Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Phần hai: Mạc phủ Muromachi và Edo) [18]

 Chương IV: Thể chế Mạc phiên lung lay:

1-Cuộc cải cách năm Kyôhô (Hưởng Bảo):

1.1 Sự nghèo túng của giới võ sĩ - Người kẻ chợ chiếm địa vị trên trước:

Đến đây, chúng ta bước vào giai đoạn Edo hậu kỳ. Trong thời gian này, Shôgun Yoshimune đã bắt đầu cuộc cải cách niên hiệu Kyôhô. Hai người nắm quyền hành chánh là các ông Tanuma Okitsugu (cải cách Kyôhô, 1716-36) và sau đó là Matsudaira Sadanobu (cải cách Kansei, 1789-1801). Sau họ đến lượt một nhân vật thứ ba, Mizuno Tadakuni (cải cách Tenpô, 1831-1845). Như vậy, có thể nói là từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19. Nhật Bản đã trải qua 3 cuộc cải cách chính trị lớn của mạc phủ.

                                         

Hình ảnh người chônin

 Trước tiên, hãy thử đề cập tới cuộc cải cách năm Kyôhô. Dĩ nhiên, nếu mọi việc thực sự êm đẹp thì chẳng ai đi cải cách làm gì. Tình thế đưa đến cuộc cải cách đã diễn ra như sau:

Khi Nhật Bản vừa bước vào thế kỷ 18, trong số các phiên trấn, những phiên bị gánh nặng kinh phí của những lần sankin kôtai để lên kinh đô chầu phủ Chúa làm cho kiệt quệ không phải là ít. Đã xảy ra nhiều sự cố như cảnh hanchi (bán tri = bán phân tri hành), nôm na là việc các lãnh chúa vì thiếu tiền phải cắt bớt phân nửa bổng lộc của gia thần. Hoặc tệ hơn nữa, lãnh chúa đành muối mặt đi vay tiền gia thần, số tiền này chính là trích ra từ lương bổng của họ. Chế độ vừa nói mang tên kariage (tá thượng = cho bề trên vay). Đó là chưa kể việc các lãnh chúa phải ngữa tay trước những nhà buôn – cũng là thần dân sống trong trong khu vực kiểm soát của mình - hình thức ấy gọi là daimyôgashi (cho lãnh chúa vay).  Tình trạng tài chánh bi đát của các phiên trấn đã được ghi lại trong tác phẩm mang tên Seji kenbunroku (Thế sự kiến văn lục), hay “những điều nghe thấy trên đời”.

Thế nhưng chuyên lâm vào cảnh túng bấn không chỉ xảy ra riêng cho các daimyô thôi đâu. Cả tầng lớp hatamoto, go-kenin, thủ hạ thân tín của nhà chúa cũng lâm vào cảnh ngộ ấy. Những người này phải vay tiền trước từ các tay fudasashi chuyên môi giới bán gạo (cho họ) hay phải tự mình đi làm thêm chút việc phụ (naishoku) để có đủ phương tiện đắp đổi qua ngày. Có nhà thơ senryuu (xuyên liễu) làm thơ trào phúng “Samurai ga kite wa katte ku takayôji” ý nói “người samurai tuy bụng có đói nhưng lúc nào cũng phải ngâm tăm xỉa răng (yôji) làm bộ thung dung (taka) như thể mình vừa mới ăn uống no nê”. Như thế, người thường dân tỏ ra cười cợt cái sĩ diện hão của giới võ sĩ đang suy tàn.Thậm chí có những gia đình con nhà kẻ chợ (chônin) giàu có đã điều đình kết thân dưỡng phụ dưỡng tử với các gia đình go-kenin. Những người sau thì đem tước vị của tổ tiên biến thành cổ phần (kabu) để bán lấy tiền.

Ngược lại, trước cảnh sa sút của giai cấp võ sĩ, trong giới con buôn giàu có ở vùng tam đô hay các jôka-machi đã thấy xuất hiện những kẻ đem tiền bạc cho họ vay đánh đổi thực quyền chỉ huy kinh tế trong vùng. Trong khi ấy ở nông thôn, kinh tế hoá tệ đã thẩm thấu, việc chế tạo thương phẩm hoặc làm nghề phụ tại gia để tăng thu nhập cũng đã phát triển. Dần dà, mọi lớp thường dân đều tích tụ được tiền của.

Mạc phủ nhất định không thể nào vui được trước sự thay bậc đổi ngôi như thế. Cứ tiếp tục lối sống đó thì thương nhân sẽ mặc sức tung hoành. Nếu nông thôn, nơi quyền cai trị của mạc phủ đặt được nền móng, lại rơi vào trong vòng kinh tế hoá tệ thì vườn ruộng có nguy cơ trở thành hoang phế và nguồn tài nguyên của mạc phủ bị tiêu hao. Vì lo lắng như vậy cho nên vị Shôgun đời thứ 8 là Tokugawa Yoshimune (Đức Xuyên Cát Tông, tại chức 1716-1745, 1684-1751) đã phải làm cuộc cải cách năm Kyôhô (Hưởng Bảo) để ngăn chặn việc tình huống có thể đi đến chỗ xấu hơn.

Thực ra, vào năm 1716 (Kyôhô nguyên niên), Shôgun đời thứ 7 là Ietsugu (Gia Kế, tại chức 1713-1716, 1709-1716) qua đời lúc hãy còn quá trẻ (8 tuổi) và dĩ nhiên không người nối dõi, mạc phủ đã phải đi tìm trong vòng go-sanke ( ngự tam gia) tức 3 chi phụ của dòng họ Tokugawa, xem có một nhân vật nào xứng đáng bổ nhiệm vào chức Shôgun để cứu vãn tình hình không. Lúc đó, phiên chủ vùng Kii là Yoshimune vốn được đánh giá là người chính chắn và từng thành công trong việc cải cách tài chánh nơi mình trấn nhậm, đã được chọn để điền vào chức vụ quan trọng đó. Yoshimune ở ngôi gần 30 năm, với chủ trương phục cổ, đặt mục tiêu đưa nước Nhật trở lại thời cụ tổ mình là Ieyasu, lúc kinh tế còn lành mạnh. Ông đã thi hành cuộc cải cách Kyôhô với mục đích tái thiết nền tài chánh mạc phủ, củng cố uy quyền chức Shôgun và tỏ ra khắt khe với dân chúng hòng phục hồi uy tín cho giới samurai đang trên đà tuột dốc.

