Khách mời văn hóa

Trò chuyện về nhiếp ảnh Nghệ An

LTS: Nhân dịp 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh 147/SL ngày 15/3/1953, đặt Phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh trong Nha tuyên truyền và văn nghệ thành “Doanh nghiệp Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, khai sinh ngành Chiếu bóng và Nhiếp ảnh Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi cùng các nghệ sỹ nhiếp ảnh Văn Hoành, Bùi Xuân Lương và Trần Duy Ngoãn về một số vấn đề của nghệ thuật nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh Nghệ An nói riêng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc trao đổi.

PV:  Cách đây 60 năm, vào ngày 15/03/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh số 47 khai sinh ngành Nhiếp ảnh Việt Nam. Nhân kỉ niệm sự kiện này, chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của giới nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh nhà về nghệ thuật nhiếp ảnh nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng, đặc biệt là vai trò của nhiếp ảnh trong thời đại ngày nay, khi mà thế giwois ngày càng “phẳng” hơn bởi công nghệ thông tin và nhiếp ảnh đang được số hóa chóng mặt, tác động đến nghệ thuật nhiếp ảnh cũng như đặt ra nhiều vấn đề mới trong sáng tạo, thưởng thức.

Ông Trần Duy Ngoãn: Sự kiện Bác Hồ kí Sắc lệnh số 47 ngày 15/3/1953 khai sinh ngành Chiếu bóng và Nhiếp ảnh Việt Nam có ý nghĩa trọng đại, trở thành mốc quan trọng trong lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam. Với sự kiện này, nghệ thuật Nhiếp ảnh đã được khẳng định, đã có vị trí quan trọng trong công cuộc kháng chiến của dân tộc;  nghệ sĩ nhiếp ảnh đã được tôn vinh.

   Trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế sau hòa bình lập lại, nghệ thuật nhiếp ảnh đã có những đóng góp tích cực, đối với thực tiễn. Các thế hệ nghệ sĩ đã nhạy bén nắm bắt các chủ trương chính sách của Đảng, lăn lộn với thực tiễn, đam mê sáng tạo trong điều kiện hết sức gian khổ, thiếu thốn cả về phương diện trang thiết bị kĩ thuật cho đến học vấn, kiến thức chuyên môn để có những tác phẩm kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng và có sức sống vượt thời gian, có sức lan tỏa lớn. Trong kháng chiến chống Mỹ, tác phẩm “O du kích nhỏ” của Phan Thoan đã có sức lay động hàng triệu triệu con tim, được cả thế giới biết đến. Các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã cùng “đổ mồ hôi, sôi giọt máu” với nhân dân để sáng tạo và góp phần làm nên chiến thắng, khẳng định vị thế và tầm vóc của con người, dân tộc Việt Nam.

   Trong công cuộc xây dựng đất nước sau hòa bình lập lại cũng như thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, nhiếp ảnh tiếp tục có những đóng góp quan trọng. Nghệ thuật nhiếp ảnh đã phản ánh, tôn vinh những giá trị của cuộc sống, tôn vinh con người và văn hóa Việt Nam. Không chỉ có thế, nhiếp ảnh và nghệ thuật nhiếp ảnh còn đi đầu phê phán cái xấu, cái tiêu cực. Có thể nói nghệ thuật nhiếp ảnh là một vũ khí sắc bén trong cuộc chiến đấu  bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng, phát triển kinh tế - văn hóa. Có nhiều nghệ sĩ đã được tôn vinh, giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, với những tác phẩm để lại dấu ấn đẹp trong lòng người dân.

