Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản(Phần ba: Mở cửa và duy tân - thời đại Meiji)[4]

Tiết IV: Mạc phủ Edo cáo chung:

4.1 Vận động “thảo mạc”[1] khi biết “nhương di” khó thành:

Tuy lớn tiếng hô hào “nhương di” nhưng đến tháng 8 năm 1864 (Genji nguyên niên), phiên Chôshuu đã đụng vào cái mốc không thể vượt qua. Kể từ sau thời điểm đó, họ hiểu rằng khó lòng đánh đuổi được người ngoại quốc.

Hạm đội liên quân 4 nước Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan lúc đó đã nã trọng pháo tới tấp vào cảng Shimonoseki, thuộc lãnh thổ của phiên. Sau đó quân địch đổ bộ lên được, pháo đài trên đất liền của phiên đã bị giặc chiếm lĩnh (Vụ tứ quốc hạm đội pháo kích Shimonoseki, còn gọi là Mã Quan chiến tranh, 1864).

Thực ra, ngày 10 tháng 5 năm trước đó, Chôshuu đã pháo kích tàu ngoại quốc băng qua eo biển Shimonoseki và lúc này là cơ hội để liệt cường trả lễ. Sự kiện xảy ra làm cho người của phiên với kinh nghiệm bản thân, thấu hiểu rằng mình khó lòng bài xích người ngoại quốc nữa rồi.

Sau cuộc thảo phạt Chôshuu lần thứ nhất, trong nội bộ của phiên ở Chôshuu, lại xảy ra một cuộc đảo chánh do các ông Takasugi Shinsaku (Cao Sam, Tấn Tác, 1838-1867) và Katsura Kogorô (Quế, Tiểu Ngũ Lang) (về sau đổi thành Kido Takayoshi = Mộc Hộ Hiếu Duẫn, 1833-1877) thuộc phái “tôn nhương” (cách tân) thực hiện, đoạt lại chính quyền từ tay phái bảo thủ. Thế nhưng dù thành công, các ông ấy cũng bắt đầu bỏ chuyện nhương di qua một bên, chỉ còn giữ lại chủ trương thứ hai là “thảo mạc” tức là đánh đuổi cho được mạc phủ mà thôi.

Liên quan đến việc này, cũng nên nhắc là vào năm 1863 (Bunkyuu 3), Takasugi Shinsaku đã tổ chức một đạo quân chí nguyện với những thành viên không phân biệt gia thế hay gốc gác (họ là những võ sĩ cấp dưới, phú nông hay phú thương) và huấn luyện quân sự theo phương pháp Tây phương. Đạo quân này có tên là kiheitai (kỳ binh đội), lực lượng bán chính thức (dùng để tập kích địch) nếu đem so sánh với seihei (chính binh), lực lượng quân sự chính thức của phiên. Những tổ chức tương tự như thế lần lượt ra đời ở Chôshuu, gọi chung là shôtai (chư đội) và những những người này mới nắm vai trò trọng yếu trong bộ máy quân sự của lực lượng “thảo mạc”.

Nhà duy tân Takasugi Shinsaku (1839-1867) chỉ chịu thua bệnh tật

Cũng chính trong năm 1863 đó, phiên Satsuma cũng phải nhìn nhận việc “nhương di” khó lòng thực hiện. Chính vì hạm đội của người Anh đã đến tập kích cửa biển Kagoshima của họ, đốt rụi khu phố buôn bán dưới chân thành (jôkamachi), phá hoại hầu hết pháo đài và thuyền bè. Việc người Anh tiến đánh Kagoshima là để báo thù biến cố Namamugi (Sinh Mạch, một địa danh) xảy ra năm trước. Lúc đó võ sĩ phiên Satsuma đã sát thương người Anh.

Như chúng ta đã nhắc đến bên trên, Shimadzu Hisamitsu của phiên Satsuma đã lên Edo để đưa ra những đề án cải cách cho mạc phủ. Trên đường về, khi đi ngang qua thôn Namamugi (khu Tsurumi thành phố Yokohama ngày nay) thì cả đoàn tình cờ gặp một nhóm 4 thương nhân người Anh trên đường vản cảnh chùa Kawasaki Daishi. Bốn người Anh thấy sự tình như thế đã định tránh đi chỗ khác nhưng một người trong bọn luýnh quýnh quày ngựa không xong làm ngáng đường đoàn kiệu của lãnh chúa. Vài võ sĩ Satsuma bỗng nổi cơn phẫn nộ trước hành động mà họ cho là vô lễ nên tức khắc tiến lên gây hấn với nhóm người Anh. Kết quả là một người Anh bị chém chết tại chỗ và hai người khác mang thương tích.

Phía chính phủ Anh hết sức tức giận khi biết được việc đó.Họ bèn đưa chiến thuyền đến tận chân thành Kagoshima để đòi bồi thường. Nhân vì phiên Satsuma không khứng, thuyền Anh mới pháo kích vịnh Kagoshima. Sự kiện này được sử gia mệnh danh là Satsuei sensô (Chiến tranh giữa Satsuma và Anh). Khác với phản ứng của Chôshuu trước việc Liên quân 4 nước bắn phá Shimonoseki, phiên Satsuma đã biết trả đũa mạnh mẽ lại chiến thuyền Anh. Số bị thương phía người Anh lên hơn 60 người, hạm trưởng và hạm phó chiếc kỳ hạm (flagship) đều tử trận, một số chiến hạm bị hư hại nặng. Do đó, người Anh cũng nhận thức được sức mạnh của phiên Satsuma, khiến cho sau khi chiến tranh kết thúc, hai bên lại tạo được mối liên hệ mật thiết. Đặc biệt viên công sứ ngưới Anh là Parkes (Harry Smith Parkes, 1828-1885) còn mong muốn rằng phải chi có được chính quyền do một “hùng phiên” như Satsuma chỉ đạo phối hợp với triều đình lập một chính quyền liên hiệp, để thay thế mạc phủ hiện tại. Ông ta đã tìm cách lập một mật ước như thế với Satsuma[2]. Do đó Satsuma cũng thay đổi theo chiều hướng đó và bắt đầu có thái độ chống đối mạc phủ rõ rệt.

