Nhìn ra thế giới
Sáclờ Phuốcniô, người bạn chiến đấu thuỷ chung của nhân dân Việt Nam
Tin Giáo sư Sáclờ Phuốcniô từ trần sáng ngày 21 tháng 4 năm 2010 tại Pari đã gây xúc động sâu sắc trong bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp của ông. Đối với Việt Nam, Phuốcniô không chỉ là một nhà Việt Nam học nổi tiếng đã có nhiều thành tựu nghiên cứu về Lịch sử hiện đại Việt Nam mà còn là một người bạn chiến đấu thủy chung, đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam ngay từ ngày đầu cho đến ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Phuốcniô sinh năm 1921 tại Ly - ông (Pháp). Sau khi đỗ Thạc sĩ sử học năm 1949, ông trở thành giáo sư trung học, hoạt động trong phong trào Hòa Bình và đã ký tên vào lời kêu gọi Xtốc khôm chống bom nguyên tử. Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch nghiên cứu trong tương lai ông đã đến học tiếng Việt tại Trường các ngôn ngữ phương Đông Pari nhưng vì không đồng tình với phương hướng dạy tiếng Việt tại đây và thái độ kỳ thị Việt Nam của giáo sư bộ môn người Pháp, ông đã rời bỏ lớp học. Đây là những năm đầu của thập niên 60, một bộ phận dân chúng Pháp vẫn chưa hết “sốc” về thất bại Điện Biên Phủ, còn giới truyền thông Pháp thì sau khi Chính phủ Pháp đã chuyển giao vấn đề Việt Nam cho Mỹ, họ đã tránh đả động đến vấn đề này, mặc dầu ở miền nam Việt Nam tên độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, đang vi phạm Hiệp định Giơnevơ mà Pháp là một bên ký kết và đang tìm mọi cách loại bỏ dần ảnh hưởng của Pháp ở miền nam Việt Nam. Đảng Cộng sản Pháp liền tổ chức lại nhóm chuyên gia nghiên cứu của Đảng về vấn đề Việt Nam. Năm 1960 Phuốcniô, một thành viên của phong trào hòa bình, vốn cực lực phản đối cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” của Pháp và nhiệt tỉnh ủng hộ cuộc kháng chiến giành độc lập của Việt Nam, được phái sang Hà Nội tìm hiểu tình hình; tại đây ông đã được gặp một nhân vật lịch sử huyền thoại đã từng hoạt động chính trị lâu năm ở Pari, ngay trong lòng Đảng Cộng sản Pháp: Nguyễn Ái Quốc và nay là Hồ Chí Minh, Chủ tịch đầu tiên của nước Việt nam độc lập. Phuốcniô đã xem cuộc gặp này như là một cú sét khiến ông xác định dứt khoát phương hướng chính trị và học thuật của cuộc đời mình: “Đối với tôi, sau cuộc gặp mùa hè năm 1960, Hồ Chí Minh đã trở thành Bác Hồ” (Nước Việt Nam như tôi đã thấy, 2003).
Trở về Pháp, năm 1961, ông đã cùng các đồng chí thành lập Hội Hữu nghị Pháp – Việt với phương châm hoạt động là “Thông tin – Hợp tác – Hữu nghị” và từ đó cho đến ngày từ giã cuộc đời, ông đã liên tục đảm nhận trách nhiệm Tổng thư ký rồi Chủ tịch – đại diện của Hội.
Năm 1960 nhằm phá vỡ sự im lặng của dư luận Pháp về vấn đề Việt Nam, Hội hữu nghị Pháp - Việt đã xuất bản tập sách nhỏ Vấn đề miền nam Việt Nam do Phuốcniô biên soạn, cảnh báo về nguy cơ chiến tranh Việt Nam có thể lan rộng.