                                        

Shôgun thứ 8 Yoshimune chủ trương khuyến nông

 1.2 Chính sách của Shôgun Yoshimune nhằm xây dựng lại nền tài chánh:

Cải cách của Yoshimune có thể tóm tắt trong một số điểm:

Trước tiên, trung tâm của cuộc cải cách là việc xây dựng lại nền tài chánh. Yoshimune đã cho thi hành những phương pháp như sau:

  1. Thu gạo tiến cúng (Agemai):

Qui định rằng các địa phương, cứ nơi nào có sức sản xuất gạo đánh giá là 1 vạn thạch (hộc, koku) thì lãnh chúa phiên đó phải trích riêng ra 100 thạch nạp cho phủ chúa. Để gia ân cho những lãnh chúa làm nghĩa vụ tiến cúng như thế, nhà chúa giảm phân nửa số thời gian mà ông ta đáng lý ra phải có mặt ở Edo để làm việc cho mạc phủ theo như chính sách sankin kôtai (tham cần giao đại, tham cần giao thế) đã qui định. Mạc phủ tỏ ra rất khổ tâm và nhục nhã khi lên tiếng đòi hỏi lũ thần hạ điều này. Trong bức furegaki tức công văn truyền đạt lệnh, nhà chúa đã dùng chữ “ta không khỏi cảm thấy xấu hổ”. Chế độ này bắt đầu từ năm 1722 (Kyôhô 7). Thực ra, vào thời điểm này thì tình hình kinh tế đã xấu đến nổi chẳng còn có chỗ cho sự hổ thẹn. Kho riêng của nhà chúa ở Asakusa không còn đủ thóc để trả các loại ân cấp như fuchimai (phù trì mễ = lương bổng) và kirimai (thiết mễ = lộc đặc biệt trả theo kỳ hạn 3 lần xuân, hạ, đông cho một năm) cho hatamoto và go-kenin là các bộ hạ thân tín. Thế nhưng vừa lên được quỹ đạo thì chính sách này đã bị bãi bỏ vào năm 1731 (Kyôhô 16) và các lãnh chúa phải quay lại thi hành chế độ sankin kôtai như cũ. Gạo tiến (agemai = thượng mễ) tổng số lên đến 18 vạn 7 nghìn thạch, tương đương với trên 10% số gạo tuế cống (thuế) mà mạc phủ nhận được hàng năm. Cũng nên mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm là trong các sử liệu Nhật Bản, chữ mễ (mai) như trong agemai chẳng hạn thường được viết bằng chữ “bát mộc” nghĩa là chữ mễ theo phương pháp chiết tự.

  1. Bỏ việc mỗi năm mỗi đổi mức tuế cống (Jômenhô):

Jômenhô, chữ Hán là “định miễn pháp”. Đó là một phương pháp trưng thu tuế cống mới, hơi khác với chế độ Kemihô (kiểm kiến pháp, cũng viết là mao kiến pháp, cùng cách đọc) đã có từ trước. Nếu theo Kemihô thì mỗi năm mạc phủ trước khi thu tuế cống đều xét xem (kemi = kiểm kiến, mao kiến) năm ấy được mùa hay mất mùa rồi mới ấn định mức thu nạp. Trong quá trình ấn định như vậy đã có nhiều hành vi bất chính xảy ra. Do đó, phương pháp mới (jômen = định miễn) thôi không ấn định tùy tiện hàng năm nữa mà cố định hóa mức tuế cống cho một khoảng thời gian nào đó. Mục đích của mạc phủ khi thi hành chính sách này là nhằm ổn định tài chánh.  

  1. Nâng cao bổng lộc cho đủ tiêu chuẩn (Tashidaka no sei):

Chữ Hán viết là “Túc cao chế”. Đây cũng là một phương pháp mà qua sự tuyển dụng nhân tài để quản lý việc nước, ổn định được tài chánh. Yoshimune muốn tuyển chọn những người có thực tài vào guồng máy của mạc phủ nhưng cho đến lúc đó, việc bổ dụng chỉ dựa trên nguyên tắc gia thế (kakaku = gia cách) và mức bổng lộc (rokudaka =lộc cao) người được đề cử đang có. Tóm lại, nguyên tắc là người nào có lộc tính theo thạch thóc và cũng là mức định tuế cống (kokudaka = thạch, hộc cao) cao thì sẽ được bổ vào chức cao.

Thế nhưng Shôgun Yoshimune nghĩ rằng nếu cứ làm như thế thì làm gì tìm được nhân tài, nhất là để đưa vào những chức vụ trọng yếu, cho nên ông đã cho định lại tiêu chuẩn mức bổng lộc khi xét về việc bổ nhiệm người ra làm quan. Những kẻ có bổng lộc thấp nghĩa là dưới mức ấn định của mạc phủ dành cho một chức vụ nào đó thì trong thời gian giữ nhiệm vụ sẽ được tăng bổng lộc cho đủ (túc), xứng đáng với chức danh. Khi phải giã từ chức vụ, đương sự chỉ còn nhận được bổng lộc lúc ở vị trí cũ. Như thế, Yoshimune đã tạo cơ hội cho nhần tài xuất đầu lộ diện mà vẫn không đi ngược lại qui định đã có.