Ông Văn Hoành: Khi Bác Hồ kí Sắc lệnh thành lập ngành nhiếp ảnh, lúc đó chỉ có những người chụp ảnh, thợ ảnh thôi chứ chưa có những cơ quan chuyên môn về nhiếp ảnh. Tôi nghĩ rằng đây là sự tập hợp đội ngũ các nhà nhiếp ảnh để thống nhất vì một mục tiêu, nhiệm vụ chung. Nói đến sự đóng góp của nhiếp ảnh trong cuộc kháng chiến, ở Nghệ An có nhiều nghệ sĩ. Thời đó, trong phân ban điều tra tội ác của Mỹ ở Nghệ An, chúng tôi được giao nhiệm vụ chụp ảnh hậu quả oanh tạc của không quân Mỹ đối với dân thường và phải có ngay tác phẩm để phục vụ đấu tranh ngoại giao tại bàn đàm phán Hiệp định Paris. Ảnh chúng tôi chụp hôm nay, chỉ một hai hôm sau là được chuyển ra Hà Nội và gửi sang Pháp để phục vụ đấu tranh ngoại giao. Những bức ảnh đó rất có sức nặng và sức thuyết phục. Đó là hiện thực của chiến tranh, mà nếu không có ảnh thì rất khó để đối phương phải công nhận. Chúng tôi cảm thấy tự hào vì đã góp phần mình làm nên chiến thắng.   

Ông Bùi Xuân Lương: Trong hai cuộc kháng chiến, nhiếp ảnh có vai trò là cầu nối Việt Nam và thế giới, để thế giới biết đến Việt Nam. Có những bức ảnh khiến địch phải sợ, ví dụ bức ảnh bắt giặc ở Long An, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội, chiến thắng Điện Biên Phủ…Đó là những tác phẩm nghệ thuật đích thực, của những nghệ sĩ đích thực, đã lăn lộn trong chiến tranh để sáng tạo nên.     

PV:   Những điều các anh nói là hoàn toàn đúng. Nhưng nói đến nghệ thuật là nói đến cái đẹp, là nói đến chức năng thẩm mĩ của các tác phẩm. Bên cạnh chức năng xã hội, chúng tôi muốn biết rõ hơn quan niệm của các anh về chức năng thẩm mĩ của nghệ thuật nhiếp ảnh, tác động của nhiếp ảnh đối với đời sống thẩm mĩ của cộng đồng?

Ông Trần Duy Ngoãn: Nói đến nghệ thuật là nói đến Chân - Thiện - Mĩ, đó là mục tiêu mà các ngành nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh, hướng tới... Với đặc thù là cái nhìn cô đọng, giàu ý tưởng của người nghệ sĩ thông qua khoảnh khắc bấm máy, nghệ thuật nhiếp ảnh từ trước đến nay luôn có tính gợi mở, khơi gợi về nhận thức, về tư tưởng và về tình cảm, cảm xúc đối với công chúng, hướng công chúng đến những quan niệm mới, những ý tưởng mới tiến bộ, mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể nói nghệ thuật nhiếp ảnh đã có tác động không nhỏ đến nhận thức và tình cảm thẩm mĩ của công chúng, đến đời sống văn hóa cộng đồng.

Ông Văn Hoành: Bây giờ nhiếp ảnh đã trở thành một thú chơi, một môn nghệ thuật rất hấp dẫn đối với giới trẻ, nhất là trong điều kiện các phương tiện chụp ảnh ngày càng phổ biến. Tôi đã thấy nhiều bạn trẻ chia sẻ ảnh với nhau hoặc đưa các bức ảnh đến các minilab để xứ lí, các em quan niệm ảnh đẹp không phải là ánh sáng như thế nào, bố cục hoàn thiện ra sao mà các em chú trọng về khoảnh khắc, về việc đã ghi lại được những gì là nét đặc biệt, là hiện thực có tính điển hình của cuộc sống. Là người làm nghề chuyên nghiệp, chúng tôi tự thấy nhiều khi chưa chắc mình đã chụp được những cái như lớp trẻ bây giờ chụp, bởi vì các em có những khoảnh khắc bất ngờ. Sự bất ngờ nhiều khi tạo ra những tác phẩm xuất sắc.

   Nghệ thuật nhiếp ảnh bây giờ không chỉ đơn thuần là ánh sáng, là bố cục, không chỉ là sự đèm đẹp hay cái gì đó to tát, cao siêu mà nghệ thuật nhiếp ảnh hiện đại đi vào phát hiện những chi tiết, những điều tưởng như nhỏ nhặt, có mặt xung quanh chúng ta, chúng ta không để ý nhưng lại chứa đựng những giá trị nhân văn, thẩm mĩ sâu sắc, những thông điệp giàu ý tưởng, có tính gợi mở cao.  