Từ năm 1963 đến 1965 Phuốcniô phấn khởi nhận nhiệm vụ phóng viên thường trú của báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp tại Hà Nội. Ông không chỉ đến một mình mà đem theo cả gia đình đông đúc, gồm vợ và năm người con, từ 8 đến 15 tuổi. Bà vợ sẽ dạy tiếng Pháp ở Khoa ngoại ngữ trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Việc thu xếp gia đình như thế chứng tỏ quyết tâm “dấn thân” của Phuốcniô vào vấn đề Việt Nam. Ông cũng muốn nhân dịp này sưu tầm tư liệu về phía Việt Nam liên quan đến đề tài Tiến sĩ của ông, gồm luận án lớn về phong trào Cần Vương chống sự xâm lược của Pháp và luận án nhỏ về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích. Người ta có thể nghĩ là nhà sử học đã đến không đúng lúc và đúng chỗ nhưng trái lại đối với Phuốcniô hai nhiệm vụ trên đã hòa hợp, hỗ trợ nhau một cách hoàn hảo. Nhiệm vụ nhà báo đã đưa Phuốcniô đi ngang dọc khắp lãnh thổ Việt Nam hồi đó, từ mỏ than Cẩm Phả ở sát bờ biển phía đông sang chiến trường cũ Điện Biên Phủ ở rừng núi phía tây, từ thủ đô Hà Nội ở phía bắc xuống tận giới tuyến Vĩnh Linh ở phía nam. Thăm quê cũ của Phan Đình Phùng, thủ lĩnh nổi tiếng của phong trào Cần Vương ở Hà Tĩnh, Phuốcniô kết hợp thăm trạm bơm Linh cảm ở gần đó, vừa bị Mỹ ném bom và có thể nhận thấy cái “mục tiêu quân sự” mà không lực Hoa Kỳ nhằm vào chỉ là một trạm bơm nước thủy lợi nhỏ xíu; thăm quê hương Nguyễn Quang Bích ở Thái Bình, một tỉnh trọng điểm về trồng lúa của đồng bằng Bắc Bộ, Phuốcniô có thể hiểu phần nào vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp. Phuốcniô là một trong số ít nhà báo nước ngoài đã được chứng kiến những trận ném bom đầu tiên của Mỹ “leo thang” ra miền bắc, ở Đồng Hới, vào ngày 11 tháng 2 năm 1965 và ông đã thấy một cảnh tượng khác lạ: dân chúng ở đây không khiếp sợ và thụ động chịu đựng bom Mỹ như ở châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ hai mà họ đã dũng cảm tham gia chiến đấu cùng lực lượng vũ trang chính quy, ngay người phiên dịch đi theo phục vụ các nhà báo quốc tế, sau khi hướng dẫn các nhà báo xuống hầm trú ẩn, cũng nhảy lên mặt đất phục vụ cuộc chiến đấu. Trong trận đánh trả đó một máy bay Mỹ đã bị hạ, một phi công Mỹ tên là Shoemaker đã bị bắt sống và bị giải ra trình diện các nhà báo. Thực tế chiến đấu đó đã giúp Phuốcniô dần dần nhận thức được thế nào là chiến tranh nhân dân. Những hiểu biết về lịch sử quá khứ của Việt Nam, những tư liệu quý mà nhà sử học Phuốcniô đã nhiều năm miệt mài sưu tầm tại Trung tâm lưu trữ tài liệu hải ngoại của Pháp ở Aix – en – Provence đã giúp nhà báo Phuốcniô hiểu sâu sắc hơn các sự kiện đang diễn ra trong hiện tại. Đi qua các vùng bị Mỹ ném bom Phuốcniô đã chứng kiến nhiều chết chóc đau thương, nhiều trường học, bệnh viên bị tàn phá, có nhiều khu phố bị hoàn toàn san phẳng, nhưng mặt khác nhân dân Việt Nam vẫn điềm tĩnh tổ chức lại cuộc sống cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh, chợ Vinh hợp trong đêm tối và Phuốcniô thú vị thấy các lái buôn người Việt, cũng làm giống như các đồng nghiệp của họ ở Pháp, vui vẻ đập vào bàn tay nhau một khi đã ngã giá mua bán; vào thăm ngẫu nhiên một lớp học của trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng, Phuốcniô ngạc nhiên thấy học sinh đang nghe giảng về vở hài kịch Người hà tiện của Môlie; thăm lớp Đại học Hán học ở nơi sơ tán của Viện Văn học, Phuốcniô đã dự một giờ giảng về triết học Lão tử, dựa trực tiếp vào văn bản bằng chữ Hán cổ. Trong bài báo Một nhà thơ và chiến tranh đăng trên tạp chí Phê bình mới số 175 – 1966, Phuốcniô đã viết: “Tôi từ vĩ tuyến 17 trở về, đi qua rất gần Tiên Điền, làng quê của Nguyễn Du … Trong lúc những máy bay siêu âm Mỹ còn tung bom xuống Tiên Điền, ở giờ phút mà nhân dân Việt Nam nổi tiếng, bất chấp tất cả, vẫn tổ chức kỷ niệm 200 năm năm sinh nhà thơ dân tộc của mình, toàn thế giới thấy rõ chính nghĩa ở về phía bên nào, tự do hòa bình ở về bên nào”.
