An ninh Châu Á nói chung hiện nay bị đe dọa bởi sự phiêu lưu quân sự của Trung Quốc, không chỉ ở Biển Đông đối với Việt Nam và Philippines, mà còn mở rộng tới tận Biên giới Himalaya của Ấn Độ thông qua vùng Tây Tạng do Trung Quốc chiếm đóng. Phiêu lưu quân sự để khẳng định chủ quyền của mình đối với các biên giới có tranh chấp hiện đang là mô thức phổ biến mà Trung Quốc sử dụng.
Ấn Độ có lợi ích chiến lược chính đáng ở Biển Đông bao gồm các yếu tố về chiến lược, chính trị và kinh tế. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ diễn ra ở New Delhi tháng 12 năm 2012, Ấn Độ đã tuyên bố lập trường về tranh chấp Biển Đông phù hợp với quan điểm của cộng đồng quốc tế.
Việc nhắc lại lập trường về xung đột Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Ấn Độ kiên quyết phản đối bất cứ hành động nào của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc. Tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, ông A. K. Antony là một sự tái khẳng định và trấn an, được các nước Đông Nam Á nhiệt tình đón nhận bởi họ xem Ấn Độ là đối trọng khu vực chống lại khuynh hướng bá quyền của Trung Quốc đang áp đặt lên các quốc gia láng giềng ở phía Nam.
Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ về An ninh Biển Đông
Phát biểu trước giới truyền thông ngày 11 tháng 5 năm 2013, bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định một số điểm sau đây:
“Cần đảm bảo tự do hàng hải theo các công ước của Liên Hợp Quốc.”
“Ấn Độ có lợi ích thương mại và mặc dù không phải một bên tranh chấp, nhưng Ấn Độ tin tưởng rằng các tranh chấp cần phải được giải quyết theo luật pháp của Liên Hợp Quốc.”
“Việc bảo vệ các tuyến giao thương trên biển ngày càng trở nên quan trọng. Phát triển kinh tế, hoạt động kinh doanh và thương mại phụ thuộc vào sự an toàn của các tuyến giao thương trên biển.”
Phân tích những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ
Nhìn bề ngoài, phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ không gây nhiều chú ý và không được xem là những tuyên bố mạnh mẽ. Tuy nhiên phát ngôn từ một người khá dè dặt và luôn thận trọng trong lời nói như Bộ trưởng Antony, thì dường như nó hàm chứa rất nhiều thông điệp đối với Trung Quốc về hành động hiếu chiến của nước này trên Biển Đông. Có thể thấy một số tín hiệu chính trị từ những phát ngôn trên.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh đến Công ước của Liên Hợp Quốc và cách thức giải quyết tranh chấp/xung đột dựa trên Luật pháp của Liên hợp quốc (được hiểu là UNCLOS) hoàn toàn nhằm vào quan điểm cứng nhắc của Trung Quốc cho rằng tranh chấp Biển Đông chỉ được giải quyết thông qua “đàm phán song phương” giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác. Đơn giản bởi trong quá trình đàm phán song phương, Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế quân sự để gây sức ép lên các quốc gia nhỏ hơn như Việt Nam và Philippines.
Vì vậy, việc Ấn Độ phản đối lập trường đã tuyên bố của Trung Quốc là đáng chú ý. Đáng chú ý hơn nữa, những phát biểu tương tự mà giới chức Mỹ đưa ra trước đó vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc với lý do can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Mỹ đã phớt lờ những lời than phiền đó. Lần này Ấn Độ cũng gạt bỏ những e ngại khi đề cập đến các vấn đề được coi là nhạy cảm với Trung Quốc.
Hơn nữa, việc Ấn Độ khẳng định tự do hàng hải là phù hợp với các tuyên bố của quốc tế về cam kết “bảo vệ lợi ích chung toàn cầu.” Những quan điểm quốc tế như vậy bao hàm thông điệp đối với Trung Quốc rằng Biển Đông là một di sản thế giới, không thể có câu chuyện “chủ quyền hoàn toàn đối với toàn bộ Biển Đông” như Trung Quốc tuyên bố. Quan điểm của Trung Quốc dường như đang bị thách thức bởi Ấn Độ và phần còn lại của cộng đồng Châu Á.
Bảo vệ các tuyến giao thương trên biển đi qua Biển Đông có thể hiểu rằng Ấn Độ thực sự lo ngại, giống như phần còn lại của thế giới, Trung Quốc có thể đe dọa những tuyến đường biển huyết mạch này và cộng đồng quốc tế phải chủ động ngăn chặn mối đe dọa đó. Liệu chúng ta có thể hiểu phát biểu mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ hàm ý rằng Ấn Độ sẵn sàng tham gia bất kỳ nỗ lực quốc tế để đảm bảo các tuyến đường trọng yếu đi qua Biển Đông luôn rộng mở, không bị Trung Quốc hạn chế hoặc cản trở?
