Người xứ Nghệ

Người cổ nguyệt chuyện Xuân Hương

 

I

Tôi không biết gì nhiều về nữ sĩ Hồ Xuân Hương và những người khác cũng không biết hơn tôi.

Tôi chỉ biết rằng nữ sĩ là con ông Hồ Phi Diễn, người làng Quỳnh Đôi, một địa phương xứ Nghệ đã từng cung cấp rất nhiều những ông đồ nho cho đất Kinh Bắc. Tôi cũng tin rằng ở Hồ Xuân Hương, cái màu “ngão cốt lăng tằng:” của người cha đã được trao gửi lại khá dồi dào. Và tôi cũng đồ rằng thủơ bình sinh, nữ sĩ đã có nhiều lần “leng pheng” với các tao nhân mặc khách đương thời, trong đó có ông Chiêu Hổ.

Nhưng biết như thế cũng là chưa biết gì cả.

Từ khi tôi biết đọc thơ và biết “quý tài như mệnh”, tôi vẫn đi tìm một cái hình ảnh khả dĩ tiêu biểu cho con người đàn bà nhiều khía cạnh, nhiều màu vẻ dó.

Tôi tưởng tượng Hồ Xuân Hương trước kia là một nàng tiên tinh nghịch làm gẫy cành đào nên bị bà Tây vương Mẫu phạt phải ngủ giấc ngủ vạn năm. Đến khi nàng tiên được phép thức dậy, thì thế giới, thì cuộc đời chung quanh đã thay đổi nhiều lắm rồi. Nhưng nàng tiên vẫn giữ mãi tính tình và tác phong hồn nhiên của buổi đầu trời đất.

Rồi có một buổi trưa hè nặng trĩu, nàng tiên đột nhiên nhẩy vào trong ngôi đền phong kiến cổ kính, chính giữa lúc mấy ông từ giữ đền (tốt nghiệp đồ gàn ở trường Khổng Mạnh) đương vừa ngủ gật vừa đánh chén. Sự xuất hiện một người con gái ăn mặc hớ hênh, nói năng phóng túng với những cử chỉ không chút gì là thi thư lễ nghĩa làm cho mọi người đều vô cùng kinh ngạc. Kinh ngạc hơn nữa là khi người con gái ấy đặt ra dưới những cái mũi của các ngài tấm thiếp để tự giới thiệu.

                        Thân em thì trắng, phận em tròn

                        Bẩy nổi ba chìm với nước non          

                        Nhớn nhỏ mặc dù tay kẻ nặn

                        Mà em vẫn giữ tấm lòng son

 

Có lẽ không cần phải nói thêm những cái gì đã xảy ra sau đó trong ngôi đền linh thiêng phong kiến kia. Nghe nói các ông từ có làm biên bản định khép Hồ Xuân Hương vào tội đã đập vỡ mất cái lư hương trong đền.

Ấy gần hơn một trăm năm nay, cái bản án của các ông đồ gàn vẫn đè nặng trên vong hồn của nữ sĩ.

Bản án thì thực, nhưng câu chuyện trên đây chỉ là một giấc mơ của những đầu óc và trái tim bệnh hoạn của nho học. Cái hình ảnh của Hồ Xuân Hương mà tôi cố tưởng tượng ra đây cũng chỉ là một trò chơi rẻ tiền của tưởng tượng thuần tuý ở tôi mà thôi. Con người thơ và con người đàn bà ở Hồ Xuân Hương đâu phải là con người nguyên thuỷ. Hồ Xuân Hương biết chữ của “Đức Thánh”, biết làm thơ Đường luật, biết tách cái đẹp chân chính ra ngoài cái rác rởm của xã hội, biết đánh giá đúng những kẻ hiền nhân và quân tử, Hồ Xuân Hương là người văn minh của một xã hội văn minh.

Tôi lại tưởng tượng Hồ Xuân Hương lội qua xã hội phong kiến như một cô con gái nông thôn xắn quần để lộ hai cái đùi trắng nõn, lội qua những ruộng chiêm ngập bùn nước, ngây thơ mà tinh nghịch, mạnh dạn mà duyên dáng, đương theo trêu ghẹo những thầy khoá đi trên đường, để một hai nói rằng “em có cái mấn lụa hạ muốn đổi lấy cây ô của thầy”.

Sinh ra và lớn lên trên đất Bắc Hà, ngay trong lòng cố đô Thăng Long, được nuôi nấng và dạy dỗ bởi bàn tay hiền từ của người mẹ xứ Bắc, Hồ Xuân Hương vẫn là con cháu đất Nghệ An. Tôi muốn đi xa hơn một tí nữa: Hồ Xuân Hương là tiếng nói của người nông dân xứ Nghệ. Một thứ tiếng nói chắc nịch, nặng trĩu, không văn hoa, không bay bướm, vuông vắn và sòng phẳng, dậm cả hai chân lên thực tế. Sau những  lời và những chữ của bài thơ, ý thơ vẫn là sự biểu hiện trung thành một con người mà da thịt bám chặt lấy đất mẹ, nhưng đầu óc và trái tim vẫn có những cái vươn lên “với thử trời cao” - Con người ỏ trong thơ Hồ Xuân Hương tuyệt nhiên không có gì giống với những cái xác ướp quấn lượt là gấm vóc trong các tác phẩm cổ điển hạng nhì, mà là một con người có xương, có máu, sống rất nhiều vì đã khổ cực xót xa rất nhiều với cuộc đời sớm tối còng lưng trên miếng đất ghẻ lạnh. Con người ấy đã vất vả và lớn lên trên lưng con trâu, sau cái cày cũ kỹ hay bên cối gạo canh khuya; con người ấy cũng đã được tôi luyện rất nhiều qua những trận bão, những trật lụt và những trận gió Lào hàng năm kế tiếp nhau càn quét đất Nghệ Tĩnh. Vì thế mà con người ấy biết giá trị của từng bát cơm manh áo đã phải giằng xé kịch liệt với thiên nhiên; vì thế mà con người ấy có tiếng nói rắn rỏi như nét dùi vồ nện trên hòn đất cứng. Mang tiếng là khô khan, nhưng con người ấy chỉ biết quý sức lao động của mình. Trầm lặng đến như rụt rè, kiên trì đến gần như nhẫn nhục, con người nông dân Nghệ Tĩnh mang ở trong mình tới một mức độ rất cao cái tinh thần đấu tranh bất khuất và đã viết cho Tổ quốc những trang lịch sử đẹp trong những trang đẹp nhất vì họ đã có mặt trên tất cả mọi chiến trường.

