Cá tầm là động vật hoang dã, có nguồn gốc tại các nước châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Cá tầm là món ăn quý tộc, trong đó trứng cá tầm- Caviar được thế giới mệnh danh là “vàng đen trên bàn tiệc”. Ở Việt Nam, cá tầm đã được nuôi thương phẩm thành công gần chục năm trở lại đây. Nhưng ít ai biết được rằng, để giống cá ngoại lai quí hiếm này nuôi trồng trên đất Việt lại do một Việt kiều đi tiên phong trong việc khảo nghiệm ấp nở trứng cá tầm của xứ sở bạch dương. Người đó là ông Nguyễn Trọng Cử - Ủy viên Ban chấp hành Hội nghề cá Việt Nam- một luật gia đã có thâm niên trên 35 năm sống và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Đi khắp châu Âu tìm nhập giống cá tầm
Trong một ngày đầu tháng 3, tôi có dịp đến thăm trại giống nuôi trồng cá tầm của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức tại chân đập hồ Xạ Hương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Đây là trại giống duy nhất cung cấp nguồn giống cá tầm chính thức cho toàn miền Bắc và một phần thị trường miền Nam, với sản lượng từ 400 - 500 ngàn con giống/năm, ông Nguyễn Trọng Cử giới thiệu. Cách đó không xa là trại cá tầm thương phẩm, hơn 80 bể cá thương phẩm đang được chăm sóc rất cẩn thận, mực nước và nhiệt độ nước luôn giữ ở mức từ 18 – 22 độ C. Với sự đóng góp của các cơ sở sản xuất giống cá tầm ở Sa Pa và Tam Đảo của công ty, loài cá quý hiếm này đã được đưa về nuôi thương phẩm và nuôi để lấy Cavia tại các vùng núi trên khắp miền của đất nước, đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân vùng núi cao.
Trong câu chuyện, ông Cử nhắc đến Tiến sĩ Lê Thanh Lựu - nguyên Viện trưởng Viện nuôi trồng thủy sản 1 – người đã đặt nền móng cho nghề nuôi cá tầm, cá hồi tại Việt Nam. Trong thời gian làm Viện trưởng Tiến sĩ Lựu đã có một số công trình nghiên cứu về cá nước lạnh và ông khẳng định cá tầm có thể nuôi và phát triển được ở Việt Nam. Tuyên bố khoa học quan trọng này và lời mời đầy nhiệt huyết của Tiến sĩ Lê Thanh Lựu đã thúc đẩy Nguyễn Trọng Cử có quyết định táo bạo đầu tư sang thủy sản - một lĩnh vực “tay ngang” của ông.
Thế rồi Nguyễn Trọng Cử đã đi đến các vùng nuôi cá tầm ở Đức và các nước châu Âu để tìm hiểu về cách thức nuôi, cũng như làm như thế nào để đưa con cá tầm trở thành cá thương phẩm trên thị trường. Về Việt Nam được sự giúp đỡ của Tổng cục Thủy sản và Trung tâm khảo nghiệm của Tổng cục Thủy sản ông và các cộng sự đã được tổ chức Cites (cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) “bật đèn xanh”. Công ty gia đình Roehnforelle ở Đức với truyền thống nuôi cá hồi và cá tầm từ 130 năm nay được Nguyễn Trọng Cử chọn làm đối tác cung cấp giống.
Cá tầm Xiberi và cá tầm Nga có nguồn gốc từ xứ lạnh ôn đới nhưng lại có giá trị kinh tế cao, để nuôi trồng thành công ở xứ nhiệt đới như Việt Nam là điều cực kỳ khó khăn. Nhưng Nguyễn Trọng Cử đã biến điều không thể thành có thể. Sau nhiều cuộc khảo sát, ông và cộng sự đã lựa chọn Sa Pa là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho công tác khảo nghiệm giống. Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại đầu tư Việt Đức đã trở thành đơn vị tiên phong trong việc ấp nở và ươm 2 giống cá tầm Xiberi và cá tầm Nga, bằng nguồn trứng nhập khẩu tại trại giống Sa Pa, mở ra triển vọng nuôi thủy sản chất lượng cao trên núi. Năm 2011, Nguyễn Trọng Cử quyết định mở rộng, triển khai dự án nuôi cá tầm tại chân đập Hồ Xạ Hương (Vĩnh Phúc). Đến nay, giống cá tầm của Công ty Việt Đức đã được các hộ nuôi và các nhà khoa học đánh giá chất lượng tốt, đủ chủng loại và số lượng cung ứng cho nhu cầu của người nuôi.
Nguyễn Trọng Cử - Anke Friedel-Nguyễn và các con trong ngày bế giảng của con trai lớn.
Từ trại cá trên núi cao đến nhà hàng thành phố
Gian nan theo con cá tầm từ lúc nhập khẩu trứng, đến việc ấp nở thành công và đưa giống cá ra thị trường phát triển thành cá thương phẩm đã không ít lần Nguyễn Trọng Cử phải ngậm ngùi trước những rủi ro không biết kêu ai. Bởi trong mỗi lần ấp trứng cá tầm, rủi ro lại nằm ở khâu nhân lực do việc ấp trứng cá tầm cực khó kể cả với các chuyên gia đầu ngành. Vì vậy hầu như các kỹ sư thủy sản phải tự mày mò, học hỏi qua nhiều kênh khác nhau.
