Người xứ Nghệ

Phan Bội Châu (Phần II)

II. NGƯỜI HÀO KIỆT TỰ NHIỆM VÀ CÁI HÙNG TRÁNG TRONG VĂN CHƯƠNG CỬ TỬ

Phan Bội Châu thử thách ngòi bút mình trên nhiều thể loại văn học nhưng tài năng của ông bắt đầu, gắn bó, chịu ảnh hưởng nghệ thuật văn chương cử tử là thứ văn chương ông rèn luyện rất công phu.

Phan Bội Châu nổi tiếng là nhà nho hay chữ, tỏ ra có biệt tài làm văn chương cử tử, nhưng đối với nó, thái độ của ông có mâu thuẫn. Từ trẻ ông đã không muốn làm người tầm thường, lập thân bằng sự nghiệp văn chương. Ông thích ngâm hai câu thơ của Viên Mai:
Túc dạ bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương
Mà ông tạm dịch:
Khuya sớm nhưng mong ghi sử sách
Lập thân hèn nhất ấy vưn chương
Về sau khi đọc Tân thư, thấy cái nguy hại của “nọc độc khoa cử”, ông càng chán ghét nó. Thế nhưng vào thời đó không có chút danh vọng thì khó ăn nói với đời, khó làm nên việc, nên ông phải cố công dùi mài kinh sử, chạy vạy, quyết thi đậu và đậu Giải nguyên. Đậu Giải nguyên trường Nghệ là một vinh dự khá lớn, thế nhưng ông lại coi đó là điều thẹn thùng xấu hổ (xem câu đối tự mừng khi thi đỗ). Là học trò đi thi, ông cứ phải tập luyện làm văn, là thầy đồ dạy học cứ phải dạy dỗ rèn luyện cho học trò làm văn. Đeo đuổi văn chương cử tử quá nửa đời người, nó thành một cái tôi thứ hai của ông, cho nên về sau đầu là viêt sthơ văn tuyên truyền cứu nước hay viết truyện ngắn, tiểu thuyết, ông cũng khó thoát khỏi ảnh hưởng của nó.
Văn cử tử gồm thơ, phú, kinh nghĩa, văn sách, tứ lục. Đó là thứ thơ và văn xuôi điển phạm, chính thống. Triều đình dùng nó để lựa chọn nhân tài trong các khoa thi. Người đi học ngày xưa phải học, phải tập, phải luyện nghề văn chương đó từ nhỏ cho đến già. Văn cử tử là một thứ “văn chương nhai bã mía”, sáo rỗng, chỉ xào xáo những lời cũ để nói những ý xưa. Người làm văn phải viết về những người, những việc, những ý kiến có sẵn trong sử sách, phải theo luật lệ về vần, điệu, bố cục, phải phô diễn bằng những điển tích. Đó là một thứ văn chương gò bó sự sáng tạo, không những gò bó vì đề tài, lệ luật, điển tích đã có sẵn, mà còn vì thái độ khen chê của người viết cũng đã có sắn: ý kiến phải theo đúng đạo lý thánh hiền, theo đúng cương vị của lễ, theo đúng thái độ của triều đình và cả của quan trường chấm bài. Người viết chỉ là người thợ chạm trổ đẽo gọt. Cái hay của văn chương cử tử là ở kỹ xảo, chứ không phải ở cảm xúc, tư tưởng. Tư tưởng, tình cảm của người viết chỉ có thẻ bộc lộ một cách rất khó khăn, gián tiếp, hạn chế qua việc giải thích, phẩm bình và cũng chỉ ở trong một số thể loại nhất định. Trong những điều kiện khắt khe như vậy không phải Phan Bội Châu không làm cho văn cử tử của mình có sắc thái riêng. Nhiều bài phú của ông như bài Hồ thượng khóa lư (Cưỡi lừa chơi trên hồ), Hiệp Thái sơn khiêu Bắc hải (Cắp núi Thái sơn nhảy qua Bắc hải), Trương Lương từ Hán quy Hàn (Trương Lương từ giã vua Hán để về Hàn)… không những nổi tiếng về mặt kỹ xảo văn chương mà cũng có tác động kích thích lòng người không nhỏ. Hiện nay ta chưa sưu tập được nhiều văn cử tử của ông. Những bài đó có ý nghĩa về mặt vưn học sử không phải vì nội dung, không phải vì kỹ xảo “hay chữ” mà vì nó liên quan đến sự hình thành tài năng văn chương của ông, vì nó là khâu chuyển tiếp phản ánh quá trình văn học giai đoạn mới thoát thai từ nền văn chương chính thống nhất của xã hội phong kiến, không những của riêng Phan Bội Châu mà của nhiều nhà nho yêu nước khác.
