Khách mời văn hóa

TS Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh: Chúng ta đã vô tình phá vỡ đi mất cái không gian của làng Hoàng Trù và Làng Sen những năm đầu thế kỉ XX

Phóng viên (PV):Thưa ông, vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên là di tích quốc gia đặc biệt, người dân Nghệ An rất vui mừng và tự hào trước sự kiện này. Với tư cách là người đứng đầu cơ quan nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống các di tích, bảo tồn, bảo tàng về Hồ Chí Minh, ông có thể cho biết nhận định của mình về các giá trị đặc biệt của khu di tích này?

TS Chu Đức Tính (TS CĐT): Đây là đợt thứ hai của Chính phủ công nhận các di tích quốc gia đặc biệt. Trong đợt 1, hệ thống di tích về Hồ Chí Minh có một đơn vị đó là khu di tích phủ Chủ tịch, đợt 2 có 4 đơn vị di tích về Hồ Chí Minh: một là Kim Liên, nơi Bác Hồ sinh ra và lớn lên; hai là Pác Bó, nơi Bác Hồ hoạt động cách mạng; ba là Tân Trào, nơi Bác lãnh đạo kháng chiến và tiền khởi nghĩa; và thứ tư là Định Hóa – Thái Nguyên, nơi Bác Hồ lãnh đạo kháng chiến và ATK. Nghĩa là mới có 5 di tích về Hồ Chí Minh được Chính phủ xếp hạng là di tích đặc biệt quan trọng quốc gia. Trong 5 di tích đó, mỗi di tích mỗi vẻ, có những giá trị rất quan trọng trong hành trình tiểu sử Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Riêng khu di tích Kim Liên, chúng tôi luôn luôn đánh giá rất cao, bởi vì đây là di tích không chỉ về gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thời thơ ấu, mà nó gắn bó một cách hữu cơ với truyền thống quê hương, truyền thống gia đình, truyền thống của Làng Sen, của Nam Đàn và lớn hơn nữa là quê hương Nghệ An, Xứ Nghệ. Kí ức tuổi thơ của Nguyễn Sinh Cung gắn liền với quê hương làng Sen, làng Chùa và chính cái mạch ngầm văn hóa của quê hương, của gia đình, họ tộc ấy đã ảnh hưởng và góp phần quyết định hình thành nên nhân cách Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Chính vì vậy mà chúng tôi luôn luôn đánh giá rất cao vị trí và tầm ảnh hưởng của to lớn của di tích này trong toàn bộ hệ thống các di tích, bảo tàng về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh sinh. Người ta chỉ có thể hiểu biết một cách sâu sắc về Hồ Chí Minh khi được về Kim Liên, được biết về không gian văn hóa cội nguồn sinh thành ra Người, có về đó thì mới hiểu, và cắt nghĩa được sự độc đáo về phẩm chất và tài năng Hồ Chí Minh. Tại sao Người có tư tưởng thân dân, gần dân? Phải tìm câu trả lời từ hoàn cảnh thời thơ ấu nơi quê hương của Người. Tại sao Người có tinh thần yêu nước nồng nàn, có chí cứu nước quyết liệt? Phải tìm câu trả lời từ phong trào yêu nước, các yếu nhân yêu nước, truyền thống yêu nước từ chính gia đình và những người đồng hương của Người. Noái tóm lại, Kim Liên – Hoàng Trù là nguồn cội thể xác và tinh thần của Người và vì thế mà nó có vị trí quan trọng hàng đầu trrong hệ thống các di tích luuw niệm về Hồ Chí Minh

PV: Những đặc điểm nào đã tạo nên dấu ấn và giá trị văn hóa độc đáo của khu di tích này?

TS. CĐT: Đến Kim Liên, người ta thấy được tổng hòa các mối quan hệ giữa phẩm chất cá nhân, gia đình, dòng họ và quê hương. Nói về Hồ Chí Minh, không thể chỉ nói về bên nội được, mà đây là một sự gắn bó hết sức chặt chẽ giữa dòng họ bên nội và dòng họ bên ngoại đã hun đúc nên Nguyễn Sinh Cung thời niên thiếu.  Và truyền thống văn hóa của quê hương xứ Nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc vào sự hình thành thành những phẩm chất đặc biệt của Hồ Chí Minh.