Nhờ vậy mà một người chỉ là nanushi (danh chủ) - chức quan nhỏ ở hương thôn – như Tanaka Kyuugu (Điền Trung, Khâu Ngung, còn viết là Hưu Ngu, 1662-1729), tác giả Minkan Seiyou (Dân Gian Tỉnh Yếu, 1721), quyển sách về chế độ điền địa (jikatasho) và cũng là môn sinh của học giả Nho học Ôgyuu Sorai (Địch Sinh, Tồ Lai, 1666-1728), đã được Yoshimune vời ra làm quan. Kyuugu đã đóng góp nhiều cho chính sách quản lý địa phương. Ông phê bình sự khai khẩn ruộng đất một cách vô tổ chức dưới thời đó và cho biết rằng trong đám nông dân cũng có những người đáng gọi là nhân tài. Chính ông  đánh giá tốt phép định miễn (jômenhô) ở nông thôn, xem nó như giải pháp ổn định được tình hình tài chánh. Ngoài ra, đám quan lại chỉ xuất thân từ giai cấp hatamoto còn có Ôoka Tadasuke (Đại Cương, Trung Tướng, 1677-1751), một machi-bugyô, trông coi hành chánh đô thị, nổi tiếng là quan cai trị tốt của vùng Edo. Ngược lại, cũng có những người như Kan.o Haruhide (Thần Vĩ, Xuân Ương, 1687-1753) - vốn là một hatamoto hạng thấp – tác giả của câu nói bất hủ “phải vắt sức dân cũng như vắt dầu mè...” – nhưng đã được bổ làm kanjô-bugyô, trông coi tài chánh. Một nhân tài cất nhắc từ hàng hatamoto, nếu lãnh chức daibantô (chỉ huy lực lượng an ninh) sẽ hưởng lộc 5.000 thạch, còn chức ômetsuki (kiểm soát hành vi các lãnh chúa), machi-bugyô (như Ôoka), kanjô-bugyô (như Kan.o) thì được 3.000 thạch, nghĩa là tương đối cao đối với một người chỉ là công chức nhà nước.

  1. Khai khẩn ruộng mới (Shinden kaihatsu):

Trong thời kỳ này, việc khai khẩn ruộng mới (tân điền khai phát) đã được phát triển nhờ có thêm vốn của người dân thành thị (dân kẻ chợ, chônin) bỏ ra. Chế độ mới này có tên là chônin ukeoi shinden (đinh nhân thỉnh phụ tân điền, ruộng mới do người thành phố tham gia khai thác). Mạc phủ đã công khai bố cáo, kêu gọi sự hiệp lực của các thương nhân giàu có để mở mang vùng Edo Nihonbashi. Nhờ chính sách này mà có thêm nhiều ruộng mới khai khẩn từ đất hoang mà ví dụ rõ ràng nhất là khu vực ruộng mới Musashino shinden (thuộc Saitama bây giờ).

  1. Tổ chức lại cơ cấu nha sở quản lý vụ việc (Kanjôsho kikô no saihen):

Cho đến lúc đó, trong thành phố Edo, việc quản lý hành chánh, tài chánh, tư pháp được tổ chức theo ty (tsukasa) nhưng đặt chung dưới sự quản lý một sở gọi là Kanjôsho (Khám định sở). Nay Yoshimune cho tổ chức lại. Việc tố tụng sẽ do Kujikata (Công sự phương) đảm đương còn tài chánh thì do Kattekata (Thắng thủ phương) lo liệu, nghĩa là ông tách hai nhiệm vụ ấy ra và trao cho hai cơ quan độc lập. Nhờ đó, mỗi công việc đều được các chuyên gia phụ trách.

Những chính sách nói trên làm cho thu hoạch từ ruộng đất do mạc phủ trực tiếp cai quản (bakuryô = mạc lãnh) tăng lên cỡ 10% và tuế cống cũng ở trên chiều hướng gia tăng. Nhờ đó mà tài chánh mạc phủ đỡ hơn xưa. Đến năm 1735 (Kyôhô 20) thì tài chánh đã hết thâm thủng và sang năm 1744 (Enkyô nguyên niên), số tuế cống đạt đến mức chưa từng thấy.

1.3 Các chính sách khác:

Ngoài những chính sách nói trên, Shôgun Yoshimune đã khuyến khích dân chúng trồng những loại cây cỏ có giá trị như khoai lang (kansho, cam thự, sweet potato), mía (satokibi), cây hoàng lô (haze, Japanese wax tree) cho thuốc nhuộm vàng, nhân sâm Triều tiên (Chôsen ninjin). Ông cũng nâng đỡ những ngành học có thực dụng trong đời sống, các lãnh vực sản xuất mới. Ông lại nương tay trong việc kiểm soát các sách vở tây phương được dịch ra Hán văn nhập từ nước ngoài vào.  

Nói về thực học hay ngành học có ích lợi thực tiễn, phải nhắc đến 2 nhân vật: Aoki

Konyô (Thanh Mộc, Côn Dương, 1698-1769) và Noro Genjô (Dã Lữ Nguyên Trượng, 1693-1761). Người đầu tiên trồng khoai lang (Satsuma imo) [1] - một món thực phẩm thích hợp cho những năm lúa gạo mất mùa và nguy cơ đói kém xảy ra - chính là Aoki.

Ông đã trước tác Hanshokô (Phiên thự khảo = Bàn về khoai lang) [2] vì hansho là một tên khác của Satsuma-imo. Phần Noro Genjô, ông là thầy thuốc. Thời trẻ, Noro đã theo học Inou Jakusui (Đạo Sinh Nhược Thủy, 1655-1715), học giả và y sư đã tập đại thành quyển sách về bản thảo học (honzôgaku = khoa nghiên cứu cây thuốc) nhan đề Shobutsu ruisan (Thứ vật loại toán) phân chia và chỉnh lý 3590 thứ cây thuốc trong sách vở Trung Quốc làm 26 loại (loại toán). Noro được lệnh của Yoshimune nghiên cứu dược học Hà Lan và đã để lại tác phẩm Aranda Honzô wakai (A-lan-đà bản thảo Hòa giải) tức sách “Dược thảo Hà Lan giải thích bằng tiếng Nhật”. Ngoài ra, vì nhu cầu nhân sâm Triều tiên nhập khẩu để làm thuốc rất lớn nên vào thời ấy, người Nhật đã cho trồng ở Nikkô để giảm bớt kim ngạch phải xuất ra cho nó trong mậu dịch.