Giữa hai thế kỷ XIX và XX khi cả dân tộc thất bại đau đớn trước những kẻ “mọi rợ phương Tây”, nhiều nhà nho đã bắt đầu nghi ngờ đạo lý thánh hiền. Tư tưởng khá phổ biến trong các nhà Nho là thấy cần con người anh hùng có tài hơn người; thánh hiền chỉ có đức, cần người tự nhiệm hành động hơn là những người khiêm cẩn phục tùng. Lời than thở thẹn thùng của Phan Đình Phùng, lời tự trào đau xót của Nguyễn Khuyến, dư luận đề cao Ông Ích Khiêm, Nguyễn Công Trứ đều là nói cái tâm lý chung đó. Không phải người ra đưa một con người mới ra để đối lập, bài xích con người cũ. Trong sự nhục nhã đau đớn của cảnh mát nước, để phê phán hành vi ươn hèn, phản bội hay để bộc lộ ước mong cứu nước, giải phóng người ta vẫn còn nghĩ đến con người có đức, con người chức năng. Văn chương vẫn nhắm treo gương, phẩm bình. Chỉ chỗ nhấn mạnh là khác trước. Đây chưa phải là lúc vượt ra ngoài ranh giới của Nho giáo, nhưng ta đã thấy một bước đi về phía ranh giới, tìm đến ngả đường khác.
Văn chương Phan Bội Châu - nhất là phúc và thơ - cuối thế kỷ trước phản ánh quá trình biển chuyển từ nhà nho trung nghĩa sáng người hào hiệp anh hùng, vì đại nghĩa chuyển dần thành người chí sĩ tự đảm đương lấy việc cứu dân, cứu nước, xa dần con người thánh hiền.
Là một người học đến thấm nhuần sâu sắc kinh truyện, sử sách, lại sống trong phong trào cần vương ở Nghệ Tĩnh, Phan Bội Châu có hoài bão tha thiết làm người trung nghĩa. Điều đó không những chỉ biểu lộ trong việc ông viết hịch Bình Tây thu Bắc Song tuất lục mà ngay cả trong các bài phú làm trong nhà trường, làm trong các kỳ thi, hễ có dịp là ông lại ca tụng những người trung nghĩa một cách say sưa. Ông đặc biệt đề cao những người anh hùng hy sinh để cứu vua, cứu nước trong những hoàn cảnh gian nguy. Đối với người ẩn dật ông cũng đề cao nhưng thường khai thác khía cạnh kiên cường, vì chính nghĩa và tâm trạng bất đắc dĩ phải ẩn dật. Theo cách nhìn truyền thống hai mẫu người trung nghĩa và ẩn dật, hợp với đạo nghĩa như vậy, đều là những tấm gương cho kẻ sĩ quân tử, xưa nay sử sách đều đề cao. Trong hoàn cảnh mất nước cuối thế kỷ trước, vì vua chống Pháp mà hy sinh hay bỏ quan mà về đều là không chịu hàng giặc, đều là hành động cao cả. Về sau, Phan Bội Châu đọc tân thư, có tư tưởng dân chủ. Ông coi nước là của dân, kịch liệt lên án triều đình nhà Nguyễn đầu hàng, nhưng lúc đầu vẫn chưa có sự phân biệt giữa người thần tử vì vua cứu nước với người dân chủ vì nước mà chống vua quan. Sự lẫn lộn giữa yêu nước và trung nghĩa, vì đều có hành động cứu nước và đều hy sinh như thế, còn tiếp tục ở ông trong một thời gian khá dài. Ngay cả khi ông đã xuất dương năm 1907 viết Sùng bái giai nhân, không những ông ca tụng Tô Vũ, Trương Tuần, Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, Tô Dịch là những người anh hùng chống ngoại xâm mà ông ca tụng cả Dự Nhượng, Ngũ Tử Tư, Trương Lương, Dịch Nhân Kiệt là những người tôi trung chỉ của một dòng họ. Đối với ông trung với chúa, trung với nước hay kiên trinh cao khiết đều là hào kiệt, đều là những người có tài, có chí, có tâm vì đời và đều biết hy sinh mình vì đại nghĩa. Cũng có lúc người hào kiệt gặp cảnh vua kém, triều đình đầy gian nịnh phải rút lui về ẩn dật; Phan Bội Châu thường hình dung ở họ một tâm trạng đau xót, bất đắc dĩ phải xa lánh cuộc đời.
