Nhìn ra thế giới

Trung Quốc – Việt Nam – ASEAN: Chuông nguyện hồn ai?

 

Hôm nay là tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu vũ trang Trung Quốc bắn trụi cabin. Ngày mai là diễn tập đổ bộ lên khu vực rạn san hô James Shoal gần Malaysia và Brunei... Các thành viên ASEAN dù có tảng lờ trước những hành động côn đồ của Bắc Kinh trên Biển Đông thì cũng khó mua được sự yên ổn. Chuông sẽ nguyện chính hồn các bạn đó!

Một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc chối tội trước đông đảo các nhà báo trong nước và quốc tế, thì nay, cũng theo Tân Hoa Xã, một sĩ quan Hải quân nước này đã đứng ra công nhận là tàu của Trung Quốc có bắn pháo sáng về hướng của tàu đánh cá Việt Nam, nhưng hai quả pháo sáng ấy đã tắt ngay khi ở trên không (?) Cách giải thích vụng về này của quan chức Hải quân được bộ Quốc phòng Trung Quốc quảng bá hôm 27/3 là một động thái “dấu đầu hở đuôi” để chạy tội và nhằm làm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của “hành động hải tặc” mà Bắc Kinh đã gây ra cho các ngư dân Đà Nẵng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn trắng trợn lên giọng: “Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam tiến hành các bước nghiêm túc nhằm cải thiện việc giáo dục và quản lý ngư dân…”. Tuy nhiên, khi bị phóng viên quốc tế truy vấn liệu trên thực tế tàu vũ trang Trung Quốc có bắn vào tàu cá của Việt Nam hay không, ông Hồng Lỗi từ chối xác nhận và đã phải nói tránh đi là “chiếc tàu cá Việt Nam không hề bị thiệt hại vào lúc đó”. Thật là phi logic và ngỗ ngược hết chỗ nói! Chối tội không bắn, nhưng lại xác nhận là tàu cá Việt Nam lúc ấy không bị thiệt hại gì (!)

Trong khi đó thì những người đứng đầu đảng/nhà nước Trung Quốc lại không ngớt rao giảng hòa bình. Trước khi lên đường dự hội nghị BRICS, Chủ tịch Tập Cận Bình, được báo chí trích dẫn hôm 19/3: “Trung Quốc sẽ gánh vác càng nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế theo khả năng, đóng góp to lớn hơn cho hòa bình và phát triển của nhân loại, Trung Quốc kiên định bất di bất dịch đi con đường phát triển hòa bình”. Vào ngày 17/3, tân Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cam kết sẽ giữ vững hòa bình và sự ổn định tại châu Á-Thái Bình Dương: “Một Trung Quốc hùng mạnh sẽ không theo đuổi bá quyền”.

Ông Tập, ông Lý nói vậy nhưng trên thực tế đã hành động ngược lại! Kể từ khi tái lập quan hệ ngọai giao giữa hai nước năm 1991, chưa bao giờ an ninh và chủ quyền Biển Đông của Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng như mấy tháng gần đây. Ngày 20/3 không phải là lần đầu tiên, các tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động tại ngư trường truyền thống xung quanh khu vực Hoàng Sa và Trường Sa bị các tàu vũ trang của Trung Quốc tấn công. Đã có tới cả trăm trường hợp tàu cá Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, tịch thu ngư cụ và đòi tiền chuộc.

Vẫn không tránh khỏi tai họa

Trong số các nước Đông Nam Á có tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh, Malaysia và Brunei thường cố tránh trực diện với Trung Quốc. Thế nhưng lập trường nhún nhường đó vẫn không giúp Kuala Lumpur tránh khỏi việc bị khiêu khích. Ngày 26/3, một hành trình và hoạt động của đội tàu thuộc lực lượng đặc nhiệm đổ bộ được trang bị đầy đủ vũ khí đã được báo chí Trung Quốc quảng bá rầm rộ. Tiểu hạm đội gồm 4 chiến hạm do chiếc tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn dẫn đầu, đã đến khu vực rạn san hô James Shoal, chỉ cách Malaysia 80 km, cách Brunei gần 200 km, nhưng cách xa bờ Trung Quốc đến 1.800 km và nằm gần sát đường 9 đoạn mà Trung Quốc từng vẽ ra để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Và đâu chỉ có kế hoạch đổ bộ. Trung Quốc hiện đang khai triển một kế hoạch rộng lớn với nhiều hành động “lấn tới” nguy hiểm trên Biển Đông. Chính ông Chu Thành Hổ khi dự hội thảo quốc tế mới đây tại NewYork đã nói không úp mở: “Thời điểm hiện nay chưa thích hợp để Trung Quốc ký COC”. Vậy là, Trung Quốc sẽ tận dụng “thời điểm chưa thích hợp” ấy để lấn lướt, gây sức ép nhằm tạo bằng được thế “thượng phong” trên thực địa. Thật ra, ông Chu cũng chỉ lặp lại quan điểm chính thức của Trung Quốc. Đối với các cuộc đàm phán về COC, Bắc Kinh đã thẳng thừng "đạp đổ", đi đầu là Thứ trưởng Ngoại giao Phó Oánh, với lý do rằng Trung Quốc lo ngại sâu sắc về một số diễn biến gần đây. Các lo ngại này xuất phát từ những tiếng nói khách quan của nhiều nước ủng hộ tiến trình này, xuất phát từ việc ASEAN tăng cường quốc tế hóa vấn đề và nỗ lực nhằm đưa ra bản dự thảo COC của riêng ASEAN trong các cuộc thảo luận với Trung Quốc.

Rõ ràng, tuyên bố ngày 26/3 của Bắc Kinh cần phải được các thành viên ASEAN phê phán mạnh mẽ vì đó là một bước leo thang nguy hiểm! Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bộc lộ một thái độ nước đôi vừa ngang ngược, vừa ngụy biện khi tuyên bố không úp mở: Trung Quốc đã có hành động hợp pháp và thỏa đáng khi nhằm vào tàu cá Việt Nam! Nguyên văn lời của Hồng Lỗi trả lời phóng viên quốc tế: “Phản ứng của cơ quan chức năng Trung Quốc trước một tàu cá bất hợp pháp của Việt Nam là đúng đắn và hợp lý”, vì theo nhân vật này “quần đảo Tây Sa (tên Trung Quốc đặt cho vùng Hoàng Sa mà họ cướp từ Việt Nam từ năm 1974) là bộ phận không thể tách rời khỏi lãnh thố Trung Quốc”.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522789

Hôm nay

239

Hôm qua

2282

Tuần này

21563

Tháng này

220728

Tháng qua

121009

Tất cả

114522789