Quan trọng hơn, điều cần lưu ý ở đây là bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đưa ra những phát biểu như trên về Biển Đông.
Những phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ không được đưa ra tại bất kỳ Hội thảo hoặc cuộc thảo luận nào về xung đột Biển Đông, mà là trước giới truyền thông sau buổi lễ chính thức đưa vào phục vụ nhóm máy bay chiến đấu siêu âm đầu tiên trên tàu sân bay, Phi đội MIG 29K tại Goa bao gồm 18 máy bay chiến đấu biên chế cho Hải quân Ấn Độ. Tổng số có 45 chiến đấu cơ siêu âm 29K được mua từ Nga với giá hơn 2 tỷ USD.
Về bối cảnh, những phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ diễn ra trước thềm chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Trung Quốc. Nó trùng với việc các phương tiện truyền thông gần đây đưa tin Ấn Độ đang tăng cường hoạt động giám sát trên biển, năng lực tác chiến cùng cơ sở hạ tầng ở Nam Ấn Độ nhằm mục tiêu bao quát rộng hơn các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương và các mối đe dọa.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cũng cho biết Hàng không Mẫu hạm đầu tiên do Ấn Độ tự đóng sẽ ra mắt vào ngày 12 tháng 8 năm nay và tàu sân bay INS Vikramaditya sẽ được Nga bàn giao trước cuối năm 2013.
Trong một bối cảnh không phải về Biển Đông, nhưng tại cùng một sự kiện và vẫn đề cập về Trung Quốc, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ: “Trung Quốc có quyền nâng cấp, củng cố và tăng cường các phương tiện khác ở đất nước họ, Ấn Độ cũng có quyền phát triển cơ sở hạ tầng riêng của mình” được xem như một sự trấn an.
Lợi ích Thương mại của Ấn Độ ở Biển Đông
Khi đề cập đến lợi ích chiến lược chính đáng của Ấn Độ ở Biển Đông, cần nhớ rằng nhu cầu an ninh năng lượng đã thúc đẩy Ấn Độ tiến tới thiết lập dự án khai thác chung với Việt Nam ở hai lô thăm dò dầu khí số 127 & 128 tại Lưu vực Phú Khánh.
Một số báo giới đã thông tin sai lệch rằng các dự án thăm dò dầu khí của Ấn Độ nằm trong vùng biển tranh chấp. Đó là cách diễn giải của người Trung Quốc. Cần phải làm rõ rằng các dự án thăm dò dầu khí của Ấn Độ mà Trung Quốc phản đối nằm ở các vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam và không thuộc phạm vi thẩm quyền của Trung Quốc. Do đó sự phản đối của Trung Quốc là vô lý căn cứ theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Trung Quốc không có quyền tài phán trên thực tế cũng như về pháp lý đối với toàn bộ Biển Đông. Bằng việc đơn phương tuyên bố Đường Chín đoạn, Trung Quốc không thể yêu cầu tất cả các dự án khảo sát dầu khí quốc tế trong khu vực Biển Đông phải ngừng lại.
Kết Luận
Ấn Độ có thể không phải một bên tranh chấp chủ quyền các đảo ở Biển Đông, nhưng nước này cần lưu ý vai trò của mình như một bên chia sẻ lợi ích chung hợp pháp đối với an ninh và ổn định trên Biển Đông.
Bởi vậy trong bối cảnh trên, Ấn Độ, một cường quốc biển lớn mạnh ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, phải cân nhắc việc không một cường quốc nào kể cả Trung Quốc được phép sử dụng chính sách bên miệng hố chiến tranh hiếu chiến về quân sự để vẽ lại bản đồ nhằm mục tiêu xác lập chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông. Nếu để điều đó xảy ra thì trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ bắt đầu yêu sách một số phần của Ấn Độ Dương với nguyên nhân lịch sử rằng hạm đội của một đô đốc Trung Quốc nào đó từng đi qua những khu vực này hàng thế kỷ trước.
Trước hết, Ấn Độ sẽ không thể một mình thực hiện nhiệm vụ này. Cùng với việc nâng cao sức mạnh trên biển, nước này phải đưa ra tuyên bố chính trị mạnh mẽ hơn nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng quốc tế rằng sự ổn định và an ninh châu Á sẽ bị đe dọa nếu Trung Quốc được phép tự do chèn ép các yêu sách chủ quyền và pháp lý của những nước láng giềng nhỏ bé hơn như Việt Nam và Philippines ở Biển Đông./.
Tác giả là Tiến sĩ Subhash Kapila, thuộc nhóm phân tích Nam Á (SAAG). Bài viết được đăng trên trang Eurasia Review.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông
Người dịch: Tuấn Anh
Hiệu đính: Kim Minh