Khách mời văn hóa

Công tác tuyên giáo hàm chứa và thể hiện tri thức khoa học, các giá trị và lý tưởng nhân văn trong sáng của Đảng, của Dân tộc

VHNA: Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, phóng viên VHNA đã có cuộc trao đổi với ông Tô Hồng Hải - ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 
PV: Thưa ông, ngày 1/8 năm nay sẽ tròn 80 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng ta. Nhân dịp này, xin đề nghị ông cho bạn đọc Văn hoá Nghệ An được biết, có thể là khái quát, về truyền thống của ngành tuyên giáo Nghệ An chúng ta?
Ông Tô Hồng Hải: Công tác tuyên giáo, tuyên truyền và giáo dục, công tác tư tưởng của Đảng gắn liền với quá trình ra đời và lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Nói rằng đã có 80 năm truyền thống ngành Tuyên giáo là căn cứ về mặt tổ chức, kể từ ngày thành lập Đảng đến nay. Theo tôi, về hoạt động tuyên giáo của Đảng ta, có lẽ là có từ trước khi thành lập Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của một cuộc vận động khá dài, ít nhất là từ khi Nguyễn Ái Quốc thành lập tổ chứcThanh niên cách mạng đồng chí hội. Ngay từ hồi đó, Nguyễn Ái Quốc đã cơ bản dựa vào các hoạt động tuyên truyền để tập hợp lực lượng yêu nước, truyền bá, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê Nin để tiến tới thành lập chính đảng của lực lượng vô sản và yêu nước. Ngay trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ những năm trước khi có Đảng, các tổ chức yêu nước và các tổ chức tiền thân của Đảng như Hội Hưng Nam, Tân Việt Đảng, Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Đông Dương Cộng sản liên đoàn, Đông Dương Cộng sản Đảng (kỳ bộ Trung Kỳ) đều dựa vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước để tập hợp lực lượng. Để có sự chuyển biến về chính trị của các tổ chức yêu nước như Hội Hưng Nam, Tân Việt là kết quả của quá trình vận động, tuyên truyền của các yếu nhân có lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đi theo chủ nghĩa Mác. Chúng ta có thể thấy Trần Phú là một tấm gương điển hình phản ánh quá trình vận động của công tác tuyên truyền giáo dục của những người cộng sản trên đất Nghệ Tĩnh. Từ một người yêu nước trong Hội Hưng Nam, rồi Tân Việt Đảng, trong ông đã có chuyển biến nhận thức chính trị và cuối cùng ông đã nhiệt thành theo đường lối chính trị của Nguyễn Ái Quốc mà cụ thể là Thanh niên cách mạng đồng chí hội, rồi trở thành lãnh tụ của Đảng Cộng sản. Hơn thế, ông là người đã trực tiếp tuyên truyền giáo dục rất tích cực trong tầng lớp học sinh, sinh viên, tiểu tư sản trí thức và mang lại kết quả. Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí tiền bối của Đảng đã được Trần Phú trực tiếp dẫn lối vào con đường đấu tranh cách mạng của Đảng.
PV: Như vậy, có cần xác định lại mốc lịch sử ngày truyền thống của ngành?
Ông Tô Hồng Hải: Không! Ý tôi không phải là vậy mà muốn nói rằng ngay từ đầu, từ khi còn sơ khai thì Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và các vị tiền bối của Đảng ta đã rất chú trọng đến công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo, coi công tác tuyên giáo, tuyên truyền, vận động, thuyết phục là trọng tâm để xây dựng và phát triển đảng, xây dựng, phát triển lực lượng và phong trào cách mạng. Công tác tuyên giáo thực chất là công tác chính trị, tư tưởng của Đảng. Và cũng từ thực tiễn lịch sử của Đảng, chúng ta thấy công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng, quyết định trong tập hợp lực lượng, phát triển và xây dựng tổ chức của Đảng. Công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng trong thực tiễn lịch sử cho