Trong bài phú Hồ thượng khóa lư (Cưỡi lừa chơi trên hồ) nói về việc Hàn Thế Trung, một danh tướng cuối đời Tống, đánh Kim đang thắng to mà phải theo chủ trương nghị hòa của Tần Cối rút quân về, để đất nước rơi vào tay giặc và tự mình lui về sống cảnh ung dung cưỡi lừa dạo ben Tây Hồ ở Hàng Châu.
“Giẫm tàn lá súng hoa sen, tháng bảy Đông Pha chơi phiếm. Sẵn có hương mai bóng trúc, ba đông Lý Tĩnh ngao du.
Mặc cho tuyết phủ Bá Kiên, chỉ biết lòng ta như Trịnh Phổ.
Hãy cứ cưỡi theo Mặc Thuật, yêu nó vì mặt tựa Tử Du”
                                     (Hồ thượng khóa lư, Bản dịch của Đỗ Ngọc Toại)
Tây Hồ là cảnh đẹp nổi tiếng. Người cưỡi lừa được mô tả rất nhàn nhã ung dung. Nhưng người anh hùng “đã từng phen trướng hổ đàm binh, trên yên rong ruổi; lại học lối ông chài cao hứng, suốt buổi nghênh ngang” ấy khong tự hào về công trạng, tài năng, không say mê gì cảnh đẹp. Tâm sự của ông là một tâm sự đau xót:
“Chí phục thù canh cánh mang theo, phụ với mười năm tâm sự. Cơ trí chỉ mắn may biết sớm, lưu làm muôn thuở kỳ quan”
Trong bải phú Phù hải (Vượt biển) nói về việc Khổng Tử bực mình vì đời không biết dùng mình nen than thở muốn cưỡi bè ra biển ở. Phan Bội Châu hình dung “thánh nhân” lòng đã chán ngán
“Đạo không dùng được, nước trôi xuôi, khó với Đường Ngu.
Lo thời tránh xa, xe quanh quẩn, mê chi Vệ Tống”.
Đối với việc đời, ngài cũng đã hết hy vọng, và thái độ cũng khá thây kệ buông xuôi.
“Khắc khoải tự lòng ta tới biển thì dặm khỏi chi quản. Tênh tênh xa cõi tục, buông bè mà cặp bến không lâu.
Không lo lẫn sóng với bùn bàn chi khua khuấy; chẳng tính nên buông hay vén, mặc kệ nông sâu”
Nhưng tấm lòng của kẻ “những chắc tấm thân Giang Hán, có thể đem đạo để vớt đời không may gặp buổi tối tăm, đời không ai biết trọng dụng” cũng không thể đành lòng ẩn dật. Khổng Tử có an tâm vui vẻ đâu được trong cái cảnh “Tăng Sâm nằm già ở Tây hà”, “Tăng Điểm tắm mát ở sông nghi”.
Trước hai thái độ mà nhà nho chính thống đều coi là chính đáng thì Phan Bội Châu phát huy tư tưởng nhập thế, vì đời. Ẩn dật dầu là cảnh của Khổng Tử, Trình Chu, Tư Mã Quang hay Phạm Lãi, Hàn Thế Trung cũng đều là có chỗ bất đắc dĩ, có mang nỗi đau xót. Ca tụng thú ẩn dật, nói cái say mê của cuộc sống nhàn tản, cuồng phóng, ca tụng cái đẹp tinh tế của hoa cỏ, cảnh vật hay cái tươi tắn sinh động tình tứ của thiên nhiên đều không phải là sở trường của Phan Bội Châu. Không phải chỉ ở trong thể phú và văn trường ốc mà ngay cả trong thơ viết tự do, ta cũng nhân ra điều đó.
Lên chơi núi Đại Huệ, một hòn núi cao ở quê hương ông, Phan Bội Châu viết:
Ngã vị đăng sơn thì
Chúng sơn dữ ngã tề
Ngã ký đăng sơn thì
Ngã thị chúng sơn đê.
Dịch:
Ta chưa lên đỉnh núi kia
Núi non bao bọc tứ bè ngang vai
Ta lên trên đỉnh kia rồi
Non xanh trăm ngọn ngó xuôi lè tè.
 