PV:  Trở lại câu chuyện, tôi cho rằng nghệ thuật nhiếp ảnh có tác động đến đời sống thẩm mĩ, góp phần hình thành, vun đắp các giá trị nhân văn, quan niệm sống của cộng đồng. Như bức ảnh “O du kích nhỏ” của Phan Thoan cũng như tác phẩm của một số nghệ sĩ tiền bối khác, vừa có giá trị thời sự - chính trị, vừa có tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa – thẩm mĩ của cộng đồng; nó là một tác phẩm báo chí nhưng có giá trị nghệ thuật, và tác động đến quan niệm đạo đức của cộng đồng. Những điều này chắc những người làm nghề nhiếp ảnh trong chiến tranh như anh Bùi Xuân Lương, anh Văn Hoành là cảm nhận sâu sắc nhất.            

Chúng tôi thấy nghệ thuật nhiếp ảnh đã và đang có sự đổi mới rất lớn. Cùng với các nghệ thuật khác, các nghệ sĩ nhiếp ảnh và công chúng của môn nghệ thuật này đã và đang chuyển động về quan niệm thẩm mĩ…Trong chiến tranh, quan niệm, lí tưởng thẩm mĩ bao trùm, xuyên suốt là hiện thực xã hội chủ nghĩa, là tôn vinh chiến công, chiến thắng, còn ngay nay, quan niệm nghệ thuật của nhiếp ảnh đã khác, về tư tưởng, bố cục, cái nhìn…đều thay đổi. Nhiếp ảnh ngày nay quan tâm nhiều hơn đến số phận/thân phận, tính cách con người, đi tìm những khoảnh khắc lắng đọng tư tưởng nhân văn và giá trị thẩm mĩ, thể hiện nhận thức, mối quan hệ của con người với thế giới xung quanh. Cuộc sống đã khác, nên tất yếu nghệ thuật phải khác. Hơn nữa, như chúng ta đều biết, công nghệ số và xu thế toàn cầu hóa đã thức đẩy nghệ thuật nhiếp ảnh vận động với gia tốc mới vô cùng lớn. Trước đây, hàng chục năm mới có một sự chuyển biến mới có tính cách mạng về công nghệ còn bây giờ thì thay đổi hàng năm, hàng tháng. Và thông tin toàn cầu làm cho mọi người tiếp cận với những quan niệm thẩm mỹ mới, những xu hướng nghệ thuật mới một cách nhanh nhất.

Ông Bùi Xuân Lương: Theo tôi biết, nhiếp ảnh vốn có hai dòng: truyền thống và hiện đại; đen trắng và ảnh màu. Giá trị của nhiếp ảnh theo tôi là sự chân thật, khoảnh khắc là chân thật. Còn khoảnh khắc đó là gì, có giá trị ra sao, gây tác động ở mức độ nào, đó là cái tài của người cầm máy. Bây giờ kĩ thuật đã phát triển đến trình độ rất cao, giúp con người có thể nắm bắt, lưu giữ được mọi khoảnh khắc của cuộc sống, nhưng nếu như lạm dụng kĩ thuật, lạm dụng photoshop sẽ làm mất đi tính chân thực, vốn là giá trị cốt lõi của nhiếp ảnh, và nghệ thuật nói chung. Tôi vẫn quan niệm nhiếp ảnh truyền thống mới là nghệ thuật chân chính, đích thực, và sẽ đồng hành cùng cuộc sống hôm nay và mai sau.

PV: Vậy ông có lo ngại về sự biến mất của một kiểu, một dòng ảnh sáng tác theo phương pháp hiện thực truyền thống đó.

Ông Bùi Xuân Lương: Tất nhiên là có vì tôi trung thành với phương pháp sáng tác đó.