PV: Nhưng tôi nghĩ, cùng với các phẩm chất như cần cù, dũng cảm, chăm học, hiếu học... điều ảnh hưởng nhiều nhất đến Hồ Chí Minh sau này chính là cái đức tính không chịu chấp nhận hoàn cảnh mà luôn luôn vươn lên, vượt lên và cái thứ hai là cái khẳng khái của con người xứ Nghệ. Nhìn lại và ngẫm nghĩ từ cuộc đời của Hồ Chí Minh, tôi thấy đây là hai phẩm chất đặc biệt, hơn người của Người. cái độc đáo của nhân cách Hồ Chí Minh là đó chăng?

Ts CĐT:Tôi đồng tình với ý kiến của ông và muốn nói thêm một ý là hai cái phẩm chất đó có thể có ở những người khác nhưng cái cách thể hiện của hay ở Hồ Chí Minh thì không giống ai cả, rất khó diễn đạt cái cách thức ứng xử, thể hiện, thực hiện của Người, chỉ có thể nói rằng là nó rất Nghệ.

PV:Có lẽ chúng ta sẽ trở lại với câu chuyện xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt của khu di tích Kim Liên. Ông có thể cho biết các tiêu chí để được Nhà nước công nhận là một di tích quốc gia đặc biệt?

TS CĐT: Thực ra thì chưa có quy định lượng hóa một cách cụ thể về các tiêu chí của một di tích quốc gia đặc biệt. Để xếp hạng, cơ quan chuyên môn dựa vào giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của di tích trong mối tương quan, trong cái tầm giữa các di tích quốc gia với nhau để xem xét, bàn bạc để trình xếp hạng mà thôi. Còn tiêu chí cụ thể bên Cục Di sản – Bộ VH – TT & DL làm như thế nào thì tôi cũng không biết, tôi chỉ là người ở hệ thống bảo tồn, bảo tàng, hay có thể gọi là ngành Hồ Chí Minh đề nghị mà thôi. Tôi nghĩ rằng trong quá trình xét, các cơ quan hữu quan cũng có cân nhắc giữa hệ thống các di tích trong mối tương quan về lịch sử - văn hóa để đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa các thời kì lịch sử.     

PV: Trong các yếu tố để xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất, vì sao?

TS CĐT: Tôi được biết, khi xem xét các di tích, yếu tố đầu tiên được quan tâm là nội dung và giá trị lịch sử; thứ ba là tầm hưởng của di tích đối với quốc gia, khu vực và quốc tế; thứ hai là người ta căn cứ vào yếu tố nguyên gốc, nguyên vẹn của hệ thống hiện vật, tư liệu. Ngoài ra có thể xem xét thêm một số tiêu chí khác. 

PV: Với cương vị là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, đơn vị đứng đầu trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy hệ thống các di tích về Hồ Chí Minh, các ông căn cứ vào những điều gì để đề xuất Chính phủ xếp hạng khu di tích Kim Liên là di tích quốc gia đặc biệt?

TS CĐT: Hiện nay, hệ thống di tích Hồ Chí Minh cả nước thì Bảo tàng Hồ Chí Minh thống kê được khoảng 700 di tích, trong đó có 50 di tích đã được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia. Trong các đợt đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, Bảo tàng Hồ Chí Minh quyết định chỉ đề nghị 5 di tích đã nói ở trên, trong đó có khu di tích Kim Liên. Giả sử cả 50 di tích quốc gia đều được công nhận là di tích đặc biệt là không còn ý nghĩa gì nữa. Chúng tôi lựa chọn 5 di tích, trong đó có Kim Liên, bởi vì Kim Liên hội tụ được 3 tiêu chí: giá trị - nội dung lịch sử; giá trị văn hóa và tầm ảnh hưởng đối với quốc gia, khu vực và quốc tế. Mặc dù đây là di tích được phục hồi, nhưng lại được chính Bác Hồ, nhân vật chính mà di tích tôn vinh, đã trực tiếp kiểm tra, “sát hạch”, đánh giá trong hai lần Người về thăm quê.             

PV: Theo ông, sức hấp dẫn của Kim Liên từ đâu mà có?