Công sứ Anh Harry Smith Parkes (Ba Hạ Lễ, 1828-1885) thân cận triều đình

Đối chiếu với thái độ của công sứ Anh Parkes là của công sứ Pháp Roches (Léon Roches, 1809-1900).

Công sứ Pháp Léon Roches (1809-1900) tận tình giúp mạc phủ

Cho tới nay, Roches một lòng một dạ tích cực chi viện cho mạc phủ từ tiền bạc đến quân sự. Ông không những hứa rằng nước Pháp của Napoleon III sẽ cho mạc phủ vay một trái khoản 600 vạn Mỹ kim mà còn đưa sĩ quan lục quân người Pháp đến giúp Nhật sửa đối chế độ quân đội, giúp đỡ mạc phủ xây dựng một thể chế trung ương tập quyền. Như thế ta thấy có một sự thiếu ăn ý nếu không nói là đối lập về chính sách giữa hai cường quốc Âu châu trên đất Nhật. Điều này đã làm cho tình hình quốc nội của Nhật rối rắm thêm.

Sau khi hàng phục được hùng phiên Chôshuu trong cuộc chinh phạt lần thứ nhất, mạc phủ đã ra lệnh cắt giảm đất phong đối với phiên này. Nhân vì phái cách tân của Takasugi Shinsaku vừa giành lại chính quyền từ tay phái bảo thủ cho nên Chôshuu không dễ gì mà chịu phục tùng lệnh ấy.

Mạc phủ bèn xuống lệnh tổ chức một cuộc thảo phạt Chôshuu lần thứ hai vào năm 1865 (Keiô nguyên niên), qua tháng 6 năm sau, thì quan binh mạc phủ bèn kéo xuống Chôshuu.

Thế nhưng một việc ngoài sức tưởng tượng của mạc phủ. Lực lượng của phiên Satsuma là những người đã đẩy lui quân Chôshuu biến loạn ở Cấm môn (Kinmon hay Hamaguri gomon) và rất tích cực tham gia trong cuộc chinh phạt lần thứ nhất để bắt Chọshuu  hàng phục thì nay lại cực lực phản đối việc xuất quân của mạc phủ. Rốt cuộc, họ không tham dự. 

Thực ra, hồi tháng 1 năm 1866 (Keiô 2), hai phiên Satsuma và Chôshuu đã bị mật ký kết một thỏa ước “công thủ đồng minh” (đánh dấu cho cuộc Satchô rengô = Sát Trường liên hợp). Mới một năm trước đây, họ còn là thù địch mà nay Satsuma và Chôshuu đã trở thành đồng minh, nhất trí trong chính sách “phản mạc phủ”. Bắt tay dễ dàng với nhau như vậy, có thể ta nghĩ họ là những kẻ thiếu tiết tháo nhưng phải chăng, đó là những gì thường xảy ra trên trường chính trị?

Phải nói là có một chất keo hàn gắn hai thế lực khó thể hòa hợp với nhau đó và đây là một cơ may cho Nhật Bản. Hiệp ước sở dĩ được ký kết là nhờ sự trung gian của hai nhà vận động chính trị xuất thân từ phiên Tosa (Thổ Tá, phía nam Shikoku): Sakamoto Ryôma (Phản Bản Long Mã, 1835-1867) và Nakaoka Shintarô (Trung Cương, Thận Thái Lang, 1838-1867). Ngoài ra còn phải kể đến đại diện của Satsuma là Saigô Takamori (Tây Hương Long Thịnh, 1827-1877) và đại biểu của Chôshuu là Kido Takayoshi (đã nhắc đến ở trên).

Còn cuộc chinh phạt Chôshuu lần thứ 2 của mạc phủ, nó đã đưa đến kết quả như thế nào?

Khi đưa đại quân tiến vào lãnh thổ Chôshuu, mạc phủ tưởng như có thể đè bẹp địch thủ thêm một lần nữa nhưng rốt cuộc đã nếm mùi thất bại. Họ thua hết trận này đến trận khác. Sĩ khí của bộ đội Chôshuu rất cao là chuyện đã đành nhưng ngoài ra, võ khí của Chôshuu là đồ của Tây phương, tối tân hơn. Hai yếu tố đó cộng vào nhau đã dẫn đến chiến thắng.

Hơn phân nửa số võ khí Tây phương mà Chôshuu có trong tay là do Satsuma đã cho nhập vào phiên từ đám thương nhân ngoại quốc rồi bí mật chở bằng thuyền đến cho những người bạn đồng minh mới mẻ này.

Trong cuộc thảo phạt Chôshuu, Shôgun Iemochi (Gia Mậu, 1846-1866) ốm chết trong thành Ôsaka. Ông mới 20 tuổi. Thế nhưng việc ông mất là một cái cớ tuyệt hảo để mạc phủ có thể điều binh rút lui mà không xấu mặt. Mạc phủ mượn cớ có đại tang Shôgun, kéo quân về và tự mình kết thúc cuộc chiến.

Như vậy, họ đã tránh được một cuộc đại bại trên danh nghĩa. Nhưng dưới mắt của mọi người, thất bại ấy thấy rõ mồn một. Quyền uy nhà chúa hầu như sụp đổ. Khổ thân cho họ là cuối năm ấy, Thiên hoàng Kômei (1831-1866) lại đột ngột băng hà. Mạc phủ mất một người đồng minh cuối cùng vì nhà vua là người ủng hộ sự liên kết giữa triều đình và mạc phủ với chiêu bài “công vũ hợp thể”. Kết quả, cái chết của ông đã khiến cho cuộc vận động thảo mạc gia tăng tốc độ. Mạc phủ lâm vào một tình huống nguy ngập. Nhân vì cái chết của Thiên hoàng Kômei xảy ra giữa lúc không ai ngờ tới nên có lời đồn đại phải chăng ông đã bị phái “thảo mạc” cho uống thuốc độc!

