Người xứ Nghệ

Phan Bội Châu (Phần I)

Đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước và duy tân phát triển bồng bột khắp cả nước. Trong phong trào đó có người thiên về củ trương bí mật chuẩn bị võ trang đánh Pháp, giành độc lập cho đất nước, có người thiên về chủ trương công khai tuyên truyền chấn hưng công thương nghiệp, lập đoàn hội, mở mang dân trí đòi dân chủ hóa chế độ chính trị; dần dần hình thành hai phái ôn hòa và kịch liệt. Phan Bội Châu là lãnh tụ của phái kịch liệt nhưng có ý thức sử dụng cả hai phương thức đấu tranh. Ông được cả hai phái tin cậy, tôn trọng.

Các nhà hoạt động duy tân và cứu nước lúc đó đều là những nhà Nho trẻ có nhiều người là khoa bảng, nổi tiếng hay chữ. Phương tiện đấu tranh chủ yếu của họ là văn chương. Phan Bội Châu là người viết nhiều nhất, bằng nhiều thể loại nhất. Tác phẩm của ông có tác động lớn nhất đến phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Phan Bội Châu là một nhà yêu nước lớn. Trong một phần tư thế kỷ, ông là ngôi sao dẫn đường cho dân tộc chống thực dân Pháp giành độc lập. Riêng về mặt văn học, Phan Bội Châu cũng là nhà văn tiêu biểu nhất cho văn học yêu nước thời kỳ đó. So với văn thơ yêu nước trước đây, văn thơ Phan Bội Châu đã thuộc một loại mới. Sáng tác của ông không những đứng đầu về số lượng, chất lượng, tác dụng mà còn phản ánh xu thế, vận mệnh của văn học yêu nước lúc đó rõ ràng nhất, đầy đủ nhất.
I. NHÀ NHO YÊU NƯỚC THÀNH NHÀ CHÍNH TRỊ, NHÀ VĂN
1. Con người và cuộc đời
Phan Bội Châu lúc đầu tên là Phan Văn San (ở Nghệ An nhiều người vẫn quen gọi là ông Giải San), hiệu là Hải Thụ. Khi đi thi lại đổi tên là Phan Bội Châu. Lúc ra nước ngoài thường dùng tên hiệu Sào Nam Tử, Thị Hán.
Ông sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867 tại thôn Đan Nhiệm (Sào Nam), xã Đông Liệt, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra trong một gia dình nhà Nho nghèo. Cha làm thầy đồ dạy chữ Hán. Mẹ là người biết chữ. Lúc Phan Bội Châu chưa đi học, bà đã dạy cho con học thuộc một số bài trong Kinh Thi.
Lúc nhỏ, Phan Bội Châu nổi tiếng là thần đồng. 6 tuổi theo cha đi học, 3 ngày thuộc hết Tam tự kinh, 7 tuổi đã hiểu nghĩa kinh truyện, đã có thể sử dụng chữ Hán đùa nghịch viết Phan tiên sinh luận ngữ để chế giễu bạn bè. 8 tuổi đã làm thông thạo các loại văn cử tử, đi hạch ở huyện, 13 tuổi đi hạch đứng đầu huyện, làm được văn thơ theo lối cận cổ, các cụ đồ ít đọc scáh trong địa phương không hiểu nổi. Nhiều lần đi hạch Phan đứng đầu xứ.
Phan Bội Châu có tư tưởng yêu nước rất sớm. Lúc Pháp đánh chiếm các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, ông mới có 17 tuổi, đã viết bài hịch Bình Tây thu Bắc (dẹp giặc Pháp, khôi phục đất Bắc) dán ở gốc đa đầu làng (PBCNB) để kêu gọi mọi người hưởng ứng phong trào văn thân ở Bắc kỳ. 19 tuổi vào lúc kinh đô Huế thất thủ, phong trào Cần Vương nổi lên sôi sục ở Nghệ Tĩnh, Phan đã tổ chức thí sinh quân (đội nghĩa binh gồm những người học trò lớn tuổi đã đi thi) được 60 người nghe theo, định hưởng ứng theo văn thân đánh Pháp. Đội thí sinh quân mới lập danh sách, định quân hiệu, chưa có lương thực khí giới thì quân Pháp đã kéo đến. Mọi người hoảng sợ, trách móc người chủ xướng. May việc chưa bị lộ, ông kịp thời thủ tiêu tang chứng của cái công việc sau này trong Phan Bội Châu niên biểu ông gọi là “tập làm trò ái quốc trẻ con” “đáng buồn cười” ấy.