Tôi tưởng tượng Hồ Xuân Hương là một người con người nông dân. Nhưng lại cũng vẫn là một câu chuyện tưởng tượng.

Phải? cái người con gái mà thiên hạ đều quen mặt ở phường Khán Xuân, học nhiều, chơi nhiều, đi nhiều, nhiều duyên, nhiều nợ, khôn ngoan đến ranh mãnh, mạnh dạn đến táo bạo, đùa nghịch với cả học trò và quan lớn, xoa đầu sư, vuốt râu thánh, con người ấy rõ ràng là con đẻ của đất kẻ chợ. Là sản phẩm của đất Bắc Hà, của cố đô Thăng Long, Hồ Xuân Hương có cái tế nhị trong nếp cảm và nếp nghĩ; là sản phẩm của thành thị, Hồ Xuân Hương có cái dí dỏm, cái tinh nghịch của những chú gavroches Việt Nam.

Hồ Xuân Hương còn là con người như thế nào nữa?

Một con người đầy góc nhọn, đầy cạnh sắc, một tâm hồn, nhiều vẻ như đám mây trên cửa bể chiều hôm.

Ấy con người mà riêng tôi cảm biết.

Không dám nói gì nhiều hơn nữa. Sợ rằng rơi vào chụp mũ mất.

 

II

Trưa mùa hè đè nặng trên mọi cảnh vật của nhân gian. Đời sống như hoàn toàn dừng lại trong những làng xa nho nhỏ, dưới những mái đình chùa cổ kính hay những mái nhà tranh ẩm thấp, trên lưng những nấm mộ bạc màu hay những cánh ruồi rời rạc, trong con mắt mơ màng của con trâu nhai cỏ dưới gốc cây hay trong tiếng vọng nhọc mệt của con người.

Dưới bóng khô khan của hàng tre, nằm thu mình lại những cái ao tù hẹp hòi như những tấm lòng không độ lượng. Mặt ao trầm lặng phủ một tầng váng xanh đặc sịt ngăn không cho ánh sáng xuyên qua khe lá chiếu xuống tận lòng ao. Không một tiếng động, không một tiếng kêu, không một làn gió, không một gợn sóng. Không khí ở đây cũng nặng nề âm u, phảng phất mùi cây cỏ mục.

Nhưng nếu để ý xét cho kỹ, thì thỉnh thoảng vẫn có những bọt nước từ đáy ao sủi lên, như báo hiệu một sự sống nào được âm thầm chuẩn bị.

Và ở chung quanh bờ ao, dưới những mỏm đất và trong những hang hốc nhỏ, những chú ếch và ễnh ương ngồi chễm chệ trông ra, đôi mắt lờ đờ, vừa trịnh trọng vừa ngờ nghệch.

Khi ấy, giá có một bàn tay tinh nghịch nào cầm hòn đất ném xuống mặt ao một cách bất ngờ, thì sẽ thấy cả lũ đua nhau nhảy lõm bõm xuống nước vừa chu chéo vừa hốt hoảng.

Nhưng chỉ một khoảnh khắc, yên tĩnh lại trở về trên mặt nước, trật tự lại trở về trên bờ ao, điển hình, tiêu biểu cho một cái gì vô cùng vĩnh viễn, bất di bất dịch.

Xã hội phong kiến Việt Nam vào thời kỳ cuối Lê đầu Nguyễn gợi lên một cảnh ao tù nằm trong cái không khí trưa hè nặng nề và oi bức. Mặc dù từ trong lòng của xã hội ấy, sự sống mới đã bắt đầu nẩy mầm, chỗi dậy và có khi biểu hiện ra ngoài, nói chung cái cốt cách cái rường cột của nó vẫn đủ sức kiềm chế mọi phản ứng. Trong cái xã hội ấy, trật tự kỷ cương, đạo đức và lễ giáo phong kiến vẫn là đồ ăn tinh thần cho tất cả mọi người và cái tầng lớp đưa đường chỉ lối cho nhân dân vẫn là tầng lớp những sĩ phu xuất thân từ trường học Khổng Mạnh, những con người thờ cái triết lý, sợ tất cả mọi sự cựa quậy vì nó làm sai lệch những đường thẳng đã vạch ra không biết từ đời nào*.

Xã hội Việt Nam lúc ấy không chờ có một người như Hồ Xuân Hương đến; nhưng Hồ Xuân Hương đã đến trong cái xã hội ấy giữa lúc bọn đồ gàn ít chờ đợi nhất.

Hồ Xuân Hương đến với một trái tim và một đầu óc trọn vẹn, với tất cả mọi giác quan còn tinh khôi và đặc biệt là với đôi mắt tinh đời. Với đôi mắt tinh đời ấy, chỉ một nhìn, nữ sĩ đã thấy được gan ruột.

