Khách mời văn hóa

Ai cũng có thể dấn thân cho đất nước khi có họa xâm lăng, ai cũng có thể phản biện xã hội khi bị bức bối

PV: Thưa PGS.TS Phạm Xanh, được biết ông là một nhà nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam và rất quan tâm đến giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Đây là thời kỳ bi tráng của lịch sử dân tộc. Nước nhà bị thực dân Pháp đô hộ, dân mất tự do, dân chủ. Trước tình cảnh đó, những người Việt Nam yêu nước trăn trở với vận nước tìm kiếm các phương hướng cứu nước, cứu dân. Những năm đầu thế kỷ XX các nhân cách được bộc lộ rõ nét, nhất là tầng lớp trí thức, cả cựu học và tân học. Họ là tinh hoa của trí tuệ dân tộc và trong số họ không ít người là tinh hoa của bản lĩnh Việt Nam. Thưa ông, từ những nghiên cứu của minh, ông có đưa ra những nhận xét về đặc điểm của giới trí thức nước nhà?

PGS.TS Phạm Xanh:

Thực sự, đây là một vấn đề rất lớn không thể làm thỏa mãn trong một vài lời ngắn gọn, tôi chỉ xin đề cập tới nét căn bản nhất. Khác với thời kỳ lịch sử cổ trung đại trước và thời kỳ lịch sử hiện đại sau đó, trong thời kỳ lịch sử cân đại nước ta, đội ngũ trí thức bao gồm hai bộ phận: trí thức cựu học ( được đào luyện theo Nho học) thường được gọi là các nho sĩ và trí thức tân học (được đào luyện dưới nền giáo dục Pháp). Nói như vây là để khẳng định sự tương phản ở thời kỳ lịch sử này khi nền giáo dục Nho học đang tàn tạ nhưng chưa chết hẳn, còn nền giáo dục Pháp-Việt mới được cấy vào nhưng chưa đủ lớn, đủ mạnh. Đây là nét đặc trưng nổi trội mà trước đó và sau đó không có. Nói đến đặc trưng này là nói đến một thời kỳ chuyển tiếp, giao mùa giữa hai nền văn minh trên đất nước chúng ta: văn minh phương Đông và văn minh phương Tây. Đó là thời kỳ giao thoa hai nền văn minh lớn của nhân loại mà trong trong đó sự tiếp biến văn hóa hết sức mạnh mẻ đã sản sinh những giá trị mới nhưng đồng thời cũng để lộ những cái nhố nhăng trong lịch sử Việt Nam thời kỳ này. Cho dù trong đội ngũ trí thức gồm hai bộ phận như vậy, có thể trên một số khía cạnh nào đó có thể xung đột nhau, nhưng lại thống nhất với nhau trong việc tìm kiếm những phương hướng cứu nước. Điều đó được thể hiện rõ trong một loạt hoạt động lý luận và thực tiễn những năm đầu thế kỷ XX như hô hào đổi mới tư duy đối với nho sĩ, cởi bỏ “vòng kim cô tư tưởng” đã từng trói buộc họ qua Văn minh tân học sách, hoặc hợp sức nhau trong việc mở Đông Kinh Nghĩa thục để khai dân trí, đào tạo nhân tài, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự vùng dậy trong tương lai. Buổi giao mùa đó làm cho xã hội Việt Nam phong phú hơn, sống động hơn không chỉ trên bình diện tư tưởng , mà cá trên các bình diện khác như kinh tế, văn hóa-xã hội.PV: Và ông nghĩ gì về vai trò và vị trí của họ đối với tiến trình lịch sử tư tưởng và văn hóa của đất nước?