Từ đó ông thay đổi, sống 10 năm ẩn náu, viết Song tuất lục ca tụng những người văn thân chống Pháp ở Nghệ Tĩnh trong hai năm Tuất 1874 và 1886, đi dạy học, đọc binh thư, tìm kiếm bè bạn, chuẩn bị họat động với quy mô lớn về sau. Ông đã tập hợp được quanh mình nhiều thanh niên ưu tú và nhiều người thuộc dư đảng Cần Vương đang sống trốn tránh bất hợp pháp.
Năm 1897 Phan Bội Châu vì tội mang sách vào trương thi, bị cấm đi thi suốt đời, ông vào Huế, dùng văn chương làm quen với các nhà khoa bảng trẻ tuổi yêu nước lúc đó đang tụ tập quanh trường Quốc tử giám như Nguyễn Thượng Hiền, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế… Ở Huế nhờ Nguyễn Thượng Hiền, Phan được đọc tân thư, dần dần hình thành chủ trương cứu nước theo đường lối mới. Nhờ sự can thiẹp của Khiếu Năng Tĩnh và nhiều người khác, năm 1900 Phan được đi thi lại, đậu giải nguyên trường Nghệ. Trong dịp về Nghệ An này, ông đã cùng với các đồng chí bàn kế hoạch cứu nước, âm mưu tập kích thành Nghệ An. Năm 1902 ông ra Hà Nội, liên lạc với Hoàng Hoa Thám. Năm 1903 ông lạ vào Huế, rồi đi Nam Ngãi, Nam Kỳ, hết ra Bắc lại vào Nam liên kết với các lực lượng chống Pháp. Năm 1904 ông cùgn Nguyền Hàm chọn Cường Để làm minh chủ và thành lập tân đảng (sau gọi là Duy Tân hội). Tân đảng giao co ông nhiệm vụ sang Nhật cầu viện, chuẩn bị khí giới để đánh Pháp.
Năm 1905 ông xuất dương sang Nhật. Từ đó ông kêu gọi tahnh niên trốn ra nước ngoài học tập, tổ chức thành một trung tâm hoạt động cứu nước ở Nhật. Vừa lo sắp đặt tổ chức cho du học sinh học, cho những nhà cách mạng đi lại hoạt động, Phan Bội Châu vừa viết sách giới thiẹu nước Việt Nam, cách mạng Việt Nam với nước ngoài (Việt Nam vong quốc sử - 1905, Việt Nam quốc sử khảo - 1908), vừa viết những lời kêu gọi, những bức thư cổ động và chỉ đạo phong trào trong nước (Hải ngoại huyết thư – 190?, Kính cáo toàn quốc phụ lão văn – 190?, Thư gửi Phan Chu Trinh – 1907, Ai cáo Nam Kỳ phụ lão thư – 1907…). Năm 1908, chính phủ Nhật bản theo yêu cầu của chính phủ Pháp trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam. Phan Bội Châu cùng với các đồng chí phải chạy sang Trung Quốc. Từ 1905 đến 1925 ông sống cuộc đời nhà cách mạng lưu vong ở Nhật Bản, ở Thái Lan và nhiều nấht là ở Trung Quốc, làm con chim Việt đậu cành Nam trông về Tổ quốc. Vì vậy ông lấy biệt hiệu là Sào Nam tử và nhiều người cũng quen gọi ông bằng biệt hiệu ấy.
Trong nước từ năm 1908 phong trào cách mạng bị đàn áp dữ dội. Hầu hết các nhà Nho yêu nước đều bị bắt, bị đày ra Côn Đảo. Nguyễn Hàm cũng bị bắt trong số đó. Năm 1910 Đặng Thái Thân bị vây bắt, phải tự sát. Mất hai nhân vật lãnh đạo chủ yếu, phong trào tan vỡ.