Nữ sĩ đã vạch rõ cái chân tướng của cả những kẻ hiền nhân, quân tử, những bậc trượng phu, anh hùng và đã thẳng thắn đặt họ lại những chỗ ngồi mà họ xứng đáng giữa lúc cả bọn đương múa may quay cuồng, tâng bốc đợ bỡ nhau.

Tôi không biết trong kho tàng văn học thế giới, có lời thơ nào hồn nhiên hơn và tiếng cười nào giết người hơn những câu mà nữ sĩ đã cho chiếc quạt mượn để làm câu tâm sự:

            Một lỗ sâu sâu, mấy cũng vừa

            Duyên em dính dáng tự ngàn xưa

            Vành ra ba góc, da còn thiếu

            Khép lại đôi bên, thịt vẫn thừa.

            Mát mặt anh hùng khi tắt gió,

            Che đầu quân tử lúc sa mưa…

Hơn trăm năm qua, tiếng cười ấy cứ vang vọng mãi trong cuộc sống của quần chúng lao động và như được phụ họa với câu ca dao:

Tưởng rằng quân tử nhất ngôn…

Cái cảnh đạo đức tối - linh tối thiêng bất-khả-xâm-phạm bị một người con gái vật ngửa ra, bốn chân giơ lên trời, thật là buồn cười hơn gì hết. Vì thế mà Hồ Xuân Hương ít có trong thơ những lời căm tức hằn học, mà chỉ có những chuỗi cười lớn và dài. Chuỗi cười của Hồ Xuân Hương đã xuyên qua cả thế kỷ 19 và đến thế kỷ 20 của chúng ta như một mũi gươm.

Đó là cái công lớn của nữ sĩ. Và đó là cái tội nghiệp xót xa nhất của đời nữ sĩ. 

Tôi nghĩ rằng: cái bi kịch của Hồ Xuân Hương là đã dám làm một người thông minh và dám sử dụng cái thông minh trong một thời đại mà ngu ngốc là kiểu mẫu làm người phổ biến.

 

III

Những quyển sách của tuổi trẻ đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Đây là bức tranh trình bày một cảnh núi Vésuve phun lửa (núi Vésuve ở Ý hay núi Peléc ở đảo Saint; Pierre, cái đó không quan hệ).

Trước cơn giận của núi, dưới trận mưa đá và bùn nóng sôi và khói lửa mịt mù, tôi nhớ mãi cái hình ảnh những con người và những con vật ôm đầu chạy một cách tuyệt vọng. Đây không còn là những con người hàng ngày ngự trên ngôi báu của thông minh và tài trí, mà là những con chuột nhắt bất lực và tội nghiệp lại mắc kẹt trong cái nhà cháy.

Người ta thường nói rằng những nhà thơ không có hai trong xã hội là những nhà thơ mang ở trong mình một sức mạnh tiềm tàng mà những người trần mắt thịt gọi là sức mạnh của Ma vương. Tôi cũng muốn tin rằng những nhà thơ lớn trong giờ phút cảm hứng khi cầm bút sáng tác là biểu thị sự giải thoát, cái sức mạnh ấy ra ngoài cuộc đời. Tôi nghĩ rằng Hồ Xuân Hương là một nhà thơ chất chứa rất nhiều bạo lực ấy. Sáng tác ấy tức là giải thoát. Cũng như biển cả khi ném sóng vào bờ, nhưng rừng sâu khi gầm thét trong bão táp, như con ngựa Mông Cổ khi băng mình qua thảo nguyên không có mặt trời lặn.

Nếu anh đã một lần trong đời sống được nghe rừng, nghe biển, được thấy ngựa thì hãy đọc thơ Hồ Xuân Hương. Nếu anh chỉ là một người quen nhấp những chén trà nhỏ trong sương sớm để bới những điển cổ xương xẩu trong truyện Kiều như gà què nhặt thóc, thì tốt nhất cứ giữ cho trọn đạo hiếu với vợ, chứ đừng sờ mó tới những vần thơ nảy lửa như:

            Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng

            Một vũng tang thương, nước lộn trời

            Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn

            Nguồn ân trăm trượng, dễ khơi vơi

            Nào nào cực lạc là đâu tá!

            Cực lạc là đây chín rõ mười!

 

Rõ ràng Hồ Xuân Hương là một người đàn bà goá sớm. Mỗi một lần nữ sĩ làm thơ là một sự phản ứng mãnh liệt với ngoại cảnh. Mỗi một bài thơ, mỗi một vần (mà những vần trong thơ Hồ Xuân Hương đều có sức mạnh nguyên tử lực), mỗi một chữ đều là một quả lựu đạn, một quả bộc phá ném vào giữa dòng cuộc đời của “chúng” đương trôi chảy đều đều như người ngủ gật.

Sự thực, Hồ Xuân Hương chỉ là một nhà thơ trữ tình (trữ tình với cái nghĩa chân chính, cơ bản của nó). Những tình cảm trong thơ Hồ Xuân Hương là những tình cảm còn nguyên chất, chưa bị đời sống của xã hội chế biến, hay cắt xén, xuyên tạc đi nữa là khác. Thứ tình cảm ấy, lúc nó mới phát sinh ra trong sự cọ sát của hai xác thịt, lúc loài người còn sống lang thang trong rừng, thì nó còn có cái sức mạnh của mưa nguồn sấm bể. Thứ tình cảm ấy còn bám chặt vào xác thịt và lấy sức sống ngay ở trong đường gân mạch máu. Thử đặt tình cảm ấy và con người ấy vào trong môi trường của thế kỷ 18-19 ở Việt Nam.