TS CĐT: Tôi nghĩ, sức hấp dẫn của Kim Liên chính là từ nội dung lịch sử và môi trường di tích. Những nội dung lịch sử có thể Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội cũng có thể chuyển tải được, thế nhưng môi trường di tích không thể đâu thay được Kim Liên, cũng không thể nhấc Kim Liên ra vị trí khác được, mà Kim Liên phải được đặt trong một môi trường tổng thể của truyền thống văn hóa Nghệ An, văn hóa Nam Đàn và văn hóa Làng Sen. Môi trường đó mà mình càng giữ gìn được, tôn trọng được, bảo tồn được thì điều đó mới tạo nên sức hấp dẫn đối với mọi người.

PV: Sự hấp dẫn đó không chỉ là di tích gốc, là do gắn liền với Hồ Chí Minh mà còn là sức hấp dẫn của một vùng văn hóa có cái riêng của Nam Đàn, Nghệ An mà nơi khác không có?

TS CĐT: Đúng, giả sử muốn đưa ngôi nhà Bác Hồ ra dựng ở Hà Nội là việc không khó, nhưng làm thế không có giá trị gì. Bởi vì, ngôi nhà ấy phải đặt trong cái nôi văn hóa của Nam Đàn, của Làng Sen thì mới đúng là nhà Bác – quê Bác. Nếu không thì còn gì ý nghĩa trong việc mọi người hành hương về quê Bác, về Nghệ An nữa?  

PV: Mỗi di tích đều gắn liền với một không gian văn hóa của riêng mình. Không gian khởi nguyên đó là một tiền đề vật chất và tinh thần tạo nên giá trị và đặc điểm, sự độc đáo của các di tích. Cái quan trọng nhất và đáng quý nhất là chúng ta có bảo tồn được cái không gian đó hay không. Nếu không may không gian này đã bị thay đổi, biến dạng thì dù muốn hay không, các giá trị ban đầu của nó đã bị suy giảm, sai lệch. Thưa ông, theo thiển ý của chúng tôi, cái đặc biệt và là dấu ấn đặc biệt, đặc trưng của khu di tích này là không gian làng quê xứ Nghệ ẩn đọng trong cái không gian cụ thể của làng Sen, làng Hoàng Trù. Để có không gian văn hóa đặc thù đó, cái không gian văn hóa làng quê đã tác động đến quá trình hình thành nhân cách Hồ Chí Minh, đương nhiên là rất cần phải có cảnh quan với những đặc trưng về không gian kiến trúc của nó hồi cuối TK XIX, đầu thế kỉ XX, cái thời gian, thời điểm mà Nguyễn Sinh Cung sinh sống với gia đình ở quê.

Trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư khá nhiều nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo khu di tích này, đặc biệt là dự án bảo tồn phát huy giá trị di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch. Với tư cách là một chuyên gia bảo tồn bảo tàng, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện dự án này?

TS CĐT: Câu hỏi của anh đặt ra vấn đề mà các nhà quản lý day dứt bấy lâu nay đó là giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển; bảo tồn với phục vụ nhân dân; bảo tồn với phục vụ khách tham quan. Trong những năm vừa qua, với sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, Kim Liên được đầu tư rất nhiều. So với cách đây vài chục năm thì những điều kiện, cơ sở vật chất liên quan tốt hơn rất nhiều: đường sá tốt hơn, nơi đón tiếp, bãi đậu xe tốt hơn...Nhưng tôi cho rằng cùng với cái tốt như vậy thì chúng ta đã vô tình phá vỡ đi mất cái không gian của làng quê Hoàng Trù và Làng Sen những năm đầu thế kỉ XX. Khi cùng với những người đầu tiên tham gia dự án, tôi rất muốn đề xuất cùng với việc chúng ta đầu tư để tôn tạo, để phục vụ dân thì chúng ta phải quan tâm đến việc bảo tồn không gian văn hóa của làng Chùa và làng Sen. Rất tiếc là cùng với những kết quả đạt được trong việc phục vụ nhân dân tốt hơn, đường sá tốt hơn, bãi xe rộng hơn... thì chúng ta đã vô tình phá vỡ cảnh quan, mà cảnh quan đó chính là yếu tố làm nên sức hấp dẫn cho du khách khi về thăm quê Bác.

PV: Ông có thể nói rõ hơn sự tác động của các công trình, dự án tại Kim Liên đối với các di tích gốc?