Việc Yoshimune tỏ ra chú ý đến cái học thực dụng và y học xảy ra vào giai đoạn cuối của cuộc cải cách Kyôhô nhưng vẫn đem đến kết quả tốt vì nối kết được với những người về sau như Maeno Ryôtaku (Tiền Dã, Lương Trạch, 1723-1803) và Sugita Genpaku (Sam Điền Huyền Bạch, 1733-1817). Hai ông đã dịch cuốn sách thuốc cũ có nhiều bản vẽ giải phẩu của y sư người Đức tên là Johan Adams Kulmus nhan đề Anatomische Tabellen (Bản vẽ các bộ phận cơ thể, 1722) từ bản tiếng Hà Lan là Tafel Anatomia (1734) ra Hán văn (Kanbun). Ngày nay, nó tác phẩm đầu tiên trong loại sách phiên dịch về cơ thể học mà người Nhật ngày nay biết dưới cái tên Kaitai Shinsho (Giải thể tân thư) hay “Sách mới về giải phẩu”, trong đó bên cạnh hình vẽ các bộ phận con người được mổ xẻ, còn kèm thêm cả lời giải thích. Nhân đây cũng nói thêm rằng người vẽ các ảnh trong bản dịch là Odano Naotake (Tiểu Điền Dã, Trực Vũ, 1749-1780), từng theo học kỹ thuật hội họa tây phương với nhà phát minh Hiraga Gennai (Bình Hạ Nguyên Nội, 1728-1779). Và như ta cũng có thể biết, Gennai là một bác học đa tài, đã tự làm ra điện bằng cách ứng dụng nguyên tắc năng lượng sinh ra từ vật ma sát và chế được loại vải kakanpu (vải “lông chuột hỏa sơn”) khó bốc cháy vì tơ sợi đã nhúng trong thạch cẩm (ishiwata, asbestos), một chất hoá học chống cháy. Còn Odano Naotake một họa sĩ tên tuổi, cũng là tác giả bức Shinobazu Ike no zu (Bất nhẫn trì đồ), vẽ cảnh hồ sen nổi tiếng ở Ueno (Tôkyô).

                                                 

Nhà bác học đa tài Hiraga Gennai

Cái học Tây phương của thời đại Edo thực ra đã dần dần biên thiên cùng với thời đại. Buổi đầu, nó có tên là Bangaku (Man học) hay Nanban gakumon (Nam man học vấn). Nam man là tên người Nhật gọi người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vì tàu thuyền của họ từ phương nam đến. Chỉ đến thời Edo trung kỳ mới xuất hiện cái tên Rangaku (Lan học) vì nó đến từ người Hà Lan, người ngoại quốc duy nhất về phía Âu Tây được Nhật cho thông thương.Vì chánh sách ngoại giao của mạc phủ đã thay đổi như thế nên ảnh hưởng Tây-Bồ phải nhường bước cho ảnh hưởng Hà Lan. Đến cuối thời Edo khi sự có mặt của Pháp và Mỹ cũng như Đức nhiều hơn cả Hà Lan thì Nhật lại gọi cái học Tây phương là Dương học. Chính vì thế, khi nói đến Lan học thì e rằng phải giới hạn nó trong giai đoạn Edo trung kỳ.

Sugita Kanpaku đã trình bày những khó khăn mà ông gặp phải khi dịch Kaitai shinsho (Giải phẩu tân thư) trong Rangaku kotohajime (Lan học sự thủy) hay “Truyện về nguồn gốc của học vấn Hà-Lan”. Tiếp nối ông là hai học giả Ôtsuki Gentaku (Đại Quy Huyền Trạch, 1757-1827) và Udagawa Genzui (Vũ Điền Xuyên, Huyền Tùy, 1755-1797). Ôtsuki Gentaku theo học Sugita Genpaku và Maeno Ryôtaku cho nên ghép tên hai thầy thành tên mình.Gentaku sau khi đã xuống Nagasaki du học, về lại Edo mở trường tên là Shirandô (Chi lan đường) dạy Lan học. Chi lan cũng có nghĩa là “bạn bè”. Ông viết một tập sách nhập môn về Lan học nhan đề Rangaku kaitei (Lan học giai đề) hay “Những bậc thang của Lan học”. Udagawa Genzui thì theo học y khoa Hà Lan với một người trong nhóm dịch giả của Kaitai shinsho tên là Katsuragawa Hoshuu (Quế Xuyên Phủ Chu, 1751-1809) và đã phát hành một quyển sách dịch về nội khoa Há Lan tên là Seisetsu naika senyô (Tây thuyết nội khoa soạn yếu). Thế nhưng người đóng góp nhiều nhất cho cái học Hà Lan có lẽ là Inamura Sanpaku (Đạo Thôn, Tam Bá, 1758-1811). Ông là người đầu tiên soạn cuốn từ điển Hà Lan- Nhật Bản Haruma Wage (Halma Hòa giải). (Halma có lẽ là tên của nhà từ điển học Hà Lan Francois Halma, 1653-1722 mà Inamura đã phiên âm ra thành Pháp Nhĩ Mạt = Ha ru ma). Sau đó lại có một học trò của Maeno Ryôtaku tên là Shiba Kôkan (Tư Mã Giang Hán, 1747-1818), một họa sĩ họa phong Tây phương nhưng chuộng khoa học tự nhiên, người đã giới thiệu thuyết địa động (trái đất xoay quanh mặt trời, the Corpenian heliocentric theory) ở Nhật. Trước đây người Nhật chỉ tin một cách sai lầm thiên động thuyết tức thuyết cho rằng trái đất đứng yên và mặt trời xoay quanh nó (the Ptolemaic theory). Như Odano Naotake nhắc đến bên trên, Kônan cũng đã vẽ hồ sen Shinobazu nhưng trên bản khắc bằng đồng.                        

Học giả y học Hà Lan Ôtsuki Gentaku

Mặt khác, để đối phó với trào lưu y học Hà Lan, y học đông phương truyền thống (gọi là Tôyô igaku hay Đông dương y học) ở Nhật lúc đó có phong trào phục cổ gọi là Koihô (Cổ y phương) muốn bỏ cả y lý Nguyên Minh mà trở về với một nền y học còn cổ xưa hơn nữa tức y học đời Hán vốn trọng nguyên tắc lâm sàng và thực chứng.Một người trong phong trào ấy là Yamawaki Tôyô (Sơn Hiếp, Đông Dương, 1705-17629 vào năm 1759 (Hôreki 9) đã quan sát bên trong thi thể một người tù bị tử hình để ghi lại tất cả bằng hình ảnh trong cuốn tranh về cơ thể học đầu tiên của Nhật Bản, nhan đề Zôshi (Tạng chí) “Sao chép về nội tạng con người”. Xin nhờ rõ cho là sách đầu tiên về giải phẫu được dịch ra tiếng Nhật là Kaitai shinsho (1774) nhưng sách đầu tiên về giải phẫu do người Nhật viết ra là Zôshi (1759). Theo đó thì Zôshi đã ra đời trước Kaitai Shinsho những 15 năm.