PGS.TS Phạm Xanh: Thực thú vị khi được trả lời câu hỏi này. Trước hết phải khẳng định rằng trí thức ở đâu, ở bất kỳ xã hội nào, ở thời đại nào đều là những người hiểu biết nhất, sáng tạo nhất, năng động nhất. Nhưng họ đóng những vai trò khác nhau, vị trí khác nhau ở những nước khác nhau, ở những chế độ khác nhau và nhất là ở những trung tâm văn minh khác nhau. Cái khác ở đây chỉ là mức độ, tính chất, chứ không phải là bản chất. Ở những trung tâm văn minh lớn của thế giới như Hy-La, Ai Cập, Trung Quốc (thời cổ đại), Pháp (thời Trung Cận đại), Hoa Kỳ ( thời hiện đại) đội ngũ trí thức ở đây đóng vai trò định hướng đi cho một khu vực rộng lớn, cho nhân loại. Chẳng hạn như các nhà Khai sáng Pháp như Vônte, Rutxô, Môngte xkiơ…với những trước tác của họ làm nền tảng tư tưởng cho cuộc cách mạng tư sản vĩ đại Pháp năm 1789 và các cuộc cách mạng tư sản tiếp theo ở châu Âu. Nhưng ở nền văn minh khiêm tốn như chúng ta, đội ngũ trí thức chỉ đóng vai trò vay mượn, tiếp nhận, vận dụng và đưa vào cuộc sống những khuynh hướng tư tưởng đã hình thành và đã đạt được những thành tựu trong lịch sử nhân loại bằng các phong trào dân tộc tư sản dưới những sắc thái khác nhau, những mức độ sâu sắc không giống nhau. Nói cụ thể hơn, đội ngũ trí thức nước ta chỉ định hướng đi cho dân tộc, đất nước, nhưng lại đi sau so với đội ngũ trí thức của thế giới, đặc biệt ở những trung tâm văn minh lớn của nhân loại. Chẳng hạn, đầu thế kỷ XX, các nhà nho yêu nước, cấp tiến nước ta như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can …tiếp nhận khuynh hướng dân chủ tư sản và biến thành các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc khi khuynh hưởng đó đã hết vai trò ở phương Tây cuối thế kỷ thứ XVIII đầu thế kỷ XIX. Khuynh hướng mác xít vào nước ta cũng tương tự như vây. Như vậy, theo tôi, do hoàn cảnh lịch sử và nguồn gốc hình thành, đội ngũ trí thức Việt Nam từ xưa tới nay chỉ đóng một vại trò thực sự khiêm tốn, nếu không muốn nói là nhỏ bé trong lịch sử tư tưởng và có vị trị đi đầu, định hướng cho dân tộc nhưng cũng ở mức độ khiêm tốn. Trong bậc thang giá trị thời phong kiến, trí ở vị trí hàng đầu nhưng đến khi mất mùa, vị trí đó nhường chỗ cho nông dân “ hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Thời thực dân, số phận trí thức cũng không khác gì hơn, bởi bên cạnh vua còn cả quan Toàn quyền…Nhưng dẫu sao, đội ngũ trí thức Việt Nam đầu thế kỷ đã đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử tư tưởng và văn hóa của đất nước. Đại lược, họ chính là những người bắc một nhịp cầu vững chắc trong giao lưu văn hóa Việt -Pháp, Đông – Tây, Cổ-Kim và vì thế ta không lỡ nhịp tiến bước (dĩ nhiên là đi sau) với bước đi của nhân loại. Tôi xin đơn cử hai trường hợp. Thứ nhất, Trương Vĩnh Ký, một trong “ thập bát tinh tú” của nhân loại thế kỷ XIX, người Việt đầu tiên được thế giới biết tới vơi tư cách một nhà bác học và làm cho người Pháp biết tới văn hóa Việt Nam. Trường hợp thứ hai là TS Huỳnh Thúc Kháng, nhà Hán học uyên thâm, người đã sáng lập tờ báo nổi tiếng Tiếng Dân ở Huế, đưa xứ Trung Kỳ bảo hộ tiến kịp Nam Kỳ và Bắc Kỳ trên phương diện tư tưởng và trong những năm làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, khi không thực hiện được ý tưởng bảo vệ quyền lợi của dân thì cụ xin từ chức nghị viên và Viện trưởng. Sự kiện đó đánh dấu có “văn hóa từ chức” ở Việt Nam.

PV: Thời gian gần đây, theo tôi biết, có nhiều người đưa ra các cách hiểu khác nhau về khái niệm trí thức. Đáng chú ý nhất là cách hiểu của Gs Chu Hảo. Ông có ý kiến gì khác với cách hiểu của Gs Chu Hảo?