Năm 1912, do ảnh hưởng của cách mạng Tân Hợi, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang phục hội ở Trung Quốc. Phong trào đang có cơ phát triển thì ông bị tên quân phiệt Quảng Đông là Long Tế Quang bắt giam và nằm trong ngục cho đến năm 1917, bỏ lỡ cơ hội, Pháp đang bị Đức đánh cho nguy khốn ở châu Âu. Được ra khỏi tù, ông lên đường về nước định phát động phong trào chống Pháp thì vừa lúc Đại chiến thứ nhất kết thúc và Pháp thắng lợi. Dự định không thực hiện được. Từ năm 1920 đến năm 1925 ông viết bài cho mấy tạp chí Trung Quốc.
Sau Cách mạng tháng Mười năm 1920, Phan Bội Châu lên Bắc Kinh tìm gặp đại sứ Liên Xô và năm 1924 ông có liên lạc với Nguyễn Ái Quốc lúc đó vừa ở Liên Xô về Quảng Châu. Theo ý kiến của Nguyễn Ái Quốc, ông đã dự định tổ chức lại đảng cách mạng Việt Nam theo phương hướng mới. Nhưng tháng 6 năm 1925, ông bị Pháp lừa bắt ở Thượng Hải đưa về nước. Chúng âm mưu bí mật thủ tiêu ông, nhưng việc bị lộ nên phải đưa ông ra xử ở tòa Đề hình, tưởng có thể thanh toán một kẻ tử thù về chính trị. Tính mạng của “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vògn nô lệ tôn sùng” (Nguyễn Ái Quốc, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu. Người cùng khổ số 36 – 37) bị uy hiếp gây ra một phong trào bãi khóa, bãi công, bãi thị rầm rộ khắp toàn quốc. Lần đầu tiên công nhân, học sinh đứng lên hành động chính trị, cùgn với nhân dân khắp nơi đòi trả tự do cho Phan Bội Châu. Có người ra trước tòa án tình nguyện chết thay cho ông. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ đó, thực dân Pháp bối rối phải tuyên bố tha bổng nhưng bắt ông phải về sống ở Huế và không được về Nghệ An, quê hương ông.
Từ nưm 1926 đến 1940 ông là người tù gian lỏng ở Bến Ngự, sống dựa vào sự giúp đỡ của đồng bào và bạn bè, trong một cảnh thê lương
Đêm nghe con Vá chào ông trộm
Ngày báo thằng Nghi kể chuyện tù.
Ông già Bến Ngự - người ta thường gọi ông như thế - thường thả một chiếc thuyền trên sông Hương. Trong hoàn cảnh sống bị giám sát nghiêm ngặt, ông dạy vài đứa học trò nhỏ, viết một số thơ phú, truyện ngắn gửi đăng các báo, nhiều nhất là báo Tiếng dân. Ông cũng viết mấy quyển sách: Khổng học đăng, Dịch kinh chú giải, Phật học đăng và chép lịch sử họat động của mình thành tập Phan Bội Châu niên biểu.
Ông mất ngày 20 tháng 10 năm 1940, để lại cho đồng bào toàn quốc một lời xin lỗi “Cứu nước, bảo toàn nòi giống (tôi) có ché nhưng không có tài. Nay tôi từ biệt quốc dân mãi mãi. Tội (tôi) rất lớn, xin (quốc dân) tha thứ cho”. Đám tang vắng vẻ. Báo chí không được phép đưa tin ông mất. Mật thám đứng canh gác các ngả đường dày đặc, chỉ một số bạn bè già trẻ đã từng bị tù đày, chống Pháp đã lộ mặt đến đưa tang. Sau khi ông mất, đồng bào Bắc Trung Nam đwocj tin mới gửi tiền về xây nhà thờ bên cạnh mộ ông ở Bến Ngự.
2. Phan Bội Châu là nhà Nho nghèo, là đứa con của phong trào chống Pháp ở Nghệ Tĩnh
Phan Bội Châu là một nhà Nho nghèo của đất Nghệ Tĩnh. Lúc ông lớn lên cũng là lúc văn thân Nghệ Tĩnh đang phản đối triều đình đầu hàng, nổi lên “bình Tây sát tả”. Phong trào sôi sục, liên tiếp không dứt.
