổi mới, ngành Giáo dục đã tạo ra những thành tựu lớn cho đất nước. Trong những năm chiến tranh, trường Đại học Vinh phải 8 lần sơ tán, đời sống cán bộ, giáo viên trăm bề vất vả, nhưng thầy trò thời ấy vẫn say mê học tập, nghiên cứu dưới hầm tránh bom, dưới ánh đèn dầu và nhờ đó đã sinh ra một thế hệ vàng những nhà khoa học như Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Phùng Văn Tửu, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Tiến Tựu...

Còn hôm nay, khó nói chắc chắn còn bao nhiêu phần trăm sinh viên sư phạm miệt mài học ngày, học đêm như trước. Vẫn còn không ít bạn đam mê kiến thức, có ý thức học tập nhưng cũng phải thừa nhận rằng sinh viên ngày nay nhiều người học đối phó, học chỉ để lấy điểm.                 

Trước thực trạng đó, hiện nay ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học đang hết sức quan tâm đổi mới cách dạy, cách học, rèn luyện cho sinh viên khả năng biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, có khả năng làm việc độc lập, có khả năng phản biện. Tuy nhiên theo tôi, để thực hiện được mục tiêu trên, ngành giáo dục đang còn rất nhiều việc phải làm. Giáo sư Vũ Cao Đàm có tâm sự trên Vietnamnet rằng: sinh viên trong trường đại học được học đủ thứ, nhưng nhiều người lại lúng túng không trả lời nổi một câu hỏi đơn giản ông nêu ra trong khi dạy, chẳng hạn: “khoa học là gì” hay “lý thuyết là gì”?                     

PV: Có thể nói giáo dục đại học của chúng ta hiện nay vẫn chưa hình thành được thói quen làm việc độc lập, tư duy phản biện cho sinh viên. Cần làm gì để khắc phục tình trạng này?

ĐTD: Trước hết, phải nói rằng ngày nay, điều kiện học tập tốt hơn trước rất nhiều: thư viện phục vụ chu đáo, sách, giáo trình đầy đủ. Chỉ cần vào mạng là bao nhiêu câu hỏi cần thiết sẽ được giải đáp ngay. Nhưng một nghịch lý là sinh viên bây giờ dường như ít đam mê hơn, ít đọc hơn. Còn về thói quen làm việc độc lập, tư duy phản biện, tôi cho rằng muốn có được điều đó, nền giáo dục nước nhà cần phải có một sự chuyển biến “căn bản và toàn diện” từ mục tiêu, nguyên lý giáo dục đến chương trình, sách giáo khoa và đặc biệt là phương pháp dạy học.                   

PV: Trong các nguyên nhân đó, có nguyên nhân nào thuộc về tâm thế người giảng viên? Ông có đồng ý với nhận xét: tâm thế người giảng viên Ngữ văn, hay nói chung là người dạy văn hôm nay đã khác nhiều so với một thời mà chúng ta tạm gọi là hoàng kim trước đây?          

ĐTD: Đúng là trong các nguyên nhân, có một nguyên nhân quan trọng, đó là tâm thế người giảng viên, người giáo viên Ngữ văn đã khác nhiều so với thời mà ta gọi là “hoàng kim” trước đây. Cơ chế thị trường, lối sống thực dụng đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống, trong đó có ngành Giáo dục. Trong những ngày chống Mỹ, nhà văn Nguyên Hồng lên dạy ở trường Viết văn Nguyễn Du, khi nói về nỗi khổ của các nhân vật trong văn học hiện thực phê phán trước năm 1945, ông đã khóc trước lớp và nhiều học viên cùng khóc theo ông. Thử hỏi hôm nay, còn được bao nhiêu cái tâm thế trong sáng, hồn nhiên ấy trong những giờ dạy văn?

PV: Phải chăng sự nhận thức, đánh giá của xã hội đối với vai trò, vị trí của môn văn, của người thầy giáo dạy văn đã khác trước?