Dần dần, mặc dầu không bao giờ quên sự chênh lệch quá nổi bật về số lượng vũ khí, đạn dược giữa Mỹ và Việt Nam, Phuốcniô đã đi đến một niềm tin chắc chắn: Thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về nhân dân Việt Nam. Dư luận phương Tây tất nhiên không thể chia sẻ với Phuốcniô về nhận định này, ngay trong Ban biên tập báo Nhân đạo cũng thường nổ ra tranh luận về nội dung các bài báo do Phuốcniô từ Hà Nội gửi về.
Kết thúc nhiệm kỳ phóng viên thường trú ở Việt Nam, Phuốcniô trở về Pháp, tiếp tục viết báo, nói chuyện, tổ chức các cuộc hội thảo về Việt Nam và nhất là viết sách nhằm phổ biến rộng rãi trong dư luận Pháp những trải nghiệm và niềm tin của ông về chiến tranh Việt Nam, đó là các cuốn Việt Nam đối diện với chiến tranh (1966), Việt Nam, từ chiến tranh đến chiến thắng (1969), Việt Nam như tôi đã thấy, 1960 – 2000 (2003)
Về nghiên cứu lịch sử Việt Nam, ông đã xuất bản cuốn Trung Kỳ - Bắc Kỳ (1885 – 1896) – Sĩ phu và nông dân Việt Nam đối diện sự xâm lược thực dân (1989). Cuốn này biên soạn, cô đúc lại luận án Tiến sĩ quốc gia về sử học của ông, nhan đề Sự tiếp xúc Pháp – Việt trong nửa đầu thế kỷ, 1858 – 1896 bảo vệ tại trường Đại học Pờrôvăng năm 1984. Cuốn sách đồ sộ Việt Nam, sự thống trị thực dân và sự phản kháng dân tộc, 1858 – 1914 (2002), dày hơn 800 trang là một cuốn sách tổng hợp lại những kết quả nghiên cứu của Phuốcniô về sự xâm chiếm Việt Nam của thực dân Pháp và các cuộc nổi dậy liên tục của nhân dân Việt Nam.
Sáclờ Phuốcniô đã hoàn thành một cách nghiêm cẩn và đáng tự hào cuộc đời chiến sĩ và học giả của mình. Ông đã bình thản ra đi vào một sáng tháng 4 của năm 2010 là quãng thời gian ở Việt Nam có nhiều ngày kỷ niệm lịch sử mà lúc sinh thời Phuốcniô đã tâm huyết gắn bó: 30 – 4 – 1975: Giải phóng Sài Gòn, thống nhất Việt Nam, 7 – 5 – 1954: Chiến thắng Điện Biên Phủ, 19 – 5 – 1890: Sinh nhật Hồ Chí Minh. Nếu như Sáclờ Phuốcniô còn sống, người công dân danh dự ấy của thành phố Hồ Chí Minh, chắc chẵn sẽ có mặt trong những quốc lễ trọng thể đó của Việt Nam.
tin tức liên quan
Videos
Luận bàn về văn hóa ứng xử
Từ “Vịnh” đến “Vinh”
Ký ức trường xưa và chuyện di dời các ngôi trường
Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
Hồi sinh trang phục truyền thống người Ơ Đu
Thống kê truy cập
114521142
2219
2291
22183
219081
121009
114521142