Nghệ Tĩnh là một vùng địa thế rộng nhưng đất xấu. Cho đến đầu thế kỷ này ruộng ít, phần lớn còn là công điền, là vùng đất lắm đồi núi sông biển. Đời sống của nhân dân còn dựa nhiều vào nền kinh tế tự nhiên: vườn tược, săn bắn, đánh cá, đốn gỗ, nhặt tranh củi, thu lâm sản. Thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển kém hơn nhiều nơi khác. Dân đông, nhiều người phải bỏ quê hương đi nơi khác kiếm ăn. Nét khá nổi bật là dân Nghệ Tĩnh học tập rất cần cù: làm thầy đồ đi dạy học là một nghề nghiệp của nhiều người. Nhiều người đi dạy ở cả các tỉnh xa.
Trong bản đồ ngày xưa Hoan Diễn (Nghệ Tĩnh) là một góc rừng biển xa xôi đối với kinh đô Thăng Long vì là đất hiểm yếu nó là tuyến phòng ngự chống quân Nguyên, là căn cứ của Trần Quý Khoáng rồi của Lê Lợi chống quân Minh, là căn cứ của Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm chống quân Mạc. Từ thế kỷ XVII, việc Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm dựa vào đất Thanh Hóa, Nghệ An chống Mạc, khôi phục nhà Lê, rồi sau đó việc Trịnh Nguyễn chia cắt đất nước đã để lại nhiều ảnh hưởng quan trọng trong sự phát triển lịch sử vùng này. Một mặt, nhiều người theo Lê Trịnh chống Mạc, theo Trịnh chống Nguyễn trở thành danh tướng danh thần, thành những dòng họ quyền quý gần gũi vua chúa ở Thăng Long, mặt khác dân Nghệ Tĩnh được tin cậy làm chỗ chọn lính Tam Phủ - thân binh của vua chúa. Trong cuộc chiến tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, Nghệ Tĩnh là cửa ngõ đường ống đi lại giữa Nam Bắc là vùng có tính chất biên giới. Vĩnh Doanh là đồn binh lớn, Nghệ Tĩnh là chiến trường tranh chấp giữa hai bên. Những điều đó ảnh hưởng đến xã hội, đến văn hóa của cả vùng. Sau khi Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn, Nghệ Tĩnh ở vào một tình thế đặc biệt. Nó là “đất căn bản” của vua Lê chúa Trịnh, lại là kinh đô của Nguyễn Huệ nên đối với triều đại mới nó bị coi là đất phản nghịch không được tin cậy. Dưới thời Tự Đức, trước đường lối đầu hàng của vua tôi nhà Nguyễn, văn thân Nghệ Tĩnh đã dâng biểu cho nhà vua từng điểm một, bác bỏ những ý kiến trong thánh chỉ (!) ngang nhiên chê triều đình “giá ngự không đúng đường” “không biết dựa vào lợi đất”, “không biết dựa vào sức người”, đại thần thì gian nịnh bán nước như Tân Cối, Giả Tự Đạo, vua thì “theo tà loạn chính” “quý rẻ âm dương”. Tự Đức biện bạch “Người phá giặc Ân ở Vũ Ninh là Đổng Thiên Vương đến nay đã vắng; Người bắt giặc Nguyên ở sông Bạch Đằng là Trần Hưng Đạo, bây giờ còn đâu. Thánh Tản Vien không còn nữa, ai vì ta hát khúc khải hoàn; Nữ thần Cát bà cũng vắng biệt, ai vì ta dâng cáo Bình Ngô. Ví bằng đánh mà không thể thắng được, chẳng thà không đánh còn hơn” (Chiếu Tự Đức dụ văn thân Nghệ Tĩnh, VNYN, 417).
Bài biểu của văn thân bốn tỉnh vùng Nghệ An đáp lại: “Đổng Thiên Vương đã mất, nhưng trong thiên hạ thiếu gì người như Đổng Thiên Vương; Trần Hưng Đạo đi đâu, chứ trong thiên hạ còn nhiều người như Trần Hưng Đạo. Thánh Tản Viên không ở đây, nhưng sáu thao ba lược rất nhiều bậc làm tướng có tài; Thần nữ Cát bà đã vắng rồi nhưng bốn chính tám kỳ, không hiếm người cầm quân dũng cảm”. Không những họ đã vạch ra sai lầm của vua chúa và triều đình mọt cách khá phạm thượng mà cuối cùng, bất chấp cả lệnh của triều đình, họ đã nổi lên “bình Tây sát tả” gây thành phong trào hai năm Tuất mà Phan Bội Châu không những nhiệt liệt ca tụng mà bản thân bằng cách của mình cũng đã trực tiếp tham gia.