Hạng người như Hồ Xuân Hương thì ít ra cũng đã phạm một cái lầm lớn là đã đến quá sớm trong một xã hội lẩm cẩm mà chưa chịu cho mình là già cỗi. Ngược lại ở vào thế kỷ 18-19, giữa nhiều thơ của các ông đồ thi sĩ, thơ bà huyện Thanh Quan là một tứ thơ nền nếp con nhà. Tôi ngậm ngùi nhớ đến bài thơ Qua đèo Ngang của bà, nhớ đến hai câu thơ:

            Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

            Thương nhà mỏi miệng cái da da

 

Không phải tôi ngậm ngùi trước một cảnh chiều mênh mông trời bể, cũng không phải trước cái buồn tha hương của một tấm lòng lữ thứ, mà tôi ngậm ngùi vì thấy số kiếp của một nhà thơ, một nhà thơ vì đành lòng đi theo con đường của lẽ phải phong kiến mà đến nỗi để lầm lạc cả một tài tình. Tôi tưởng tượng, nếu nhà thơ không đầu hàng trước cái uy thế của lý trí thì đâu có chuyện những câu thơ công thức đáng tiếc như trên. Trước cảnh trời cao sông rộng, một tâm hồn, một tài thơ, một ngòi bút như bà Thanh Quan sao lại không làm nên được hai câu nặng nề uất ức như tiếng đàn tỳ bà của người đàn bà nọ trên bến Tầm Dương.

                        Dừng chân đứng lại: trời, non, nước

                        Một mảnh tình riêng ta với ta? 

 

Nhưng còn Hồ Xuân Hương thì sao? Trong điều kiện phát triển của giai cấp đấu tranh ở cuối thế kỷ 18, Hồ Xuân Hương một mình đơn thương độc mã khó lòng mà phá vỡ được khuôn khổ của thơ Đường lúc ấy còn là một thứ thành trì thiêng liêng bất khả xâm phạm vì nó còn được canh giữ bởi những cái bóng khổng lồ của họ Lý, họ Đỗ. Vả chăng, bản chất cách mạng trong tư tưởng Hồ Xuân Hương cũng chưa phát triển đến mức độ có thể cho phép nữ sĩ làm cái việc ấy.

Vậy Hồ Xuân Hương đã chịu bó mình trong khuôn khổ của thơ Đường. Nhưng nữ sĩ đã đem gửi vào đó cả một tấm lòng sôi nổi. Tôi muốn các bạn hãy cùng tôi đọc lại bài Qua đèo Ba giội, một bài thơ của nữ sĩ thường được nhắc nhở tới khi nói đến bài thơ Qua đèo Ngang của bà huyện Thanh Quan.

            Một đèo, một đèo, lại một đèo

            Khen ai khéo léo tạc cảnh cheo leo

            Cửa sườn đỏ loét tùm bum nóc

            Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

            Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,

            Đầm đìa lá liễu hạt sương gieo.

            Hiền nhân quân tử ai là chẳng…

            Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.

 

Có phải là những vần, những chữ, những âm thanh tiết tấu ở trong đó đều mang một sức sống dào dạt làm rung rinh cả cái cốt cách điềm đạm của hai bài thơ. Hãy lắng nghe cho kỹ, người ta có cái cảm giác một cơn lốc bị nhốt vào trong một ngôi nhà lim mà rường cột kiên cố đương run lên những tiếng răng rắc như muốn đổ gẫy.

Những bài thơ nền nếp con nhà, nghiêm trang và mực thước 8 câu 7 chữ có nhập đề, có thừa, có thích thực, có luận, có niêm, có luận, đó là cái lồng son nhốt con chim đại bàng, cái cũi sắt giam con hổ đã từng quen sống tự do ở chốn rừng núi hoang vu.

Cái bi kịch của Hồ Xuân Hương là đi trước tiên phong việc nói lên quyền lợi của trái tim, của thể xác, giữa một thời đại mà lý trí là cái chiêu bài hợp pháp để lấp liếm hết mọi thứ tội lỗi.

Nhưng Hồ Xuân Hương cũng như người đàn bà:

                        Ăn sung, nằm gốc cây sung

                        Lấy anh thì lấy, nằm chung không nằm.

 

IV

Một vĩ nhân, một kỳ tài, người ta không gói vào trong một câu hay một chữ. Vì rằng muốn gói được một con người như thế thì ít nhất phải cắt xén con người đi rất nhiều. Tuy nhiên khi ta tìm hiểu một con người, người ta có thể rút ra nét căn bản, cái ở con người đó nó đã được biểu hiện lúc thiếu thời mà tuổi già không thể làm mờ nhạt, cái nó hạn định chân dung của một con người.

Nếu tôi tìm ở Hồ Xuân Hương, một nét như vậy, thì đó chắc là lòng ham sống và dũng cảm sống.

Trong xã hội phong kiến Á - đông, sống không phải là một chuyện dễ mà cũng không phải là một chuyện không nguy hiểm. Người đàn bà, từ tấm bé, ở trong gia đình, đã được nuôi dạy trong cái ý thức phải sợ sự sống; phải xa lánh sự sống; phải sống ít nhất, nghèo nàn nhất để sống cho phải đạo đàn bà. Người đàn bà mẫu mực phải là kẻ coi sự sống như một “trái cấm” và con người dám sống là kẻ phạm lỗi của nàng Eva ăn quả cấm trong chuyện Tây Phương.

Hồ Xuân Hương xắn quần trèo qua bốn bức tường công dung ngôn hạnh mà lao mình vào sự sống. Tôi đã gặp nữ sĩ trên hầu khắp nẻo đường đất nước, từ thôn quê ra kẻ chợ, ở những chốn danh lam thắng cảnh cũng như những cuộc đô hội phồn hoa; chỗ này xướng hoạ với mấy khách tao nhân, chỗ kia hoà mình với quần chúng trong đám hội hè, một buổi sáng đứng trên đèo ngắm cảnh bát ngát trời cao, một đêm hè ôm ấp nỉ non chiếc quạt như một vật có da có thịt.