thấy, có những lúc, nhiều lúc phải đi trước một bước. Các lớp huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu những năm 1925 - 1926 là một bước chuẩn bị, bước đi trước vô cùng quan trọng đặt nền móng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng ta sau này. Có đường lối chính trị đúng đắn nhưng không làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục thì mục tiêu và đường lối chính trị đó cũng không mang lại hiệu quả, không thể đi vào đời sống xã hội. Và thậm chí có mục tiêu, có đường lối chính trị đúng đắn nhưng tuyên truyền không chính xác, tuyên truyền sai thì đường lối đó cũng không có giá trị thực tiễn khi đi vào cuộc sống, thậm chí còn phản tác dụng đối với sự nghiệp cách mạng của một chính Đảng, của đất nước.
PV: Chúng ta có thể trở lại với truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng bộ Nghệ An?
Ông Tô Hồng Hải: Nếu tách ra chỉ nói truyền thống công tác tuyên giáo củaĐảng bộ Nghệ An mà không gắn với công tác tuyên giáo của cả nước thì tôi e là hơi phiến diện và đương nhiên là không thể đầy đủ. Công tác tuyên giáo thực chất là nội dung lãnh đạo công tác tư tưởng của Đảng. Đảng ta là một tổ chức có sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động. ở mỗi giai đoạn cách mạng của Đảng, công tác tư tưởng có những nội dung và phương pháp thích hợp nhất định. Chúng ta nói xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức là thể hiện sự thống nhất, không tách rời của bản thân ba nội dung đó trong công tác xây dựng Đảng, và kể từ ngày Đảng thành lập cách đây 80 năm đến nay những nội dung trên vẫn còn nguyên giá trị. Đảng ta là một tổ chức thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác tuyên giáo, bởi vậy, vào những thời điểm lịch sử cụ thể có những mục tiêu, nhiệm vụ, và phương pháp tiến hành không hẳn giống nhau, nhưng rất nhất quán một mục tiêu chung là xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị và tư tưởng. Hơn nữa, theo tôi, tuyên giáo là biểu hiện trình độ và phẩm chất văn hoá của Đảng. Nói vậy cũng có nghĩa là phải hàm chứa, phải thể hiện được tri thức khoa học và các giá trị cũng như lý tưởng nhân văn trong sáng của Đảng.
Trở lại với công tác tuyên giáo ở Nghệ An, ngoài các hoạt động của các tổ chức yêu nước, cách mạng và cộng sản trước khi thành lập Đảng, chúng ta có thể chia làm các thời kỳ như sau: Thời kỳ thứ nhất từ trước khi có Đảng cho đến Cách mạng Tháng Tám, thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Thời kỳ thứ hai là từ sau CM ThángTám đến khi kháng chiến chống thực dân Pháp thành công; Thời kỳ thứ ba là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tính từ năm 1954 đến 1975, và theo tôi từ năm 1975 đến nay có thể phân thành hai thời kỳ là từ 1975 đến 1986, mốc bắt đầu sự nghiệp đổi mới của Đảng và từ 1986 đến nay. Tuỳ thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng ở mỗi thời kỳ mà công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền của Đảng đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung, phương pháp công tác khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và mục tiêu chính trị của đảng ở từng giai đoạn. Công tác tuyên giáo của Đảng trước Cách mạng Tháng Tám, sau Cách mạng Tháng Tám, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, và hiện nay xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế là khác nhau. Và hiện nay, khi mà bối cảnh thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi, trình độ khoa học công nghệ đã có sự phát triển vượt bậc, nội dung và phương thức hoạt động của công tác tuyên giáo, tuyên truyền của Đảng ta nói chung, của