            Trong tâm tư, Phan Bội Châu luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh người hào kiệt. Hào kiệt là người không tầm thường, hơn người, khác những người xung quanh có thể về đức, vì tài hay vì công nghiệp. Hào kiệt bao gồm cả thánh hiền và anh hùng. Tùy theo sự đòi hỏi của thời đại mà người hào kiệt được hình dung theo hướng người thánh hiền có đức hay anh hùng có tài. Người hào kiệt mà Phan Bội Châu ấp ủ hồi trẻ còn mang tư tưởng trung nghĩa nên chưa tìm phân biệt với người thánh hiền. Tuy nhiên sắc thái đã khác trước. Thánh hiền, xét về mặt phẩm chất đạo đức hay trung nghĩa, xét về mặt kết quả hành động là người, tuy cùng đem hết tâm trí tài năng ra làm việc đời, nhưng họ hành động theo chức năng, cương vị, theo đạo lý. Họ cũng cần tài trí, họ cũng tính toán, nhưng tài trí tính toán là để thực hiện mệnh vua mệnh trời giữ đúng đạo lý. Họ vì nghĩa chứ không thị tài. Họ có cá tính rõ rệt, rất tự hào về mình nhưng hành động không lấy bản thân làm xuất phát điểm, không lấy cá nhân làm trung tâm. Trong xã hội phong kiến nó đối lập với cái đa tình, cái thị tài của người tài tử. Người hào kiệt của Phan Bội Châu đã có khác loại thành hiền như vậy. Người hào kiệt ở đây vì nghĩa mà cũng thị tài. Nó cá nhân hơn, có ý thức về mình, tự hào về tài trí tuy rằng nó vẫn khác hẳn người tài tử trong quan niệm về cuộc đời.
            Phạm Lãi trong bài phú: “Cộng biến chu du Ngũ hồ” (Cùng chiếc thuyền nhỏ chơi ở Ngũ hồ), khi đã giúp Ngô phá Việt, làm xong sự nghiệp, cùng Tây Thi dong thuyền chơi trên hồ.
            Rỗi rãi mà sông Ngô đưa mắt ngó, oán hờn êm bao lớp sóng cồn; mệt nhoài mà bến Việt ngảnh đều trông, giận dữ sạch hai mươi năm nước cả.
            … Sóng vỗ mà tỉnh giấc được thua, chi bằng nằm khểnh;
            Bến dốc mà sạch lòng được mất, rót nữa kỳ say.
            Không thể nói với ai, cảnh ấy mà người chơi ấy;
            Kể gì sông nước nhỉ, người này mà ý tứ này”
            Trương Lương trong bài: “ Trương Lương từ Hán quy Hàn” (Trương Lương cáo từ vua Hán để về Hàn) làm mưu thân giúp Lưu Bang đã dùng sức Hán diệt được Tần, trả xong thù nhà, nợ nước nhân lúc nước Hàn vừa khôi phục, cháu vua Hàn mới lên ngôi, từ dã Lưu Bang để trở về với chủ cũ đã suy nghĩ:
                        “Giận oa sinh nay đã thỏa rồi
                        Lòng tái tạo bắt đầu từ đây”
            Đi một bước tình sâu như bể, chàng Lưu Bang chưa hẳn biết ta; gẫm tương lai việc lớn tày trời, khách Ba Thục sao ngăn được tớ.
            Ví thử giúp Hàn có lúc, lấy Trung Nguyên không phụ lòng xưa; Cần chi về Hán sau này, sắp kế hoạch còn phiền bày vẽ (Tôn Quan Phiệt dịch).
            Đối với người hào kiệt như vậy, nước Ngô nước Việt, vua Hán vua Hàn tuy vẫn có những quan hệ phải giải quyết theo đạo nghĩa nhưng đó cũng là những vật, những chỗ, những tình huống cho họ trở tài thu xếp sắp đặt. Tài trí không chỉ là hiêu biết mà là cơ mưu. Họ cũng còn hành động theo phận sự nhưng phận sự đó biến thành suy nghĩ, tình cảm riêng, thành những nỗi giận lớn, mối thù lớn, tính toán lớn của riêng họ, mà họ nung nấu nuôi dưỡng trong lòng hàng chục năm. Người hào kiệt tự nhiệm, tự tin đứng trên cao, hành động theo chí lớn của mình. Nét đặc sắc của họ không phải là những tim gan trung nghĩa vằng vặc như mặt trăng mặt trời mà là những hoài bão lớn, mưu đồ sâu sắc ít người hiểu nổi. Họ là những cá nhân – không phải cá nhân chủ nghĩa tư sản nhưng không còn chỉ là cha, là con, là vua, là tôi nữa. Hình tượng người hào kiệt như vậy hình thành dần trong văn chương cử tử của Phan Bội Châu. Về loại bài phú “Bái thạch vi huynh” có một ý nghĩa đặc biệt. Không phải chỉ về nội dung , nghệ thuật mà cả về dụng ý, tác động có ý nghĩa lịch sử đối với phong trào cách mạng lúc đó.
Năm 1897 Phan Bội Châu vào Huế, tìm nơi dạy học, kiếm cớ làm quen để tổ chức thêm đồng chí. Nhân dịp Khiếu Năng Tĩnh, lúc đó là Tế Tửu Quốc tử giám cho ra loại học trò làm bài phú với đầu đề là “Bái thạch vi huynh” (Tôn đá làm anh). Phan Bội Châu không phải là cử nhân học trường Giám nhưng cũng làm bài và nhờ Đặng Nguyên Cẩn nộp cho Khiếu Năng Tĩnh chấm. Bài phú của Phan gây một tiếng vang rất lớn trong đám khoa bảng ở kinh đô và có tác dụng tập hợp nhiều nhà Nho yêu nước lúc bấy giờ còn trẻ tuổi.