Tôi yêu thương những vần thơ run rẩy phập phồng như những trái tim mười tám vì nó chất đầy tất cả những âm thanh, màu sắc của sự sống. Tôi yêu những câu thơ nóng hổi, những chữ căng nhựa tươi: những tính từ và động từ tựa hồ như vừa mới cắt trong đời thực hàng ngày ra:

                        Lắt lẻo cảnh thông, cơn gió thốc,

                        Đầm đìa lá liễu, hạt sương gieo

Thơ của Xuân Hương còn đi xa hơn nữa. Thơ của Xuân Hương còn cho thấy những vật vô tri của gỗ đá cũng say sưa với sự sống (như trong bài vịnh Hòn đá Ông Chồng Bà Chồng). Và ngay trong cảnh chết, nữ sĩ cũng dựng lên hình ảnh của sự sống như một lời phản kháng đối với số kiếp hữu hạn của con người (Như trong bài Khóc ông phủ Vĩnh Tường).

                        Hạt sương dưới chiếu, cau mày khóc,

                        Giọt máu trên tay, mỉm miệng cười

                        Hăm bảy tháng trời là mấy chốc:

                        Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!

 

V

Cuối thế kỷ 18, ở Việt Nam, có người con gái đã xắn quần lội xuống vũng nước, lấy chân gạt những lá cây trên mặt nước để dòm chút trời xanh chiếu vào lòng nước âm u. Và liền đó, người con gái được thiên hạ tặng cho cái tên lẳng lơ đĩ thoã.

Tôi cảm ơn người con gái kỳ dị, kỳ thú và kỳ diệu đã có gan dám làm một người sống ngang nhiên giữa một xã hội chỉ có những bóng ma. Tôi cảm ơn nhà thơ con trời đã mang trả lại sự sống bằng da thịt, bằng máu nóng cho một cuộc đời đã giá lạnh.

Hồ Xuân Hương đến khi đạo Khổng như một thứ thuốc phiện đã rút hết sinh khí trong cơ thể của xã hội phong kiến Việt Nam; khi cả cái xã hội ấy cùng với cái bề ngoài hào hoa của nó cũng chỉ còn là một cái cớ miễn cưỡng dễ cho dạo Khổng kéo dài thêm một số ngày nữa.

Hồ Xuân Hương đến sau khi bọn người đồ đệ của Khổng Tử đã có thời giờ ép buộc sống để lấy hết nước ngọt và mượn mọi thứ luân thường đạo lý biến thành hai hàng rào dây thép gai chăng hai bên đường đời. Sống là cứ nhắm mắt cắm đầu đi trên con đường ấy từ bừng sáng cho đến tối mịt cuộc đời, không một lúc nào đặt chân ra ngoài rìa đường, không được trông không được nói cái gì ngoài những cái mà người đi trước đã trông thấy và đã nói; và do đó, cũng không cần phải cảm, phải nghĩ nữa. Và có khi nào người đi sau những buổi đi mỏi mệt, khi đời đã ngả về chiều, ngồi xuống, trông mây nghe gió và sờ đến lòng mình thì lòng đã héo khô bao giờ rồi.

Đời sống trong xã hội phong kiến, ấy thế cứ trôi đi, từng ngày và từng ngày, nhạt nhẽo và đục lờ, vô tình, vô nghĩa và vô lý như một dòng nước bằng phẳng và nghèo nàn chảy vào đại dương của hư không. Cho đến khi mặt trời tắt hẳn trên đầu họ, những con người gọi là có sống ở trong đó có lẽ cũng chưa từng một lần sống lại cái điên cuồng của nhà thơ họ Lý dưới vừng trăng sáng. Họ là những ông thánh con nghiêm chỉnh quá, mực thước quá, biết điều quá. Và họ có những người vợ cũng nghiêm chỉnh, cũng mực thước, cũng biết điều như chồng. Và của họ được giữ gìn rất ngăn nắp sạch sẽ, không bao giờ để cho làng thơ mang gió bụi vào.

Với Hồ Xuân Hương, cái gian nhà bé nhỏ tối tăm ấy đã chứng kiến một cuộc biến cố lớn lao, vì con người đàn bà bạo dạn ấy đã không kiêng nể gì gia pháp mà đem mở tung mọi cánh cửa để cho tất cả gió trăng, mây nước, tất cả không gian bao la lùa vào trong nhà.

Với Hồ Xuân Hương, trời xanh không cao lắm nữa có thể với lên được, mặt đất rộng không xa lắm nữa mà có thể đo xem để biết vắn dài.

Với Hồ Xuân Hương, mặt trăng thành ra một tấm lòng “năm canh thơ thẩn” đợi chờ; và núi non là một mối tình trọn đời chung thuỷ.

Với Hồ Xuân Hương có cây bút như chiếc đũa của bà tiên, những vật tầm thường hèn mọn nhất đều như có một hồn gắn bó với hồn người; và cuộc sống hằng ngày biểu hiện trong những màu sắc, thanh âm rực rỡ.

Thơ của Hồ Xuân Hương có khi đem ta đến đứng trước sự chết, nhưng chỉ là để cho ta thấy cái ngày mai của sự sống; thơ của Hồ Xuân Hương đem chúng ta đi hết đây đó, nhưng không làm cho ta cảm thấy cái  hữu hạn của con người trong cái vô cùng của thiên nhiên.