TS. CĐT: Ngày xưa, khi mà ngôi nhà cụ Phó bảng có các ngôi nhà hàng xóm xung quanh, nó tạo ra một sự êm ấm của gia đình các khu dân cư của làng quê  cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Nhà ông Phó bảng nằm giữa sự đùm bọc che chở của bà con làng Sen. Nhưng bây giờ chúng ta thấy hàng xóm là không có. Di tích là một không gian cảnh quan rất lớn được xây dựng để phục vụ khách tham quan, kể cả từ nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh, nhà trưng bày...Tôi nghĩ là nếu như ta làm các công trình phụ trợ cách xa ra đi nữa thì ý nghĩa còn lớn hơn nhiều. Việc làm nhà thờ đã có từ những năm 1970s, chúng ta có thể chấp nhận, còn đối với các công trình có tính chất phục vụ theo tôi nên làm ra thật xa, dưới chân núi Chung chẳng hạn, để cố giữ lấy khung cảnh thì tôi cho rằng các yếu tố di tích gốc sẽ có cơ hội tăng lên. Bây giờ chúng ta xây dựng Kim Liên như thế này tôi lại thấy na ná như một thị xã của một thành phố nào đó. Tôi nghĩ sức hấp dẫn nó đã bị giảm đi rất nhiều.

PV:Có phải dự án này vô hình trung đã bị lạm dụng, quy hoạch không gian này đã bị đô thị hóa?

TS. CĐT:Đúng, người ta gọi làng Sen đã bị “phố hóa” mà!

PV:Từ dự án này cũng như nhiều dự án khác, trong quá trình thực hiện yếu tố di tích gốc đã bị mất mát đi rất nhiều. Do đó, nó đã gióng lên sự cảnh báo về nguy cơ xâm hại di tích của các dự án bảo tồn trên phạm vi toàn quốc?

TS. CĐT: Đây là một nghịch lý. Chúng tôi vẫn nói với nhau về bài toán giữa bảo tồn và phát triển: nếu mà không được đầu tư để bảo tồn thì di tích xuống cấp, nhưng nếu đầu tư mà lại không quan tâm đến bảo tồn mà chỉ quan tâm đến tôn tạo thôi, quan tâm đến những yếu tố phục vụ khách hôm nay thôi thì vô tình càng đầu tư lại càng làm xâm hại đến di tích, xâm hại đến tính thiêng liêng của việc bảo tồn di tích. Nghĩa là càng đầu tư nhiều thì di tích càng bị biến dạng đi so với thời cha ông ta để lại. Mà đó là điều chúng ta không mong muốn. Cái hấp dẫn của di tích chính là tính nguyên gốc, phải đặt trong môi trường nguyên gốc. Nếu mất đi một trong các yếu tố đó thì nó không còn hấp dẫn nữa. Nếu Kim Liên cũng giống như các thị trấn, thị xã khác thì tính hấp dẫn sẽ giảm đi rất nhiều. Dĩ nhiên là nếu không được đầu tư thì di tích sẽ xuống cấp nghiêm trọng, sẽ mất di tích. Nếu đầu tư mà vẫn giữ được các yếu tố gốc, cảnh quan gốc, cần có bàn tay của những người làm nghề, kinh nghiệm của những người trong nghề.

PV:Vâng, thưa ông, như vậy ở đây đã xuất hiện một bài toán về quản lý. Tôi thấy vai trò của chuyên gia, của người làm nghề đã bị lu mờ đi bởi vai trò của các nhà lập dự án, của các nhà lập quy hoạch về kiến trúc, xây dựng, giao thông, cơ sở hạ tầng. Chúng tôi đã nhiều lần đề cập vai trò của các cơ quan quản lý các cấp, từ cấp cơ sở cho đến cơ quan quản lý cao nhất là Bộ VH – TT & DL, cụ thể là Cục Di sản. Tất cả dự án này đều phải thông qua ý kiến của Cục Di sản. Thế nhưng, tiếc rằng các dự án này đều đã được phê duyệt, thực hiện... Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

TS. CĐT:Tôi cho rằng Cục Di sản trong vai trò tham mưu cho Bộ VH – TT &DL thực hiện các dự án đã làm hết trách nhiệm của mình. Các đồng nghiệp mà tôi quen biết ở cơ quan này đã tâm sự với tôi rất nhiều về công việc do đó tôi cho rằng các bạn đã làm hết tầm nhưng mà nhiều khi chúng ta lực bất tòng tâm, khi mà các nhà quản lý không tiếp thu. Một thực tế là chúng ta đầu tư bảo tồn tồn tôn tạo rất nhiều nhưng lại làm nẩy sinh hệ lụy là chúng ta không chú ý đến sự nguyên vẹn của di tích gốc, nên di tích bị biến dạng trong quá trình đầu tư. Đây là điều mà bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp ở Cục Di sản không hề muốn. […]. Bài toán này vẫn nằm ở chỗ nào đấy mà tôi nghĩ các nhà khoa học bảo tàng chưa vươn tới được, chưa đạt tới được.

