Khách mời văn hóa

Tương Dương sẽ phấn đấu trở thành huyện khá nhất của miền Tây Nghệ An

 
Nhiệm kỳ qua, vượt qua những khó khăn thách thức, Đảng bộ huyện Tương Dương đã lãnh đạo nhân dân huyện nhà phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa xã hội đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện Tương Dương khóa XXV, nhiệm kỳ 2010-2015, Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Lương Thanh Hải - Bí thư Huyện ủy. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung chính của cuộc trao đổi này.

 
Là huyện miền núi vùng cao của tỉnh nhưng Tương Dương rất giàu tiềm năng phát triển kinh tế. Ông có thể cho bạn đọc Văn hóa Nghệ An biết rõ hơn về điều này?
 
Đúng vậy! Ở Tương Dương, rừng núi, đất đai, sông suối... đều là nguồn tài nguyên có giá trị lớn, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Rừng Tương Dương rất đa dạng phong phú. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý như: Pơ mu, sa mu, lát hoa, đinh hương, lim, gụ, táu, sến, kền kền, chò chỉ, dổi, vàng tâm, săng lẻ… Ngoài ra còn có những loại cây đặc sản như: cánh kiến đỏ, thông nhựa, các loại dược liệu quý như quế, sa nhân, đẳng sâm… Về động vật có nhiều loài thú quý như: hổ, gấu, bò tót, voi, voọc xám… Đặc biệt, huyện có 30.000 ha là vùng lõi của rừng đặc dụng Pù Mát - nơi có nhiều động, thực vật quý hiếm, trong có những địa danh nổi tiếng như: Rừng Săng lẻ ở Tam Đình; rừng cây Sa mu cổ thụ ở Tam Hợp, Tam Đình; rừng cây lùn ở Tam Quang…
Trong lòng đất Tương Dương có nhiều khoáng sản quý: mỏ vàng (Hội Nguyên), mỏ than (Khe Bố), nguồn đá các loại rất dồi dào, đặc biệt là đá vôi, đá granit có trữ lượng rất lớn.
Hệ thống sông Lam nơi đầu nguồn với nhiều phụ lưu như một bàn tay xòe ra bám chặt lấy mảnh đất Tương Dương, như Nậm Mộ, Nậm Nơn, Huồi Nguyên, Huồi Chà lạp… cùng nhiều khe suối, vừa là đường giao thông quan trọng, vừa là nguồn phù sa màu mỡ tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa giữa các vùng trong huyện.
Hệ thống sông suối của huyện Tương Dương còn có tiềm năng thủy điện rất lớn. Ngoài 2 công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ như thủy điện bản Vẽ, thủy điện khe Bố còn có các công trình thủy điện gắn với thủy lợi đang được xúc tiến đầu tư xây dựng. Từ nay trở đi Tương Dương có hai lòng hồ thủy điện lớn là Bản Vẽ và Khe Bố thuận lợi cho phát triển thủy sản và du lịch lòng hồ.
 
Ông đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn của huyện nhà khi bước vào thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ huyện khoá XXIV?
 