Đã hơn nghìn năm đằng đẵng, dưới một vòm trời chật hẹp, trên một mặt đất khô cằn, con người bị ma chiết trong bàn tay sắt của chế độ phong kiến, tuồng như mất hết khí phách mà không còn dám mơ ước xây dựng ngôi nhà hạnh phúc của mình trên bờ sông thời gian. Giờ đây, từ trong cõi mơ của Hồ Xuân Hương ra, con người tự cảm thấy lớn hơn cái thân phận của mình, mạnh hơn cả số mệnh.

 

VI

Câu chuyện truyền kỳ bên Ấn Độ còn ghi lại rằng:

Thuở xưa, có người trông thấy một con chim bồ câu bị thương nằm trên cỏ. Quả tim của con chim đậm máu còn thoi thóp. Trái tim của con người, bởi sự giao cảm trong đau xót, cùng nhịp điệu với quả tim của con chim và ngân lên những tiếng khác thường.

Đó là những vấn đề đầu tiên của nhân loại. Hồ Xuân Hương nói: Đó chỉ là câu chuyện bịa đặt của mấy anh đồ gàn. Mà sự thật không phải như thế.

Thuở xưa, đời còn chưa mặc áo, con người còn đi lang thang chốn rừng sâu núi thẳm để kiếm ăn. Một hôm, có người con trai ngồi ăn mấy quả sung chín dưới gốc cây sung, tình cờ bắt gặp một người con gái từ sau một gốc cây khác đi ra, trẻ đẹp trong sự trần truồng và đầy sức sống đang sôi nổi dưới hai bầu vú. Hai người đã yêu nhau một cách không mặc cả và không nghi thức. Giữa khoảng trời cao đất rộng, trong cái say sưa của hai xác thịt, hai trái tim đã đồng nhịp rung cảm và ngân lên những tiếng não nùng. Đó là thơ, Hồ Xuân Hương nói.

Còn ngoại giả chỉ là thứ văn chương phù phiếm, bã mía cả. Hồ Xuân Hương còn nói thêm: Thơ chỉ có như thế. Nhưng nó vẫn đẹp hơn cái mặt tô son vẽ phấn của cả bè lũ quân tử và anh hùng trên sân khấu của xã hội phong kiến mà cái mục nát không dấu nổi dưới bộ bề ngoài sơn son thếp vàng.

Và nó là tất cả sự sống của con người. Nhưng thuở ấy có một bọn ngu ngốc đã cả gan khoác chiếc áo lễ vào cho thơ, điểm cho thơ một bộ râu mày chễm chệ. Họ đã xuyên tạc thơ đi khiến cho thơ không còn là thơ nữa.

Và Hồ Xuân Hương đã ngang nhiên đem thơ của mình đặt dưới mũi làng thơ:

                        Thân em như quả mít trên cây

                        Da nó sù sì, múi nó dày

                        Quân tử có thương thì đóng cọc,

                        Xin đừng mân mó nhựa ra tay.

Tôi tưởng tượng cả làng thơ đạo mạo của chúng ta đang dậy nẩy lên, mà bừng mắt, bịt mũi, xua tay.

Nhưng mà thôi, từ nghìn xưa có ai mất công ném đá lên cây dừa không cho da nó ở ngoài có sù xì.

Trái lại, có những bài thơ đẹp như những quả cam rừng óng ánh màu vàng mà ở trong không có nước ngọt.

 

                                                                *

                                                            *     *

Vậy thì trước khi có xã hội, lễ giáo và hôn nhân, trước khi có ái tình, thì có sự giao cấu trần truồng và không nghi thức, không nguỵ trang: như tất cả mọi sự thực trong đời sống của con người nguyên thuỷ.

Sự tiếp xúc của hai con người, một người là đàn ông, một người là đàn bà, trên lĩnh vực của thể xác, hoàn toàn của thể xác đó không phải là nghề cũng không phải là nghiệp của người ta. Đó là quy luật căn bản của sự sinh tồn, đầu múi của sợi dây chuyền cuộc đời, bởi vì nó có thì mới triết lý của ông Phật, đạo đức của ông Socrate và ông Khổng, những phát minh và phát kiến của khoa học, những công trình sáng tác của các nhà văn nghệ sĩ thiên tài, bức tranh mỹ nữ của Raphael, bản nhạc Symphonie của Bêthoven, pho tượng thần Vệ nữ và quyển Đoạn trường tân thanh.

Vậy thì, trước tất cả mọi đại sự, có “sự” đó. Và sự đó chỉ là một hoạt động căn bản của đời sống. Nghĩa là tất cả những cái gì sinh sống trên trái đất đều không thể không cần thứ hoạt động ấy: cây cỏ, chim muông và cho đến cả những vĩ nhân trong xã hội. Và cả đến những nàng tiên, về phương diện này, cũng giống như người trần.

Những con người sống lẫn lộn với thiên nhiên trong tình cảm, ý nghĩ và việc làm, những tâm hồn trắng trẻo, lành mạnh không quan niệm ái tình ngoài mối quan hệ giữa hai xác thịt; họ không biết thứ ái tình đã cải trang, tô son điểm phân và đã được nâng lên mức độ của một sự hoà hợp giữa hai tâm hồn. Họ không thể tưởng tượng được thứ ái tình lãng mạn của Werther; hay thứ ái tình mũ cao áo dài của Thuý Kiều và Kim Trọng.

Thơ Hồ Xuân Hương bác bỏ cả một quá trình tiến hoá của nhân loại dai dẳng hàng mấy chục thế kỷ trong khi đó, giai cấp thống trị mà hoạt động chính là ăn không ngồi rồi, là chiếm đoạt và bóc lột đã biến thứ quan hệ nam nữ bình thường kia thành một thứ gì vừa thần bí lại vừa xấu xa.