PV:  Tôi nghĩ, nhiếp ảnh bây giờ cũng là phản ánh hiện thực, cũng vì cuộc sống, nhưng vấn đề là hiện thực nào và cái cách mà họ thể hiện cái hiện thực đó đã khác và buộc phải khác cái cách nghĩ, cách quan niệm của chúng ta cách đây vài chục năm.

Ông Văn Hoành: Tôi cho rằng cách đặt vấn đề của anh Thắng là rất đúng. Đúng là nhiếp ảnh đã thay đổi. Nhiếp ảnh ngày xưa, theo cách viết photographic nghĩa là nghệ thuật ánh sáng, vẽ bằng ánh sáng, ngôn ngữ của nhiếp ảnh là phải dùng ánh sáng để thể hiện. Còn nếu bây giờ chỉ dùng ánh sáng và bố cục không thôi thì chưa đủ. Quan niệm thẩm mĩ của người chụp ảnh, người xem ảnh đã khác. Cái mà công chúng cần là thông điệp, ý tưởng. Hiện nay các cuộc thi quốc tế thường có đề tài đơn giản, tự do, tác giả có thể chụp bất cứ cái gì, nhưng bức ảnh phải có ngôn ngữ mà công chúng quốc tế đều có thể cảm nhận được. Nghệ thuật hiện đại nói chung, nhiếp ảnh hiện đại nói riêng đòi hỏi về tính cô đọng rất cao; thông qua bức ảnh có thể giúp người xem thấy được thế nào là cái đẹp, là chưa đẹp để cùng hướng đến cái đẹp. Nếu bức ảnh chỉ là sự đèm đẹp như cô gái đánh phấn son lòe loẹt, trang phục diêm dúa thì đó chưa phải và không phải là nghệ thuật. Cái Đẹp của bức ảnh phải chứa đựng cái Đúng, cái Tốt, giá trị nhân văn, nhân bản. Điều này trong nhiếp ảnh hiện đại Nghệ An chưa thực sự rõ nét.

   Tôi đã xem nhiều tác phẩm nhiếp ảnh của các nghệ sĩ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tôi thấy họ đi chụp ảnh, săn ảnh, dựng ảnh rất khác. Họ chú trọng nhiều đến khoảnh khắc đem lại sự sửng sốt, ngạc nhiên cho người xem. Cái đẹp không lặp lại, chứa đựng sự sáng tạo, phát hiện riêng, thể hiện gu thẩm mĩ riêng của người chụp. Cái đẹp của nhiếp ảnh là cái đẹp chân thực, sống động, mang tính dự báo, mang nét riêng trong cách nhìn, góc nhìn của người chụp.                     

Ông Trần Duy Ngoãn: Tôi nghĩ rằng xét về tác động của tác phẩm nhiếp ảnh đối với cộng đồng nên nhìn ở các góc độ: Anh đã làm được gì? Sức sống của tác phẩm trong lòng mọi người, trong lịch sử ra sao? Chính tư duy nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật của người nghệ sĩ cầm máy quyết định giá trị, sự đóng góp, tác động của tác phẩm. Tiêu chí của một tác phẩm hay, theo tôi là ý tưởng độc đáo, hình thức thể hiện đặc sắc, cách biểu đạt chặt chẽ. Đối với giới nhiếp ảnh quốc tế, họ chú trong mối quan hệ giữa đặc trưng hình thức nghệ thuật và sức biểu đạt, chuyển tải của tác phẩm. Thường các tác phẩm nhiếp ảnh của chúng ta không đạt giải trong các cuộc thi quốc tế, do chúng ta chưa có những tác phẩm khắc họa được bản sắc độc đáo của truyền thống văn hóa, con người Việt Nam. Thậm chí nhiều bức dàn dựng thô thiển, lạm dụng kĩ thuật photoshop dẫn đến mất đi giá trị chân thực.

PV:  Tôi nghe nói có một trường phái nghệ thuật nhiếp ảnh siêu thực, các ông có thể cho biết điều đó có ảnh hưởng đến nhiếp ảnh Nghệ An?   