Sự hỗn loạn và phân tranh trong chính trị mạc phủ trình bày bên trên cũng như những biến chuyển trong tình hình kinh tế xuất phát từ việc mở của cho người ngoại quốc thông thương đã bao trùm lên toàn thể xã hội một bầu không khí bất an. Chính vì thế mà dân chúng hướng về các tôn giáo những mong tìm lấy sự cứu rỗi. Vùng Yamato có  Tenrikyô (Thiên Lý Giáo) với Nakayama Miki (1798-1887) làm giáo tổ, vùng Bizen thì có Kurozumikyô (Hắc Trú (Trụ) Giáo) do Kurozumi Munetada (Hắc Trú Tông Trung, 1780-1850) sáng lập, vùng Bichuu lại có Konkôkyô (Kim Quang Giáo) của Kawate Bunjirô (Xuyên Thủ Văn Trị Lang). Những giáo phái này đã lan tràn một cách nhanh chóng.

Cũng trong thời gian ấy, nổi lên một phong trào gọi là Okagemairi (Ngự âm tham) nghĩa là đitham bái Thần cung Ise. Năm 1867 (Keiô 3), có một đoàn lũ vừa đi vừa nhảy múa cuồng loạn vừa hát Ejanaika! (Thì chả tốt sao!) suốt một vùng từ Tôkai đến Kinki.

Số là nơi gọi là nhà trạm Goyu ở Owari, không biết từ đâu có những lá bùa rơi từ trến trời xuống Thần cung Ise, thế rồi hiện tượng này lan ra hết chỗ này đến chỗ khác khắp vùng Owari, dân chúng cho là điềm lành cho nên vui mừng, miệng thì hát “Thì chả tốt sao! Thì chả tốt sao!”, quơ tay quơ chân làm thành đoàn lũ đi khắp nơi trên những trục đường chính. Họ hát những câu như:

       Nhờ có Chôshuu mà một phần gạo chỉ mất có trăm tiền,

       Thì chả tốt sao?

Một tấm vải chỉ tốn có hai phân (bu),

Thì chả tốt sao? Thì chả tốt sao?

Nếu giá cả mọi thứ đều giảm,

Thì chả tốt sao? Thì chả tốt sao?[3]...

Đàn ông thì ăn mặc kiểu đàn bà, bà lão lại hoá trang thành thiếu nữ, rất là kỳ quặc, khó lòng ai có thể tưởng tượng đó là những hành vi có thể xảy ra trong cuộc sống bình thường. Những người này xông vào trong các quán trọ bên đường và cướp bóc đồ đạc, có khi còn phóng hỏa nữa. Có một khoảng thời gian, một vùng Keihan (Kyôto đến Ôsaka) lâm vào tình trạng vô chính phủ.Cuộc vận động ấy với khẩu hiệu “Thì chả tốt sao!” của dân chúng có lẽ đã thoát thai từ tập tục okagemairi tức việc đi hành hương ở đền Ise theo một chu kỳ nhất định. Tuy nhiên cũng có thuyết cho rằng, nó xuất phát từ bàn tay của phái “thảo mạc”. Những người này muốn tạo ra một cảnh tượng hỗn quân hổn quan để du mạc phủ vào thế bí.

Thế rồi, tư tưởng tôn vương không còn là một đặc quyền của giới sĩ phu nữa. Dần dà, nó đã thấm vào trong lối suy nghĩ của tầng lớp dân chúng nông thôn. Tư tưởng tôn vương vốn đến từ lập trường “phục cổ” như các học giả phái quốc học đề xướng nhưng nó cũng phù hợp với tinh thần yonaoshi ikki (nổi loạn để chỉnh đốn chính trị) của người bình dân. Trong các đại đô thị như thành phố Kyôto, việc vật giá tăng vọt và mạc phủ thiếu năng lực không tìm ra giải pháp thích ứng đã khiến cho người bình dân phẫn nộ cho nên đã làm xảy ra rất nhiều cuộc đập phá (uchikowashi) khắp nơi.

Tình hình xấu xa như vậy đã tạo nên sức ép, thúc bách phái “thảo mạc” phải chóng vánh thực hiện mục đích.

Satsuma và Chôshuu đi đầu trong việc thảo mạc.

Các hùng phiên như Satsuma và Chôshuu cuối đời Mạc phủ Edo đều có đặc điểm chung là ở xa, không được tin dùng nhưng thường có sức mạnh quân sự và kinh tế, nắm nhiều thông tin về nước ngoài. Satsuma đã có truyền thống độc lập tự thời Kamakura (1185-1333) còn họ Môri ở Chôshuu thì đã bị sơ viễn vì từng lãnh đạo Tây quân chống Ieyasu ở Sekigahara (1600). Hai thế lực này đã từ lâu nung nấu tình cảm chống đối lại chính quyền trung ương. Khi Hiệp ước giao hiếu thông thương Nhật Mỹ ký kết để mở các hải cảng cho người ngoại quốc mà không có sự đồng ý của Thiên hoàng, họ đã cáo buộc mạc phủ là “trái lệnh thiên tử” (ichoku = vi sắc). Trong tình trạng kinh tế hỗn loạn sau khi “khai cảng”, ý thức tôn quân nhương di và phản mạc đã thấm cả đến các võ sĩ cấp dưới.Thêm nữa, vụ đại ngục năm Ansei làm cho sĩ tộc thêm phẫn khái, đưa đến biến loạn sát hại đại thần Ii Naosuke ngoài cửa Sakuradamon (1860) do các lãng sĩ phiên Mito. Chính ra nhóm Seichuugumi (Tinh trung tổ) của phiên Satsuma (với Ôkubo Ichizô, sau đổi tên thành Toshimichi) cũng đã muốn tham gia nhưng cố sức mấy họ vẫn không thuyết phục nổi lãnh chúa Shimadzu Shigehisa cho phép. Thành thử chỉ có mỗi một người trong bọn tham dự vào cuộc biến loạn. Một năm sau, phiên Tosa đã thành lập Kinnôtô (Cần vương đảng) giương ngọn cờ nhương di. Chôshuu cũng muốn báo thù cho Yoshida Shôin, nhà tư tưởng tôn nhương vốn bị chém đầu trong vụ đại ngục Ansei. Riêng Mito và Tosa dù tôn vương nhưng vì lý do liên hệ gần gủi với nhà chúa nên buổi đầu hãy còn nặng lòng tá mạc. 