PGS.TS Phạm Xanh: Tôi đã đọc kỹ bài của GS, Chu Hảo trao đổi với Văn Hóa Nghệ An đăng trên tạp chí số 235-ngày 25 tháng 12 năm 2012, trong đó GS chia sẻ với bạn đọc của tạp chí quan niệm về đội ngũ trí thức Việt Nam. Trong bài, ông nói đến quan niệm chung, thông thường coi trí thức là những người lao động trí óc, và tiếp đó, Gs mượn ý của người Nga, người Pháp…để nói hộ ý mình: “ Người ta chỉ dùng chữ trí thức để chỉ bộ phận có thể gọi là tinh hoa trong hàng ngũ những người lao động trí óc; tức là những người không chỉ có trình độ học vấn cao, chuyên môn giỏi, mà còn có một vài phẩm tính khác để tự tập hợp lại thành một tầng lớp được coi là “cơ quan nhận thức (bộ não) của cơ thể xã hội”(trang 13). Trên đại thể, tôi đồng ý với GS về sự chia sẻ khái niệm “ Thế nào là trí thức”, nhưng nhân đây cũng xin được phép bàn sâu thêm về khái niệm đó. Có thể bắt đầu từ cách hiểu thông thường gọi trí thức là những người lao động bằng trí óc với những học vị khác nhau. Vì thế đội ngũ trí thức có hình một hình chóp mà khúc đáy của nó là những người đã tốt nghiệp đại học và khúc đỉnh là những người nhận học vị Tiến sĩ, còn khúc giữa là những người nhận học vị Thạc sĩ. Theo đó, cách hiểu của GS Chu Hảo chỉ tôn vinh những người ở khúc đỉnh, mà ta có thể mạnh dạn gọi là là tầng lớp tinh hoa trong đội ngũ trí thức. Thời thực dân Pháp thống trị, Toàn quyền Anbe Xarô sau chính tranh thế giới lần thứ nhất đã cổ vũ mạnh mẽ cho việc tạo thành một tầng lớp thượng lưu (élite) trong xã hội Việt Nam mà nhóm Nam Phong tung ra. Nhưng sau đó cũng bị lãng quên rất chóng vánh. Mảnh đất này không cần trí thức, muốn cần trí thức thì sang Mốt cu ( Lời của Thống đốc Nam Kỳ Cô nhắc nói với nhà báo Nguyễn An Ninh sau khi ông ra báo Chuông Rạn năm 1923. Tóm lại trí thức là những người làm việc có bằng cấp từ Cử nhân trở lên, còn các phẩm chất khác như dấn thân, phản biện xã hội, nằm ngoài phạm vi mà chúng ta đang bàn tới. Người Việt Nam chúng ta ai cũng có thể dấn thân cho đất nước khi có họa xâm lăng, ai cũng có thể phản biện xã hội khi bị bức bối.

PV: Thưa ông, tôi tin là ông nghiên cứu rất kĩ về thế hệ trí thức đầu tk XX và bối cảnh ra đời của thế hệ trí thức này, sự dấn thân với sự nghiệp giành độc lập dân tộc, chấn hưng đất nước của họ, sự đóng góp và cả sự thất bại của họ. Ông có nhận định gì về những vấn đề trên xung quanh các nhà trí thức yêu nước hồi đầu tkXX.

 