Ông Trần Duy Ngoãn: Đó cũng là một xu hướng nghệ thuật mới, nhưng chưa thực sự phổ biến, quen thuộc đối với Việt Nam, đặc biệt là ở Nghệ An. Vấn đề này chúng ta cập nhật chưa đầy đủ, về lí luận phê bình cũng còn rất thiếu và yếu. Thực ra, đến tận bây giờ, tả chân vẫn là quan niệm thẩm mỹ, là phương pháp sáng tác chủ đạo trong giới nhiếp ảnh cũng như công chúng Việt Nam.            

Ông Bùi Xuân Lương: Tôi nghĩ rằng các sân chơi như ảnh trừu tượng, ảnh sắp đặt...chỉ tồn tại trong một thời điểm nào đó thôi, rồi tất cả sẽ chóng trôi qua để trở về với quan niệm nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật phải bắt nguồn từ hiện thực, chỉ cóp hiện thực mới rung động được tâm hồn con người, mới làm lay động hàng triệu con tim.    

PV:  Tôi không phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, đối với riêng tôi, cái đẹp của ảnh, nhiều khi là ảo vì kĩ thuật và cách chụp không theo kiểu tả chân như anh lương nói  cũng tạo ra xúc cảm trong tôi.

 Thực ra nhiếp ảnh đã thay đổi rất nhiều, không chỉ về phương diện kĩ thuật và quan trọng là về tư duy, quan niệm nghệ thuật. Bây giờ trong thời đại internet, công chúng dễ dàng tiếp cận với giới nhiếp ảnh, tác phẩm nhiếp ảnh trong nước và thế giới. Thông qua thao tác tiếp nhận, so sánh, công chúng sẽ có sự thay đổi về nhận thức, quan niệm thẩm mĩ. Bây giờ có khái niệm “chơi ảnh”, nghĩa là người chụp trước hết chụp cho mình, làm sao cho mình thấy được cái Đẹp, trong khi trước đây chủ yếu người chụp ảnh là chụp cho người khác, theo một hệ quy chiếu định sẵn. Trước đây nghệ thuật là của Chúng Ta, của cộng đồng, được sáng tạo bởi một phần động lực trách nhiệm công dân; Trong lúc đó bản chất của nghệ thuật đích thực là sự sáng tạo của cái Tôi, mang cá tính sáng tạo riêng không trộn lẫn. Sự vận động này theo tôi là đúng với qui luật sáng tạo, phát triển của nghệ thuật. Các anh có chia sẻ vấn đề này? Nhìn từ thực tiễn nghệ thuật nhiếp ảnh ở Nghệ An, cụ thể hơn là ở TP Vinh, sự chuyển động đó diễn ra như thế nào? Đội ngũ sáng tác của chúng ta có theo kịp, có đáp ứng được sự thay đổi đó hay không? Cái nhìn chung, khái quát về nhiếp ảnh Nghệ An hôm nay, cả về đội ngũ, tác phẩm và các hoạt động sáng tác, trưng bày?

Ông Văn Hoành: Nhiếp ảnh Nghệ An bây giờ theo tôi chưa bắt kịp với sự thay đổi của trong nước và thế giới. Chúng ta vẫn quan niệm có tính rập khuôn, ảnh vẫn còn có tính chất lặp lại, dàn dựng, đơn giản và thiếu sáng tạo. Đội ngũ nhiếp ảnh Nghệ An hiện nay có thể nói là khá đông đảo nhưng không mạnh, đã bị lão hóa nhiều, thiếu sức trẻ, thiếu sự nhanh nhạy, đột phá. Trong các cuộc triển lãm ảnh có các tác giả Nghệ An tham gia, tôi rất ít thấy được những bức ảnh chụp bất ngờ, chụp khoảnh khắc, gây ấn tượng bất ngờ, độc đáo. Những bức ảnh chúng ta chụp các công trình, các sự kiện…với bố cục tương đối hoàn chỉnh thường không được thế giới coi là tác phẩm nghệ thuật, họ coi đó đơn thuần chỉ là ảnh sự kiện. Trong khi đó, những nét nhỏ trong cuộc sống, ví dụ chân dung của một cụ già ngồi hút thuốc…rất đời thường, dung dị, có khi lại được đánh giá cao. Nếu không kịp thời thay đổi, nhiếp ảnh Nghệ An sẽ lạc hậu. 