ĐTD: Tôi xin lấy một số liệu đang được dư luận chú ý: Báo cáo của đề tài khoa học: “Giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam bảo trợ cho biết: một nửa giáo viên được hỏi trả lời rằng nếu bây giờ được chọn lại nghề, họ sẽ không chọn làm nghề giáo. Ở đây có nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn có một nguyên nhân quan trọng: sự vinh danh của xã hội đối với vị trí người thầy nói chung, người thầy giáo dạy văn nói riêng ngày hôm nay đã không còn như trước. Tâm lý tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc ở nhiều nơi, nhiều lúc đang có nguy cơ mai một hoặc chỉ còn mang tính hình thức. Trong nhà trường phổ thông, các em lao vào học các môn tự nhiên và chọn thi vào những ngành sẽ có thu nhập cao như tài chính, ngân hàng. Khi chương trình phân ban ở phổ thông được thực hiện, có trường không tuyển nổi dăm chục em mỗi năm để xếp vào học ban C.        

PV: Theo ông, cần làm gì để thay đổi sự đánh giá của xã hội đối với vai trò, vị trí của môn ngữ văn, của người thầy giáo dạy văn?

ĐTD: Muốn được xã hội tôn trọng thì theo tôi, người thầy giáo trước hết phải biết tự tôn trọng mình, tôn trọng nghề nghiệp mà mình lựa chọn. Xã hội đòi hỏi khắt khe, thậm chí nghiêm khắc đối với người thầy, tôi cho đó là việc bình thường, đương nhiên. Dạy văn không chỉ là dạy chữ mà còn là dạy cách sống, dạy thế hệ trẻ biết rung động trước cái đẹp, biết xót xa trước nỗi đau của đồng loại. Mình làm nghề dạy người, rèn người mà mình không biết rèn luyện mình, giữ gìn nhân cách của mình thì những gì người thầy nói trên lớp chỉ còn là sự sáo rỗng, giả dối mà thôi.

PV: Nhưng chỉ đặt ra yêu cầu đối với người thầy, liệu có công bằng?

ĐTD: Đúng vậy, vấn đề cần phải nhìn từ nhiều phía. Bên cạnh sự nỗ lực của người thầy, xã hội cũng cần tạo ra những điều kiện tốt hơn để người thầy giáo dạy văn có thể yên tâm với nghề nghiệp cao quý của mình, hạn chế tâm lý chán nghề, thờ ơ, vô cảm, thậm chí đánh mất nhân cách của mình. 

 PV: Ông quan niệm như thế nào về một giáo viên dạy văn giỏi ở bậc phổ thông? Để trở thành một giáo viên dạy giỏi môn văn, cần có những tiêu chí, phẩm chất gì?

 ĐTD: Theo tôi, một người giáo viên giỏi ở bậc phổ thông trước hết phải là một người được trang bị một vốn kiến thức hệ thống, khoa học, hiện đại, đồng thời là người biết tiếp cận những phương pháp dạy học hiện đại. Trong những năm vừa qua, trình độ học vấn của đội ngũ giáo viên dạy văn ở các trường phổ thông ngày càng được nâng cao. Có trường có đến 70-80% giáo viên dạy văn có bằng thạc sĩ. Nhưng theo tôi điều đó chưa đủ. Dạy văn vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Văn học là nhân học. Người thầy giáo dạy văn phải là một hình ảnh đẹp trong tâm hồn còn trong sáng của các em. Mà muốn làm được điều đó, người thầy giáo dạy văn trước hết phải là người thực sự yêu nghề, yêu người, yêu trẻ, biết sống có bản lĩnh, sống trung thực, dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu. 

PV: Chúng tôi quan niệm chất lượng đào tạo bậc đại học được thể hiện qua số lượng giáo viên giỏi, được xã hội thừa nhận. Nhìn ở góc độ này, các cơ sở đào tạo cần làm gì để ngày càng có nhiều giáo viên Ngữ văn giỏi hơn?

ĐTD: Như tôi đã nói từ đầu, muốn các trường sư phạm đào tạo được nhiều giáo viên giỏi thì trước hết phải cải thiện chất lượng đầu vào. Nếu đầu vào chỉ ngang điểm sàn thì dù có cố gắng bao nhiêu, chúng ta cũng chỉ có thể tạo ra những thầy cô giáo vào loại khá mà thôi. Ông cha ta từng nói: “có bột mới gột nên hồ”. Mà muốn có nhiều học sinh giỏi vào các trường sư phạm thì phải giải quyết một loạt bài toán khó mà một mình ngành Giáo dục không thể làm nổi, trong đó có vấn đề tìm kiếm việc làm khi ra trường, môi trường làm việc và khả năng thăng tiến, thu nhập của nhà giáo...