PV:Tôi nghĩ rằng bao giờ cũng có vai trò tham mưu của các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, bây giờ người ta bị chi phối nhiều đến tư duy dự án, quan tâm đến số tiền đầu tư chứ không quan tâm đúng mức đến giá trị lịch sử - văn hóa của di tích. Tôi nghĩ nếu các cơ quan tham mưu cao nhất mà kiên quyết thì họ cũng không thể “phá rào” trong chuyện này được. Nhưng đây là một câu chuyện rất dài....

TS.CĐT: Tôi cũng nghĩ như thế.

PV:Ông có ý kiến gì khi các không gian và công trình phụ trợ lấn át các di tích gốc, như ở khu di tích Kim Liên?

TS. CĐT: Tôi nghĩ, sửa lại thì khó, nhưng vẫn có cách. Ví dụ như khu vực nhà cụ Phó bảng, mới chỉ mất phía trước thôi, còn toàn bộ các hộ xóm giềng vẫn còn, như nhà có lò rèn Cố Điền. Tôi nghĩ chúng ta nên vận động để mua lại, theo như dự án trước đây, rồi phục dựng lại như ngày xưa. Khu vực đó nay cũng chưa bê tông hóa nhiều lắm, nên có thể tiếp tục thực hiện, để giữ gìn cảnh quan xóm giềng. Nên cố giữ, tạo dựng lại các yếu tố cảnh quan xưa còn lại hơn là để cho quá trình đô thị hóa tiếp tục. Có thể phục dựng vài ba nhà xung quanh cũng được, để thấy nhà cụ Phó bảng có hàng xóm láng giềng như thế nào chứ? Đã muộn nhưng vẫn còn còn hơn là không làm. Vẫn đang còn điều kiện, vẫn còn thời cơ để làm. Nên làm sớm, bàn bạc, trao đổi với dân để đền bù, thực hiện.

PV:Theo ông chúng ta có nên tổ chức một hội thảo dạng bàn tròn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý cùng trao đổi và bàn bạc về chuyện này?

TS. CĐT: Nên chứ, nên làm ngay, làm sớm. Vì thời cơ rất dễ mất đi, một khi điều kiện kinh tế bà con khá hơn, các con lớn lên, sinh con đẻ cháu cần san nhà san cửa, cần đầu tư xây dựng thì sẽ càng khó.

PV:Trở câu chuyện, ông có nhận xét gì về kết quả của quá trình phát huy tác dụng khu di tích này trong nhiều năm qua?

TS. CĐT: Có thể nói rằng di tích Kim Liên vẫn là di tích đứng số 2 trong số các di tích cả nước về việc phục vụ khách tham quan. Số lượng khách tham quan đông nhất trong hệ thống các di tích về Hồ Chí Minh là khu di tích ở Hà Nội, thứ 2 là Kim Liên, đã nhiều năm liên tục như vậy. Tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên chức, người lao động của khu di tích Kim Liên. Đồng thời cũng cho thấy tấm lòng của người dân cả nước luôn quan tâm đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến quê Bác.

PV: Ông có nhận xét gì về nghiệp vụ, chuyên môn của đội ngũ cán bộ công nhân viên khu di tích Kim Liên trong việc phục vụ khách tham quan?