Ông Trần Duy Ngoãn: Tôi thấy nhiếp ảnh ở Nghệ An chuyển động rất chậm. Chúng ta không có những tác phẩm đỉnh cao. Sự tiếp cận các trào lưu hiện đại trong nước và quốc tế để chuyển đổi chưa có. Nguyên nhân thứ nhất là do đội ngũ sáng tác phần lớn đã cao tuổi, người trẻ còn chưa thực sự cầu thị học hỏi; Thứ hai là mức độ thâm nhập thực tế của nghệ sĩ để có những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống còn rất hạn chế; Nghệ sĩ còn tư duy ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của cơ quan, nhà nước; Thứ ba là tư duy chỉ dừng lại ở các cuộc thi, chạy đua với các ngày lễ, kỉ niệm, không có một sự nhất quán về phương pháp sáng tác và đặc biệt là chưa có một sự sáng tạo liên tục. Sự nghỉ ngơi này cũng làm cho chậm buwocs và lạc hậu trong sáng tạo. Nói gọn hơn là mỗi nghệ sĩ chưa vượt lên được chính mình để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nghệ thuật, của công chúng.

PV:  Tôi thấy đội ngũ nhiếp ảnh ở Nghệ An nhìn chung chưa được trang bị một cơ sở lí luận về nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng, thiếu kiến thức về thẩm mĩ học. Vì nếu anh có cái đó, thì anh sẽ tự thay đổi mình, về quan niệm thẩm mỹ, phương pháp sáng tác, cách tiếp cận thực tiễn để sáng tạo.

Ông Văn Hoành: Trong nghề ảnh có hai yếu tố, nếu hội đủ thì có thể có tác phẩm tốt. Đó là kĩ thuật và tư duy nghệ thuật. Nếu anh không có kĩ thuật, chưa “sạch nước cản” về kĩ thuật thì anh không thể năm bắt được những khoảnh khắc của cuộc sống theo yêu cầu nghệ thuật. Nếu kĩ thuật không đủ thì sẽ rất hạn chế, nếu có thành công chỉ là gặp may. Bây giờ người học kĩ thuật rất ít, chủ yếu dựa vào máy móc, có máy là để chơi, người có ý thức học hỏi bài bản không nhiều. Còn một số người đã thành thạo về nghề  thì lại không có điều kiện về tài chính để mua sắm các thiết bị kĩ thuật hiện đại. 

Ông Bùi Xuân Lương: Ở Nghệ An chúng ta chưa có các sân chơi, chưa có các hoạt động thu hút rộng rãi công chúng, để đem nghệ thuật nhiếp ảnh đến với công chúng. Chúng ta chỉ tổ chức vài cuộc triển lãm, khai mạc xong rồi ai về nhà nấy, mà chủ yếu là các tác giả xem với nhau. Tôi  đã ở TP Hồ Chí Minh nhiều năm và gần đây có sống ở đó 7 tháng, tôi thấy đây là địa phương đi đầu cả nước về xã hội hóa nhiếp ảnh. Ở nhà số 122  đường Sương Nguyệt Anh có lớp học nhiếp ảnh vào sáng trưa tối, chỉ có 3 hệ A,B,C, người đến học rất đông, không có đủ lớp cho người đến đăng kí học. Đặc biệt có rất nhiều cuộc thi ảnh, trẻ em tàn tật cũng có cuộc thi ảnh. Mục đích là để giáo dục thẩm mĩ.

Ông Trần Duy Ngoãn: Để nhiếp ảnh Nghệ An phát triển, trước hết đội ngũ người làm nghề phải đoàn kết, tự mình tôn trọng mình, tự mình nỗ lực để sáng tạo, đổi mới; Bên cạnh đó, cần có vai trò của cơ quan quản lí, cơ quan chủ quản như Hội VHNT, Sở VH-TT&DL để tạo ra các sân chơi, tạo điều kiện cho nghệ sĩ sáng tạo và tiếp cận công chúng.