PV: Với cách thi tuyển đầu vào như hiện nay, ông có cho rằng sẽ tuyển chọn được những sinh viên Ngữ văn có nền tảng kiến thức vững, có khả năng sư phạm tốt, có niềm đam mê văn chương? Có cần phải đặt ra một cách tuyển chọn mới, qua phỏng vấn, hay một số thử thách nào đó chẳng hạn như sáng tác, thẩm bình tác phẩm văn học…? Hoặc một số yêu cầu đặc thù như giọng nói chẳng hạn?

ĐTD: Hiện nay có nhiều nhà khoa học, nhiều nhà sư phạm tâm huyết đặt ra vấn đề đổi mới thi cử. Một số trường đại học cũng đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu, thí điểm cải cách tuyển sinh. Một số trường đã thay thế thi tuyển bằng xét tuyển. Cũng cần phải nghĩ đến việc thay đổi cách tuyển chọn sinh viên vào các trường sư phạm, trong đó có sinh viên sư phạm Ngữ văn. Cần phải chú ý nhiều hơn đến định hướng nghề nghiệp, ngoại  hình, khả năng sư phạm, khả năng diễn đạt sáng rõ một vấn đề. Với cách tuyển sinh qua các bài thi viết như hiện nay, năm nào cũng có hiện tượng đến năm thứ ba, thứ tư, khi tiến hành tập giảng, giảng viên mới phát hiện ra có những sinh viên học ngành Sư phạm nhưng khả năng nói, khả năng diễn đạt rất yếu.                                                   

PV: Trong điều kiện kinh tế - xã hội - tâm lý hiện tại, với sự thay đổi về quan niệm, vị thế của môn Ngữ văn, nhà trường ĐH, cụ thể là khoa Ngữ văn cần có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo?           

ĐTD: Trong bối cảnh khó khăn của ngành đào tạo sư phạm Ngữ văn hiện nay, chúng tôi đang phải nỗ lực cố gắng để giữ vững chất lượng đào tạo. Cụ thể, trong năm học này, trường Đại học Vinh và khoa vẫn quyết định duy trì điểm chuẩn đầu vào ngành Sư phạm Ngữ văn cao hơn điểm sàn 2,5 điểm. Số lượng chắc chắn vì thế mà có giảm sút, nhưng không thể chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng. Việc đổi mới phương pháp dạy học cũng đang được đẩy mạnh. Việc dạy học theo phương thức tín chỉ cũng tạo điều kiện tốt hơn để người học tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo.                          

PV: Trong những giải pháp đó, giải pháp nào là cơ bản, quan trọng nhất?

ĐTD: Thế giới đã có những thay đổi căn bản về triết lý giáo dục, chiến lược giáo dục. Chúng ta không thể quay lưng với những tư tưởng mới mẻ, tiến bộ của nhân loại trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Edgar Morin - một trong những chuyên gia hàng đầu của tổ chức UNESCO đã nêu những vấn đề bức thiết, hiện đại mà nền giáo dục nước ta cũng đang muốn vươn tới. Đó là: Những nguyên tắc để có một nhận thức thích đáng; giảng dạy về hoàn cảnh con người; giảng dạy căn cước địa cầu; đương đầu với những bất xác định; giảng dạy sự cảm thông, đạo lý của nhân loại. Những quan điểm có tính đột phá ấy phải trở thành nhận thức chung của người thầy giáo trên giảng đường đại học và trong hành trang kiến thức của sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn.                            

PV: Ông có thể nêu dự đoán của mình về tương lai của ngành Sư phạm Ngữ văn?

ĐTD: Dù đây đang là thời điểm khó khăn đối với ngành Sư phạm Ngữ văn, nhưng tôi vẫn tin rằng tương lai của ngành này chắc chắn là sáng sủa. Bản chất của con người là hướng thiện, là khao khát cái đẹp. Khi con người đã tương đối đầy đủ về vật chất, chắc chắn họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần, đời sống tình cảm. Mà môn Ngữ văn là môn học đầy lợi thế trong việc làm phong phú hơn đời sống nội tâm, tình cảm con người.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

               TRẦN QUANG ĐẠI (thực hiện)


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528546

Hôm nay

2202

Hôm qua

2291

Tuần này

2819

Tháng này

215242

Tháng qua

0

Tất cả

114528546