Chọn đề “Bái thạch vi huynh” là dựa vào một tích cũ Mễ Phát (tức Nguyên Chương) thích đá lạ. Khi làm quan ở Nhu Tu, nghe nói có đá lạ bên sông, ông sai người đem về lỵ sở, giải chiếu lạy và nói: “Tôi mong gặp được gặp Thạch huynh đã 20 năm nay rồi!”.
Nội dung đề tài không thật điển hình cho văn cử tử là thứ văn chương nặng mùi đạo học. Người làm bài phải mô tả, giải thích việc người vái đá. Đá phải được nhân cách hóa, mang một tính cách và sự việc vái đá, người vái đá phải giải thích tùy thuộc tính cách của đá. Có thể có nhiều cách giải thích. Ví dụ: đá đi với suối là những nơi vắng vẻ thích hợp với cảnh yên tĩnh nhàn tản. Đá đi với tùng là những vật cứng cỏi biểu tượng của khí tiết. Đá là vật vô tình hình tượng của những đạo sĩ xuất thế. Nhưng Phan Bội Châu có dụng ý chọn một hướng khác. Nhân đã mà nói chuyện Nữ Oa luyện đá vá trời, Tinh Vệ ngậm đã lấp bể, lập những sự nghiệp vĩ đại vì dân vì đời. Để đạt dụng ý đó ông phải mô tả hòn đá theo một tính khác, làm cho việc Mễ Nguyên Chương tôn đá làm anh có liên quan đến chí vá trời lấp biển là điều không có sẵn trong ý Mễ Nguyên Chương.
            Phan Bội Châu đã dùng được rất nhiều chữ nghĩa điển tích thật đắt, bám sát từng chữ “bái”, “thạch”, “huynh”, đã mô tả phẩm chất siêu phàm của đá, mô tả cảnh đi chơi gặp đá, cảnh vái đá, nỗi vui mừng quấn quít anh em, sự tương tác giữa đôi bạn tri kỷ hết sức sinh động. Ông đã viết bằng lời văn mĩ lệ, bằng bút pháp khoa trương, bằng âm điệu hùng tráng đặc biệt của thể phú. Theo tiêu chuẩn của văn chương trường ốc nó thỏa mãn mọi tiêu chuẩn để ông nổi tiếng là “hay chữ nhất nước” như dư luận lúc bấy giờ ca tụng ông. Ngày nay, quen với những tiêu chuẩn thẩm mĩ mới, chúng ta khó thông cảm với cái kĩ xảo, gò gẫm điển tích để thưởng thức cái hay của bài phú, nhưng vào thời gian 70 năm trước đây, lúc mọi người rất quen thuộc với những cái đó thì bài phú đó là cả một bàn tiệc thịnh soạn về ngôn ngữ. Vào thời đại người ta còn tin văn tức là người, còn tìm trong văn chương khẩu khí của người viết, bài phú đó còn gây ảnh hưởng lớn ở một mặt khác. Những điều đó có ý nghĩa lịch sử và tác động của bài phú làm cho nó đáng chú ý trong văn học sử.
            Khi mô tả hòn đá để cho nó thành người (khả nhân) Phan Bội Châu viết:
                        Đá là một vật, cao cao ngất ngất
                        Bậc thái thượng vô tình; đấng trượng phu bất khuất,
                        Chống trời làm trụ cương thường nêu suốt ngàn xưa
                        Ném đất thành âm, văn bút vang lừng trời đất (1)
Đây là một nhân vật cứng rắn hiên ngang, bất khuất vào cỡ người thái thượng nhân, đại trượng phu. Con người phi thường nên cũng phải dùng những đơn vị phi thường về không gian, thời gian mà hình dung nó.
Đoán xem bá thị ngày xưa, năm trăm năm đâu là quê quán
Tính lại trường quân bao tuổi, mười hai hội ấy là một nguyên.
Đây là hình ảnh một người hào kiệt phi thường mà tâm lý chung lúc bấy giờ đang mong ước chờ đợi. Giữa cái cảnh thực tế mọi người đang hoang mang, sống tủi nhục, trước áp lực, sự o ép của địch; cảnh thất bại làm con người tự cảm thấy bé nhỏ, hèn kém, người ta cần đến con người hào hùng, thèm khát cái kiên cường bất khuất. Trước âm hưởng thê lương của thơ hoài cổ, người ta muốn nghe một giọng hùng tráng. Hình ảnh con người “đã bao năm không uốn gối”, “thẳng vách trông cao muôn nhận” đáp ứng đúng đòi hỏi đó, không những thế con người đó lại không phải là người kiêu ngạo vũ phu. Tuy là cứng cỏi như vậy nhưng lại “há rằng không thể khom lưng” dầu là khom lưng trước một vật bé nhỏ. Trước “cốt cách rắn rỏi”, trước “phong tư kỳ lạ” anh ta tỏ ra biết người biết ta. Đó cũng là điều mà mọi người mong đợi. Thực tế chứng tỏ không những con người văn nhược yếu đuối như vua tôi Tự Đức và cả các văn thần đã thất bại mà con người chỉ có cái cứng cỏi vũ phu như loại Tôn Thất Thuyết, Hoàng Kế Viêm cũng không làm được gì. Con người anh hùng đáp ứng đwocj tình thế phải là anh hùng thư kiếm, biết cứng, biết mềm, vừa dũng cảm, vừa cơ trí.
Bái thạch vi huynh đưa ra một mẫu người như vậy. Đó chính là giải đáp cho tâm sự “tướng môn những thẹn với anh hùng” của người trung nghĩa thánh hiền.