Thơ Hồ Xuân Hương đặt người thơ và cả người đọc nữa nếu người đọc thông cảm vào tình trạng những rung cảm nguyên thuỷ của buổi gặp gỡ thứ nhất ở chốn rừng sâu.

Hình ảnh của con người đàn bà trong thơ Hồ Xuân Hương là hình ảnh của con người đàn bà trong thời kỳ thơ ấu của nhân loại, hình ảnh của một người đàn bà mà sắc đẹp của xác thịt chưa bị thần - bí - hoá dưới bộ quần áo và tâm hồn chưa bị cải trang sau cái mặt đầy đạo đức khô khan. Và ta càng thấy xa cái hình ảnh của con người đàn bà phong kiến đã bị ướp da hàng nghìn năm trong lễ giáo, mà điển hình nhất có lẽ là bà huyện Thanh Quan.

Tôi đến quá chậm trong cuộc đời tàn của xã hội phong kiến Việt Nam. Nên tôi vẫn mơ ước một cuộc nói chuyện giữa bà huyện Thanh Quan và Hồ Xuân Hương. Hay giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Quang Trung. Hay giữa Hồ Xuân Hương và thầy trò họ Khổng.

 

VII

Bài thơ 4 câu rất quen biết của Hồ Xuân Hương:

                        Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

                        Này của Xuân Hương đã quẹt rồi

                        Có phải duyên nhau thì thắm lại,

                        Đừng xanh như lá, bạc như vôi

Rõ ràng là hai câu đầu, tuy hơi bướng bỉnh, nhưng cũng vẫn là hai câu thơ thường, chỉ mới nói lên được cái tài láu lỉnh, cái khéo xếp đặt giáo đầu của một tay thợ.

Nhưng giữa lúc bài thơ đương rà cánh trên địa hạt văn xuôi thì tình thế bỗng dưng thay đổi. Hai câu sau đem lùa cả một luồng gió lãng mạn vào cái mảnh đất hiện thực đó, làm cho tưởng tượng và cảm xúc của người đọc vừa được mở rộng vừa được nâng cao lên. Cau trầu mà thành ra câu chuyện duyên số, gỗ đá mà biến thành tình cảm dạt dào. Bài thơ được nhà thơ cắt đứt cái dây cột vào mặt đất, vỗ cánh bay lên trời cao, chẳng khác gì con chiền chiện từ luống cày vút lên mây xanh, càng bay càng toả tiếng ca trong trẻo ra bốn phương trời.

Tài tình là như vậy

Thơ là như vậy

Một nghệ sĩ sân khấu trứ danh của nước Ý về đầu thế kỷ này, đã từng nói: Thiên tài khác với tài ở chỗ, trong một buổi biểu diễn, có một lúc nào đó, khoảng chừng 10, 15 phút, nhà nghệ sĩ thiên tài vượt hẳn trên mức độ diễn xuất của nhà nghệ sĩ có tài, đồng thời cũng nâng tâm trí người xem lên trên mức độ cảm xúc bình thường và cả hai bên đều cảm được vẻ đẹp xuất phàm của nghệ thuật.

 

VIII

Tại Viện bảo tàng Dresden (Cộng hoà dân chủ Đức) có một bức tranh của nhà hoạ sĩ Ý Giorgione (thế kỷ 16) nhan đề Thần Vệ nữ ngủ.

Bức tranh trình bày một người đàn bà đẹp khoả thân, ban ngày nằm ngủ giữa khoảng trời cao đất rộng. Người đàn bà nằm ngửa, một tay gối đầu, một tay để lên bụng, hai chân duỗi thẳng, với một tư thế thoải mái, bình thản, không chút gì dấu diếm. Thật là một giấc ngủ cởi mở, êm đềm. Giấc ngủ của một người đẹp, đầy thơ, đầy mộng.

Ngắm thân hình người đàn bà, người ta chỉ có cảm giác mát lạnh của đẹp thấm vào người như cốc nước đá uống trong lúc nóng nực, mà không chút cảm thấy một ý nghĩa nhỏ về sắc dụ. Tự nhiên, người ta cũng chung một tâm trạng với những cảnh vật ở trong tranh, với đám mây kia đang lơ lửng trên trời, hình như không dứt ra mà đi được, với những cây cỏ chung quanh đang đứng im như sự lay động giấc ngủ, với làn gió nhẹ chỉ đủ lướt trên da thịt như những cái hôn đầu; và với cả thời gian cũng như đang dừng lại để chiêm ngưỡng trang “tuyệt thế giai nhân”.

Tôi liên tưởng đến bài thơ của Hồ Xuân Hương tả người thiếu nữ ngủ ngày:

                        … Lược trúc biếng cài trên mái tóc

                        Yếm đào trễ xuống dưới lưng ong

                        Đôi gò Bồng- đảo sương còn đậm

                        Một lạch Đào-nguyên, nước chửa thông

Có phải ở đây cũng như ở trong bức họa, vẫn là cái đẹp hơ hớ, hồn nhiên, cái đẹp của chiếc lược biếng cài để cho mái tóc óng ả chảy thành suối tơ xuống cổ vai, của tấm thiếu nữ đầy căng sức sống đang lên men; cả một sắc đẹp.

                        … trong ngọc trắng ngà,

                        Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.

Với những nét bút mạnh dạn, Hồ Xuân Hương đã dắt người ta đi xa địa hạt của sự sống bưng bít và che đậy, cắt xén và tô vẽ, sự sống giả tạo mất hết tính người.

Một bên là cái đẹp mà hàng nghìn năm đạo đức và chữ nghĩa đã biến thành dối trá; một bên là cái đẹp nguyên chất và thực chất, biểu hiện của một sức sống gắn với thiên nhiên.