Hệ thống của các học giả Dương học có thể tóm tắt trong đồ biểu sau đây:

                           Hệ thống học giả Dương học

       (Thời gian xuất hiện của các nhân vật trong đồ biểu ước tính là lúc họ trên dưới 40 tuổi)

 

Giai đoạn

Học giả

Chú thích

1760

Maeno Ryôtaku

 

1780

Sugita Genpaku

 

1800

  1. Ôtsuki Gentaku  àInamura Sanbaku à Udagawa Genshin.

 

  1. Katsuragawa Hoshuu  à Udagawa Genzui.

Ôtsuki Gentaku là học trò của cả hai ông Maeno Ryôtaku và Sugita Genpaku.

Udagawa Genshin là con nuôi của Udagawa Genzui.

1820

  1. Udagawa Yôan, Mitsukuri Genbo, Tsuboi Shindô.
  2. Yoshida Nagayoshi (học trò Katsuragawa Hoshuu) à Kozeki San.ei.

Yôan, Genbo và Shindô đều từng theo học Genshin.

Yoshida Nagayoshi là học trò Katsuragawa Hoshuu.

1840

à Ôgata Kôan

à Takano Chôei

Ôgata Kôan là học trò Tsuboi Shindô.

Takano Chôei cũng theo học Yoshida Nagayoshi như Kozeki San.ei.

1860

 

 

           Bàn thêm về việc tiếp thu ảnh hưởng Tây Phương của người Nhật thời Edo[3]

Tuy Lan học tức cái học của người Hà Lan hay sự tìm hiểu Tây phương qua tiếng Hà Lan có ảnh hưởng hơn cả trong việc hình thành nhà nước Nhật Bản tân tiến nhưng không nên xem thường Nam Man học (cái học Tây Bồ), vì nội dung của nó và cũng vì tiêu chuẩn thời gian. Nó đã đặt chân lần đầu tiên lên đất Nhật vào năm 1543.

Cống hiến to lớn hơn cả của Nanban bunka (Văn hoá Nam man) nằm trong lãnh vực quân sự, y học, thiên văn học, hàng hải và tạo thuyền....Ví dụ về y học, các giáo sĩ dòng Jesuit đã xây bệnh viện và cô nhi viện, truyền bá kiến thức y khoa cho các thầy thuốc Nhật. Thiên văn học lúc đó, tuy có tính giáo lý thần học hơn là khoa học thuần túy, cũng được người Nhật tiếp thu. Kỹ thuật hàng hải, tạo thuyền và khai khoáng của phương Tây đã mở rộng tầm mắt họ. Chỉ đến năm Kan.ei (1624-1643), khi chế độ bế quan tỏa quốc được ban hành thì ảnh hưởng của nó mới mờ nhạt đi.

Sau Văn hoá Nam Man là Kômô bunka hay Văn hóa Hồng Mao (Văn hoá Hà Lan). Văn hoá ấy đã đến Nhật năm 1600 theo chân chiếc tàu Liefde khi nó trôi giạt vào hải phận Nhật Bản. Công ty Hà Lan-Đông Ấn Độ được mạc phủ cấp phép, đã bắt đầu cạnh tranh mậu dịch với người Anh và người Bồ trên đất Nhật. Tuy cũng bị ảnh hưởng của chính sách toả quốc trong giai đoạn 1633-1639, Hà-Lan là nước Tây Phương duy nhất cùng với Trung Quốc được tiếp tục mậu dịch với Nhật Bản và dựng thương xá ở Nagasaki-Dejima. Một liên hệ này kéo dài cả 200 năm (đến 1853), cho đến gần ngày chung cuộc của Mạc phủ Tokugawa.

Về y học, trước tiên chúng ta biết Nanban igaku (Nam man y học) đã song hành với Kanpô igaku (Hán phương y học) từ giữa thế kỷ 16 với những người tùy tùng trong đoàn của giáo sĩ Jesuits Francesco Xavier (đến Nhật năm 1549). Vai trò của Luis de Almedia (1525-1584), một thương nhân người Lisbon có giấy phép hành nghề y sĩ ở Funai còn được nhắc nhở dù ông ta ghé lại đó không lâu. Sau người Jesuits đến lượt các giáo sĩ Franciscans cũng tiếp nối chương trình ở Tôhoku, Kinki, Nagasaki đặc biệt là chữa trị người cùi.Còn như y học Hà Lan (Kômô igaku) thì ta biết có Kasper Schamburger, từng sống vào khoảng 1649-51 ở Nhật và đã truyền vào nước này nhiều kỹ thuật giải phẫu.Sau ông còn có các thầy thuốc tiếng tăm như Daniel Busch, người đã 3 lần đến Nhật (1622, 1644, 1665) hay Willem Hoffman (ở thương quán Hà Lan từ 1671 đến 1675). Tuy nhiên, nổi tiếng hơn cả có lẽ là Willem ten Rhijine (ở Nhật khoảng 1674-76) và nhất là Englebert Kaempfer (1690-92), người thông thạo cả về văn hoá, phong tục, lịch sử, địa lý Nhật Bản. Về sau, hãy còn có Philipp Franz von Siebold (đến Nhật năm 1823) và Pompe van Meerdervoort (đến Nhật năm 1857), một quân y là những nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc. Phải nói là những người Nhật làm việc với các ông sau này đều đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến y học phương Tây ở Nhật.