Sau khi nước mất, phong trào chống Pháp ở Nghệ Tĩnh là phong trào sâu rộng và kéo dài lâu hơn cả. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Xuân Ôn rồi Phan Đình Phùng, huyện nào cũng lập quân thứ, có tổ chức kháng chiến. Sau khi Phan Đình Phùng mất, phong trào chống Pháp vẫn dai dẳng. Nhiều người bỏ vào núi hay đi sang địa phương khác, sống ngoài vòng pháp luật, đi về bí mật như những kẻ du hiệp. Những người khác chống một cách tiêu cực: không làm cho Pháp, không học chữ Pháp (đến cả chữ Quốc ngữ), không dùng đồ Pháp (cho đến cả xà phòng). Tinh thần yêu nước và họat động chống Pháp vẫn phát triển liên tục cho đến Cách mạng tháng Tám. Con đường rừng núi sang Lào sang Xiêm, mà sự ngheo đói và sự khủng bố của quân thù vạch ra cho họ, trở thành con đường mòn, có sẵn nhà người đồng hương làm chỗ tạm trú ngụ, không ngớt đưa nhiều người trẻ tuổi theo vết chân Phan Bội Châu, rồi theo vết chân Hồ Chủ Tịch ra nước ngoài. Nghệ Tĩnh đã cung cấp cho đất nước những đứa con ưu tú: lớp trước có Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Đặng Thúc Hứa, Hoàng Trọng Mậu, Trần Hữu Lực… mà lớp sau có Hồ Chí Minh, Hồ Tùng Mậu, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu… Do tinh thần đấu tranh dai dẳng như thế, chính quyền thực dân có lúc đã phải cấm người Nghệ Tĩnh đi lại cư trú ở tỉnh khác, có tên tay sai đã đề nghị triệt hạ, làm cỏ cả tỉnh với một lý do khét tiếng: “Có thêm hai tỉnh Nghệ Tĩnh nhà nước cũng không giàu thêm, không có hai tỉnh Nghệ Tĩnh nhà nước cũng không nghèo thêm” (Hữu Nghệ Tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần). Những điều ta nói trên là chung cho nghẹ Tĩnh nhưng lại tập trung ở một vùng dưới chân núi Hồng Lĩnh, hai bên bờ hạ lưu sông Lam – quê hương của Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh và tất cả những người ta đã kể tên. Đó cũng là những việc xảy ra về thời gian không cách xa Phan Bội Châu bao nhiêu, ảnh hưởng đến Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng Phan Bội Châu.
Điều kiện tự nhiên lịch sử và xã hội đó ảnh hưởng đến con người. Đặng Thai Mai nói: “Người Nghẹ Tĩnh can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khó khăn, tằn tiện đến cá gỗ”. Tính cách địa phương của con người chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện kinh tế, của tình hình đấu tranh xã hội, của lịch sử. Trong lịch sử người Nghệ Tĩnh có những người ngang tàn thị tài kiểu Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Công Trứ, có những người coi thường công danh cả các triều vua như Nguyễn Thiếp, có người chống triều đình như Hoàng Phan Thái, Trần Tấn, Đỗ Như mai… Ở đó có lính Tam phủ bỏ chúa lập vua gây thành loạn kiêu binh, có đấu tranh hào hộ rất dai dẳng mà không có nông dân khởi nghĩa. Tuy tác giả Hoa Tiên, Truyện Kiều, Mai đình mộng ký đều quê ở Nghệ Tĩnh, Nghệ Tĩnh lại nổi tiếng là đất văn vật nhưng thanh lịch