Sau đó thì lịch sử đi đến một thời hỗn độn, nhiều khuynh hướng đồng thời xuất hiện. Một bên là khuynh hướng hòa giải triều đình và mạc phủ (kôbu gattai = công vũ hợp thể), một bên là những hành động nhương di quá khích có tính khủng bố (các vụ Huysken 1860, vụ Tôzenji 1861, vụ Namamugi 1862) cũng như những sự thanh toán lẫn nhau do sự hiểu lầm (vụ Teradaya 1862). Thế nhưng sức mạnh của pháo hạm Anh bắn vào Kagoshima (chiến tranh Anh-Satsuma 1863) khiến cho người phiên Satsuma tỉnh mộng khi thấy khả năng nhương di khó thành, phải đặt ưu tiên cho việc đảo (thảo) mạc nghĩa là đánh đổ mạc phủ (phản mạc khai quốc luận), thống nhất nội bộ cái đã rồi tính sau. Trong lúc đó thì Chôshuu vẫn tiếp tục con đường nhương di, bắn cả vào thuyền Mỹ đang đi qua biển Shimonoseki. Chỉ đến khi chính Chôshuu có những vụ xung đột với phía mạc phủ (vụ Ikedaya 1864,vụ Kinmon 1864, hai lần bị chinh phạt 1864, 1866) và ăn đạn của liệt cường (vụ tàu 4 nước pháo kích Shimonoseki, 1864) và nỗ lực hàn gắn và chuyển hướng của những nhà lãnh đạo trẻ và võ sĩ cấp thấp (Sakamoto Ryôma, Saigô Takamori, Kido Takayoshi, Takasugi Shinsaku...) thì mới thay đổi cách nhìn để từ đấy, có một sự liên kết lâu dài với Satsuma[4] và bắt đầu chung sức cho một công cuộc đổi đời đại qui mô vượt qua biên giới của phiên trấn.

Năm 1867 (Keiô 3), sau khi Hội nghị 4 chư hầu (Shimadzu Hisamitsu của Satsuma, Yamanouchi Toyoshige của Tosa, Date Munenori của Sendai, Matsudaira Yoshinaga của Fukui) thất bại vì không tìm ra giải pháp trung dung, họ bắt buộc chọn đề nghị của Tosa là khuyên mạc phủ trao trả quyền hành cho triều đình (Đại chính phụng hoàn). Thế nhưng đây có thể cũng là kế sách của Shôgun thứ 15 Yoshinobu muốn lập ra thể chế “công nghị”, một thứ mạc phủ không có danh xưng mạc phủ, hòng kéo dài thời gian cho nhà chúa. Điều đó làm cho mật chiếu thảo mạc mà Iwakura Tomomi và liên minh Satsuchô vừa xin được không còn đối tượng nên bị hụt hẫng. Vì thế phía liên minh mới họp nhau ban hành Daigôrei (Đại hiệu lệnh vương chính phục cổ) và đưa yêu sách bắt Yoshinobu “từ quan nạp địa”mà ta sẽ nói đến.

4.2 Trao trả quyền hành cho triều đình. Mạc phủ Edo hạ màn:

Sau khi Shôgun Iemochi (Gia Mậu) chết rồi, người từng tranh cái ghế Shôgun đời thứ 14 với Iemochi là Tokugawa (Hitotsubashi) Yoshinobu đã trở thành Shôgun đời thứ 15.

Yohinobu có điểm tựa là viên công sứ Pháp Roches và đã mượn sức của ông này để thi hành việc cải cách hành chánh, mong đem lại cho chính quyền mạc phủ của mình một sức mạnh nào đó.

Mặt khác, phiên Satsuma đã kịch liệt đối kháng với việc triều đình muốn trừng phạt Chôshuu. Bởi vì đã liên kết với Chôshuu (Sát-Trường liên hợp), nhân đó họ yêu cầu triều đình hãy thẩm nghị lại để giảm tội cho phiên ấy nhưng tân Shôgun Yoshinobu cho rằng phải đặt chuyện thương lượng mở cửa hải cảng Hyôgo hay không với người ngoại quốc mới là vấn đề tiên quyết. Rốt cuộc hai bên không ai nhường ai, thành ra đối thoại lâm vào bế tắc.               

Tokugawa Yoshinobu (1837-1913)

Kể từ lúc ấy, Satsuma và Chôshuu đồng ý với nhau rằng phải dùng võ lực để lật đổ mạc phủ chứ không còn cách nào khác.Họ câu kết với Iwakura Tomomi (Nham Thương, Cụ (Câu) Thị, 1825-1883), một công khanh hiện có thế lực vào bậc nhất trong triều đình. Ngày 14 tháng 10 năm 1867 (Keiô 3) họ đã thành công nắm trong tay tấm mật chiếu với lời dụ “Hãy lật đổ mạc phủ!”. Lấy sắc chiếu đó làm hậu thuẫn, liên minh Satchô (Sát Trường) rục rịch thực hiện giải pháp quân sự, thế nhưng họ đã cuốc lấy thất bại. Chỉ vì một ngẫu nhiên kỳ lạ là, trong cùng một ngày ấy, Shôgun Yoshinobu đột nhiên tuyên bố trao trả chính quyền cho triều đình. Sử Nhật gọi biến cố đó là Taisei hôkan (Đại chính phụng hoàn).

Đúng ra, phái chủ trương dùng biện pháp quân sự để lật đổ mạc phủ trong liên minh Satchô muốn nói rằng: “Chính trị của mạc phủ không đi đúng hướng, phải lật mạc phủ để tổ chức một chính quyền mới mà triều đình đóng vai trò chủ chốt!” Thế mà bây giờ chính quyền họ muốn lật đổ đã trao lại quyền hành một cách dễ dàng như vậy, thành thử liên minh không còn có cái “đại nghĩa danh phận” họ mong muốn.Nói cách khác, sắc chiếu “thảo mạc” không có đối tượng và mất hết ý nghĩa.