Đảng bộ Nghệ An cũng phải có những thay đổi, điều chỉnh, thích ứng cần thiết. Và, như vậy là công tác tuyên giáo, hoạt động tuyên giáo luôn gắn liền với mục tiêu chính trị của Đảng với nhiều phương thức họat động linh hoạt, phù hợp với điều kiện xã hội, kinh tế và khoa học công nghệ ở từng thời điểm, từng nội dung và đối tượng của công tác tuyên giáo. Nhìn lại chặng đường hơn 80 năm qua chúng ta có thể tự hào nói rằng công tác tuyên giáo, các thế hệ làm công tác tuyên giáo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trước Đảng, trước nhân dân, có nhiều đóng góp xuất sắc và quan trọng trong quá trình xây dựng, đấu tranh và phát triển của Đảng và của đất nước.
PV: Vậy bản chất của công tác tuyên giáo là gì?
Ông Tô Hồng Hải: Tự bản chất tên gọi đã phản ánh tính chất và nội dung của công tác tuyên giáo. Đó là tuyên truyền, giáo dục, là bằng các phương thức, các phương tiện để làm cho những mục tiêu chính trị, những tư tưởng của Đảng thấm sâu vào đời sống của mọi đảng viên, và vào toàn thể cộng đồng, toàn thể xã hội để định hướng, để tập hợp, thống nhất lực lượng và ý chí của toàn Đảng, toàn dân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị của Đảng.
PV: Nếu bình tĩnh nhìn lại toàn bộ quá trình hoạt động tuyên giáo của Đảng ta nói chung và Đảng bộ Nghệ An nói riêng, ông có thấy có những lúc những nơi công tác này của chúng ta làm chưa tốt?
Ông Tô Hồng Hải: Tôi không phủ nhận điều đó. Quả thật trong suốt chặng đường 80 năm qua công tác tuyên giáo, tuyên truyền của Đảng ta cũng có những giai đoạn, thời kỳ biểu hiện một cách tiếp cận chủ quan, duy ý chí, thậm chí là cực đoan, nhìn nhận đánh giá các hiện tượng, sự kiện, vấn đề không dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn nên có những nhận xét, nhận định và tham mưu xử lý chưa chính xác. Có lẽ cái nhiều người nhắc lại nhất là câu khẩu hiệu “Trí, phú, địa hào đào tận gốc, tróc tận rễ” trong phong trào xô viết Nghệ Tĩnh. Thực ra đây không chỉ là sai lầm của công tác tuyên giáo mà là thể hiện quan điểm có phần cực đoan trong chủ trương của Đảng lúc bấy giờ khi xác định mục tiêu cách mạng và lực lượng cách mạng. Càng về sau thì công tác tuyên giáo của chúng ta càng thể hiện trình độ nhận thức khách quan chính xác hơn và có những phương thức, cách tiếp cận linh hoạt, hiệu quả hơn.  
PV: Theo ông thì đòi hỏi cao nhất đối với công tác tuyên giáo và những người làm công tác tuyên giáo là những điều gì? 
Ông Tô Hồng Hải: Có thể hiểu ý của anh là để làm tốt công tác tuyên giáo thì đòi hỏi những cán bộ tuyên giáo của đảng cần phải có những phẩm chất gì? Theo tôi có thể nói công tác tuyên giáo, mà cụ thể là những người làm công tác tuyên giáo phải có là nhận thức, nhãn quan chính trị đúng đắn về đảng, về mục tiêu lý tưởng của Đảng. Muốn vậy phải là những người có tri thức, trí tuệ nhất định, và phải có bản lĩnh chính trị kiên trung, vững vàng, có những phẩm chất văn hoá tiến bộ và tính nhân văn sâu sắc. Thiếu một trong các phẩm chất đó sẽ không bao giờ trở thành cán bộ tuyên giáo giỏi của Đảng. Thêm một điều tôi muốn nói là công tác tuyên giáo là một hoạt động có ý nghĩa xã hội vô cùng sâu sắc, vô cùng tế nhị, nên nó phải đòi hỏi cao sự tinh tế, trung thực, và phải tôn trọng các giá trị khách quan. Tôi nghĩ rằng, công tác tuyên giáo là một nghệ thuật truyền thụ, nghệ thuật giáo dục, nghệ thuật cảm hoá... Nói tóm lại, đó là một nghệ thuật ứng xử và giao tiếp xã hội có mục tiêu chính trị rõ ràng.
PV: Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa công tác tuyên giáo với các hoạt động văn hoá?