PGS.TS Phạm Xanh: Sự dấn thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của lớp người này rất đa dạng. Sự đa dạng và phong phú về hinh thức biểu hiện lòng yêu nước của họ, tùy thuộc vào nguồn gốc gia đình, truyền thống quê hương, địa vị xã hôi, từ đặc điểm chính trị của từng xứ ( lúc đó Pháp chia nước ta thành 3 kỳ với 3 chế độ cai trị khác nhau),đặc biệt tùy vào sự nhận thức thời cuộc của họ mà họ lưa chọn phương thức cứu nước thích ứng. Phan Bội Châu dấn thân theo con đường vũ trang bạo động, bởi Cụ sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ, mãnh đất không được thiên nhiên ưu đãi đã tôi luyện những con người nơi đây sự kiên cường, bất khuất trước thiên nhiên. Lâu dần trở thành bản lĩnh của con người xứ Nghệ. Phan Chu Trinh , Huỳnh Thúc Kháng sinh ra từ vùng đất Quang Nam, nơi có những thương cảng lớn như Hội An, Đà Nẵng, một thời buôn bán sầm uất, tiếp xúc nhiều với thương nhân nước ngoài, nên ren trội ở đây là làm ăn kinh tế. Vì thế mà sinh ra những người chủ trương duy tân đất nước nhằm khai dân trí, chấn dân khi, hậu dân sinh, làm cho đất nước mạnh giàu. Hoặc Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Lương Văn Can và cả Bùi Quang Chiêu, Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Phan Long…, mỗi người, do nhận thức thời cuộc của họ mà họ lựa chọn báo chí như một phương tiện để truyền bá văn minh phương Tây. Khi thành lập Đông Kinh nghĩa thục, thục trưởng Lương Văn Can cho mua lại Đại Nam Đồng văn nhật báo và đổi thành Đăng cổ tùng báo (1907). Hoặc Nguyễn Văn Vĩnh ra tờ Đông Dương tạp chí (!913-1917) và tiếp đó Phạm Quỳnh cho ra Nam Phong tạp chí. Trong xứ Nam Kỳ thuộc địa, do Luật báo chí ở đây thoáng hơn nên Bùi Quang Chiêu, Diệp Văn Kỳ…xuất bản tờ Diễn đàn bản xứ để truyến bá tư tưởng dân chủ, tập hợp lực lượng để thành lập một chính đảng tư sản lấy tên là Đảng Lập hiến. Mỗi người, mỗi nhóm người trong sự dấn thân đó góp một tiếng nói tựa như một ngọn gió để thành trận bảo sau này. Lịch sử chúng ta cần trân trọng ghi nhận và tôn vinh những đóng góp đó của họ, không nên đeo lăng kinh “ cách mạng” mà bỏ quên họ, phê phán họ. Thực sự, giới sử học chúng ta còn nợ họ. Đó là món nợ không trả được một lần mà phải trả dần theo sự xoay vần của tạo hóa, theo dòng chảy của thời gian.

PV: Trong bối cảnh chuyển từ văn hóa thuần phương Đông sang văn hóa phương Tây, tôi thấy các nhà trí thức yêu nước, các trí thức của chúng ta hồi đầu tk XX đã thể hiện tinh thần yêu nước và tranh đấu bằng nhiều con đường, phương pháp khác nhau. Phan Bội Châu và Hội Duy Tân theo đuổi con đường bạo động, Phan Chu Trinh và Đông Kinh Nghĩa Thục lại là những lựa chọn và những con đường khác. Đáng chú ý là rất nhiều sĩ phu, trí thức yêu nước đã chọn con đường chấn hưng giáo dục – văn hóa để khởi đầu cho con đường cứu nước . Từ các nghiên cứu của mình, ông có thể giúp chúng tôi hiểu thêm về lịch sử và trí thức nước nhà giai đoạn này? Những đặc điểm nổi bật của nó?

 

PGS.TS Phạm Xanh Để làm thỏa mãn bạn đọc tạp chí câu hỏi này đòi hỏi phải có thời gian và nhiều giấy mực, tôi chỉ xin dẫn ba nhân vật lịch sử thời này (mang tính đại diện cho ba xứ Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ), thông qua họ để kể những câu chuyện cụ thể nhất về sự đóng góp của đội ngũ trí thức đầu thế kỷ XX cho sự chuyển biến hợp thời đại đó.

Câu chuyện về nhân vật đầu tiên mà tôi muốn kể là Trương Vĩnh Ký, quê gốc Bến Tre, nhưng ông lớn lên và trưởng thành từ trong những trường dòng ở Cămpuchia và Penang ( Malaxia). Ông là một trong những người biết nhiều ngoại ngữ nhất (cả sinh ngữ lẫn tử ngữ), xuất bản 118 trước tác, đặc biệt trong đó có những trước tác về lịch sử, văn học, đia lý Việt Nam bằng tiếng Pháp. Ông chính là người bắc nhịp cầu bền vững cho giao lưu văn hóa Việt-Pháp trong dòng chảy thời gian đi từ quá khứ, qua hiện tại đến tương lai.. Ông được học giả Pháp Jean Bouchot đánh giá là: “ một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cho đến nước Trung Hoa hiện đại nữa”.