Giữa cái cảnh tan tác rời rã, bước ra khỏi nhà là thấy chuyện nhục nhã, hèn hạ, vì hèn nhát mà tráo trở, phản bội, vì ích kỷ mà hết thủy chung, hết tình nghĩa thì sự đi lại, gặp gỡ giữa những người “sương là lông, ngọc là tủy”, “tuyết là phách, băng là hồn” thật là đáng ao ước. Đối với tình trạng tù túng bị o ép trong thực tế mà Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Khuyến đã nói đến thì cuộc sống tự do phóng khoáng thật có sức hấp dẫn. Cho nên người ta say mê theo dõi cuộc đi chơi núi để tìm bè bạn.
Nguyệt lạc Thương giang
Vân đôi Hoàng thạch
…Tình lam phỏng, viễn trục đăng
Nhau sạ tiếp, thần hốt ngưng
Nham yêu tùng nhi tiệm khẩu
Sơn kiên tủng nhi vi lăng.
Trịch trượng thanh trung, hưởng minh tuyền chi vạn điệp
Chỉnh y lậo xứ phi túc chướng chi thiên tằng
Người ta say mê chia sẻ với Mễ Nguyên Chương cái vui được gặp người tri kỷ. Tuy mới gặp hai bên đã rất thân thiết, ý hợp tâm đầu:
Kéo áo dìu về, trước cửa bồi tọa
Đông hải ra vào. Bồng Lai hữu tả
Hoa mới phô màu năm sắc, người đã nên người
Ngọc lành ngậm giá liên thành, giống ta giống quá.
Cái vui mừng quấn quýt của hai anh em lây sang mọi người, sự tin cậy, sự đầm ấm.
Bài phú chỉ ra một cái gì lớn lao đẹp đẽ, lý tưởng đáng mơ ước, có sức an ủi, có sức lôi cuốn, có sức làm say mê. Người nghe cảm thấy an tâm, tin tưởng, Phan chấn muốn sống một cuộc sống xứng đáng. Nó làm nổi lên một âm điệu hùng tráng xua tan không khí bi lụy trong văn chương lúc bấy giờ gây ra ấn tượng xuất hiện một thứ cột đá chống trời vững chãi, thách thức.
Bài phú viết ra có mục đích tự giới thiệu mà cũng có mục đích ướm hỏi, tìm bạn đồng tâm. Tác giả viết:
“Nay có kẻ: dọc ngang vũ trụ, chế nhạo hồng trần.
Rửa bụng bằng tám chín đầm Vân mộng, làm nhà dưới muôn vạn hác tùng quân”
Người đó ca tụng hòn đá, ca tụng hành động vái đá là vì bản thân có tấm lòng “ba sinh lấp biển”, có sức “một mảnh vá trời” và đã gặp ở đây một người đồng loại.
Bài phú hạn vận Thạch bất năng ngôn tín khả nhân, Phan Bội Châu bỏ vần “nhân” không viết. Nhân là người. Bỏ vần nhân là nói không có người, thiếu người. Làm bài phú, Phan Bội Châu có ý muốn khêu gợi, dò hỏi thái độ các nhà khoa bảng lúc ấy, nhất là thái độ Nguyễn Thượng Hiền là nhà khoa giáp trẻ tuổi có tiếng tăm, nếu tham gia cứu nước thì có ảnh hưởng rất lớn. Nguyễn Thượng Hiền lúc đó mới đỗ Hoàng Giáp, đang ở Huế, thoái thác không chịu ra làm quan, nhưng vừa giao du với những người có tâm huyết vừa say mê Đạo giáo, Phật giáo, thái độ có chỗ chưa rõ rệt. Phan Bội Châu viết:
Chưa nhân trăng để cưỡi beo cọp, đầu thuyền Xích Bích rong chơi
Hãy đón gió mát vái thần tiên, dưới núi Cốc Thành nấn ná.
Tô Đông Pha say mê “kho gió giăng vô tận” mà tìm đến ghềnh đá bên bờ sông Xích Bích mà Trương lương nuôi chí khôi phục nước Hàn cũng bí mật học đạo thuật của Hoàng Thạch Công - thần đá. Cái bên ngoài chưa rõ ràng hay là cái bên trong còn phân vân của Nguyễn Thượng Hiền được đánh một dấu hỏi.
Phan Bội Châu nhờ Đặng Nguyên Cẩn đưa bài phú cho Nguyễn Thượng Hiền. Đọc bài phú, Nguyễn Thượng Hiền trả lời bằng một bài thơ:
Ông già Tương Đương tay thi bá,
Bình sinh có tính hay thích lạ,
Hai tay không vái cửa hầu môn,
Gò mình vào núi lạy viên đá.
Bài phú ai tiếng dậy lừng không,
Khâm hoài lỗi lạc cũng như ông;
Dời non lấp bể chí bình nhật,
Ngòi bút tuôn ra như cầu vồng.
Trời nghiêng, đất ngả dạ không đổi,
Ai cùng ông anh nằm trong núi?
Khí tiết cao thượng có thể vin
Duy cái ngoan ai học không nổi.
Ngậm mây, phun mù nhuận chín châu,
Ngọc ở trong đá ai biết đâu,
Người chẳng thấy: ba quyển Tố thư mở Tiền Hán
Cốc thành đi về trời mù mù?
Nguyễn Thượng Hiền đã phải giải thích thái độ, làm sáng tỏ chỗ còn khó hiểu, tuyên bố học cái ngoan si của đá, làm Trương Lương bí mật chờ thời chứ không làm Tô Đông Pha chơi giăng gió.
Khiếu Năng Tĩnh phê một cách hóm hỉnh, “ông trạng nguyên ngày xưa có bài phú vô tâm (bỏ vần tâm để càng làm rõ cái ý không ước mong không tính toán). Nay quân hầu lại “mục hạ vô nhân (dưới mắt không người: khinh người) đến thế ư? Đáng bật cười!”. Cả Nguyễn Thượng Hiền và Khiếu Năng Tĩnh đều tán thưởng bái phục tác giả bài phú; người thì can thiệp, vận động cho Phan đi thi lại, người thì “tôn Phan làm anh”, đưa tân thư cho Phan đọc. Thế là Phan Bội Châu xếp mình sau người vái đá. Nguyễn Thượng Hiền xếp mình sau Phan Bội Châu và nhiều nhà nho khác xếp hàng sau Nguyễn Thượng Hiền. Vì bội phục tài văn chương, vì bội phục “cái khí lỗi lạc bay ra ở câu văn” (lời Nguyễn Thượng Hiền), họ đi theo Phan Bội Châu vào con đường cứu nước. Cái hùng tráng đã theo bài phú mà tập hợp những người bất khuất lại.