Ông Bùi Xuân Lương: Nói chung nghệ sĩ thì ai cũng có cá tính, chúng ta chấp nhận tất cả, miễn là cá tính tốt. Có cá tính nhưng phải tôn trọng người khác, tôn trọng lẫn nhau và cùng hướng đến đam mê sáng tạo nghệ thuật.

PV:  Xin nói thật là dư luận đang có những ì xèo này nọ về tính cách, tư cách của một số nghệ sĩ, trong đó có các nghệ sĩ nhiếp ảnh...

Ông Trần Duy Ngoãn: Đó là một thực tế không thể phủ nhận và tôi nghĩ chúng ta cần phải gắn bó với nhau hơn để khắc phục.

Ông Bùi Xuân Lương: Ở Nghệ An vẫn có quá ít các cuộc thi, các cuộc triển lãm. Điều này làm cho nhiếp ảnh thiếu sân chơi. Vậy ai phải đứng ra làm đây? Tại sao tỉnh, nghành văn hóa, hội văn nghệ không tạo điều kiện thuận lợi cho nhiếp ảnh tỉnh nhà phát triển?

PV:  Tôi thì nghĩ khác. Chúng ta nên có cách tiếp cận khác về vấn đề này. Ví dụ như giải thi thơ của chủ trang web trannhuong.com, giải thưởng chỉ có 100 nghìn thôi, nhưng người tham gia rất đông, trong đó có nhiều nhân vật tên tuổi, rất hào hứng. Chúng ta vẫn chưa gột rửa được căn bệnh hình thức, phô trương, khoe khoang và tệ hại nhất là cung cách làm việc ỉ lại và xin cho thời bao cấp. Để tổ chức một cuộc trung bày, chúng ta đi xin tiền, về làm và chỉ bày trong vòng một buổi ở nơi không có ai xem. Điều này nói lên cái gì? Thiếu tự tin hay thiếu tự trọng nghề nghiệp?

Ông Văn Hoành: Đó là điều có thật. Tôi xác nhận điều này.

Nhưng có một thực tế khác là ở Nghệ An, những người cầm máy ở một số địa phương đã tự mình tập hợp, chia sẻ để sáng tạo. Tôi đã tham dự sinh hoạt CLB nhiếp ảnh ở huyện Quỳnh Lưu. Ở đây, những người làm nghề cùng chia sẻ cho nhau kinh nghiệm, kĩ thuật, ý tưởng, tất cả đều vì mục đích trưởng thành về nghề. Các thành viên ai cũng khao khát học, học cái mới để làm nghề, để sáng tạo...Giới trẻ bây giờ cũng thế, rất năng động, có tầm nhìn rộng nhờ internet. Đây là phương tiện mà chúng ta không thể bỏ qua, để học hỏi, để phát triển...

PV:  Tôi có ý tưởng mở cuộc thi ảnh trên website vanhoanghean.com.vn, phần thưởng cho người đạt giải Nhất có thể là biếu 6 tháng Tạp chí Văn hóa Nghệ An chẳng hạn. Đây cũng chỉ là một ý tưởng gợi mở để chúng ta cùng nhau suy nghĩ, cùng tạo ra các sân chơi cho nghệ sĩ.

Ông Trần Duy Ngoãn: Chúng tôi hoàn toàn nhất trí, vì tạo ra càng nhiều sân chơi, nhiều diễn đàn để tập hợp, động viên nghệ sĩ sáng tác và đưa nhiếp ảnh đến đông đảo công chúng càng tốt.

PV: Trân trọng cảm ơn các ông về cuộc trao đổi hôm nay. Hy vọng và tin tưởng nghệ thuật nhiếp ảnh Nghệ An chúng ta sẽ thăng hoa, các nghệ sĩ sắp tới sẽ có nhiều tác phẩm mới !

                                                                  PV (thực hiện)

 

 

 

 

 

  

  

  

     

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528587

Hôm nay

2243

Hôm qua

2291

Tuần này

2860

Tháng này

215283

Tháng qua

0

Tất cả

114528587