Nhân vật thứ hai là Phan Chu Trinh, con người mà trong các pho lịch sử dân tộc, trong các bảo tàng, trên các bục giảng về lịch sử của các trường đại học, bao giờ cũng bị xếp dưới/sau Phan Bội Châu, nhưng thực ra, ông là người hiểu hơn ai hết ở Việt Nam lúc đó về dân chủ - nhu cầu lâu dài và tối cần thiết của con người trong xã hội loài người. Có tình trạng trớ trêu đó bởi lẽ, cái mà dân tộc chúng ta cần lúc đó trước hết và trên hết là vấn đề dân tộc, vấn đề dân chủ còn là thứ yếu. Vì thế mà Phan Bội Châu được đánh giá cao hơn là lẽ tất nhiên. Nhưng trong thực tế lịch sử Việt Nam thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, ở một mức độ sơ khai đã có sự kết hợp giữa vấn đề dân tộc và vấn đề dân chủ, nên đã tạo ra được một phong trào cách mạng rầm rộ giữa chống thực dân và chống Nam triều (qua phong trào chống thuế ở Trung Kỳ Năm 1908), Cũng vì thế mà hai cụ Phan đã trở thành một cặp bài trùng đầu tiên trong lịch sử cân đại Việt Nam. Còn với người Pháp, người phương Tây,, ngay lúc đó Phan Chu Trinh đã đúng khi ông quan tâm đến vấn đề dân chủ. Vì thế, ông được Hội Nhân quyền Pháp can thiệp để ông ra khỏi nhà tù Côn Đảo và sau đó sang Pháp. Và ông trở thành một nhân vật nổi tiếng bên Mẫu quốc với những hoạt động chống vua Khải Định và Nam triều.

Nhân vật thứ ba là nhà báo chuyên nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh. Như ta biết, chữ Quốc ngữ được các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp tạo ra, lúc đầu là phương tiện truyền giáo, nhưng người có công đầu đưa vào đời sống là Trương Vĩnh Ký với việc xuất bản tờ báo tiếng Việt đầu tiên,tờ Gia Định báo, khởi đầu lịch sử báo chí nước ta từ năm 1865. Từ đó cho đén đầu thế kỷ XX, nó không được phát triển. Từ khi chữ quốc ngữ ra Hà Nội , cái nôi của văn hóa Việt, trung tâm của giới trí thức Bắc Kỳ thì chữ Quốc ngữ có được bước phát triển ngoạn mục. Công đó thuộc về Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Hà Nội, tờ Đăng cổ tùng báo mà Đông Kinh Nghĩa thục mua lại và đổi tên mới. Tiếp đó , ông cho ra Trung Bắc tân vănĐông Dương tạp chí. Ông trở thành nhà kinh doanh báo chí đầu tiên ở nước ta. Qua báo chí ông truyền bá văn minh phương Tây, vạch tật xấu (truyền thống xấu) của người Việt và đặc biệt là truyền bá chữ Quốc ngữ. Câu nói nổi tiếng của ông: “ Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”..

PV: Tôi có cảm giác là lịch sử đất nước ta đang có nhiều điểm tương đồng giữa hồi đầu tk XX và đầu tk XXI. Một trăm năm sau vẫn đang lặp lại với những vấn đề lớn của đất nước như vấn đề độc lập dân tộc, vấn đề giáo dục, văn hoá, và vẫn loay hoay với nhau về số phận, vai trò và trách nhiệm của giới trí thức. Ông có nhận xét gì về cảm nhận này của chúng tôi?

 

PGS.TS Phạm Xanh: Các ông hơi đa đoan. Truyền thống của chúng ta không phải là than thân, trách phận về sự bạc bẻo với trí thức của người đời. Xã hội chúng ta cho đến nay căn bản là xã hội nông dân (75% cư dân Việt là nông dân) và hơn nữa trong xã hội chúng ta hiện nay mọi người đều sống với tâm lý tiểu nông. Trong con mắt của người nông dân, mặc dầu vẫn cho con ăn học, nhưng vẫn coi trí thức là người “trói gà không chặt”, là lớp người “ dài lưng tốn vải, ăn no lại mằm”. Một xã hội như vây, nói là trọng học, nhưng trong sâu thẳm là không. Với một xã hội như vây, hành động thay lời nói là có hiệu quả hơn cả. Hành động để chúng ta có tự do, một hàng số bất biến trong lịch sử tư tưởng nhân loại, từ Tây sang Đông, được biểu hiện chói sáng trong tư tưởng cốt lõi của cuộc Đại Cách mạng tư sản Pháp ( Tự do, Bình đẳng, Bác ái) và trong chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn ( Độc lập, Tự do , hạnh phúc và đặc biệt qua bức Tượng Nữ thần Tự do mà nhà điêu khác Pháp đã tạc nhân kỷ niệm 100 cuộc cách mạng Pháp và tăng cho Hoa Kỳ một phiên bản được phóng to và dựng trên đảo cảng Niu Oóc ngày đêm tỏa sáng. Suy cho cùng, ở đâu có tự do, ở đó có sáng tạo.