Theo tôi, những tài nguyên về đất, rừng, sông suối, khoáng sản... mà tôi đã nói ở trên đều là những thuận lợi cơ bản đối với tiến trình phát triển của huyện nhà. Còn trong giai đoạn cụ thể, đó là khi bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIV, Tương Dương còn có nhiều lợi thế khác, đó là tình hình kinh tế của tỉnh và huyện giai đoạn này tiếp tục ổn định và phát triển; An ninh chính trị và trật tư an toàn xã hội được giữ vững. Các chủ trương chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi dân tộc đang phát huy tốt hiệu quả. Cơ sở hạ tầng như như điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, các điểm truyền thanh truyền hình cụm bản, cụm xã, bưu điện, thông tin liên lạc… đã được đầu tư nhiều hơn. An sinh xã hội được quan tâm. Trong phát triển kinh tế đã có những chuyển biến rõ rệt về định hướng phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao như: ngô, bí xanh, khoai sọ… Trong chăn nuôi đã tăng cả tổng đàn và chuyển dần từ chăn thả sang chăn dắt. Đó là những thuận lợi cơ bản để phát triển kinh tế xã hội của huyện. Nhân dân Tương Dương đã được hưởng thụ các chính sách của Chính phủ, tỉnh và huyện; đã có những chuyển biến về nhận thức phát triển kinh tế có tính hàng hoá, nhiều nơi đã có những mô hình vườn, trang trại có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm. Còn yếu tố thuận lợi không thể không nhắc đến, đó là nội bộ cấp ủy, chính quyền các cấp đoàn kết, lòng dân đồng thuận.
Tiềm năng, thuận lợi là thế nhưng khó khăn của Tương Dương cũng còn nhiều lắm. Diện tích của huyện rộng nhưng phần lớn là đồi núi, địa hình chia cắt lớn nên giao thông giữa các bản, làng, các xã còn khó khăn, huyện còn hơn 20 bản, làng mà muốn đến nơi phải đi bộ, có nơi phải đi bộ một vài ngày mới tới. Tỷ hộ đói nghèo còn cao (79,9% vào năm 2005). Tập quán sản xuất nhiều nơi còn lạc hậu như: thả rông trâu, bò, lợn…; sản xuất độc canh cây lúa rãy, tích lũy hàng năm thấp. Ý thức của người dân phấn đấu vượt lên thoát khỏi đói nghèo chưa đủ mạnh. Tâm lý trông chờ ỷ lại, sớm thỏa mãn với cuộc sống còn nặng nề. Đó là những khó khăn lâu dài, còn cái khó khăn nhất trong nhiệm kỳ qua là Đảng bộ huyện phải dành nhiều thời gian, công sức tổ chức di dân gần 3.000 hộ, trên 14.000 nhân khẩu ra khỏi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
 
Đảng bộ huyện Tương Dương đã làm gì để khai thác những tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn phục vụ cho sự phát triển KT - XH huyện nhà?
 
Trên cơ sở đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế, thuận lợi, khó khăn của địa phương, trong chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa xã hội, chúng tôi đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả. Ngoài 03 nghị quyết chuyên đề về: "Ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XXIV, nhiệm kỳ (2005-2010)", về "Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2006- 2010", về "Nâng cao chất lượng dạy và học, chống học sinh bỏ học trong giai đoạn hiện nay", để chỉ đạo thực hiện thành công NQ Đại hội khoá XXIV, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành nhiều chương trình, đề án phát triển KT - XH, như Chương trình phát triển Nông nghiệp và nông thôn; Chương trình phát triển CSHT; Chương trình xây dựng thị trấn Hoà Bình, qui hoạch, mở rộng và xây dựng CSHT thị trấn Hoà Bình; Chương trình phát triển giáo dục và tạo nguồn nhân lực; Đề án trồng 2.500 ha rừng tập trung và 7.000 ha rừng nguyên liệu; Đề án Phát triển chăn nuôi trâu, bò và nuôi trồng thuỷ sản hàng hoá, Đề án Phát triển CN-TTCN, dịch vụ và du lịch; Đề án Phát triển mạng lưới GTNT; Đề án Nước sạch nông thôn; Đề án Phát triển thuỷ lợi vừa và nhỏ, xây dựng chợ nông thôn; Đề án Bảo vệ môi trường và xử lý rác thải thị trấn; Đề án Xây dựng mô hình thực hiện Nghị quyết 19-NQTU tại xã Thạch Giám; Đề án Kiên cố hoá trường học và xây dựng trường chuẩn quốc gia; Đề án Đào tạo nghề; Đề án Xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, Qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; Đề án Bố trí, sắp xếp lại dân cư, Đề án Cai nghiện ma tuý, quản lý và giải quyết việc làm sau cai; Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và xây dựng thiết chế VHTT-TT đồng bộ. Trong nhiệm kỳ, Ban thường vụ Huyện uỷ cũng đã ban hành 34 chỉ thịđể chỉ đạo, lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ sở thực hiện các đề án, chương trình đã đề ra.
 
Ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật về phát triển KT - XH trong nhiệm kỳ qua ?
 