Người đã khuyên Shôgun Yoshinobu trao trả chính quyền là một nhân vật thuộc phái “công vũ hợp thể”, nguyên lãnh chúa phiên Tosa, Yamauchi Toyoshige (Sơn Nội, Phong Tín, 1827-1872). Ông được ca tụng như một trong bốn người lãnh đạo sáng suốt (hiền quân) cuối đời mạc phủ. Yamauchi đã nghe theo lời đại thần của phiên Tosa tên là Gotô Shôjirô (Hậu Đằng, Tượng Nhị Lang, 1838-1897) nên mới hiến kế cho Shôgun. Còn như nói về người đã thuyết phục Gotô theo chủ trương đó thì không ai khác hơn là một chí sĩ của phiên Tosa, Sakamoto Ryôma (Phản Bản, Long Mã, 1835-1867). Ryôma cũng là trang tuấn kiệt đã thành công một việc cực kỳ khó khăn là nối kết 2 phiên Satsuma và Chôshuu - những người vốn chỉ chực tuốt kiếm diệt nhau - để họ trở thành đồng minh.

Sakamoto Ryôma (1839-1867) 

Tóm lại, vai trò và dấu ấn của Ryôma rất lớn lao sâu sắc trong chính trị cuối thời mạc phủ. Đáng tiếc là một tháng sau việc nói trên xảy ra, Ryôma đã bị một nhóm người lạ mặt ám sát chết lúc mới có 32 tuổi trong một căn nhà trọ ở giữa Kyôto. Tuy không rõ phạm nhân là ai (mạc phủ hay Satchô) nhưng có sác xuất lớn là ông đã chết dưới bàn tay của liên minh Satchô. Lý do là những người này đang tức tối vì biện pháp hòa bình mà ông đề xướng đã làm bọn họ xôi hỏng bỏng không[5]. Dù sao, ngày nay, người Nhật tôn xưng ông như người anh hùng số một của công cuộc đổi mới thời Meiji.

Katsu Kaishuu và Sakamoto Ryôma[6]

Hai nhân vật mà địa vị chính trị và định mệnh hầu như khác hẳn lại có mối giao tình rất đặc biệt trong cảnh sóng to gió lớn của chính trường cuối đời mạc phủ.Hai người đã quen nhau lúc Ryôma lên Edo trau dồi kiếm thuật và trưởng thành như một chí sĩ từ phiên Tosa với hoài bảo tôn quân nhương di. Đó là năm 1862 (Bunkyuu 2), Ryôma 28 tuổi. Có người bảo Ryôma lúc đó đi cùng một kiếm khách, Chiba Jutarô, tìm gặp Katsu Kaishuu, với ý định nếu chính kiến bất đồng thì sẽ giết bỏ. Thế nhưng theo những nghiên cứu gần đây thì sự thể không hẳn xảy ra như vậy. Ông đã tìm gặp Kaishuu một cách thân thiện qua sự giới thiệu của cựu phiên chủ vùng Echizen là Maitsudaira Yoshinaga. Có lẽ lúc ấy Ryôma đã thay đổi lập trường chính trị cứng rắn của mình và đang đi tìm một đường lối khác thỏa đáng hơn.Còn Kaishuu thì đã 40, có địa vị vững vàng của một mạc thần giữ trọng trách trong hải quân. Theo như lời thuật lại, Kaishuu đã thuyết phục được Ryôma tại chỗ để ông chuyển hướng theo lập trường của mình. Người ta xem đây là một cuộc gặp gỡ rất quan trọng trong lịch sử Nhật Bản cận đại.

Kaishuu sinh năm 1823 (Bunsei 6) ở Edo, xuất thân gia đình hatamoto tức nhóm cận thần của Shôgun nhưng nhà lại thanh bần. Ông học kiếm thuật và sau đó theo cái học Hà Lan do ảnh hưởng của Sakuma Shôzan, một nhà tư tưởng tiến bộ thời ấy. Khi Perry đến Nhật, ông đã dâng kế sách phòng thủ bờ biển (Hải phòng luận) và cải cách binh chế theo lối Tây phương. Lập luận ấy được chính quyền để mắt tới và dùng ông, lại cho đi học trường đào tạo hải quân đầu tiên ở Nagasaki. Năm 1860, ông đã đủ sức điều khiển chiếc tàu kiểu mới tên là Kanrinkan hộ tống sứ thần Nhật Bản vượt đại dương đến Mỹ. Khi về nước, ông lại dạy pháo thuật ở trường hải quân và trở thành một trụ cột của quân đội Nhật.

Ryôma nhỏ hơn Kaishuu 12 tuổi. Ông sinh năm 1835 (Tenpô 6) trong một gia đình thân hào địa phương ở Kochi trên đảo Shikoku.Thuở nhỏ nhút nhát nhưng nhờ theo học kiếm thuật mà thay đổi tính khí. Khi Perry đặt chân lên đất Nhật, ông đang tu nghiệp kiếm thuật ở Edo. Gặp gỡ Kaishuu trước và Kawata Koryuu (Hà Điền, Tiểu Long) sau, ông đã chịu ảnh hưởng của hai người. Riêng Koryuu, trí thức hàng đầu của phiên Tosa, là họa gia phái Kanô, từng xuất bản hồi ký của Nakahama (John) Manjirô, một thiếu niên bị đắm thuyền được tàu Mỹ vớt đem về Mỹ, nhân đó biết nhiều về tình hình thế giới. Koryuu cũng từng xuống Nagasaki du học, tận mắt nhìn thấy những tiến bộ khoa học kỹ thuật Tây phương như lò phản xạ của phiên Satsuma...Do ảnh hưởng hai nhân vật nói trên mà tư tưởng nhương di trước đó của Ryôma chỉ còn có tính cách lý thuyết chứ không còn tồn tại trong thực tế. Về sau, Ryôma trở lại quê nhà, một thời đứng trong hàng ngũ các chí sĩ của phiên Tosa (Tosa cần vương đảng) nhưng chẳng bao lâu lại thoát phiên để có thể hành động tự do, không bị bó buộc vì kỹ luật quá khắt khe và cổ hũ của tập đoàn.