PV: Đặc điểm lớn nhất văn hoá Việt Nam trong thời kì đầu tk XX và thái độ của trí thức Việt Nam trước bối cảnh đó?

 

PGS.TS Phạm Xanh: Như trên đã thưa, giai đoạn này là sự cùng tồn tại trong một không gian Việt Nam của hai giống ngưới khác nhau về màu da, khác nhau về văn hóa, phong tục tập quán, khác nhau về trình độ văn minh, khác nhau về địa vị, kẻ thống trị và kẻ bị trị. Trong bối cảnh đó, người bị trị không có con đường nào khác, trước hết là biết cách để tồn tại, sau đó tìm cách tiếp nhận những giá trị văn hóa của họ để giải thoát như nhà tư tưởng Nguyễn An Ninh đã đề xướng: “ Người ta không đi ăn mày tự do”. Người Việt Nam, trước hết là đội ngũ trí thức, ở thời đoạn này đã hành động như vậy trên tất cả các bình diện, từ kinh tế đến văn hóa, giáo dục. Cho nên, đặc điểm nổi trội ở thời đoạn này là đối diện trực tiếp với sự thật lịch sử phủ phàng, đội ngũ trí thức, cả cựu học lẫn tân học, hợp sức đoạt lấy vũ khí tinh thần từ kẻ thống trị để giải thoát và trở thành Dân tộc như Mác đã nói.

PV: Và những kinh nghiệm lịch sử mà nó để lại.

PGS.TS Phạm Xanh: Nền văn hóa chúng ta đã trải qua thời kỳ Âu hóa, phương Tây hóa. Như lữa thử vàng, văn hóa nước ta đã trải qua thời kỳ Âu hóa đó đã tạo thành một nền văn hóa cận đại Việt Nam, trong đó tổng hòa những giá trị truyền thống còn hợp thời và những giá trị chọn lọc và tiếp nhận từ văn hóa Pháp, văn hóa phương Tây. Đó là khinh nghiệm lớn nhất để chúng ta hòa nhập với thế giới thời đại toàn cầu hóa, để người Việt Nam chúng ta đứng ở góc bể chân trời nào trong thế giới phẳng này vẫn là người Việt Nam tỏa sáng những phẩm chất tốt đẹp của nó, không lẫn với người Tây, người Trung Quốc, người Đại hàn, Người Thái Lan.

PV: Câu chuyện có thể đã hơi dài, câu hỏi cuối mà chúng tôi muốn có câu trả lời của ông là phẩm chất nào quyết định, định hình nên nhân cách của một trí thức? Tư duy, tri thức hay việc thực hiện bổn phận và cống hiến với đất nước?

PGS.TS Phạm Xanh: Trong ba phẩm chất mà ông đã định hướng cho câu trả lời của tôi, tôi chọn tư duy, bởi trước hết, theo Đềcác, tôi tư duy , tức tôi đang tồn tại. Đó là khởi điểm chứng minh một thực thể đang sống, để sau đó là sáng tạo. Để có tư duy sáng tạo, trước hết là phải tích lũy tri thức và cuối cùng mới thực hiện bổn phận và cống hiến cho đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị hôm nay. Những vấn đề chúng ta vừa đề cập là những vấn đề lớn, nó không chỉ là câu chuyện của quá khứ, của lịch sử mà là của hôm nay và có lẽ là của cả ngày mai vì xã hội hiện đại được vận động bởi năng lượng tri thức và không ai khác, giới trí thức là người sáng tạo ra nguồn năng lượng đó. Câu chuyện này, thiết nghĩ là câu chuyện, là vấn đề rất cần quan tâm của các nhà quản trị xã hội, của nhà nước./.

Phan Thắng thực hiện

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114449710

Hôm nay

216

Hôm qua

2313

Tuần này

21255

Tháng này

215969

Tháng qua

120141

Tất cả

114449710