Có thể khẳng định rằng, giai đoạn 2005 - 2010, KT-XH huyện Tương Dương tiếp tục phát triển nhanh, nhiều mục tiêu Đại hội của Đảng bộ khóa XXIV đạt và vượt, là một trong những huyện có tốc độ tăng trưởng cao nhất tỉnh Nghệ An: Tổng giá trị sản xuất tăng gấp 1,86 lần, thu ngân sách trên địa bàn tăng gấp 3,3 lần; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 40% (MTĐH 31%), Công nghiệp - Xây dựng chiếm 21,5% (MTĐH 33%), Thương mại - Dịch vụ chiếm 38,5% (MTĐH 36%); Thu hút đầu tư trên 700 tỷ đồng cao hơn các nhiệm kỳ trước; hệ thống hạ tầng cơ sở được nâng cấp và xây dựng mới, dần dần đáp ứng nhu cầu của nhân dân; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, tình hình chính trị ổn định, Quốc phòng- An ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các vấn đề xã hội được quan tâm chăm lo đúng mức, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển giai đoạn 2010 - 2015 và những năm tiếp theo.
Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được củng cố. Đảng bộ Tương Dương 4 năm (2006 - 2009) đạt danh hiệu Đảng bộ Vững mạnh, UBND huyện được UBND tỉnh xếp loại Xuất sắc 3 năm liên tục. Cán bộ và nhân dân huyện Tương Dương đã được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tặng Bằng khen, cờ thi đua xuất sắc và đang được đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2.
 
Vậy, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong nhiệm kỳ tới là gì?
 
Bên cạnh những kết quả nêu trên, chúng tôi cũng thẳng thắn nhận ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, đó là KT-XH tuy phát triển nhanh nhưng chưa xứng với tiềm năng và đầu tư của TƯ, của tỉnh; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; thu ngân sách trên địa bàn vượt chỉ tiêu đại hội nhưng thiếu ổn định và bền vững; công tác quản lý thị trường, đô thị, tài nguyên khoáng sản... còn nhiều tồn tại; Một số chỉ tiêu KT-XH như bảo tồn giống xoài địa phương, sản lượng bí xanh, bí đỏ, diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản; quy hoạch phát triển du lịch; xây dựng và phát triển làng nghề, trường chuẩn quốc gia, xã chuẩn quốc gia về y tế, chuẩn quốc gia về thiết chế VHTT-TT... chưa đạt mục tiêu đại hội đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (53,5%).
 
Mục tiêu và những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, ANQP của huyện trong nhiệm kỳ 2010-2015? Theo ông, giải pháp nào là quan trọng nhất ? Vì sao ?
 
Vấn đề này sẽ được Đại hội bàn và quyết định. Theo dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội khóa XXV thì mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ này là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, năng lực quản lý điều hành của chính quyền, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30a của Chính phủ và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để giảm nghèo nhanh và bền vững. Phấn đấu giữ vững danh hiệu Đảng bộ vững mạnh, xây dựng Tương Dương thành huyện khá nhất trong các huyện miền Tây Nghệ An. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương và trên cơ sở kết quả đạt được của nhiệm kỳ trước, chúng tôi đã đề ra một số chỉ tiêu của nhiệm kỳ này là: Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11-12%; thu nhập bình quân đầu người 19 - 20 triệu đồng/năm; 23 trường học (40%) đạt chuẩn quốc gia; 18/18 xã có đường ô tô vào trung tâm xã; 12 xã trở lên đạt chuẩn quốc gia về y tế; 2 - 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 80 - 90% số xã có bác sỹ; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt từ 50 - 55%, làng, bản văn hóa; 50%; 8-10 xã có thiết chế VHTT - TT đạt chuẩn quốc gia; Tỷ lệ hộ nghèo dưới 25%.
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu trên đây, huyện sẽ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp: Nâng cao nhận thức, xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, trì trệ, sớm tự thỏa mãn, phát huy truyền thống quê hương, tạo động lực cho quá trình phát triển; Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KT-XH phù hợp với định hướng của TƯ, của tỉnh; Huy động cao nhất các nguồn lực cho phát triển; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quản lý nhà nước và phục vụ dân sinh; Đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực văn hóa - xã hội; Tăng cường tiềm lực Quốc phòng, An ninh; Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, đồng bộ; Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền các cấp, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức đoàn thể nhân dân.
Trong các giải pháp trên, tôi nghĩ giải pháp đầu tiên là quan trọng nhất, bởi tư tưởng bảo thủ trì trệ, tự thỏa mãn, trông chờ ỷ lại và sự nhận thức chưa đầy đủ về kinh tế thị trường của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân đang là lực cản lớn trong quá trình phát triển đi lên của huyện. Xóa bỏ được tư tưởng đó, cùng với việc nâng cao nhận thức về sản xuất hành hóa, phát huy truyền thống cách mạng, hiếu học, cần cù của người Tương Dương sẽ cổ vũ lớn cho tư tưởng vượt khó làm giàu, bứt phá đi lên, là cơ sở vững chắc cho sự đoàn kết thống nhất trong đảng và ngoài xã hội, đồng thời tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, thu hút đầu tư bên ngoài vào địa bàn.
 