Cái lợi của ngành nuôi cá tầm tại Việt Nam đã hiển hiện; nhưng gần đây, ông lại tất bật với những lo toan khi con cá tầm Việt đang bị “bóp chết” trên chính sân nhà bởi cá tầm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc giống và thức ăn nhập lậu từ Trung Quốc.
Để bảo vệ uy tín của cá tầm Việt Nam và đối chứng với cá tầm nhập lậu, muốn người Việt phải được sử dụng sản phẩm cao quý mà dân của các nước giàu trên thế giới được hưởng thụ, Nguyễn Trọng Cử đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để mở Nhà hàng Thác Bạc – Sa Pa tại Hà Nội. Từ quả trứng cá hồi, cá tầm đã thụ tinh và thức ăn của các nhà cung cấp hàng đầu thế giới được nhập về Việt Nam, được nuôi dưỡng ở nguồn nước lạnh tinh khiết của Sa Pa và Tam Đảo với công sức của các kỹ sư thủy sản và bà con dân tộc, cá hồi, cá tầm qua chế biến sáng tạo của đầu bếp Việt Nam đã trở thành những món ăn hấp dẫn trên bàn ăn của nhà hàng Thác Bạc – Sa Pa. Nhà hàng đã chính thức đi vào hoạt động và nhanh chóng trở thành địa chỉ số 1 cho những người yêu thích cá tầm, cá hồi ở Thủ đô...
Nguyễn Trọng Cử đang kiểm tra con giống cá tầm tại trại giống Tam Đảo (Vĩnh Phúc)
Người vợ Đức “tòng phu” giúp chồng đầu tư tại quê hương
Từ một luật gia sống trên 35 năm ở Liên bang Đức, ông Nguyễn Trọng Cử trở thành nhà đầu tư thành công trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao. Sự thành công ấy có đóng góp không nhỏ của người vợ là người Đức của anh, chị Anke Friedel - Nguyễn. Trong thời gian ở Đức, chị luôn ủng hộ các hoạt động của anh hướng về Việt Nam; như: tham gia công việc thiện nguyện cho tổ chức phi chính phủ INKOTA của CHLB Đức hỗ trợ cho trẻ em tàn tật Việt Nam, hỗ trợ qua các dự án xây dựng trường và tạo việc làm cho trẻ khuyết tật ở Nghệ An, Quảng Trị, Hà Tĩnh và hiện nay đang thực hiện dự án “Người khuyết tật trồng rừng” ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh với kinh phí 15 tỷ VND. Là người Đức, nhưng chị dành tình cảm đặc biệt cho quê chồng. Chị đã hoàn thành luận văn về đất nước và con người Việt Nam qua những tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao.
Năm 1999, chị quyết định chuyển cả gia đình về quê chồng sống và làm việc. Rất bất ngờ, nhưng anh và các con tán thành. Vậy đâu là lý do chị quyết định chuyển cả gia đình về Việt Nam sinh sống? Chị cho biết, quê anh Cử còn nghèo lắm, ở Đức Thọ - Hà Tĩnh, đây vẫn là một làng quê thuần túy của miền Trung Việt Nam. Bởi chị biết, từ lâu anh đã có tâm nguyện muốn đóng góp cho quê hương bằng những việc làm thiết thực và chị là người đã hiện thực tâm nguyện đó. Với chị, để con trẻ sống ở Việt Nam, bọn trẻ sẽ có tuổi thơ, có những kỷ niệm về quê hương của bố, chúng có thể hiểu hơn về văn hóa của người Việt cũng như cội nguồn của gia đình.
Về Việt Nam, chị đã tham gia giảng dạy tiếng Đức tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, làm việc tại Viện Goethe Việt Nam và tại Sứ quán Đức tại Việt Nam. Còn anh thì làm Trưởng đại diện cho 1 số công ty của Đức đầu tư ở Việt Nam.
Trong cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trọng Cử tôi cảm nhận được mối nhân duyên sâu thẳm trong số phận một con người: Người con của nhà nông Việt Nam nửa đời người chu du học hỏi ở nước người nay trở về quê hương làm nông dân – trí thức để góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, từng bước xây dựng thương hiệu “cá tầm Việt” ra toàn thế giới.
Mỗi 1kg trứng cá tầm có giá trên 150 triệu đồng, mỗi đợt ấp trứng cả tỷ đồng; chỉ một chút sơ ý là trắng tay. Đến nay, để hệ thống trại giống, trại cá thương phẩm đi vào vận hành, Nguyễn Trọng Cử đã đầu tư hơn 25 tỷ đồng, một khoản tiền khá lớn cho con cá tầm, chưa kể chi phí chuyển giao công nghệ, đào tạo, thuê chuyên gia…
Nguồn: CAND.