Kaishuu và Ryôma còn gặp nhau một lần nữa trong tình sư đệ ở trường huấn luyện hải quân Kobe. Con đường của hai người từ đấy tuy có khác nhưng đều cùng chung một mục đích là xây dựng một nước Nhật mới. Kaishuu ở bên trong guồng máy của mạc phủ mà vẫn không ngừng tham gia vào những hoạt động cải cách. Ryôma ở bên ngoài, lúc đi buôn, lúc sống đời lãng sĩ mà vẫn bàn tính cùng Saigô Takamori, Komatsu Tatewaki, Kido Takayoshi... tìm mọi cách thuyết phục các hùng phiên cộng tác với nhau, đòi hỏi mạc phủ trả lại chính quyền cho nhà vua nhằm thống nhất tiềm lực quốc gia, một điều rất cần thiết để đổi mới đất nước. Tuy Thuyền trung bát sách (Senchuu hassaku, Tám kế sách nghĩ ra khi ngồi trên thuyền, 1867) và Phiên luận (Bàn về các phiên) của Ryôma hãy còn chưa chín chắn nhưng nó đã thành công vì trực tiếp dẫn đến sự kiện “đại chính phụng hoàn” của Shôgun cuối cùng, Tokugawa Yoshinobu. Nội dung của Thuyền trung bát sách như sau:

  1. Trao trả chính quyền trong thiên hạ về cho triều đình.
  2. Đặt ra 2 nghị chính cục, thượng và hạ, trong đó các nghị viên sẽ cùng nhau bàn việc nước .
  3. Dùng nhân tài bất luận công khanh, chư hầu hay những người khác, bãi các quan lại cho đến nay đã tỏ ra bất tài, hữu danh vô thực.
  4. Mở rộng quan hệ với ngoại quốc, ấn định với họ những qui ước thỏa đáng.
  5. Dung hòa pháp luật mới và cũ, làm ra một đại điển với nội dung uyển chuyển, thường xuyên mở rộng
  6. Phải xây dựng, phát triển hải quân.
  7. Phải đặt ra đội thân binh để bảo vệ Thiên hoàng và đế đô.
  8. Thiết lập phép bình quân về vàng bạc hóa tệ với nước ngoài.

Người ta nhận thấy rằng cách nhìn tương lai Nhật Bản của Ryôma trong Thuyền trung bát sách của Ryôma không hẳn đúng với chính sách mà chính phủ phiên phiệt Satchô sẽ thực hiện về sau. Ryôma bị ám sát, mất sớm ở tuổi 32 (1867) không nhìn thấy sự nghiệp duy tân thành tựu nên ta không thể biết phản ứng của ông lúc đó sẽ như thế nào. Còn Kaishuu thì sống đến năm 1899 (77 tuổi) sau khi đã hiệp nghị thành công với Saigô Takamori để thực hiện việc thành Edo hàng phục chính quyền mới mà không đổ máu. Tuy là Thượng thư Bộ Hải Quân và Cố vấn Xu Mật Viện thời Duy Tân nhưng ông không đóng vai trò chủ yếu trên vũ đài chính trị và thường phê phán chính phủ, nhất là trong thái độ của họ đối với Trung Quốc nhà Thanh. Có thể qua đó mà ta tưởng tượng được phản ứng của Ryôma nếu ông còn sống. 

Katsu Kaishuu ( 1823-1899), kẻ bại trở thành thắng

Việc Shôgun Yoshinobu ra tay trước đã làm cuộc chuẩn bị dùng biện pháp quân sự để lật đổ mạc phủ do 2 phiên Satchô chủ trương bị ngừng lại. Thế nhưng chỉ mấy hôm sau, ngày 9 tháng 12 năm ấy, họ đã vận động để triều đình ban lệnh phục hồi quyền hành của Thiên hoàng (Ôsei fukko no Daigôrei = Vương chính phục cổ đại hiệu lệnh, 1867, từ đây gọi tắt là Daigôrei).

Trên thực tế, lệnh này tuyên cáo việc thành lập chính quyền mới do Thiên hoàng Meiji (Minh Trị, tại vị 1867-1912, sống 1852-1912) lãnh đạo sau khi nhận được quyền bính do nhà chúa trao trả. Lệnh này cũng có ý nghĩa là chính thức dẹp bỏ mạc phủ kể từ đấy. Các chức vụ có tự thời xưa như sesshô (nhiếp chính), kanpaku (quan bạch) nhân đó cũng không còn tồn tại nữa.Kể từ đây, tân chánh phủ sẽ được điều khiển bởi sanshoku (tam chức) tức 3 chức vụ trọng yếu: sôsai (tổng tài), gijô (nghị định) và sanyo (tham dử, tham dự). Có thể nghiên cứu sử liệu bên ngoài để hiểu rõ hơn về nội dung của Đại hiệu lệnh (Daigôrei) này.

Chính phủ mới đặt các người có thế lực trong các phiên nổi tiếng vào chức san.yo (tham dử, tham dự). Hình thái của chính quyền do đó phản ánh sự kết hợp thế lực của các “hùng phiên”. Các vị được chỉ định vào chức sanyo là Saigô Takamori và Ôkubo Toshimichi của phiên Satsuma,Gotô Shôjirô, Fukuoka Takachika của phiên Tosa, về sau thì có thêm Kido Takayoshi và Hirosawa Saneomi của Chôshuu. 

Gotô Shôjirô (1838-1897) có công kêu gọi mạc phủ trao trả quyền hành

Thế nhưng tại sao hãy còn có người vẫn xem việc ban hành Daigôrei để phục hồi vương quyền như một cuộc đảo chánh của phái “thảo mạc” đối với mạc phủ? Đó là vì khi chọn kế sách “hùng phiên liên hợp” để thành lập tân chánh phủ, phái thảo mạc đã cố tình ngăn chặn khả năng Shôgun cũ là Tokugawa Yoshinobu có được một chân đứng trong chính quyền mới.