Về khoa địa lý, chính người Tây Ban Nha đã đem đến những kiến thức đầu tiên. Oda Nobunaga (1524-1582) đã hỏi chuyện Luis Frois (1532-1597) và Organtino (1530-1609) về địa lý thế giới (trước đây, người Nhật nghĩ rằng trên thế giới chỉ có họ, Trung Quốc và Ấn Độ). Dưới thời Hideyoshi, phái bộ các tiểu công tử do Giáo sĩ Alessandro Valignano đưa sang thăm Roma trở về đã tặng Hideyoshi một bản đồ thế giới để làm quà. Ieyasu, người kế vị Hideyoshi cũng nghiên cứu bản đồ thế giới và thường xuyên bàn bạc với các giáo sĩ. Ông có một cố vấn người Anh tên William Adams (1564-1620), hoa tiêu một chiếc tàu trôi dạt đến Nhật năm 1600, sau đó đã trở thành dân Nhật.Chính nhờ có kiến thức địa lý mà Ieyasu đã gửi sứ giả Tanaka Katsusuke sang Mexico (New Spain) thương thảo về mậu dịch.Bản đồ toàn thế giới đầu tiên in ở Nhật là Bankoku Sôzu (Vạn quốc tổng đồ) in ở Nagasaki năm 1645. Nó dựa trên bản đồ in bên Trung Quốc của giáo sĩ người Ý Matteo Ricci (tức Lợi Mã Đậu, 1552-1610), rộng 59,2 cm và dài 173 cm. Tuy nhiên, người đã dạy khoa địa lý Tây phương cho người Nhật có lẽ là giáo sĩ dòng Jesuits người Ý, môn đệ của Ricci, tên là Giulio Aleni (1582-1649). Tác phẩm 5 tập viết bằng tiếng Trung nhan đề Chức phương ngoại kỷ (Chih fang wai-chi) của ông xuất bản năm 1623, giải thích hầu như về tất cả các quốc gia trên thế giới.Một môn đệ khác của Ricci, Ferdinand Verbiest (1623-1688) cũng đã viết nhiều sách về địa lý bằng tiếng Trung, trong đó Khôn dự ngoại kỷ (K’un-yu wai-chi) là ảnh hưởng đến người Nhật hơn cả. Một vị quan đầu triều, Arai Hakuseki (1657-1725) cũng thích thú việc tìm hiểu thế giới và đã chép lại kiến thức của nhà truyền đạo người Ý Giovanni Battista Sidotti (1668-1715) khi hai người gặp nhau vào năm 1709 trong hai tập Johann Battista Monogatari (Truyện ký về ông Johann Battista) và Seiyô kibun (Tây dương kỷ văn).Kiến thức địa lý mới khiến cho các thành phần bảo thụ co cụm vì lo sợ hiểm họa xâm lược đến từ bên ngoài, nhưng ngược lại đã giúp cho những người cấp tiến nhìn thấy sự cần thiết của việc mở cửa để bắt kịp trào lưu thế giới.

Về quân sự, ngoài việc đem đến những khẩu súng tay đầu tiên, người Bồ Đào Nha đã đưa vào Nhật Bản kỹ thuật hàng hải. Người Nhật Ikeda Kôun (Trì Điền, Hảo Vận) chẳng hạn đã viết Gen.na Kôkaisho (Nguyên Hòa hàng hải thư) chép những kiến thức mà ông đã thu lượm được khi tháp tùng thuyền trưởng người Bồ, Manoel Goncalvez, sang Manila năm 1609. Tuy nhiên, tên tuổi người Anh William Adams  (1564-1620) là kẻ đã đem tặng Tokugawa Ieyasu 18 khẩu súng và đạn dược còn đáng chú ý hơn. Việc những khẩu súng ấy có được đem dùng vào năm 1600 trong trận Sekigahara hay không hãy còn là một nghi vấn nhưng kỹ thuật lái tàu mà ông hấp thụ được từ thời trẻ là một món quà quí giá khác mà ông đã đem đến tặng người Nhật. Hình như chiếc tàu đầu tiên của Nhật trọng tải 150 tấn mang tên Santa Buenaventura cũng được đóng theo sự chỉ dẫn của Adams ở cảng Itô. Ít nhất đó là chi tiết Adams đã viết trong một bức thư đề ngày 22 tháng 10 năm 1611.Khi cuộc nổi loạn ở Shimabara xảy ra (1637-38), một người Hà Lan ở Hirado tên Nicolaes Koeckebacker đã được mạc phủ kêu gọi tổ chức một đội pháo thủ 80 người để giúp họ. Sau đó, thì với sự giúp sức của người Tây Phương, các loại súng móc-chê (mortars) và nhựng đại bác (canons) cỡ nhỏ lần lược được đưa vào đất Nhật. Một samurai ở Hirado tên Furukawa Jirôemon (Cổ Xuyên Trị Lang Hữu Vệ Môn) đã viết Kômô Kajutsuroku (Hồng Mao hoả thuật lục) bàn rất chi li về súng ống phương Tây và pháo thuật đương thời. Còn ở Nagasaki Dejima thì phụ tá của Englebert Kaempfer – người đã đến Nhật Bản vào năm 1690 và làm việc cho Công ty Hà Lan Đông Ấn – tên là Shizuki Magohei (Chí Trúc, Tôn Bình, 1677-1710) đã ghi chép lời giảng của ông thành 10 cuốn Kômô kajutsu hidensho (Hồng Mao hoả thuật bí truyền thư) và Hôjutsu dokuyaku himitsukan (Pháo thuật độc dược bí mật giám). Riêng những cuốn sách dạy lái tàu đầu tiên, có thể nhắc tới Anjin no hô (Án châm chi pháp) của Shimaya Ichizaemon Sadashige (Đảo Cốc, Thị Tả Vệ Môn Định Trọng) viết trong khoảng năm Kan.ei (1624-43). Về sau, loại sách này được phổ biến rộng rãi. Là một quốc gia hải dương, việc học hỏi kỹ thuật hàng hải rất cần thiết cho người Nhật và chúng ta hiểu tại sao, qua đến thời Minh Trị, Nhật Bản đã sớm có một hạm đội hùng hậu như vậy.

Trong phần này, chúng ta sẽ sơ sót nếu bỏ qua những công trình nghiên cứu về cách tổ chức quân đội của Takashima Shirotayuu Shuuhan (Cao Đảo Thái Lang Thái Phu Thu Phàm, 1798-1866). Shuuhan đã theo học Đại tá lực lượng trừ bị người Hà Lan tên Jon Willem de Sturler, quán trưởng Hà Lan ở Dejima. Ông không những học về súng ống, cách tổ chức quân đội thời Napoléon mà còn về cả chiến thuật với Sturler.