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, mũi nhọn trong phát triển kinh tế cần tập trung chỉ đạo là gì? Cơ chế, chính sách của huyện nhằm khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hoá ?
 
Với lợi thế diện tích đất lâm nghiệp còn nhiều, chúng tôi chọn trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng là mũi chủ đạo. Phấn đấu trong nhiệm kỳ, mỗi gia đình được giao đất, giao rừng phải trồng được ít nhất 5 ha rừng. Tập trung chỉ đạo chăn nuôi gia súc, nhưng không được thả rông, mà phải có chuồng, trồng cỏ, làm tốt công tác thú y, nâng cao chất lượng của đàn gia súc.
Huyện sẽ có cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp. Xác định những cây trồng, vật nuôi bản địa phù hợp có giá trị kinh tế cao như: ngô, bí xanh, khoai sọ, xoài, gà đen, lợn đen, lợn rừng, con nhím... để xây dựng các mô hình kinh tế, ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất và chăn nuôi để tăng năng suất, sản lượng. Sau khi mô hình thành công sẽ nhân rộng, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của NQ 30a, chương trình 135... đều có các nội dung hoạt động này. Để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, cùng với chính sách của tỉnh, huyện sẽ  tham gia các hội chợ quảng cáo sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm của địa phương sản xuất đều đáp ứng được thị trường và khẳng định được thương hiệu của mình.
 
Theo ông, những công trình trọng điểm nào sẽ được xây dựng?
 
Vẫn là những công trình điện, đường, trường, trạm ... thôi. Đó là: Đường ô tô và đường điện cao thế vào trung tâm của 03 xã Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn; đường ô tô đến các cụm bản của xã Lượng Minh, Nga My; Các công trình thuỷ lợi ở Mai Sơn, Nhôn Mai, Xiêng My; nâng cấp CSCV cho các trường học, trạm xá để đạt chuẩn Quốc gia. Xây dựng mới Sân vận động của huyện, Bệnh viện đa khoa giai đoạn 2; bờ kè chống sạt lở sông Lam đoạn đi qua thị trấn Hoà Bình; hạ tầng khu công nghiệp nhỏ ở Thạch Giám. Tương Dương đang cần lắm sự đầu tư để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh.
 
Là huyện đa thành phần dân tộc, trong xây dựng đời sống văn hoá, Tương Dương đã làm gì để vừa phát triển vừa bảo tồn được bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc trên địa bàn ?
 