Cho dù không còn là Shôgun nữa nhưng Yoshinobu vẫn là người đứng đầu đại tộc Tokugawa, là một lãnh chúa có đất đai và thế lực lớn nhất Nhật Bản. Không cho ông gia nhập chính quyền mới chính ra là một quyết định không ổn thỏa. Vì vậy người ta mới đi đến kết luận là hai phiên Satchô, với chủ trương dùng quân sự để đánh đuồi mạc phủ,  đã làm một cuộc chính biến bằng văn bản để loại trừ hẳn ảnh hưởng của thế lực nhà chúa.

Ngay cái đêm mà Daigôrei phục hồi vương quyền được đưa ra, các nhân vật nắm giữ “tam chức” (lãnh chúa và trọng thần của 5 phiên Owari, Echizen, Aki, Tosa, Satsuma) đã có một cuộc hội họp với sự chủ tọa của Thiên hoàng Meiji. Phiên họp này có tên là Kogosho kaigi (Tiểu ngự sở hội nghị) – nói khác đi – đó là phiên họp của một triều đình thu nhỏ. Trong phiên họp này, hai phái “thảo mạc” và “công vũ hợp thể” đã kịch liệt đối lập với nhau.

Vấn đề chính đã được đem ra bàn cãi là số phận của Yoshinobu. Cuộc nghị luận không xảy ra một cách êm thắm nhưng ngược lại, đã rất gay cấn giữa “tam chức”, đến khuya mới ngã ngũ. Kết cuộc, phái thảo mạc đã chèn ép được phái “công vũ”, bắt Shôgun Yoshinobu từ chức Naidaijin (Nội đại thần) và trả lại đất phong (jikannôchi = từ quan nạp địa).

Thực ra trong cuộc họp, phái có cảm tình với gia đình Tokugawa (gọi là Kôgi seitaiha = Công nghị chính thể phái, chủ trương bàn luận chính trị công khai) vốn đông hơn phái muốn đánh đổ mạc phủ bằng võ lực.Người như Yamanouchi Toyoshige (từng chủ trương công vũ hòa hợp) của phiên Tosa còn chủ trương phải mời cả Tokugawa Yoshinobu tham dự cuộc họp, cực lực đối đầu với luận điệu bài xích mạc phủ của Ôkubo Toshimichi phiên Satsuma và công khanh Iwakura Tomomi.

Nhưng rồi phái chủ trương sử dụng võ lực để thảo mạc đã đè bẹp được phái “công nghị” thiên về thương thảo. Nhân vì Ôkubo và Iwakura đe dọa sẽ sẳn sàng chém giết nhau với những ai muốn ủng hộ Yoshinobu nên lúc đó, nhóm các ông Yamanouchi phải đành ngưng đấu lý nhưng không vì thế mà xem như vấn đề đã giải quyết xong.

Dù muốn dù không, có thể nói quyết định của hội nghị trên thật quá tàn nhẫn đối với gia đình Tokugawa. Thế nhưng cũng chính vì lý do đó mà những người theo phái công nghị vốn có cảm tình với Yoshinobu thấy mình chưa thể hoàn toàn buông tay chịu trận. Sự việc như thế nào, chúng ta sẽ thấy trong những trang sau.

Đổi hướng câu chuyện một chút và cũng để kết thúc chương này, hãy bàn qua về văn hoá cuối đời mạc phủ, thời điểm mà chính phủ mới chuẩn bị thành lập.

Số là sau khi mở cửa biển và giao thương với nước ngoài, Nhật Bản đón tiếp nhiều người ngoại quốc đến nước mình.Dĩ nhiên hơn phân nữa là những nhà buôn lo chuyện mậu dịch nhưng cũng có nhiều giáo sĩ truyền đạo Ki-tô. Những người này nhiệt tâm hoạt động trong lãnh vực giáo dục và ngay cả việc phát hành báo chí. Trong bọn họ, có người Mỹ James Curtis Hepburn (1815-1911), một y sĩ. Ông đã mở một phòng khám bệnh để chữa chạy cho người trong nước và ngoài ra còn mở trường dạy tiếng Anh, tích cực truyền bá văn hoá Tây phương cho người Nhật.

Nhà văn hoá J.C. Hepburn và những người Tây phương đầu tiên

J.C.Hepburn vốn theo đạo Tin Lành phái Trưởng Lão (Presbyterian Church). Người đa tài, vừa là thầy thuốc, nhà truyền giáo, nhà giáo dục và học giả ngành ngôn ngữ, xuất thân danh môn Princeton. Ông đặt chân đến Nhật vào năm 1859 (Ansei 6) tức vài năm trước thời Nhật Bản mở cửa. Bên cạnh việc chữa bệnh và truyền đạo, ông đã soạn bộ từ điển Anh Nhật-Nhật Anh nhan đề Hòa Anh Ngữ Lâm Tập Thành (1867). Ông đã sáng tạo cách phiên âm tiếng Nhật qua chữ La Mã (được biết như hệ thống Romaji của Hepburn) mà ngày nay đã trở nên thông dụng trong học giới. Ông cũng đã thành lập Meiji Gakuin (Minh Trị học viện) và là viện trưởng đầu tiên của trường này cũng như đóng góp nhiều trong việc dịch Kinh Thánh qua tiếng Nhật. Ở thành phố Kanagawa, người ta quen gọi ông là Dokutoru Hebon (Dr Hepburn) nên ông cũng tự đặt cho mình tên Nhật là Hebon (Bình Văn). Năm 1892 (Meiji 2), Hepburn về nước, sống đến 96 tuổi.

Tiến sĩ kiêm bác sĩ y khoa James Curis Hepburn (1815-1911)

Sau đây là những người Tây phương khác đã đóng những vai trò quan trọng trong lịch sử Nhật Bản thế kỷ 19.

 

Tên tuổi

(Quốc tịch)

Năm sinh và mất

Thời kỳ lưu trú

Kinh lịch

 

Townsend Harris (Mỹ)

1804-1878

1856-62

Lãnh sự (sau là Công sứ) đầu tiên. Ký kết Hiệp ước giao hiếu thông thương Mỹ Nhật. Tác giả hồi ký “Thời lưu trú ở Nhật Bản”.