Ông Tô Hồng Hải: Tôi nghĩ rằng công tác tuyên giáo, hay là hoạt động tuyên giáo của Đảng ta thực chất cũng là một hoạt động văn hoá nhưng có tính mục tiêu chính trị cụ thể, rõ ràng. Nó là một hoạt động văn hoá bởi vì nó tác động vào đời sống xã hội và đem lại cho cộng đồng xã hội những nhận thức mới, những giá trị mới, và đặc biệt là nó có tác động sâu sắc đến sự vận động của Đảng, của xã hội, nó trở thành nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy không chỉ sự phát triển của Đảng mà của toàn xã hội. Một khi mục tiêu chính trị của Đảng đồng nhất với mục tiêu phát triển của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân thì rõ ràng công tác tuyên giáo là một biểu hiện của đời sống văn hoá đất nước. Nếu ngược lại, sẽ kìm hãm sự phát triển văn hoá của cộng đồng, của đất nước, của dân tộc.
PV: Ông có thể cho biết những bài học kinh nghiệm của công tác tuyên giáo trong 80 năm qua?
Ông Tô Hồng Hải: Thực ra là tập thể nhiều thế hệ cán bộ tuyên giáo của Đảng ta đã tổng kết rồi. Không chỉ đến bây giờ mới tổng kết mà qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn Đảng ta đều có tiến hành tổng kết để rút kinh nghiệm. Đứng tại thời điểm này, nhìn từ thực tiễn phong trào ở Nghệ An, những người làm công tác tuyên giáo đã rút ra các bài học kinh nghiệm. Đó là: Phải bám sát mục tiêu lý tưởng cách mạng, đường lối chính sách của Đảng và sự lãnh đạo của cấp ủy; Phải gắn liền với công tác tổ chức, với phong trào hành động của quần chúng, tư tưởng gắn với hành động, nói đi đôi với làm; Phân tích đúng hoàn cảnh, đánh giá đúng đối tượng, dự báo tình hình chính xác và chủ động trong công tác tư tưởng. Công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị và phải nghiêm túc thực hành dân chủ trong công tác này. Với riêng tôi, tuy trực tiếp chuyên trách làm công tác tuyên giáo chưa nhiều nhưng tôi cũng có những kỷ niệm và chiêm nghiệm riêng của mình.
PV: Ông có thể bộc bạch với chúng tôi và với bạn đọc của Văn hoá Nghệ An?
Ông Tô Hồng Hải: Tôi thấy, công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhưng Ban Tuyên giáo cấp ủy có vai trò hết sức quan trọng, là ban tham mưu xây dựng đảng về chính trị và tư tưởng. Tuyên giáo là niềm tin, là nói đi đôi với làm, là tâm phục khẩu phục. Do vậy đòi hỏi người cán bộ làm công tác tuyên giáo không chỉ có trí tuệ hiểu biết mà còn phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, nói để dân phục dân tin, dân tin để dân làm. Làm công tác tuyên giáo, chăm lo lĩnh vực tư tưởng của Đảng, và trong điều kiện Đảng cầm quyền, có thể nói là chăm lo công tác tư tưởng của toàn xã hội nên phải thật chú trọng đến những vấn đề có tính nguyên tắc bất di bất dịch. Đó là kiên trì mục tiêu lý tưởng của Đảng và tôn trọng các quy luật khách quan, tôn trọng các giá trị nhân văn, tôn trọng các lợi ích tối cao của Dân tộc, của Nhân Dân và của Đảng. Nếu xa rời những nguyên tắc này thì nhất định sẽ khó khăn, thậm chí dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ.
PV: Đảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề trọng đại và phức tạp để tiếp tục lãnh đạo và đưa đất nước tiến lên. Để tạo nên sự thống nhất, đoàn kết cao trong toàn Đảng, sự đồng thuận toàn xã hội là trọng trách lớn lao của những người làm công tác tuyên giáo. Ông có thể cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Ông Tô Hồng Hải: Đúng là những người làm công tác tuyên giáo hiện nay đang có trách nhiệm vừa nặng nề, vừa khó khăn đối với Đảng và đối với đất nước, với nhân dân. Để tạo nên được sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận cao trong xã hội thì những người làm công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng phải bằng trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của mình mà hành động làm cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trở thành hiện thực trong cuộc sống. Dân trí bây giờ cao hơn trước rất nhiều. Thông tin bây giờ rộng rãi và đa chiều hơn. Trình độ dân chủ cũng cao hơn trước... Bởi vậy, công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng không thể là rập khuôn, một chiều, duy ý chí mà phải vận dụng quy luật khách quan, khoa học để tuyên truyền thuyết phục, tạo ra sự đồng thuận, thống nhất cao từ trong Đảng đến ngoài xã hội vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, lợi ích của nhân dân, của cộng đồng. Trở lại, để làm được tốt nhiệm vụ này, vẫn là câu chuyện trí tuệ, phương pháp, phẩm chất nhân văn và nghệ thuật tuyên truyền của những người làm công tác tuyên giáo.
PV: Vậy theo ông, khả năng đáp ứng của đội ngũ làm công tác tuyên giáo hiện nay như thế nào?
Ông Tô Hồng Hải: Đây là một câu hỏi khó. Và vì khó nên cần trả lời chu đáo. Mỗi thời kỳ có một khó khăn riêng. Tôi đồng ý với các anh khi cho rằng đây là một giai đoạn khó khăn, phức tạp đầy thử thách với những người làm công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo của chúng ta, theo tôi, ở mức này hay mức khác có thể hoàn thành được chức trách nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Khó khăn đến từ nhiều phía. Từ chủ quan là trình độ nhận thức, kinh nghiệm từng trải, năng lực khái quát, vận dụng vào thực tiễn, thêm vào đó là tác động của cơ chế thị trường rất phong phú và đa dạng trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Về phía khách quan là sự đa dạng của các khách thể, là năng lực chủ động hấp thụ thông tin của các đối tượng tuyên truyền và giáo dục đã khác trước, cụ thể là cao hơn, chất lượng hơn và thậm chí là khó tính hơn. Đó là chưa nói đến có nhiều luồng, nguồn thông tin khác chống phá lại Đảng ta từ bên ngoài đang hàng ngày hàng giờ tác động vào các đối tượng tuyên truyền và giáo dục ở trong Đảng và ngoài xã hội. Hơn nữa, những vấn đề lý luận về xây dựng đảng, phát triển kinh tế, xây dựng chính quyền Nhà nước trong điều kiện một đảng cầm quyền đã và đang trong quá trình hoàn thiện. Vì vậy để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng của Đảng phải không ngừng tự hoàn thiện mình để vươn lên vững vàng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất nhân văn và nâng cao tri thức mọi mặt. 
PV: Vậy cần làm gì để bồi đắp những phẩm chất đó, thưa ông?
Ông Tô Hồng Hải: ở trên tôi vừa nói rồi đó thôi. Mọi người phải chủ động và tự giác tự rèn luyện, học tập. Về phía tổ chức, hệ thống các cơ quan tuyên giáo đã và sẽ tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ để cho mỗi người đều tốt hơn, nhạy bén hơn để có thể chủ động công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tự học và tự làm giàu tri thức của mình trong thực tiễn công tác là vô cùng quan trọng đối với những người làm công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng của Đảng.
PV: Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi hôm nay và xin chúc mừng ông cùng toàn thể những người làm công tác tuyên giáo tỉnh nhà nhân kỷ niệm 80 năm truyền thống của ngành Tuyên giáo.
                                                                                           P.V
                                                                                           (Thực hiện)


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445810

Hôm nay

225

Hôm qua

2285

Tuần này

21419

Tháng này

212069

Tháng qua

120141

Tất cả

114445810