Về mỹ thuật, hội họa phương Tây có lẽ đã đến Nhật cùng với Francesco Xavier và những bức tranh dầu vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh vào giữa thế kỷ 16. Thật vậy, sở dĩ Francesco Xavier ngày nay được trọng vọng  vì ông không những là một nhà truyền giáo mà còn là nhà truyền bá văn hóa nữa. Một nhà truyền giáo trẻ, Giovanni Nicolao, đến Nhật năm 1583, đã bắt đầu dạy hội họa cho 8 học viên đầu tiên.Ngoài hội họa có tính cách tôn giáo, hội họa thông thường phương Tây với phép viễn cận nhấn mạnh đến chiều sâu (perspective-drawing method) của bức tranh đã được truyền bá ở Nhật. Loại tranh gọi là Ukie (Phù hội, Phủ họa) này bắt đầu được giới thiệu bởi một người Nhật là Okumura Masanobu (Áo Thôn Chính Tín, 1681-1764) vào khoảng năm 1740, được gọi là “tranh kiểu Hà-Lan” Lối vẽ tranh này ban đầu chỉ dùng để vẽ cảnh trong nhà, rạp tuồng (với Okumura) và được hoàn thiện với Utagawa Toyoharu (Ca Xuyên Phong Xuân, 1735-1814). Phép viễn cận cũng đi vào tranh Nhật Ukiyoe (Phù thế hội) và lan rộng ra với bối cảnh ngoài trời (Fukeiga = Phong cảnh họa) với Katsushika Hokusai (Cát Sức, Bắc Tề, 1760-1849) và Andô Hiroshige (An Đằng, Quảng Trọng, 1797-1858). Những họa sư tên tuổi như Katsushika Hokusai, Kitagawa Utamaro (Hỷ Đa Xuyên, Ca Lữ, 1753-1824), Torii Kiyonaga (Điểu Cư, Thanh Trường, 1752-1815) ... đều tiếp nhận ảnh hưởng quí báu từ tranh Ukie và kỹ thuật in tranh màu. Còn có thể nói thêm rằng họa phái Kanô (Thú Dã) rất được yêu chộng vào đời Edo cũng đã hình thành từ sự kết hợp tranh vẽ lên tường (shôhekiga = tường bích họa) của hội họa Tây phương với hội họa bản quốc (Yamato-e) để có thủ pháp trang trí sặc sỡ đặc biệt.

                     Ukie của Utagawa Kuninao vẽ theo thủ pháp Tây phương với không gian có chiều sâu

Ảnh hưởng Tây phương cũng thấy trong các tấm bình phong gọi là Nanban byôbuu (Nam Man bình phong), tuy ảnh hưởng đó chỉ trong đề tài chứ chất liệu vẫn còn mang đặc tính Nhật Bản. Trang phục Nam Man cũng rất được yêu chuộng. Nón len có riềm rộng và tua, áo choàng, áo giáp, vũ khí, hộp đựng thuốc lá, chốt bằng đá quí trang trí trên các vật đựng đồ (netsuke), thánh giá, xâu chuỗi đọc kinh (rosario), kính đeo trên sống mũi của người Bồ đã phổ biến như trang sức trong dân chúng, kể cả giới quân nhân và diễn viên tuồng Kabuki. Sử gia nhắc nhở chúng ta về một thời ở Nhật có một thời khoàng 24 năm trời (1591-1614) người ta điên cuồng chạy theo (mania) văn hoá Bồ Đào Nha. Tương truyền Hideyoshi cũng cho đặt làm một chiếc giường ngủ theo kiểu Nam Man.

                                                  

Bình phong kiểu Tây Bồ (Nanban byôbuu)

Về ngôn ngữ văn tự, ba nước Bồ, Tây và nhất là Hà Lan đã để lại dấu ấn của họ trong ngôn ngữ của người Nhật cũng như tiếng Anh tiếng Pháp về sau. Bộ phận gọi là gairaigo (ngoại lai ngữ) rất quan trọng trong tiếng Nhật xưa kia vốn chỉ chịu ảnh hưởng áp đảo của tiếng Hán. Xin trích dẫn vài ví dụ:

 

Tiếng Nhật

Ý nghĩa

Gốc ngoại quốc (Tây, Bồ, Hà Lan)

Pan

Bánh mì

Páo (Bồ)

Tabako

Thuốc lá

Tabaco (Bồ)

Karuta

Quân bài trong bộ bài 48 lá

Carta (Bồ)

Shabon

Xà phòng

Sabào (Bồ)

Botan

Cúc áo

Botào (Bồ)

Biidoro

Đồ thủ công bằng thủy tinh

Vidro (Bồ)

Tempura

Món đồ chiên dầu Tempura

Temporas, Tempero (Bồ)

Juban

Váy lót mặc dưới kimono

Gibao (Bồ)

Furasuko

Bình nhỏ đựng nước, rượu

Frasco (Bồ)

Kappa

Áo khoác đi mưa hay ra ngoài trời

Capa (Bồ)

Bôlo

Bánh ngọt tròn nhỏ (cookies)

Bolo (Bồ)

Kôhii

Cà phê

Koffie

Randoseru

Cặp sách đeo vai của học sinh

Ransel (Hà)

Kokku

Người đầu bếp (cook)

Kok (Hà)

Koruku

Nút chai bằng vỏ cây điên điển (cork)

Kork (Hà)

Biiru

Bia (beer)

Bier (Hà)

Penki

Quét sơn (paint)

Pek (Hà)

Meriyasu

Đồ đan (knit wear)

Meias (Tây)

Birôdo

Nhung (velvet)

Velludo (Tây)

Cũng nên biết thêm rằng máy in với con chữ rời (katsuji insatsuki = hoạt tự ấn loát cơ) cũng đã được đem vào đất Nhật để in kinh sách dùng vào việc truyền giáo. Những quyển sách xuất bản đầu tiên được mệnh danh là bản Amakusa-ban (Thiên thảo bản). Amakusa là một chùm đảo nằm phiá Tây thành phố Kumamoto (Kyuushuu), nơi giáo hội có cơ sở. Tuy là kinh sách Kitô giáo nhưng trong đó lại có cả các tác phẩm văn học với giá trị giáo huấn hay tiêu khiển như Truyện Heike (Heike Monogatari) của Nhật và Truyện ngụ ngôn của Aesop (Isopu Monogatari), một tác phẩm phương Tây.