 

Hendrik Huysken

(Hà Lan)

1832-60

1856-60

Thông dịch viên cho Townsend Harris ở công sứ quán Mỹ. Bị nhóm lãng sĩ giết hại..

 

Sir Rutherford Alcock

(Anh)

1809-97

1859-64

Tổng lãnh sự (sau là Công sứ). Chủ trì việc pháo kích Shimonoseki của lực lượng 4 nước. Tác giả Taikun no miyako (Kinh đô của đại quân). “Đại quân” ám chỉ Shôgun.Nguyên ủy của chữ tycoon.

 

Sir Harry Parkes (Anh)

1828-85

1865-83

Công sứ. Đối lập với Công sứ Pháp Léon Roches. Ủng hộ Liên minh thảo mạc Satchô. Tác giả xã thuyết “Bàn về chính sách nước Anh”.

 

Sir Ernest Satow

(Anh)

1843-1929

1862-69

1870-82

Lãnh sự ở Nhật. Nỗ lực trong việc xin phê chuẩn hiệp ước Nhật Anh. Có viết “Cuộc Duy Tân Minh Trị dưới mắt một nhà ngoại giao”.

 

Léon Roches

(Pháp)

1809-1901

1864-68

Công sứ. Đối lập với Công sứ Anh Harry  Parkes. Ủng hộ mạc phủ và từng kiến nghị Shôgun Yoshinobu thi hành cải cách.

 

So với Hepburn và trong một chiều hướng ngược lại, khi nói đến việc giới thiệu văn hoá Nhật Bản cho người phương Tây phải nhắc tới viên công sứ người Anh (Sir Rutherford) Alcock (1809-1897). Ông là ngoại giao đầu tiên của người Anh đến phó nhậm ở Nhật, đã thu thập nhiều đồ mỹ nghệ để trưng bày ở hai Hội chợ quốc tế (Việt Nam xưa gọi là “đấu xảo”) ở London (1862) và Paris (1867), cống hiến to lớn cho việc quốc tế đánh giá cao văn hoá Nhật Bản. Nhân các hội chợ vừa kể, các tác phẩm ukiyoe của Katsushika Hokusai đã được đem ra trưng bày.            

Sir Rutherford Alcock (1809-1897)            Sir Ernest Mason Satow (1843-1929)

 

Chư phiên Nhật Bản cũng lần hồi tiếp thu văn hoá và chế độ của Âu Mỹ nhờ ở những du học sinh họ gửi ra nước ngoài[7]. Kể từ sau việc thiết lập Yôshoshirabesho (Dương thư điều sở) là nơi thu thập tra cứu, phiên dịch sách vở phương Tây, hậu thân của Bansho shirabesho (Phiên thư điều sở) vốn có ý nghĩa là nơi thu thập tra cứu sách vở của ngoại quốc (phiên), cơ sở này lần lượt đổi tên thành Kaiseijo (Khai thành sở) rồi Kaisei gakkô (Khai thành học hiệu) và cuối cùng là Đại học Tôkyô bây giờ. Từ nơi đây, hai giáo sư là Nishi Amane (Tây, Chu, 1829-1897) và Tsuda Mamichi (Tân Điền, Chân Đạo, 1829-1903) đã sang Hà Lan. Phiên sĩ Chôshuu là Itô Hirobumi (Y Đằng, Bác Văn, 1841-1909) và Inoue Kaoru (Tỉnh Thương, Hinh, 1836-1915) cũng như phiên sĩ Satsuma là Mori Arinori (Sâm, Hữu Lễ, 1847-1889) đã sang Anh du học.Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch, Dụ Cát, 1884-1901), một võ sĩ cấp thấp của phiên Nakadzu trên đảo Kyuushuu cũng theo sứ bộ của mạc phủ thăm viếngMỹ và Âu châu để thu thập kiến văn. Đó là những nhân vật về sau đã góp phần xây dựng cơ sở cho văn hoá và học thuật thời Meiji.

........................................

[1]Trong Nhật ngữ, từ tôbaku có thể viết là thảo mạc (đánh đuổi mạc phủ, như trong cụm từ sonnô tôbaku = tôn hoàng, thảo mạc) hay đảo mạc (lật đổ mạc phủ).

[2]Guillaume Carré (Histoire du Japn, tr.975) cho rằng một bài xã thuyết của Ernest Mason Satow được dịch sang tiếng Nhật nhan đề Eikoku sakuron (Bàn về chính sách của nước Anh) trên tờ Japan Times (dưới bút danh) vào năm 1866 đã phản ánh quan điểm này.

[3]Guillaume Carré, Histoire du Japon (Hermann xb), tr.983.

[4]Mọi việc xảy ra rất nhanh chóng. Minh ước Satsuma và Tosa thực hiện vào tháng 6 năm 1867 (Keiô 3). Sang tháng 9 cùng năm thì 3 phiên Satsuma, Chôshu và Aki cũng lập minh ước đánh đổ mạc phủ. Ngày 14 tháng 10, Shôgun Yoshinobu thượng tấu trao trả chính quyền cho triều đình (Đại chính phụng hoàn). Tháng 11, Ryôma và bạn đồng chí là Nakaoka Shintarô bị ám sát chết ở Kyôto.

[5]Về sau, quân triều đình mà đại bộ phận là Liên minh Satchô đã đem thủ lãnh Kondô Isami của Shinsengumi ra xử, trong số những tội danh có việc giết Ryôma nhưng đâu là sự thật?.

[6]Theo Story Nihon no reshi, Yamakawa xuất bản, tr.6-7.

[7]Phân loại thì trong số 135 người được gửi đi du học ngoại quốc từ 1862 đến 1867, gồm 62 mạc thần, 58 phiên sĩ và 15 người khác. (Nguồn: Cận đại Nhật Bản hải ngoại lưu học sử). 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522892

Hôm nay

2142

Hôm qua

2282

Tuần này

21666

Tháng này

220831

Tháng qua

121009

Tất cả

114522892