không thuộc tính chất người Nghệ Tĩnh, Nghệ Tĩnh không phải là đất đẻ ra những nhà Nho tài tử hào hoa phong nhã. Cái tiêu biểu của người Nghệ Tĩnh là chó khí, nghị lực, gan góc, giỏi chịu đựng, ngang tàn không chịu ràng buộc đến ngang bướng. Là dân xứ nghèo, họ phải sống rất tằn tiện, nhưng trọng danh dự, giàu tín nghĩa, nên đối với bà con, làng xóm, khách khứa, bè bạn, nhất là đối với việc nước việc dân họ lại trọng nghĩa, hào hiệp, rộng rãi dễ coi thường tài sản tính mạng.
Phan Bội Châu là con đẻ của quê hương ông, kết tinh nhiều đức tính mà cũng mang những nhược điểm, hạn chế của quê hương ông.
Ông là một nhà Nho nghèo. Cha ông là thầy đồ. Lúc nhỏ, mới 6 tuổi, ông đã theo cha đến ăn ở và đi học tại nhà chủ, thiếu giấy ông phải dùng lá chuối để chép bài học. 18 tuổi thì bản thân ông cũng đi làm thầy đồ để tự nuôi thân; nhà nghèo có khi ông phải giấu bớt cơm để đưa về cho em. Phan Bội Châu là nhà nho hay chữ, nổi tiếng về văn chương cử tử, là một danh sĩ nhưng đồng thời cũng là người sống gần gũi nông dân, xuề xòa, dễ dãi, hay đi hát phường vải, hát dặm. Ông có sẵn cơ sở hiểu biết lời ăn tiếng nói, điệu hát câu ca của nhân dân để kết hợp với văn chương bác học, dùng làm vũ khí tuyên truyền cổ động cách mạng. Do những hoạt động yêu nước hồi còn rất trẻ, do nổi tiếng, do tính cách con người, Phan Bội Châu từ rất sớm đã có quan hệ gần gũi với những người “lục lâm giang hồ”, những người chống Pháp có võ nghệ, sống bí mật bất hợp pháp, hành động táo bạo, không gò bó theo khuôn phép và rất thông thạo đường sá, rất thông thạo rừng núi. Những người lục lâm giang hồ đó tập hợp dần quanh Phan Bội Châu ngay từ khi ông chưa xuất dương, đã thành người bảo vệ và giúp đỡ ông rất đắc lực. Hoàn cảnh đó làm cho Phan Bội Châu, tuy là nho sĩ, văn sĩ mà lại có khả năng hiểu biết và tập hợp được các võ sĩ, hiệp sĩ để đi theo con đường đấu tranh võ trang, đấu tranh bí mật, là điều mà những nhà nho trước ông hay đồng thời với ông ở các nơi khác và ngay cả ở Nghệ Tĩnh khó làm nổi.
Màu sắc địa phương và cả cá tính đó của Phan Bội Châu không những khá đậm trong nội dung và nghệ thuật thơ phú của ông mà cả trong cảm hứng truyện ngắn, tiểu thuyết của ông nữa.
3. Chịu ảnh hưởng thời đại: nhà nho thành nhà chính trị, nhà văn
Chỉ có tính địa phương và cá tính không giải thích được con người, cuộc đời và sáng tác văn học của Phan Bội Châu. Phan Bội Châu sống trong một thời đại đang đổi thay nhiều và vì vậy ông cũng đổi thay khá nhiều lần. Từ là một nhà nho chính thống, ông đã trở thành một người hoạt động cứu nước, một nhà hoạt động chính trị, từ là một nhà hoạt động chính trị ông thành một nhà văn. Nhà văn Phan Bội Châu đã thuộc loại khác so với các nhà nho làm thơ, viết văn lớp trước. Hơn thế nữa, trong thời gian Phan Bội Châu hoạt động chính trị và viết văn, nhiều nhà nho khác cũng thành nhà yêu nước, nhiều nhà nho khác cũng trở thành nhà văn, nhưng con đường thành nhà văn của Phan Bội Châu cũng đã không giống con đường của nhiều nhà nho lúc đó. Thời đại, hoàn cảnh cụ thể khá độc đáo quy định, để lại dấu vết sâu sắc trong những chặng đường viết văn của ông.