Như thế, chúng ta thấy rằng khi chiến hạm của Đề Đốc Perry đến Nhật (1853) ra tối hậu thư đòi mở cửa thông thương, Nhật Bản tuy có lúng túng nhưng không phải vì thế mà nói họ hoàn toàn thiếu chuẩn bị để đối phó.

Câu chuyện tiếp thu văn hoá phương Tây hãy còn dài nhưng đến đây, tạm rời Dương học, chúng ta hãy trở lại cuộc cải cách của Shôgun Yoshimune và bắt đầu với kế hoạch chỉnh trang đô thị của ông.

Nói về chính sách đô thị của thành phố Edo thì Ôoka Tadasuke lúc ấy làm machi-bugyô như đô trưởng nên đóng vai trò chủ đạo.Thành phố chịu nhiều trận hỏa hoạn lớn và liên tiếp nhưng gây thiệt hại nhiều nhất có lẽ là hỏa tai năm Meireki 3 (Meireki no taika, Minh Lịch đại hỏa, 1657). Do đó nhà nước phải mở những con đường nhỏ thành đường lớn - hirokôji (quảng tiểu lộ) - và lập những cơ sở phòng hỏa. Chế độ chửa lửa cũng được cải thiện. Ngoài Jôbikeshi (Định hỏa tiêu) tức tổ chức cứu hỏa qui định sẳn, những đội chửa lửa dân phòng trong khu phố (Machi-bikeshi = Đinh hỏa tiêu) đã được lập thêm. Trong các khu phố thành Edo có tất cả 47 đội phòng hỏa dân sự như vậy. Họ được sắp theo thứ tự Iroha tức theo bộ chữ cái gồm 47 âm của người Nhật.

Ở trước cửa Hyôjôsho (Bình định sở) tức cơ quan tài phán tối cao của mạc phủ, nhà nước đặt hộp thơ dân ý (meyasubako) để thu thập tiếng nói của lớp thường dân muốn dâng ý kiến hữu ích hoặc tố cáo quan lại làm điều quấy. Chế độ trực (tiếp) tố (cáo) qua hộp thư được gọi là hakoso (tương tố, tương = cái hộp) Lại lập ra một cơ quan gọi là Yôjôsho (Dưỡng sinh sở) ở Koishikawa. Không ai được mở hộp thư này ngoài Shôgun Yoshimune. Ngoài ra, ông còn cho thu thập những pháp lệnh và án lệ có từ trước đến nay làm thành Kujikata Osadamegai (Công sự phương ngự định thư) tức một pho sách tham khảo lớn qui định cách thức xử kiện và hình phạt mà các quan án phải tham khảo. Trong thời kỳ này, nhân vì giới samurai càng ngày càng túng quẩn nên đã xảy ra nhiều vụ án liên quan đến việc vay mượn tiền bạc (gọi là kinkuji = kim công sự). Mạc phủ  không thẩm tra những chuyện như thế mà bắt các bên tranh cãi phải tự giải quyết.  Năm 1719 (Kyôhô 4), mạc phủ nhân đó đã ban hành Aitaisumashi-rei (Tương đối tế lệnh = Lệnh tự giải quyết tranh chấp, tương đối = với nhau) nhưng thực tình, nếu họ  không can thiệp là vì trong thâm ý, mạc phủ muốn bênh vực lập trường của giới vũ sĩ một khi những người này bị dính vào kiện tụng. Để các đương sự giải quyết với nhau là vì mạc phủ thừa biết, trong xã hội giai cấp (mibunsei no shakai) thời Edo, thương nhân là kẻ cho vay thuộc giai cấp thấp hơn và sẽ phải chịu lép vế trước con nợ là vũ sĩ.   

Mặt khác, Yoshimune cũng không quên tưởng lệ Nho học, trụ cột của chính quyền mình. Trong số những người ông thu nạp và cất nhắc có Ogyuu Sorai (Địch Sinh Tồ Lai, 1666-1728), người đã viết và dâng lên Shôgun tác phẩm Seitan (Chính đàm = Bàn về chính trị) cũng như Muro Kyuusô (Thất, Câu Sào, 1658-1734) đã hoàn thành Rikuyuengi Taii (Lục dụ diễn nghĩa đại ý), nội dung nhằm giảng nghĩa Lục Dụ Diễn Nghĩa [4], sách của Trung Quốc có mục đích giáo hóa dân chúng.

Các chính sách nói trên của Shôgun Yoshimune sau đó sẽ phải thay đổi theo chiều hướng khác đi một chút khi đại thần Tanuma Okitsugu xuất hiện trên chính trường.
 

 


[1] Khoai lang được gọi là Satsuma imo (khoai Satsuma) tuy gốc gác Trung Nam Mỹ bởi vì đối với người Nhật, nó đã được trồng ở Trung Quốc, quần đảo Ryuukyuu và vùng Satsuma trên đảo Kyuushuu từ tiền bán thế kỷ 17. Khoai tây (không ngọt) trong tiếng Nhật thì được gọi là jagaimo tức khoai trồng ở Jacatra (tên cổ của Jakarta) do thuyền Hà Lan đem đến từ đảo Java..

[2] Trong Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản ấn bản 2011, người viết dịch sai là khoai tây. Xin được đính chính ở đây.

[3] Nguồn: The Centre For East Asian Culture Studies (Tôkyô), nhiều tác giả, trong Acceptance of Western Culture in Japan. Nihonshi Zuhô (trang 144).

[4] Lục dụ, sáu lời dụ, nguyên là thánh chỉ của Minh Thái Tổ. Về sau, đến đời Thanh, Thanh Thế Tổ theo đó mà khâm định lại.Còn như Lục dụ diễn nghĩa là do Phạm Hoằng thời Minh mạt viết ra để dạy dỗ dân chúng. Lời văn bình dị dễ hiểu. Sách đã theo đường đảo Lưu Cầu, qua phiên Satsuma ở Kyuushuu để vào Nhật.Tuy nhiên, nó có nhiều dị bản.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528606

Hôm nay

2262

Hôm qua

2291

Tuần này

2879

Tháng này

215302

Tháng qua

0

Tất cả

114528606