Phải là một hồn thơ lành mạnh và tài tình rất mực mới vẽ lên được cái đẹp nguyên thuỷ đó. Và cũng phải là những tâm hồn vững vàng có bản lĩnh mới thông cảm được với cái đẹp đó.

Tôi muốn nói: cách nhau hàng nghìn vạn dặm và hàng đôi thế kỷ, một người con gái đất Việt và một người con trai nước Ý đã gặp nhau trên miếng đất kỳ diệu của Đẹp và Thơ, như một đôi tâm  hồn em và tâm hồn chị.

 

IX

Lạy Thượng đế! tôi cúi xin trả lại cho Người tất cả Họa, Phúc mà Người đã dành cho tôi. Trả lại cho Người cả Thiên đường và Địa ngục. Trả lại cho Người những chiếc chân gỗ và những cặp mắt giả: đạo từ bi của ông Thích Ca, đức nhân của ông Khổng, lòng bác ái của Giê-xu và phương thuốc trường sinh vô vi của ông Lão.

Xin Thượng đế hãy cho phép tôi làm một người trần tầm thường, hèn mọn tự hai tay tôi xây nên cuộc sống của tôi.

Hãy để tôi sống kiếp con người với những niềm vui buồn của con người.

Tôi yêu những vần thơ khinh bạc đến như liều lĩnh:

                        Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng

                        Nín đi kẻo thẹn với non sông.

                        Ai về nhắn nhủ đàn em bé:

                        Xấu máu thì khem miếng đỉnh chung.

Những vần thơ thắm thiết và thèm khát:

                        Chém cha cái kiếp  lấy chồng chung!

                        Năm thì ba hoạ: nên chăng chớ!

                        Một tháng đôi lần: có cũng không!

Những vần thơ chán chường mà rơm rớm nước mắt:

                        Năm canh văng vẳng trống canh dồn,

                        Trơ cái hồng nhan với nước non!

Những vần thơ kỳ diệu, ảo thuật như những chiếc đũa thần đập vào gỗ đá làm chảy ra nguồn suối sống thâm trầm và bất diệt nhờ đó mà từ nghìn vạn năm nay trái đất vẫn là quê hương của cái giống người  hữu tình.

                        Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm,

                        Nứt ra một lỗ  hỏm-hòm-hom!

                        Người quen cõi  Phật chen chân xọc?

                        Kẻ lạ bầu Tiên mỏi mắt dòm.

                        Giọt nước hữu tình rơi thánh thót,

                        Con đường vô trạo cúi lom khom.

                        Lâm tuyền quyên cả phồn hoa lại,

                        Rõ cái trời già khéo dở dom!

 

X

Ông thầy dạy Việt văn của tôi hồi trước có ba vợ đoàn tụ trong một nhà, ngoài ra, mỗi tối thứ bảy lại đi tom chát, và nghe đâu còn vướng vít với mấy ả dưới xóm nữa; ông thầy dạy Việt văn của tôi thường nói với chúng tôi là bọn đệ tử rằng: người Việt Nam mà không biết chuyện Kiều thì hẳn chỉ là người vô học. Nhưng ông thầy dạy Việt văn của tôi lại ghét cay ghét đắng Hồ Xuân Hương, nên mỗi khi dạy đến thì không tiếc lời mạt sát “cái thứ người đĩ thoã làm thơ đĩ thoã”.

Hồi ấy, óc phê phán của tôi còn non nớt, tôi chưa thấy đó là một sự đánh giá quá hơn là hồ đồ, vì nó biểu hiện sự  hẹp hòi của một đầu óc và sự phản ứng của một giai cấp.

Tôi từ biệt ghế nhà trường và ông thầy Việt văn của tôi đã hơn 30 năm nay. Trước khi bước chân vào cái thế giới sáng sủa của cách mạng, tôi đã từng một phần lớn đời người để lội qua cái xã hội thực dân phong kiến. Tôi đã viết qua trái tim và trí óc những điều mà lúc còn học sinh tôi chỉ thấy một cách thấp thoáng trong thơ Hồ Xuân Hương. Rồi từ đó đến nay, càng đi sâu vào cuộc đời, tôi càng cảm thấy gần nữ sĩ; càng hiểu rõ con người và tài thơ hơn. Và tôi càng thấy sự nhận định kia là một sự lố bịch giữa những sự lố bịch.

Đã lâu lắm rồi, tôi muốn có một dịp để thanh toán món nợ đó của thầy trò chúng tôi đối với nữ sĩ.

Hỡi nữ sĩ Hồ Xuân Hương! nhà thơ tuyệt vời và người đàn bà có một, tôi biết nữ sĩ không phải là người của nhà trời cũng không phải là của địa ngục; nữ sĩ chỉ là con người có xương có thịt của trần gian, đứa con chính thống của dòng máu phong kiến từ trong ruột cột của xã hội ấy ra đời, không phải như một đứa con ước ao chờ đợi mà như một oan gia nghiệp chướng. Tôi nghĩ đến nữ sĩ mà tôi lại liên tưởng đến xã hội miền Nam đã chồng chất rất nhiều tội lỗi nên phải có nữ sĩ đến làm một thứ hình phạt; bởi vì cái xã hội ấy đã đầy đoạ con người đàn bà đến cùng cực nên phải có nữ sĩ để cất  lên tiếng nói của sức sống lành mạnh, của tâm hồn cách mạng.

                                                       (Tạp chí Văn nghệ số 65; 10-1962)


 

 

 

 

 

 


*. Xem câu thơ của thi sĩ Beaudelaire “Je hais le mouvement qui déplace les lignes”

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521174

Hôm nay

2251

Hôm qua

2291

Tuần này

22215

Tháng này

219113

Tháng qua

121009

Tất cả

114521174