Từ là người học trò hay chữ, đậu đầu xứ cho đến đậu giải nguyên và nếu không vì lợi dụng thời gian thi để đi lại hoạt động chuẩn bị thành lập tân đảng, ông cũng có thể đậu đại khoa, từ viết hịch, lập thí sinh quân đến âm mưu tập kích thành Nghệ An, Phan Bội Châu tuy đã bộc lộ tư tưởng yêu nước, tính cách xông xáo khá cao nhưng vẫn nằm trong khả năng phát triển của một nhà nho như những nhà nho yêu nước cuói thế kỷ trước. Nhưng việc ông gặp Nguyễn Thượng Hiền, đọc Tân thư, mở tầm mắt nhìn ra tư tưởng dân chủ của thời đại, rồi lại gặp Nguyễn Hàm nhìn ra phương hướng ổ chức chống Pháp với quy mô toàn quốc đi đến viết Lưu cầu huyết lệ tân thư, dùng hình thức tổ chức chính đảng, lập Duy tân hội, Phan Bội Châu đã đi vào con đường hoạt động như một chính khách thuộc phạm trù tư sản. Đó là một đổi thay quan trọng hoàn toàn nằm ngoài quy luật phát triển của nhà Nho.
Trên cương vị lãnh tụ chính đảng, ông xuất dương, hoạt động về ngoại giao, về tuyên truyền cổ động, về tổ chức… những công việc ngoài văn học của ông là hoàn toàn mới mẻ và văn chương ông viết lúc đó: các thư ngoại giao, những lời kêu gọi, chính cương, sách biên khảo tuy vẫn viết theo quan niệm văn học nhà nho và nghệ thuật còn chịu ảnh hưởng văn xuôi cũ khá nặng nhưng thể loại đã ra ngoài khuôn khổ văn chương nhà nho. Trong một giai đoạn đầu, hoạt động văn học của ông không tách khỏi họat động chính trị của ông, người chính khách và nhà văn trong ông chỉ là một, nói cách khác ông là nhà chính trị của thời đại mới, làm văn như một nhà nho, chứ không phải là nhà chính trị viết như một văn nghệ sĩ.
Sau khi từ nhà tù Long Tế Quang ra, sau một vài cố gắng nhen nhóm lại phong trào mà không có kết quả, xung quanh ông vẫn có một số đồng chí, nhưng đảng cách mạng thực té đã tan rã không họat động gì được. Phan Bội Châu phải kiếm kế sinh nhai bằng nghề “bán chữ”, viết bài gửi đăng các báo Trung Quốc, Đông Á tân văn ở Bắc Kinh, Binh sự tạp chí ở Hàng Châu và từ năm 1922 trong một thời gian dài 3 năm 4 tháng ông làm biên tập viên cho tạp chí đó. Trong Phan Bội Châu niên biểu, ông nói: “Hàng Châu đã thành cửa hiệu buôn văn bán chữ của tôi, những cột “thời bình”, “xã luận”, “tiểu thuyết” trong tạp chí này đều do tôi viêt scả… Tôi lại thành ra một nhà tiểu thuyết” (trang 193).
Viết báo, viết tiểu thuyết như thế, tuy ông cũng tự an ủi là “có thể” lợi dụng để “phát huy được tinh thần cách mạng thế giới, có thể đem lý luận sắc bén để bóc trần chính sách hại dân của bọn đế quốc” và viết được một số bài “cực lực công kích chính sách giặc Pháp”, nhưng ông vẫn coi đó là chuyện “vì người ta may áo lấy chồng vẫn không phải là ý muốn của mình (PBCNB, trang 193). Dầu sao trong việc viết báo, viết tiểu thuyết đó, tự nhien hoặc vì bắt buộc, ông phải tách người vưan nghệ sĩ khỏi nhà chính khách, chú ý đến những điều mà nhà văn - chứ không phải nhà chính trị - trong ông phải chú ý đến. Đây là văn nghệ của thời đại mới chứ không phải là văn chương như trước. Cho đến khi bị giam lỏng ở Bến Ngự, không có hoàn cảnh để hoạt động chính trị, dần dần