TS. CĐT: Số lượng khách đông đảo về thăm khu du tích Kim Liên xuất phát từ tìm cảm yêu mến, kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người ta muốn hành hương về quê Bác để tìm hiểu kĩ về Bác; thứ hai là xuất phát từ giá trị của khu di tích; lí do thứ ba không thể nào không nhắc đến thái độ làm việc hết sức có trách nhiệm và kết quả phục vụ của đội ngũ hướng dẫn viên của khu di tích Kim Liên. Nhiều người, nhiều thành phần khách nhau từ trong nước đều bày tỏ sự kính trọng, đánh giá cao về khả năng tuyên truyền giáo dục của các hướng dẫn viên nơi đây. Có nhiều người khóc cùng hướng dẫn viên. Có những vị khach quốc tế nói tại sao chúng ta không đặt ra những danh hiệu để tôn vinh những con người này. Ví dụ đã có danh hiệu NSND, NSƯT, tại sao lại không có danh hiệu gì dành cho những người đã truyền tải hết sức xuất sắc cái nội dung của khu di tích Kim Liên đến khách tham quan? Tôi đánh giá rất cao các hướng dẫn viên của khu di tích Kim Liên đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong việc làm cầu nối giữa di tích với khách tham quan. Đây là một thế mạnh mà nơi khác không dễ gì có được.

PV: Theo ông, đội ngũ này cần tăng cường, cần bổ sung những năng lực, phẩm chất gì để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của khách tham quan?

TS. CĐT:Theo tôi, mặc dù các bạn đã là những người tốt nhất so với đội ngũ ở nơi khác trong nước rồi nhưng các bạn vẫn nên nâng cao năng lực ngoại ngữ. Nếu như các bạn nói, kể với người nước ngoài những câu chuyện mà các bạn đã kể với người Việt Nam bằng ngôn ngữ của họ thì theo tôi hiệu quả sẽ rất cao. Còn nếu như các bạn nói hay như vậy nhưng vẫn phải qua phiên dịch thì không còn cái gì gây xúc cảm với khách tham quan nữa, lúc ấy chỉ còn một phần thông tin thôi, cái giá trị nhân văn, cái xúc cảm bị giảm đi rất nhiều rồi.

PV: Bây giờ, khi đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, chúng ta cần phải làm gì để tiếp tục bảo tồn tốt nhất, đúng nhất, để phát huy giá trị cao nhất, hiệu quả nhất đối với khu di tích Kim Liên?

TS CĐT: Tôi nghĩ có mấy việc: Thứ nhất, phải có một tổ chức và hoạt động của tổ chức đó phải làm sao cho xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt; Thứ hai, cần bảo tồn tốt hệ thống các di tích gốc, phải tiếp tục tìm mọi giải pháp để khắc phục hiện tượng lạm dụng trong việc xây dựng mới để trả lại không gian làng Sen thời thế kỉ cuối XIX – đầu thế kỉ XX, khôi phục lại không gian xóm giềng cho nhà cụ Phó bảng.

PV: Chúng ta cần giải quyết như thế nào giữa mục tiêu bảo tồn văn hóa và mục tiêu phát triển kinh tế - du lịch, tạo ra được sự hài hòa, hiệu quả cao và bền vững tại khu di tích Kim Liên, từ quan điểm định hướng cho đến thực hành?  

TS. CĐT:  Tôi cho rằng trong việc phối hợp giữa bảo tồn tôn tạo di tích gắn với phát triển du lịch, Kim Liên là một trong những mô hình tốt nhất cả nước. Ở đây cần chú ý các vấn đề: khách rất đông, cần giữ được di tích không bị xuống cấp nhanh, thứ hai là đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ cán bộ nhân viên, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nóng nực. Để có điều kiện phục vụ tốt hơn nữa, tôi cho rằng cần tính đến phương án thu phí tham quan. Lâu nay chúng ta vẫn ngại vì di tích về Bác Hồ lại thu phí nhưng theo tôi khi bỏ một mức phí tương xứng, vừa phải thì người ta càng có trách nhiệm hơn, đồng thời chúng ta có một phần kinh phí để tu bổ di tích. Chính đó là sự gắn bó giữa du lịch với tu bổ di tích, và cũng là để nâng cao đời sống của người lao động ở đây. Việc này cũng hết sức tế nhị, cần bàn bạc hết sức kĩ lưỡng, sao cho khách tham quan không cảm thấy phiền hà. Nên quan niệm đây không phải là phí dịch vụ mà là để mỗi người có trách nhiệm đóng góp cho di tích. Nếu phục vụ tốt thì tạo được sự tình cảm, niềm tin của khách tham quan, chính đã tạo nên hiệu quả bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

                                                                Phan Văn Thắng (thực hiện)

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528587

Hôm nay

2243

Hôm qua

2291

Tuần này

2860

Tháng này

215283

Tháng qua

0

Tất cả

114528587