Tương Dương có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Thái, Thổ, Khơ mú, Ơ đu, Mông. Vì vậy, trong xây dựng đời sống văn hóa, chúng tôi luôn kiên định mục tiêu vừa phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Huyện ủy Tương Dương đã có Chương trình số 09/CTr HU về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời chỉ đạo 46 đảng bộ, chi bộ trực thuộc xây dựng chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở, đơn vị mình; chỉ đạo Ngành VHTT - TT huyện xây dựng Đề án phát triển đời sống văn hóa huyện Tương Dương giai đoạn 2002-2010, tiến hành khảo sát, bảo lưu vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ, lễ hội của đồng bào các dân tộc huyện nhà.
Quan điểm của chúng tôi là những giá trị tiến bộ thì bảo tồn, tạo mọi điều kiện để duy trì và phát triển như: Kiến trúc nhà ở, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát đồ gia dụng, rèn của các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú. Những giá trị văn hóa cũ nhưng có thể chắt lọc được để phục vụ cho sự phát triển văn hóa như tục thờ cúng tổ tiên, tính cố kết cộng đồng thì giữ lại; những yếu tố văn hóa tuy cũ nhưng không cản trở tới sự phát triển thì không vận động xóa bỏ như một số luật tục, quy ước sinh hoạt cộng đồng… Những tập quán cũ, lạc hậu cản trở cho sự phát triển thì vận động xóa bỏ, như: nghiện hút, tập quán trồng cây thuốc phiện, khài cúng gây tốn kém. Trên quan điểm đó, thời gian qua, các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đã được khôi phục: lễ mừng nhà mới của người Khơ mú, lễ hội xăng khan, ăn cơm mới của người Thái, lễ Đa zồng, sâu su, thi su, chọi bò của người Mông ... Chúng tôi cũng đã mở các lớp làm và thổi khèn bè; dạy học chữ và tiếng Thái Lai Pao, học tiếng Ơ đu; khôi phục nghề dệt thổ cẩm, đan lát đồ gia dụng, biên tập các chương trình phát thanh tiếng Thái, Mông phát trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở, xây dựng nhà văn hóa xã, bản theo kiểu kiến trúc nhà cổ của của các dân tộc cư trú trên địa bàn. Đặc biệt, chúng tôi đã tổ chức tốt Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Tương Dương (2 năm một lần), rồi hội thi văn nghệ, liên hoan GĐVH, làng, bản văn hóa, thi nghề truyền thống giữa các nghệ nhân, mở trại sáng tác thơ ca DTTS... Thông qua đó, vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ như: lăm, khắp, nhuôn, xuối, khắc luống, cồng chiêng… của DT Thái, Tơm, tex… của DT Khơ mú, Cự xia, lù tẩu, Sua Lồng, sua trà… của DT Mông, đu đu điềng điềng, tập tình tập tang, khai khai rế của DT Tày poọng; Trang phục các dân tộc, các môn thể thao dân tộc như: ném còn, đẩy gậy, bứn nỏ, đua thuyền, chận bò, tò lẻ… được phát huy góp phần vào công tác bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc.
 
Xin ông cho biết tiềm năng du lịch và những định hướng trong phát triển du lịch của huyện nhà?
 
Về tiềm năng của Tương Dương, tôi đã nói ở trên rồi, cũng có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch, nhưng làm thế nào để khai thác cho có hiệu quả thôi. Tôi nghĩ, với 02 lòng hồ thuỷ điện Khe Bố và Bản Vẽ, với rừng nguyên sinh Pù Mát, Pù Huống và các thắng cảnh như: Rừng Săng Lẻ, các hang động, đền Cửa Rào... chúng tôi có thể tạo ra các tuyến du lịch trong huyện cũng như các điểm du lịch trong tuyến của tỉnh. Hiện nay, huyện đang khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn; bảo tồn các di tích, bảo vệ các thắng cảnh, xây dựng một số làng tiểu thủ công nghệp có nghề như: Dệt thổ cẩm, các sản phẩm từ đan lát, các nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt bảo vệ môi trường... để trở thành làng văn hoá du lịch (bản Phòng, bản Chắn, bản Lau - xã Thạch Giám; bản Lả - xã Lượng Minh và các bản ở vùng lòng hồ...)
Trong tương lai, khi loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa ngày càng trở nên hấp dẫn, tương Dương sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước với các địa danh như: Vườn Quốc gia Pù mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (với rừng cây lùn), rừng săng lẻ Tam Đình, rừng lạnh nguyên sinh ở Tam Hợp, cùng với hệ thống hang động thiên nhiên như Thằm Nặm, Thằm Kèo ở Hữu Khuông, Thằm Cùng ở Tam Đình… hồ thủy điện bản Vẽ, Khe Bố và những bản làng người Thái, Mông, Khơ mú, Ơđu, Tày Poọng sẽ tạo lợi thế cho ngành du lịch Tương Dương phát triển mạnh.
 
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! Xin chúc Đại hội Đảng bộ huyện Tương Dương khóa XXV thành công tốt đẹp. Chúc huyện Tương Dương sớm thoát khỏi tình cảnh huyện nghèo và trở thành huyện khá nhất miền Tây Nghệ An!
 
             

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528588

Hôm nay

2244

Hôm qua

2291

Tuần này

2861

Tháng này

215284

Tháng qua

0

Tất cả

114528588