xa lạ với phong trào cách mạng đã đi theo hướng mới ở trong nước, ông vẫn làm nhiều thơ, phú, văn tế và viết mấy truyện ngắn gửi đăng báo. Trong suy nghĩ của ông những cái ông viết đó đều nhằm thức tỉnh nhân dân làm cho mọi người nghĩ đến nước, yêu nước, cứu nước, nhưng ông không còn là nhà chính trị lãnh tụ của quần chúng, đại diện cho một chính đảng mà chỉ là một văn nghệ sĩ yêu nước và tác phẩm của ông rõ ràng hướng dần đến viêt stheo yêu cầu của cái đẹp nghệ thuật.
Phan Bội Châu tiêu biểu cho phong trào và con người Nghệ Tĩnh, và vì là tiêu biểu cho một địa phương có phong trào chống Pháp mạnh nhất cho nên có khả năng liên kết các nhà nho nơi khác, nhân dân tỉnh khác, liên kết phong trào Nam Trung Bắc trở thành “dấu hiệu cao cả tập hợp mọi lực lượng chống thực dân Pháp trong nước” (Đặng Thai Mai, tr. 96) đối với lịch sử nước ta đầu thế kỷ này “trước Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu là nhân vật vĩ đại” (Tôn Quang Phiệt).
Về mặt văn học, giáo sư Đặng Thai Mai nhận xét: “Có lẽ từ xưa đến nay trong văn học Việt Nam chưa có nhà văn nào đã chịu khó và có gan đem ngòi bút ra thử thách trên nhiều loại văn khác nhau như Sào Nam”. Đầu thế kỷ XX Phan Bội Châu cũng là nhà văn lớn nhất.
Con đường trở thành nhà văn của Phan Bội Châu là con đường đặc biệt do hoàn cảnh tạo ra. Thời đại, cương vị hoạt động cách mạng và địa điểm có ý nghĩa rất lớn. Ông không có ý thức làm một nhà văn như một số nhà nho khác. Vì cương vị, vì hoàn cảnh, ông chuyển dần thành nhà văn của thời đại mới. Nhưng ông lại không biết ngôn ngữ châu Âu, ngôn ngữ của những nền văn học hiện đại, không dọc được các tác phẩm văn học hiện đại. Ông ở Trung Quốc chứ không ở Pháp hay Liên Xô, quê hương của những nền văn học phát triển cao. Quan niệm văn học của ông vẫn là quan niệm cũ của nhà nho: văn học truyền đạt giáo huấn ký ngụ chứ không phải phản ánh, có ích chứ không phải đẹp. Nhưng cũng như Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều, dầu đã để hết tâm hồn viêt snên áng văn chương bất hủ, vẫn coi đó là văn mua vui, Phan Bội Châu khi viết một số truyện ngắn, tiểu thuyết vẫn thanh minh “mục đích cốt để kiếm ăn, chứ khong phải bài vở”, ông chỉ coi mọt số tài liệu tuyên truyền viết lúc đó là “tác phẩm đáng kể”. Những tác phẩm không đáng kể của ôn đã đưa ông sang hàng ngũ văn nghệ tuy không phải có điều đó mới làm ông vinh quang.
Phan Bội Châu là một nhân vật của giai đoạn giao thời và tiêu biểu nhất cho giai đoạn giao thời ấy. Tư tưởng chính trị của ông thay đổi luôn luôn theo thời đại mà sáng tác văn học của ông cũng thay đổi luôn theo thời đại. Chú ý đúng mức đến tính chất giao thời, đến sự thay đổi liên tiếp như thế, không những làm cho ta hiểu và đánh giá đúng Phan Bội Châu hơn mà hiểu đúng Phan Bội Châu trong sự đổi thay lại giúp ta hiểu cả giai đoạn lịch sử đó ở Việt Nam hơn nữa.
Kỳ II: Người hào kiệt tự nhiệm và cái  hùng tráng trong văn chương cử tử

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444427

Hôm nay

236

Hôm qua

2333

Tuần này

236

Tháng này

219601

Tháng qua

112676

Tất cả

114444427