*
*         *
Trong truyền thống văn học của ta từ lâu đã có sẵn hình ảnh người hào kiệt, người trượng phu. Đó là người “nam nhi” trong bài Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, người “anh hùng” trong bài Cảm hoài của Đặng Dung, là hình ảnh con chim bị nhốt vào lồng mà muốn
Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán
Phá vòng vây làm bạn với kim ô
Trong bài Chim trong lồng của Nguyễn Hữu Cầu, là Từ Hải trong Truyện Kiều, là người “trượng phu Kềnh” trong thơ Nguyễn Công Trứ, người “tài tử” trong thơ văn Cao Bá Quát. Không phải bấy nhiêu hình tượng người hào kiệt đều giống nhau, đều cùng loại. Nhưng tất cả đều có một nét chung là đều có chí khí, tài năng, đều có tầm thước phi thường, đều hào hùng khác đời, những hình tượng người phi thường như vậy đều xuất hiện trên cơ sở của một giai đoạn đấu tranh xã hội lớn, phá vỡ kỷ cương, mang nguyện vọng giải phóng của thời đại. Nó biểu lộ cái nguyện vọng sống tự do “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, cái ước mong “thấy con tạo rắp xoau cơn khí số”, nghĩa là nhu cầu thay đổi, phá bỏ trật tự cũ để thực hiện một cuộc đời tốt đẹp hơn, công bằng hơn.
Đầu thế kỷ XX, con người hào kiệt như thế lại xuất hiện trong văn học, không phải chỉ trong văn chương Phan Bội Châu mà cả trong văn chương nhiều nhà nho yêu nước: Phan Chu Trinh, Đặng Thái Thân, Trần Hữu Lực, Hoàng Trọng Mậu… Đó là kết tinh của một phong trào đòi giải phóng mới và báo hiệu một cuộc đấu tranh xã hội mới.
Người hào kiệt đầu thế kỷ XX ra đời trong tình hình phải làm nhiệm vụ cứu nước, vừa phải chống thực dân, vừa phải chống phong kiến. Mang cốt cách ngang tàn tự nhiệm, họ đã ý thức được trách nhiệm làm chủ đất nước, nhưng ý thức được tinh thần làm người dân thì phải qua một quá trình. Cốt cách bất khuất, đặt mình cao hơn xung quanh cho họ sức mạnh cứng cỏi đến sắt đá trước kẻ thù, trước vua chúa nhưng lại làm cho họ xa quần chúgn, khó đứng chung với người dân bình thường. Khi mới bước vào con đường vận động cứu nước, Phan Bội Châu vẫn giữ tư thế người hào kiệt như vậy. Trong bài “Tự ngữ” giữa ta và quốc dân rõ ràng có sự cách biệt lớn
Ôi! Dân nước ta thật lạ thay!
Nhìn anh tôi khóc, anh chẳng xót vay
Nhìn anh tôi cười, anh vẫn chẳng hay
Nhìn anh tôi giận, anh cười hề hề.
Nhìn anh tôi mắng, anh vẫn như ngây.
Anh có nghe
Ngoài cung Tràng An tiếng kèn Tây?
… Trên thành Thăng Long ngựa giặc xéo giày?
(Nguyễn Văn Bách dịch)
Thái độ nhìn từ bên trên như vậy làm cho người hào kiệt không dễ dàng trở thành dân chủ nhưng giữa lúc thất bại, chán nản rời rã hoang mang, công việc cứu nước đầy hiểm nghèo, thì người hào kiệt “chí đã quyết thì Thái sơn cũng chỉ là gò là đống, Bắc hải cũng chỉ là ao là chuôm” (Hiệp Thái Sơn khiêu Bắc hải) là người đủ sức coi thường tính mạng, coi thường khó khăn, nguy hiểm. Chính họ là gương sáng, là chỗ dựa tinh thần, nâng đỡ, lôi kéo những người yếu kém hơn để tập hợp lực lượng. Phan Bội Châu đã bước vào đòi cách mạng với một thái độ hiên ngang coi thường hiểm nguy như thế.
Dù gió ngược mà dòng xuôi, ta sẽ vén xiêm mà sang này! Dô hò khoan.
Dù Pháp, dù Nhật, dù Nga này, có đón dòng mà chặn ngang, ta cũng tìm hỏi bến mà chèo sang này! Dô hò khoan.
Gió to cuồn cuộn này, biển rộng mênh mang, vừa hát vừa cười mà chèo sang này! Dô hò khoan
Biển lớn thênh thênh này, sóng cả mông mênh, cùng lòng chung sức mà chèo sang này! Dô hò khoan.
Hải hồ khoan (Nguyễn Văn Bách dịch)
Người lái cứ chèo. Dầu là “giao long vùng vẫy”, dầu là “đêm tối mịt mù”, dầu là “cả thuyền vô tâm ngủ yên”, “chán nản ngồi nhìn”, dầu là “buồm tan cột gẫy” vẫn cứ “hò hát” lay tỉnh mọi người cùng chèo. Không chỉ là chuyện không sợ sóng gió mà còn là say sưa thi với sóng gió.
Cốt cách hào hùng như thế đã giáo dục cả một thế hệ cách mạng. Nhiều người học trò gần gũi ông không những đã sốgn hào kiệt như ông mà cũng viết như ông:
“Ta chả biết chết là cái gì vậy. Đọc sách năm châu, kết giao vài chục bạn, hoặc đánh bằng lưỡi, hoặc đánh bằng bút, hoặc đánh bằng não, không khăng chỉ độc đánh bằng sắt, thề quyết máu trôi đất nóng, cờ đào rõ mặt giống da vàng”
       Đặng Thái Thân. Cấu đối điếu Tăng Bạt Hổ
                                        (Tôn Quang Phiệt dịch)
Con người hào húng ấy vốn không thể chứa đựng trong quan niệm làm người của Nho gia. Nho gia cũng đề cao một mẫu người đại trượng phu “giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo hèn không làm thay đổi, uy vũ không thể khuất phục”. Nguồn dũng khí của người trượng phu đó là sức mạnh tinh thần của đạo nghĩa: “xét mình có nhân có nghĩa, không có tì vết thì cứ xông thẳng lên”, không kể trước mặt là ai. Nhưng người trượng phu kiểu Nho gia coi cung kính là đức, dám hy sinh để thành nhan, nhưng không tán thành cương cường, vô lễ. Họ anh hùng khi bảo vệ cái cũ, nhưng rụt rè bảo thủ đến ngoan cố khi phá bỏ cái cũ, xây dựng cái mới. Trong lịch sử trước đây vào những lúc gay go, họ phải tiếp thu thêm hoặc là cái phóng khoáng của Đạo gia, hoặc là cái nghĩa hiệp của Mặc gia hoặc là cái cơ trí của Pháp gia - đều là những yếu tố trái với Nho gia - mới có thể thành người hành động mới làm được những công việc táo bạo. Trước nhiệm vụ cứu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nho giáo đã không đủ sức giữ vai trò chỉ đạo hành động. Cho nên con người hào hùng trong văn chương Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân tuy sinh ra trong cửa Khổng sân Trình, căn bản ở những điểm khác vẫn là nhà nho nhưng đã mang nhiều màu sắc phản nghịch, hấp thụ nhiều yếu tố tích cực trong phong trào nông dân mà điển hình là người hảo hán du hiệp, lúc đó có trong thực tế.
Chưa bao giờ Phan Bội Châu phải đoạn tuyệt với Nho giáo cả. Nhưng hút thở không khí của thời đại, Phan Bội Châu đã từ một nhà nho trở thành người hành động. Khi ông chỉ là một người có tư tưởng yêu nước – và duy tân nữa – ông vẫn có thể chấp nhận cả hai mẫu người ẩn dật và trung nghĩa; nhưng khi đã bước vào hành động thì ông thấy ngay chỉ có một thái độ xứng đáng.
Hỏi anh đeo gươm đi đâu đây?
Làm Gia Cát ở Long trung nằm khểnh?
Làm Bá Di ở Bắc hải chờ ngày?
Thời nguy thay! Thế nguy thay!
Nằm khểnh? – Vô ích.
Chờ thời? – Bao ngày?
Trời nghiêng đất đổ.
Đổ lỗi cho ai?
Nước tan chúa mất.
Tránh tội khó thay.
Ca hát, khóc, cười, đều suông cả. Ích gì cho buổi này!
                                                                         (Tự ngữ)
Trong bài Gửi các đồng chi khi Đông du (Cũng có tên là Xuất dương lưu biệt), Phan Bội Châu đã viết về thái độ của “người nam nhi đội trời đạp đất”.
Giang sơn đã chết, sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài.
                                        (Tôn Quang Phiệt dịch)
Hình tượng con người hào kiệt lúc này chưa thể hiện hết những nét mới mẻ trong tư tưởng, tình cảm đã đổi thay theo thời đại. Trong cái vỏ sáo cũ của văn chương cử tử, nó không thể xuất hiện dưới bộ mặt tươi tỉnh, với những nét cụ thể. Nhưng cái mới cũng chỉ có thể xuất hiện trong hình thức sẵn có. Con người hào kiệt phát triển, xa dần tư tưởng Nho gia, mang thêm những nét mới, lợi dụng bút pháp khoa trương, âm điệu hùng tráng của thể phú để thể hiện. Nếu như tài năng chính của Nguyễn Thượng Hiền là thể thơ thì tài năng chính của Phan Bội Châu là ở thể phú. Cái đẹp chính của văn chương Nguyễn Thượng Hiền là tinh tế mỹ lệ, thì cái đẹp chính của văn chương Phan Bội Châu là kỳ vĩ hùng tráng. Con người tinh tế giàu tình cảm của Nguyễn Thượng Hiền thể hiện một cách thoải mái trong thơ cũ, nhưng con người hào hùng của Phan Bội Châu thấy chật chội, phải cựa quậy, xô lệch bớt những chỗ gò bó của cả thể phú làm cho nó có âm hưởng khác.
Con người hào kiệt hình thành ở quãng đầu thế kỷ trong văn chương cử tử là cái lõi của những nhân vật anh hùng thư kiém, lý tưởng của nhiều nhà nho yêu nước duy tân lúc ấy, là bản phác thảo cho loại anh hùng thảo dã như ông Xí, ông Võ, ông Chán trong tiẻu thuyết Trùng Quang tâm sử sau này của ông.
Phần III: Ngôi sao dẫn đường cứu nước và đoàn kết dân tộc

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521168

Hôm nay

2245

Hôm qua

2291

Tuần này

22209

Tháng này

219107

Tháng qua

121009

Tất cả

114521168